Cà Mau có bao nhiêu tỉnh?

Khi nói đến Cà Mau, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất tận cùng của Tổ Quốc. Nơi mà ai ai cũng ước muốn được đến một lần trong đời để thấy rằng tỉnh thành cuối cùng này của tổ quốc Việt Nam trông như thế nào? Với ba mặt chủ yếu là tiếp giáp với biển, Cà Mau vừa có những ưu điểm vừa những mối lo ngại trong tương lai. Vậy Cà Mau ở miền nào? Cà Mau có bao nhiêu huyện?

Mục lục

Cà Mau thuộc miền nào

Cà Mau ở miền Nam, nằm trong vùng Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Cà Mau phía đông giáp Biển Đông; phía tây và phía nam giáp Vịnh Thái Lan; phía bắc giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Kiên Giang. Cà Mau 8 huyện, 1 thành phố được chia thành 9 thị trấn, 10 phường và 82 xã.

Cà Mau là tỉnh ven biển tận cùng phía Nam của lãnh thổ Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ. Tỉnh bao gồm phần đất liền thuộc bán đảo Cà Mau và một phần nhỏ ở hải đảo là các đảo: Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Hòn Sao, Hòn Đá Lẻ. Cà Mau là vùng đất mới của Đồng bằng Sông Cửu Long, mặc dù người Việt đã có mặt từ thế kỷ XVII, nhưng đến giữa thế kỷ XVIII, Cà Mau vẫn còn là một huyện của trấn Hà Tiên. Thời Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh có tên là An Xuyên. Tháng 02-1976, tỉnh An Xuyên và một phần tỉnh Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Tháng 11-1996, tách tỉnh Minh Hải thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Cà Mau được nhiều người biết đến như là một vùng sông nước xa xôi, hẻo lánh, nơi có mũi Cà Mau - điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía Nam. Ngày nay, tuy thành phố Cà Mau - tỉnh lỵ của tỉnh - đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những thành phố lớn của miền Tây, tuy nhiên, nhiều huyện khác của Cà Mau như: U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi....vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Người ta có thể hình dung vùng đất này qua tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn bản địa Nguyễn Ngọc Tư. Tỉnh có nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như: Vườn quốc gia U Minh Hạ, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai, sân chim Đầm Dơi, sân chim Chà Là, sân chim Cà Mau.....

Phần lãnh thổ đất liền của tỉnh Cà Mau nằm trong tọa độ từ 8o30' - 9o10' vĩ Bắc và 104o80' - 105o5' kinh Đông; Bắc giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu; phía Đông và Nam giáp biển Đông; phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Tỉnh có điểm cực Nam tại 8o33’ vĩ Bắc (thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển), điểm cực Bắc tại 9o33' vĩ Bắc (thuộc xã Biển Bạch, huyện Thới Bình), điểm cực Đông tại 105o24' kinh Đông (thuộc xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), điểm cực Tây tại 104o43' kinh Đông (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Cà Mau có đường bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước, trong đó có 107 km bờ biển Đông và 147 km bờ biển Tây. Vùng biển của tỉnh rộng trên 71.000 km2, tiếp giáp với vùng biển các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á. Vùng biển Cà Mau có các đảo Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời), Hòn Chuối, Hòn Buông (huyện Cái Nước), thuộc biển Tây; Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) thuộc biển Đông. Hòn Khoai là một cụm đảo gồm 4 đảo: Đồi Mồi, Hòn Sao, Hòn Gò và lớn nhất là đảo Hòn Khoai. Cụm đảo cách đất liền khoảng 18 km, với diện tích xấp xỉ 5 km2.

Thành phố Cà Mau - tỉnh lỵ của tỉnh - nằm trên quốc lộ 1A và quốc lộ 63, cách thành phố Hồ Chí Minh 380 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km. Từ đây có thể dễ dàng đi đến các tỉnh thành khác trong khu vực và các nước lân cận bằng các phương tiện thủy, bộ. Đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau cũng đã được mở rộng và đưa vào sử dụng.

Vị trí địa lý tạo cho Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí; thuận lợi trong giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hoá với các nơi khác; dễ dàng thông thương với các nước trong khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Cà Mau có diện tích tự nhiên là 5.331,7 km2, đứng thứ 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - sau tỉnh Kiên Giang. Địa hình bằng phẳng thuần nhất là đồng bằng, đất đai phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt. Hàng năm ở phía Tây vùng Mũi Cà Mau bồi ra biển trên 50 m. Ngoài biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc.

Địa hình thấp, thường xuyên bị ngập nước, có tới 90% diện tích ngập mặn có chứa phèn tiềm tàng. Năm 1929, một nhà nghiên cứu người Pháp ví đồng bằng Cà Mau là "một trong những bồn trũng có nước đen kịt rỉ ra tứ phía". Các dòng nước đen này cuốn theo những tàn tích thực vật, đem tích tụ tại bờ biển làm cho trầm tích ở đây có màu bột cà phê. Rừng U Minh chiếm phần lớn diện tích bồn trũng này.

Bờ biển phía Tây của tỉnh thấp, có nhiều sú vẹt, hằng năm tiến ra biển khoảng 60 - 80 m. Mũi Cà Mau ở phía Nam nằm giữa hai luồng hải lưu của biển Đông và của vịnh Rạch Giá, thường xuyên được bồi đắp và tiến dần ra biển, hình thành các làng xóm mới. Trước đây, xóm Rạch Tàu là xóm cuối cùng của đất nước thì nay là xóm Mũi, nằm ngay mũi Cà Mau. Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau, từ năm 1930 đến năm 1998, bình quân mỗi năm, diện tích vùng bãi bồi Cà Mau tăng khoảng 136 ha. Ngược lại, bờ biển phía Đông của tỉnh đang bị mài mòn, đặc biệt từ cửa sông Gành Hào xuôi về xóm Rạch Gốc.

Vùng biển Cà Mau có một số đảo gần bờ như: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đá Lẻ thuộc huyện Ngọc Hiển; Hòn Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời. Các đảo này có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối để khai thác kinh tế biển và là điểm tựa tiền tiêu để bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn chung, địa hình Cà Mau thuộc kiểu đồng bằng ven biển với các đảo gần bờ, có điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, vùng có nền đất yếu, khó khăn khi xây dựng các công trình cơ bản. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho phát triển giao thông thủy, nhưng lại khó khăn cho giao thông đường bộ.

Khí hậu Cà Mau thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Một năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26,5oC; nhiệt độ cao nhất vào tháng 4, khoảng 27,6oC; nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25oC. Biên độ nhiệt trung bình trong năm là 2,7oC. Số giờ nắng trung bình trong năm đạt 2.500 giờ, tổng nhiệt độ hàng năm từ 9.500 đến 10.000oC. Lượng bốc hơi trung bình khoảng 1.022 mm/năm, lớn nhất từ tháng 12 đến tháng 4. Độ ẩm trung bình năm khoảng 85,6%, độ ẩm thấp nhất là vào tháng 3, khoảng 80%.

Lượng mưa trung bình năm ở Cà Mau cao nhất so với các nơi khác trong khu vực. Trung bình có 165 ngày mưa/năm, lượng mưa đạt khoảng 2.400 mm. Lượng mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm khoảng 90% tổng lượng mưa cả năm. Từ tháng 8 đến tháng 10 là thời gian mưa nhiều nhất ở Cà Mau. Mưa thường diễn ra theo đợt. Trong mùa mưa, thường có 5 đến 7 đợt mưa gắn liền với thời kỳ diện hội tụ nhiệt đới hoạt động trong khu vực hoặc thời kỳ xuất hiện áp thấp trên biển Đông và di chuyển vào đất liền. Mỗi đợt mưa có thể kéo dài từ 10 đến 25 ngày, lượng mưa mỗi đợt thường từ 150 đến 250 mm. Khác với một số tỉnh (Bạc Liêu, Sóc Trăng...) Cà Mau ít xuất hiện “hạn bà chằn”. Lượng mưa phân bố không đều theo không gian, giảm dần từ Tây sang Đông. Khu vực ven biển phía Tây thường có lượng mưa lớn hơn 2.400 mm, vùng trung tâm khoảng từ 2.200 đến 2.400 mm, khu vực phía Đông có lượng mưa nhỏ hơn 2.200 mm. Thời gian mùa mưa, số ngày mưa và số giờ mưa cũng giảm dần từ Tây sang Đông.

Chế độ gió không bị chi phối bởi địa hình. Hoàn lưu khí quyển tầng thấp đã xác lập chế độ gió của tỉnh. Chế độ hoàn lưu mùa đã quyết định chế độ gió. Mùa khô, hướng gió chủ yếu là hướng Đông và Đông Bắc, vận tốc trung bình là 1,6 - 2,8 m/s. Mùa mưa, hướng gió chủ yếu là hướng Tây hoặc Tây Nam, vận tốc trung bình từ 1,8 - 4,5 m/s. Ngoài chế độ gió do hoàn lưu khí quyển gây ra, ở các vùng cục bộ trong tỉnh còn có chế độ gió địa phương: gió đất, gió biển do sự chênh lệnh về khí áp giữa lục địa và biển trong ngày. Gió địa phương ở ven biển hoạt động khá mạnh giữa thời gian chuyển tiếp ngày và đêm hoặc thời kỳ chuyển tiếp mùa. Ngoài chế độ gió mùa, Cà Mau cũng có khoảng thời gian hay xảy ra dông, bão, gió mạnh cấp 7 - 8, giật trên cấp 10 - 11. Thời gian phổ biến nhất là từ tháng 4 đến tháng 10. Năm 1997, cơn bão số 5 (Linda) đổ bộ vào Bạc Liêu, Cà Mau ngày 02-11 là cơn bão mạnh nhất từ sau năm 1904  đến nay. Tuy sức gió không mạnh (cấp 10 đến 11) nhưng đã gây thiệt hại cực kỳ to lớn về người và của. Số người chết 128, số người mất tích 1.164, số người bị thương 601, số nhà sập 84.059, diện tích lúa bị ảnh hưởng 79.072 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng 94.758 ha. Tổng giá trị thiệt hại 2.712 tỷ đồng. Nhiều cơn bão tuy không đổ bộ trực tiếp vào địa phương, nhưng mỗi khi xuất hiện trên biển Đông hoặc đổ bộ và các vùng khác của nước ta thì Cà Mau thường có mưa. Vùng biển Cà Mau còn xuất hiện vòi rồng với gió xoáy cực mạnh có thể tới 100 m/giây, gây thiệt hại lớn cho những vùng nó đi qua. Vòi rồng thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và mỗi năm khoảng 3 đến 5 lần.

Nhìn chung, khí hậu Cà Mau ổn định quanh năm, không bị ảnh hưởng của lũ và ít có bão. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, đặc biệt là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chế độ gió mùa kết hợp với chế độ thủy triều ven biển tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa, mang lại hiệu quả cao.

