Rinpoche là ai

Đức Sogyal Rinpoche

Một bậc thầy giảng dạy Phật Pháp nổi tiếng toàn thế giới đến từ xứ sở Tây Tạng, cũng chính là tác giả của cuốn sách The Tibetan Book of Living and Dying. (Cuốn sách Tây Tạng về Sự Sống và Cái Chết), một tác phẩm được đánh giá rất cao.

Đức Sogyal Rinpoche sinh ra tại tỉnh Kham thuộc miền Đông Tây Tạng, Đức Sogyal Rinpoche đã được xác nhận là hóa thân của một bậc Đạo sư vĩ đại, cũng là một Thành Tựu Giả có tầm nhìn rộng lớn của thế kỷ 19, Tertön Sogyal Lerab Lingpa (1856-1926), cũng chính là thầy dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13. Ngài đã thọ nhận sự rèn luyện, giáo dưỡng từ một vị Lama Tây Tạng, dưới sự giám sát chặt chẽ của Đức Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö, một trong những vị Thầy tâm linh xuất sắc của thế kỉ 20, và chính Ngài đã nuôi dạy Đức Sogyal Rinpoche như con trai ruột của mình.

Ngài tiếp tục tu học cùng nhiều vị Đạo sư vĩ đại khác đến từ các tu viện Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là Đức Kyabje Dudjom Rinpoche và Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche. Năm 1971, Rinpoche đã tới Anh Quốc nghiên cứu Tôn Giáo Học So Sánh (Comparative Religion) tại trường Đại học Cambridge.

Trước khi trực tiếp giảng dạy Phật pháp, Ngài là phiên dịch kiêm thị giả cho các vị Thầy tôn kính của mình. Sau đó, Rinpoche đã di chuyển tới nhiều quốc gia để quan sát, tìm hiểu đời sống thực tế của mọi người, từ đó tìm ra lối dịch phù hợp về giáo lý Phật giáo Tây Tạng để làm sao đưa ra một thông điệp nhất quán, tín tâm và gần gũi, phù hợp với mọi chúng sinh ở cuộc sống hiện đại, mà không làm mất đi tính xác thực, sự trong sáng và sức mạnh Giáo Pháp của Đức Phật.

Nét độc đáo bẩm sinh trong phong cách giảng dạy, cũng như khả năng đưa giáo lý Phật Pháp đến gần gũi với đời sống hiện đại của Ngài đều được minh chứng sống động trong cuốn sách mang tính đột phá “The Tibetan Book of Living and Dying” (Cuốn sách Tây Tạng về Sự Sống và Cái Chết). Hơn ba triệu phiên bản được ấn tống bằng 34 thứ tiếng khác nhau (ND - trong đó có tiếng Việt với tựa đề “ Tạng Thư Sinh Tử” – Thích nữ Trí Hải ) và hiện đã có mặt tại 80 quốc gia.

Đức Sogyal Rinpoche chính là người sáng lập, cũng là vị Thầy dẫn dắt tâm linh của Trung tâm Rigpa, một mạng lưới kết nối toàn cầu hơn 130 trung tâm và các nhóm tu Phật giáo đến từ 30 quốc gia trên toàn thế giới. Đến giờ, Ngài đã giảng dạy được hơn 40 năm và vẫn tiếp tục đi đến các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, Châu Úc và châu Á với sứ mệnh lợi lạc cho hữu tình chúng sinh.

Nguồn : http://www.rigpa.org/index.php/en/about-sogyal-rinpoche.html

Việt dịch : Nhóm Rigpa Lotsawas

Hiệu đính : Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Sogyal Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt sớm liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này Ngài sớm quang lâm đến Việt nam.

