Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Hiệu quả mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”

(ĐCSVN) - Việc xây dựng và triển khai hiệu quả “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” của UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) là cách làm tiên phong, sáng tạo đã và đang mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ từng người dân

Chính thức được UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng và triển khai mạnh mẽ từ tháng 6/2022, đến nay, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến quốc gia, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

“Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đang phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: TN).

Tổ trưởng Tổ dân phố, cán bộ Cảnh sát địa phương, cán bộ UBND phường Trúc Bạch… là thành viên trực tiếp tham gia đội cơ động. Đội quán triệt nguyên tắc hoạt động là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hộ gia đình để phổ biến về mục đích, cũng như lợi ích mà người dân nhận được khi sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia. Bằng sự hướng dẫn kịp thời với cách làm hay, mô hình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và đánh giá cao từ phía người dân.

Chị Phạm Thị Thanh Việt, ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi được cán bộ phường đến tận nhà để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động.

“Trước đây, khi cần làm những thủ tục giấy tờ, tôi cũng đều phải đến trụ sở phường, có khi phải chờ 2-3 ngày mới giải quyết xong, mất rất nhiều thời gian. Khoảng 5 ngày trước, đội cơ động của phường đã đến nhà, phổ biến và hướng dẫn tôi cách sử dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động. Kể từ đó, mọi thủ tục giấy tờ tôi có nhu cầu thực hiện đều trở nên tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ phường, bây giờ tôi cũng như người dân có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến”, chị Việt chia sẻ.

Góp phần thực hiện số hóa trong giải quyết hành chính

Dịch vụ công trực tuyến (hay còn gọi là dịch vụ công điện tử) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Với việc sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức 24/24h, ở bất cứ đâu có kết nối mạng internet, vượt qua mọi rào cản về địa lý, không gian và thời gian.

Thực tế, dịch vụ công trực tuyến đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore… Và Việt Nam cũng đã và đang vận hành, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Được biết, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” là “chiến dịch” nhằm cụ thể hóa “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” của Chính phủ và đẩy mạnh tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.

Thành viên "Đội cơ độnghỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tận tình hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: TN).

Trên thực tế, nhu cầu thực hiện các dịch vụ công như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký cơ sở kinh doanh… đang ngày càng phát sinh nhu cầu của người dân và trở nên thiết yếu trong đời sống xã hội. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhiều.

Thậm chí, nhiều người dân còn chưa biết sử dụng cũng như không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, đặc biệt là những người cao tuổi. Chính vì vậy, việc triển khai mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, qua quá trình đẩy mạnh triển khai, đến nay, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng rõ rệt.

“Ngay từ những ngày đầu triển khai, lãnh đạo UBND phường đã yêu cầu các thành viên trong đội phải tích cực, chủ động mang dụng cụ như máy tính để hướng dẫn trực tiếp; phô tô ra giấy các bước, mô tả thực hiện bằng hình ảnh trực quan giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận trên nền tảng điện tử. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thuận tiện, nhưng không phải người dân nào cũng biết sử dụng, nhất là đối với người cao tuổi. Đội cơ động đã giúp hơn 7 nghìn dân phường Trúc Bạch nhanh chóng, hiệu quả tiếp cận dịch vụ công trực tuyến…”, đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, sau khi được nghe tư vấn, thuyết phục, người dân đã hiểu rõ được lợi ích, ý nghĩa của mô hình. Chứng minh hiệu quả của cách làm này đó là có nhiều hộ dân đã chủ động liên hệ với đội cơ động qua đường dây nóng của phường, yêu cầu được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến kịp thời.

Phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên, ngoài làm tốt nhiệm vụ chính là hướng dẫn người dân làm quen, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến, mỗi thành viên đều tích cực tuyên truyền quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp dữ liệu thông tin; tuyên truyền cách nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua mạng xã hội; đồng thời, gợi ý các biện pháp phòng tránh tiêu cực, lừa đảo dẫn tới bị đánh cắp thông tin cá nhân khi người dân sử dụng nền tảng mạng xã hội.