Cà Mau là tỉnh có nhiều sông rạch, bắt nguồn từ nội địa chảy ra biển. Tổng chiều dài hệ thống sông, rạch của tỉnh khoảng 7.000 km, mật độ trung bình 1,34 km/km2 với tổng diện tích 15.756 ha, chiếm 3,02% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

- Các con sông đổ ra biển Tây: sông Bảy Háp dài hơn 50 km, ra biển ở cửa Bảy Háp; sông Cửa Lớn nối hai cửa Bồ Đề và Ông Trang dài 58 km, rộng trung bình 200 m; sông Ông Đốc từ ngã ba Tắc Thủ cửa Ông Đốc dài hơn 60 km, lòng rộng hơn 100 m, sâu 3 đến 4 m; sông Cái Tàu dài 43 km, rộng 50 m, từ ngã ba Tắc Thủ đổ ra cửa Tiểu Dừa; sông Trẹm từ ngã ba Cái Tàu chạy theo hướng Bắc qua huyện Thới Bình đổ về tỉnh Kiên Giang, phần thuộc Cà Mau dài 36 km, rộng khoảng 50 m; sông Đồng Cùng dài khoảng 36 km đổ ra cửa Mỹ Bình; sông Bạch Ngưu từ ngã ba Tắc Thủ tới ngã ba Đình - tỉnh Kiên Giang với chiều dài 72 km, phần trên đất Cà Mau khoảng 30 km, rộng từ 30 đến 40 m, sâu từ 2,5 đến 3 m.

- Các con sông đổ ra biển Đông: sông Mương Điều từ Gành Hào qua Đầm Dơi gặp sông Đầm Dơi đổ vào sông Cửa Lớn với chiều dài 45 km, sâu từ 5 đến 6 m, rộng 80 m; sông Gành Hào từ ngã ba Tắc Thủ đổ ra cửa Gành Hào dài 56 km, rộng từ 60 đến 100 m, sâu từ 4 đến 5 m, cửa Gành Hào rộng 300 m, sâu 19 m.

Các con sông này, ngoài việc cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, còn là đường giao thông đi lại khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có các con rạch lớn như: Cái Tàu, Cây Dừa, Cái Đôi, Bà Tranh, Ông Rinh, Biên Nhan....Hệ thống sông rạch chằng chịt thông ra biển, tạo nên hệ sinh thái ven biển đa dạng và phong phú. Đồng thời, các sông rạch này còn mang phù sa bồi đắp hằng năm mở rộng thêm phần đất liền phía Tây từ 80 - 100 m. Ngoài hệ thống sông rạch, Cà Mau còn có nhiều hồ, đầm. Các đầm nhân tạo nằm ven sông, biển là nơi nuôi trồng thủy sản. Đầm tự nhiên rộng lớn nhất là đầm Bà Tường (huyện Cái Nước), ngoài việc cung cấp nguồn thủy sản, còn có tiềm năng du lịch.

Do ba mặt giáp biển nên chế độ thủy văn của hệ thống sông rạch ở Cà Mau chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển. Khu vực gần cửa sông, ảnh hưởng của triều mạnh; càng vào sâu bên trọng, biên độ triều càng giảm; vận tốc lan triều trên sông rạch tương đối nhỏ. Điều này gây khó khăn trong việc tiêu úng vào mùa mưa và cấp thoát nước cho các vùng nằm sâu trong nội địa. Thành phố Cà Mau thường xuyên bị ngập quanh năm do ảnh hưởng của triều cường.

Đầu tháng 07-2009,  do ảnh hưởng bão số 4, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cộng với triều cường nước sông lên cao làm cho 25.118 ha lúa hè thu và hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, hàng ngàn ha tôm cá nuôi bị tràn bờ, 11 tàu khai thác thủy sản bị chìm và nhiều nhà dân bị sập và tốc mái, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân.

Chế độ thủy triều của tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều ở biển Đông và chế độ nhật triều không đều ở biển Tây. Biên độ triều ở biển Đông khá lớn, khoảng 300 - 350 cm vào các ngày triều mạnh và từ 180 - 220 cm vào các ngày triều yếu. Triều biển Tây yếu hơn, biên độ mạnh nhất chỉ khoảng 100 cm. Chế độ thủy triều đưa nguồn nước biển vào trong nội địa, tạo ra môi trường sinh thái để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do chế độ thủy triều chênh lệch của hai vùng biển, nên gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước vào mùa mưa ở các "vùng giáp nước". Mùa gió chướng có thể gây ra hiện tượng nước mặn tràn sông vào nội đồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và giao thông.

Các nguồn cung cấp nước trên địa bàn tỉnh:

- Nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về qua các con kênh: Quản Lộ - Phụng Hiệp, Chắc Băng, Bạch Ngưu....phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất ở các huyện phía Bắc tỉnh như: huyện Thới Bình, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.

- Nguồn nước mưa là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho cây trồng, nuôi trồng thủy sản nước ngọt và một phần cho sinh hoạt. Hiện nay, tại các huyện vùng sâu của tỉnh, người dân thường trữ nước mưa để dùng vào mùa khô.

- Nguồn nước mặn rất dồi dào, là lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Cần làm tốt công tác thủy lợi để điều tiết hiệu quả nguồn nước này phục vụ các vùng nuôi trồng thủy sản.

- Nguồn nước ngầm: theo kết quả điều tra của Liên đoàn Bản đồ và Địa chất miền Nam, tổng lượng nước ngầm có thể khai thác ở Cà Mau là 176.330 m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho các khu dân cư, đô thị, đặc biệt là thành phố Cà Mau.

Vấn đề đặt ra cho Cà Mau là khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hướng phát triển của từng vùng, từng địa phương và từng giai đoạn. Tránh gây ô nhiễm môi trường nước từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Mũi Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Cà Mau có diện tích đất tự nhiên lớn, 5.331,7 km2, đứng thứ 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang. Đất Cà Mau rất giàu khoáng tự nhiên và mùn, vật liệu bồi tụ phần lớn giàu sét và cát mịn. Thành phần cơ giới chủ yếu là đất thịt nặng. Quá trình hình thành đất chịu ảnh hưởng của biển, thông qua hệ thống lạch chuyền triều đã làm cho một diện tích lớn của tỉnh bị nhiễm mặn. Tiếp đó là nhân tố địa hình, khí hậu, sinh vật đã tham gia tích cực trong việc hình thành đất phèn, đất than bùn phèn và sau cùng là nhân tố con người.

Đất đai Cà Mau chia thành 4 nhóm chính như sau:

- Nhóm đất mặn chiếm khoảng 39,4% diện tích tự nhiên của tỉnh; phân bố chủ yếu ở các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và thành phố Cà Mau. Trong đó, chủ yếu là đất mặn ít, có thể sản xuất 1 - 2 vụ lúa trong năm, trồng cây lâu năm, hoặc nuôi tôm vào mùa khô, trồng lúa 1 vụ vào mùa mưa.

- Nhóm đất phèn chiếm khoảng 54,6% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất phèn tiềm tàng chiếm khoảng 36,6% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước. Còn lại là đất phần hoạt động, phân bố rải rác ở nhiều nơi.

- Nhóm đất phèn nhiễm mặn, phân bố ở những vùng ven biển, chiếm khoảng 3,8% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Loại đất này thích hợp trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi thủy sản.

- Nhóm đất còn lại chiếm khoảng 2,2% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất lầy và than bùn phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời; đất bãi bồi và đất khác phân bố ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Cái Nước và Phú Tân.

Bảng thống kê hiện trạng sử dụng đất của tỉnh Cà Mau năm 1997 và 2003

Tổng diện tích

(nghìn ha)

Đất đã sử dụng

Đất chưa sử dụng và sông suối núi đá

Đất nông nghiệpĐất lâm nghiệp có rừngĐất chuyên dùngĐất ởDiện tích

(nghìn ha)

Tỷ lệ

%

Diện tích

(nghìn ha)

Tỷ lệ

%

Diện tích

(nghìn ha)

Tỷ lệ

%

Diện tích

(nghìn ha)

Tỷ lệ

%

Diện tích

(nghìn ha)

Tỷ lệ

%

1997521,1349,36795,318,314,72,85,31,056,510,92003521,1337,764,8121,523,318,93,65,81,137,27,1

Nguồn: Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam - Tập 6 - Trang 152 - NXB Giáo dục - 2006


Bảng thống kê hiện trạng sử dụng đất của tỉnh Cà Mau thời điểm 01-01-2007

Danh mụcTổng diện tích

(nghìn ha)

Đất nông nghiệp

(nghìn ha)

Đất lâm nghiệp

(nghìn ha)

Đất chuyên dùng

(nghìn ha)

Đất ở

(nghìn ha)

Cả nước33.121,29.436,214.514,21.433,5611,9Đồng bằng Sông Cửu Long4.060,42.567,3349,0224,9109,3Cà Mau533,2142,1104,420,46,7

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chim rừng Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Theo kết quả điều tra tài nguyên rừng năm 1999, tổng diện tích đất rừng ở tỉnh Cà Mau là 121,5 nghìn ha; trong đó, rừng tự nhiên là 32,5 nghìn ha, rừng trồng là 89 nghìn ha. Tổng trữ lượng rừng toàn tỉnh là 2.205701 m3, trong đó rừng tràm là 1.435.757 m3, rừng ngập mặn là 769.994 m3. Ngoài ra, trên các hòn đảo ngoài biển cũng có rừng, diện tích khoảng 583 ha, trữ lượng khoảng 50.520 m3. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2007, tổng diện tích rừng của tỉnh Cà Mau là 96,3 nghìn ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 8,9 nghìn ha, diện tích rừng trồng là 87,4 nghìn ha. Từ đó có thể thấy, diện tích rừng của tỉnh đã giảm mạnh sau 8 năm, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Nét đặc trưng cơ bản của rừng Cà Mau là có hệ sinh thái rừng ngập nước nằm sâu trong nội địa. Hệ sinh thái rừng ngập nước Cà Mau có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ và rừng ngập mặn.

- Rừng ngập lợ: là thảm rừng hỗn giao được hình thành trên địa bàn ngập úng trong mùa mưa. Thời gian ngập từ 4 đến 5 tháng, bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 đến tháng 12, tháng 1 năm sau. Độ ngập sâu thường từ 0,6 đến 1 m. Thảm rừng hỗn giao này gồm một số loài cây có số lượng chiếm ưu thế: tràm, choại, sậy, năng... Loại rừng này tập trung ở Vườn quốc gia U Minh Hạ. Hệ sinh thái này tạo ra tiềm năng để phát triển sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt đa dạng.

- Rừng ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rừng đước Năm Căn và rừng Sác ven biển, chiếm khoảng 77% diện tích rừng ngập mặn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có vai trò phát triển nuôi trồng thủy sản và cân bằng sinh thái. Thảm rừng này phát triển mạnh trở thành những cánh rừng cổ thụ nhờ lớp bồi tụ dày, màu mỡ, nhờ khí hậu xích đạo nóng ẩm quanh năm. Trong rừng có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng ngập mặn Cà Mau đã có thời đứng hàng thứ hai trên thế giới về diện tích.

Diện tích rừng ở Cà Mau giảm nhanh trong những năm gần đây chủ yếu do khai thác để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng 10 năm (1985 – 1995), gần 50 ngàn ha rừng ngập mặn của tỉnh đã bị phá trụi. Điều đáng báo động là nạn tàn phá rừng diễn ra phức tạp và không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Hiện nay, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn Năm Căn, Ngọc Hiển, khu vực cồn Ông Trang... là những điểm nóng tập trung nạn phá rừng. Trong gần 6 tháng đầu năm 2009, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương có rừng phát hiện, xử lý 343 vụ vi phạm lâm luật, phá hủy hàng trăm lò hầm than trái phép trên khu vực rừng. Tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2009, kiểm lâm đã phát hiện xử lý 70 vụ vi phạm lâm luật, nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều và lâm tặc cướp phá tài nguyên rừng bằng những hình thức hết sức tinh vi, chưa có dấu hiệu dừng lại. Điểm nóng phá rừng hiện nay là khu vực cồn cát Trảng Sáo, cồn Ông Trang xã Viên An. Nếu Cà Mau không có biện pháp xử lý, e rằng trong những năm tới đây, diện tích rừng của tỉnh sẽ thu hẹp nhiều hơn nữa.