Đức Samdhong Rinpoche sinh trưởng tại vùng Jol thuộc miền Đông Tây Tạng vào năm 1939. Khi lên 5 tuổi, Đức Samdhong Rinpoche được công nhận bởi các bậc Đạo sư siêu phàm trong vùng là Hóa thân của Đức Samdhong Rinpoche đời thứ 4, và buổi lễ đăng quang chính thức đã được tổ chức tại Tu viện Jol Gadhan Dhechenling. Sau 2 năm, Đức Samdhong Rinpoche đã thọ giới nguyện tu sĩ và bắt đầu vào nghiên cứu tu học, học các môn học cơ bản như ngữ pháp ... và nghiên cứu thực hành tâm linh theo Lộ trình Lamrim (Đạo lộ giác ngộ) và các bản văn khác, dưới sự dẫn dắt của vị Thầy vĩ đại, Đức Ngawang Jinpa Rinpoche tôn kính và 6 vị Thầy khác. Sau cuộc đổ bộ của người Trung Quốc vào Tây Tạng, cùng với Đức Pháp Vương Dalai Lama thứ 14, Tenzin Gyatso. Đức Samdhong Rinpoche bị buộc phải lưu vong và là tị nạn ở Dharamsala - Ấn Độ.

Rinpoche là ai
Đức Dalai Lama 14th và Đức Samdhong Rinpoche

Cũng vào mùa đông năm 1959, năm đó Đức Samdhong Rinpoche 20 tuổi và Ngài đã thọ nhận toàn bộ giới nguyện Tỳ kheo (Bhiksu) tại Bồ Đề Đạo Tràng từ Đức Pháp Vương Dalai Lama 14 đang là Tu viện trưởng;  Vị Thầy dạy riêng - Nhiếp  Chính Vương Kyabjey Ling Dorjechang là thầy dạy về các thủ tục trong nghi lễ; Đức Tsenshab Serkong Dorjechang là người hỏi bí mật; cùng sự hiện diện của Nhiếp Chính Vương - Thầy Kyabjey Trijang Dorjechang, đại diện cho hội chúng Tăng già.

Rinpoche là ai

Đức Karmapa 17th và Đức Samdhong Rinpoche

Năm 1960, Đức Samdhong Rinpoche đã được chính Đức Pháp Vương Dalai Lama 14 khuyên phụng sự cho Ban quản lý Tây Tạng ở Dharamshala - Ấn Độ, nơi Đức Samdhong Rinpoche đã thọ nhận các giáo lý từ các Nhiếp Chính vương hai vị Thầy dạy riêng và Đức Tehor Kyorpon Rinpoche.

Nguồn: http://samdhongrinpoche.com/en/an-brief-biography-of-prof-samdhong-rinpoche/

Việt ngữ: Tara Devi (Nhóm Viet Rigpa Lotsawas)
Hiệu đính: Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Samdhong Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này mọi Ngài hạnh nguyện của Ngài đều Viên Thành.

Rinpoche là ai

Đây là điều đặc biệt vì nhà sư là người đầu tiên rời Hoa Kỳ qua Ấn Độ xuống tóc trong một tu viện Tây Tạng vào dịp Tết Kỷ Mão 1999, khi mới 12 tuổi. Đặc biệt hơn nữa, đây là người Việt Nam đầu tiên được truyền thừa trong lịch sử hơn ngàn năm của Phật giáo Tây Tạng.

Kusho Tenzin Drodon sinh tại Quận Cam, ở miền Nam California trong một gia đình khá giả, lên tám tuổi, cậu bé họ Phạm đã muốn trở thành một Geshe Tây Tạng.

Mà Geshe là gì?

Geshe là học vị trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, tương đương với bằng Tiến sĩ về Phật học của Tây phương. Bình thường ra thì phải mất hai chục năm mới xong và nhiều người không xong nổi. Thế giới hiện chỉ có chừng 200 vị Geshe thôi.

