Giả thuyết khoa học của đề tài nghiên cứu

Thông tin tác giả

Tham khảo

X

wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 82 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.

Bài viết này đã được xem 53.444 lần.

Giả thuyết là sư mô tả về một quy luật của tự nhiên hay giải thích về các hiện tượng trong thế giới thực, có thể được kiểm chứng thông qua quan sát và thực nghiệm. Trong nghiên cứu khoa học, giả thuyết thường được đề xuất dưới dạng một khẳng định có tính thăm dò, có thể kiểm tra và phủ định - dùng để giải thích một vài hiện tượng quan sát được trong tự nhiên.[1] Đây là giả thuyết giải thích. Ngoài ra, giả thuyết cũng có thể là mô tả của một quy luật, cách thức vận hành trong tự nhiên. Đó là giả thuyết tổng quát.[2] [3] Giả thuyết có thể đưa ra các dự đoán: những khẳng định cho rằng một biến sẽ đem lại ảnh hưởng hay thay đổi ở biến còn lại thông qua thực nghiệm được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều tư liệu khoa học đề xướng quan điểm cho rằng giả thuyết đơn giản chỉ là phán đoán có tính giáo dục và không khác gì dự đoán.[4] Thông tin thêm về sự hiểu lầm này sẽ được trình bày ở nội dung bên dưới.

Nhiều ngành học thuật, từ khoa học vật lý đến khoa học đời sống và xã hội, sử dụng kiểm định giả thuyết như một phương tiện để kiểm tra các ý tưởng, hiểu thêm về thế giới và làm giàu tri thức khoa học. Dù là học giả hay sinh viên năm nhất đang tham gia lớp khoa học, việc hiểu giả thuyết là gì và biết cách tự xây dựng giả thuyết cũng như dự đoán là rất quan trọng. Những chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn có được những bước đầu tiên.

Các bước

Phần 1 Phần 1 của 2:Chuẩn bị viết giả thuyết

  1. 1

    Chọn một đề tài. Chọn đề tài mà bạn cảm thấy hấp dẫn và bổ ích nếu có thể biết thêm về nó.

    • Nếu bạn viết giả thuyết cho bài tập ở trường, có lẽ bước này đã có sẵn.

  2. 2

    Đọc các nghiên cứu hiện có. Thu thập toàn bộ thông tin mà bạn có thể tìm được về đề tài đã chọn. Bạn cần trở thành chuyên gia về đề tài đó và biết rõ những gì đã được khám phá.

    • Tập trung vào những bài viết học thuật và hàn lâm. Hãy chắc rằng thông tin của bạn chính xác, toàn diện và không hề lệch lạc.
    • Bạn có thể tìm thông tin trong giáo trình, tại thư viện hoặc qua mạng. Nếu còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn cũng có thể xin giúp đỡ từ giáo viên, thủ thư và bạn học.

  3. 3

    Phân tích tài liệu. Dành thời gian đọc tư liệu mà bạn đã thu thập được. Khi làm điều này, bạn hãy tìm và ghi chú những câu hỏi chưa được trả lời trong tài liệu. Chúng có thể cho bạn những ý tưởng định hướng nghiên cứu tuyệt vời.

    • Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến sự tác động của caffeine đến cơ thể con người và nhận thấy dường như chưa có ai tìm hiểu việc caffeine tác động lên nam giới và nữ giới khác nhau như thế nào, đó có thể là xuất phát điểm để bạn xây dựng giả thuyết. Hoặc, khi hứng thú với phương pháp trồng trọt hữu cơ, có thể bạn nhận thấy chưa ai xem xét liệu phân hữu cơ có đem lại tốc độ phát triển khác biệt ở cây trồng so với phân vô cơ hay không.
    • Đôi khi, bạn có thể phát hiện lỗ hổng ở những tài liệu sẵn có bằng cách tìm kiếm phát ngôn như "chưa thể khẳng định" hoặc những luận điểm thiếu hụt thông tin một cách rõ ràng. Bạn cũng có thể tìm trong tài liệu khẳng định có vẻ không thực sự thuyết phục, ít khả năng xảy ra hoặc quá tốt để có thể là sự thật, chẳng hạn như: caffeine cải thiện kỹ năng toán học. Nếu đó là khẳng định có thể kiểm chứng, bạn sẽ giúp ích rất nhiều cho kiến thức khoa học khi tự tiến hành điều tra. Nếu chứng thực được, khẳng định đó sẽ trở nên còn tuyệt vời hơn. Nếu kết quả thu được không đủ để chứng thực, bạn đang góp phần vào quá trình tự kiểm tra, điều chỉnh - khía cạnh vô cùng cần thiết trong khoa học.
    • Xem xét những kiểu câu hỏi này là cách tuyệt vời để lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu và trở nên khác biệt.

