Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc qua dàn ý và bài văn mẫu sau, sẽ giúp các em hiểu hơn về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Thiên nhiên và con người Việt Bắc luôn để lại những dấu ấn khó phai trong mỗi người Việt. Nơi đây không chỉ là địa chỉ ghi dấu ấn quan trọng trong hai cuộc  kháng chiến gian khổ. Mà cảnh sắc thiên nhiên cũng khiến chúng ta trầm trồ thán phục. Nhớ về Việt Bắc, lòng ta lại vang lên bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Cùng cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc ngay dưới đây nhé.

Miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam

Dàn ý và bài văn “Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc” cực hay

Dàn ý cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc

Mở bài

– Khái quát về tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh ra đời bài thơ.

– Trích đoạn thơ miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Thân bài

– Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc

– Cảnh sắc thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi thân thương, đậm chất trữ tình.

– Vùng núi với những “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, “đêm thăm thẳm sương dày”. Cuộc sống nhiều khó khăn, chiến đấu lại càng thêm khắc nghiệt bội phần.

– Nét thơ mộng, trữ tình được lột tả bởi những hình ảnh quen thuộc, giản dị.

– Thiên nhiên ban tặng cho con người món ăn dân dã, đậm chất quê hương như “trám bùi, măng mai”. “Rừng nứa, bờ tre” là những đặc sản rất riêng của núi rừng Tây Bắc.

– Khung cảnh thiên nhiên bốn mùa được tái hiện lại chỉ bằng một vài câu thơ ngắn ngủi.

– Thiên nhiên là người bạn đồng hành trong chiến đấu của chiến sĩ. Núi rừng che chắn, bảo vệ cán bộ đánh Tây. Thắng lợi của cuộc kháng chiến có sự đóng góp không nhỏ của cánh rừng.

– Con người Tây Bắc hiện lên với vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa trừu tượng.

– Những người sống trọn đời mình để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Cuộc chia tay đầy bịn rịn, nhớ thương. Sử dụng kiểu câu “mình về mình có nhớ” như muốn khơi gợi chiến sỹ nhớ về kỉ niệm “mười lăm năm ấy biết bao mặn nồng”.

– Cách xưng hô mình- ta tạo sự thân mật, gần gũi giống như thể người yêu nhau. Hay là những người cùng một gia đình.

– Bốn câu thơ đầu là nỗi lòng lưu luyến không muốn rời xa của người ở lại và kẻ ra đi. Một loạt trạng từ diễn tả tâm trạng được tác giả sử dụng “da diết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn”. Buổi chia tay diễn ra trong khung cảnh rất thân mật với hành động “cầm tay nhau”.

– Mười hai câu thơ tiếp theo sử dụng điệp từ “nhớ” như nhắc nhở người ta khi gian khó đừng quên đi khó khăn buổi đầu. Đó là những tình người ấm áp hiện diện trong gian khó. Đó là quãng thời gian dân quân gắn bó mật thiết, cùng hoạt động cách mạng.

– Tấm lòng con người nơi đây như núi rừng hùng vĩ, dù khó vẫn không ngại khổ. Hành động “chia củ sắn lùi”, “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” khiến người đọc cảm nhận rõ hơn về điều đó.

– Bộ đội dạy chữ cho đồng bào là kỉ niệm khó có thể quên.

– “Đất trời ta cả chiến khu một lòng” ngầm chỉ thiên nhiên và cả con người hòa vào làm một. Cùng đứng lên chống lại giặc Pháp, giành lại độc lập tự do.

– Nét đẹp lao động của người dân Tây Bắc hiện lên thật bình dị và ấm áp.

– Những người bà, người mẹ cần cù làm nương rẫy “địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.

– Sức khỏe là nét đẹp lao động của những người nông dân “đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

– Đó là những người khéo léo, đan nón, chuốt giang đều giỏi.

– Những cô em gái mới tuổi trăng tròn, chăm chỉ hái măng một mình trong rừng.

– Tiếng hát mộc mạc mà chân thành, lòng người thủy chung, son sắc.

– Thiên nhiên và con người là hai chủ thể hòa vào làm một. Thiên nhiên làm phông nền làm nổi bật vẻ đẹp của con người.

Kết bài

– Đặc sắc nghệ thuật được sử dụng như thể thơ lục bát, thơ đối đáp, cách xưng hô mình- ta thân thuộc…

– Bài thơ là bản hùng ca tráng lệ về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Đó cũng là tình cảm đồng chí, đồng đội của người dân và quân nhân.

Bài văn cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc

Những ngày chiến đấu gian khổ, thiên nhiên và con người hòa cùng một nhịp đập. Việt Bắc của Tố Hữu vang lên như bài ca về tình cảm con người cách mạng. Và cả lời thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Cùng lắng lại với những dòng thơ chân thành, mộc mạc dưới đây của Tố Hữu:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

Núi rừng Việt Bắc luôn khiến người nhìn phải choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nó. Ta ở đây chính là đại diện của người chiến sỹ sắp phải rời xa Việt Bắc. Mình là những người dân chân chất, hiền lành ở lại nơi đây. Một bức tranh tứ bình với cảnh sắc thiên nhiên và con người thật đẹp trong lao động. Bốn mùa là bốn dư vị khác nhau, đọng lại trong lòng người đọc rất ấn tượng và đặc sắc.