Muốn được thành một Geshe thì phải thấm nhuần năm ngành học là Bát nhã ba la mật (Prajnaparamita), Trung quán luận (Madhyamika), Giới luật (Vinaya), A tỳ đạt ma luận (Abidharma) và Lý luận căn bản (Pramana Vidya). Thấm nhuần ở đây là phải nhập tâm, bằng Tạng ngữ, trong vài chục năm tu tập gian nan, hầu có thể ứng đối tranh luận trong mọi tình huống về mọi chủ đề trong các cuộc khảo hạch thường xuyên và từ đó đi hoằng pháp cho nhân thế. Đã vậy, từ thấp lên cao, học vị Geshe còn có bốn cấp là Dorampa, Lingtse, Tsorampa và cao nhất là Lharampa và trung bình thì phải sáu năm mới lên tới cấp tối ưu.

Thánh tăng Tây Tạng ngày nay, Kyabje Lati Rinpoche, được Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu hướng dẫn chú bé gốc Việt họ Phạm

Vị cao tăng Tây Tạng đã hướng dẫn chú bé họ Phạm là một Lharampa Geshe, một hóa thân của danh tăng Gongkar Rinpoche.

Ngài được tôn là châu báu trong hàng Thánh tăng Tây Tạng ngày nay, pháp danh là Kyabje Lati Rinpoche, hiện là cố vấn về Lý luận (Tsen-shabs) của đức Đạt Lai Lạt Ma. Môn sinh của Tulku Lati Rinpoche thường chỉ là những nhà sư được xác nhận là báo thân của một cao tăng, một vị đạo sư, một guru từ kiếp trước nguyện tái sinh để tiếp tục hạnh nguyện.

Và đức Đạt Lai Lạt Ma là người trực tiếp yêu cầu Tulku Lati Rinpoche dìu dắt chú bé.

Vì sao một chú bé sinh trong một gia đình Việt Nam tại Hoa Kỳ lại được nhận vào tu viện Tây Tạng, rồi được chính đức Đạt Lai Lạt Ma trao phó cho một vị cao tăng hàng đầu của Ngài việc hướng dẫn tu học đó?

Có lẽ phải đi từng bước để nhìn ra con đường học đạo của vị tăng người Việt này.

Với người Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đại từ Đại bi Bồ tát Quán Thế Âm. Việt Nam ta quen gọi vị Bồ tát ấy là Phật Quan Âm, vì vậy, nhiều người cũng gọi Ngài là Phật Sống Tây Tạng. Người Tây Tạng tôn Ngài là "Kundun" với ý nghĩa ấy.

Trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, một Lạt Ma được coi là hiện thân của Phật, và Bồ tát nguyện tái sinh để cứu độ chúng sinh. Bậc hóa thân ấy được tôn là Tulku ("Chu cô" theo cách phiên âm Hán-Việt). Danh hiệu Lạt Ma chỉ được dành cho những người giảng dạy giáo pháp và có thẩm quyền thực hành nghi lễ của Phật giáo. Trong số những người được chứng nhận là Lạt Ma, những vị uyên thâm và cao quý nhất thì được tôn là Rinpoche (nghĩa là "vô cùng quý báu"). Trong hàng giáo phẩm và triều đình Tây Tạng, người ta thấy nhiều cao tăng được tôn vinh là Rinpoche.

Bây giờ, chúng ta có đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 - một vị Phật Sống - ủy thác cho một Tulku Rinpoche việc dẫn đạo cho một nhà sư trẻ của Việt Nam... 

Nhà sư này phải có gì đặc biệt mà có lẽ người thường như chúng ta chưa thấy hết được. Từ ngày đó đến nay, việc tu học của nhà sư này đã có sự tăng tiến. 

Một người Mỹ xuất gia sang Ấn Độ tu Phật giáo đã là hiếm, nhưng vẫn có. Một người sinh tại Mỹ - thuộc thế hệ thứ nhì vì cha mẹ là người Việt tỵ nạn - thì lại hiếm hơn. Đây lại là người Mỹ đầu tiên được nhận vào tu viện Tây Tạng Gaden Shartse, trong tỉnh Mundgod của tiểu bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ để được tu học thành Sa di. 

