Hêraclít là nhà triết học thuộc trường phái

1. Bối cảnh ra đời về triết học Hy Lạp cổ đại

- Triết học ra đời khoảng thế kỷ VI TCN khi chế độ chiếm hữu nô lệ được xác lập trên cơ sở phát triển của kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Sự phát triển kinh tế thúc đẩy sự ra đời, phát triển của khoa học và triết học.

- Nhà nước Hy Lạp xuất hiện dưới hình thức các quốc gia thị thành (thành bang); xã hội phân chia thành hai giai cấp đối lập là chủ nô và nô lệ. Cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển của các khuynh hướng triết học.

2. Đặc điểm của triết học Hy Lạp cổ đại

- Triết học Hy Lạp cổ đại là ngon cờ lý luận của giai cấp chủ nô, ngay từ đầu đã mang tinh giai cấp sâu sắc. Về thực chất, là thế giới quan,ý thức hệ của giai cấp chủ nô thống trị, là công cụ lý luận để duy trì và bảo vệ trật tự xã hội đương thời, phục vụ cho giai cấp chủ nô.

- Triết học Hy Lạp cổ đại gắn chặt với khoa học tự nhiên, lấy giới tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu. Vì vậy, nó thuộc loại hình triết học tự nhiên, nhà triết học đồng thời là nhà khoa học tự nhiên; muốn hiểu biết sâu sắc nền triết học này cần phải có tri thức khoa học tự nhiên vững chắc.

- Thế giới quan bao trùm triết học Hy Lạp cổ đại là duy vật và vô thần. Triết học duy tâm và cuộc đấu tranh của họ chống lại triết học duy vật thường diễn ra, song chủ nghĩa duy vật và thế giới quan vô thần luôn chiếm ưu thế; nó là vũ khí lý luận cần cho giai cấp chủ nô chống lại những thế lực chống đối, những điều mê tín, dị đoan và những điều vô lý trong thần thoại.

- Phép biện chứng tự phát, ngây thơ ra đời và phát triển trong triết học Hy lạp cổ đại cùng với chủ nghĩa duy vật mộc mạc, chất phác và thành tựu của khoa học tự nhiên là đặc điểm nổi bật của lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại. Ngay từ đầu, sự ra đời của triết học Hy Lạp đã gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu phát triển của nhận thức khoa học và kỹ thuật, gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, chứa đựng mầm mống của hầu hết các thế giới quan sau này

- Thành tựu nổi bật của triết học Hy Lạp cổ đại thể hiện ở việc nó là “ mầm mống và đang nảy nở hầu hết tất cả các loại thế giới quan sau này”, đáng kế nhất là sự ra đời của chủ nghĩa duy vật mộc mạc, chất phác và phép biện chứng tự phát, ngây thơ- những hình thức đầu tiên của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong lịch sử triết học nhân loại. Vì vậy, nó gắn chặt với tên tuổi và sự nghiệp của các nhà triết học: Talét (khoảng 624- 547 TCN), Đêmôcơrít (khoảng 460-370 TCN), Plantôn (427-347 TCN): Arixtốt (384- 322 TCN), Êpiquya (341- 270 TCN),…

3. Một số triết gia tiêu biểu của nền triết học Hy Lạp cổ đại

3.1. Hêraclit (520 – 460 tr. CN)

Hêraclit là nhà biện chứng nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại. Khác với các nhà triết học phái Milê, Hêraclit cho rằng không phải là nước, apeirôn, không khí, mà chính lửa là nguồn gốc sinh ra tất thảy mọi sự vật.

“Mọi cái biến đổi thành lửa và lửa thành mọi cái tựa như trao đổi vàng thành hàng hóa và hàng hóa thành vàng”. Lửa không chỉ là cơ sở của mọi vật mà còn là khởi nguyên sinh ra chúng. “Cái chết của lửa – là sự ra đời của không khí, và cái chết của không khí là sự ra đời của nước, từ cái chết của nước sinh ra không khí, từ cái chết của không khí – lửa, và ngược lại”.

Bản thân vũ trụ không phải do chúa Trời hay một lực lượng siêu nhiên thần bí nào tạo ra. Nó “mãi mãi đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh viễn đang không ngừng bùng cháy và tàn lụi”.