Cà Mau có bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Vùng biển của tỉnh rộng 71.000 km2, độ sâu trung bình từ 30 đến 35 m. Vùng biển Cà Mau có nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Hải sản ở đây có trữ lượng lớn và phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú. Trữ lượng cá ước tỉnh khoảng 320 nghìn tấn cá nổi, 530 nghìn tấn cá đáy với 661 loài, 319 giống thuộc 138 họ. Vùng mặt nước ven biển có thể nuôi các loại thủy sản có giá trị xuất khẩu cao như: nghêu, sò huyết, tôm sú....

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2007, tỉnh Cà Mau có 279,2 nghìn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản năm 2007 của tỉnh đạt 296.187 tấn, chiếm 12,5% sản lượng thủy sản của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đứng thứ 3 ở khu vực, sau tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang. Tuy nhiên, do sự khai thác không tính đến việc bảo tồn, nguồn tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bi hủy diệt. Hiện nay, tại các cửa biển Cà Mau đang hình thành kiểu đánh bắt bằng xung điện có dòng điện lớn, đủ khả năng diệt sạch các loại cá, tôm và ấu trùng. Cách khai thác nguy hại này đang ngày một phát triển, công suất điện ngày một gia tăng và phạm vi đánh bắt ngày càng lan rộng. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ suy giảm nguồn thủy sản do đánh bắt không khoa học, việc phá vỡ thảm cỏ biển, rong biển, môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học đáy biển là hiểm họa khó lường. Nếu điều này không được chấn chỉnh thì vùng biển Cà Mau sẽ cạn kiệt tài nguyên.

Vùng đất liền của Cà Mau ít có khoáng sản, ngoài than bùn ở rừng U Minh Hạ. Than bùn U Minh có thể sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm khác. Nhưng do rừng bị cháy nhiều lần, nên diện tích vùng rừng có than bùn đã giảm đi đáng kể, từ 10.000 ha ngày trước, nay chỉ còn 5.000 - 6.000 ha rừng có tầng than bùn dày.

Dọc thềm lục địa và ngoài khơi vùng biển Cà Mau có nhiều mỏ khí đốt, có triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo dự đoán, trữ lượng khí đốt ở vùng biển Cà Mau đạt khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỉ m3/năm. Nhà máy khí điện đạm Cà Mau và khu công nghiệp Khánh An đang được xây dựng, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự chuyển biến mới để phát triển công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc hình thành tam giác kinh tế Cần Thơ - Cà Mau - Rạch Giá ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cà Mau là vùng đất tận cùng cực Nam của tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi với rừng và biển, khí hậu ôn hoà, ổn định quanh năm, tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tỉnh nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mêkông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá nền kinh tế, du lịch Cà Mau đang từng ngày vươn xa hơn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cà Mau ngày càng tăng. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn, các điểm du lịch mới không ngừng được đưa vào hoạt động. Năm 2000, số lượng du khách đến Cà Mau đạt 99.602 lượt người, tăng gấp 2 lần năm 1995; trong đó, khách quốc tế là 4.000 lượt người. Năm 2003, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 224.500 người, trong đó khach trong nước chiếm 97,5%, khách nước ngoài chiếm 2,5%. Tổng doanh thu du lịch năm 2000 đạt 77,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 1995; năm 2003 đạt 120 tỷ đồng. Năm 2005, lượng khách đến tỉnh Cà Mau đạt 353.569 lượt; trong đó khách quốc tế 9.364 lượt; doanh thu 73,483 tỷ đồng. Năm 2008, lượng khách đến Cà Mau khoảng 670.000 lượt người; trong đó khách quốc tế là 16.000 lượt; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 170 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2007. Bảy tháng đầu năm 2009 có 384.450 lượt khách đến Cà Mau, trong đó có 154.410 lượt khách lưu trú.

Định hướng phát triển du lịch ở Cà Mau là tập trung theo hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thành một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh. Theo chương trình phát triển tổng thể du lịch Cà Mau giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái vườn quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch Cụm đảo Hòn Khoai; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước; trong đó tập trung bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hoá sinh thái đặc thù của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010, Cà Mau sẽ đón 796.000 lượt khách, với doanh thu từ du lịch đạt 145 tỷ đồng. Biện pháp trước mắt để khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch H1N1, Cà Mau sẽ chủ động thúc đẩy xúc tiến du lịch và nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng của đất và con người Cà Mau.

Các tuyến điểm du lịch hiện nay:

- Tuyến Cà Mau - bãi biển Khai Long - cụm đảo Hòn Khoai

- Tuyến Cà Mau - Đất Mũi - Cồn Ông Trang - Khu đa dạng sinh học lâm ngư trường 184

- Tuyến Cà Mau - Rạch Gốc - cụm đảo Hòn Khoai

- Tuyến Cà Mau - Khu công nghiệp mới - Vồ Dơi - Đá Bạc

- Tuyến Cà Mau - Khánh An - Lâm trường U Minh II - Khánh Hoà - U Minh.

Đảo Hòn Khoai - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Vườn quốc gia U Minh Hạ

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Sân chim Chà Là

Sân chim Cà Mau

Sân chim Đầm Dơi

Sân chim Ngọc Hiển

Lâm trường 184

Bãi biển Khai Long

Cồn Ông Trang

Đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Đá Bạc

Làng rừng Khánh Bình Tây

Chùa Munivongsabophavam - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đình Tân Hưng

Chùa Monivongsa Bopharam

Di tích Hồng Anh Thư Quán

Chùa Quan Âm

Lăng Ông Nam Hải

Chùa Bà Thiên Hậu

Ba khía Rạch Gốc
Lẩu mắm
Hàu tái mù tạt
Ốc len xào nước dừa

Thành phố Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Hiện nay, Cà Mau có 9 đơn vị hành chính trực thuộc là: thành phố Cà Mau - tỉnh lỵ của tỉnh, huyện Thới Bình, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân, huyện Cái Nước, huyện Đầm Dơi, huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển. Trong đó, huyện Đầm Dơi có diện tích lớn nhất, thành phố Cà Mau có diện tích nhỏ nhất. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã tại thời điểm 31-12-2007 là 97, trong đó có 8 phường, 8 thị trấn và 81 xã.

Các cơ quan quản lý cao nhất của tỉnh hiện nay là: Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND):

- Tỉnh ủy là cơ quan đại diện cho đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh. Đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy. Quyền hạn và trách nhiệm được quy định theo Điều lệ đảng. Bí thư tỉnh ủy hiện nay là ông Nguyễn Tuấn Khanh. Ông Khanh được Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm vai trò Bí thư tỉnh ủy Cà Mau vào ngày 09-09-2008 thay thế cho ông Võ Thanh Bình. Ông Bình trước đó từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau. Năm 2008, do bê bối trong vụ nhận và nộp tiền chạy chức của cán bộ, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định cho ông Bình thôi giữ chức Bí thư tỉnh ủy Cà Mau.

HĐND theo quy định là cơ quan quyền lực nhân dân trong tỉnh, được bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau hiện nay là ông Lê Hồng My. Ông My trước đó là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau trong kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh diễn ra ngày 02-01-2009, thay thế cho ông Võ Thanh Bình. HĐND họp mỗi năm 2 kỳ, tại các kỳ họp này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề quan trọng của tỉnh. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, đồng thời chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

UBND do Hội đồng nhân dân chọn ra, có trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá....của tỉnh nhà. Đứng đầu UBND là Chủ tịch và các phó Chủ tịch, bên dưới là các Sở ban ngành quản lý từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Bùi Công Bửu.

Là một trong 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, Cà Mau được khai khẩn muộn hơn so với các tỉnh trong khu vực. Đầu thế kỷ XVII, vùng đất Cà Mau dân cư vẫn thưa thớt, đất đai còn hoang vu. Đến cuối thế kỷ XVII, người Việt đã có mặt ở vùng đất này. Năm 1680, một số ấp ở ven sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Gành Hào được hình thành. Thời Mạc Cửu, Cà Mau là 1 trong 7 xã đầu tiên được lập nên ở trấn Hà Tiên. Năm 1757, Mạc Thiên Tứ lập đạo Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên. Năm 1804, đạo Long Xuyên thuộc dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808, đạo Long Xuyên đổi thành huyện Long Xuyên, dinh Vĩnh Thanh. Năm 1810, huyện Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép: "Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn".

Ngày 15-06-1867, Pháp thành lập hạt Cà Mau gồm địa bàn huyện Long Xuyên cũ. Ngày 01-08-1877, giải thể hạt Cà Mau, nhập vào địa bàn hạt Rạch Giá. Vì địa bàn xa cách, nên người Pháp lập khu vực này thành Circonsciption administrative de Cà Mau, cử Phủ U coi về hành chính, dân chúng quen gọi là huyện Cà Mau. Năm 1903, huyện Cà Mau tách khỏi Rạch Giá, trở thành đại lý hành chính của tỉnh Bạc Liêu. Năm 1911, Toàn quyền Đông Dương ký quyết định nâng đại lý hành chính Cà Mau thành quận Cà Mau, gồm có:

- Tổng Quảng Long có 5 làng

- Tổng Quảng Xuyên có 9 làng

- Các làng Tân Lộc, Tân Lợi, Tân Phú, Thới Bình của tổng Long Thủy.

Năm 1924, tách đất tổng Long Thủy, lập thêm quận mới Long Thới, tách đất tổng Quảng Xuyên, lập thêm quận mới Quảng An. Ngày 05-10-1927, tách tổng Long Thủy và Quảng Long khỏi quận Cà Mau để lập quận mới Giá Rai. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến ngày 24-09-1938, quận Cà Mau còn lại 2 tổng:

- Tổng Long Thới có 5 làng

- Tổng Quảng An có 4 làng

Ngày 09-03-1956, theo Sắc lệnh 32/VN, chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau, quận Quảng Xuyên và 4 xã của quận Giá Rai: Định Thành, Hoà Thành, Tân thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, chưa kịp sắp xếp các đơn vị hành chính trực thuộc, ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 143/VN giải thể tỉnh Cà Mau thành lập tỉnh An Xuyên, tỉnh lỵ là Quảng Long, gồm 6 quận:

- Quận Quảng Long có 4 xã

- Quận Cái Nước có 6 xã

- Quận Đầm Dơi có 4 xã

- Quận Năm Căn có 2 xã

- Quận Thới Bình có 4 xã

- Quận Sông Ông Đốc có 3 xã

Năm 1976, tỉnh An Xuyên hợp nhất với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải, gồm thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau và 7 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển.

Ngày 11-07-1977, Hội đồng chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành. Các xã của huyện này được nhập vào các huyện Giá Rai, Trần Văn Thời và Thới Bình. Ngày 29-12-1978, Hội đồng chính phủ ra quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới: Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Số huyện trong tỉnh tăng lên 12 huyện.

Ngày 30-08-1983, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 94-HĐBT giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước. Tỉnh còn lại 2 thị xã và 11 huyện. Ngày 17-05-1984, Hội động Bộ trưởng ra nghị định số 75-HĐBT đã đổi tên thị xã Minh Hải là thị xã Bạc Liêu. Hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lấy tên là huyện Hồng Dân. Hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước.

