Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể có đóng góp gì

Biên phòng - Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới, tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản này vẫn chưa thực sự tương xứng cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Hiện nay, các địa phương luôn nỗ lực trong quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới cũng như pháp luật về di sản văn hóa.

  • Vinh danh Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
  • Di sản văn hóa - “đòn bẩy” phát triển du lịch ở Lào Cai
  • Hát Xoan Phú Thọ - Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể có đóng góp gì
Phố cổ Hội An là 1 trong 8 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Ảnh: Trúc Hà

Trên thực tế, những năm qua, việc bảo tồn các di sản vẫn luôn bị vướng mắc của việc dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, tác động của biến đổi khí hậu. 2 năm trở lại đây, các di sản này lại chịu tác động phức tạp hơn bởi các yếu tố có nguy cơ tiêu cực từ các hiệu ứng như: Sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau giãn cách xã hội, sự thiếu hụt chưa kịp bù đắp nguồn nhân lực, khả năng thích nghi, thích ứng, ứng phó và cả cạn kiệt về nguồn lực sau thời gian dài hạn chế mở cửa vì dịch Covid-19…

Điều này đã đặt ra những thách thức đối với các nhà quản lý 8 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới gồm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Hoàng thành Thăng Long; Quần thể danh thắng Tràng An; Phố cổ Hội an; Thánh địa Mỹ Sơn; Thành nhà Hồ; Vịnh Hạ Long; Quần thể di tích Cố đô Huế.

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước Di sản thế giới” do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức ngày 14/9 vừa qua đã ghi nhận nhiều tham luận của các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà quản lý di sản văn hóa từ góc nhìn cơ chế thị trường; quản lý các khu di sản thế giới ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO.

Vấn đề nổi lên được các đại biểu quan tâm dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi là việc tiếp cận các xu thế mới của thế giới trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; những vấn đề trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu đều có chung thống nhất rằng, để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, công tác này đòi hỏi phải được tiếp cận liên ngành và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản thế giới, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản thế giới, bảo đảm sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý; kiện toàn bộ máy quản lý di sản thế giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư tài chính...

Kiến trúc sư Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đứng trước những thách thức và yêu cầu đặt ra hậu dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước phục hồi, biến thách thức thành cơ hội, đưa Huế trở thành điểm đến xanh, an toàn, thân thiện trong thời gian tới; tổ chức không gian và phát triển các sản phẩm mới để tạo sự khác biệt, có tính trải nghiệm cao; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch.

Quảng Nam là địa phương duy nhất có 2 di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Những năm qua, bên cạnh việc trùng tu thì việc đưa giáo dục di sản vào trường học là cách làm được tỉnh Quảng Nam triển khai có hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này. Theo đó, điểm mới và thành công của Hội An là đã gắn kết hài hòa giữa di sản vật thể và phi vật thể và đưa giáo dục di sản vào trường học.

Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã mời Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) lập đề án “Xây dựng chương trình học thông qua di sản ở Hội An” với mục tiêu nhận diện giá trị di sản và nội dung giáo dục trường, tìm cách liên kết với nhau tạo ra các chương trình trải nghiệm tại bảo tàng và di tích theo mô hình tích hợp. Đây là hình thức giáo dục thông qua trải nghiệm, phát triển tri thức và kỹ năng không liên quan đến thi cử, kiểm tra.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn trong tham luận chia sẻ về công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn cũng cho rằng: “Giáo dục di sản đóng vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn, ngoài các quy định của pháp luật liên quan. Tại di sản Mỹ Sơn, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản. Trong đó, mô hình “giáo dục di sản trong trường học” đã góp phần lan tỏa giá trị di sản toàn cầu Mỹ Sơn đến cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, chung tay bảo vệ, cùng chia sẻ trách nhiệm và thụ hưởng quyền lợi”.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp nối thành công của nhiệm kỳ 2013-2017, Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới, nhiệm kỳ 2023-2027. Bởi vậy, những kinh nghiệm và việc làm thực tiễn sẽ là “tấm phiếu” khẳng định vai trò và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.