Nhân vật nào không phải là lãnh tụ khởi nghĩa của nhân dân ta thời bắc thuộc

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng trên đất Hà Nội

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán bùng nổ vào mùa Xuân năm 40 và giành thắng lợi nhanh chóng là nhờ sự góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhân dân Hà Nội.

Theo truyền thuyết, nhiều người Hà Nội đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Khu vực nội thành có ba chị em trong ngõ Thổ Quan, có Nguyễn Tam Trinh ở Mai Động; huyện Thanh Trì có nàng Tía ở Vĩnh Ninh; huyện Đông Anh có nàng Vĩnh Huy ở Vân Hà, ông Đông Bảng ở Gia Lộc; huyện Gia Lâm có nàng Quốc Hương ở Kiêu Kỵ, vợ chồng Đào Kỳ ở Ngọc Thụy, Khỏa Ba Sơn ở Cự Khối, ba anh em Đào ở Đa Tốn, ông Đống, ông Hựu ở Kim Hồ.

Đặt huyện Tống Bình: Khoảng năm 454 – 456

Khoảng thời Hiếu Vũ Đế nhà Lưu Tống (454 – 456), chính quyền đô hộ lập một huyện mới trên vùng đất trung tâm Hà Nội cổ, đó là huyện Tống Bình. Sau đó, huyện Tống Bình được đổi thành quận Tống Bình. Đầu thế kỷ VII, nhà Tùy bỏ quận, khôi phục huyện. Năm 621 nhà Đường đổi Tống Bình thành Tống Châu, vẫn bao gồm vùng đất tương đương với khu vực nội thành ngày nay. Năm 627 lại đổi thành huyện. Huyện Tống Bình tồn tại cho đến đầu thế kỷ X. Như vậy, Tống Bình là tên gọi và đơn vị hành chính đầu tiên được thiết lập trên vùng đất Hà Nội ngày nay.

Nhân dân Hà Nội tham gia khởi nghĩa Lý Bí: Năm Nhâm Tuất (542)

Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương, được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân khắp mọi nơi, trong đó có nhân dân Hà Nội. Một trong những người tiêu biểu có mặt ngay từ ngày đầu của cuộc khởi nghĩa là Phạm Tu, quê thôn Văn, xã Quang Liệt (nay là Thanh Liệt), huyện Thanh Trì. Ông là người có sức khỏe phi thường, giỏi võ, giỏi vật (nhân dân thường gọi là Đô Tu), sớm có lòng yêu nước, căm ghét bọn đô hộ.

Phạm Tu là một tướng tài, có những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Sau ông đã cùng các tướng tài khác như Tinh Thiều và Triệu Túc giúp Lý Bí xây dựng chính quyền tự chủ non trẻ, lập nhà nước Vạn Xuân. Năm 543, ông cầm quân đánh dẹp quân xâm lấn bảo vệ bờ cõi phía Nam. Năm 545, nhà Lương kéo đại binh sang xâm lược nhằm tái áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta.

Trong trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở miền cửa sông Tô Lịch vào ngày 20/7 năm Ất Sửu, lão tướng Phạm Tu đã anh dũng hy sinh. Tưởng nhớ công ơn của người anh hùng, dân làng Thanh Liệt đã lập đền thờ ông. Đền ở thôn Trung, xã Quang Liệt. Hàng năm vào ngày 20/7, dân làng Quang Liệt (nay là Thanh Liệt) tổ chức cúng tế rất trang trọng.

Lý Bí dựng nước Vạn Xuân, đóng đô ở vùng trung tâm Hà Nội: Năm Giáp Tý (544)

Sau cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương thắng lợi (542), Lý Bí xưng đế, dựng nước Vạn Xuân (ở Thăng Long – Hà Nội có một số địa danh lưu lại tên gọi Vạn Xuân, như cửa Vạn Xuân của thành Thăng Long thời Lý, đầm Vạn Xuân ở huyện Thanh Trì), đóng đô ở vùng Hà Nội. Như vậy, Lý Bí – Lý Nam Đế chính là người Việt Nam đầu tiên, cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Hà Nội và đã quyết định đóng đô ở đây. Tuy nhà nước Vạn Xuân tồn tại không lâu, đô thành mà Lý Nam Đế lựa chọn chưa được mở mang xây dựng bao nhiêu, nhưng sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, đưa mảnh đất này bước lên vị trí hàng đầu trong lịch sử đất nước. Công lao ấy, đầu tiên, là thuộc về Lý Nam Đế.