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Mùa đông Việt Bắc đặc trưng bởi màu xanh cây cối và màu đỏ của hoa chuối. Hai màu sắc quyện hòa vào nhau, mang đến cảm giác ấm áp giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt. Có thể thấy, Tố Hữu muốn đưa thiên nhiên vào thơ bớt khắc nghiệt hơn so với đời thực. Vào thời điểm đó, thời tiết đã khiến bộ đội ta gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng khi đọc và cảm nhận lại không còn cảm giác đó. Tất cả chỉ còn là vẻ đẹp đầy khác biệt, tinh tế chỉ có riêng ở thiên nhiên Tây Bắc.

Mộ nét chấm phá được khắc họa trên nền thiên nhiên là sự lao động cần cù của con người. “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. “Đèo cao” là hình ảnh vừa thực nhưng cũng là ẩn ý cho những khó khăn mà con người phải đối diện. Sự khỏe khoắn, dẻo dai đã khiến họ tiếp tục lao động và cống hiến. Dao gài là lưỡi dao chuyên dụng  trong lúc đi rừng của người dân. Khó khăn là thế, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn không làm lung lay ý chí của người lao động. Họ luôn ở thế chủ động, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống.

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Đông đi qua, để lại mùa xuân đầy hứng khởi với nhiều điều mới mẻ. Xuân Tây Bắc là mùa hoa mơ nở trắng rừng. Màu xanh được chuyển đổi linh hoạt từ màu xanh của rừng qua màu trắng tinh khôi. Màu trắng đại diện cho sự thanh khiết, sức sống mãnh liệt, khiến không gian trở nên bừng tỉnh, tươi vui. Nền trời còn đẹp hơn khi thấy sự lao động chăm chỉ của những con người. Công việc “chuốt từng sợi giang” tuy nhẹ nhàng nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỹ càng. Tính chất công việc phần nào thể hiện bản tính con người nơi đây, cẩn thận, tỉ mỉ và rất chăm chỉ.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Tiếng ve kêu râm ran là đặc trưng của mùa hè mọi miền tổ quốc. Mùa hè không chỉ hiện lên đẹp hơn trong mắt người mà còn được cảm nhận bằng cả thính giác. Một chuỗi vận động được nhà thơ thể hiện trong sáu câu thơ ngắn ngủi. Đó là tiếng ve kêu, là màu vàng của rừng phách và cả hình tượng “cô em gái hái măng một mình”. “Đổ vàng” diễn tả nhanh hơn tốc độ chuyển màu nhanh chóng và đồng loạt. Cách gọi “cô em gái” là tiếng gọi thân thương, trìu mến mà tác giả dành cho con người Việt Bắc. Cô hái măng chỉ có “một mình” gợi tả sự bình dị, âm thầm lặng lẽ cống hiến cho công cuộc đấu tranh của dân tộc.

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Bức tranh tứ bình kết thúc bởi một mùa thu với ánh trăng mỏng. Tố Hữu ngụ ý kết thúc bức tranh bằng mùa thu vì đây là thời điểm cuộc kháng chiến của nhân dân giành được thắng lợi. Mùa đông gắn liền với sự gian khổ, khắc nghiệt, nhân dân gặp nhiều khó khăn trong kháng chiến. Mùa thu là mùa thắng lợi, thu về nhiều thành quả của nhân dân ta. Một bên là sự khởi đầu, một bên là sự kết thúc, cũng như giai đoạn của cuộc kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc.

Hình ảnh “trăng rọi hòa bình” là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.  Đó cũng là những đêm khuya thao thức chiến đấu, là ánh sáng của tự do và hạnh phúc. Ánh trăng còn là niềm tin chiến thắng, là chiến công hiển hách mà nhân dân và chiến sĩ giành được. Con người vẫn luôn là chủ thể của thiên nhiên, người người cất tiếng nói cười vui. Tiếng hát vang rừng núi trong giây phút đầy xúc động của sự chia ly.

Hình ảnh thiên nhiên và con người được miêu tả đan xen nhau. Mùa nào cảnh ấy, tâm thế con người vẫn luôn vững chãi, rạng ngời. Tố Hữu đã linh hoạt sử dụng câu thơ đối đáp, dễ nghe, dễ nhớ. Cách xưng hô mình – ta rất quen thuộc, thể hiện sự gần gũi giữa người ra đi và người ở lại. Câu thơ khắc họa rõ nét hình tượng thiên nhiên và con người, một vẻ đẹp hoàn chỉnh không tì vết.

Chỉ qua 12 câu đầu bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã vẽ nên chân dung cảnh sắc thiên nhiên đầy mới mẻ với những con người hăng say lao động. Đây là bản hùng ca tráng lệ đầy tự hào về đất, về người. Hãy đọc và cảm nhận tình cảm quý báu trong kháng chiến mà đất và người nơi đây đã dành cho cán bộ, chiến sỹ.

Xem thêm:

  • Dàn ý bài Việt Bắc
  • Mở bài Việt Bắc

Trên đây là cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc do chúng tôi biên soạn. Hi vọng, thông qua bài viết này, các em học sinh hiểu thêm về nội dung tác phẩm. Đồng thời hoàn thiện bài tập của mình tốt hơn. Chúc các em luôn đạt điểm cao trong mọi kì thi. Và đừng quên theo dõi trang để biết thêm nhiều kiến thức mới nhé.

  • Xem thêm: Phân tích đoạn 1 bài thơ Tây Tiến chọn lọc hay nhất
Văn Học Lớp 12 -