Làm sao để biết loa bao nhiêu ôm

Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.

Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Bài viết này đã được xem 3.974 lần.

Trở kháng của loa là thước đo khả năng chống lại dòng điện xoay chiều của thiết bị. Trở kháng tỉ lệ nghịch với dòng điện mà loa dẫn từ bộ khuếch đại (amply). Nếu trở kháng quá cao so với bộ khuếch đại, âm lượng và dải động sẽ bị ảnh hưởng. Nếu trở kháng quá thấp, bộ khuếch đại sẽ bị hỏng khi cố gắng đáp ứng đủ điện cho loa. Để đo phạm vi tổng quan của loa, bạn có thể sử dụng đồng hồ vạn năng. Nhưng nếu muốn kiểm tra chính xác hơn, bạn cần một số dụng cụ chuyên dụng.

Các bước

  1. Kiểm tra mức trở kháng danh định trên nhãn. Hầu hết nhà sản xuất loa đều liệt kê mức trở kháng trên nhãn hoặc bao bì loa. Mức trở kháng "danh định" (khoảng 4, 8 hoặc 16 Ω ) là trở kháng tối thiểu ước tính của hầu hết dải âm điển hình. Dải âm điển hình thường có tần số từ 250 đến 400 Hz. Trở kháng thực tế khá gần với giá trị trong phạm vi này, đồng thời tăng chậm khi tần số được tăng lên. Dưới phạm vi này, trở kháng thay đổi nhanh chóng và đạt cực đại ở tần số cộng hưởng của loa với thùng loa.

    • Một số nhà sản xuất lấy trở kháng thực tế làm thông số trở kháng danh định trên nhãn.
    • Để hiểu được ý nghĩa của những tần số này, hãy lưu ý rằng hầu hết các bản nhạc trầm nằm trong khoảng từ 90 đến 200 Hz, trong khi âm trầm của trống phụ chỉ có thể đạt đến 20 Hz. Các âm ở tầm trung, bao gồm phần lớn tiếng nói và các nhạc cụ khác ngoài bộ gõ, có tần số từ 250 đến 2 kHz.

  2. Đặt đồng hồ vạn năng về chế độ đo điện trở. Đồng hồ vạn năng sẽ truyền dòng điện một chiều nhỏ để đo điện trở. Vì trở kháng thể hiện chất lượng của mạch điện xoay chiều nên phương pháp này không thể đo trở kháng trực tiếp. Tuy nhiên, đồng hồ vạn năng khá chính xác với hầu hết các thiết lập âm thanh gia đình (chẳng hạn, bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa loa 4 Ω và 8 Ω qua phương pháp này). Trước khi tiến hành, bạn cần chỉnh đồng hồ vạn năng về cài đặt điện trở phạm vi thấp nhất (thường là 200 Ω với đa số đồng hồ vạn năng). Đồng hồ vạn năng với cài đặt thấp hơn (ví dụ: 20 Ω) sẽ cho kết quả chính xác hơn.

    • Nếu chỉ có một mức cài đặt dành cho điện trở thì đây là đồng hồ vạn năng điều chỉnh phạm vi tự động (auto-ranging), thiết bị sẽ tự tìm dải đo thích hợp.
    • Dòng điện một chiều quá lớn có thể làm hỏng cuộn dây loa. Rủi ro này khá thấp vì hầu hết đồng hồ vạn năng chỉ sản sinh dòng điện cường độ nhỏ.

  3. Tháo loa ra khỏi thùng hoặc mở mặt sau thùng loa. Với loa rời không có kết nối hay thùng loa, bạn không cần tiến hành tháo gỡ.

  4. Ngắt điện loa. Bất kỳ dòng điện nào đi qua loa cũng sẽ khiến phép đo bị sai lệch, thậm chí làm cháy đồng hồ vạn năng. Bạn cần ngắt kết nối nguồn các thiết bị. Nếu dây điện kết nối với các thiết bị đầu cuối không được hàn, hãy tháo ra.

    • Không tháo bất cứ dây điện nào kết nối trực tiếp với nón loa.

