Hoàn thiện pháp luật về giao dịch thương mại điện tử hiện nay

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thương mại điện tử về cơ bản là việc ứng dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động kinh doanh, thương mại. Hiện nay, mạng lưới Internet phát triển và phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển và mang lại cho chủ thể kinh doanh những giá trị và lợi ích to lớn. Chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử bên cạnh việc tuân thủ các quy định trực tiếp về Thương mại điện tử, còn phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan khác như đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự.. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thương mại điện tử trở nên cần thiết và cấp bách. Pháp luật về thương mại điện tử được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua Thương mại điện tử an toàn. Trên cơ sở quy định của pháp luật các chủ thể xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình khi có tranh chấp xảy ra.

2. HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

2.1. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, chúng ta đã xây dựng được một loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Năm 2005, Quốc hội thông qua ba luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho Thương mại điện tử, đó là Luật thương mại, Bộ luật Dân sự và Luật giao dịch điện tử. Ngoài những văn bản trên, hoạt động Thương mại điện tử, các hoạt động liên quan đến Thương mại điện tử nói chung và việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực Thương mại điện tử còn chịu sự điều chỉnh của một số luật như; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật viễn thông năm 2009; Bộ luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 số 37/2009/QH12; Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010; Luật Quảng cáo 2012; Luật đầu tư 2014; Luật Doanh nghiệp 2014. Ngoài các văn bản luật, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể và quản lý các hoạt động giao dịch và các hoạt động liên quan trong Thương mại điện tử như: Nghị định 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 của Chính phủ về Thương mại điện tử; Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động Ngân hàng; Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác; Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về Chữ ký và Dịch vụ chứng thực chữ ký; Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi bổ sung Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về Chống thư rác; Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về Thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực Thương mại điện tử có các Nghị định sau: Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 quy định về Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Về Thông tư hướng dẫn thi hành có các Thông tư sau: Thông tư số 78/2008/TT-BTC ngày 15/9/2008 hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT ngày 30/12/2008 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác; Thông tư 03/2009/TT-BTC ngày 2/03/2009 quy định về mã số quản lý đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet, hướng dẫn thi hành Nghị định số 90/2008/NĐ-CP; Thông tư số 50/2009/TT-BTC ngày 16/03/2009 về việc hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán; Thông tư 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/07/2009 quy định về cung cấp thông tin và bảo đảm khả năng truy cập tuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư số 37/2009/TT-BTTTT ngày 22/7/2010  quy định về hồ sơ và thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư số 17/2010/TT-BKH ngày 22/07/2010 quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng; Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 23/2010/TT-NHNN ngày 9/11/2010 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng; Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 9/11/2010 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Thông tư số 25/2010/TT-BTTTT ngày 15/11/2010quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư số 209/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 quy định giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước; Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử; Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 về dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong số các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên các nội dung mới được quy định trong Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán thể hiện cụ thể như sau:

2.2. Điểm mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành

2.2.1. Điểm mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo Luật Đầu tư năm và Luật Doanh nghiệp năm 2014

- Luật đầu tư năm 2014 có 07 Chương, 76 Điều với nhiều nội dung mới bảo đảm hành lang pháp lý mở rộng thu hút đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động đầu tư, đem lại lợi ích tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điểm mới nổi bật trong Luật Đầu tư năm 2014 là các vấn đề liên quan đến nguyên tắc về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo pháp luật loại trừ, theo đó các nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư, kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

- Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, thể hiện theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đầu tư dự án, chứng nhận đầu tư, tạo cơ hội về khả năng gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; bãi bỏ quy định đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã nghành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và nghành, nghề kinh doanh; theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử thì việc sử dụng con dấu có sự thay đổi. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng thời, có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, không phải tất cả văn bản của doanh nghiệp phải đóng dấu mà chỉ đóng dấu vào văn bản nào pháp luật quy định hoặc đối tác yêu cầu phái có dấu; Trước đây Luật Doanh nghiệp quy định Doanh nghiệp nhà nước là Doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, thì Luật Doanh nghiệp 2014 quy định Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2.2.2. Điểm mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT

Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử nhằm hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử. Thông tư số 47/2014/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/01/20115, thay thế Thông tư 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử.

Bên cạnh việc kế thừa Thông tư số 12/2013/TT-BCT về các quy định liên quan đến thủ tục thông báo, đăng ký liên quan website thương mại điện tử thì Thông tư số 47/2014/TT-BCT chi tiết hóa hơn một số các quy định khác của Nghị định số 52/2013/TT-BCT như các vấn đề liên quan đến: quản lý hoạt động kinh doanh trên các website Thương mại điện tử, bao gồm việc phân định trách nhiệm quản lý với các website chuyên ngành; hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website Thương mại điện tử; quản lý hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử trên các mạng xã hội... Thông tư số 47/2014/TT-BCT không áp dụng đối với các website hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, website mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác, website cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, đặt cược hoặc trò chơi có thưởng.

Việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, chủ sở hữu mạng xã hội sẽ cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; chủ sở hữu mạng xã hội cho phép người tham gia mở gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; chủ sở hữu mạng xã hội có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Tất cả các hoạt động này đều phải đăng ký qua sàn giao dịch Thương mại điện tử.

