Nghiên cứu khoa học có khó không

     Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ chính đối với mỗi sinh viên tại các trường đại học bên cạnh nhiệm vụ học tập. Việc tham gia NCKH có mục tiêu quan trọng là giúp sinh viên hứng thú và hăng say hơn trong học tập, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho sự tìm tòi tri thức khoa học, giúp sinh viên có thể vững vàng, tự tin hơn khi tiếp cận công việc trong tương lai.

     Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động NCKH sinh viên hiện nay chưa thật sự được quan tâm đúng mức, chưa trở thành lĩnh vực chủ đạo của sinh viên (thường quan tâm tới nhiệm vụ học tập nhiều hơn). Rất ít sinh viên có nguyện vọng và hầu như không có nhu cầu tham gia NCKH, thậm chí chưa bao giờ biết đến hoạt động này. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kết quả NCKH của sinh viên vào thực tế còn gặp rất nhiều hạn chế, và có thể nói hoạt động này vẫn còn dừng lại ở dạng phong trào.

     Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do hoạt động NCKH trong sinh viên chưa thật sự được đầu tư theo chiều sâu, kinh phí dành cho công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của NCKH trong sinh viên rất yếu, đa số sinh viên chưa nắm được quy trình thực hiện một đề tài.

     Dưới đây, xin nêu ra một số khó khăn cụ thể cũng như những điểm cần lưu ý đối với các bạn sinh viên khi tiến hành nghiên cứu một đề tài khoa học:

1. Ý tưởng của đề tài:

     Vấn đề đầu tiên mà các bạn sinh viên thường hay gặp phải chính là tìm kiếm ý tưởng cho đề tài. Thông thường, để bắt đầu một đề tài NCKH, chúng ta cần xác định chính xác nội dung nghiên cứu. Đó có thể là một vấn đề phát sinh trong chính quá trình học tập của sinh viên, hay những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hàng ngày mà chưa được giải quyết triệt để, hoặc đơn giản là sự phát triển các đề tài có trong tiểu luận trên lớp học,…

     Đề tài được chọn nên chứa đựng trong nó những vấn đề mang tính cấp thiết và có ý nghĩa cao. Có thể những gì sinh viên nêu ra chỉ là một sự kiện nhỏ song một ý tưởng táo bạo, mới mẻ và sáng tạo sẽ luôn được đánh giá cao. Vấn đề có thể chưa được giải quyết triệt để, song nó sẽ là cơ sở, nền tảng cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

     Tên của đề tài nên được “chính xác hóa”, “cụ thể hóa” về mặt đối tượng nghiên cứu, cũng như về thời gian và không gian khảo sát. Tên đề tài cần được viết rõ ràng, tránh dài dòng hoặc gây hiểu lầm không cần thiết.

2. Xác định chính xác các nội dung trong phần mở đầu:

     Phần mở đầu của một đề tài có ý nghĩ rất quan trọng. Nó cho thấy cái nhìn tổng quan và toàn diện về những định hướng và dự kiến nội dung cần thiết đối với người nghiên cứu, đồng thời thông qua phần mở đầu, các cấp quản lý mới có thể xem xét và quyết định có chấp nhận cho tác giả (hoặc nhóm tác giả) tiếp tục thực hiện đề tài hay không. Trong phần này, sinh viên thường không phân phân biệt chính xác một số khái niệm cơ bản như “đối tượng nghiên cứu” và “khách thể nghiên cứu”. Không phải lúc nào đối tượng nghiên cứu cũng là “con người”, đây là điểm các bạn rất hay nhầm lẫn.

