Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 trang 19 tập 1

Trong bài viết hôm nay, Kiến Guru sẽ chia sẻ đến bạn đọc hướng dẫn giải vở bài tập tiếng việt lớp 4. Nội dung này được cập nhật bám sát chương trình tiếng việt 4 mới nhất nhằm hỗ trợ bạn đọc hoàn thành các dạng bài trong vở bài tập chính xác và rút ngắn thời gian làm bài. Mời các bạn cùng theo dõi!

Những thay đổi trong nội dung vở bài tập tiếng việt lớp 4

Sự đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với những đòi hỏi về chất lượng giáo dục trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu. Và đó là sự thay đổi trên những phương diện nào, bạn đọc hãy cùng Kiến đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này trước khi đi vào phần đáp án vở bài tập tiếng việt lớp 4 nhé!

Đổi mới trên phương diện nội dung

Chương trình tiếng việt 4 nói chung và vở bài tập tiếng việt lớp 4 chương trình mới nói riêng được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, từ đó khiến các em hình thành những phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt đẹp được xã hội kỳ vọng.

Ở phiên bản này, giữa các bài tập được thiết kế có sự liên hệ với các bài học trước và các nội dung tri thức được lồng ghép hài hòa với nhau. Bên cạnh đó, trong bộ sách và vở bài tập mới này cũng đề cao tính tự học, tư duy sáng tạo của học sinh.

Một sự đổi mới về mặt nội dung là sự tích hợp các hoạt động hình thành các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đọc thành tiếng với đọc hiểu; tích hợp đọc hiểu và viết câu, đoạn,… Việc cung cấp kiến thức tiếng Việt và hình thành kĩ năng nói và nghe, viết sẽ dạy gắn chặt với kĩ năng đọc hiểu chứ không rời theo từng mạch. Phần Nói và nghe không theo hệ thống âm mà theo các chủ đề giao tiếp gắn với tình huống trong bài đọc. Vì thế, số lượng bài tập trong vở bài tập tiếng việt lớp 4 tuy không quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo phát triển đầy đủ các kỹ năng cho các em học sinh.

Thiết kế mới mẻ về mặt hình thức

Các hình vẽ, tranh ảnh được chọn lọc phản ánh sinh động nội dung bài học. Do đó, có thể dùng hình ảnh để dạy học đa phương thức, tạo cơ hội cho học sinh dựa vào hình ảnh để thực hiện các hoạt động, giáo viên được sử dụng tối đa các phương tiện dạy học và thúc đẩy khả năng quan sát của học sinh.

Gợi ý đáp án vở bài tập tiếng việt lớp 4

Sau khi đã hiểu được những đổi mới của phiên bản mới so với chương trình đang lưu hành hiện nay, mời bạn đọc tiếp tục cùng Kiến tham khảo đáp án vở bài tập tiếng việt lớp 4. Tài liệu này được chọn lọc từ những dạng bài tập điển hình trong cuốn vở bài tập tiếng việt lớp 4 với mục đích rút ngắn thời gian ôn luyện và làm bài tập về nhà của các bạn học sinh.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 1

Chính tả tuần 1 trang 2

Câu 1 (trang 2 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Điền vào chỗ trống

Hướng dẫn giải:

a) l hoặc n:

Không thể lẫn chị Chấm với bất cứ người nào khác. Chị có một thân hình nở nang rất cân đối. Hai cánh tay béo lẳn, chắc nịch. Đôi lông mày không tỉa bao giờ, mọc loà xoà tự nhiên, làm cho đôi mắt sắc sảo của chị dịu dàng đi.

b) an hoặc ang:

Mấy chú ngan con dàn hàng ngang lạch bạch đi kiếm mồi

bàng đang đỏ ngọn cây.

Sếu giang mang lạnh đang bay ngang trời.

Câu 2 (trang 2 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Giải câu đố :

Hướng dẫn giải:

a, Tên một vật chứa tiếng bắt đầu bằng l hoặc n :

Muốn tìm nam, bắc, đông, tây

Nhìn mặt tôi, sẽ biết ngay hướng nào?

Là cái la bàn

b, Tên một loài hoa chứa tiếng có vần an hoặc ang :

Hoa gì trắng xóa núi đồi

Bản làng thêm đẹp khi trời vào xuân?

Là hoa ban.

Tập làm văn: Thế nào là kể chuyện?

Câu 1 (trang 5 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Dựa theo câu chuyện Sự tích hồ Ba Bể, trả lời câu hỏi:

Hướng dẫn giải:

a) Những nhân vật có trong câu chuyện là:

Bà cụ ăn xin, mẹ con bà nông dân, những người dự lễ hội.

b) Nêu các sự việc xảy ra và kết quả của các sự việc ấy.