Với cách thức hoạt động chuyên nghiệp, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã kịp thời đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới, việc mở rộng phạm vi triển khai mô hình này không chỉ hỗ trợ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin mà còn giúp tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong cải cách hành chính quốc gia./.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Quảng Nam: Ban hành Nghị quyết phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2025
  • Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô sẽ được tổ chức ngày 11/12
  • Trao thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích tại cuộc thi giáo dục nghề
  • TP Hồ Chí Minh: Khoảng 140 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên-lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm nay
  • Hội nghị ASSA 39: Bảo trợ xã hội trong quá trình phục hồi sau đại dịch
  • Hiến máu tình nguyện khơi dậy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tương thân tương ái của dân tộc
  • Bình Dương: Hỗ trợ cho 500 người khuyết tật, lao động có hoàn cảnh khó khăn

Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trung bình 4 tháng đầu năm mới đạt gần 25%

Trong báo cáo chuyên đề mới thực hiện về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Bộ TT&TT đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm: Chính phủ số phải lấy người dân làm trung tâm; sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ chính là thước đo hiệu quả của chính phủ số.

Thực hiện định hướng phát triển chính phủ số, chuyển đổi số, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cung cấp các dịch vụ số, đặc biệt là các DVCTT mức độ cao. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công để cung cấp thông tin và DVCTT cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là hơn 97% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức 4.

Thống kê của Bộ TT&TT về tình hình cung cấp DVCTT của các địa phương đến tháng 4/2022

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4 cho thấy, Top 5 địa phương có tỷ lệ DVCTT phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến là Quảng Ninh, TP.HCM, Lai Châu, Hòa Bình và Bắc Ninh, với tỷ lệ đạt được từ 55,25% đến 86,80%. Ở chiều ngược lại, Quảng Trị, Hải Phòng, Kon Tum, Bắc Kạn, Đắc Nông là 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp nhất.

Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, TP.HCM, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình  và Bắc Giang có tỷ lệ cao nhất. Trong khi đó, tỷ lệ này của 5 tỉnh gồm Hưng Yên, Đồng Nai, Nghệ An, Bạc Liêu và Quảng Bình rất thấp, chỉ từ 2,72% đến 5,76%.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng, song hiệu quả sử dụng DVCTT còn chưa cao, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến còn hạn chế. Tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới chỉ đạt 24,89%.

Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao

Thời gian qua, một số địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT. Cụ thể, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chọn thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, trong năm ngoái, TP.HCM đã áp dụng giảm 50% lệ phí sử dụng DVCTT mức cao với 6 loại lệ phí dịch vụ.

Học tập kinh nghiệm của TP.HCM, trong năm nay, Quảng Nam áp dụng chính sách giảm 50% mức thu với 8 loại phí, 5 loại lệ phí cho các đối tượng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính thông qua DVCTT mức 3, 4 trên địa bàn tỉnh. 

Hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các DVCTT là một giải pháp được khuyến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ (Ảnh minh họa: baoquangnam.vn).

Với Hòa Bình, vào trung tuần tháng 2, UBND tỉnh này đã có quyết  định giao chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến phát sinh trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho 27 sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố. Theo đó, trong năm 2022, cả 17 sở, ban, ngành và 10 UBND các huyện, thành phố của Hòa Bình cần đưa tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 55%.

Tiếp đó, trung tuần tháng 3, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định giao chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương năm 2022. Chỉ tiêu được giao tới từng cấp xã, phường, thị trấn, trong đó: Chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đạt tối thiểu 45% - 50%; chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đạt tối thiểu 35% - 40%; và chỉ tiêu cho các đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp xã, phường, thị trấn tối thiểu đạt 25% - 30%.

Gần đây nhất, ngày 15/4, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 4 cho các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 4 đối với các thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ của các sở, ban, ngành, địa phương trong năm 2022 phải đạt từ 55% trở lên.

Để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT trong thời gian tới, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ký ban hành Nghị định quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thay thế cho Nghị định 43 năm 2011, từ đó tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn mới.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục, khẩn trương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, trong đó có việc rà soát, chuẩn hóa các các quy trình, thủ tục hành chính để bảo đảm cung cấp các DVCTT mức 4; khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện DVCTT.

Bên cạnh đó, các bộ, tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng DVCTT mức độ cao; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVCTT do cơ quan nhà nước cung cấp.

Vân Anh

Video liên quan

Chủ đề