Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

21/10/2022

THS. ĐẶNG THỊ THU TRANG

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Tóm tắt: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một số điểm mới về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, nhằm tăng cường bảo đảm các quyền của người chưa thành niên, giúp họ có được môi trường cải tạo, giáo dục lành mạnh, nhân ái hơn. Trong bài viết này, tác giả phân tích các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, nêu lên một số bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện.

Từ khóa: Xử lý vi phạm hành chính, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, người chưa thành niên.

Abstract: The Law on amendments of a number of provisions under the Law on Handling of Administrative Violations has stipulated a number of new provisions on alternative measures to handle administrative violations in order to enhance the guarantee of the rights of minors, helping them to have a reform environment, healthier, more compassionate education after violations of the law. Within this article, the author provides an analysis of the alternative measures to handle administrative violations, highlights of the inadequacies, and also gives out a number of recommendations for improvements.

Keywords: Handling of administrative violations; alternative measures for handling administrative violations; minors.

Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Khái quát về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) đã quy định nhiều điểm mới nhằm tăng cường tính hệ thống của các quy phạm pháp luật, và tính khả thi trong việc áp dụng các quy định này vào việc xử lý VPHC. Trong đó, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, khiến các quy định của pháp luật trở nên nhân văn hơn, mang tính cộng đồng, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý VPHC.

Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính[1].

Trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định trong Chương II của Phần thứ 5 về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính gồm: Nhắc nhở, quản lý tại gia đình. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bổ sung thêm biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng[2].

Có thể thấy, ba biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được nêu và bổ sung trong Luật có những đặc điểm chung như sau:

Thứ nhất, được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Biện pháp “nhắc nhở” là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà nước thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính[3].

Biện pháp “quản lý tại gia đình”[4] là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3, bổ sung thêm người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 5 Điều 90 Luật Xử lý VPHC. Điều đó có nghĩa là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người nghiện ma túy dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma tuý thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp “giáo dục dựa vào cộng đồng” là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý VPHC[5], có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục. Nghĩa là, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, quy định tại Bộ luật Hình sự.

Như vậy, trong số ba biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp “giáo dục dựa vào cộng đồng” là biện pháp được áp dụng đối với người chưa thành niên có độ tuổi nhỏ nhất. Với độ tuổi này, họ chưa đến tuổi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như chưa đủ tuổi để áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, mà chỉ có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Nếu người vi phạm trong trường hợp này đã thoả mãn đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế là “giáo dục dựa vào cộng đồng” thì nên ưu tiên áp dụng ngay. Trong quá trình áp dụng, người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng xem xét để ưu tiên áp dụng những biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Bởi lẽ, đây là những đối tượng mà tâm sinh lý chưa ổn định, dễ bị kích động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo mà chưa suy nghĩ chín chắn về hành vi cũng như hậu quả của hành vi do mình thực hiện, bản thân họ chưa nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa xã hội của hành vi. Những người này có thể chưa chuẩn bị tâm lý để gánh chịu những hậu quả pháp lý mà cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách áp dụng đối với họ. Việc khoan dung với những đối tượng này sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc giúp họ sớm hoà nhập cộng đồng, nhận thức được những lỗi lầm của mình và rèn luyện để trở thành những con người có ích cho xã hội.

Thứ hai, là biện pháp thay thế cho xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính có điều kiện.

Điều 134 Luật Xử lý VPHC quy định: “Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II của Phần thứ năm. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính”.

