Phân tích danh giả quy định của BLTTHS năm 2015 về giới hạn xét xử sơ thẩm

          Giới hạn của việc xét xử không phải là lần đầu tiên được đề cập đến trong BLTTHS năm 2015 mà đã được các BLTTHS trước đây quy định rất cụ thể. Theo điều 196 BLTTHS năm 2003 quy định "Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố". Điều đó có nghĩa là Tòa án không được xét xử những người và những hành vi không bị Viện kiểm sát truy tố; không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.            Quy định như trên đã dẫn đến một số khó khăn cho việc xét xử của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát truy tố tội danh nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của bị cáo nhưng Hội đồng xét xử cũng không được quyền tuyên bị cáo phạm tội danh nặng hơn so với tội danh mà cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố. Trên thực tế cũng đã có nhiều trường hợp Tòa án thấy cần truy tố thêm người, thêm tội hoặc xét xử theo tội danh khác nặng hơn đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát tự mình bổ sung hoặc trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra bổ sung, thay đổi cáo trạng. Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát không nhất trí với đề nghị của Tòa án thì Tòa án vẫn phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, dẫn đến nhiều bản án sơ thẩm bị hủy.           Để khắc phục bất cập nêu trên, điều 298 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng giới hạn xét xử cho Tòa án, cụ thể: 

          1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.


         2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
          3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
          Có thể thấy, giới hạn xét xử của Tòa án theo khoản 1 và khoản 2 điều 298 BLTTHS năm 2015 về cơ bản vẫn giữ nguyên như điều 196 BLTTHS năm 2003, chỉ khác ở chỗ khoản 1 điều 298 BLTTHS năm 2015 đã sửa “Tòa án chỉ xét xử …” trong quy định của BLTTHS năm 2003 thành “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Mục đích của việc bỏ từ "chỉ" này là để mở rộng hơn giới hạn xét xử cho Tòa án trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều 298 BLTTHS năm 2015 "Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
          Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn về giới hạn xét xử của Tòa án, có nghĩa là Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố nhưng với điều kiện Tòa án phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Trong trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo đúng quy định của BLTTHS.       
         Việc BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn là cần thiết và quan trọng, không chỉ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2003 mà còn bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được Hiến pháp ghi nhận.

Một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về giới hạn xét xử và hướng hoàn thiện

Tác giả: NCS. Hoàng Ngọc Anh Giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm,Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 27 tháng 11 năm 2015 với nhiều quy định mới được bổ sung, hoàn thiện, là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được thống nhất, đạt hiệu quả cao. Trong BLTTHS năm 2015, quy định về Giới hạn xét xử – một chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng mở rộng hơn phạm vi xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, giới hạn xét xử ở các cấp xét xử khác nhau được quy định khác nhau và với những tên gọi khác nhau, cụ thể là: Giới hạn xét xử của cấp sơ thẩm được quy định tại Điều 298 (Giới hạn của việc xét xử); giới hạn xét xử của cấp phúc thẩm được quy định tại Điều 345 (Phạm vi xét xử phúc thẩm); giới hạn xét xử của cấp giám đốc thẩm được quy định tại Điều 387 (Phạm vi xét xử giám đốc thẩm). Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định về giới hạn xét xử ở cấp sơ thẩm được quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015, làm rõ những điểm mới của quy định này so với quy định của Điều 196 BLTTHS năm 2003 trước đây, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định về giới hạn xét xử hiện nay và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật.

1. Một số điểm mới về giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Trước khi BLTTHS năm 2015 được ban hành, Điều 196 BLTTHS năm 2003 đã quy định về giới hạn xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm như sau:

1. Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”

Với quy định này cho thấy, giới hạn xét xử của cấp sơ thẩm được xác định là Tòa án chỉ xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và chỉ được phép xét xử tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố. Thực tiễn áp dụng quy định này đã nảy sinh vướng mắc, bất cập trong việc xét xử của Tòa án đối với trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội danh nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của bị cáo nhưng Hội đồng xét xử cũng không được quyền tuyên bị cáo phạm tội nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Hoặc trường hợp Tòa án thấy việc truy tố còn bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, cần xét xử thêm người phạm tội hoặc xét xử bị cáo thêm tội khác hoặc theo tội danh khác nặng hơn nhưng do Viện kiểm sát không thay đổi quan điểm truy tố nên Hội đồng xét xử phải xét xử và chỉ được tuyên án đối với những bị cáo, theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, dẫn đến nhiều bản án sơ thẩm bị hủy…