Lý Bí xây dựng chùa Khai Quốc: Năm Giáp Tý (544)

Một trong những việc làm có ý nghĩa của Lý Bí sau khi khởi nghĩa thành công là ông cho xây dựng một ngôi chùa lớn, gọi là chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) ở ven sông Hồng. Tên chùa Khai Quốc, cùng với quốc hiệu Vạn Xuân, niên hiệu Thái Bình thể hiện lòng tin, sức mạnh vươn lên và khát vọng độc lập của nhân dân ta trên dặm dài đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc.

Đến đời Lê Kính Tông, năm 1615, chùa đổi tên là Trấn Quốc. Cũng năm đó, vì bãi sông lở, nên chùa được dời vào đảo Kim Ngư (cá vàng) ở phía đông Hồ Tây. Về sau, do đắp đê Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay) nên mới có đường vào chùa.

Chùa Trấn Quốc là một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của nước ta, một thắng cảnh của Thăng Long – Hà Nội. Chùa hiện còn giữ được 14 tấm bia, trong đó có nhiều bia cổ có giá trị (như bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính khắc năm 1939, bia của Tiến sĩ Phạm Quý Thích khắc năm 1815). Cuối thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã biến chùa này thành một hành cung, nơi vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

Lý Bí dựng thành ở vùng cửa sông Tô Lịch: Năm Ất Sửu (545)

Sau khởi nghĩa thắng lợi, để chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược trở lại của nhà Lương, năm 545, Lý Bí đã cho đắp một tòa thành đất dựng bằng tre gỗ ở vùng cửa sông Tô Lịch.

Vị trí của tòa thành này không có tài liệu nào còn chép cụ thể. Các thư tịch cổ chỉ cho biết là ở cửa sông Tô Lịch. Vậy cửa sông Tô Lịch vào giữa thế kỷ VI nằm ở đâu? Trần Quốc Vượng trong bài khảo cứu Địa lý lịch sử miền Hà Nội (trước thế kỷ XI) nhận xét: “Hiện nay, ở cạnh làng Yên Bái (Bưởi), bên bờ Hồ Tây có một làng tên là Hồ Khẩu. Tên làng chứng tỏ rằng ngày xưa đầu sông Tô Lịch ở phía đó (sông Tô Lịch lấy nước từ Hồ Tây, chảy về phía Cầu Giấy, Ngã Tư Sở rồi chảy mãi về nam). Nơi đó có thể là chỗ Lý Nam Đế xây dựng thành trì chống quân Lương. Nhưng thành trì đó nhất định không có quy mô to lớn và chắc chắn lắm vì Lý Bí xây dựng trong lúc rút quân vội vàng từ Chu Diên về, và sau đó lại rút ngay lên giữ thành Gia Ninh (Bạch Hạc, Việt Trì)…”.

Về sau, trong bài Bàn thêm về thành Thăng Long thời Lý – Trần (viết chung với Vũ Tuấn Sán) ông lại xác định cửa sông Tô Lịch là khu vực phố Hàng Buồm – Chợ Gạo hiện nay (thời Trần khu vực này có phường Giang Khẩu, sau đổi thành Hà Khẩu).