Việc quy định nguyên tắc xử lý ngay trong Luật đã tăng cường tính pháp chế và khiến việc áp dụng được chính xác hơn. Khi “không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính” thì sẽ không bị coi là “tái phạm” và không bị tính là tình tiết tăng nặng nếu khi hết thời hạn áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính mà lại tiếp tục vi phạm pháp luật, cũng không bị áp dụng thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

Đối với biện pháp “nhắc nhở”: “Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”[6]... Đây là biện pháp duy nhất trong 3 biện pháp thay thế cho xử lý vi phạm hành chính có tính chất thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính, vì đối tượng được áp dụng là người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (cụ thể là vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo), và cũng chỉ được áp dụng khi có điều kiện là người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

Có thể xem đây là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính hợp lý. Bởi vì, dựa trên tính chất của hình thức xử phạt cảnh cáo và những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên thì việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo trong trường hợp này là không cần thiết. Thay vào đó, việc áp dụng biện pháp nhắc nhở không chỉ tạo điều kiện cho người chưa thành niên vi phạm nhận thức được lỗi lầm, mà còn giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người vi phạm. Hành vi vi phạm cũng sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, công khai và khách quan[7].

Đối với biện pháp “quản lý tại gia đình”: Đây được xem là biện pháp thay thế cho biện pháp xử lý hành chính vì đối tượng được áp dụng là những người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Điều kiện để áp dụng biện pháp này là: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình[8].

Có thể thấy, đây là những điều kiện cần thiết nhưng đa phần mang tính định tính, khó có thể xác định một cách chính xác. Bởi lẽ, việc người chưa thành niên “thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình” không chỉ căn cứ vào hành vi họ “đã tự nguyện khai báo”, thái độ thành khẩn mà còn phải xem xét toàn bộ quá trình họ bị quản lý có thực sự chuyên tâm tu dưỡng bản thân để trở thành người công dân tốt hay không.

Bên cạnh đó, hành vi của những người này đã có dấu hiệu của vi phạm hành chính, thậm chí là vi phạm hình sự (nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), nếu họ không có môi trường sống thuận lợi sẽ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo mà tiếp tục vi phạm. Vì vậy, cần bố trí cho họ được cư trú ở những địa bàn lành mạnh, an toàn, tránh xa những nơi có nguy cơ cao về tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, việc đánh giá “môi trường thuận lợi” thì chưa có tiêu chí cụ thể trong văn bản luật[9].

Việc tự nguyện của cha mẹ hoặc người giám hộ trong quản lý, giám sát con em mình là điều quan trọng, vì đây là biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó của cha mẹ với con cái và thể hiện trách nhiệm của cha mẹ trong vấn đề nuôi dạy, giáo dục, uốn nắn con cái. Đối với các tổ chức hoặc người giám hộ thì đây cũng là trường hợp mà họ cần nâng cao trách nhiệm và tình yêu thương đối với người được giám hộ, vì nếu lơ là, không quản lý tốt thì người chưa thành niên rất dễ tiếp tục vi phạm pháp luật, và biện pháp này sẽ không đạt được mục đích mà người có thẩm quyền buộc phải xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

Biện pháp này có đạt được hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc cha mẹ, người giám hộ dành thời gian cho con, kiên trì thực hiện các phương pháp cũng như các biện pháp cần thiết để hướng con mình con đường đúng đắn, an toàn, tránh xa những tệ nạn và cám dỗ, sa ngã. Biện pháp này cũng phụ thuộc vào sự “tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình” của cha mẹ hoặc người giám hộ; vì vậy sẽ rất thiệt thòi cho người chưa thành niên nếu điều kiện về “sự tự nguyện” không đạt được thì họ sẽ có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Như vậy, gia đình, người giám hộ lúc này đã đẩy trách nhiệm quản lý, giáo dục các đối tượng người chưa thành niên về phía chính quyền trong khi họ hoàn toàn có “đủ điều kiện”.

Đối với biện pháp “giáo dục dựa vào cộng đồng”: “Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này, có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục”[10].

Đây là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính mới nhất được bổ sung vào Luật, được coi là biện pháp thay thế cho biện pháp xử lý hành chính vì đối tượng được áp dụng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự, bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng[11].