Ngày 17-12-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 168/HĐBT đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển (mới), đồng thời đổi tên huyện Ngọc Hiển (cũ) thành huyện Đầm Dơi. Chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Lúc này, tỉnh Minh Hải có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị xã Cà Mau, thị xã Bạc Liêu và 9 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

Ngày 06-11-1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Tỉnh Cà Mau có 6 đơn vị hành chính gồm: thị xã Cà Mau và 5 huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình; có diện tích 5.204,41 km2, với số dân 1.067.925 người. Tỉnh lỵ là thị xã Cà Mau.

Ngày 14-04-1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 21/1999/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Cà Mau, thuộc tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập thành phố Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cà Mau. Thành phố Cà Mau có 24.580,33 ha diện tích tự nhiên và 176.848 nhân khẩu, gồm 15 đơn vị hành chính cơ sở là các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và các xã: An Xuyên, Tân Thành, Tắc Vân, Định Bình, Hoà Thành, Lý Văn Lâm và Hoà Tân.

Ngày 17-11-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP, về việc thành lập các huyện Năm Căn và Phú Tân, tỉnh Cà Mau như sau:

- Thành lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu của huyện Cái Nước. Huyện Phú Tân có 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm.

- Thành lập huyện Năm Căn trên cơ sở 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu của huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn có 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông và thị trấn Năm Căn.

Đến đây, tỉnh Cà Mau có 9 đơn vị hành chính như hiện nay, gồm: thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời, huyện Cái Nước, huyện Phú Tân, huyện Đầm Dơi, huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển.

Cà Mau là tỉnh "đất rộng người thưa", nằm ở tận cùng của đất nước, dân cư được hình thành muộn và chủ yếu là dân di cư từ vùng khác đến. Năm 1995, dân số toàn tỉnh là 1.041.800 người. Năm 2000, dân số tỉnh tăng thêm 102.600 người, đạt quy mô 1.144.400 người. Năm 2004, dân số Cà Mau ở mức 1.198.100 người, là tỉnh có dân số tương đối trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2007, dân số Cà Mau là 1.241.000 người, đứng thứ 8 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; mật độ dân cư là 233 người/km2, thấp nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Dân số Cà Mau tăng chủ yếu do tăng tự nhiên. Từ sau 1975, Cà Mau gia tăng dân số nhanh. Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ tăng dân đã giảm. Trước năm 1993, gia tăng trung bình hàng năm thường trên 2,5%, trong đó gia tăng tự nhiên hơn 2,2%. Từ năm 1996 đến nay, mức gia tăng dân số tự nhiên giảm dần: 1996 là 1,99%, 1997 là 1,92%, 1998 là 1,87%, 1999 là 1,82%. Gia tăng tự nhiên giảm do tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh toàn tỉnh năm 1997 là 2,4%, 1998 là 2,40%, năm 1999 là 2,35%. Gia tăng dân số tự nhiên không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Năm 1999, thấp nhất là thành phố Cà Mau 1,74%, cao nhất là huyện Trần Văn Thời 1,89%.

Dân cư Cà Mau phân bố không đều giữa nông thôn và thành thị, thậm chí còn có sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn với nhau. Thành phố Cà Mau có mật độ dân cư cao nhất tỉnh, năm 2003 là 790 người/km2; kế đến là huyện Cái Nước, 346 người/km2; huyện Trần Văn Thời là 271 người/km2. Hai huyện U Minh và Ngọc Hiển có mật độ dân cư thấp nhất. Năm 1991, mật độ dân số trung bình ở hai huyện này khoảng 70 - 80 người/km2. Đến năm 2003, mật độ dân số của huyện U Minh là 119 người/km2 và huyện Ngọc Hiển là 105 người/km2, chủ yếu do dân di cư vào khai thác rừng và nuôi tôm.

- Xét theo độ tuổi, Cà Mau là tỉnh có dân số trẻ. Năm 2003, số người trong độ tuổi dưới 15 là 36,2%, độ tuổi 15 - 59 là 58,4%, từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 5,4%. So với mức trung bình của cả nước và Đồng bằng Sông Cửu Long, Cà Mau có tỷ lệ người trong độ tuổi dưới 15 cao hơn, song tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và trên 60 tuổi lại thấp hơn.

- Xét về giới tính, dân số Cà Mau có nữ nhiều hơn nam. Năm 2003, nữ giới chiếm 50,9% dân số toàn tỉnh. Năm 2007, dân số nữ của Cà Mau là 628.900 người, chiếm 50,67% dân số của tỉnh. Như vậy, khoảng cách chênh lệch nam nữ đã được rút ngắn. Thành phố Cà Mau có tỷ lệ nữ trong dân số cao nhất tỉnh - 52%, kế đến là các huyện Cái Nước, Phú Tân và Trần Văn Thời - trên 51% - số liệu năm 2003.

- Về dân tộc, Cà Mau là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Khmer, Hoa, Tày, Thái, Mường, Chăm, Nùng...Trong đó, người Kinh đông nhất chiếm 97,2%, người Khmer chiếm 1,86%, người Hoa chiếm 0,95% tổng số dân toàn tỉnh - số liệu của năm 2003.

+ Người Kinh cư trú ở tất cả các địa phương trong tỉnh, hoạt động kinh tế tương ứng với mỗi địa bàn nhất định. Ở vùng nội địa, người Kinh gắn liền với mô hình lúa 1 đến 2 vụ kết hợp vườn, rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt, khai thác cá nước lợ, kết hợp làm một số mặt hàng thủ công. Ở thành phố, thị trấn người kinh thường hoạt động buôn bán, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ... ở vùng ven biển người Kinh thường hoạt động nuôi thả khai thác thủy sản, thu nhập thường ở mức trung bình.

+ Người Khmer cư trú trên tất cả các huyện thị trong tỉnh, nhưng tập trung ở các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, Đầm Dơi. Người Khmer thường sống tập trung ở một số khóm, ấp riêng hoặc sống xen với người Kinh, người Hoa. Ở vùng nông thôn, người Khmer thường độc canh cây lúa. Thu nhập bình quân thường khá thấp.

+ Người Hoa cư trú ở nhiều địa bàn trong tỉnh, tập trung đông hơn là thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước, huyện Trần Văn Thời, huyện Ngọc Hiển. Hoạt động kinh tế của người Hoa thiên về buôn bán, sản xuất công nghiệp, thủ công (ở thành phố, thị trấn). Ở nông thôn người Hoa thường thâm canh cây lúa kết hợp với làm rẫy, chăn nuôi... thiên về sản xuất nông phẩm hàng hoá. Thu nhập của người Hoa thường là khá, số gia đình giàu nhiều.

- Về độ tuổi lao động, nguồn lao động của tỉnh dồi dào và thường xuyên gia tăng do dân số trẻ. Năm 1997, số người trong độ tuổi lao động (tính từ 15 đến 59 tuổi) của tỉnh là 594.200 người, chiếm 55% dân số; năm 2002, con số này là 657.000 người; năm 2003, con số này là 690.600 người, chiếm 58% dân số toàn tỉnh. Năm 2003, số lao động có việc làm là 609.000 người, chiếm 88,2% số người trong độ tuổi lao động. Phần lớn lao động Cà Mau hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 86,4% số lao động năm 2000, trong khi đó, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 4,4% và ngành Thương mại - Dịch vụ là 9,2%. Những năm gần đây, cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng dần lao động dịch vụ. Năm 2003, lao động nông nghiệp chiếm 83%, lao động công nghiệp chiếm 4%, lao động dịch vụ chiếm 13%. Về chất lượng lao động, theo kết quả điều tra dân số - lao động - việc làm năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của Cà Mau là 9,9%, trong khi ở Đồng bằng Sông Cửu Long là 13,4% và cả nước là 21,2%. Người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chỉ đạt 0,6%.

Cà Mau là tỉnh vùng sâu vùng xa, từ xưa đến nay, vùng đất này luôn nằm ở vị trí thấp nhất trong bản đồ giáo dục cả nước. Số học sinh phổ thông năm 1991 là 1632 học sinh/1 vạn dân, năm 1995 là 1758 học sinh/1 vạn dân, năm 2003 là 2420 học sinh/1 vạn dân. Năm học 2002 - 2003, tổng số học sinh phổ thông các cấp của tỉnh là 280.000 em, tăng trên 80.000 em so với năm học 1995 - 1996.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 30-09-2007, toàn tỉnh Cà Mau có 393 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 6 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tổng số học sinh phổ thông tại thời điểm 31-12-2007 là 206.201 em, trong đó, cấp tiểu học là 113.147 em, cấp trung học cơ sở là 65.884 em, cấp trung học phổ thông là 27.170 em. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy tại thời điểm 31-12-2007 là 11.034 người, trong đó, giáo viên tiểu học là 5.813 người, giáo viên trung học cơ sở là 3.963 người, giáo viên trung học phổ thông là 1.258 người.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2006 - 2007 là 78%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (80,62) và cả nước (80,42%). Theo tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 - 2009 của tỉnh là 82,24%, tăng 9,24% so với năm 2008 và cao hơn so với tỷ lệ 80% của cả nước. Năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh có 7.391 thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có 19 em đỗ loại giỏi, 362 em đạt loại khá. Nhiều trường có tỷ lệ đỗ rất cao: trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 100%, kế đó là Trường THPT Đầm Dơi với 98,64%, trường có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Trường THPT Lê Công Nhân (huyện Thới Bình) với 53,28 %. Ở khối giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hiển có tỷ lệ đỗ cao nhất với 25,45%.

Tỉnh Cà Mau đã hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1998. Số trẻ em đủ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 96,7%. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc tiểu học năm học 2002 - 2003 là 2%. Riêng lĩnh vực phổ cập trung học cơ sở, tỉnh Cà Mau có nhiều tai tiếng. Năm 2005, sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau cho biết tỉnh này đã có 76/89 xã, phường, thị trấn và 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS) và đến cuối năm 2005, Cà Mau sẽ cố gắng để đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho biết, con số này được xây dựng dựa trên sự gian lận của những cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên nhiều trường. Các kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở (THCS) diễn ra năm 2005 trên địa bàn tỉnh đều có gian lận. Điển hình là kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THCS ngày 25 và 26-05-2005 (trùng với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông THCS), Hội đồng thi đặt tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước phải huy động học sinh lớp 8 thi hộ (vì học sinh lớp 9 phổ thông của trường đang bận thi tốt nghiệp cho bản thân mình). Kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THCS diễn ra vào ngày 20 và 21-08-2005 thì bị dư luận phát hiện nhiều điều không bình thường: rất nhiều thí sinh vừa rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THCS ngày 25 và 26-05 vừa qua, chưa học đúng và đầy đủ chương trình vẫn được ngành giáo dục cho phép dự thi, nhiều nơi thầy giáo còn nhờ học sinh học các trường trung học cơ sở vào phòng thi để thi giùm cho các học viên bổ túc nhằm chạy nước rút đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS vào cuối năm 2005.

Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh có  các trường: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Cộng đồng, Trung cấp văn hoá nghệ thuật, Trung cấp kinh tế kỹ thuật. Năm 2007, toàn tỉnh có 124 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp với 2629 học sinh, 49 giáo viên Cao đẳng với 776 sinh viên, thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Năm 2003, toàn tỉnh có 92 cơ sở y tế, trong đó có 9 bệnh viện, 18 phòng khám đa khoa khu vực, 1 bệnh viện điều dưỡng và 64 trạm y tế xã phường. Tổng số giường bệnh là 2.094 giường, trong đó bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau có quy mô 600 giường. Toàn tỉnh có 40 dược sĩ cao cấp, 1710 bác sĩ, y sĩ và kỹ thuật viên, 100% trạm y tế xã trong tỉnh đều có bác sĩ.

Năm 2007, toàn tỉnh có 117 cơ sở y tế, trong đó có 12 bệnh viện, 9 phòng khám khu vực, 1 bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, 96 trạm y tế xã phường. Tổng số giường bệnh trực thuộc sở Y tế tỉnh là 2.512 giường, trong đó có 1895 giường ở các bệnh viện, 180 giường ở các phòng khám đa khoa, 50 giường ở bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, 377 giường ở các trạm y tế phường xã. Tổng số cán bộ y tế là 2334 người, trong đó có 576 bác sĩ, 1383 y sĩ, 133 y tá và 242 nữ hộ sinh.

Theo thông tin trên báo Nhân dân, tại thời điểm tháng 05-2009, Cà Mau có 595 người đạt trình độ bác sĩ, trong đó bác sĩ chuyên khoa cấp 2 gồm năm người, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 gồm 207 người, thạc sĩ - bác sĩ 8 người và bác sĩ 375 người. Tỉnh hiện có 26 người đạt trình độ dược sĩ gồm: một dược sĩ chuyên khoa cấp 2, hai dược sĩ chuyên khoa cấp 1, ba thạc sĩ - dược sĩ và 20 dược sĩ đại học. Ngoài ra, còn có 34 cử nhân y khoa và 48 người tốt nghiệp các trường đại học khác đang công tác trong ngành y... Tuy nhiên, bác sĩ và dược sĩ phân bố không đều giữa các tuyến trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh và huyện, tuyến cơ sở không đáng kể. Ðến đầu năm 2009, tuyến tỉnh có 367 bác sĩ, 24 dược sĩ; tuyến huyện có 131 bác sĩ, 2 dược sĩ; tuyến xã có 97 bác sĩ nhưng không có dược sĩ.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và tay nghề cao cho các tuyến, ngành y tế Cà Mau đã hoàn thành Ðề án đào tạo đại học, sau đại học giai đoạn từ 2009 đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt. Ðề án được thông qua sẽ là cơ sở để Cà Mau phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ y, bác sĩ có chất lượng cho các tuyến bằng và cao hơn so với tỷ lệ chung của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.

Kể từ khi Minh Hải được tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, kinh tế của tỉnh Cà Mau liên tục tăng nhanh và từng bước đi vào ổn định. Sau 10 năm, quy mô kinh tế của tỉnh tăng gấp 2,6 lần năm 1996. Nhịp độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 1997 - 2003 là 9,9%, trong đó khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 12,7%, Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 7,1%, Thương mại - Dịch vụ tăng 14,2%. Năm 2006, tổng GDP của tỉnh đạt 12.664 tỷ đồng, tăng 11,9%. GDP bình quân đầu người năm 2006 tương đương 640 USD, tăng 2,28 lần so năm 1996.

Trong cơ cấu ngành kinh tế, Nông - Lâm - Ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành Công nghiệp - Xây dựng, Thương mại - Dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Sau 10 năm, tỷ trọng các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm từ 65,95% xuống còn 51,45%; Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 16,41% lên 24,05%; Thương mại - Dịch vụ tăng từ 17,64% lên 24,50%.

Các thành phần kinh tế của tỉnh hiện nay gồm: quốc doanh, tập thể, cá thể, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh. Trong đo, kinh tế ngoài quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2003, kinh tế quốc doanh đóng góp khoảng 20 - 21% GDP của tỉnh. Kinh tế tập thể được tổ chức lại theo luật Hợp tác xã mới thuộc các lãnh vực đánh bắt thủy hải sản, thủ công nghiệp...đóng góp khoảng 6 - 7% GDP. Kinh tế cá thể, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tất cả các lĩnh vực.

Ngày 07-07-2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ba hành Quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh đề ra mục tiêu như sau:

Tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong tỉnh) bình quân hàng năm từ nay đến năm 2010 đạt 13,3%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,7% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2%.
- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 962 USD, năm 2015 đạt khoảng 1.670 USD và năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD.
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: năm 2010 nông nghiệp 39,7%, công nghiệp 32%, dịch vụ 28,3%; đến năm 2015 nông nghiệp 28,7%, công nghiệp 37,8%, dịch vụ 33,5%; đến năm 2020 nông nghiệp 19,6%, công nghiệp 43,5%, dịch vụ 36,9%.
- Tổng vốn đầu tư xã hội hàng năm huy động đạt từ 38% - 40% GDP.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt khoảng 1 tỷ USD; năm 2015 đạt 1,4 tỷ USD - 1,5 tỷ USD; năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD - 2 tỷ USD.
- Phấn đấu năm 2010 có 100% đường ô tô đến trung tâm các xã.
- 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2010, đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân cư đô thị và nông thôn.

Đây là ngành kinh tế giữ vị trí quan trọng nhất của tỉnh. Trong cơ cấu tổng sản phẩm GDP của tỉnh những năm gần đây, tỷ trọng Nông - Lâm - Ngư nghiệp tuy có giảm, nhưng vẫn luôn chiếm hơn 50%. Năm 2000, nhóm ngành này thu hút khoảng 86,4% tổng lao động của tỉnh, sử dụng 85 % diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nông nghiệp cung cấp nguồn lương thực thực phẩm cho nhu cầu địa phương. Trong những năm gần đây nó tham gia cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến tạo nguồn hàng xuất khẩu. Trong nội bộ ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp cũng có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng từ Nông - Lâm - Ngư sang hướng Ngư - Nông - Lâm.

Theo nội dung Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh, ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp sẽ được định hướng phát triển như sau:

- Tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng và tài nguyên tự nhiên của một tỉnh đồng bằng ven biển và lực lượng lao động nông thôn để phát triển tổng hợp kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp.
- Thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh sự liên kết hỗ trợ giữa nông nghiệp - công nghiệp và dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Đa dạng ngành nghề nông thôn kể cả làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới theo định hướng thị trường bao gồm cả thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ.

Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp như: đất đai rộng lớn (đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long), đất Cà Mau thuộc đất phù sa trẻ, giàu hàm lượng mùn, độ phì nhiêu cao, bất cứ loại đất nào cũng đều có khả năng phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, để khai thác được những tiềm năng nông nghiệp, ở bất cứ loại đất nào người dân Cà Mau cũng đều phải dày công cải tạo. Toàn bộ diện tích canh tác của tỉnh đều bị nhiễm mặn, phèn. Đó là lý do khiến sản xuất nông nghiệp của tỉnh không tương xứng với tiềm năng. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2007 đạt 996,8 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), thấp nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ bằng 2% giá trị toàn khu vực và bằng 15,4% giá trị sản xuất của tỉnh An Giang - địa phương dẫn đầu khu vực và cả nước.

- Trồng trọt là ngành chiếm ưu thế tuyệt đối trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, bao gồm trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Tổng diện tích trồng trọt của tỉnh năm 1998 là 262.895 ha bằng 74,9% diện tích đất nông nghiệp. So với những năm trước diện tích đất trồng trọt tăng (13,4% so với năm 1995), giá trị sản xuất tăng 27,8% so với năm 1997. Cây lương thực chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong ngành trồng trọt. Năm 1998, diện tích trồng lương thực của tỉnh là 224.200 ha bằng 85,3% diện tích đất trồng trọt của tỉnh và tăng 19% so với năm 1995. Cây lương thực của tỉnh gồm có: lúa, bắp, khoai lang, khoai mì. Năm 1998, tổng sản lượng quy thóc là 732.230 tấn, tăng 37,4% so với năm 1995; sản lượng lương thực bình quân đầu người là 665 kg. Sản xuất lương thực không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Thới Bình là các huyện có diện tích và sản lượng lương thực lớn. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007 diện tích lúa của tỉnh là 123.100 ha, đứng kế chót ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (cao hơn tỉnh Bến Tre); năng suất lúa là 34,1 tạ/ha, thấp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; sản lượng lúa đạt 420.100 tấn, đứng áp chót khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (cao hơn tỉnh Bến Tre).

- Chăn nuôi là ngành cung cấp thực phẩm động vật, nguyên liệu cho công nghiệp, sức kéo cho nông nghiệp và phân bón cải tạo đất. Năm 1998, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 1998 là 11,1%, thấp hơn nhiều so với cả nước (cả nước 27%). Chăn nuôi chưa ổn định, giá trị sản xuất năm 1997 là 150.936 triệu VNĐ, năm 1998 là 163.108 triệu VNĐ. Hình thức tổ chức chăn nuôi ở dạng gia đình. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh có những tiến bộ đã đưa vào các giống nuôi có năng suất cao, hình thành được mạng lưới trị bệnh cho gia súc, gia cầm; đưa nguồn thức ăn chế biến theo phương pháp công nghiệp vào chăn nuôi. Các vật nuôi hiện nay của Cà Mau gồm có: gia súc lớn, gia súc, gia cầm. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007, số lượng trâu của tỉnh là 4.00 con, số lượng bò là 800 con, số lượng gia cầm là 897.000 con, thuộc tốp thấp nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Cà Mau có nguồn tài nguyên rừng phong phú nhất trong các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Rừng ở Cà Mau có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sinh thái rừng ngập mặn và bảo tồn nguồn gen. Ngoài ra, rừng còn có ý nghĩa kinh tế quan trọng tạo ra nhiều nguồn lợi như cung cấp gỗ, cung cấp các loài đặc sản rừng, thu hút du lịch....Từ sau năm 1975 đến nay, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, làm suy giảm nhiều nguồn tài nguyên. Từ thực tế trên, ngành lâm nghiệp Cà Mau trong những năm gần đây luôn thực hiện song song hai nhiệm vụ: bảo vệ tu bổ và trồng mới. Phần lớn rừng của tỉnh nằm trong sự quản lý trực tiếp của các lâm ngư trường. Năm 1999, toàn tỉnh có 12 lâm ngư trường với tổng số 564 lao động, quản lý 99.592 ha lâm phần. Năm 2007, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh là 107,5 tỷ VNĐ (giá so sánh 1994 - Tổng cục Thống kê), sản lượng gỗ khai thác là 79.600 m3, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - sau tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp.

Lĩnh vực trồng rừng chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu sản giá trị sản xuất lâm nghiệp nhưng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, lĩnh vực trồng rừng ở Cà Mau có nhiều biến động lớn, tăng giảm không đều từ năm 1997 - 2007. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, diện tích trồng rừng tập trung của tỉnh năm 2007 là 7.800 ha, năm 2007 là 5.700 ha. Rừng Cà Mau chủ yếu tập trung ở huyện Ngọc Hiển (46,6% diện tích), huyện U Minh (23,5% diện tích).