Chúng ta đều biết sông Tô Lịch có hai cửa. Một cửa thông với sông Hồng mà chỗ hợp lưu vào khoảng phố Hàng Buồm – Chợ Gạo hiện nay, chảy về phía đông ven theo mặt nam Hồ Tây đến Bưởi. Một cửa thông với Hồ Tây tại Hồ Khẩu khu vực gần Bưởi hiện nay. Vì thế thật khó xác định thành do Lý Nam Đế đắp ở cửa sông Tô Lịch là thuộc cửa nào, Hồ Khẩu hay Giang Khẩu – Hà Khẩu? Với tình hình tư liệu hiện có, câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Kháng chiến chống Lương: Tháng 6 năm Ất Sửu (545)

Đầu năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên cầm đầu một đạo quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, chinh phục lại Giao Châu. Tháng 7 năm 545, quân địch tiến sâu vào nội địa lưu vực sông Hồng. Quân Vạn Xuân có khoảng vài vạn giữ thành ở cửa sông Tô Lịch. Thành đắp bằng đất, lũy tre gỗ không kiên cố. Quân Trần Bá Tiên tấn công, bị thành hạ, quân ta phải rút lui lên vùng Trung Hà (gần Việt Trì) tiếp tục cuộc kháng chiến. Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, Triệu Quang Phục, người thay thế Lý Nam Đế lãnh đạo cuộc kháng chiến sau khi ông mất (548) đã đánh đuổi được toàn bộ quân xâm lược Lương, giải phóng đất nước, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, tức Triệu Việt Vương.

Xung đột Triệu Việt Vương – Lý Phật Tử: Năm Đinh Sửu (557)

Trong quá trình kháng chiến chống Lương, một bộ phận do Lý Thiên Bảo chỉ huy rút vào vùng thượng du Thanh – Nghệ. Năm 555, Lý Thiên Bảo mất, một người họ hàng là Lý Phật Tử lên thay. Năm 557, Lý Phật Tử kéo quân ra gây chiến với Triệu Việt Vương. Hai bên đánh nhau không phân thắng bại, rồi giảng hòa, lấy bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát, huyện Từ Liêm) làm ranh giới: phía tây thuộc quyền kiểm soát của Lý Phật Tử, đóng trụ sở ở thành Ô Diên (Đan Phượng, Hà Tây), phía đông thuộc quyền kiểm soát của Triệu Việt Vương (đóng trụ sở ở thành Long Biên (Bắc Ninh). Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ đem quân đánh úp Triệu Việt Vương, cũng xưng là Nam Đế (sử gọi là Hậu Lý Nam Đế). Lý Phật Tử duy trì nền độc lập được hơn ba mươi năm nữa.

Nước Vạn Xuân diệt vong: Năm Nhâm Tuất (602)

Năm 589, nhà Tùy thống nhất Trung Quốc. Với sức mạnh mới, nhà Tùy quyết tâm tiêu diệt nước Vạn Xuân non trẻ, thủ tiêu nền độc lập của người Việt vừa mới giành lại được, tái áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Thực hiện âm mưu đó, nhà Tùy tăng cường gây sức ép buộc Lý Phật Tử và nhân dân Vạn Xuân phải khuất phục, nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Năm 602, nhà Tùy huy động đại binh sang xâm lược Vạn Xuân. Do chênh lệch về lực lượng, cuộc kháng chiến của Lý Phật Tử và nhân dân Vạn Xuân nhanh chóng thất bại, đất nước sau một thời kỳ độc lập lại rơi vào ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa.

Hà Nội trở thành trụ sở quận Giao Chỉ: Năm Đinh Mão (607)

Sau khi diệt nước Vạn Xuân (602), nhà Tùy đã chia đất nước ta từ Bắc Bộ đến Thanh - Nghệ - Tĩnh làm bốn quận, trong đó có quận Giao Chỉ, bao gồm hầu hết vùng Bắc Bộ. Năm 607, chính quyền đô hộ chuyển trụ sở của quận Giao Chỉ từ Long Biên (Bắc Ninh) về huyện Tống Bình. Từ đây, vùng đất Trung tâm Hà Nội ngày nay chính thức được chính quyền đô hộ phương Bắc chọn làm thủ phủ. Sự kiện này mở đầu quá trình đô thị hóa và sự ra đời của đô thị Tống Bình – Đại La.

Khâu Hòa xây Tử Thành: Năm Tân Ty (621)

Khi chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay làm thủ phủ của chính quyền đô hộ quận Giao Chỉ, phong kiến Trung Hoa bắt đầu xây dựng hệ thống thành lũy, với tòa thành đầu tiên là Tử Thành (thành con) do Tổng quản Giao Châu là Khâu Hòa xây năm 621. Đây là một tòa thành nhỏ được xây dựng bên sông Tô Lịch, chu vi 900 bộ (khoảng 1.674 m).