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc nêu trên, Điều 298 BLTTHS năm 2015 đã quy định về giới hạn của việc xét xử như sau:

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

So với Điều 196 BLTTHS năm 2003 thì Điều 298 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung Khoản 3. Quy định mới này đã mở rộng phạm vi xét xử của cấp sơ thẩm, cho phép Tòa án được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố với điều kiện: khi Tòa án thấy cần truy tố thêm người, thêm tội hoặc xét xử theo tội danh khác nặng hơn thì có quyền trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa. Nếu Viện kiểm sát không nhất trí với đề nghị của Tòa án thì Tòa án vẫn có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Việc BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định Tòa án cấp sơ thẩm có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn là cần thiết và quan trọng, không chỉ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2003 mà còn bảo đảm nguyên tắc độc lập khi xét xử của Tòa án và quan trọng hơn là đảm bảo việc xét xử đúng tội, đúng bản chất của vụ án.

2. Một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Mặc dù có nhiều điểm mới tiến bộ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập so với quy định của Điều 196 BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, chưa có sự rõ ràng, thống nhất trong nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 298 BLTTHS năm 2015

Tại khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử” và trong thực tiễn, việc hiểu và áp dụng quy định này còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định này phải được hiểu theo hướng là một quy định mang tính chất “đóng”, có nghĩa là, Tòa án vẫn chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiếm sát truy tố. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai lại cho rằng, nội dung khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 được sửa đổi cơ bản so với quy định tại khoản 1 Điều 196 BLTTHS năm 2003. Theo đó, các nhà làm luật đã bỏ từ “chỉ” trong cụm từ: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo …” tại quy định của khoản 1 Điều 196 BLTTHS năm 2003 để quy định thành: “Tòa án xét xử những bị cáo…” tại khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015. Vì vậy, theo quan điểm này, việc xác định giới hạn xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định này có tính linh hoạt.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 298 BLTTHS năm 2015 thì thấy, các nhà làm luật đã sử dụng cụm từ “có thể” trong nội dung quy định “Toà án có thể xét xử…”. Như vậy, nội dung quy định tại khoản 2 mang tính tùy nghi, tạo cơ chế linh hoạt cho Tòa án quyền chủ động xác định phạm vi của việc xét xử. Chính việc quy định không rõ ràng trong khoản 1 và không thống nhất trong cách quy định giữa khoản 1 và khoản 2 của Điều luật này đã tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau về thẩm quyền của Tòa án trong việc xác định giới hạn xét xử. Đây là điểm hạn chế trong kỹ thuật lập pháp của Điều luật này, cần được điều chỉnh, khắc phục.

Thứ hai, vướng mắc trong trường hợp Tòa án có quan điểm xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn nhưng không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp mình

Khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định:

“Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Như trên đã phân tích, quy định này đã cho phép Tòa án được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố khi có căn cứ xác định bị cáo đã phạm tội nặng hơn nhằm bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập và xét xử đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này đã nảy sinh một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể là, vướng mắc trong việc đảm bảo thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Có thể thấy rõ điều này qua tình huống cụ thể sau đây:

Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B thụ lý, giải quyết vụ án hình sự có 02 bị cáo D và C. Trong đó, bị cáo D bị truy tố về tội “Cướp tài sản” theo điểm c khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự (vì quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản bị cáo D đã gây thương tích cho bị hại H, làm bị hại bị tổn thương cơ thể với tỉ lệ là 27% sức khỏe). Bị cáo C bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Che giấu tội phạm” theo điểm c khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị xét xử, Tòa án nhận thấy có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo C và D có dấu hiệu đồng phạm về tội “Giết người” (trong đó bị cáo C có vai trò đồng phạm giúp sức). Vì vậy, Tòa án quyết định trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B để thay đổi cáo trạng truy tố đối với C và D về tội “Giết người” và giải quyết vụ án theo thẩm quyền nhưng Viện kiểm sát huyện A không nhất trí với quan điểm của Tòa án nên đã ra văn bản giữ nguyên quan điểm truy tố và yêu cầu Tòa án huyện A đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án huyện A không thể áp dụng khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 để xét xử 02 bị cáo C và D về tội “Giết người”, vì như thế sẽ vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện được quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS năm 2015[1]. Nhưng Tòa án huyện A cũng không thể tự mình chuyển vụ án lên Tòa án tỉnh B để xét xử hai bị cáo C và D về tội “Giết người” theo đúng thẩm quyền được. Vì, do không nhất trí với quan điểm phải thay đổi tội danh nặng hơn nên Viện kiểm sát huyện A sẽ không ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B để giải quyết vụ án theo thẩm quyền. Mặc dù, theo quy định tại Điều 274 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử thì “Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của BLTTHS. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”[2]. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 275 của BLTTHS thì việc giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử chỉ thực hiện trong các trường hợp sau: (1) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các Tòa án quân sự khu vực trong cùng một quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định; (2) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Tòa án quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau; (3) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, giữa các Tòa án quân sự cấp quân khu; (4) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định[3]. Do đó, không có quy định về việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh trong cùng địa bàn cấp tỉnh. Chính vì vậy, trong những trường hợp tương tự như tình huống nêu trên, đa số các Tòa án cấp huyện đều chấp nhận xét xử bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Sau khi Bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật thì ra văn bản kiến nghị lên Tòa án cấp tỉnh theo hướng đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này để vụ án được giải quyết đúng thẩm quyền và đúng tội, phù hợp với tính chất của vụ án. Như vậy, vô hình chung vụ án đã phải trải qua rất nhiều thủ tục và bị kéo dài thời gian giải quyết một cách không cần thiết. Bất cập nêu trên là cản trở rất lớn trong thực tiễn xét xử khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS, do đó cần được sớm khắc phục.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để quy định về giới hạn xét xử tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 phù hợp với các nguyên tắc tiến bộ và nhân đạo của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn xét xử, một yêu cầu tất yếu đặt ra là cần khắc phục những hạn chế, bất cập như đã nêu trên. Tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015, nhà làm luật cần bổ sung cụm từ “có thể” vào quy định tại khoản 1 Điều 298 BLTTHS, theo đó, nội dung khoản 1 Điều 298 được sửa đổi như sau:

“Tòa án có thể xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”.

Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo tính chủ động, độc lập của Tòa án trong việc xét xử đúng người, đúng tội và đảm bảo sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp khi so sánh với quy định tại các khoản khác trong cùng một điều luật.

Hai là, mặc dù tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định khi Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại (theo hướng áp dụng tội nặng hơn) thì phải “thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết” để bảo đảm cho bị cáo hoặc người bào chữa, người đại diện của bị cáo có thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng cứ, lý lẽ thực hiện quyền bào chữa của bị cáo trước Tòa. Đồng thời, trong trường hợp Tòa án cấp tỉnh là Tòa án xét xử sơ thẩm quyết định xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn có hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình thì cần phải đảm bảo đúng thành phần Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 254 BLTTHS năm 2015. Do đó, để quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 được rõ ràng, cụ thể hơn, hạn chế vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong xét xử, tác giả đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy định này theo hướng sau:

“Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết để thực hiện quyền bào chữa của bị cáo theo quy định của Bộ luật này; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó và phải đảm bảo thành phần Hội đồng xét xử theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 254 của Bộ luật nàytrường hợp Tòa án cấp huyện xét thấy tội danh cần xét xử vượt quá thẩm quyền xét xử của cấp mình thì báo cáo Tòa án cấp trên trực tiếp để chuyển vụ án giải quyết theo thẩm quyền”.

Ba là, khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015, nhà làm luật cũng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định khác có liên quan của BLTTHS năm 2015, ví dụ như quy định Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung theo Điều 280 và điểm c khoản 6 Điều 326 BLTTHS để bảo đảm tính nhất quán trong tư duy lập pháp và kỹ thuật lập pháp.

Bốn là, cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cũng như năng lực, phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán…, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng xét xử theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp.

Việc hoàn thiện quy định về giới hạn xét xử tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 theo hướng nêu trên giúp khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định này, đảm bảo đúng nguyên tắc độc lập khi xét xử của Tòa án và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự như: nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, nguyên tắc suy đoán vô tội,… để quá trình giải quyết vụ án hình sự đạt được mục đích chung là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2015.
  2. Tòa án nhân dân tối cao (2017), Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC “Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ”.
  3. Nguyễn Văn Thuân (2016), Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí Kiểm sát, số 7/2016, trang 12 – 17.
  4. Nguyễn Thái Phúc (2003), Vấn đề Giới hạn xét xử trong tố tụng hình sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2003, trang 9 – 16.
  5. Trần Văn Hùng (2018), Giới hạn xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, //tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/gioi-han-xet-xu-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015.

[1] Xem khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[2] Xem Điều 274 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[3] Xem Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Video liên quan

Chủ đề