Rinpoche là ai

Tên Mỹ-Việt Donald Phạm đổi thành Konchog Osel. Người thân thì gọi là Kusho. Konchog có nghĩa là hiếm quý, Osel là tịnh quang, ánh sáng trong lành, và Kusho là một cao tăng. 

Thế rồi, sau khi khảo hạch thì chính Tulku Lati Rinpoche đã thỉnh đức Đạt Lai Lạt Ma làm lễ thọ giới Cụ túc cho chú tiểu sa môn. Có mặt trong buổi lễ cử hành vào đúng ngày Phật Đản còn có bốn vị Rinpoche khác. Chú được ban pháp danh là Tenzin Drodon, nghĩa là "Người nắm giữ Phật pháp" (Tenzin) "cứu độ chúng sinh" (Drodon). Drodon là một pháp danh ít có trong hệ thống Tăng già Tây Tạng.

Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng có một nhà sư dung mạo sáng rỡ, nói sành sõi tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Tạng với phương ngữ quý phái của Kinh đô Lhasa, ở bên kia đỉnh núi tuyết ngàn trùng. Vào mùa Xuân Đinh Hợi 2007, ở tuổi 21, Kusho sẽ thọ giới Tỳ kheo với đức Đạt Lai Lạt Ma, một điều kỳ lạ nữa. Trong lịch sử Tây Tạng, đây là người Việt đầu tiên được chính đức Đạt Lai Lạt Ma truyền thừa và truyền giới. 

Năm chú lên bốn, bà mẹ đọc báo thấy có tin là vị Đạo sư Lati Rinpoche sẽ đến thuyết pháp ở Los Angeles. Quá mừng khi được cơ hội gặp vị cao tăng mà mình đã đọc lời giảng trong sách từ khi còn mang thai chú bé, bà dẫn chú đi nghe và năm đó Donald đã quy y với Tulku Lati Rinpoche! 

Gần bốn năm trôi qua, rồi vào dịp Tết Kỷ Mão 1999, cả gia đình Donald Phạm đã theo Hoà thượng Geshe La qua Ấn Độ. Chú sẽ ở lại nơi đây. Tết Nguyên đán Kỷ Mão thì xuống tóc, trở thành Sa di Kusho Konchog Osel. Tu viện có 1.500 người cùng học nhưng chú được chính đức Đạt Lai Lạt Ma ân cần phó thác cho vị Viện trưởng Tulku Lati Rinpoche trực tiếp hướng dẫn. Mọi người ân cần gọi chú là Kusho-la. 

Hai năm sau, Kusho được đưa lên Dharamsala, miền cực Bắc Ấn Độ, vào học viện Lý luận Phật giáo, Institute of Buddhist Dialectics. Có 300 sinh viên, học viện này nằm gần thị trấn McLeod Ganj của Ấn. Thị trấn được gọi là "Little Lhasa", trụ sở của Chính quyền Lưu vong Tây Tạng, và học viện IBD là nơi đức Đạt Lai Lạt Ma thường giảng pháp. 

Trong học viện, tiểu Sa di Kusho là người trẻ nhất và được chú ý vì khả năng lãnh hội lẫn tranh luận. Chú còn được khen là từ tốn khiêm nhường và thường trầm lặng trước mối quan tâm của truyền thông báo chí. Nhiều người đã luận rằng Kusho có thiện nghiệp để trở thành sư, và có phúc duyên được hướng dẫn bởi những vị cao tăng để theo đuổi Phật học đến chỗ thâm sâu. 

Ngày nay, Kusho đã thành một vị sư 21 tuổi, và Xuân này sẽ thọ giới Tỳ kheo với chính đức Đạt Lai Lạt Ma, thành Shakya Bikshu Tenzin Drodon. 