Đặt An Nam đô hộ phủ: Tháng 8 năm Kỷ Mão (679)

Năm 622, nhà Đường đặt Giao Châu đô hộ phủ, đến năm 679 đổi làm An Nam đô hộ phủ. An Nam đô hộ phủ bao gồm 12 châu, 59 huyện, tương đương với vùng đất từ Đèo Ngang trở ra và một phần phía nam hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Trụ sở của An Nam đô hộ phủ đóng ở Tống Bình. Từ đây cho đến đầu thế kỷ X, Tống Bình trở thành đại bản doanh của chính quyền đô hộ trên một phạm vi rộng lớn.

Đinh Kiến tấn công phủ thành Tống Bình: Năm Đinh Hợi (687)

Do bất bình với chính sách tô thuế của chính quyền đô hộ, Lý Tự Tiên (không rõ thành phần xuất thân, quê quán, tuổi tác) đã phát động khởi nghĩa vào năm 687. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Lý Tự Tiên bị giết. Các thủ lĩnh khác, tiêu biểu là Đinh Kiến tiếp tục chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giết chết Đô hộ Lưu Diên Hựu. Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào, nhà Đường đã phái viện binh sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng chênh lệch nên cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp. Đinh Kiến và các thủ lĩnh khác bị giết.

Trương Bá Nghi đắp La Thành: Năm Đinh Mùi (767)

Sau Tử Thành do Khâu Hòa đắp năm 621, hầu như không có tòa thành mới nào được xây dựng cho đến khi Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp La Thành vào năm 767.

Vị trí của tòa thành do Trương Bá Nghi đắp và sau này được sửa chữa nhiều, các ý kiến cũng chưa thống nhất. Có người xác định là ở vùng phía Nam sông Tô Lịch, nhưng cụ thể là ở về phía nào thì chưa có kết luận dứt khoát. Lại có người xác định rõ giới hạn La Thành: mặt tây cách sông Tô Lịch 360m, mặt bắc theo sát sông Tô Lịch, mặt đông gồm Ngọc Hà, mặt nam theo đường Đội Cấn. Tuy có những sai lệch nhất định nhưng các ý kiến đều cơ bản thống nhất La Thành nằm dịch về phía tây quận Ba Đình hiện nay.

La Thành được đắp để bao bọc Tử Thành. Danh từ La Thành vốn không phải là danh từ riêng như hầu hết các nhà Hà Nội học xác nhận. La có nghĩa là bao bọc, la thành là thành bao (ôm lấy) Tử Thành, rồi dần trở thành La Thành như một danh từ riêng.

Nghĩa quân Phùng Hưng chiếm phủ thành Tống Bình: Tháng 4 năm Tân Mùi (791)

Phùng Hưng quê ở Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, ông cha đời đời làm quan lang, nhà giàu, có uy tín lớn với nhân dân trong vùng. Dưới ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải đã nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân làm chủ Đường Lâm rồi tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.

Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo. Sau đó Phùng Hưng đem quân đánh xuống phủ thành Tống Bình. Viên quan giữ phủ thành bấy giờ là Cao Chính Bình, đương chức An Nam đô hộ phủ, đem quân ra ngoài thành đón đánh nghĩa quân, bị thất bại trở về lo quá phát bệnh mà chết. Chiếm được phủ thành, Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị, dựng nền tự chủ được bảy năm thì mất. Nội bộ xảy ra tranh chấp quyền lực. Phùng An là con Phùng Hưng nối nghiệp cha. Năm 791, trước sức ép vũ lực và những mưu kế quỷ quyệt của viên đô hộ mới Triệu Xương, Phùng An đã ra hàng.

Phùng Hưng được suy tôn là Bố Cái Đại Vương. Lăng mộ ông hiện nay ở khu vực Kim Mã, quận Ba Đình. Nhiều làng ven đô và một số phường nội thành có đền thờ ông.

Triệu Xương đắp sửa La Thành: Tháng 7 năm Tân Mùi (791)

Sau khi chiếm lại được phủ thành Tống Bình, đàn áp cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, viên quan Đô hộ mới là Triệu Xương đã tiến hành sửa chữa đắp thêm La Thành cho kiên cố hơn trước. Đây là lần thứ ba sử chép về việc xây đắp thành lũy ở vùng trung tâm Hà Nội ngày nay.

Trương Chu đắp sửa La Thành: Năm Mậu Tý (808)

Năm 808, Trương Chu được cử làm Đô hộ Giao Châu. Trương Châu đã cho đắp thêm La Thành, gọi là An Nam La Thành, cao 22 thước (6,82m), có ba cửa, trên có lầu; cửa Đông và cửa Tây có lầu ba gian, cửa Nam (là cửa chính) có lầu 5 gian; trong thành có 10 cung, hai bên tả hữu đại sảnh dựng lầu giáp trượng 40 gian để chứa vũ khí.

Lý Nguyên Hỷ đắp thành Giao Châu: Tháng 11 năm Giáp Thìn (824)

Tháng 11 năm Giáp Thìn (824), Đô hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ở phía bắc thành có dòng nước chảy ngược nên sai bói chọn đất để đời phủ trị. Con sông có dòng nước ngược trên chính là sông Tô Lịch. Thành này còn có các tên gọi là thành Giao Châu hay thành Giao Chi và theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán thì đây chính là phủ thành đô hộ. Trong một số bộ sử phân biệt tòa thành do Trương Bá Nghi đắp là thành cũ, còn thành này là thành hiện tại (kim thành).

Về vị trí của tòa thành này, Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán xác định: phía Bắc thành là sông Tô Lịch; phía Đông thành ở gần sông Hồng. Như thế, thành này nằm dịch hẳn về phía Đông.

Như vậy, cho đến khoảng giữa thế kỷ IX tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay có tới ba tòa thành cùng đồng thời tồn tại. Đó là Tử Thành đắp từ thời Khâu Hòa (621), La Thành đắp từ thời Trương Bá Nghi (767) và Giao Châu thành đắp từ thời Lý Nguyên Hỷ (825). Tử Thành không thấy có tên gọi nào khác. La Thành do Trương Bá Nghi đắp các tài liệu về sau thường gọi là thành cũ sông Tô Lịch, Giao Châu thành hay Giao Chỉ thành gọi là kim thành – thành hiện tại. Các nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội nhắc nhiều đến Tử Thành của Khâu Hòa và La Thành của Trương Bá Nghi, ít nhắc đến Giao Châu hay Giao Chỉ Thành. Tuy nhiên, nhiều sử liệu đương thời xác nhận sự tồn tại của cả ba tòa thành.

Vũ Hồn đắp sửa phủ thành: Năm Quý Hợi (843)

Năm Tân Dậu (841) vua Đường xuống chiều sai Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay cho Hàn Ước. Năm Quý Hợi (843), Vũ Hồn sai tướng sĩ sửa đắp phủ thành. Do bị ép làm việc quá sức, tướng sĩ đã làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ. Vũ Hồn phải bỏ chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc phải rất cố gắng mới dẹp yên được.

Vương Thức đắp sửa La Thành: Tháng Giêng năm Mậu Dần (858)

Tháng Giêng năm Mậu Dần, vua Đường xuống chiếu phong Vương Thức làm Giao Châu Kinh lược đô hộ sứ. Vương Thức đến phủ thành Tống Bình nhậm chức liền cho người trồng cây táo gai làm hàng rào, bên ngoài đào hào sâu để thoát nước trong thành, bên ngoài hào trồng tre gai.

Quân Nam Chiếu cướp phủ thành: Tháng 5 năm Mậu Dần (858)

Người tiền nhiệm của Vương Thức là Đô hộ Lý Trác rất tham lam tàn bạo, nhất là đối với các dân tộc miền núi. Quá bất bình, một số người đã dẫn đường cho quân Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới. Tháng 5 năm Mậu Dần (858), quân Nam Chiếu đến cướp nhưng đã bị Đô hộ Vương Thức đánh lui.