Khác với hai biện pháp trên, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính này không bắt buộc điều kiện chủ thể được áp dụng phải tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình, nhưng cần chủ thể có “nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục”[12]. Việc đòi hỏi phải có cam kết bằng văn bản của cha mẹ trong việc quản lý con em mình thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của cha mẹ cũng như tăng cường sự phối kết hợp giữa phụ huynh với nhà trường (cơ sở giáo dục mà con đang theo học) và chính quyền địa phương (Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội) để giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa những hành vi vi phạm tiếp theo của trẻ, hướng trẻ tới con đường thiện lương mà không cần thiết phải đưa trẻ vào trường giáo dưỡng. Tính “cộng đồng” được thể hiện trong biện pháp này chính là sự kết hợp giữa ba trụ cột nhà trường - gia đình - chính quyền để mong đạt được hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục đối tượng này.

Thứ ba, là biện pháp mang tính giáo dục.

“Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục bởi các hành vi vi phạm và đối tượng áp dụng ở mức độ thấp hơn áp dụng biện pháp xử lý hành chính bên cạnh xử phạt hành chính”[13]. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đều hướng đến việc giáo dục ý thức, tư tưởng ở người vi phạm, mong muốn trẻ vẫn được tham gia các hoạt động tại địa bàn một cách năng động và hoà nhập. Cụ thể là: “Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng” và “Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác, tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng”[14].

Những quy định này nhằm hạn chế sự kỳ thị của cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm, huy động được sự quan tâm của gia đình và người thân, san sẻ gánh nặng cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc[15].

2. Một số điểm khác biệt giữa các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

- Về thẩm quyền quyết định áp dụng

Đối với biện pháp “nhắc nhở”: Người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở[16].

Đối với biện pháp “quản lý tại gia đình”: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình[17].

Đối với biện pháp “giáo dục dựa vào cộng đồng”: Toà án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng[18].

Thẩm quyền của các cơ quan quyết định áp dụng phụ thuộc vào tính chất của các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, đối tượng được áp dụng và địa bàn áp dụng biện pháp đó.

- Về thời hạn áp dụng

Đối với biện pháp “nhắc nhở”: Nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ[19] và không phải lập thành biên bản[20]. Vì vậy, không quy định thời hạn và người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở sẽ thi hành ngay biện pháp này đồng thời với thời điểm ra quyết định.

Đối với biện pháp “quản lý tại gia đình”: Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng[21].

Đối với biện pháp “giáo dục dựa vào cộng đồng”: Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng từ 6 tháng đến 24 tháng[22].

Thời hạn áp dụng các biện pháp thay thế xử lý VPHC “quản lý tại gia đình” và “giáo dục dựa vào cộng đồng” tương đồng với thời hạn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nếu người chưa thành niên vi phạm mà không được áp dụng biện pháp thay thế.

- Về cưỡng chế nhà nước khi vi phạm

Trong ba biện pháp thay thế xử lý VPHC thì chỉ có biện pháp “quản lý tại gia đình” có quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu trong thời gian thực hiện biện pháp thay thế mà còn tiếp tục vi phạm pháp luật[23]. Đây cũng là quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe cao hơn. Nếu người chưa thành niên được cho cơ hội để hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội nhưng không những không cải thiện bản thân mà còn tiếp tục vi phạm thì xứng đáng nhận những hậu quả pháp lý nghiêm khắc để bản thân họ tự rút kinh nghiệm, sửa chữa lỗi lầm và xã hội đảm bảo được an ninh, trật tự, an toàn.

