Cách làm bài so sánh hai nhân vật

Dàn ý kiểu bài so sánh, bộ đề so sánh văn học có đáp án và bài văn mẫu tham khảo. Tài liệu ôn thi học sinh giỏi môn văn

-So sánh hai chi tiết trong hai tác phẩm – So sánh hai đoạn thơ – So sánh hai đoạn văn – So sánh hai nhân vật – Ngoài ra học sinh có thể gặp các dạng đề khác của so sánh văn học như trào lưu, khuynh hướng, sự thay đổi phong cách của các nhà văn… Xem thêm bài viết : Các dạng đề so sánh văn học thường gặp

Cách làm dạng đề so sánh văn học

Quy trình và cách thức thực hiện kiểu bài so sánh

  1. Quy trình Quy trình thực hiện kiểu bài so sánh có thể phân lập theo các bước sau. Đề bao giờ cũng đưa ra các đối tượng để so sánh: hai đoạn thơ, hai đoạn văn, hai nhân vật, hai chi tiết…Vì vậy học sinh có thể làm theo các bước sau: – Mở bài: Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, vấn đề cần so sánh ( nên đi từ những điểm tương đồng của hai vấn đề được so sánh để bài chặt chẽ). – Thân bài: + Phân tích đối tượng thứ nhất. + Phân tích đối tượng thứ hai. + Tìm điểm tương đồng, khác biệt. + Lí giải nguyên nhân ( dựa vào hoàn cảnh sáng tác, phong cách riêng của tác giả) + Đánh giá đóng góp của nhà văn và tác phẩm đó đối với tiến trình phát triển của văn học (Tùy thuộc vào khả năng của học sinh và kiểu đề áp dụng linh hoạt phần này) – Kết luận: Khẳng định lại vấn đề cần so sánh, mở rộng liên hệ… *Chú ý khi làm dạng đề này. – Trước hết, cần phân lập đối tượng thành nhiều bình diện để đối sánh. Bước này nhằm phát huy trí tuệ sắc sảo và mĩ cảm của học sinh. Trên đại thể, hai bình diện bao trùm là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tùy từng đối tượng được yêu cầu so sánh mà có cách chia tách ra các khía cạnh nhỏ khác nhau từ ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, kết cấu, âm hưởng, giọng điệu đến đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật. – Sau đó cần nhận xét, đối chiếu để chỉ ra điểm giống và khác nhau. Bước này đòi hỏi học sinh cần có sự quan sát tinh tường, phát hiện chính xác và diễn đạt thật nổi bật, rõ nét, tránh nói chung chung, mơ hồ. – Cuối cùng là đánh giá, nhận xét và lí giải nguyên nhân của sự giống và khác nhau đó. Bước này đòi hỏi những tiêu chuẩn chắc chắn và bản lĩnh vững vàng cùng những hiểu biết sâu sắc ngoài văn bản để tránh những suy diễn tùy tiện, chủ quan, thiếu sức thuyết phục. Cách thức Cách trình bày kiểu bài so sánh thông thường có hai cách là nối tiếp và song song.Nối tiếp là lần lượt phân tích từng đối tượng sau đó chỉ ra cái giống và khác nhau . Cách này dễ làm nhưng khó hay, nhiều khi trùng lặp ý và sắc thái so sánh bị chìm. Tuy nhiên, vì yêu cầu cho đại trà nên đáp án đại học những năm qua thường gợi ý theo cách này. Thứ hai là song song tức là song hành so sánh trên mọi bình diện của hai đối tượng. Cách này hay nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy chặt chẽ, lô gích. Xem thêm bài viết : Cách mở bài cho dạng đề so sánh văn học Cách làm dạng đề so sánh hai nhân vật Hướng dẫn làm Dạng đề so sánh hai đoạn thơ

Bộ đề dạng so sánh văn học

Phần bài tập dạng đề so sánh, các bạn xem ở link này : Bộ đề so sánh văn học

dạng đề so sánh văn học