Ví toàn bộ vũ trụ tựa như ngọn lửa bất diệt, Hêraclit đã tiếp cận được với quan niệm duy vật nhấn mạnh tính vĩnh viễn và bất diệt của thế giới.

– Dưới con mắt của Hêraclit, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta đều thay đổi, vận động, phát triển không ngừng.

Luận điểm bất hủ của Hêraclit: “Chúng ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

– Hêraclit thừa nhận sự tồn tại và thống nhất của các mặt đối lập nhưng trong các mối quan hệ khác nhau.

Chẳng hạn, “một con khỉ dù đẹp đến đâu nhưng vẫn là xấu nếu đem so nó với con người”.

Vũ trụ là một thể thống nhất, nhưng trong lòng nó luôn luôn diễn ra các cuộc đấu tranh giữa các sự vật, lực lượng đối lập nhau.

Nhờ các cuộc đấu tranh đó mà mới có hiện tượng sự vật này chết đi, sự vật khác ra đời. Điều đó làm cho vũ trụ thường xuyên phát triển và trẻ mãi không ngừng. Vì thế, đấu tranh là vương quốc của mọi cái, là quy luật phát triển của vũ trụ. Bản thân cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập luôn diễn ra trong sự hài hoà nhất định.

3.2. Đêmôcrít (khoảng 460 – 370 tr. CN)

Đêmôcrít là đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa duy vật cổ đại. Nổi bật trong triết học duy vật của Đêmôcrít là thuyết nguyên tử.

– Nguyên tử là hạt vật chất không thể phân chia được nữa, hoàn toàn nhỏ bé và không thể cảm nhận được bằng trực quan. Nguyên tử là vĩnh cửu, không thay đổi, trong lòng nó không có cái gì xảy ra nữa.

Nguyên tử có vô vàn hình dạng. Theo quan niệm của Đêmôcrít, các sự vật là do các nguyên tử liên kết lại với nhau tạo nên. Tính đa dạng của nguyên tử làm nên tính đa dạng của thế giới các sự vật.

Nguyên tử tự thân, không vận động, nhưng khi kết hợp với nhau thành vật thể thì làm cho vật thể và thế giới vận động không ngừng.

– Linh hồn, theo Đêmôcrít, cũng là một dạng vật chất, được cấu tạo từ các nguyên tử đặc biệt có hình cầu, linh động như ngọn lửa, có vận tốc lớn, luôn luôn động và sinh ra nhiệt làm cho cơ thể hưng phấn và vận động.

Do đó, linh hồn có một chức năng quan trọng là đem lại cho cơ thể sự khởi đầu vận động. Trao đổi chất với môi trường bên ngoài cũng là một chức năng của linh hồn và được thực hiện thông qua hiện tượng thở của con người.

Như vậy, linh hồn là không bất tử, nó chết cùng với thể xác.

– Đêmôcrít phân nhận thức con người thành dạng nhận thức do các cơ quan cảm giác đem lại và nhận thức nhờ lý tính.

Nhận thức đem lại do cơ quan cảm giác là loại nhận thức mờ tối, chưa đem lại chân lý.

Còn nhận thức lý tính là nhận thức thông qua phán đoán và cho phép đạt chân lý, vì nó chỉ ra cái khởi nguyên của thế giới là nguyên tử, tính đa dạng của thế giới là do sự sắp xếp khác nhau của các nguyên tử.

– Đêmôcrít đã có những quan điểm tiến bộ về mặt đạo đức.

Theo ông, phẩm chất con người không phải ở lời nói mà ở việc làm. Con người cần hành động có đạo đức.

Còn hạnh phúc của con người là ở khả năng trí tuệ, khả năng tinh thần nói chung, đỉnh cao của hạnh phúc là trở thành nhà thông thái, trở thành công dân của thế giới.

3.3. Platôn (427 – 347 tr. CN)

Platôn là nhà triết học duy tâm khách quan.

– Điểm nổi bật trong hệ thống triết học duy tâm của Platôn là học thuyết về ý niệm.

Trong học thuyết này, Platôn đưa ra quan niệm về hai thế giới: thế giới các sự vật cảm biết và thế giới ý niệm.

Theo ông, thế giới các sự vật cảm biết là không chân thực, không đúng đắn, vì các sự vật không ngừng sinh ra và mất đi, luôn luôn thay đổi, vận động, trong chúng không có cái gì ổn định, bền vững, hoàn thiện.

Còn thế giới ý niệm là thế giới của những cái phi cảm tính, phi vật thể, là thế giới của đúng đắn, chân thực và các sự vật cảm biết chỉ là cái bóng của ý niệm.

Nhận thức của con người, theo Platôn không phải là phản ánh các sự vật cảm biết của thế giới khách quan, mà là nhận thức về ý niệm.

Thế giới ý niệm có trước thế giới các vật cảm biết, sinh ra thế giới cảm biết. Ví dụ: cái cây, con ngựa, nước… là do ý niệm siêu tự nhiên về cái cây, con ngựa, nước… sinh ra. Hoặc khi nhìn các sự vật thấy bằng nhau là vì trong đầu ta đã có sẵn ý niệm về sự bằng nhau.

Từ quan niệm trên, Platôn đưa ra khái niệm “tồn tại” và “không tồn tại”. “Tồn tại” theo ông là cái phi vật chất, cái được nhận biết bằng trí tuệ siêu nhiên, là cái có tính thứ nhất. Còn “không tồn tại” là vật chất, cái có tính thứ hai so với cái tồn tại phi vật chất.

Như vậy, học thuyết về ý niệm và tồn tại của Platôn mang tính chất duy tâm khách quan rõ nét.

– Lý luận nhận thức của Platôn cũng có tính chất duy tâm.

Theo ông, tri thức là cái có trước các sự vật cảm biết mà không phải là sự khái quát kinh nghiệm trong quá trình nhận thức các sự vật đó. Do vậy nhận thức con người không phải là phản ánh các sự vật của thế giới khách quan, mà chỉ là quá trình nhớ lại, hồi tưởng lại của linh hồn những cái đã lãng quên trong quá khứ.

Trên cơ sở đó, Platôn phân hai loại tri thức: tri thức hoàn toàn đúng đắn, tin cậy và tri thức mờ nhạt. Loại thứ nhất là tri thức ý niệm, tri thức của linh hồn trước khi nhập vào thể xác và có được nhờ hồi tưởng. Loại thứ hai lẫn lộn đúng sai, là tri thức nhận được nhờ vào nhận thức cảm tính, ở đó không có chân lý.

– Những quan niệm về xã hội của Platôn thể hiện tập trung trong quan niệm về nhà nước lý tưởng.

Ông đã phê phán ba hình thức nhà nước trong lịch sử và xem đó là những hình thức xấu. Một là, nhà nước của bọn vua chúa xây dựng trên sự khát vọng giàu có, ham danh vọng đưa tới sự cướp đoạt. Hai là, nhà nước quân phiệt là nhà nước của số ít kẻ giàu có áp bức số đông, nhà nước đối lập giữa giàu và nghèo đưa tới các tội ác. Ba là, nhà nước dân chủ là nhà nước tồi tệ, quyền lực thuộc về số đông, sự đối lập giàu – nghèo trong nhà nước này hết sức gay gắt.

Còn trong nhà nước lý tưởng, sự tồn tại và phát triển của nhà nước lý tưởng dựa trên sự phát triển của sản xuất vật chất, sự phân công hài hoà các ngành nghề và giải quyết mâu thuẫn giữa các nhu cầu xã hội.

3.4. Arixtốt (384 – 322 tr. CN)

– Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác coi Arixtốt là bộ óc bách khoa nhất trong số các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp.

Triết học của ông cùng với triết học của Đêmôcrít và Platôn làm nên giai đoạn phát triển cao nhất của triết học Hy Lạp.

Là bộ óc bách khoa, Arixtốt đã nghiên cứu nhiều ngành khoa học: triết học, lôgíc học, tâm lý học, khoa học tự nhiên, sử học, chính trị học, đạo đức học, mỹ học.

– Sự phê phán của Arixtốt đối với Platôn là sự đóng góp quan trọng trong lịch sử triết học.

Đặc biệt là sự phê phán đối với học thuyết ý niệm của Platôn. Theo Arixtốt, ý niệm của Platôn là không có lợi cho nhận thức của con người, vì nó thuộc về thế giới bên kia – là cái phi thực thể, do đó nó không có lợi cho cắt nghĩa tri thức về các sự vật của thế giới quanh ta, dựa vào nó con người không thể nhận biết được thế giới bên ngoài.

– Giá trị của triết học Arixtốt còn thể hiện ở quan điểm về thế giới tự nhiên.

Tự nhiên là toàn bộ những sự vật có một bản thể vật chất mãi mãi vận động và biến đổi. Thông qua vận động mà giới tự nhiên được biểu hiện ra.

Vận động không tách rời vật thể tự nhiên. Vận động của giới tự nhiên có nhiều hình thức: sự tăng và giảm; sự thay đổi về chất hay sự chuyển hóa; sự ra đời và tiêu diệt; sự thay đổi trong không gian, v.v..

Quan niệm về giới tự nhiên của Arixtốt cũng biểu hiện sự dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Giới tự nhiên, theo ông vừa là vật chất đầu tiên, cơ sở của mọi sinh tồn, vừa là hình dáng (cái đưa từ bên ngoài vật chất).

– Nhận thức luận của Arixtốt có một vai trò quan trọng trong lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại.

Lý luận nhận thức của ông được xây dựng một phần trên cơ sở phê phán học thuyết Platôn về “ý niệm” và “sự hồi tưởng”.

Trong lý luận nhận thức của mình, Arixtốt thừa nhận thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức, là nguồn gốc, kinh nghiệm và cảm giác. Tự nhiên là tính thứ nhất, tri thức là tính thứ hai.

Cảm giác có vai trò quan trọng trong nhận thức, nhờ cảm giác về đối tượng mà có tri thức đúng, có kinh nghiệm và lý trí hiểu biết được về đối tượng. Ở đây, Arixtốt đã thừa nhận tính khách quan của thế giới.

Về các giai đoạn của nhận thức, Arixtốt thừa nhận giai đoạn cảm tính là giai đoạn thứ nhất, giai đoạn nhận thức trực quan (ví dụ sự quan sát nhật thực, nguyệt thực bằng mắt thường). Còn nhận thức lý tính là giai đoạn thứ hai, giai đoạn này đòi hỏi sự khái quát hóa, trừu tượng hóa để rút ra tính tất yếu của hiện tượng.

Sai lầm có tính chất duy tâm của Arixtốt ở đây là thần thánh hóa nhận thức lý tính, coi nó như là chức năng của linh hồn, của Thượng đế.

Tuy nhiên, nhìn chung nhận thức luận của Arixtốt chứa đựng các yếu tố của cảm giác luận và kinh nghiệm luận có khuynh hướng duy vật.

– Arixtốt cũng có những nghiên cứu sâu sắc về các vấn đề của lôgíc học và phép biện chứng.

Ông hiểu lôgíc học là khoa học về chứng minh, trong đó phân biệt hai loại luận đoán từ cái riêng đến cái chung (quy nạp) và từ cái chung đến cái riêng (diễn dịch).

Ông cũng trình bày các quy luật của lôgíc: quy luật đồng nhất, quy luật cấm mâu thuẫn trong tư duy, quy luật bài trừ cái thứ ba.

Arixtốt còn đưa ra phương pháp chứng minh ba đoạn (tam đoạn luận), v.v..

Phép biện chứng của Arixtốt ngoài sự thể hiện ở các quan niệm về các vật thể tự nhiên và sự vận động của chúng, còn thể hiện rõ trong sự giải thích về cái riêng và cái chung.

Khi phê phán Platôn tách rời “ý niệm” như là cái chung khỏi các sự vật cảm biết được như là cái riêng, Arixtốt đã cố gắng khảo sát cái chung trong sự thống nhất không tách rời với cái riêng. Theo ông, nhận thức cái chung trong cái đơn lẻ là thực chất của nhận thức cảm tính.

– Đạo đức học được Arixtốt xếp vào loại khoa học quan trọng sau triết học.

Trong đạo đức học ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề phẩm hạnh. Theo ông phẩm hạnh là cái tốt đẹp nhất, là lợi ích tối cao mà mọi công dân cần phải có. Phẩm hạnh của con người thể hiện ở quan niệm về hạnh phúc.

Xã hội có nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức, song, theo Arixtốt, hạnh phúc phải gắn liền với hoạt động nhận thức, với ước vọng là điều thiện.

Tóm lại, triết học của Arixtốt tuy còn những hạn chế, dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, nhưng ông vẫn xứng đáng là bộ óc vĩ đại nhất trong các bộ óc vĩ đại của triết học cổ đại Hy Lạp.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)

Video liên quan

Chủ đề