3. Tìm kiếm tài liệu

     Sinh viên cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ đề mục “lịch sử nghiên cứu đề tài” (hay tổng quan tình hình nghiên cứu). Những đề tài đã hoặc đang nghiên cứu liên quan tới vấn đề tác giả quan tâm có thể tham khảo tại nhiều nguồn khác nhau, trong đó Internet là công cụ rất hiệu quả để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, sinh viên có thể sử dụng danh mục tài liệu trong thư viện của trường, các luận văn, đồ án tốt nghiệp của các Khoa. Việc tìm hiểu tổng quát các đề tài, báo cáo, tài liệu,… của các tác giả khác sẽ giúp sinh viên có thể biết được đề tài đang triển khai đã được các tác giả khác nghiên cứu tới đâu, có thể kế thừa và phát triển như thế nào, từ đó có định hướng cụ thể cho nội dung sẽ nghiên cứu.

4. Về phương pháp nghiên cứu:

     Hiện nay sinh viên chủ yếu tiến hành đề tài bằng phương pháp điều tra xã hội học, song việc thu thập và xử lý thông tin từ phương pháp này cũng chưa được thực hiện triệt để. Hầu hết các bảng số liệu được trình bày trong đề tài chỉ thể hiện được hai chỉ số, đó là: số lượng (Friquency) và tỷ lệ phần trăm (Percen). Tuy nhiên, người nghiên cứu nên kết hợp với cách tính trị trung bình (Mean) để phân tích số liệu và xếp hạng các nội dung khi cần thiết.

    Bên cạnh đó, hầu hết sinh viên chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các phương pháp thu thập thông tin định tính như phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, quan sát, nghiên cứu tài liệu,… Việc xử lý thông tin định tính cũng là vấn đề khó khăn đối với mỗi sinh viên do lượng thông tin thu thập được nhiều nên khó tổng hợp lại được, đồng thời, sinh viên cũng không xác định được thông tin nào là cần thiết, thông tin nào có thể bỏ qua.

5. Về văn phong trình bày:

     Đây có lẽ là điều nên được quan tâm và chú ý. Một đề tài NCKH của SV được đánh giá cao không hẳn vì có nội dung tốt mà quan trọng hơn là hình thức trình bày phải rõ ràng, mạch lạc, văn phong khoa học và chặt chẽ. Khá nhiều sinh viên còn yếu về mặt này, bài viết thường mắc nhiều lỗi chính tả, cách dùng từ ngữ còn theo kiểu “văn nói”, thậm chí câu văn rất lủng củng, thiếu logic, không thuyết phục người đọc. Để cải thiện tình trạng này, các bạn nên tham khảo cách thức trình bày trong các đề tài, luận văn, công trình nghiên cứu cụ thể của các tác giả khác. Đây là cơ hội để các bạn lĩnh hội những kinh nghiệm vô giá từ những người đi trước, bổ sung và làm giàu thêm tri thức cho bản thân, đặc biệt là cách thức diễn đạt. Để hình thành khả năng diễn đạt tốt, không còn cách nào khác, sinh viên cần phải rèn luyện thường xuyên để dần hình thành cho mình một phong cách riêng.

6. Lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động nghiên cứu:

     Tác giả hoặc nhóm tác giả (nếu có nhiều thành viên tham gia) cần xây dựng kế hoạch công việc thật chi tiết và cụ thể, bao gồm các mốc thời gian cần hoàn thành và nguồn lực dự kiến. Cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các thành viên trong nhóm. Một thực tế dễ nhận thấy là nhiều nhóm đề tài chưa sử dụng hết khả năng của mỗi thành viên.Điều này có thể dẫn đến tính kém hiệu quả của đề tài, thậm chí gây ra sự mất đoàn kết trong nhóm. Ngoài ra, việc lên kế hoạch công việc còn quan trọng bởi vì thông thường hoạt động NCKH của sinh viên trùng với thời gian học tập chính thức. Do đó, cần sắp xếp và giành một khoảng thời gian nhất định hằng ngày cho việc thảo luận nhóm, thu thập tài liệu và viết nội dung đề tài. Nếu để mọi việc ứ đọng, sẽ dẫn đến sự chán nản, lo lắng, có thể làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và tiến độ triển khai đề tài.