1. Xác định các loại đề so sánh văn học thường gặp - So sánh hai chi tiết trong hai tác phẩm văn học: Ví dụ 1: Đề khối D 2010: So sánh chi tiết ấm nước đầy và còn ấm mà Từ dành chăm sóc Hộ và chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo Ví dụ 2: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12) - So sánh hai đoạn thơ Ví dụ 1: Đề khối C 2008 (diễn tả nỗi nhớ) trong hai bài: Tây Tiến của Quang Dũng và Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên Ví dụ 2: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau: Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất; Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi. (Vội vàng– Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục 2011) Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để tình trang trải với trăm nơi Để hồn tôi với bao hồn khổ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời. (Từ ấy– Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục 2011) - So sánh hai đoạn văn Ví dụ 1: Đề khối C 2010 (khắc họa vẻ đẹp hai dòng sông) trong hai bài kí: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường Ví dụ 2: Cảm nhận về hai đoạn văn sau: “Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị nén lấy hũ rượu cứ uống ừng ựng từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng...” (Vợ chồng APhủ - Tô Hoài) “ Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra chao ôi buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức...” ( Chí Phèo –Nam Cao) - So sánh hai nhân vật Ví dụ 1: Đề thi đại hoc –khối C 2009 Vẻ đẹp khuất lấp của: người vợ nhặt trong Vợ nhặt của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Ví dụ 2: So sánh nhân vật Đan Thiềm trong trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng và viên quản ngục trong Chữ Người tử tù của Nguyễn Tuân. Ví dụ 3: Bi kịch của Vũ Như Tô (Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng) và Hộ (Đời thừa – Nam Cao) - So sánh cách kết thúc hai tác phẩm: Ví dụ 1: Đề thi đại học 2012: So sánh kết thúc tác phẩm truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và kết thúc tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân Ví dụ 2: So sánh cách kết thúc hai tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao - So sánh phong cách tác giả: Ví dụ: So sánh Chữ người tử tù (Ngữ văn 11, tập một) với Người lái đò Sông Đà, nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. - So sánh, đánh giá hai lời nhận định về một tác phẩm Ví dụ 1: Đề thi đại học khối C năm 2013 cũng có thể xem là một dạng của so sánh: Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của tráng sĩ thuở trước; ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người lính thời kì kháng chiến chống Pháp.Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh chị hãy bình luận những ý kiến trên. Ví dụ 2 Đề thi đại học khối C năm 2014: Bình luận hai ý kiến: Có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử. Anh chị hãy bình luận những ý kiến trên.

2. Các cách làm bài dạng đề so sánh văn học Phương pháp làm bài văn dạng này thông thường có hai cách: Nối tiếp : Lần lượt phân tích hai văn bản rồi chỉ ra điểm giống và khác nhau Song song : Tìm ra các luận điểm giống và khác nhau rồi lần lượt phân tích từng luận điểm kết hợp với việc lấy song song dẫn chứng của cả hai văn bản minh họa. * Cách 1: Phân tích theo kiểu nối tiếp. Đây là cách làm bài phổ biến của học sinh khi tiếp cận với dạng đề này, cũng là cách mà Bộ giáo dục và đào tạo định hướng trong đáp án đề thi đại học - cao đẳng. Bước một lần lượt phân tích từng đối tượng so sánh cả về phương diện nội dung và nghệ thuật, sau đó chỉ ra điểm giống và khác nhau. Cách này học sinh dễ dàng triển khai các luận điểm trong bài viết. Bài viết rõ ràng, không rối kiến thức nhưng cũng có cái khó là đến phần nhận xét điểm giống và khác nhau học sinh không thành thạo kĩ năng, nắm chắc kiến thức sẽ viết lặp lại những gì đã phân tích ở trên hoặc suy diễn một cách tùy tiện. Mô hình khái quát của kiểu bài này như sau: Mở bài: - Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này) - Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh Thân bài - Làm rõ đối tượng so sánh thứ 1 (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích) - Làm rõ đối tượng so sánh thứ 2 (bước này vận kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích) - So sánh: + Nhận xét nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả các bình diện như chủ đề, nội dung hình thức nghệ thuật...(bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh) + Lý giải sự khác biệt: Thực hiện thao tác này cần dựa vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hóa mà từng đối tượng tồn tại; phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kì văn học…(bước này vận nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích) Kết bài: - Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu - Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân. *Cách 2: Phân tích song song được hiểu song hành so sánh trên mọi bình diện của hai đối tượng. Cách này hay nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy chặt chẽ, lôgic, sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề học sinh mới tìm được luận diểm của bài viết và lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu phù hợp của cả hai văn bản để chứng minh cho luận điểm đó. Ví dụ, khi so sánh hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Ứng dụng cách viết này học sinh không phân tích lần lượt từng tác phẩm như cách một mà phân tích so sánh song song trên các bình diện: Xuất xứ - cảm hứng - hình tượng - chất liệu và giọng điệu trữ tình, mô hình khái quát của kiểu bài này như sau: Mở bài: - Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này) - Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh Thân bài: - Điểm giống nhau + Luận điểm 1 (lấy dẫn chứng cả hai văn bản) + Luận điểm 1 (lấy dẫn chứng cả hai văn bản) + Luận điểm ..... - Điểm khác nhau + Luận điểm 1 (lấy dẫn chứng cả hai văn bản) + Luận điểm 1 (lấy dẫn chứng cả hai văn bản) + Luận điểm ..... Kết bài - Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu - Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân. * Hai cách làm bài của kiểu đề so sánh văn học là vậy, mỗi cách làm đều có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Trong thực tế không phải đề nào chúng ta cũng có thể áp dụng theo đúng khuôn mẫu cách làm như đã trình bày ở trên. Phải tùy thuộc vào cách hỏi trong mỗi đề cụ thể mà ta áp dụng theo cách nào và áp dụng sao cho linh hoạt, phù hợp. Cũng có khi vận dụng đầy đủ các ý của phần thân bài, cũng có khi phải cắt bỏ một phần cho hợp với yêu cầu trọng tâm của đề, hay dụng ý của người viết.

Cách làm bài so sánh hai nhân vật

3. Đề minh hoạ Để minh họa cho các bước làm một đề so sánh văn học mình đưa ra hai ví dụ để ứng dụng. Ví dụ 1 sẽ được làm theo cách làm bài số 1 – Phân tích nối tiếp; ví dụ 2 sẽ được làm theo cách làm bài số 2 – Phân tích song song. Hai ví dụ được vận dụng xuyên xuốt trong phần thực nghiệm để chúng ta kiểm chứng lại lí thuyết về cách làm bài và tiện đối chiếu mặt mạnh, mặt yếu của từng cách làm. Ví dụ 1: Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Đây là dạng đề có định hướng: tìm hiểu ánh sáng và bóng tối trong hai tác phẩm, kiểu đề so sánh hai chi tiết trong tác phẩm. Tuy nhiên nếu học sinh không nghiền ngẫm đề sẽ chỉ lao vào phân tích ánh sáng và bóng tối của hai tác phẩm rồi tìm ra điểm giống và khác nhau. Nhưng đề không đơn thuần là như vậy, các em học sinh cần hiểu yêu cầu đề nhấn mạnh đến sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối . Nghĩa là dụng ý của người ra đề