  4. 4

    Đặt câu hỏi. Sau khi nghiên cứu tài liệu, bạn hãy đặt một hay nhiều câu hỏi chưa được trả lời mà bạn muốn tìm hiểu thêm. Chúng sẽ là các vấn đề nghiên cứu của bạn.

    • Tiếp tục với ví dụ ở trên, bạn có thể hỏi: "Caffeine tác động đến phụ nữ thế nào khi so sánh với nam giới?" hoặc "Phân bón hữu cơ tác động đến sự phát triển của cây trồng thế nào khi so sánh với phân bón vô cơ?". Phần còn lại của nghiên cứu sẽ hướng đến việc trả lời cho những câu hỏi này.

  5. 5

    Tìm gợi ý cho những đáp án khả thi. Khi đã có câu hỏi nghiên cứu, hãy rà soát tài liệu để biết liệu những nghiên cứu và/hoặc lý thuyết đã được công bố có cung cấp bất kỳ đầu mối nào để hình thành ý tưởng trả lời tiềm năng cho câu hỏi nghiên cứu của bạn hay không. Nếu có, chúng có thể là cơ sở cho giả thuyết của bạn.

    • Với ví dụ ở trên, nếu qua tài liệu, bạn nhận thấy với một số chất kích thích khác, mức độ tác động lên phụ nữ dường như luôn lớn hơn so với nam giới, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng này có thể cũng đúng với caffeine. Tương tự, nếu quan sát được, nhìn chung, phân hữu cơ dường như luôn gắn liền với những cây nhỏ hơn, bạn có thể giải thích bằng giả thuyết cho rằng cây được bón phân hữu cơ phát triển chậm hơn cây được bón phân vô cơ.

Phần 2 Phần 2 của 2:Hình thành giả thuyết của bạn

  1. 1

    Xác định biến. Giả thuyết tổng quát mô tả quy luật hay cách thức vận hành có thể tồn tại giữa hai biến: biến độc lập và biến phụ thuộc. Nếu thực nghiệm chứng thực điều này, bạn có thể quyết định đưa ra lý do tồn tại hay cơ chế đằng sau chúng. Lý do hay cơ chế được đề xuất là giả thuyết giải thích.

    • Bạn cũng có thể xem biến độc lập như biến tạo nên sự khác biệt hay tác động nào đó. Ở ví dụ của chúng ta, biến độc lập là giới: một người là nam hay nữ, và loại phân bón: phân vô cơ hay phân hữu cơ.
    • Biến phụ thuộc là đối tượng bị ảnh hưởng bởi ("phụ thuộc" vào) biến độc lập. Ở ví dụ trên, biến phụ thuộc sẽ là tác động được đo lường của caffeine hay phân bón.
    • Giả thuyết của bạn chỉ nên đề xuất một mối quan hệ. Quan trọng nhất, nó chỉ nên có một biến độc lập. Nếu có nhiều hơn một, bạn không thể xác định biến nào là nguồn gốc thật sự của bất kỳ tác động quan sát được.

  2. 2

    Xây dựng giả thuyết đơn giản. Khi đã dành thời gian nghĩ về câu hỏi nghiên cứu và các biến, hãy trình bày ý tưởng ban đầu về cách thức liên kết giữa các biến bằng một khẳng định đơn giản.

    • Lúc này, đừng quá bận tâm về tính chính xác hay việc phải đi sâu vào chi tiết.
    • Ở ví dụ trên, đó có thể là khẳng định về việc liệu giới tính của một người có thể ảnh hưởng đến tác động của caffeine với họ không. Chẳng hạn như, lúc này, giả thuyết của bạn có thể chỉ đơn giản là: "Giới tính của một người liên quan đến cách mà caffeine tác động đến nhịp tim của họ". Hay, đó có thể là khẳng định chung về sự phát triển của cây và phân bón. Giả thuyết giải thích đơn giản của bạn có thể là: "Cây được bón loại phân khác nhau có kích thước khác nhau bởi chúng phát triển với tốc độ khác nhau".

  3. 3

    Xác định hướng. Giả thuyết có thể có hướng hoặc vô hướng. Giả thuyết vô hướng chỉ phát biểu rằng một biến tác động đến biến còn lại theo một cách thức nào đó mà không chỉ rõ nó tác động như thế nào. Giả thuyết có hướng cung cấp nhiều thông tin hơn về bản chất (hay "hướng") của mối quan hệ, khẳng định cụ thể một biến tác động như thế nào đến biến còn lại.

    • Với ví dụ của chúng ta, giả thuyết vô hướng có thể là: "Có một mối quan hệ giữa giới tính một người và mức tăng nhịp tim mà caffeine gây ra cho người đó" và "Có mối quan hệ giữa loại phân bón và tốc độ phát triển của cây".
    • Dự đoán có hướng cho những ví dụ trên có thể là: "Sau khi dùng caffeine, mức tăng nhịp tim ở phụ nữ sẽ cao hơn so với nam giới" và "Cây được bón phân vô cơ sẽ phát triển nhanh hơn cây sử dụng phân hữu cơ". Trên thực tế, những dự đoán và giả thuyết hình thành nên dự đoán là những phát ngôn vô cùng khác biệt. Sự khác biệt này sẽ được trình bày thêm ở phần sau.
    • Nếu tài liệu cung cấp bất kỳ cơ sở nào cho việc xây dựng dự đoán có hướng, bạn nên làm điều đó bởi dự đoán có hướng đem lại nhiều thông tin hơn. Đặc biệt, trong khoa học vật lý, dự đoán vô hướng thường không được chấp nhận.

  4. 4

    Cụ thể với giả thuyết của bạn. Một khi đã có ý tưởng sơ bộ trên giấy, giờ là lúc để bắt đầu sàng lọc. Cụ thể hóa giả thuyết của bạn hết mức có thể, làm rõ chính xác ý tưởng nào sẽ được bạn kiểm định và khiến dự báo của bạn trở nên cụ thể và đo lường được. Nhờ đó, chúng có thể cung cấp bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa các biến.

    • Khi cần thiết, làm rõ tổng thể (người hay vật) mà bạn đang hy vọng có thể khám phá được những hiểu biết mới. Ví dụ, nếu chỉ hứng thú với tác động của caffeine đối với người lớn tuổi, dự báo của bạn có thể là: "Sự gia tăng nhịp tim ở phụ nữ trên 65 tuổi sẽ cao hơn ở đàn ông cùng độ tuổi". Nếu chỉ hứng thú với tác động của phân bón lên cây cà chua, dự đoán của bạn có thể là: "Cây cà chua được bón phân vô cơ sẽ phát triển nhanh hơn cây cà chua được bón phân hữu cơ trong ba tháng đầu tiên".

  5. 5

    Đảm bảo chúng có thể kiểm định được. Giả thuyết phải đề xuất mối quan hệ giữa hai biến hoặc nguyên nhân đằng sau mối quan hệ giữa chúng, đồng thời có thể quan sát và đo lường trong thế giới thực và quan sát được.