3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên VPHC để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình. Về hình thức, nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ, không ban hành quyết định. Cần lưu ý, sự khác biệt giữa nhắc nhở và cảnh cáo ở chỗ, việc áp dụng hình thức phạt cảnh cáo phải bằng hình thức văn bản dưới dạng quyết định xử phạt. Theo pháp luật hiện hành, người có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo đối với VPHC do người chưa thành niên thực hiện cũng chính là người có thẩm quyền áp dụng biện pháp nhắc nhở. Do mang tính nhắc nhở bằng lời nói nên bên cạnh việc chỉ ra hành vi vi phạm, biện pháp này còn chứa đựng những lợi ích to lớn trong việc khuyên nhủ, động viên, từ đó tạo sự chủ động, tích cực, hiệu quả trong nhận thức của người chưa thành niên. Tuy nhiên, nếu người chưa thành niên ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả thì có thể thay thế bằng biện pháp nhắc nhở hay không? Hiện nay, có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất là biện pháp nhắc nhở chỉ được áp dụng đối với người vi phạm bị áp dụng duy nhất hình thức xử phạt chính là cảnh cáo mà không kèm theo bất cứ một hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả nào khác. Quy định này rất phù hợp với việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, bởi suy cho cùng cảnh cáo cũng chỉ là sự nhắc nhở - tác động về mặt tinh thần đối với người vi phạm bằng hình thức văn bản. Nếu một VPHC, ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo lại có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả thì nhất thiết phải ra quyết định bằng văn bản. Một khi đã có quyết định bằng văn bản thì rõ ràng đã vô hiệu hóa tính chất “bằng lời nói” của biện pháp nhắc nhở. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong thủ tục giải quyết, cần thừa nhận việc áp dụng biện pháp nhắc nhở trong trường hợp người vi phạm chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo mà không kèm theo bất cứ một hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả nào khác[24].

Quan điểm thứ hai là nếu người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo mà không kèm theo hình thức xử phạt bổ sung nhưng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, người chưa thành niên đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình thì vẫn có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở. Bởi lẽ, “việc xử lý người chưa thành niên VPHC chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”[25]. Bên cạnh đó, thông thường việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi cụ thể trong quyết định xử phạt VPHC. Trường hợp này, nếu áp dụng biện pháp nhắc nhở sẽ không lập thành biên bản nên người có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả[26]. Mặt khác, biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật Xử lý VPHC[27]. Như vậy, quan điểm này chỉ ra lỗi đến đâu, xử lý đến đó. Nếu người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp nhắc nhở thì người có thẩm quyền ưu tiên áp dụng biện pháp này, thay vì xử phạt cảnh cáo vì “việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý VPHC không được coi là đã bị xử lý VPHC”[28] và điều này có lợi cho người chưa thành niên theo đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên được quy định trong Luật Xử lý VPHC như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, hành vi của người chưa thành niên gây ra hậu quả thì vẫn cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để tăng cường tính răn đe và tự chịu trách nhiệm về hành vi cũng như hậu quả mà người chưa thành niên gây ra. Ví dụ: theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì hành vi “Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Giả sử một người chưa thành niên 15 tuổi thực hiện vi phạm nên bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo và biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Người vi phạm này có tình tiết “đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình” thì được áp dụng biện pháp nhắc nhở để thay thế hình thức xử phạt cảnh cáo, nhưng vẫn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Vì vậy, theo tác giả, cần bổ sung thêm điều kiện để có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở trong Điều 139 Luật Xử lý VPHC là: “vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo nhưng không bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hay các biện pháp khắc phục hậu quả”.

Thứ hai, như đã phân tích ở trên, người chưa thành niên để được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý VPHC cần đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết được nêu trong Luật, nhưng các điều kiện này đa phần được mô tả định tính[29] dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh đủ điều kiện. Trong trường hợp này, đối với biện pháp nhắc nhở vì tính chất xử lý ngay tại chỗ mà không cần có biên bản nên cũng không cần có văn bản cam kết của người vi phạm về việc đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và điều chỉnh hành vi để không tiếp tục vi phạm, nhưng cần quy định cam kết bằng lời nói trước cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt để thể hiện rõ sự “thành thật hối lỗi” của người vi phạm.