  5. Kết nối dây dò của đồng hồ vạn năng với các cực của loa. Quan sát kỹ các cực nhằm xác định đâu là cực dương và đâu là cực âm. Thường thì các cực sẽ được phân biệt bởi ký hiệu "+" và "-". Hãy kết nối đầu dò màu đỏ của đồng hồ vạn năng với cực dương, đầu dò màu đen với cực âm.

  6. Ước tính trở kháng từ điện trở. Thông thường, chỉ số điện trở sẽ thấp hơn 15% so với trở kháng danh định trên nhãn. Chẳng hạn, một loa 8 Ω có điện trở 6-7 Ω là bình thường.

    • Phần lớn loa có trở kháng danh định là 4, 8 hoặc 16 Ω. Sau khi ước tính, nếu trở kháng rơi vào một trong các giá trị này thì bạn có thể an tâm kết nối loa với bộ khuếch đại (trừ khi bạn đo được kết quả khác bất thường).

  1. Chuẩn bị bộ tạo sóng hình sin. Trở kháng của loa thay đổi theo tần số, vì thế bạn cần thiết bị có khả năng tạo sóng sin ở nhiều tần số khác nha. Bộ dao động tần số âm thanh (hay dao động ký) là lựa chọn chính xác nhất. Bất kỳ bộ tạo sóng hoặc máy phát xung tạo ra dải hay sóng hình sin cũng đều hiệu quả, nhưng một số model có thể cung cấp kết quả không chính xác do thay đổi điện áp hoặc khả năng ước tính sóng sin kém.

    • Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hay chỉ đo tại nhà, thiết bị đo kết nối với máy tính là lựa chọn thích hợp. Độ chính xác của những thiết bị này tuy không cao, nhưng nhưng đồ thị và dữ liệu được tạo tự động sẽ giúp người mới bắt đầu làm quen dễ dàng hơn.

  2. Kết nối thiết bị với đầu vào của bộ khuếch đại. Xem trên nhãn hoặc bảng thông số kỹ thuật để xác định công suất RMS (Root Mean Squared: công suất thực sự hay công suất hiệu dụng) với đơn vị W. Đối với phương pháp kiểm tra này, bộ khuếch đại công suất lớn cho ra chỉ số chính xác hơn.

  3. Đặt bộ khuếch đại ở chế độ điện áp thấp. Phương pháp kiểm tra này là một phần của loạt tiêu chuẩn đo các "thông số Thiele-Small". Tất cả các thử nghiệm này được thiết kế dành cho điện áp thấp. Do đó, bạn cần giảm mức tăng trên bộ khuếch đại, đồng thời đặt vôn kết về chế độ đo dòng điện xoay chiều trước khi kết nối với các cực đầu ra trên amply. Mức điện áp trên vôn kế nên nằm trong khoảng 0,5 - 1 V, nhưng nếu thiết bị không đủ chính xác, tốt nhất hãy đặt về phạm vi dưới 10 V.

    • Một số bộ khuếch đại sản sinh điện áp không nhất quán ở các tần số thấp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả đo không chính xác. Để đạt kết quả tối ưu, hãy kiểm tra vôn kế để đảm bảo rằng điện áp ổn định khi bạn điều chỉnh tần số bằng bộ tạo sóng hình sin.
    • Sử dụng đồng hồ vạn năng loại tốt nếu có thể. Những model giá thành thấp thường cho ra kết quả không chính xác trong thử nghiệm này. Bạn cũng có thể mua dây dò đồng hồ vạn năng chất lượng cao tại các cửa hàng điện tử.

  4. Chọn điện trở loại tốt. Dựa vào danh sách dưới đây để tìm điện trở có mức công suất RMS (theo đơn vị W) phù hợp nhất với bộ khuếch đại mà bạn có. Hãy chọn điện trở với chỉ số được khuyến nghị và mức công suất bằng hoặc cao hơn so với danh sách. Chỉ số điện trở không cần phải chính xác, nhưng nếu quá cao có thể khiến bộ khuếch đại gặp trục trặc và gián đoạn quá trình kiểm tra. Nếu điện trở quá thấp thì kết quả đo sẽ kém chính xác.