Thông tư 47/2014/TT-BCT cũng quy định việc quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website thương mại điện tử theo đó: Thương nhân, tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh trên website Thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử; cá nhân không được phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; thương nhân, tổ chức được phép thiết lập website Thương mại điện tử bán hàng để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và phải công bố trên website của mình số, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh; thương nhân và tổ chức được phép sử dụng website cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử trong trường hợp này phải có trách nhiệm: yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh); loại bỏ khỏi website thông tin bán hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực.

2.2.3. Điểm mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN

Ngày 11/12/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2015, nhằm hướng dẫn một số quy định về dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2013 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tư số 39/2014/TT-NHNN làm rõ các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán, đồng thời đưa ra các quy định cụ thể đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm: Quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật; đảm bảo khả năng thanh toán; hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các quy định sau:

- Xây dựng và thực hiện các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử

- Bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử;

- Tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động Ngân hàng.

3. MỘT SỐ ĐIỂM BẤT CẬP VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH

Hiện nay chúng ta đang thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch Thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để Thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam. Sự ra đời của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 cùng Thông tư số 47/2014/TT- BCT quy định về quản lý website Thương mại điện tử, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử có những thay đổi đáng kể, khắc phục những lỗ hổng pháp lý thời điểm trước như thông tin đăng ký, thiếu quy phạm quản lý kinh doanh Thương mại điện tử trên các mạng xã hội... Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được đề cập đúng mức như: Thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm kinh doanh Thương mại điện tử qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động. Bên cạnh website Thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh Thương mại điện tử cũng như nền tảng di động cũng không kém phần cấp thiết. Hiện nay chưa có quy định quản lý Thương mại điện tử trên nền tảng di động cũng như chế tài tương ứng với hành vi vi phạm; quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website Thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng; thiếu hướng dẫn chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến; Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định, các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội phải có trách nhiệm quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang mạng xã hội của mình. Mọi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương. Cơ quan thuế phối hợp, lấy thông tin trên Cục Thương mại điện tử để theo dõi các doanh nghiệp, các tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, từ đó rà soát các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác để thu thuế. Thông qua đó, cơ quan thuế kiểm tra chứng từ liên quan đến các khoản thu chi của các doanh nghiệp này. Thông tin nguồn dữ liệu quản lý kê khai hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ nắm bắt hoạt động kinh doanh qua sàn, nhất là các trường hợp xây dựng kho hàng trên mạng của các cá nhân, doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp quản lý thuế. Thế nhưng, hiện nay việc kê khai đăng ký với Cục Thương mại điện tử không nhiều. Nguyên nhân, do Thông tư quy định trách nhiệm đăng ký là của doanh nghiệp mà không siết trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Do vậy, đến nay rất nhiều doanh nghiệp “né” trách nhiệm đăng ký vẫn không bị xử lý. Đó cũng là lý do ngành thuế thất thu vì không có nguồn dữ liệu doanh nghiệp điện tử để tính thuế. Bên cạnh đó, Mặc dù Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của từng ngành nhưng đến nay việc thu thuế vẫn còn khoảng trống. Theo Luật Quản lý thuế thì tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế khi có hoạt động thương mại hoặc làm công, mua bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay theo phương thức điện tử. Có nghĩa là bất kể doanh nghiệp hay cá nhân có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập thì có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Với người bán hàng là cá nhân thì được miễn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nếu mức doanh thu cả năm không vượt quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đã mua bán phải kê khai, khi kê khai mới xác định có phải nộp thuế hay không. Thế nhưng, hầu hết những cá nhân kinh doanh trên các trang thương mại điện tử hiện nay không kê khai. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên mạng không có địa điểm kinh doanh, không tài khoản ngân hàng rõ ràng. Không ít doanh nghiệp, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ; việc xử lý các tranh chấp liên quan hiện nay Bộ luật tố tụng Dân sự và các văn bản liên quan không có quy định nào về chứng cứ điện tử và cách thức thu thập chứng cứ điện tử khiến cho cơ quan tố tụng và các bên đương sự gặp khó khăn và vướng mắc khi xác định chứng cứ để giải quyết các tranh chấp.

Có thể thấy các văn bản pháp luật hiện tại chưa phản ảnh đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến nhưng thực tế thương mại điện tử không chỉ tác động đối với hoạt động thương mại mà còn tác động lên các hoạt động khác của nền kinh tế, chính trị, văn hóa… Do đó, pháp luật về Thương mại điện tử là công cụ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan. Để Thương mại điện tử phát huy thế mạnh của mình đồng thời tạo cơ chế thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp, cần bổ sung thêm các quy định về công nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử; cách thức quản lý các mạng xã hội kinh doanh Thương mại điện tử cũng như nền tảng di động; đưa ra các chế tài tương ứng với hành vi vi phạm; xây dựng và thừa nhận tính pháp lý cho cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Nguyễn Hà - Khoa Công chức, Học viện Tòa án


Thông tư quy định việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nhưng lại không có các chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm đối với kinh doanh trên mạng xã hội tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP.