Cao sơn quý minh là ai

Vào 27 tháng Chạp, người dân xã Đồng Liên, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) rước kiệu đưa thần Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh từ nghè thờ về chùa Xuân Đám, đến ngày 10 tháng Giêng lại có 8 thanh niên khỏe mạnh cùng nam nữ lão ấu rước thần về nghè…

Với người dân làng Xuân Đám (xã Đồng Liên) hầu như ai cũng có thể thuật lại những chiến công hiển hách của thành hoàng làng, đại tướng quân Dương Tự Minh. Theo sử sách thì ông là vị tướng tài ba dưới triều Lý, là người có công bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII.

Tương truyền rằng, nhà Tống sai Đàm Hữu Lượng đem quân sang xâm lược nước ta. Nhận hung tin, vua Lý Anh Tông sai tướng Dương Tự Minh đi dẹp giặc. Sau khi dẹp yên biên thùy, thu giang sơn về một mối, lại thêm phần yêu mến tài năng, vua Lý đã 2 lần gả công chúa là Diên Bình và Thiều Dung, phong làm Phò mã cho đại tướng Tự Minh. Đồng thời vua giao đại tướng cai quản vùng đất từ Đông sang Tây. Khi mất, người dân và vua đều vô cùng thương tiếc và lập đền thờ. Nơi nào tướng quân và 2 phu nhân đóng quân, dân đều tin yêu gọi là thần và nơi đó được dân lập đình, đền, nghè, miếu thờ, trong đó có các di tích tiêu biểu là nghè Xuân Đám.

Nói về nghè Xuân Đám, cụ Hoàng Văn Nghị, một cao niên trong làng Xuân Đám cho biết, theo lời kể của ông nội thì nghè được xây dựng từ thời nhà Lý, tức sau thần Dương Tự Minh qua đời, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nghè vẫn giữ được những nét kiến trúc, đồ thờ, bia đá và các tư liệu quý khác.

“Đến ngày 27 tháng Chạp, dân làng rước kiệu từ nghè về chùa Xuân Đám, sau đó ngày 10 tháng Giêng lại có 8 thanh niên khỏe mạnh cùng nam nữ lão ấu trong vùng đánh trống cầm cờ rước thần về nghè. Trước đây còn có nhiều bài kinh cúng, kể về công lao của người anh hùng và cầu cho quốc thái dân an, đồng bào được ấm no, thông làng được yên ổn, không có thiên tai, dịch bệnh. Còn lại, các ngày rằm, mùng một, lễ lạt, người dân đều đội xôi, gà đến nghè thắp hương, cùng với đó là các lễ hội, đánh cờ người, kéo co,…”, ông Nghị cho biết.

Anh Vũ Đức Duân, một người con của làng Xuân Đám cho rằng, từ xa xưa, người dân Xuân Đám xem nghè là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, thậm chí là nơi dừng chân của người xưa. Theo các cụ thời xưa kể lại, tất cả những người muốn qua sang sông Cầu, khi đến nghè là phải dừng, một là để thắp hương, hai là ngủ lại qua đêm tại nghè. Dưới sông có một cái hang đá sâu, thông tới nền nghè, trong đó có chứa bí mật gì thì hiện tại chưa ai có thể lý giải được. Tuy nhiên, theo dân làng thì đây là nơi hội tụ của nhiều oan hồn, xấu số, những người bị đuối nước nơi thượng nguồn đều được trông dạt và đọng lại nơi chân nghè. Nhớ lại, anh Duân còn được chứng kiến vụ 5 học sinh phường Cam Giá đi chơi bị đuổi nước , xác trôi về chốn này, hoặc như vụ chị Dương Thị Thưa giết chồng vứt xác ở cầu Na, xác cũng trôi về đây.

Và bất cứ ai đến nghè đều có thể trông thấy cây Gắm vàng. Có người bảo cây này được trồng khi lập nghè, kể ra thì cũng đã ngót nghét nghìn năm, có cụ thì bảo cũng được năm trăm năm kể từ khi có vị vua đi qua cúi lạy thần và trồng cây, còn cụ Nghị, cụ bảo từ thời còn bé, cụ đã được nghe ông nội kể về cây có từ xưa, khi đó cây đã to thế này rồi, giờ già thế này rồi mà cây vẫn như thế.

“Cây Gắm cũng được xem là cây thuốc, song chẳng ai dám xâm hại dù chỉ là một chiếc lá. Bởi nhiều chuyện mang tính huyền bí tâm linh như chuyện chặt một nhánh cây bị phát bệnh tâm thần, ngắt một chiếc lá là rước thêm tai họa,…”, chụ Nghị cho biết thêm.

Qua nghè thờ thần Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh có thể thấy người dân nơi đây có cùng một tín ngưỡng dân gian đậm chất nhân văn, bao hàm những giá trị lớn lao về nhiều mặt trong đời sống, đi sâu gần gũi với nhân dân nhưng không kém phần uy nghi, tôn nghiêm, tạo nên một hợp thể nhuần nhuyễn, nhất quán giữa con người với thế giới tâm linh.

HẠNH NGUYÊN

Đình Vĩnh Ninh thuộc thôn Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc xã Dĩnh Kế, tổng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang). Di tích đình Vĩnh Ninh nằm về phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang và đầu đường quốc lộ 31 nên đường đi rất thuận lợi cho khách tham quan, đình Vĩnh Ninh cùng với các công trình tín ngưỡng văn hoá khác của xã Dĩnh Kế (nghè Cả và chùa Kế) tạo thành một quần thể di tích liên hoàn rất có giá trị. Nơi dựng đình là chốn "địa linh" của địa phương, truyền rằng làng Vĩnh Ninh xưa nằm trên thế đất hình con quy (Rùa) và đình làng được dựng trên đầu con quy, mặt ngoảnh nhìn hướng Tây. Đó là nơi đất đẹp và linh thiêng. Tương truyền ngày xưa bất cứ ai qua đình cũng phải ngả nón, quan lại đi qua đều phải "hạ mã", nếu không sẽ bị Thánh trừng phạt, người nào làm việc gì trái đạo lý sẽ bị thánh gieo tai hoạ bất ngờ…

Đình Vĩnh Ninh xưa có quy mô kiến trúc to lớn, đồ sộ, là công trình kiến trúc cổ, được khởi dựng triều vua Lê cách ngày nay khoảng hơn 300 năm, được tu bổ mở rộng vào triều vua Lê niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) theo cấu trúc truyền thống, gồm 3 công trình chính: Tiền tế, trung đình và hậu cung. Từ xa, người ta có thể dễ dàng nhận ra công trình kiến trúc quy mô này bởi các công trình của đình nằm trên khu đất cao, bốn mặt có tường bao ngăn cách với bên ngoài. Từng toà kế tiếp nhau tầng tầng, tạo cảm giác nơi thờ tự thật sự thâm nghiêm, song vẫn gần gũi thân thuộc bởi các hình khối, đường nét nhẹ nhàng thanh thoát.

Tòa tiền tế: Liền với mái và cùng bờ chảy với toà trung đình và toà tiền tế, công trình này gồm ba gian hai trái, khung gỗ lim, với đao cong mái uốn mềm mại, thanh thoát, chạm khắc, đắp vẽ tài nghệ, tinh xảo, phía trước có cửa bức bàn. Tiền tế là nơi hội họp và sắm sửa đồ tế lễ của nhân dân địa phương. Toà trung đình: Cách hậu cung khoảng 1,50m, công trình này gồm năm gian hai dĩ, khung gỗ lim, mái lợp ngói, hai bên hai hồi đình không có đao. Toà này, là nơi tế lễ của nhân dân nên đồ thờ tự được bài trí đơn giản, gọn gàng gồm có tắc tải, sập thờ, đặt bộ "thất sự", đồng thời là nơi đặt lễ vật của nhân dân mỗi dịp sự lệ tuần tiết. Gian giữa toà trung đình (còn gọi là gian lòng giếng, có nơi gọi là gian lòng đám) thấp hơn hai gian bên. Đó là nơi tế lễ-hai bên là chỗ ăn ngồi của toàn dân theo tôn ty trật tự truyền thống của làng: “Triều đình trọng tước, hương đẳng trọng xỉ”(Ở triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi). Tòa trung đình cũng là nơi đặt chiêng và trống; trên mái các gian treo hoành phi, các cột treo câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ.