Định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2010 là phủ xanh toàn bộ đất trống trên lâm phần, trồng đi đôi với bảo vệ hệ sinh thái ven biển, các cửa sông, bãi bồi, quy hoạch cụ thể các loại rừng đặc trưng, phòng hộ, kinh tế. Thực hiện các dự án U Minh Hạ, xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm, rừng đước. Định hướng là vậy, nhưng một thực trạng rất đau lòng là trong những năm qua, người trồng rừng ở Cà Mau luôn lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, đặc biệt là người trồng tràm ở rừng U Minh Hạ. Tràm là loại cây công nghiệp lâu năm, từ khi trồng đến khai thác mất từ 12 - 15 năm, đến khi thu hoạch chỉ  được 5 - 6 triệu đồng/ha, không thấm vào đâu so với bao nhiêu là chi phí như trồng tràm, chăm sóc, nhân công, đào kênh...Từ năm 2005, cừ tràm bắt đầu tuột dốc không phanh. Cuối năm 2004, giá cừ tràm loại 5 còn 25.000đ/cây nay còn không quá 12.000 đ/cây. Gần đây, các doanh nghiệp thu mua gỗ tràm đã rủ nhau mua tràm, lột vỏ để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc làm nguyên liệu giấy với giá 480 đồng/kg. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển cao, lại không chủ động về giá nên giá tràm cũng không nhích lên được bao nhiêu. Trên 6.000 hộ dân sống dựa vào trên 30 ngàn ha rừng tràm, thuộc 3 huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời đã không còn thiết tha với rừng, mà không thiết tha giữ thì rừng dễ cháy, cháy lại trắng tay...

Với lợi thế 3 mặt giáp biển và vùng lãnh hải rộng, sản xuất thủy sản Cà Mau phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Năm 1998, ngành thu hút gần 100.000 lao động với 38.000 hộ tham gia. Giá trị sản xuất bằng 34,13% và tổng sản phẩm Nông - Lâm - Ngư nghiệp, đóng góp hơn 1/3 tổng sản phẩm (GDP) toàn tỉnh. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất thủy sản năm 2007 của tỉnh đạt 6.498,1 tỷ VNĐ (giá so sánh 1994), đứng đầu cả nước, cao hơn cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (4.125,1 tỷ VNĐ) và Đông Nam Bộ (4.443,6 tỷ VNĐ). Ngư nghiệp Cà Mau phát triển với các ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế có thu nhập cao. Nó cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên và đáng kể cho nhu cầu trong tỉnh và cung cấp phần lớn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản tăng nhanh cả diện tích, sản lượng. Năm 1998, diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 161.598 ha, bằng 31% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 279.200 ha, cao nhất nước, chiếm 27,7% tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản cả nước. Năm 2003, nuôi trồng thủy sản đóng góp 73% giá trị sản xuất ngư nghiệp của tỉnh.

Nuôi trồng thủy sản ở tỉnh tập trung ở huyện Ngọc Hiển: 54.394 ha, bằng 33,7% diện tích nuôi trồng toàn tỉnh; huyện Đầm Dơi: 39.668 ha, bằng 24,5%; huyện Thới Bình: 19.950 ha, bằng 12,3% (năm 1998 ). Riêng huyện Ngọc Hiển, ngành thủy sản thu hút hơn 60% tổng dân số và lao động của huyện. Địa bàn nuôi đa dạng, bao gồm các hình thức: ao, đầm, kênh rạch, ruộng ngập nước, nuôi xen trong rừng ngập mặn, ngập úng, nuôi trong lồng.... Loại hình nuôi cũng phong phú như: tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cá chép, cá mè, cá phi, cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc bổi, lươn, cua, sò, ếch.... Trong cơ cấu loại hình nuôi trồng ở Cà Mau, tôm là vật nuôi quan trọng nhất. Năm 1998, diện tích nuôi tôm là 107.397 ha bằng 65,6% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh; sản lượng tôm nuôi là 16.817 tấn. Năm 2007, sản lượng nuôi tôm của tỉnh là 94.876 tấn, cao nhất nước, chiếm 30% sản lượng tôm nuôi của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngọc Hiển, Đầm Dơi là 2 huyện có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh.

Hình thức nuôi tôm chủ yếu là quảng canh: quảng canh trong vùng trồng lúa 1 vụ, nuôi xen trong rừng ngập mặn, quảng canh trong đầm tôm ngập triều thường xuyên (bãi triều thấp nội địa, bãi triều ven biển). Tôm sú nuôi quảng canh thường thả mật độ thưa 0,5 đến 2 con /m2. Một năm nuôi 2 vụ tôm, vụ 1 từ tháng 1 đến tháng 5 (dương lịch), vụ 2 từ tháng 7 đến tháng 12 (dương lịch). Nguồn thức ăn chủ yếu dựa vào tự nhiên. Hiệu quả kinh tế của hình thức quảng canh đạt từ 5 đến 10 triệu đồng (năm/ha). Trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều cơ sở ương thuần hoá hoặc sinh sản nhân tạo để cung cấp nguồn tôm giống cho tỉnh.

Vùng biển Cà Mau rộng, ít giông bão, là điều kiện thuận lợi cho ngành đánh bắt thủy sản phát triển. Những năm gần đây ngành đánh bắt đã được trang bị mới về hạ tầng và phương tiện. Mặc dầu năm 1997, cơn bão số 5 đã gây thiệt hại nặng cho ngành đánh bắt, nhưng đến năm 1998 số tàu đánh bắt đã tăng thêm gần 1.000 chiếc (55,8%). Công suất các phương tiện đánh bắt tăng thêm gần 70.000 CV (tăng 83,5%). Tuy vậy so với nhu cầu phát triển đánh bắt qui mô lớn, cơ sở vật chất hiện có còn thiếu - đặc biệt đối với ngành đánh bắt xa bờ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007, tỉnh Cà Mau có 1.354 tàu đánh bắt xa bờ, đứng thứ 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang. Tổng công suất đánh bắt xa bở của tỉnh năm 2007 là 251.300 CV, đứng thứ 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang.

Sản lượng đánh bắt thủy sản trong những năm gần đây luôn tăng. Năm 1998, sản lượng là 90.155 tấn tăng gần 12% so với năm 1996. Các huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Ngọc Hiển có sản lượng đánh bắt lớn, chiếm 83% sản lượng đánh bắt toàn tỉnh. Trong đó, lớn nhất là huyện Trần Văn Thời với sản lượng 43.540 tấn, bằng 48,3% sản lượng toàn tỉnh (1998). Năm 2007, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt 137.304 tấn, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang.

Hình thức đánh bắt phong phú, phương tiện đánh bắt đa dạng. Đánh bắt thủy sản nước ngọt thường sử dụng phương tiện: nò, đó, đăng, vó, lưới chụp, câu, chài... Đánh bắt thủy sản nước mặn thường sử dụng phương tiện: lưới đèn, câu, lưới, cào đôi... Thủy sản nước ngọt đánh bắt cá lóc, rô, trê, sặt, lươn, ếch... Nguồn này có thể khai thác quanh năm, nhưng mùa khô sản lượng đánh bắt nhiều hơn. Các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi có nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất tỉnh. Thủy sản nước mặn đánh bắt quanh năm, tập trung vào mùa gió Đông Bắc ở biển Tây và mùa gió Tây Nam ở biển Đông. Tôm, cá nục, cá đuối, cá ngừ, nhám, khoai, mực... là những loài thủy sản có sản lượng đánh bắt cao. Trong đó, tôm là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Năm 1998, có sản lượng gần 21 ngàn tấn. Trần Văn Thời có sản lượng tôm đánh bắt nhiều nhất tỉnh (13.014 tấn/năm – 1998) bằng 62% toàn tỉnh.

Ngư nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, do đó việc khai thác cần đảm bảo cho phát triển bền vững. Hướng phát triển trong những năm tới cần chú trọng các vấn đề:

 - Chuyển đổi từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Muốn vậy, trước hết, tỉnh cần phải chủ động nguồn giống, dự kiến đến năm 2010, Cà Mau sẽ hoàn thành xây dựng 2 trung tâm giống thủy sản ngọt và lợ, nhằm tạo giống tốt, phù hợp với địa phương, có năng suất cao. Thứ hai là chủ động nguồn thức ăn và thức ăn phù hợp với vật nuôi. Thứ ba là phải chú trọng trị bệnh cho vật nuôi. Thứ tư là quy hoạch các đầm nuôi đạt các chuẩn nuôi trồng. Thứ năm là  cần kết hợp cân đối nuôi thả, khai thác, vận chuyển, bảo quản và chế biến.

- Đa dạng hoá giống nuôi, địa bàn nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng tự nhiên và lao động, tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập cho nhân dân. Đa dạng hoá cần gắn liền với việc nhân rộng mô hình VAC. Để tạo khối lượng hàng hoá thủy sản lớn cần hình thành các vùng chuyên canh. Định hướng phát triển ngành thủy sản trong những năm tới của Cà Mau là tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp thâm canh, cải tạo khu vực nuôi tôm, quy hoạch hệ thống thủy lợi kênh trục cấp thoát nước, tiến hành nuôi tôm công nghiệp thí điểm ở một số nơi, từng bước phát triển nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

- Trong lĩnh vực đánh bắt, tỉnh phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đánh bắt, củng cố phát triển ngành đánh bắt xa bờ. Năm 2000, đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh có 1.063 chiếc, năm 2007, số tàu đánh bắt xa bờ đạt 1.354 chiếc. Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, đội tàu đánh bắt cần được tăng cường cả lượng và chất.

Công nghiệp là ngành kinh tế giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Cà Mau. Năm 1998, ngành này chiếm 18,4% tổng sản phẩm GDP của tỉnh, thu hút hơn 17.000 lao động tham gia. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh là 13.703,3 tỷ VNĐ (theo giá thực thế - Tổng cục Thống Kê), đứng thứ 3 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau thành phố Cần Thơ và tỉnh Long An. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 là 18,81%/năm. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 9.770 tỷ đồng, bằng 93% so với kế hoạch, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp của tỉnh đã tạo nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống. Công nghiệp đã thực sự thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh (thủy sản, nông nghiệp) phát triển, giúp khai thác có hiệu quả các tiềm năng của mỗi ngành.

Cùng với sự tăng trưởng trên, một số dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn như: Khu công nghiệp (KCN) khí - điện - đạm, KCN và đô thị mới Khánh An, KCN và đô thị mới Hoà Trung,… đã được triển khai xây dựng, khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo sự chuyển biến mới trong phát triển công nghiệp của tỉnh và của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình khuyến công nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn và tận dụng những nguyên liệu từ sản xuất nông lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng tam giác kinh tế Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang góp phần phát triển mạnh công nghiệp trong những năm tới.
Số cơ sở sản xuất công nghiệp năm 1998 là 2.815, tăng 45% so với năm 1997. Năm 2000, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 4.260 cơ sở, trong đó khu vực ngoài quốc doanh là 4.249 cơ sở, khu vực quốc doanh là 11 cơ sở. Năm 2003, số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 2.972 cơ sở, trong đó, Trung ương quản lý 1 cơ sở, địa phương quản lý 9 cơ sở, còn lại 2.872 cơ sở do các cá nhân và đơn vị tư nhân quản lý. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô lớn về vốn đầu tư, số lao động và giá trị sản lượng không chỉ “xếp hạng” trên địa bàn tỉnh mà còn sánh vai với các doanh nghiệp trong nước và khu vực. Một số doanh nghiệp đã vươn lên tiếp cận và khẳng định được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế tại: Hoa Kỳ, Úc, Nga và những thị trường được coi là “khó tính” như: Nhật Bản, EU… Điển hình phải kể đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản như: Công ty chế biến và xuất nhập khẩu thủy, hải sản Cà Mau (Camimex), Công ty Minh Phú, Công ty Quốc Việt, Công ty Ngọc Sinh, Công ty Phú Cường… Đây là những doanh nghiệp tiên phong đã góp phần không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 509 triệu USD năm 2005 cho Cà Mau và kế hoạch năm 2006 là 560 triệu USD.