Bà cụ đến lễ hội xin ăn nhưng chẳng ai cho.

Hai mẹ con nông dân cho bà cụ ăn xin ăn và ngủ trong nhà.

Đêm khuya, bà cụ hiện hình là một con giao long lớn.

Sáng sớm, trước lúc đi, bà cụ cho hai mẹ con một gói tro và hai mảnh trấu.

Nước lụt dâng cao, mẹ con bà nông dân lấy mảnh trấu ra lập tức vỏ trấu hóa thành thuyền. Họ chèo thuyền để cứu người.

c) Nêu ý nghĩa của câu chuyện

Câu chuyện ca ngợi những con người có lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ đồng loại: khẳng định người có lòng nhân ái sẽ được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh đó, truyện đồng thời cũng đã lý giải sự hình thành hồ Ba Bể.

Câu 2 (trang 5 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Bài Hồ Ba Bể (sách Tiếng Việt 4, tập một, trang 11) có phải là bài văn kể chuyện không? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Bài Hồ Ba Bể được trích dẫn trong sách giáo khoa không phải là bài văn kể chuyện mà chỉ là bài văn giới thiệu về hồ Ba Bể. Vì bài văn không có các nhân vật cũng không diễn ra các sự việc xảy ra đối với nhân vật, mà chỉ giới thiệu về vị trí, độ cao, chiều dài, kích thước của hồ Ba bể.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 2

Luyện từ và câu trang 11, 12: Mở rộng vốn từ: Nhân hậu – đoàn kết

Câu 1 (trang 11 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Tìm các từ ngữ :

Hướng dẫn giải:

  1. Thể hiện lòng thương người, yêu thương đồng loại:

lòng thương người, yêu thương, xót thương tha thứ, lòng vị tha, lòng nhân ái, bao dung, thông cảm, đồng cảm, yêu quý, độ lượng.

  1. Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương

độc ác, hung dữ, tàn bạo, cay độc, ác nghiệt, dữ dằn, dữ tợn, hung ác, nanh ác, tàn ác.

  1. Thể hiện tinh thần đùm bọc giúp đỡ đồng loại:

cưu mang, bảo bọc, bảo vệ, che chở, nâng đỡ, ủng hộ, bênh vực, cứu giúp, cứu trợ, hỗ trợ.

  1. Trái nghĩa với đùm bọc hoặc ức hiếp:

ức hiếp, hà hiếp, hiếp đáp, hành hạ, đánh đập, lấn lướt, bắt nạt.

Câu 2 (trang 11 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Xếp các từ có tiếng nhân (nhân dân, nhân hiệu, nhân ái, công nhân, nhân loại, nhân đức, nhân từ, nhân tài) thành 2 nhóm:

Hướng dẫn giải:

a) Từ có tiếng nhân có nghĩa là người:

nhân dân, công nhân, nhân loại, nhân tài

b) Từ có tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người:

nhân hậu, nhân ái, nhân đức, nhân từ

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 3

Tập làm văn: Kể lại lời nói, ý nghĩa của nhân vật

I. Nhận xét (trang 19)

Câu 1 (trang 19 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Tìm trong truyện Người ăn xin, viết lại :

Hướng dẫn giải:

  1. Những câu văn ghi lại ý nghĩ của cậu bé:
  • Chao ôi ! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào.
  • Cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.
  1. Những câu ghi lại lời nói của cậu bé:

Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Câu 2 (trang 19 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Lời nói và ý nghĩ của cậu bé nói lên điều gì về cậu ?

Hướng dẫn giải:

Thông qua lời nói và cách suy nghĩ, ta nhận ra được rằng cậu bé có một trái tim nhân hậu và giàu tình yêu thương.

Câu 3 (trang 19 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Lời nói và ý nghĩ của ông lão ăn xin trong hai cách kể sau đây có gì khác nhau ?

  1. Cháu ơi, cảm ơn cháu ! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.
  2. Bằng giọng khản đặc, ông lão cảm ơn tôi và nói rằng như vậy là tôi đã cho ông rồi.

Hướng dẫn giải:

  1. Trong cách kể này lời nói và ý nghĩ của ông lão được dẫn trực tiếp và nguyên văn.
  2. Trong cách kể này lời nói và ý nghĩ của ông lão được thuật lại gián tiếp qua nhân vật xưng “tôi”.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 4

Chính tả Tuần 4 trang 23, 24

Câu 1 (trang 23 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Điền vào chỗ trống tiếng có âm đầu là r, d hoặc gi :

Hướng dẫn giải:

Đoạn văn sau khi đã hoàn thành như sau:

Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.

