Món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày tết của người dân tộc sán dìu là gì?

“Tháng Giêng lập Xuân dụ vũ thủy/ Chim én bay đến đậu khắp nơi/ Là lơi én lượn nghiêng cánh bay/ Bay đến làng em để ngỏ lời…” là những làn điệu Soọng cô chúc Xuân mộc mạc, trữ tình làm say đắm lòng người. Những câu hát Soọng cô được cất lên cũng là lúc đồng bào Sán Dìu xã Đạo Trù (Tam Đảo) tạm gác lại mọi công việc sản xuất để chuẩn bị vui Tết, đón Xuân.

Bánh chưng gù là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Sán Dìu. Ảnh: Trà Hương.

Cứ mỗi độ Xuân về, người Sán Dìu khắp các bản làng ở Tam Đảo lại rủ nhau đi chợ - phiên chợ mang theo nhiều mong ước và hứa hẹn. Điều đặc biệt là, phiên chợ ngày cuối năm đông đúc và náo nhiệt đến lạ thường.

“Đi chợ tình nghe hát Sọong cô” gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu, đến nay, vẫn được người dân lưu giữ và phát huy. Trong dải nắng mỏng pha hơi sương của buổi Xuân sớm, từng tốp nam, nữ xúng xính trang phục truyền thống, chia thành bên nam, bên nữ hát ví đối đáp, giao duyên. Ai cũng thầm mong tìm được mối duyên của đời mình.

Hát Soọng cô là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu. Qua làn điệu tình tứ trao nhau của đôi trai gái được cất lên mang hơi thở của mùa Xuân, tình yêu thương đất nước, yêu thương con người, tình yêu lao động… Những câu hát khi cất lên nghe mộc mạc, giản dị trầm bổng làm say đắm lòng người.

Đồng chí Quản Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù chia sẻ: Khác với người Kinh, vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó là chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng.

Nếu người Kinh trong dịp Tết dùng bánh chưng vuông cúng tổ tiên, với ước vọng mọi việc vuông tròn, mỹ mãn, thì người Sán Dìu lại dùng bánh chưng gù để thờ cúng tổ tiên và cảm tạ đất trời, thể hiện lòng hiếu thảo, gắn bó bền chặt giữa các thành viên trong gia đình.

Khi bước sang ngày cuối cùng của năm cũ, người Sán Dìu không có tục Chạp Mộ, ra đồng mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, mà mỗi gia đình lo sửa soạn mâm cỗ cúng hết năm, bao gồm: Bánh chưng gù, rượu trắng, bánh kẹo, hoa quả, đồ vàng mã… dâng cúng tổ tiên.

Cùng với đó là việc trang trí nhà cửa với những câu đối đỏ, viết chữ Nho dán ở các vị trí như bàn thờ tổ tiên, trước cửa, cổng ra vào... với mong muốn đem lại nhiều điều may mắn. Đúng Giao thừa, khi có 3 hồi trống của già làng hay trưởng thôn, mọi nhà không được gây ra tiếng ồn, vì theo quan niệm của người Sán Dìu, thời khắc này dành riêng cho đất trời, thiên nhiên, vạn vật cây cối đâm chồi nảy lộc và con người thảnh thơi đón chào năm mới.

Nét độc đáo của dân tộc Sán Dìu là vào sáng mùng một Tết không ăn mặn mà ăn chay. Đồ chay gồm cháo chè được nấu từ gạo nếp cùng đỗ xanh và đường. Trêm mâm cúng bao giờ cũng có 5 bát cháo.

Trong lễ cúng chay, thầy cúng hoặc chủ nhà gõ chùng chọe thanh là và thổi tù và, chiêu quân âm binh về ăn Tết, phù hộ độ trì cho gia chủ. Sau khi lễ cúng chay được hoàn tất, mọi người trong gia đình quây quần cùng nhau thưởng thức đồ chay do chính mình làm. Với hương vị thơm mát, ngọt nhẹ của món cháo chè trong ngày mùng một Tết khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Ông Lê Đại Năm, thôn Tân Phú, xã Đạo Trù cho biết: Tục xông nhà của người Sán Dìu cũng khá đặc sắc, họ không xem tuổi, xem ngày hay lựa chọn những người “hợp mệnh”, “hợp tuổi” để xông nhà.

Với họ, xông nhà là việc tự nhiên chứ không nhờ cậy sự sắp đặt. Từ trẻ con đến người lớn đều được, miễn là đàn ông. Nếu người xông nhà là bé trai thì sẽ đem đến may mắn cho gia chủ. Người đến xông nhà mang theo những tiếng hát Soọng cô, chúc Tết đầu năm thì càng thêm phần vui tươi, phấn khởi.

Ngày mùng hai được coi là Tết chính. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Gia đình đình nào có con gái lấy chồng ở xa vẫnvề nhà để chúc Tết, chúc mừng ông, bà, bố, mẹ.

Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời anh em, họ hàng, người thân. Quây quần bên mâm cơm ngày Tết, mọi người cùng nhau hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Sáng sớm mùng ba, khi trưởng thôn đánh trống 3 hồi 3 tiếng, báo hiệu cho mọi người trở lại hoạt động bình thường, tiến hành các hoạt động như lấy nước, đưa nước vào đồng ruộng.