Đối với biện pháp quản lý tại gia đình, người có thẩm quyền xử phạt có thể yêu cầu người vi phạm cam kết bằng văn bản về việc đã nhận thức được hành vi vi phạm và điều chỉnh hành vi theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật, làm căn cứ xác định vi phạm pháp luật (nếu có) xảy ra sau này. Trong Nghị định số 120/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đã quy định về điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (Điều 6). Việc quy định thống nhất về “môi trường sống thuận lợi” cho việc thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình là một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được mục đích trong vấn đề quản lý người chưa thành niên tại gia đình. Đã có nhiều thanh thiếu niên sa vào con đường phạm pháp vì không được sống trong một môi trường có tình yêu thương của người thân, không có người dìu dắt, giáo dục, hoặc sống trong môi trường có nhiều cám dỗ, dẫn tới vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đặt ra trường hợp nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ đã cam kết đủ điều kiện để quản lý người chưa thành niên vi phạm tại gia đình thì cơ quan hoặc chủ thể nào sẽ có trách nhiệm kiểm chứng và xác nhận họ đã đủ điều kiện hoặc nếu ban đầu họ cam kết và thực sự đủ điều kiện thực hiện quản lý con em mình, nhưng chưa hết thời gian áp dụng biện pháp này vì lý do khách quan mà họ không còn đủ điều kiện như cam kết ban đầu thì việc áp dụng biện pháp này sẽ được xử lý ra sao? Trường hợp khác là cha mẹ hoặc người giám hộ thực tế có đủ điều kiện thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình nhưng lại viện lý do không đủ điều kiện và không nhận trách nhiệm quản lý con em mình thì người chưa thành niên vi phạm trong trường hợp này sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Những vướng mắc trên hiện chưa có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của nhà nước. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi của người chưa thành niên vi phạm, cần quy định sự phối kết hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xác minh điều kiện của cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình; mặt khác, cần bổ sung thêm điều kiện: “nếu cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý tại gia đình thì khuyến khích nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình. Nếu cha mẹ hoặc người giám hộ nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình nhưng sau đó lại không đủ điều kiện để thực hiện đúng cam kết thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phân công người giám hộ khác có đủ điều kiện thực hiện biện pháp này”.

Thứ ba, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý VPHC mới nhất được bổ sung vào Luật Xử lý VPHC, đề cao sự phối kết hợp của cả gia đình, cơ sở giáo dục và cơ quan nhà nước nơi người chưa thành niên cư trú để có được hiệu quả cao trong việc giáo dục, hướng thiện, đưa người vi phạm có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.

Để cụ thể hóa quy định về thi hành biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Theo đó, yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên làm bản cam kết[30]; đồng thời quy định trách nhiệm của các chủ thể thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục người được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng[31]. Mặc dù Luật Xử lý VPHC đã quy định trong Điều 140a về điều kiện bắt buộc là đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng phải “đang theo học tại cơ sở giáo dục”, nhưng trong Nghị định số 140/2021/NĐ-CP lại không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục mà người chưa thành niên vi phạm đang theo học, về việc giáo dục, quan tâm, phối hợp với các chủ thể có trách nhiệm còn lại trong việc thực hiện biện pháp này. Theo tác giả, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục mà người chưa thành niên vi phạm đang theo học trong việc xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp với đối tượng này, quan tâm, giúp đỡ, động viên họ sửa chữa sai lầm, đặc biệt là không kỳ thị, phân biệt đối xử với họ, cũng như thường xuyên phối hợp với gia đình của người chưa thành niên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi người đó cư trú và cá nhân được giao trách nhiệm giám sát người chưa thành niên.

Tương tự như quy định về việc thi hành biện pháp quản lý tại gia đình, đối với biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, mặc dù đã yêu cầu cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên vi phạm cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục, nhưng không có quy định xử lý nếu thực tế không đủ điều kiện như trong cam kết, hoặc có đủ điều kiện như trong cam kết nhưng không thực hiện đúng cam kết, hay vì điều kiện khách quan mà cam kết ban đầu không thực hiện được.