7. Lưu ý thêm về tài liệu tham khảo:

     Một trong những trở ngại lớn đối với mỗi sinh viên là chưa biết sử dụng nguồn tài liệu tham khảo từ nhiều phương tiện khác nhau. Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin phục vụ đề tài (đặc biệt là với phần cơ sở lý luận) không còn là vấn đề quá lo lắng đối với mỗi sinh viên. Tuy vậy, làm thế nào để có những thông tin phù hợp, giúp giải quyết, bổ trợ cho các nội dung đang nghiên cứu, đồng thời tham khảo ý tưởng thế nào là không vi phạm bản quyền tác giả, không bị coi là “đạo văn”,… lại là những vấn đề cần quan tâm. Theo tôi, với những ý tưởng, nội dung tham khảo trực tiếp của các tác giả khác, cần phải được cước chú (footnote) rõ ràng, tránh sử dụng nguyên trạng ý tưởng của họ. Nếu chỉ lấy một số ý nào đó trong bài viết, cần phát triển theo tư duy của bản thân sao cho phù hợp với phần nội dung trình bày.

8. Đối với việc trao đổi cùng giảng viên hướng dẫn

    Các bạn nên gửi bài viết hoặc những gì đã chuẩn bị qua Email cho thầy cô trước khi gặp trực tiếp. Điều này sẽ giúp thầy cô có thêm thời gian đọc và nghiên cứu những gì các bạn đang thực hiện, từ đó có sự hướng dẫn, định hướng cho các bạn tốt hơn. Nhiều sinh viên thường “ngại” hoặc tìm cách né tránh giảng viên hướng dẫn. Đây là một nhược điểm cần được khắc phục.Sinh viên nên có tinh thần ham học hỏi, tiếp thu sự hướng dẫn của giáo viên, điều này sẽ là kinh nghiệm tốt không chỉ áp dụng trong việc thực hiện đề tài NCKH mà còn góp phần xây dựng thái độ tích cực của sinh viên trong suốt quá trình học tập của mình.

     NCKH là dạng hoạt động đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, trí tuệ cũng như tiền bạc. Hoạt động này thường vất vả, có thể gặp phải không ít khó khăn thậm chí là thất bại. Do đó, chỉ những ai thật sự yêu thích và đam mê mới có thể vững vàng trên con đường đầy khó khăn, nhưng cũng rất vinh quang này.

Nguồn: //www.khoahoctre.com.vn

Một trong những lý do chính dẫn đến những khó khăn của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học là tính chủ động của bản thân mỗi bạn trẻ trong học tập chưa cao, vẫn còn tư tưởng thụ động. Sinh viên chỉ học bài và ôn bài khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi, chỉ "xoay quanh" giảng đường với những bài học trên lớp, chưa chủ động nghiên cứu, tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay thiếu sự đam mê học tập, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch cụ thể.

Có ý kiến cho rằng, nhiều bạn sinh viên chưa trả lời được câu hỏi "học để làm gì?". Ðiều đó giống như một con thuyền trôi không rõ phương hướng, không tìm thấy đích đến của hành trình. Kết quả là có những sinh viên học tập theo kiểu đối phó, học để đáp ứng mong muốn, yêu cầu của gia đình về việc "phải có tấm bằng đại học".

Bên cạnh đó, với hình thức học tín chỉ như hiện nay, một bộ phận sinh viên tỏ ra bị động và không hiểu rõ định hướng học tập và rèn luyện trong những năm học đại học. Có người không tìm hiểu kỹ việc học những khối kiến thức, những môn học trong khung chương trình đào tạo để làm gì và có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng một hệ thống khối kiến thức tổng quan hoàn chỉnh cho sinh viên. Từ đó, nhiều bạn không thể xây dựng được kế hoạch học tập một cách cụ thể và có tính khoa học cao. Thực tế cho thấy, cứ đến giai đoạn đăng ký môn học, nhiều sinh viên chỉ biết đăng ký theo kiểu "bạn bè rủ nhau", dẫn đến trường hợp hệ thống các môn học chưa hoàn toàn phù hợp bản thân, khó có thể học tập đạt kết quả tốt.