Rinpoche là ai

Nếu tu học để thành sư mà không nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thì là một sự lãng phí! Phật giáo Tây Tạng rất chú ý đến việc tu dưỡng Bồ đề tâm, đến Bồ tát hạnh và coi việc giúp đỡ người khác là một bổn phận trọng yếu, một phần không thể tách rời trong đức từ bi của người Phật tử. 

Nói đến người khác, Kusho có nghĩ đến người Việt và Phật giáo Việt Nam không? 

Vị Sa môn trẻ này cám ơn mẹ cha là những Phật tử đã khuyến khích và giúp đỡ mình trên con đường học đạo. 

Chính là tấm lòng yêu thương của bà mẹ đã khiến chú cố gắng tu tập để có thể làm tròn bổn phận với Việt Nam. 

Vì vậy, sau giai đoạn tu chứng, nhà sư trẻ còn phải đi một bước rất xa là học hỏi thêm về Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. 

Phật giáo Tây Tạng theo Kim cang thừa (Varayana) của Đại thừa Mahayana, nhưng cũng áp dụng phép tu có đặc tính Mật tông và cả Bồ tát hạnh trong những giáo lý nền tảng của Phật giáo Nguyên thủy Theravada. Vì vậy, trong giáo trình đào tạo và tu học, các học viên đều phải thấm nhuần những lý giải Tiểu thừa hay Nguyên thủy. Sau này, Kusho sẽ học thêm về những đặc tính đa diện của Phật giáo Việt Nam và phải thông thạo tiếng Việt để tiếp xúc với Phật tử người Việt. 

Một con đường rất dài... Khi viết, Kusho sử dụng cả hai tay, trái và phải, để viết chữ Tây Tạng hay tiếng Anh. Khi học, có lẽ cũng phải nhớ đến tương lai là tìm đến Phật giáo Việt Nam. Vả lại, chính đức Đạt Lai Lạt Ma đã căn giặn như vậy. 

Hôm đó, sau khi được Ngài truyền giới, vị tiểu sa môn được đức Đạt Lai Lạt Ma gọi riêng ra chụp chung tấm hình. "Con giữ tấm hình này cho quê hương con, cho nước Việt Nam". Kusho treo tấm hình trong trai phòng tại học viện, như một nhắc nhở hàng ngày. 

Việc nhà sư Tenzin Drodon này sẽ chứng đắc học vị Geshe có thể chỉ là thời gian vì tâm nguyện như vậy. Nhưng, việc một người có tâm hồn và giáo dục Việt Nam được tu học thành nhà sư Tây Tạng mới là một hạnh ngộ hiếm hoi. 

Lời khuyên của Tulku Lati Rinpoche là Kusho hãy cố gắng tinh tấn tu học để trở thành một sa môn đầy đủ Bồ tát hạnh là Bi, Trí, Dũng để hoằng pháp lợi sanh cho nhân thế. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rõ hơn trong từng buổi gặp gỡ: "Đừng quên Việt Nam. Lòng từ bi và trí tuệ của con sẽ giúp ích rất nhiều cho quê hương con." 

Pháp danh Drodon quý hiếm này, có lẽ Ngài chọn cho Kusho để hướng tới trách nhiệm với Việt Nam. 

Sông Mekong xuất phát từ vùng đất Kham đã tái sinh của hai vị cao tăng Tây Tạng là Gehse La và Tulku Rinpoche. Nơi con sông này đổ ra biển chính là Việt Nam. 

Phải chăng, đức Đạt Lai Lạt Ma đã thấy vạn sự từ đầu nguồn tiền kiếp, mà chưa đến lúc nói ra?

Dù sao, với việc có một nhà sư người Mỹ gốc Việt trờ thành một Cao tăng Tây Tạng vào năm 2008, cũng đem lại nhiều niềm hãnh diện và an ủi cho non nước Tiên Rồng. Mong thay một cơ duyên mới sẽ đến!

P.V

Source : http://www.lieuquanhue.vn