Dân Giao Châu nổi dậy, bao vây phủ thành: Tháng 7 năm Mậu Dần (858)

Thời điểm này, theo sử chép, có nhiều cuộc nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ Trung Hoa. Những người nổi dậy đang đếm kéo đến bao vây phủ thành Tống Bình, đánh trống reo hò, đòi đuổi Đô hộ Vương Thức về nước. Vương Thức dùng mưu, bắt và giết hết những người nổi dậy.

Quân Nam Chiếu chiếm phủ thành lần thứ nhất: Tháng 12 năm Canh Thìn (860)

Tháng 12 năm Canh Thìn (cuối năm 860 đầu năm 861) quân Nam Chiếu do người Man dẫn đường với lực lượng hơn ba vạn người đã bất ngờ tấn công đánh chiếm phủ thành. Đô hộ Lý Hộ phải chạy về Vũ Châu. Sau Lý Hộ tập hợp lực lượng người địa phương lấy lại được phủ thành. Vua Đường cách chức Lý Hộ, phái Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam đô hộ phủ.

Quân Nam Chiếu bao vây phủ thành: Tháng 2 năm Nhâm Ngọ (862)

Tháng 2 năm Nhâm Ngọ (862) quân Nam Chiếu vào cướp phá, nhà Đường tập trung binh lực đánh lui được. Tháng 10, năm vạn quân Nam Chiếu lại vào cướp, vượt qua biên giới tiến sâu vào nội địa, tiến xuống bao vây phủ thành. Quân nhà Đường do Đô hộ Sài Tập chỉ huy chỉ có thể cố thủ xung quanh thành.

Quân Nam Chiếu chiếm phủ thành lần thứ hai: Tháng Giêng năm Quý Mùi (863)

Đầu năm Quý Mùi (863) quân Nam chiếu lại đánh chiếm phủ thành. Quan quân nhà Đường chống cự không nổi, nhiều tướng lĩnh và binh sĩ bị giết. Kinh lược sứ An Nam đô hộ phủ Sái Tập thế cùng phải tự tử. Quân Nam Chiếu chiếm đóng phủ thành, giết người bừa bãi.

Theo sử chép, cả hai lần Nam Chiếu chiếm Giao Châu, vừa bắt vừa giết 15 vạn người, khi về để lại hai vạn quân, sai Dương Tử Tấn giữ thành Giao Châu (tức La Thành).

Cao Biền đánh đuổi quân Nam Chiếu: Năm Bính Tuất (866)

Nhà Đường tập trung binh lực đánh lấy phủ thành Tống Bình, giao cho Kiêu vệ tướng quân Cao Biền làm Đô hộ tổng quản Kinh lược chiêu thảo sứ. Cao Biền đánh thắng nhiều trận, buộc quân Nam Chiếu phải rút về cố thủ trong phủ thành. Tháng 10, Cao Biền tập trung binh lực bao vây phủ thành hơn mười ngày. Quân Nam Chiếu trở nên khốn quẫn. Cao Biền đánh chiếm lại được phủ thành, chém hơn ba vạn người.

Cao Biền đắp thành La Thành (tức Đại La Thành): Năm Bính Tuất (866)

Tháng 11 năm Bính Tuất (866), sau khi đánh đuổi quân Nam Chiếu, Cao Biền được vua Đường cử làm Tiết độ sứ cai quản Giao Châu, đã tổ chức đắp lại La Thành. Theo ghi chép của sử sách, La Thành do Cao Biền đắp có chu vi 1.982 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 5 thước, xung quanh mở 5 cửa, đặt 55 vọng gác, có 3 hào nước, có 34 tuyến đường bộ ngang dọc, ngoài có đê bao quanh dài 2.125 trường 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 2 trượng, làm nhà cửa hơn 40 vạn (?) gian nhà.

Như vậy, La Thành do Cao Biền đắp có quy mô lớn nhất từ trước cho tới bấy giờ trên miền đất Hà Nội cổ. Tòa thành này được dùng làm tổng hành dinh của chính quyền đô hộ cho đến hết thời Bắc thuộc và được các chính quyền tự chủ của người Việt tiếp tục sử dụng làm thủ phủ trong những năm đầu thế kỷ X./.