    • Ví dụ, bạn sẽ không muốn xây dựng giả thuyết: "Đỏ là màu đẹp nhất". Đây này là một ý kiến và không thể kiểm định bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, giả thuyết tổng quát: "Đỏ là màu được ưa chuộng nhất" có thể kiểm định bằng một khảo sát ngẫu nhiên đơn giản. Nếu thật sự chứng thực được rằng đỏ là màu được yêu thích nhất, bước tiếp theo có thể là nêu câu hỏi: Vì sao đỏ lại là màu được yêu thích nhất? Câu trả lời được đề xuất sẽ là giả thuyết giải thích của bạn.
    • Thông thường, giả thuyết được phát biểu dưới dạng câu nếu-thì. Ví dụ: "Nếu trẻ em được cho dùng caffeine thì nhịp tim của chúng sẽ tăng". Phát ngôn này không phải là một giả thuyết. Loại phát ngôn này chỉ là mô tả ngắn gọn phương pháp thực nghiệm theo sau một dự đoán và là cách giả thuyết được trình bày một cách sai lệch phổ biến nhất trong giáo dục khoa học. Cách đơn giản để hình thành được giả thuyết và dự đoán cho phương pháp này là tự hỏi tại sao bạn nghĩ rằng nhịp tim sẽ tăng khi cho trẻ dùng caffeine. Ở đây, giả thuyết giải thích có thể là: caffeine là một chất kích thích. Đến thời điểm này, một số nhà khoa học sẽ viết giả thuyết nghiên cứu, một khẳng định bao gồm giả thuyết, thực nghiệm và dự đoán: Nếu caffeine là một chất kích thích và một vài trẻ em được cho dùng caffeine trong lúc một số khác được dùng thức uống không caffeine thì nhịp tim ở trẻ dùng thức uống có chứa caffeine sẽ tăng nhiều hơn những trẻ còn lại.
    • Có vẻ kỳ lạ, nhưng các nhà nghiên cứu hiếm khi chứng minh một giả thuyết là đúng hay sai. Thay vào đó, họ tìm bằng chứng cho thấy điều trái ngược với giả thuyết của họ có khả năng không đúng. Nếu điều trái ngược (caffeine không phải chất kích thích) có khả năng không đúng, giả thuyết (caffeine là chất kích thích) có khả năng là sự thật.
    • Với ví dụ trên, khi kiểm định tác động của caffeine lên nhịp tim ở trẻ em, bằng chứng cho thấy giả thuyết của bạn là không đúng - đôi khi còn được gọi là giả thuyết không, có thể xuất hiện nếu nhịp tim ở cả trẻ dùng caffeine và trẻ dùng thức uống không caffeine (được gọi là nhóm đối chứng) không thay đổi hoặc đều tăng hay giảm với cùng một mức độ - không có sự khác biệt giữa hai nhóm trẻ. Nếu muốn kiểm định tác động của các loại phân bón khác nhau, bằng chứng cho thấy giả thuyết của bạn không đúng sẽ là việc cây phát triển cùng tốc độ bất kể loại phân hoặc cây được dùng phân hữu cơ lớn nhanh hơn. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây chính là: giả thuyết không sẽ trở nên hữu ích hơn nhiều khi ý nghĩa của kết quả được kiểm định với phép thống kê. Khi các số liệu thống kê được áp dụng cho kết quả của một thực nghiệm, nhà nghiên cứu tiến hành kiểm định ý tưởng của giả thuyết thống kê không. Ví dụ như, kiểm định rằng không có mối quan hệ nào giữa hai biến hoặc không có sự khác biệt nào giữa hai nhóm.[5]

  6. 6

    Kiểm định giả thuyết của bạn. Tiến hành quan sát hoặc thực nghiệm. Bằng chứng có thể cho phép bác bỏ giả thuyết không và do đó, hỗ trợ giả thuyết thực nghiệm. Tuy nhiên, cũng có thể bằng chứng không cho phép bác bỏ giả thuyết không và điều đó là hoàn toàn ổn. Bất kỳ kết quả nào cũng quan trọng, kể cả khi nó đưa bạn trở lại vạch xuất phát. Liên tục "quay lại điểm xuất phát" và rà soát ý tưởng chính là phương thức của khoa học đích thực![6]

Lời khuyên

  • Khi tìm hiểu tài liệu, tìm nghiên cứu tương tự với nghiên cứu mà bạn muốn thực hiện và phát triển thêm dựa trên thành quả của các nhà nghiên cứu khác. Đồng thời, cũng để tâm đến những khẳng định mà bạn cảm thấy nghi ngờ và hãy tự kiểm định chúng.
  • Giả thuyết nên có tính cụ thể nhưng cũng đừng nên quá mức đến nỗi chỉ có thể áp dụng cho thực nghiệm của bạn. Chắc hẳn bạn cần hiểu rõ tổng thể muốn nghiên cứu. Thế nhưng, sẽ không ai (trừ bạn cùng phòng) hứng thú đọc báo cáo với dự đoán: "Số lần hít đất mà ba bạn cùng phòng của tôi có khả năng thực hiện là khác nhau".
  • Đừng để cảm nhận và ý kiến cá nhân ảnh hưởng đến nghiên cứu. Giả thuyết đừng bao giờ nên phát biểu: "Tôi tin rằng...", "Tôi nghĩ rằng...", "Tôi cảm thấy..." hay "Ý kiến của tôi là...".
  • Nhớ rằng khoa học không nhất thiết phải là quá trình tuyến tính và có thể được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau.[7]