Tòa hậu cung: Gồm một gian hai chái, khung gỗ lim mái lợp ngói, có 4 đao thanh thoát, đỉnh nóc đắp đôi Rồng chầu mặt nguyệt. Tòa hậu cung là trung tâm thờ tự đức Thánh Cao Sơn-Quý Minh. Trong hậu cung, khám thờ được bài trí trang trọng ở gian giữa, trong khám đặt ngai và bài vị Đức Thánh. Hai bên khám là hai ngựa thờ (nhị mã thiên thần), trước ngai là nhang án thờ, trên đặt bộ thất sự bằng đồng, hai bên là bộ siêu đao, bát biểu, trên cùng là bức hoành phi Thượng đẳng tối linh, hai bên cột treo câu đối. Trong hậu cung còn đặt kiệu bát cống (bộ đồ rước bài vị và nồi hương thờ đức Thánh mỗi khi cả xã cùng mở hội ở đình hàng xã và nghè Cả). Tất cả các đồ thờ tự ở đình đều được tạo tác bằng chất liệu gỗ, được chạm khắc, trang trí tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ, được sơn son thếp vàng rực rỡ thể hiện sự tài khéo của các nghệ nhân dân gian xưa. Tất cả là những sản phẩm nghệ thuật cổ đặc sắc mà ít nơi còn giữ được cho đến nay. Toà hậu cung, có cửa bức bàn, ngăn cách với bên ngoài là nơi tối linh không ai được vào, trừ cụ thủ phiên. Ngoài các công trình chính, đình Vĩnh Ninh còn các toà giải vũ ở hai bên sân đình, cửa toà tiền tế. Mỗi toà 3 gian gỗ lim, mái lợp ngói, tường xây gạch. Toà bên đông có sàn gỗ để đặt cỗ và lễ vật, toà bên tây không có sàn, thường được sử dụng làm nơi thịt lợn, làm cỗ việc làng.

Cũng giống như nhiều ngôi đình khác, đình Vĩnh Ninh gắn bó thân thiết với cuộc sống của mỗi người dân, cùng chứng kiến những thăng trầm của làng quê Vĩnh Ninh qua trường kỳ lịch sử với bao biến cố của thiên nhiên và xã hội. Năm 1950 làng Vĩnh Ninh bị giặc Pháp tàn phá, chúng đốt làng, dồn dân, lập bốt, tháo dỡ đình làng song trước đó một số cụ cao tuổi trong thôn đã kịp bí mật chuyển đồ thờ ở hậu cung (ngựa, kiệu, bát biểu) đem dấu ở nghè Cả, với lời nguyền: "Giặc xâm lăng xã nhà, nhị mã thiên thần phải lánh xa, thiên thu bất khả lộ". Dân làng Vĩnh Ninh phải chuyển về ở tạm làng Ngươi (sau trụ sở UBND xã Dĩnh Kế hiện nay), rồi sau lại di dời sang chợ Thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang hiện nay). Song dù trong hoàn cảnh nào, việc thờ tự Đức Thánh vẫn được duy trì dù đơn sơ, dù chỉ được dựng lên bằng tranh tre, mái lợp rạ với nồi hương thờ vọng, tất cả kiên trì chờ ngày đất nước thái bình, độc lập. Năm 1954, hoà bình lập lại, dân làng Vĩnh Ninh trở về nơi ở cũ, dựng lại nhà cửa và cũng dựng lại đình xưa, tuy buổi đầu mới có tranh tre nứa lá. Các cổ vật, các đồ thờ tự quý giá vẫn được cất giữ, bảo vệ ở Nghè Cả. Năm 1993, toàn dân làng Vinh Ninh tất cả đồng tâm hợp lực, chung tay tu dựng lại ngôi đình cũ trên nền đình cũ. Công trình mới này tuy nhỏ bé khiêm nhường so với ngôi đình cũ nhưng vẫn tuân thủ cơ bản theo quy mô, kiến trúc cũ. Kiến trúc hạng mục công trình ở đây đơn giản-cũng có đao cong, mái lượn, rồng chầu mặt nguyệt, nhưng kết cấu gỗ chủ yếu là chắc khoẻ chứ không mang giá trị nghệ thuật cao. Giá trị nghệ thuật chủ yếu tập trung vào các đồ thờ tự, rước sách như: Kiệu bát cống, long đình, bát biểu, ngai thờ, hộp sắc, ngựa thờ v.v…được bài trí nghiêm cẩn trong tòa hậu cung cùng bia đá triều vua Lê niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba (1781) với nội dung ghi lại việc gửi hậu để tu bổ, mở rộng đình vào thời Lê của dân thôn và thập phương đã được dựng lại trước cửa toà hậu cung. Tất cả đều là những cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Đình Vĩnh Ninh là công trình tín ngưỡng văn hoá tiêu biểu duy nhất của dân thôn, là nơi thờ hai vị Thánh Cao Sơn-Quý Minh (hai thuộc tướng thời Hùng Duệ Vương). Truyền tích về hai Đức Thánh vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền lại qua nhiều thế hệ, truyện kể rằng:

Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em sinh đôi từ thời Hùng Vương thứ 18, trong một gia đình thi lễ, học hành thông mẫn, võ nghệ kỳ tài khó ai sánh nổi. Khi hai ông 2 tuổi thì cha mẹ đều mất cả. Thời đó, vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu lệnh cho các châu, huyện, đạo để tuyển chọn những người có tài năng đức độ ra làm quan lãnh binh đánh dẹp giặc ngoại xâm. Hai ông thấy vậy bèn cùng xin về triều ứng tuyển. Vua thấy hai ông có tài văn võ hơn người, liền tuyển và lệnh cho hai ông giữ chức chỉ huy sứ. Tuy được đội ơn mưa móc của vua, nhưng hai ông không quên cha mẹ-việc tang gia thờ cúng đều rất chu đáo tâm thành. Lại nói: vua Hùng sinh được 4 người con (hai con trai và hai con gái). Nhưng sau đó hai người con trai đều yểu mệnh mất sớm, còn hai người con gái khi đến tuổi trưởng thành Hùng Duệ Vương gả một người cho Chử Đồng Tử, một người gả cho vị tướng họ Nguyễn tên Tùng và truyền ngôi cho. Cùng khi đó ở đất Ai Lao lại có người họ Thục tên Phán, vốn là dòng dõi nhà Hùng, sau khi phân nhánh được sang trị vì đất này và đổi họ, nghe tin Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con rể, Thục Phán đã sinh lòng ghen tức, bèn đem quân sang xâm lược. Hùng Duệ Vương lấy làm lo lắng, liền cho vời Sơn Thánh vào chầu, Cao Sơn-Quý Minh đến lĩnh mệnh và được phong làm tả-hữu tướng quân, tiên phong lên đường dẹp giặc Thục ở miền Đông Bắc. Hai ông Cao Sơn và Quý Minh vâng mệnh lên đường, trống dong cờ mở rợp trời. Khi tới miền Đông Bắc, lộ Bắc Giang thì trời đã xẩm tối, nên hai ông đã hạ trại đóng quân tại đây. Thấy vùng đất này có nhiều lợi thế cho việc quân cơ, hai ông truyền lệnh cho quân dân thiết lập luỹ đồn để đánh giặc. Một hôm đang ngủ trong bản doanh, hai ông đều mộng thấy có thần dân ở trang khu tới xin trợ giúp cho các ngài. Sáng ra hai ông làm lễ bái yết và cho khao thưởng quân sỹ. Dân thôn thấy vậy nô nức hưởng ứng giúp đỡ. Cao Sơn và Quý Minh nói với phụ lão trang khu rằng: Ta vâng mệnh thiên tử giúp nước an dân, đem quân tới đây lập đồn luỹ bố phòng đánh giặc, lại được nhân dân giúp đỡ, thổ thần phù trợ, vậy ta cho vàng bạc để nhân dân trang khu lập miếu từ thờ phụng mãi mãi về sau. Quả vậy, sau đó hai ông đã dẹp tan giặc Thục, thiên hạ từ đó được thanh bình, quốc gia vô sự. Sơn Thánh dâng biểu tâu với vua rằng: Nay Thục đã bình xong, vua cho vời hai danh tướng Cao Sơn và Quý Minh và các tướng sỹ khác về triều để mở yến tiệc khao thưởng, phong tặng những người có công lao to lớn. Hai ông tuân lệnh hồi triều và cũng tâu với vua rằng: Chúng tôi vâng mệnh bệ hạ cầm quân lên miền Đông Bắc, đạo Bắc Giang trấn giữ đồn luỹ để dẹp giặc, được thần phù trợ và nhân dân trong vùng hưởng ứng, nên đã giành được thắng lợi trở về, nay xin báo đáp. Vua nghe xong bèn cho y chuẩn. Hai ông bái tạ rồi trở về nơi đóng quân lập đồn luỹ khi trước. Tới đây, hai ông được các cụ và thôn trang đến chúc mừng, các bô lão tâu rằng: Từ khi hai ông đóng quân ở đây, dân thôn được yên nghiệp làm ăn, ngày một thịnh vượng, anh khang. Nhân dân xin trên mảnh đất này-trước làm nơi đồn trú, sau làm đền từ thờ cúng tưởng nhớ. Hai ông ưng thuận và bảo với các cụ trong thôn rằng: Dân trang khu có lòng trọng ta để truyền tới muôn đời, nhưng khi xây lập miếu từ thờ phụng thì hãy cho linh thần sở tại phối hưởng. Hai ông ban cho dân trang khu vàng, bạc để về sau mở rộng đền từ, ao ruộng giúp cho việc thờ cúng. Cùng lúc đó có hai đám mây vàng phóng xuống chỗ hai ông, đây cũng là chính là ngày hóa của hai ông. Dân trang khu làm đơn tâu trình lên vua. Triều đình liền lệnh cho dân trang khu làm lễ tế cúng hai ông, đồng thời phong tước cho hai vị: Phong cho đức Cao Sơn là: Thông minh đại vương, tặng phong tế thế hộ quốc an dân phù vận dương vũ đức thánh bảo cảnh hiện hữu tôn thần, nguyên tặng hiệu linh đôn tĩnh hùng lược trác vỹ dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần. Phong cho đức Quý Minh là: Hiển ứng đại vương, tặng phong phu ký uy dũng, hộ quốc an dân hiến chiêu cảm trật ưu, tôn thần, tặng thanh lãng cao diện địch, trấn tĩnh dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho dân trang vùng Đông Bắc phụng thờ các ngài mãi mãi về sau.

Hội đình Vĩnh Ninh hằng năm được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Giêng, trong ngày hội các thái ông, lão bà và nhân dân địa phương, khách thập phương cùng nhau thành kính dâng nén hương thơm tế Thánh Cao Sơn-Quý Minh, là cách giáo dục cho các thế hệ tiếp nối sau này lòng biết ơn những người đã có công  lập làng, giữ nước.

Thanh Huyền

Video liên quan

Chủ đề