- Công nghiệp chế biến: công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh. Năm 1998, giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến là 2.036.043 triệu đồng, bằng 81% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến của Cà Mau bao gồm các lĩnh vực: chế biến thủy sản; chế biến lương thực; chế biến các loại nông phẩm như dừa, khóm, đường mía, hoa quả...Trong đó, quan trọng hàng đầu là công nghiệp chế biến thủy sản, chiếm khoảng 90% giá trị của ngành công nghiệp chế biến. Công nghiệp chế biến tập trung chủ yếu ở thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước, huyện Ngọc Hiển - những vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào. Ngành công nghiệp này tác động mạnh tới sự phát triển của ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, nhất là lĩnh vực ngư nghiệp. Năm 1998, tổng số cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm là 710, tổng số lao động là 10.815 người, chiếm 62,6% tổng lao động toàn ngành của tỉnh.

- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước: năm 1998, mạng lưới điện đã phủ hết toàn bộ các xã trong tỉnh, nhưng tỷ lệ hộ dân dùng điện còn thấp, mới đạt gần 30%. Sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân hàng năm 7,3%. Năm 2003, sản lượng điện của tỉnh đạt 19.400 kWh.

- Công nghiệp cơ khí: chủ yếu là cơ sở sửa chữa cho ngành vận tải, ngành đánh bắt thủy sản, ngành công nghiệp... Hầu hết cơ sở cơ khí của tỉnh thuộc tư nhân với gần 200 cơ sở (1998). Giá trị sản xuất 1998 bằng 23.397 triệu đồng.

- Công nghiệp chế biến gỗ: tập trung ở thành phố Cà Mau và một số thị trấn. Sản phẩm là gỗ xây dựng , đồ gỗ gia dụng. Toàn tỉnh có hơn 1.600 cơ sở sản xuất với gần 5.000 lao động, giá trị sản xuất năm 1998 là 26.783 triệu đồng.

- Ngoài ra, Cà Mau còn có ngành công nghiệp dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, hoá chất – dược phẩm, khai thác nước ngầm, sửa chữa điện tử, sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng, in, nước đá... Riêng ngành sản xuất nước đá khá phát triển nhằm phục vụ cho nhu cầu của ngành thủy sản. Tỉnh còn có một số ngành nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề dệt chiếu. Cà Mau có những làng dệt chiếu nổi tiếng như: Tân Duyệt - Đầm Dơi, Tân Lộc - Thới Bình... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiếu bông Tân Thành - thành phố Cà Mau. Bằng những nguyên liệu như: sợi lác, dây bố và khung dệt… những người phụ nữ ở đây đã dệt nên những đôi chiếu bền, đẹp và tạo nên thương hiệu chiếu Cà Mau. Chiếu Cà Mau từng được nhắc đến qua bài ca vọng cổ nổi tiếng ở miền Tây - "Tình anh bán chiếu":

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
Tìm em không gặp...,
Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm..."
(Viễn Châu)

Trước năm 2000, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch hai KCN: KCN Phường 8 có diện tích 150 ha nằm dọc sông Gành Hào về hướng Đông Nam thành phố Cà Mau; KCN Tắc Thủ  rộng 74 ha, thuộc phường 1, nằm dọc theo sông Tắc Thủ về hướng Tây Bắc thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, việc quy hoạch các KCN kể trên đã bộc lộ sự bất cập vì quá gần trung tâm thành phố và không có điều kiện để phát triển lên quy mô lớn hơn khi có nhu cầu.

Năm 2006, khi điều chỉnh quy hoạch thành phố Cà Mau cho phù hợp và tương xứng với quy hoạch chung có Cụm CN trọng điểm khí - điện - đạm; UBND tỉnh đã chỉ đạo BQL KCN tiến hành lại quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và hướng đến năm 2020. Quy hoạch mới đã hoàn chỉnh và đệ trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư và đã được Chính phủ phê duyệt cho phép thành lập. Hiện nay, tỉnh Cà Mau hiện có tất cả 5 khu, cụm công nghiệp như sau:

- Cụm công nghiệp khí - điện - đạm: là một trong ba dự án kinh tế lớn giai đoạn 2000 - 2005 của Việt Nam (hai dự án còn lại là Thủy điện Sơn La và Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Dự án được Chính phủ Việt Nam phê duyệt với diện tích 1.208 ha, nằm trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Dự án bao gồm việc xây dựng đường ống dẫn khí bằng thép dài 325 km (có 298 km đi ngầm dưới biển) đường kính ống 18 inch, dày 12,5 mm, công suất vận chuyển tối đa 2 tỷ m³ khí/năm đưa khí từ mỏ PM3 thuộc vùng chồng lấn (tiếng Anh: overlapping area) Việt Nam và Malaysia vào Khu công nghiệp Khánh An ở huyện U Minh, Cà Mau để cung cấp cho hai nhà máy nhiệt điện và một nhà máy sản xuất phân đạm urê. Hai nhà máy điện có công suất tổng cộng là 1500 MW và nhà máy đạm (urea) có công suất 800.000 tấn/năm. Tổng vốn dự kiến lên đến 1,4 tỷ USD. Dự án được khởi công ngày 09-04-2006, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2009. Cùng với dự án khí Lô B - Ô Môn đưa khí từ biển Tây đến Tổ hợp các nhà máy điện ở Ô Môn (Cần Thơ) (công suất Tổ hợp Ô Môn là 2600 MW), dự án khí - điện - đạm Cà Mau được xem là một phần của kế hoạch xây dựng Đồng bằng Sông Cửu Long thành một trung tâm năng lượng của cả Việt Nam.

- Khu công nghiệp Khánh An (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh) được Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập năm 2004, tổng diện tích quy hoạch là 360 ha, quy mô diện tích giai đoạn 1 là 100 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư hạ tầng hơn 760 tỷ đồng. Nằm liền kề Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, Khánh An sẽ phát triển các ngành nghề công nghiệp chế biến cho đến năm 2006 và từ 2007 - 2010 sẽ đầu tư phát triển ngành công nghiệp hoá lỏng khí tự nhiên.

- Khu công nghiệp Hoà Trung, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt thành lập năm 2008. KCN này sẽ được xây dựng thành trung tâm chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, trên diện tích đất 235 ha. Tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức dời tất cả các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu vào khu công nghiệp này, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy mới có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

- Khu công nghiệp Năm Căn được Chính phủ Việt Nam phê duyệt thành lập năm 2008, có quy mô 515 ha. KCN này được quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu. Với lợi thế đã có 1 cảng biển và nhà máy đóng tàu đủ năng lực đóng tàu 30.000 tấn, khu công nghiệp này sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền các loại.

- Khu công nghiệp Sông Đốc, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt thành lập năm 2008, nằm tại khu vực cửa biển lớn nhất của tỉnh Cà Mau. KCN này sẽ được xây dựng thành trung tâm chế biến thủy sản và thức ăn gia súc có nguồn nguyên liệu từ thủy sản, đi kèm với hoạt động sửa chữa tàu thuyền cỡ nhỏ. Khu công nghiệp này rộng 250 ha.

Hệ thống ngành Thương mại - Dịch vụ bao gồm: thương mại, vận tải, thông tin, ngân hàng, du lịch, khách sạn...Trong đó thương mại giữ vị trí quan trọng. Nó được coi như một ngành sản xuất vật chất. Nối liền sản xuất với sản xuất, sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống thương mại gồm nội thương, ngoại thương. Hiện nay các thành phần tham gia hoạt động thương mại của tỉnh gồm: quốc doanh, tư doanh, đại lý, cửa hàng, chợ. Trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh tại thành phố Cà Mau. Trung tâm thương mại của các địa phương, thường ở các thị trấn. Năm 2003, toàn tỉnh 66 chợ, trong đó có 24 chợ thành thị và 42 chợ nông thôn. Mật độ chợ đạt 0,6 chợ/10.000 dân. Có khoảng 10.300 hộ kinh doanh trong các chợ, trong đó số hộ kinh doanh không thường xuyên chiếm 33,6%.

Cà Mau có quan hệ buôn bán với nhiều địa phương trong khu vực và cả nước và đã có quan hệ buôn bán với một số nước trên thế giới. Các mặt hàng bán ra chủ yếu là nông phẩm tươi sống hoặc đã được chế biến.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 1999 là 158 triệu USD, năm 2003 là 412 triệu USD; trong đó hàng thủy sản đạt 405,8 triệu USD, chiếm 98,5% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tổng giá trị nhập khẩu năm 1999 là hơn 6 triệu USD, năm 2003 là 656 nghìn USD. Cân đối xuất nhập khẩu thì Cà Mau là tỉnh xuất siêu. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 640 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 96% kế hoạch; trong đó mặt hàng thủy sản xuất khẩu được 74.400 tấn, kim ngạch 631,5 triệu USD.

Các mặt hàng nhập từ nước ngoài hoặc các tỉnh khác trong nước gồm: các loại vật tư kỹ thuật, hàng tiêu dùng, xăng dầu, điện, phân bón, vật liệu xây dựng, thuốc trị bệnh, xe gắn máy...Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản và gạo. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2007 của tỉnh là 11.365,9 tỷ VNĐ (giá thực tế - Tổng cục Thống kê), năm 2008 là 15.000 tỷ đồng (theo thông tin từ Website tỉnh Cà Mau).

Những năm gần đây cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, của đời sống vật chất và văn hoá, sự mở rộng hợp tác kinh tế, dịch vụ du lịch của Cà Mau cũng phát triển. Hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển tương đối khá, nhiều khách sạn có tiện nghi tốt được xếp hạng từ hai đến ba sao. Những khu vui chơi, nghỉ mát, du lịch cũng đã hình thành và có sức thu hút khách trong và ngoài tỉnh. Năm 1997, số lượt khách du lịch tới Cà Mau đạt hơn 50.000 lượt người (trong đó có nhiều khách nước ngoài). Hiện nay một số tuyến điểm du lịch sinh thái đang được xây dựng hoặc đã đưa vào hoạt động như Đá Bạc, Đất Mũi Cà Mau ....

Mạng lưới thông tin bưu điện phát triển đã nối liền tỉnh với Trung ương, giữa tỉnh với các địa phương. Năm 1998, toàn tỉnh có 6 bưu cục huyện, 40 bưu cục khu vực, 16.900 máy điện thoại, bình quân 1,52 máy/100 dân. Năm 2003, mạng lưới bưu chính của tỉnh có 1 bưu cục Trung ương, 9 bưu cục huyện và 54 bưu cục khu vực với 30 điểm bưu điện văn hoá xã, 82.500 máy điện thoại, mật độ đạt 6,9 máy/100 dân. Thông tin liên lạc và bưu điện đã góp phần đáng kể trong công cuộc xây dựng, đổi mới kinh tế xã hội của tỉnh.

Vùng kinh tế biển bao gồm vùng biển, thềm lục địa và các cụm đảo gần bờ thuộc tỉnh Cà Mau. Hiện trạng và phương hướng sản xuất chính của vùng này là khai thác hải sản, phát triển du lịch biển, phát triển vận tải biển; khai thác dầu khí và dịch vụ dầu khí.