Sự hiểu biết của sinh viên về phong trào nghiên cứu khoa học trong trường chưa đủ cả về chất và lượng. Chưa có một kênh thông tin nào thường xuyên và mạnh mẽ đưa những nội dung về vấn đề này đến sinh viên, vì thế các bạn sinh viên hầu hết hoặc là coi nghiên cứu khoa học là khá xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc, không phải là mình. Bên cạnh đó, cũng chưa có những cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Có không ít bạn trẻ chưa hiểu rõ nghiên cứu khoa học là như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu hay nghiên cứu những gì.

Ðể tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, Hội Sinh viên các nhà trường cần tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên, phối hợp Ðoàn Thanh niên, các phòng ban chức năng phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; kết hợp với việc giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên. Cần tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa để tập hợp những vướng mắc và cùng giải quyết. Muốn làm tốt công tác này, các cán bộ Hội phải đi sâu, nắm rõ được tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội và thường xuyên phản ánh với các cấp.

Hội Sinh viên các cấp cần có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin về nghiên cứu khoa học đến gần hơn với sinh viên hơn nữa, làm cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học không phải là một hoạt động xa vời mà rất thiết thực với bản thân sinh viên. Hội Sinh viên cần là cầu nối thật sự giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Ðây là một kênh thông tin chính thức, có thể bảo đảm tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Bản thân mỗi sinh viên cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp. Nâng cao khả năng tự học, ngoài thời gian nghe giảng trên lớp thì sinh viên cần tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ở thư viện để mở rộng và đào sâu tri thức, trong đó kỹ năng tự đọc tài liệu rất quan trọng. Tăng cường thảo luận với việc sinh viên phải là tích cực trình bày quan điểm và tranh luận.

Một vấn đề rất quan trọng khác là cần nâng cao hiệu quả đầu ra của công tác nghiên cứu bằng việc lựa chọn những đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao. Thường xuyên tham gia giao lưu, chia sẻ ý kiến về các phương pháp, cách làm hay tại các diễn đàn do Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức.

Kết quả hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) của nhà trường trong thời gian qua chưa đáp ứng được kỳ vọng và chưa phát huy được tiềm năng của sinh viên. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đã được chính các bạn sinh viên nhận định: Bản thân mỗi sinh viên còn thụ động, thiếu say mê, thiếu quyết tâm đối với NCKH. Trong khi đó, cơ sở vật chất, điều kiện để hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH luôn được nhà trường quan tâm. Ðể khắc phục hạn chế này, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các khoa, các phòng chức năng và Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường, trong đó, chú trọng việc tạo cơ chế động viên, khuyến khích sinh viên tích cực, chủ động tham gia NCKH.

Thạc sĩ CAO BÁ CƯỜNG, Bí thư Ðoàn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2

Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH trong sinh viên đang ngày càng phát triển với số lượng các đề tài ngày càng nhiều. Nhưng tỷ lệ sinh viên quan tâm đến NCKH còn thấp, nhiều sinh viên mặc dù đã tham gia NCKH nhưng còn thụ động; nhiều đề tài nghiên cứu có chất lượng không cao, không áp dụng được trong thực tiễn. Việc NCKH trong sinh viên đang được xem như là một hoạt động phong trào. Chưa có nhiều sinh viên thật sự say mê với hoạt động NCKH - vốn được coi là một trong những hoạt động chủ chốt của đào tạo đại học.

TRẦN NHẬT TIẾN sinh viên Trường đại học Y Dược (Ðại học Huế)

Ðể đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên cần thực hiện một số giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp các bạn sinh viên cảm thấy mình không bị lạc lõng cũng như để các bạn yên tâm tham gia nghiên cứu. Ðáng chú ý: Các khoa cần chủ động tham mưu với cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo của mình bằng các hình thức: hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài, đăng ký bản quyền đề tài, liên hệ với các đơn vị để giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng thực tế cao...

TRẦN TIẾN, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (Ðồng Nai)

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ KIM ANH

Video liên quan

Chủ đề