còn muốn nhấn mạnh đến mục đích của các nhà văn khi khi xây dựng sự tương phản giữa hai loại ánh sáng đó. Từ đó tìm ra nét tương đồng và khác biệt của từng tác phẩm. Nếu hiểu được đúng yêu cầu đề như vậy bài viết chắc sẽ tốt hơn. Ví dụ 2: Hình tượng người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp qua hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu. Đây là dạng hỏi không có định hướng hay nói một cách khác là một dạng của đề mở. Với đề bài này người viết tự tìm ra luận điểm sao cho phù hợp, dù luận điểm xác định như nào thì nhất thiết người đọc cũng phải thấy được nét tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm. Đề này có thể thấy điểm giống nhau trên các bình diện: thời đại, hình tượng, lí tưởng...điểm khác nhau về bút pháp, nguồn gốc xuất thân... 3.2. Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết - Trước một đề văn, phân tích tìm hiểu đề cho kĩ càng đã khó, xây dựng được một dàn ý cho tương đối hoàn chỉnh và đúng đắn lại càng khó hơn. Bởi trước một vấn đề của văn chương không ít cách tiếp cận. Trước một câu hỏi văn chương ít khi có một lời đáp duy nhất, nhất là các dạng đề mở. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trước một đề văn ai nói gì thì nói mà ta cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Một bài văn làm theo hình thức tự luận thì bất kì đề thi thuộc kiểu, dạng gì cũng thường có đủ ba phần: Đặt vấn đề (mở bài), giải quyết vấn đề (thân bài), kết thúc vấn đề(kết bài). 3.2.1.Đặt vấn đề - Không phải không có lí khi có ý kiến cho rằng: văn hay chỉ cần đọc mở bài. Tất nhiên nếu chỉ đọc mở bài thì không thể đánh giá được toàn bộ bài văn. Nhưng mở bài có tầm quan trọng thực sự đối với bài viết. Người ta thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”. Khi viết văn có được một mở bài hay, tự nhiên “dòng văn” như được khơi chảy, tuôn trào. Mở bài lúng túng, trục trặc sẽ khiến bài văn thiếu sinh khí, văn phong không liền mạch, ý tứ sẽ trở nên rời rạc. - Đối với dạng đề so sánh văn học, học sinh càng lúng túng hơn khi viết mở bài vì liên qua tới hai tác giả, hai tác phẩm. Nhiều học sinh mở bài so sánh chưa đúng nguyên tắc. Các em thường mắc phải lỗi giới thiệu tuần tự hai tác giả, hai tác phẩm một cách rời rạc khiến người chấm có cảm giác như có hai mở bài. + Các em nên bắt đầu từ những điểm chung có liên quan đến hai tác giả, hai tác phẩm, thời đại, đề tài, các nhận định liên quan...để dẫn dắt vào vấn đề + Để có một mở bài hay các em cần mở bài ngắn gọn, đầy đủ (các thông tin cơ bản), độc đáo (gây được sự chú ý của người đọc về vấn đề mình sẽ viết) và phải tự nhiên. * Ví dụ 1: -Thạch Lam và Nguyễn Tuân là hai nhà văn thuộc dòng văn học lãng mạn, sinh ra trong một thời đại có nhiều biến động… - Ánh sáng và bóng tối trong hai truyện ngắn được sử dụng như một nguyên tắc tạo tình huống truyện mà còn vươn đến ý nghĩa biểu tượng về sự đối lập giữa thiện và ác và tốt và xấu, giữa hiện thực tăm tối và tương lai tươi sáng… * Ví dụ 2: Đặt vấn đề - Đề tài về người lính là đề tài quen thuộc của thơ ca kháng chiến chống Pháp - Cùng viết về một đề tài song vẻ đẹp của hình tượng người lính trong Đồng chí qua cảm nhận của Chính Hữu và vẻ đẹp của hình tượng người lính trong Tây Tiến qua cảm nhận của Qung Dũng lại khác nhau. 3.2.2 Giải quyết vấn đề - Giải quyết vấn đề được xem là phần quan trọng nhất trong một bài viết vì nó chiếm số lượng điểm nhiều nhất của toàn bài. Chính vì vậy mà phần này giáo viên không chỉ trang bị kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, kiến thức sâu, rộng về tác phẩm mà phải hướng dẫn cho các em các kĩ năng viết