Đây là tiểu vùng ven biển, nằm ngoài hệ thống đê biển. Diện tích tự nhiên là 1.548 km2, chiếm khoảng 29,7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số năm 2003 khoảng 175.000 người, mật độ trung bình 110 người/km2. Phần lớn diện tích vùng này là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nhiệm vụ phát triển chủ yếu là khôi phục bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản. Theo quy hoạch, 70% diện tích lâm phần là rừng tập trung; phần còn lại tiến hành nuôi tôm, trồng rừng và trồng cây phân tán. Đây là vùng kinh tế động lực trên cơ sở phát triển tuyến kinh tế ven biển và khu kinh tế Năm Căn - Hòn Khoai.

Bao gồm toàn bộ phần diện tích nằm trong đê biển của tỉnh, có diện tích 366.000 ha, bằng 70,3% diện tích toàn tỉnh; dân số năm 1997 khoảng 950.000 người, bằng 84% dân số toàn tỉnh; mật độ trung bình 260 người/km2. Nhiệm vụ chính là phát triển nông lâm nghiệp theo hệ sinh thái nước ngọt. Đây là vùng cung cấp lương thực và thực phẩm cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Ngoài sản xuất nông nghiệp, vùng còn một diện tích rừng tràm rộng lớn. Việc trồng mới, khôi phục, bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt này là nhiệm vụ quan trọng thứ hai. Công việc này vừa có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, vừa có ý nghĩa kinh tế. Nhiệm vụ thứ ba của vùng là phát triển công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm. Trung tâm của vùng là thành phố Cà Mau – tỉnh lỵ của tỉnh. Vùng kinh tế nội địa được chia thàng 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng ngọt hoá Quản lộ – Phụng Hiệp: diện tích khoảng 55.000 ha, hướng sản xuất chủ yếu là lúa tăng vụ nhờ nước ngọt sông Hậu; trồng mía, khóm, một số loại cây ăn trái, rau đậu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt.

- Tiểu vùng U Minh Hạ: diện tích khoảng 170.000 ha. Hướng sản xuất chủ yếu là khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng tràm; hình thành vùng sản xuất lúa, rau sạch; lúa xuất khẩu. Đồng thời cũng là vùng trồng tập trung các loại cây công nghiệp như mía, khóm (vùng nguyên liệu).

- Tiểu vùng phía Nam Cà Mau: diện tích 141.000 ha. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, là vùng đang còn chịu ảnh hưởng mạnh của triều biển, đất dễ bị nhiễm mặn. Hướng sản xuất chủ yếu là lúa kết hợp nuôi cá đồng; trồng cây công nghiệp (dừa); phát triển công nghiệp chế biến.

Cà Mau là một vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với công cuộc khai hoang mở cõi về phương Nam. Văn hoá của Cà Mau có sự dung hoà đa dạng và phong phú do được tiếp thu nhiều nền, nhiều miền văn hoá, nhiều tôn giáo khác nhau. Những tập quán, thuần phong mỹ tục của người Kinh là chủ đạo nhưng lại chịu ảnh hưởng qua lại với người Khmer, người Hoa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở Cà Mau sống xen kẽ nhau, khó thấy có sự phân biệt đối xử trong sinh hoạt. Truyền thống văn hoá riêng của ba dân tộc hoà quyện đan xen và thẩm thấu vào nhau trong suốt quá trình khai hoang cho đến nay. Các tập tục, tín ngưỡng tôn giáo cũng tác động mạnh mẽ vào nhau, mỗi sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc này cũng đã lây lan và dễ dàng được chấp nhận đối với dân tộc kia. Điều này thể hiện rất rõ nét trong sinh hoạt, tập tục thờ cúng từ gia đình đến các cộng đồng cư dân. Nó ẩn chứa trong các miếu thờ thể hiện cách ứng xử của con người với thiên nhiên, con người với quá khứ, con người với cộng đồng và con người với chính mình. Xét về phương diện sở hữu, có thể chia miếu thờ ở Cà Mau thành hai nhóm:

- Miếu thờ của gia đình: đa số là miếu thờ thổ thần và rất ít miếu thờ bà Chúa Xứ.

Miếu thờ của cộng đồng: miếu thờ bà Chúa Xứ chiếm tỷ lệ nhiều nhất; miếu thờ bà Thủy Long, miếu thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh (rất ít), miếu thờ Hà Bá; miếu thờ ông Cọp (Sơn Lâm Chủ tướng), miếu thờ ngũ hành Nương Nương, miếu ông Tà.

Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Nên thuở xưa có câu ca dao:

Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu.

Thế rồi từ những cọng lác, người Cà Mau với những bàn tay khéo léo đã tạo nên nghề dệt chiếu ở Tân Thành, Tân Duyệt, Tân Lộc nổi danh khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Theo thời gian, chiếu Cà Mau theo ghe thương hồ lên tận Sài Gòn, rồi rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước. Chiếu tham gia vào đời sống hằng ngày của từng gia đình một cách lặng lẽ như bao vật dụng khác trong nhà. Cho tới khi bài ca vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu được nghệ sĩ Út Trà Ôn thâu vào đĩa hát và phát hành thì "chiếu Cà Mau" đã thật đi vào tâm tư tình cảm và đánh động lòng người. Soạn giả Viễn Châu đã nâng chiếc chiếu Cà Mau đời thường thành đôi chiếu thiêng liêng, đôi chiếu "tân hôn" - biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc. Lời ca Út Trà Ôn đã đưa mối tình của anh bán chiếu "với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy" từ đất Cần Thơ, lên Sài Gòn, vào tận Đồng Tháp, Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Đồng Nai... ra tận miền Trung xa xôi nơi mà nhiều người chưa hề biết Cà Mau. Và Chiếu Cà Mau từ đó đã trở thành huyền thoại:

Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước,
Có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng.
Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng.
Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy,
Tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai..

Do đặc điểm sống ở vùng sông nước, rừng biển sâu xa nên loại hình đờn ca cải lương trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân; miền đất này có truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại; có làn điệu thơ Bạc Liêu của nghệ sĩ Thái Đắc Hàng. Cà Mau cũng là miền đất sản sinh ra những nhân vật có tiếng trên lĩnh vực văn hoá xưa nay như: nhà giáo Phan Ngọc Hiển, nhà báo Nguyễn Mai, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư....được công chúng biết đến và ngưỡng mộ. Họ cũng là những người đã góp phần mang văn hoá Cà Mau đến gần hơn với công chúng trên mọi miền đất nước.

Giao thông thủy ở Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Giao thông vận tải hành khách là một ngành dịch vụ, tuy không trực tiếp sản xuất ra vật chất, nhưng nó hỗ trợ và là nhân tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Đặc biệt với Cà Mau, một tỉnh chủ yếu sản xuất nông phẩm tươi sống, vận tải không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất mà còn quyết định chất lượng, giá trị sản phẩm. Giao thông còn gắn liền vào đời sống và quốc phòng. Hệ thống giao thông của Cà Mau gồm: giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

- Đường bộ: cũng như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, giao thông đường bộ ở Cà Mau còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tuy mạng lưới giao thông đường bộ đã đến được trung tâm các huyện, tuy nhiên chất lượng đường còn kém. Đến cuối năm 2003, chỉ có 38/84 xã, phường trong toàn tỉnh là có đường ô tô đến trung tâm. Trong đó, chỉ 28 xã có đường nhựa. Mật độ giao thông đường bộ đạt 588 km đường các loại/km2, trong đó đường nhựa chỉ đạt 89 m/km2. Toàn tỉnh có 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 63 chạy qua với tổng chiều dài 108 km. Hệ thống đường tỉnh có 268,5 km lưu thông đến các huyện và các khu kinh tế. Năm 2003, số phương tiện vận tải đường bộ của tỉnh bao gồm: 200 xe tải - tổng trọng tải khoảng 700 - 800 tấn, 3000 xe khách.

- Đường thủy: là hình thức giao thông phổ biến Cà Mau. Tổng chiều dài kênh, rạch, sông được sử dụng vận tải là 2.750 km (trong đó có nhiều đoạn sông tàu có trọng tải trên 20 tấn có thể đi lại trong mùa cạn: gần 1.200 km). Các tuyến giao thông thủy chủ yếu là: Cà Mau - Ngã Bảy Phụng Hiệp - Cần Thơ - Sài Gòn; Cà Mau - trung tâm các huyện - Mũi Cà Mau; Cà Mau - Tân Ân / Gành Hào / Bồ Đề / Sông Đốc / Khánh Hội....Cảng Năm Căn là cảng thương mại quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ đây có thể giao lưu thương mại với các nước Indonesia, Singapore, Malaysia...Năm 2003, toàn tỉnh có khoảng 300 phương tiện vận tải đường thủy các loại, tổng trọng tải khoảng 15 - 16 nghìn tấn.

- Đường hàng không: sân bay Cà Mau được xây dựng từ thời Pháp, còn gọi là phi trường Moranc. Lúc đầu, sân bay có đường hạ - cất cánh dài 400 m, rộng 16 m. Tháng 06-1962, sân bay được thiết kế lại theo tiêu chuẩn hạng G, diện tích 91,61 ha; đường hạ cất cánh dài 1050 m, rộng 30 m với mục đích phục vụ cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà và Không lực Hoa Kỳ với các loại máy bay như trực thăng, L19, OV10, Dakota, C130 lên xuống. Sau năm 1975, sân bay thuộc sự quản lý của Cụm sân bay Tân Sơn Nhất và được gọi là Cảng Hàng không Cà Mau. Tuy nhiên, từ 1975 - 1995, sân bay bị bỏ hoang không sử dụng. Năm 1995, sân bay được nâng cấp và chuyển sang phục vụ dân sự. Năm 1999 đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1500 m, rộng 30 m, bề mặt phủ bê tông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương. Hiện nay, sân bay Cà Mau đã đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 3C có khả năng tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có trọng tải cất cánh tương đương. Hiện nay, mỗi tuần có 4 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau và ngược lại vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật bằng máy bay ATR 72. Dự định, giai đoạn 2015-2025, Cảng Hàng không Cà Mau sẽ là cảng hàng không cấp 4C, xây dựng đường hạ cất cánh mới 2400 m x 45 m, đảm bảo khai thác máy bay A 320/321 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 4; lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm: 300 hành khách/giờ cao điểm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung, dịch vụ vận tải của tỉnh đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu lưu thông hàng hoá và đi lại của người dân. Khối lượng vận chuyển hàng hoá tăng từ 542.000 tấn năm 1997 lên 869.000 tấn năm 2003. Cơ cấu vận tải hàng hoá có sự thay đổi theo xu hướng giảm khối lượng vận tải đường bộ, tăng khối lượng vận tải đường thủy. Khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 23,8 triệu lượt khách năm 1997 lên 31 triệu lượt khách năm 2003.

Cà Mau bao nhiêu huyện?

Hành chính. Tỉnh Cà Mau có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện.

tỉnh Cà Mau có diện tích là bao nhiêu?

5.331 km²Cà Mau / Diện tíchnull

Toàn tỉnh Cà Mau có bao nhiêu áp?

Hành chính. Thành phố Cà Mau có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 10 phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Tân Thành, Tân Xuyên và 7 xã: An Xuyên, Định Bình, Hòa Tân, Hòa Thành, Lý Văn Lâm, Tắc Vân, Tân Thành với 52 khóm và 63 ấp.

thành phố Cà Mau bao nhiêu dân?

Năm 2019, dân số thành phố Cà Mau có 59.487 hộ, với 226.372 người, chiếm 19,49% dân số của tỉnh.

Chủ đề