Đánh giá sổ liên lạc điện tử học sinh

(HNM) - Giúp theo dõi sát sao quá trình học tập, rèn luyện của con em một cách nhanh chóng, tiện lợi, phần mềm Sổ liên lạc điện tử VnEdu của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của các thầy cô và phụ huynh. Đó cũng là lý do mà hệ sinh thái giáo dục thông minh này nhanh chóng được "phủ sóng" tại 50% trường học trong cả nước...
 

Cập nhật liên tục thông tin

Trao đổi về việc triển khai VnEdu tại Trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức - Hà Nội), thầy Trần Nguyên Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định, trường sử dụng dịch vụ này 2 năm học vừa qua và 100% phụ huynh đều tham gia. Khác với cách làm truyền thống, cô giáo sẽ gửi sổ liên lạc vào mỗi cuối tuần, thì nay, thông tin được nhà trường gửi đến phụ huynh nhanh chóng, kịp thời hằng ngày. Cũng theo thầy Phó hiệu trưởng, phí sử dụng sổ liên lạc điện tử VnEdu chỉ mất một khoản rất nhỏ. Trường hợp học sinh con em gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn được nhà trường cung cấp miễn phí (hiện trường có khoảng 60 học sinh đang hưởng ưu đãi này).

Đồng tình với nhận xét của thầy Hạnh, chị Nguyễn Thị Huế, phụ huynh của học sinh Phạm Nguyễn Khánh Linh - lớp 11A1, Trường THPT Vạn Xuân cho biết: “Khi có bất kỳ vấn đề nào của con ở trường, chúng tôi đều nhận được thông tin kịp thời, từ việc con đi học muộn, con chưa hoàn thành tốt bài tập ở nhà. Từ đó, có thể gọi ngay cho cô giáo chủ nhiệm để trao đổi chi tiết hơn. Điều đó làm chúng tôi rất hài lòng”. Để hiệu quả hơn nữa trong việc trao đổi, gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh, Trường THPT Vạn Xuân sẽ có kế hoạch cập nhật điểm số định kỳ để phụ huynh nắm được kết quả học tập của con em mình trong thời gian tới...

Kênh kết nối trực tuyến

Xác định công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột chính để phát triển, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ những năm trước, Tập đoàn VNPT đã chuyển hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục. VnEdu là giải pháp đã được đội ngũ kỹ sư VNPT thiết kế và đang là sản phẩm chủ lực triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện phần mềm này trên cả nước đang có 12.800 trường học sử dụng hệ thống quản lý thông tin nhà trường, gần 5 triệu hồ sơ học sinh, hơn 650.000 giáo viên và 2.000 website của các trường học. Trong đó, tính đến tháng 6-2018, phần mềm này đã triển khai ở 50% số trường trong cả nước với khoảng 2,9 triệu sổ liên lạc điện tử. Các trường đều đánh giá đây là dịch vụ không chỉ đầy đủ về chức năng mà còn dễ sử dụng.

Hiện, VNPT cũng đã đưa ra phiên bản VnEdu 2.0 mới nhất kết hợp hệ sinh thái đầy đủ để cung cấp cả nền tảng Elearning (đào tạo trực tuyến) và tăng cường hơn nữa kết nối giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh. Theo ông Lâm Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp giáo dục thuộc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT IT), VnEdu 2.0 được xây dựng như một hệ sinh thái toàn diện cho ngành Giáo dục, bao gồm 3 khối chức năng. Khối quản lý gồm các phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành trong nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục, nhằm số hóa tất cả công việc quản lý và điều hành của ngành Giáo dục. Khối học tập số cung cấp các công cụ soạn bài giảng, công cụ về Elearning, Mobile Learning, sẽ giúp giáo viên, học sinh dạy và học mọi lúc, mọi nơi. Khối liên thông tích hợp cho phép hệ thống hệ sinh thái Edu2.0 liên thông, tích hợp với tất cả hệ thống khác, đặc biệt là các hệ thống do Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai như hệ thống dữ liệu ngành, hệ thống về thống kê báo cáo. Ngoài ra, khối liên thông tích hợp này cho phép các ứng dụng, dịch vụ tiên tiến có thể kết nối vào hệ thống. Hiện nay học sinh ngồi ở Việt Nam có thể học tiếng Anh với giáo viên ở Mỹ, tự động chấm điểm của học sinh so với người bản địa.

Còn theo ông Đỗ Mạnh Dũng - Trưởng phòng Quản lý sản phẩm - Ban Khách hàng tổ chức doanh nghiệp VinaPhone (đơn vị kinh doanh phần mềm VnEdu), hiện việc cung cấp sổ liên lạc điện tử đã tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Thời gian tới, VinaPhone sẽ nhân rộng mô hình để các trường, đặc biệt là trường ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, để mang lại tiện ích cho công tác giáo dục.

Trong năm học 2018-2019, VnEdu sẽ có thêm nhiều tính năng mới như xây dựng hệ thống bài thi online, giúp giáo viên ra đề thi và học sinh có thể thi trực tuyến trên hệ thống. Bên cạnh đó, VinaPhone vẫn tiếp tục duy trì các chính sách bằng công tác hỗ trợ nhà trường và giáo viên từ các khâu đào tạo, chuyển giao, đặc biệt là công tác vận hành, sử dụng hệ thống. Ngoài ra, VNPT sẽ tạo thêm tiện ích để giáo viên dễ dàng hơn trong việc cập nhật điểm, tăng cường đội ngũ hỗ trợ tại các trường để cập nhật điểm thường xuyên.

Ngoài việc giảm thiểu hồ sơ, sổ sách, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để triển khai sổ liên lạc điện tử, giáo án, sổ điểm điện tử... đang giúp đội ngũ nhà giáo trên cả nước tiết kiệm rất nhiều thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn. Đặc biệt, việc đẩy mạnh số hóa trong giáo dục còn giúp tạo nên sự công bằng, đẩy lùi các tiêu cực “làm đẹp” điểm số.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động giảng dạy được nhiều trường phổ thông đẩy mạnh. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiện ích, công khai, minh bạch

Chỉ với chiếc smartphone hoặc các thiết bị điện tử có kết nối Internet , cùng một vài thao tác đơn giản như nhập mã số học sinh, mật khẩu, anh Nguyễn Hữu Thắng (phụ huynh Trường Tiểu học Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có thể dễ dàng theo dõi tình hình học tập của con. Mọi thông tin về điểm số, lịch học, các lưu ý của giáo viên... đều được nhà trường cập nhật một cách nhanh chóng và tiện lợi qua hệ thống sổ liên lạc điện tử.

Tương tự, từ nhiều năm nay, nhiều trường học ở Hà Nội đã thực hiện “số hóa” trong giáo dục bằng việc sử dụng học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử thay cho hồ sơ giấy. Thông qua cổng dịch công hoặc ứng dụng Hà Nội Smartcity của UBND Thành phố Hà Nội, phụ huynh học sinh có thể theo dõi quá trình học tập của con ở trường. Tất cả việc này hoàn toàn miễn phí.

Theo nhận định của ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), việc sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử sẽ làm giảm đáng kể các đầu việc đối với giáo viên trong việc quản lý, xếp loại học sinh.

Nếu như trước kia, việc tính điểm cho học sinh được thực hiện thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn thì nay, với hạ tầng kỹ thuật, việc này được thực hiện hoàn toàn trên máy, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chép ra các loại sổ sách.

Không riêng Hà Nội, mà hiện nay việc triển khai sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử đã được áp dụng ở nhiều địa phương trên cả nước. Việc này cũng nằm trong lộ trình đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành giáo dục, được xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây của ngành.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), khi có sổ điểm điện tử, có thể thực hiện các giao dịch thông tin qua các thiết bị điện tử mà không cần phải sử dụng bản giấy, đến tận nơi hoặc phải photo công chứng… Phụ huynh và học sinh có thể hoàn thành các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác ở bất cứ đâu. Đồng thời, việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho học bạ giấy cũng giúp công khai minh bạch các thông tin trong nội bộ của đơn vị, trong phạm vi quản lý ngành, giúp đẩy lùi các tiêu cực, vấn đề “làm đẹp” điểm số.

Ngoài ra, việc sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử cũng là bước tiến trong giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Nếu như trước đây, với một buổi dạy 5 tiết, cô Trần Thị Thu Giang (giáo viên Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội) phải mang theo khoảng 12 đầu sổ sách, hồ sơ (giáo án, sổ học bạ, sổ dự giờ...) thì giờ đây, mỗi buổi lên lớp của cô trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trước đây, nhiều sổ sách cần làm và phải hoàn thiện để đảm bảo đánh giá về chất lượng công việc trong các cuộc kiểm tra định kỳ khiến cô bị áp lực. Nhưng từ tháng 11.2020, theo Thông tư 32 của Bộ GDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học, một trong những thay đổi quan trọng là quy định về việc giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Quy định mới cũng chính thức cho phép sử dụng hồ sơ điện tử, giúp cởi bỏ nhiều đầu việc giấy tờ, áp lực sổ sách cho thầy cô.

Cần sự đồng bộ

Hiện nay, ngành giáo dục đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (big data) nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý giáo dục. Cơ sở dữ liệu này đã số hóa thông tin của gần 53.000 trường học từ mầm non đến THPT, với gần 25 triệu học sinh và 1,5 triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Tất cả những đối tượng trong phạm vi quản lý của ngành đều được số hóa bằng mã định danh. Đây là bước tiến quan trọng để ngành giáo dục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ điện tử, hướng đến vận hành theo mô hình Chính phủ số đến năm 2025. Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu toàn quốc về GDĐT sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành.

Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, ngành giáo dục đã biến thách thức thành cơ hội, đổi mới phương thức dạy học, triển khai dạy học trực tuyến và mang lại những hiệu quả bước đầu. Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng và nhanh chóng ban hành các quy định về mô hình dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, kèm theo các hướng dẫn về quy trình tổ chức dạy học trực tuyến, khung quy chế quản lý để tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể để các địa phương, nhà trường tổ chức triển khai phương thức dạy học trực tuyến đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Dù lãnh đạo ngành giáo dục có sự quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, nhưng còn cần sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp. Đơn cử hiện nay, dù các địa phương đều có hệ thống sổ liên lạc điện tử, ứng dụng phần mềm công nghệ để thực hiện phương thức kết nối giữa nhà trường và gia đình một cách tiện lợi và miễn phí, thì nhiều trường phổ thông trên cả nước vẫn triển khai dịch vụ sổ liên lạc điện tử dưới hình thức gửi tin nhắn về điện thoại (SMS) và thu phí dịch vụ từ 30.000 đến 50.000 đồng/tháng/học sinh.

Có những nơi, dù có hệ thống sổ liên lạc điện tử sử dụng miễn phí, nhưng giáo viên, nhà trường “ngại” cập nhật lên hệ thống, khiến phụ huynh phàn nàn việc thông tin bị cũ, chậm. Nhiều phụ huynh cho rằng số hóa phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và phụ huynh. Thay vì vẫn duy trì cách liên lạc bằng các dịch vụ có thu phí, thì hoàn toàn có thể thông tin qua website, email, tin nhắn OTT… Đó là các hình thức liên lạc miễn phí nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Chủ đề