bài: lập dàn ý, cách bám sát yêu cầu đề cũng như là nghệ thuật hành văn, kĩ thuật xoáy trọng tâm để khi thực hành các em làm được bài ở phong độ tốt nhất. - Quy trình thực hiện lập dàn ý chi tiết phần giải quyết vấn đề dạng bài so sánh có thể phân lập theo các bước sau. Đề bao giờ cũng đưa ra các đối tượng để so sánh: hai đoạn thơ, hai đoạn văn, hai nhân vật, hai chi tiết… + Trước hết, cần phân lập đối tượng thành nhiều bình diện để đối sánh. Bước này nhằm phát huy trí tuệ sắc sảo và mĩ cảm của học sinh. Trên đại thể, hai bình diện bao trùm là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tùy từng đối tượng được yêu cầu so sánh mà có cách chia tách ra các khía cạnh nhỏ khác nhau như: ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, kết cấu, âm hưởng, giọng điệu đến đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật..... + Sau đó cần nhận xét, đối chiếu để chỉ ra điểm giống và khác nhau. Bước này đòi hỏi học sinh cần có sự quan sát tinh tường, phát hiện chính xác và diễn đạt thật nổi bật, rõ nét, tránh nói chung chung, mơ hồ. Khi nhận xét về điểm giống và khác nhau, giáo viên cũng cần định hướng cho các em tìm trên các bình diện để so sánh như : -> Thời đại, hoàn cảnh ra đời -> Đề tài, chủ đề -> Phong cách sáng tác -> Nội dung tư tưởng -> Đặc sắc nghệ thuật ->Vị trí đóng góp của tác phẩm, tác giả..... Nếu các em đối chiếu hai đối tượng (văn bản) được so sánh trên các bình diện trên để khái quát vấn đề chắc chắn các em sẽ tìm thấy điểm giống và khác nhau. Vì người ra đề thi dạng so sánh thường dựa trên những vấn đề có liên quan tới nhau để ra đề. + Cuối cùng là đánh giá, nhận xét và lí giải nguyên nhân của sự giống và khác nhau đó. Bước này đòi hỏi những tiêu chuẩn chắc chắn và bản lĩnh vững vàng cùng những hiểu biết sâu sắc ngoài văn bản để tránh những suy diễn tùy tiện, chủ quan, thiếu sức thuyết phục. Đây là một luận điểm khó nhất trong bài viết nên không nhất thiết đề thi nào cũng yêu cầu học sinh phải làm được, mà chỉ là khuyến khích học sinh tìm ra để thưởng điểm. Thực tế cho thấy đa phần đáp án đề thi đại học, cao đẳng, đề thi học sinh giỏi những năm qua cũng không bắt buộc phải có ý này. * Ví dụ 1: - Phân tích đối tượng so sánh 1: Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ + Bóng tối: Dày đặc, bao trùm cả phố huyện và được lặp đi, lặp lại nhiều lần: Một đêm mùa hạ êm như nhung; đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối; tối hết cả con đường thăm thảm ra sông, con đường qua chợ về nhà; các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa; đêm trong phố tĩnh mịch và đầy bóng tối.... biểu trưng cho cuộc sống tăm tối, tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện... (đó cũng chính là hình ảnh của xã hội Việt Nam những năm 1930 - 1945). + Ánh sáng: Ánh sáng tương phản với bóng tối nhằm tô đậm thêm bóng tối. Ánh sáng nơi phố huyện: nhỏ nhoi, yếu ớt, thưa thớt chỉ là những quầng sáng leo lét, những hột sáng, những vệt sáng, những khe sáng,... tượng trưng cho số phận leo lét, mòn mỏi của những con người nơi đây... Ánh sáng Hà Nội trong hoài niệm của nhân vật Liên: Hà Nội rực sáng....vừa là quá khứ, vừa là ước mơ về tương lai của chị em Liên Ánh sáng từ đoàn tàu vụt qua nhanh: các toa đèn sáng trưng; các cửa kính sáng; đồng và kền lấp lánh.... ánh sáng của đoàn tàu khác hẳn với ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt của phố huyện, hướng con người tới tương lai tươi sáng... -> Kết quả của sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối: Biểu tượng cho những kiếp người sống leo lét vô danh trong một xã hội tù đọng tăm tối nhưng