    • Bộ khuếch đại 100W: điện trở 2,7 kΩ với công suất ít nhất là 0,5 W
    • Bộ khuếch đại 90W: điện trở 2,4 kΩ với công suất ít nhất là 0,5 W
    • Bộ khuếch đại 65W: điện trở 2,2 kΩ với công suất ít nhất là 0,5 W
    • Bộ khuếch đại 50W: điện trở 1,8 kΩ với công suất ít nhất là 0,5 W
    • Bộ khuếch đại 40W: điện trở 1,6 kΩ với công suất ít nhất là 0,25 W
    • Bộ khuếch đại 30W: điện trở 1,5 kΩ với công suất ít nhất là 0,25 W
    • Bộ khuếch đại 20W: điện trở 1,2 kΩ với công suất ít nhất là 0,25 W

  5. Đo giá trị điện trở. Giá trị này có thể chênh lệch đôi chút so với thông số in trên nhãn. Nhớ ghi lại giá trị điện trở mà bạn đo được.

  6. Mắc nối tiếp điện trở và loa. Kết nối loa và bộ khuếch đại với điện trở nằm giữa. Như vậy, loa sẽ được cung cấp một dòng điện không đổi.

  7. Đưa loa ra xa các vật cản. Gió hoặc sóng âm dội lại cũng có thể làm gián đoạn phép đo cần sự chính xác này. Ít nhất, bạn nên đặt loa nằm trong khu vực không có gió và hướng phần nam châm hướng xuống, ngửa nón loa lên. Nếu phép đo cần sự chính xác cao, hãy cố định loa vào một khung mở và cách xa bất kỳ vật rắn nào trong phạm vi ít nhất là 60 cm.

  8. Tính cường độ dòng điện. Sử dụng định luật Ôm (I = U / R hay cường độ dòng điện = điệp áp / điện trở) để tính cường độ dòng điện và ghi lại kết quả. Thay giá trị điện trở mà bạn đã đo được trước đó vào công thức.

    • Ví dụ: nếu điện trở là 1230 Ω và nguồn điện có điện áp 10 V, ta có cường độ dòng điện I = 10/1230 = 1/123 ampe (A). Bạn có thể giữ nguyên phân số để tránh sai lệch khi làm tròn.

  9. Điều chỉnh tần số để tìm cực đại cộng hưởng. Đặt bộ tạo sóng hình sin về dải tầm trung hoặc cao hơn so với biên độ sử dụng bình thường của loa (100 Hz là điểm bắt đầu thích hợp cho các âm trầm). Kết nối vôn kế với loa ở chế độ đo dòng điện xoay chiều. Hạ tầng số xuống khoảng 5 Hz mỗi lần cho đến khi bạn thấy điện áp tăng mạnh. Thay đổi tần số lên xuống cho đến khi bạn xác định được mức điện áp cực đại. Đây là tần số cộng hưởng của loa trong "không gian trống" (thùng và đồ vật xung quanh sẽ làm thay đổi tần số này).

    • Bạn có thể sử dụng dao động ký thay cho vôn kế. Khi đó, hãy tìm hiệu điện thế có biên độ cao nhất.

  10. Tính trở kháng tại thời điểm cộng hưởng. Bạn có thể thay điện trở trong định luật Ôm bằng trở kháng Z. Ta có: Z = U / I là công thức tính trở kháng tại tần số cộng hưởng. Đây sẽ là trở kháng cực đại của loa trong phạm vi âm thanh dự kiến.

    • Ví dụ: nếu I = 1/123 A và vôn kế đo được 0,05 V (hay 50 mV) thì Z = (0,05) / (1/123) = 6,15 Ω.

  11. Tính trở kháng ở các tần số khác. Để xác định trở kháng xuyên suốt dải tần số dự kiến của loa, hãy tăng dần sóng sin theo từng mức nhỏ. Ghi lại điện áp của mỗi tần số và sử dụng cùng công thức (Z = U / I) để tính trở kháng của loa tại những tần số khác nhau. Có thể bạn sẽ tìm thấy đỉnh thứ hai, hoặc trở kháng sẽ tương đối ổn định sau khi bạn điều chỉnh khỏi tần số cộng hưởng.