Hợp đồng dân sự có thể được lập bằng gì

Hợp đồng dân sự là loại hợp đồng hết sức phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thông thường các bên chủ thể ký kết với nhau hợp đồng dân sự mà ít để ý đến hiệu lực của hợp đồng nà. Vậy Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự là gì? Chúng tôi hiểu được thắc mắc của độc giả và xin trình bày dưới nội dung bài viết về Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự.

Hợp đồng dân sự

Trước khi tìm hiểu Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự thì bài viết đưa ra khái niệm hợp đồng dân sự giúp khán giả hình dung. Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chẩm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự“.

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng dân sự được xác lập trên nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, các bên được tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội.

Hợp đồng dân sự có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi. Hợp đồng dân sự là một trong các căn cứ hợp pháp, phổ biến, thông dụng làm phát sinh các hậu quả pháp lý với các đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự, trong đó, quyền tự định đoạt của các chủ thể tham gia quan hệ được thể hiện đầy đủ nhất.

Hợp đồng dân sự có thể được lập bằng gì

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự cần được các bên quan tâm khi tiến hành ký kết hợp đồng. Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thoả thuận của các bên trong giao dịch dân sự thì pháp luật cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân theo.

Việc xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự giúp các chủ thể nắm được hợp đồng có hiệu lực hay hợp đồng vô hiệu, chỉ những giao dịch dân sự hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Đây là căn cứ quan trọng trong việc ràng buộc các bên thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận hợp đồng, hoặc xác định các nghĩa vụ bị vi phạm khi giải quyết tranh chấp hợp đồng. Bởi hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng đối với các bên.

Cụ thể theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

“ Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Như vậy  Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự bao gồm: năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập; sự tự nguyện của chủ thể tham gia hợp đồng; mục đích, hình thức và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức của xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự.

Chủ thể của giao dịch dân sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Dù là cá nhân hay pháp nhân đều cần có năng lực hành vi dân sự. Đối với cá nhân thì năng lực hành vi là năng lực thể hiện ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ. Cá nhân có thể tự mình xác lập giao dich, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời cá nhân có thể hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trong giao dịch dân sự đó. Đối với năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 24 bộ luận dân sự năm 2015. Đối với chủ thể là Pháp nhân thì khi pháp nhân tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo uỷ quyền). Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh người được đại diện. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân. Tuy nhiên pháp nhân chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.

Thứ hai: Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Tự nguyện là hành vi chủ thể tham gia giao dịch nắm được hành vi của mình và tự chủ về hành vi đấy, không có sự cưỡng ép hay ép buộc. Một số trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ không được pháp luật công nhận và bị coi là vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe doạ, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Thứ ba: Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Mục đích là điều các bên đều mong muốn khi ký kết hợp đồng với nhau. Tuy nhiên mục đích cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, không trái luân thường đạo lý của xã hội. Hợp đồng có thể có các nội dung như đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp. Các bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận với nhau về các nội dung trên hoặc thêm 1 số nội dung khác. Tuy nhiên dù hai bên có thể tự thỏa thuận với nhau nhưng đều cần dựa trên quy định của pháp luật và không làm trái với đạo đức xã hội.

Thứ tư: Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật.

Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Hình thức của hợp đồng được hiểu là cách thức thể hiện hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Khi các bên thỏa thuận giao kết bằng một trong ba hình thức trên thì hợp đồng được xem xét là đã giao kết và phải tuân theo quy định về nội dung của hình thức đó. Trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật có quy định về việc hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực thì khi đó hình thức của hợp đồng bắt buộc phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Theo nghĩa thông thường, hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên. Hợp đồng còn có thể được gọi bằng những từ khác như khế ước, thoả ước, giao kèo. Hợp đồng thuộc lĩnh vực điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau nhưng trước hết và chủ yếu là pháp luật dân sự. Chế định hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự là những quy định có tính chất nguyên tắc, khái quát làm nền tảng cho các loại hợp đồng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, thương mại, hợp đồng lao động. 

Điều 388 Bộ luật dân sự đưa ra khái niệm: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng dân sự là hình thức phổ biến của các giao dịch dân sự và là căn cứ chủ yếu làm phát sinh nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, những quy định của pháp luật dân sự về giao dịch dân sự và nghĩa vụ dân sự đều áp dụng đối với hợp đồng dân sự. 

Phân loại hợp đồng dân sự 

Do tính phổ biến của hợp đồng dân sự nên có rất nhiều loại hợp đồng dân sự và vì vậy cũng có nhiều cách phân loại khác nhau. 

Theo tính chất của nghĩa vụ và hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng dân sự chia thành các loại chủ yếu như sau: 

– Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;

– Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ; 

– Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng khác; 

– Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính; 

– Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó; 

– Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. 

Theo đặc điểm về nội dung của quan hệ hợp đồng, Bộ luật dân sự hiện hành của Việt Nam điều chỉnh những nhóm hợp đồng dân sự thông dụng, hợp đồng về chuyển quyền sử dụng đất và hợp đồng trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Sau đây là khái niệm về từng nhóm hợp đồng dân sự. 

Nhóm thứ nhất, hợp đồng dân sự thông dụng 

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán” (Điều 428 Bộ luật dân sự). Đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản được phép giao dịch bao gồm vật cũng như các quyền tài sản. 

Ngoài những quy định chung cho việc mua bán tài sản thông thường, pháp luật còn có những quy định riêng về mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào những mục đích khác, việc bán đấu giá tài sản và bán đấu giá bất động sản. 

“Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau” (Điều 463 Bộ luật dân sự). Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Vì vậy, loại hợp đồng này cũng áp dụng những quy định của hợp đồng mua bán tài sản. 

Tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận” (Điều 465 Bộ luật dân sự). Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (Điều 471 Bộ luật dân sự). Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản. Bên cho vay và bên vay có quyền thoả thuận về những quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên, lãi suất và thời hạn cho vay. 

“Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuế”(Điều 480 Bộ luật dân sự). Đối với những hợp đồng thuê nhà ở, thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác, hợp đồng thuê khoán tài sản với các đối tượng là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, súc vật, cơ sở sản xuất kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết khác để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức còn phải tuân theo những quy định cụ thể ngoài những quy định chung cho hợp đồng thuê tài sản. 

Trong thực tế hiện nay ở nước ta, đã xuất hiện loại hợp đồng cho thuê tài chính (trước đây là hợp đồng thuê – mua tài sản). Đây là sự kết hợp trong một quan hệ hợp đồng 2 loại hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng mua bán tài sản. 

“Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được” (Điều 512 Bộ luật dân sự). Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản phải là những vật không tiêu hao trong quá trình sử dụng. 

“Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện một công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 518 Bộ luật dân sự). Đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải là công việc có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội. 

Hợp đồng vận chuyển được chia thành 2 loại theo đối tượng của hợp đồng. “Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển”, “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản tới địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển” (Điều 527 và 535 Bộ luật dân sự). 

“Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện một công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công” (Điều 547 Bộ luật dân sự). 

“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công” (Điều 559 Bộ luật dân sự). 

“Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” (Điều 567 Bộ luật dân sự). 

“Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (Điều 581 Bộ luật dân sự). 

Hứa thưởng và thi có giải là những dạng đặc biệt của hợp đồng dân sự thông dụng. Hứa thưởng là việc người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Thi có giải là việc người tổ chức các cuộc thi văn hoá, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỹ thuật và các cuộc thi khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội công bố điều kiện dự thi, thang điểm, các giải thưởng và mức thưởng của mỗi giải theo quy định của pháp luật và người đoạt giải có quyền yêu cầu người tổ chức thi trao giải thưởng đúng mức đã công bố. 

Nhóm thứ hai, những hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất 

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng đất trên cơ sở Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cũng còn được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai. Trừ việc thừa kế quyền sử dụng đất, việc chuyển quyền sử dụng đất dưới các hình thức khác phải được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Sau đây là những hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật dân sự. 

Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên chuyển giao đất và chuyển quyền sử dụng đất cho nhau theo các điều kiện, nội dung, hình thức chuyển quyền sử dụng đất do pháp luật quy định. 

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng. 

Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê chuyển giao đất cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải sử dụng đất đúng mục đích, trả tiền thuê và trả lại đất khi hết thời hạn thuê. Những quy định đối với hợp đồng này cũng áp dụng đối với hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất. Ở đây chỉ nói đến hình thức hợp đồng trong quan hệ giữa bên cho thuê là các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất hợp pháp với các bên thuê mà không nói đến việc cho thuê đất của Nhà nước. Nhà nước cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích kinh doanh (mà không thuộc diện được Nhà nước giao đất) bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

– Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp. 

Quyền sử dụng đất cũng được dùng làm tài sản bảo đảm trong việc bảo lãnh. 

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. 

– Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất (gọi là bên góp vốn) góp phần vốn của mình bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và các chủ thể khác. 

Nhóm thứ ba, những hợp đồng trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ 

Trong lĩnh vực này có thể kể đến các loại hợp đồng như: hợp đồng chuyển giao các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, quyền đối với giống cây trồng; hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với các đối tượng là bí quyết kỹ thuật, kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ, cấp phép đặc quyền kinh doanh và các đối tượng khác do pháp luật về chuyển giao công nghệ quy định. Những hợp đồng trong lĩnh vực này đều phải lập thành văn bản. Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp pháp luật có quy định.