Diều bay, diều lá tre bay lưng trời. Sáo tre, sáo trúc bay lưng trời. Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 6

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trung thực – Tự trọng

Câu 1 (trang 40 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Chọn các từ tự tin, tự ti, tự trọng, tự kiêu, tự hào, tự ái để điền vào chỗ trống thích hợp trong đoạn văn sau :

Hướng dẫn giải:

Ai cũng khen bạn Minh, lớp trưởng lớp em, là con ngoan trò giỏi. Minh phụ giúp bố mẹ nhiều việc nhà, nhưng luôn luôn đi học đúng giờ, làm bài đầy đủ, chưa bao giờ để ai phiền trách điều gì. Cô chủ nhiệm lớp em thường bảo: “ Minh là một học sinh có lòng tự trọng. Là học sinh giỏi nhất trường nhưng Minh không tự kiêu. Minh giúp đỡ các bạn học kém rất nhiệt tình và có kết quả, khiến những bọn hay mặc cảm, tự ti nhất cũng dần dần thấy tự tin hơn vì học hành tiến bộ. Khi phê bình, nhắc nhở những bạn mắc khuyết điểm, Minh có cách góp ý rất chân tình, nên không làm bạn nào tự ái.

Lớp 4A chúng em rất tự hào về bạn Minh.

Câu 2 (trang 41 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Nối từ ở cột B với nghĩa của từ đó ở cột A :

A B
a. Một lòng một dạ gắn bó với lí tưởng, tổ chức hay với người nào đó. 1) trung thành
b. Trước sau như một, không gì lay chuyển nổi. 2) trung hậu
c. Một lòng một dạ vì việc nghĩa. 3) trung kiên
d. ăn ở nhân hậu, thành thật, trước sau như một. 4) trung thực
e. Ngay thẳng, thật thà. 5) trung nghĩa

Hướng dẫn giải:

Ta nối theo thứ tự sau: a – 1; b – 3; c – 5; d – 2; e – 4.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tuần 9

Tập làm văn: Luyện tập trao đổi ý kiến với người thân

Đề bài

Em có nguyện vọng học thêm một môn năng khiếu (hoạ, nhạc, võ thuật…). Trước khi nói với bố mẹ, em muốn trao đổi với anh (chị) để anh (chị) hiểu và ủng hộ nguyện vọng của em.

Tưởng tượng và ghi lại cuộc trao đổi đó.

Hướng dẫn giải:

Em gái: – Chị ơi, sắp tới trường em mở lớp dạy vẽ. Em muốn xin ba mẹ đi học. Chị ủng hộ em nha!Chị gái: – Trời ơi, học nhạc làm gì em ? Em lo học cho tốt chương trình trên trường đi ! Hay là em muốn làm họa sĩ ? Chị không ủng hộ em đâu!

Em gái: – Kìa chị! Em thích rất thích vẽ tranh. Học vẽ có nhiều lợi ích. Biết vẽ tranh cũng làm tâm hồn ta phong phú hơn mà chị. Với lại em sẽ không bỏ bê công việc học trên trường đâu. Em muốn học vẽ vì lớn lên em muốn thi vào đại học mỹ thuật, chị ủng hộ em đi.

Chị gái: – Có thật là em sẽ không bỏ bê việc học không? Mà em có năng khiếu không mà định học vẽ tranh?

Em gái: – Có chị ạ ! Hôm trước trong giờ mỹ thuật trên trường, cô giáo em khen em và khuyến khích em nhiều lắm.

Chị gái: – Được rồi, vậy thì chị sẽ ‘‘xem xét” lại, nhưng mà em phải hứa là đảm bảo học chương trình trên trường cho tốt đó !

Em gái: – Em xin hứa mà chị !

Chị gái: – Ừ, vậy thì chị sẽ ủng hộ.

Em gái: – Em cảm ơn chị nhiều lắm.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Tuần 15

Câu 1 (trang 105 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1): Viết tên các đồ chơi hoặc trò chơi:

Hướng dẫn giải:

a) Chứa tiếng bắt đầu bằng tr hoặc ch

ch:

  • Đồ chơi: chong chóng, chó bông, que chuyền
  • Trò chơi: chọi dế, chơi chuyền.

tr:

  • Đồ chơi: trống cơm, trống ếch, cầu trượt
  • Trò chơi: trốn tìm, cầu trượt, cắm trại,

b) Chứa tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã:

thanh hỏi:

  • Đồ chơi: tàu hỏa, tàu thủy
  • Trò chơi: nhảy dây, thả diều, nhảy ngựa

thanh ngã:

  • Đồ chơi: ngựa gỗ,
  • Trò chơi: bày cỗ, diễn kịch.

Hướng dẫn giải vở bài tập tiếng việt lớp 4 tập 2

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Tuần 19

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Tài năng

Câu 4 (trang 5 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2): Viết lại câu tục ngữ em thích trong bài tập 3 và cho biết vì sao em thích.

Hướng dẫn giải:

  • Em thích câu “Người ta là hoa đất” vì đây là câu nói ca ngợi con người. Con người chính là tinh hoa, là những gì quý giá của đất mẹ và có vai trò quan trọng trong thế giới tự nhiên.
  • Em thích câu ” Nước lã mà vã nên hồ / Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan” Vì đây là câu nói ca ngợi những con người tài năng với tinh thần mạnh mẽ, giàu ý chí và nghị lực, nhờ đó họ có thể gây dựng và làm nên được nghiệp lớn.

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Tuần 24

Chính tả

Câu 2 (trang 34 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2): Em đoán xem đây là những gì. Viết vào chỗ trống những chữ em đoán.

Hướng dẫn giải:

a)

Để nguyên – loại quả thơm ngon

Thêm hỏi – co lại chỉ còn bé thôi

Thêm nặng – mới thật lạ đời

Bỗng nhiên thành vết xoong nồi nhọ nhem.

Là các chữ: nho – nhỏ – nhọ

b)

Bình thường dùng gọi chân tay

Muốn có bút vẽ – thêm ngay dấu huyền

Thêm hỏi – làm bạn với kim

Có dấu nặng, đúng người trên mình rồi.

Là các chữ: chi – chì – chỉ – chị

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Tuần 30

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Du lịch – Thám hiểm

Câu 1 (trang 79 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2): Tìm những từ ngữ liên quan đến hoạt động du lịch và điền vào bảng sau.

Hướng dẫn giải:

a) Đồ dùng cần cho chuyến du lịch: va li, cần câu, lều trại, giày thể thao, mũ, quần áo bơi, đồ ăn, nước uống, máy nghe nhạc, đèn pin, dụng cụ thể thao (bóng, lưới)…

b) Phương tiện giao thông và những sự vật có liên quan đến phương tiện giao thông: tàu thủy, bến tàu, tàu hỏa, ô tô, máy bay, xe buýt, nhà ga, bến xe, xe đạp, xe xích lô, sân bay, vé xe, vé tàu, đường sắt…

c) Tổ chức, nhân viên phục vụ du lịch: khách sạn, hướng dẫn viên, nhà nghỉ, phòng nghỉ công ti du lịch, tuyến du lịch, tua du lịch….

d) Địa điểm tham quan du lịch: phố cổ, bãi biển, công viên, thác nước, núi, sông, đền, chùa, di tích lịch sử, bảo tàng, nhà lưu niệm, công viên nước….

Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Tuần 34

Tập làm văn:

Câu 2 (trang 106 Vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2): Chọn viết lại một đoạn trong bài làm của em cho hay hơn.

Hướng dẫn giải:

Một buổi trưa hè, mèo nằm ườn phơi nắng. Chân duỗi ra, mắt lim dim ngủ. Trông chú ta thật lười biếng. Một vài chú bướm đang bay lượn xung quanh những khóm loa trong vườn. Thoắt cái, mèo ta đứng dậy, nhảy phốc lên vồ bướm. Hụt rồi ! Chú ta tìu nghỉu. Chừng như chữa thẹn mèo phóng vút lên cây cau trước sân, cào cào mấy cái, rồi nhẹ nhàng nhảy xuống, đủng đỉnh đi vào, ra vẻ ta đây giỏi.

Kết luận

Vừa rồi Kiến Guru đã chia sẻ đến bạn những đổi mới trong chương trình tiếng việt nói chung và vở bài tập tiếng việt lớp 4 nói riêng. Những thay đổi này được thiết kế để nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đòi hỏi học sinh phải có nền tảng học tập ở các khóa trước vững vàng. Hy vọng đáp án vở bài tập tiếng việt lớp 4 – một số bài tập điển hình sẽ hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu môn học này của các bạn.

Đừng quên theo dõi những tài liệu tham khảo được biên soạn dựa trên chương trình học mới nhất và các chủ đề hay ho khác của Kiến nhé. Chúc bạn đọc đạt được thành tích cao trong học tập!