Ngoài ra, biện pháp quản lý tại gia đình có quy định cưỡng chế nhà nước nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật trong thời gian quản lý[32], nhưng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng lại không có quy định xử lý nếu người được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện biện pháp, thậm chí tiếp tục vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, để tăng cường tính nghiêm minh và răn đe thì cần có quy định phòng ngừa việc vi phạm của người chưa thành niên đang được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, như người có trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền được biết để kịp thời ngăn chặn, hoặc khi người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền sẽ quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng và xử lý theo quy định của pháp luật./.


[1] Khoản 4 Điều 2 Luật Xử lý VPHC.

[2] Bổ sung khoản 3 sau khoản 2 Điều 138 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 140 về biện pháp quản lý tại gia đình.

[3] Xem thêm khoản 2 Điều 26 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có quy định về đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở.

[4] Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

[5] Điều 92 quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

[6] Điều 139 Luật Xử lý VPHC.

[7] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2015), Bình luận khoa học Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tập 2, tr. 708.

[8] Khoản 1 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

[9] Điều 6 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn bổ sung quy định điều kiện “gia đình có nguồn thu nhập ổn định”, “có chỗ ở”, “cha, mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt”… nhưng đây vẫn là những tiêu chí định tính mà không có minh chứng hoặc yêu cầu xác định cụ thể.

[10] Khoản 1 Điều 140a Luật Xử lý VPHC.

[11] Khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý VPHC.

[12] Khoản 1 Điều 140a Luật Xử lý VPHC.

[13] Trần Thị Quỳnh Anh (2021), Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là gì? Đặc điểm của biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, https://luathoanganh.vn/hoi-dap-luat-dan-su/bien-phap-thay-the-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-la-gi-dac-diem-cua-bien-phap-thay-the-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-lha1896.html, truy cập ngày 12/05/2022.

[14] Theo khoản 4 Điều 140 và khoản 4 Điều 140a Luật Xử lý VPHC.

[15] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2015), Bình luận khoa học Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tập 2, tr. 711.

[16] Điều 139 Luật Xử lý VPHC.

[17] Khoản 2 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

[18] Khoản 2 Điều 140a Luật Xử lý VPHC.

[19] Điều 139 Luật Xử lý VPHC.

[20] Điều 26 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC.

[21] Khoản 3, 4 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

[22] Khoản 3, 4 Điều 140a Luật Xử lý VPHC.

[23] Khoản 5 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

[24]Cao Vũ Minh (2019),Vướng mắc về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5.

[25] Điều 134 Luật Xử lý VPHC.

[26] Xem mẫu quyết định số 15 được quy định trong phụ lục kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC.

[27] Điều 28 Luật Xử lý VPHC.

[28] Theo khoản 5 Điều 134 Luật Xử lý VPHC.

[29] Biện pháp nhắc nhở quy định tại Điều 139 Luật Xử lý VPHC nêu điều kiện “người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình”. Tuy nhiên, việc họ thực sự “tự nguyện” hay không không chỉ xác định bằng hành vi tự đến khai báo mà còn cần xem xét cả thái độ, sự thành khẩn của họ để xác định họ có bị ép buộc, đe dọa, xúi giục thực hiện điều này; việc “thành thật hối lỗi” cũng rất khó đo lường mà cần xem xét toàn bộ quá trình tu dưỡng, cải tạo sau này.

Tương tự như vậy, biện pháp quản lý tại gia đình được quy định tại Điều 140 Luật Xử lý VPHC. Điều luật này nêu các điều kiện “tự nguyện khai báo”, “thành thật hối lỗi”, “có môi trường sống thuận lợi”, “cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình”. Các tiêu chí đưa ra không được xác định cụ thể trong Luật.

[30] Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP.

[31] Điều 48 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP.

[32] Khoản 5 Điều 140 Luật Xử lý VPHC.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (464), tháng 8/2022.)