Trong những ngày Xuân, đồng bào dân tộc Sán Dìu thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, thể thao như hát Sọong cô, đánh xèng... Đây là những trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội và được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Vào mùng năm hoặc mùng sáu, người Sán Dìu chuẩn bị mâm cơm cúng tạ (cúng ra Tết) đầy đủ, chu đáo, sau đó, hóa vàng mã, đó là nghi thức thể hiện tấm lòng của con cháu để tổ tiên chứng giám.

Giờ đây, dù cuộc sống đang từng ngày diễn ra sôi động, nhưng người Sán Dìu vẫn gìn giữ những phong tục ngày Tết từ ngàn xưa truyền lại. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Minh Thu


Lá ỏng được bà con dân tộc Sán Dìu dùng để gói bánh chưng vào dịp Tết

Những ngày giáp Tết, phần lớn mọi nhà tự chưng cất rượu để uống và mời khách trong những ngày xuân. Men rượu được làm từ các loại thảo dược bổ dưỡng như vạt hương, tai chó, cây trăm rễ... Quá trình nấu rượu cũng hết sức cầu kỳ, công phu như gạo nấu phải ngon, đun đều lửa. Rượu men lá có hương vị thơm nồng, dễ uống, say êm.

Trước Tết từ 1-2 ngày, các gia đình tổ chức gói bánh chưng. Cùng với nguyên liệu như gạo, đỗ xanh, thịt lợn có sẵn của nhà, bà con còn dùng lá ỏng, một loại cây thuốc quý trồng trên rừng để bọc bên trong chiếc bánh, bên ngoài là lá rong. Ưu điểm của loại lá ỏng là khi bóc bánh rất chóc, không bị dính. Bánh chưng hình thon dài, khi luộc chín dẻo, mịn, có vị thơm bùi. 

Người Sán Dìu rất chú trọng trang trí nhà cửa, gần Tết nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ. Mỗi mảnh giấy dài khoảng 15cm, rộng 6 cm được dán lên các vị trí như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng trâu, lợn, cây cối hoặc các vật dụng như cuốc, xẻng, lưỡi cày... Theo đồng bào dân tộc Sán Dìu, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp.

Ngày 30 Tết, bà con thịt lợn làm giò, chả, nem cùng nhiều thực phẩm mang đậm nét đặc trưng ngày Tết. Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo hoa quả và đồ vàng mã, không thể thiếu 2 cây hoa cải vàng. Đây là biểu trưng của một năm mùa màng bội thu, thắng lợi; mọi người mạnh khỏe, đoàn kết. Dịp Tết, các gia đình hay mời thày cúng đến làm lễ tại nhà. Trên bàn thờ, đều dán bùa trấn trạch để trừ ma, quỷ.

Sáng mồng một Tết, người Sán Dìu không ăn mặn mà ăn chay. Đồ chay là cháo chè được nấu từ gạo nếp cùng đỗ xanh và đường. Trên mâm cúng bao giờ cũng có 5 bát cháo. Trong lễ cúng chay, thày cúng hoặc chủ nhà gõ chùng chọe thanh la và thổi tù và chiêu quân âm binh về ăn Tết, phù hộ, độ trì cho gia chủ. Sau khi tục cúng chay hoàn tất, mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau thưởng thức đồ chay do chính tay mình làm. Hương vị thơm mát, ngọt nhẹ của món cháo chè trong ngày mồng một Tết khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi. 


Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) dán giấy đỏ xung quanh vườn, nhà, chuồng trại  trong ngày Tết 

Trong phong tục đón Tết của người Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn, có một điều rất thú vị, độc đáo đó là tục gánh nước vào sáng mùng Một. Sáng sớm, con cháu của gia đình  mang theo thùng nước cùng khoanh bánh chưng, giấy bạc ra sông, suối thắp hương xin phép các vị thần mua nước về nhà. Nếu gánh nước đó nặng, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát tài, thóc lúa đầy bồ, chăn nuôi thuận lợi. Nước còn được đun sôi để pha trà hay nấu cháo chè.

Trong 3 ngày Tết, ngày mùng Hai được coi là ngày Tết chính. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Gia đình nào có con gái lấy chồng ở xa vẫn lặn lội về nhà đẻ để chúc Tết, mừng lì xì cho ông, bà, bố mẹ. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời anh em, họ hàng, người thân. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người cùng nhau hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Ngày mồng Một và mồng Hai, người Sán Dìu kiêng quét nhà. Tất cả rác nếu có sẽ được thu gom lại một góc. Việc quét nhà được làm vào sáng mùng Ba. Rác được hót vào một chiếc rá rách, trong đó có một mẩu bánh chưng và 3 nén hương, sau đó được đưa ra đổ ở gốc cây, bờ bụi nào đó ở ngoài cổng. Tục lệ này nhằm để đuổi ma đói ra khỏi nhà.

Trong những ngày xuân, đồng bào dân tộc Sán Dìu thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa,thể thao như  hát Sọong cô, tát cầu mây, đánh xèng, đánh đáo... Đây là những trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội và được lưu truyền từ đời này, qua đời khác. 

Công Doanh

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Video liên quan

Chủ đề