Quản lý Nhà nước về tiền lương và thu nhập

Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Tiền lương là gì? Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước? Hình thức trả lương của doanh nghiệp Nhà nước?

Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? Hình thức trả lương ra sao? Để trả lời tất cả các câu hỏi trên đây mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động 2019

– Luật Doanh nghiệp 2020

– Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Doanh nghiệp Nhà nước là gì?

– ” Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”  theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020.

– Từ khái niệm này, có thể thấy doanh nghiệp Nhà nước có những đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (vốn Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp)

+ Doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm công ty Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Xem thêm: Quy định về tiền lương của cán bộ công chức, viên chức

+ Doanh nghiệp Nhà nước có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó về mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (chế độ trách nhiệm hữu hạn)

+ Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, lấy thu bù chi và phải đảm bảo lãi để tồn tại và phát triển

– Khái niệm về doanh nghiệp Nhà nước theo cách hiểu trong Luật Doanh nghiệp 2020 không bị giới hạn bởi việc quản lý của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu duy nhất. Doanh nghiệp Nhà nước cũng không đương nhiên mang thuộc tính phải thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội do Nhà nước giao. Quan điểm về doanh nghiệp Nhà nước như vậy cho phép mở rộng đến mức tối đa có thể có của doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, mà còn có các doanh nghiệp ở đó Nhà nước chỉ nắm giữ một phần vốn, có hình thức quản lý công ty.

2. Tiền lương là gì?

– Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. (Điều 90 Bộ luật Lao động 2019)

– Tiền lương của người lao động do hai bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả lương theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Tuy nhiên mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

+ Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội;Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

– Người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

3. Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước?

– Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hay 50% vốn Nhà nước thì về mặt bản chất đơn vị vẫn là doanh nghiệp nên tiền lương của người lao động sẽ do sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua hợp đồng.

Xem thêm: Quy định về tiền lương tăng thêm đối với người có hệ số lương dưới 2.34

– Tuy nhiên Tại Điều 4 Nghị định 52/2016/NĐ-CP có quy định về tiền lương đối với người quản lý công ty, người quản lý công ty không chuyên trách của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% cổ phần như sau:

“1. Tiền lương đối với người quản lý công ty chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, có khống chế mức hưởng tối đa và bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động trong công ty.

2. Thù lao đối với người quản lý công ty không chuyên trách tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì Khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.

3. Quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động, do công ty xây dựng và trình chủ sở hữu phê duyệt. Hàng tháng, người quản lý công ty được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.

4.Tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.

5. Tiền thưởng của người quản lý công ty được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

6. Đối với trường hợp Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc, Giám đốc thì chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.

7. Tiền lương, tiền thưởng, thù lao của Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên xác định theo quy định tại Nghị định này, sau khi trừ khoản phải nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản khác theo quy định của pháp luật để trích nộp cho cơ quan bảo hiểm, công ty nộp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để hình thành quỹ chung và chi trả cho Kiểm soát viên theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước thì nộp cho Bộ Tài chính để đánh giá, chi trả.

Xem thêm: Trách nhiệm bồi thường vật chất trong quan hệ lao động mới nhất

4. Hình thức trả lương của doanh nghiệp Nhà nước:

– Người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng), theo sản phẩm, theo khoán. Dựa vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương nhưng phải duy trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định và phải thông báo cho người lao động biết. 

+ Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể: + Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc. + Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần. + Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. + Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động. + Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao. + Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

– Tiền lương của người lao động theo các hình thức trả lương nêu trên được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.

Nghị định của Chính phủ số 206/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi áp dụng các quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập tại Nghị định này, bao gồm:

1. Công ty nhà nước:

- Tổng công ty nhà nước;

- Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

Điều 2. Đối tượng áp dụng, bao gồm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (không kể Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).

Điều 3. Quản lý lao động

1. Căn cứ vào khối lượng, chất lượng, yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, hàng năm công ty xác định kế hoạch sử dụng lao động và đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện;

2. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng lao động đã đăng ký, công ty trực tiếp tuyển dụng theo quy chế tuyển dụng lao động của công ty và ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động;

3. Hàng năm công ty có trách nhiệm đánh giá kế hoạch sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với lao động không có việc làm theo quy định của pháp luật lao động.

Điều 4. Công ty được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương. Khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm này công ty phải bảo đảm đủ các điều kiện:

1. Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

2. Mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân;

3. Lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Điều 5. Việc xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương của các công ty phải bảo đảm các quy định sau đây:

1. Đơn giá tiền lương được xây dựng trên cơ sở định mức lao động tiên tiến và thông số tiền lương phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này.

2. Đơn giá tiền lương phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.

Đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân thì đơn giá tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện và trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương của công ty.

Điều 6. Chế độ tiền thưởng

1. Quỹ thưởng từ quỹ khen thưởng của công ty được xác định theo quy định tại Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;

2. Tiền thưởng đối với người lao động được thực hiện theo quy chế thưởng của công ty.

Điều 7. Tổng giám đốc, Giám đốc công ty có trách nhiệm:

1. Quý I hàng năm, xây dựng kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương và đăng ký với đại diện chủ sở hữu. Đồng thời gửi cho cơ quan thuế tại địa phương đơn giá tiền lương để làm căn cứ tính thuế;

2. Xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng của công ty;

3. Xây dựng định mức lao động; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; quy chế nâng ngạch, nâng bậc lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công bằng, minh bạch, khuyến khích những người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có năng suất lao động cao đóng góp nhiều cho công ty;

4. Củng cố tổ chức bộ máy và tăng cường đủ số lượng, chất lượng viên chức làm công tác lao động, tiền lương của công ty theo quy định của đại diện chủ sở hữu;

5. Quý I hàng năm, báo cáo đại diện chủ sở hữu và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty.

Điều 8. Đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm:

1. Hội đồng quản trị công ty:

a) Thông qua kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; định mức lao động; đơn giá tiền lương; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; quy chế nâng ngạch, nâng bậc lương, quỹ tiền lương, tiền thưởng và quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty;

b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị định này;

c) Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về đơn giá tiền lương đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân;

d) Quyết định tổ chức bộ máy, biên chế viên chức làm công tác lao động, tiền lương của công ty;

đ) Quý I hàng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty.

2. Các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tiếp nhận đăng ký kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng và báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty thuộc quyền quản lý;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị định này;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thẩm định đơn giá tiền lương đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân;

d) Quý I hàng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của các công ty thuộc quyền quản lý.

Điều 9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; năng suất lao động; tiền lương bình quân; đơn giá tiền lương và quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định đơn giá tiền lương đối với các công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Điều 10. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 28/CP ngày 28 tháng 3 năm 1997 và Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương và thu nhập trong các doanh nghiệp nhà nước.

Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Điều 11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ
Thủ tướng     

PHAN VĂN KHẢI