vẫn không nguôi hướng về một tương lai tươi sáng hơn - Phân tích đối tượng so sánh 2: Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn Chữ người tử tù - Bóng tối: “mặt đất tối”, “ một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”…. hiện thân cho một không gian nhà tù tăm tối, một cuộc sống tù đọng, tối tăm đầy cái ác, cái xấu nơi nhà ngục thực dân, phong kiến. Đồng thời bóng tối cũng tượng trưng cho cái ác trong cuộc sống cũng như trong bản chất con người. - Ánh sáng: “ một ngôi sao Hôm nhấp nháy”, “một ngôi sao chính vị từ biệt vũ trụ”, “vuông lụa trắng”, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”…là ánh sáng của chân lí, của tâm hồn con người, của cái đẹp tài hoa, của một nhân cách thanh cao… -> Kết quả của sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối là sự chiến thắng của thiên lương con người trước cái xấu cái ác, trước cái cao cả với cái thấp hèn… - Nhận xét điểm tương đồng và khác biệt + Điểm tương đồng + Cả hai tác giả đều sử dụng ánh sáng và bóng tối - một thủ pháp nghệ thuật tương phản, đối lập mà văn học lãng mạn hay sử dụng nhằm tạo tình huống truyện. Đây là các chi tiết nhỏ nhưng góp phần chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề tác phẩm +Ánh sáng và bóng tối trong hai tác phẩm tác phẩm vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng cao. Bóng tối tượng trưng cho cái xấu, còn ánh sáng tượng trưng cho cái tốt. + Điểm khác biệt + Sự tương phản gữa ánh sáng và bóng tối được xây dựng trên sự đối lập gay gắt, có sự chuyển biến bất ngờ, đột ngột. Thủ pháp nghệ thuật này dẫn dắt tình huống truyện đi đến kết thúc là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của chân lí, cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu cái ác. Qua đó nhà văn thể hiện rõ thái độ trân trọng cái Đẹp +Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối không có sự chuyển biến bất ngờ. Ánh sáng của phố huyện nhỏ bé, ánh sáng từ đoàn tàu qua nhanh nên ánh sáng chỉ càng làm cho bóng tối trở nên dày đăc hơn, tô đậm thêm cái ngột ngạt, tăm tối của cuộc sống nơi đây. Qua đó nhà văn bày tỏ lòng cảm thông đối với những con người nhỏ bé, đặc biệt là số phận trẻ thơ trong xã hội cũ- những con người sống trong tăm tối nhưng không nguôi hướng về ngày mai tươi sáng. +Lí giải sự khác biệt Cả hai nhà văn đều xuất hiện trong giai đoạn văn học 1930-1945, trong một xã hội đầy biến động tuy nhiên phong cách sáng tác khác nhau Nguyên Tuân: Đại biểu của dòng văn học lãng mạn, một nhà văn xuốt đời đi tìm cái đẹp. Cảm hứng thẩm mĩ của ông thường hướng tới cái đẹp lớn lao, cái cao cả, những nhân cách lớn.... vì thế sự tương phản giữa ánh sáng và bóng đối lập bất ngờ, cuối cùng ánh sáng, cái Đẹp phải chiến thắng. Thạch Lam: Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng sáng tác của ông không theo hướng lãng mạn mà tác phẩm có sự hòa trộn cả lãng mạn và hiện thực. Đặc biệt Thạch Lam hay quan tâm đến những cái nhỏ bé, giản dị, đời thường, thế giới của trẻ thơ.... nên ánh sáng và bóng tối không có sự chuyển biến bất ngờ, ánh sáng không hoàn toàn thắng thế. * Ví dụ 2: - Giống nhau: + Luận điểm 1: Hai tác phẩm cùng ra đời năm 1948, là những hình ảnh người lính đang sống, chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp – bảo vệ tổ quốc + Luận điểm 2: Họ đều là những anh lính bộ đội cụ Hồ sống chiến đấu trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trải qua bao gian nan thử thách, khắc nghiệt nhưng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn: Với người lính Tây Tiến : Họ vượt lên thiên nhiên hiểm trở, dữ dội (Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm; Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người) cuộc sống thiếu thốn, bệnh tật ( Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc...) Với người lính trong Đồng chí là tinh thần chịu đựng gian khổ (áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá, chân không dày, đêm rét chung chăn,...) chịu chung những cơn sốt rét (anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh; Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi...) + Luận điểm 3: Cả hai người lính đã không bị gian khổ đẩy lùi mà họ lớn lên với tầm vóc lớn lao, đầy sức mạnh, một tinh thần lạc quan: Trong Tây Tiến trước thiên nhiên khắc nghiệt họ không hề chìm đi mà nổi lên hiên ngang, thách thức (Heo hút cồn mây súng ngửi trời...) Trong Đồng chí cũng là vẻ đẹp hiên ngang trong đêm canh gác ( Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới; Đầu súng trăng treo) - Khác nhau: +Luận điểm 1: Bút pháp Hình tượng người lính “Tây Tiến” được vẽ bằng bút pháp lãng mạn Hình tượng người lính trong bài Đồng chí được thể hiện bằng bút pháp tả thực + Luận điểm 2: Hoàn cảnh xuất thân Người lính Tây Tiến ra đi từ những phố phường, mái trường, công sở, là những thanh niên tri thức hà thành nên họ mang theo vào cuộc chiến đấu giấc mơ của một tâm hồn lãng mạn (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm) Người lính trong Đồng chí xuất thân từ những mái tranh nghèo, từ những vùng quê, đất mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá (Quê hương anh nước mặn đồng chua; Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá) nên họ mang vào cuộc chiến đấu cái dáng vẻ lam lũ của những miền quê. + Luận điểm 3: Vẻ đẹp của tâm hồn: Người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng nhưng cũng rất hào hoa (Mắt trừng gửi mộng qua biên giới./Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm) Tâm hồn bay bổng trước vẻ đẹp của thiên nhiên (Heo hút cồn mây súng ngửi trời). Một tâm hồn nghệ sĩ trong sinh hoạt tinh thần (Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa; Kìa em xiêm áo tự bao giờ; Khèn lên man điệu nàng e ấp; Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ) + Vẻ đẹp tâm hồn của người lính trong Đồng chí lại được nhấn mạnh đến tình đồng chí đồng đội giữa những người lính . Cơ sở làm nên tình cảm của họ là có chung một hoàn cảnh nghèo khổ nên họ dễ đồng cảm, có chung một chí hướng (Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ), chung tấm lòng yêu quê hương đất nước... Chính tình đồng đội, đồng chí đó đã tạo nên sức mạnh chiến đấu. 3.2.3 Kết thúc vấn đề - Kết bài là khâu cuối cùng để hoàn thành bài viết. Các em học sinh thường xem nhẹ kết bài. Với tâm lí “đầu xuôi thì đuôi khắc lọt”, thêm vào đó một lí do sắp hết giờ nên chỉ cần có “đóng lại” bằng cách tóm lại một vài ý đã trình bày ở trên. - Một kết bài đúng nguyên tắc, hay không chỉ ngắn gọn, khép lại những vấn đề đã bàn luận ở trên mà học sinh có thể kết bài mở, kết bài phát triển, kết bài theo hướng nâng cao, mở rộng để gợi ra nhiều suy nghĩ liên tưởng mới nơi người đọc Ví dụ 1: - Hai nhà văn, hai phong cách nhưng đều gặp nhau trong việc sử dụng thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối để thể hiện những dụng ý nghệ thuật riêng. - Đây là những chi tết nhỏ nhưng làm lên giá trị lớn.... Ví dụ 2: - Hai hình tượng người lính này mang những vẻ đẹp khác nhau nhưng đã hoàn chỉnh bức chân dung anh bộ đội Cụ Hồ trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. - Hình tượng người lính đã sống lại trong lòng người đọc về một thời khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc.