Ruth bader ginsburg là ai

Cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng hôm thứ Hai 28/9/2020 tại nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi chồng bà, luật sư Martin Ginsburg, được chôn cất năm 2010. Lễ mai táng bà Ginsburg được tổ chức trong vòng riêng tư, nhưng trước đó công chúng đã có cơ hội tới nghiêng mình trước lĩnh cữu của bà đặt tại Tối Cao Pháp viện ở thủ đô Washington trong hai ngày 23-24/9, và sau đó tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Bảy 26/9. Báo chí Mỹ tường trình rằng bà Ginsburg đã ‘làm nên lịch sử lần cuối’ khi linh cữu của bà được quàn tại điện Capitol, và bà trở thành nữ quan chức Mỹ và người Do thái đầu tiên có được vinh dự mà phần lớn dành cho các vị Tổng thống, phó Tổng thống và các thành viên quốc hội.

Cờ rũ treo trên các công ốc trên khắp nước Mỹ từ hôm thứ Sáu 18/9 sau khi Thẩm phán tòa án cao nhất nước Ruth Bader Ginsburg qua đời ở tuổi 87. Mặc dù ai cũng biết bà từ lâu đã chống chọi với bệnh ung thư, nhưng cái chết của bà, biểu tượng của cuộc tranh đấu cho nữ quyền và quyền bình đẳng giới, vẫn làm nhiều người bàng hoàng.

Tiểu sử

Ruth Bader Ginsburg ra đời ngày 15/3/1933 tại Brooklyn, New York. Bà lớn lên trong một khu xóm lao động, thu nhập thấp ở Brooklyn.

Bà lập gia đình với Martin D. Ginsburg thời còn là một sinh viên. Sau khi sanh con gái đầu lòng, chồng bà nhập ngũ năm 1954. Sau hai năm phục vụ, ông giải ngũ và gia đình Ginsburg trở lại Harvard, nơi cả hai vợ chồng tiếp tục ghi danh theo học ngành luật.

Tại Harvard, bà Ginsburg tìm cách cân bằng cuộc sống, vừa làm mẹ, vừa theo đuổi ngành luật. Bà là 1 trong chỉ có 8 nữ sinh viên trong một lớp gồm hơn 500 sinh viên. Khoa trưởng trường Luật lúc bấy giờ không khuyến khích phụ nữ theo ngành luật, mà còn cho rằng họ đã “chiếm chỗ” của các nam sinh viên ‘hội đủ điều kiện’ hơn.

Là sinh viên ưu tú, Ruth Ginsburg trở thành nữ sinh viên đầu tiên tham gia nhóm xuất bản tạp chí Harvard Law Review, một diễn đàn về các vấn đề luật pháp và cũng là một nguồn thông tin cho giới nghiên cứu luật.

Năm 1956, chồng bà, Martin Ginsburg, mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, phải trải qua một thời gian chữa trị. Vừa chăm sóc chồng và nuôi con, Ruth còn phụ ghi note cho chồng và trong khi tiếp tục theo lớp của mình.

May mắn thay Martin hồi phục, tốt nghiệp và nhận việc tại một công ty luật ở New York. Theo chồng, Ruth chuyển sang Columbia Law School, và tốt nghiệp thủ khoa năm 1959.

Bí quyết hôn nhân hạnh phúc

Hai vợ chồng Thẩm phán Ginsburg rất khác nhau về cá tính. Cũng là một giáo sư luật, Martin là một người sởi lởi, hay bông đùa, thích hội họp bạn bè, trong khi Ruth là một phụ nữ nghiêm trang, ăn nói nhỏ nhẹ, tưởng như nhút nhát, nhưng bên trong là một phụ nữ có bản lĩnh và ý chí sắt đá.

Cuộc hôn nhân rất hạnh phúc của cặp vợ chồng được cho là hơi khác thường trong bối cảnh thập niên 1950. Martin hé lộ một bí quyết cho sự thành công này:

“Vợ tôi không can thiệp vào cách tôi nấu ăn, và tôi không can thiệp vào cách bà ấy diễn giải luật pháp.”

Trong một thời đại trong đó phụ nữ được khuyến khích nên ở nhà chăm sóc chồng con, gia đình Ginsburg làm một cuộc ‘cách mạng’. Ngay từ đầu Ruth không thiết tha với bếp núc, Martin tự nguyện trở thành đầu bếp, ông nổi tiếng là một đầu bếp ‘trứ danh’, theo lời bạn bè và gia đình. Ông luôn luôn hỗ trợ vợ trên bước đường sự nghiệp.

Cuộc hôn nhân kéo dài 56 năm cho tới khi ông qua đời vào năm 2010. Dù rất đau lòng vì mất người chồng bà yêu thương hết mực, nhưng luôn luôn tận tụy với công việc, thẩm phán Ruth Ginsburg trở lại làm việc 1 ngày sau khi chồng bà qua đời.

Con đường vào Tối cao Pháp viện

Tốt nghiệp Columbia Law School, sau thời gian đầu phấn đấu để tìm việc, bà trở thành Giáo sư Trường Luật tại Đại học Rutgers ở Newark, và sau này dạy tại trường Luật, Đại học Columbia ở New York. Bà đã tranh đấu để được đối xử ngang hàng với các đồng nghiệp phái nam, và dần dà làm nên tên tuổi trong vai trò luật sư đấu tranh cho quyền được đối xử bình đẳng, bất chấp là nam hay nữ.

Bà là luật sư trong 6 vụ kiện trước Tối cao Pháp viện từ năm 1973 đến 1976, mang về chiến thắng cho năm trong số 6 vụ kiện đó, qua đó đánh đổ được nhiều rào cản pháp lý và thành kiến xã hội, xác lập nhiều tiền lệ pháp lý dẫn tới những thay đổi luật pháp quan trọng về nữ quyền.

Bà là người đầu tiên đứng đầu Dự án Nữ quyền của Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU). Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter đề cử bà vào Tòa Phúc thẩm Liên bang và năm 1993, bà được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện.

Năm 1996, thẩm phán Ginsburg là người viết phán quyết đa số được các thẩm phán Tòa Tối cao ủng hộ, US v. Virginia, buộc Học viện Quân sự Virginia phải chấp nhận cho phụ nữ ghi danh theo học.

Ruth Bader Ginsburg - thường được gọi thân mật với tên tắt là RGB, cũng là thẩm phán có ảnh hưởng lớn trong phán quyết cho phép hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ. Quyết định này được coi là một chiến thắng lịch sử cho giới hoạt động bênh vực quyền lợi của người đồng tính và bình đẳng giới.

Dân chúng tự động kéo tới Tối Cao Pháp viện sau khi được tin Thẩm phán Ruth Ginsburg qua đời. US-JUSTICE-RBG


Giã biệt RBG

Vài giờ sau khi tin bà qua đời loan đi, Tối Cao Pháp viện bỗng trở thành một ‘đài tưởng niệm’, hàng ngàn người không hẹn mà tự động kéo tới tòa án tối cao nước Mỹ, nơi mà sinh tiền, thẩm phán Ruth Ginsburg lui tới mỗi ngày và đôi khi làm việc quên cả giờ về.

Các phụ tá của bà cho biết cho mãi tới ngày 15/9, bà còn tham khảo ý kiến các đồng nghiệp để giải quyết các hồ sơ mà bà thường xuyên mang theo khi phải vào bệnh viện chữa trị. “Bà chỉ dừng lại ‘ngoài ý muốn’ vào phút chót”, CNN dẫn lời một người cộng sự cho biết.

Trong lời từ biệt, Chánh án Tối Cao Pháp viện John Roberts nói:

“Những từ ngữ dùng để mô tả Ruth chính xác nhất là mạnh mẽ, can đảm, bà là một chiến sĩ, chiến thắng, nhưng bà luôn quan tâm tới người khác, rất thận trọng, nhân ái, thành thực. Nói tới opera, bà là người hiểu biết, đam mê. Nói tới thể thao, bà hoàn toàn không biết gì… Như tôi đã nói ngay từ đầu, sự ra đi của bà là nỗi buồn đè nặng nhất lên gia đình bà, điều đó đúng, nhưng tòa án này cũng là gia đình của bà. Tòa nhà này cũng là nhà của bà. Dĩ nhiên bà sẽ sống mãi qua những gì bà đã thực hiện để cải tiến luật pháp và cải thiện đời sống của tất cả chúng ta, thế nhưng, Ruth đã thực sự ra đi, để lại chúng ta trong đau buồn và thương tiếc.”

Trao đổi với VOA-Việt ngữ, cựu thẩm phán Di trú ở San Francisco, ông Phan Quang Tuệ, nói Ruth Bader Ginsburg là một nhân vật hết sức đặc biệt và rất đáng ngưỡng mộ.

“Bà thẩm phán Tối Cao Pháp viện Ginsburg là một nhân vật rất đặc biệt. Tôi không phải là phụ nữ, nhưng nếu là phụ nữ, tôi lại càng khâm phục bà thêm. Bà đứng về phía người không có tiếng nói; tiếng tăm của bà trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như đối với bà Barrett (người mới được TT Trump đề cử ra thay thế bà RBG) thì mình không nói tại vì họ đều đủ điều kiện, đều xuất sắc về phương diện chuyên môn. Nhưng bà Ginsburg vượt xa sự chuyên môn, bà là một biểu tượng. Tôi nhìn hình ảnh của bà sau khi chồng bà qua đời năm 2010, cách đây 8 năm, bà vẫn tập tành, hít đất, và bà vẫn đi làm thường xuyên. Bà bị ung thư nhưng bà vẫn tiếp tục, bà cứ e ngại sẽ mất đi tiếng nói, tôi thấy quả thực bà là một người rất, rất đáng khâm phục.”

Trong hai ngày linh cữu bà được đặt tại Tối Cao Pháp viện, hàng ngàn người kéo đến để chia sẻ với nhau nỗi thương tiếc bằng sự hiện diện của chính họ, và để lại bên lề đường đối diện với tòa nhà những bó hoa đủ màu sắc và những tấm thiệp nói lên lòng cảm kích sâu xa của họ đối với vị anh hùng đã đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, và đạt những thành công đáng kể trong nỗ lực cải thiện đời sống của phụ nữ và những thành phần ‘không có tiếng nói’.

Dân chúng bày tỏ lòng thương tiếc sau sự ra đi của cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, Ảnh chụp ngày 24/9/2020 (VOA-Việt ngữ)

Khuya ngày 24/9, những người ái mộ lại đến nghiêng mình trước linh cữu của bà trước khi linh cữu bà được đưa ra khỏi Tối Cao Pháp viện lần cuối. Những bó hoa mới lại được xếp dọc theo lề đường đối diện Tối Cao Pháp viện. Có người vẽ một trái tim đỏ trên một hòn đá nhỏ và viết: “Cảm ơn RBG”.

(English)

Ruth Bader Ginsburg giữ chức Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ từ 10 tháng 8 năm 1993 đến khi bà qua đời ngày 18 tháng 9 năm 2020. Trong suốt cuộc đời, bà đã tranh cãi cho một số ca quan trọng chống đối kỳ thị giới tính, nâng cao quyền bình đẳng cho phụ nữ Hoa Kỳ. VietFactCheck sẽ giải thích tại sao di sản để lại của Ginsburg quan trọng như thế.

Ruth Bader Ginsburg là người phụ nữ thứ nhì nhậm chức vào Tối Cao Pháp Viện; bà được Tổng Thống Clinton đề cử năm 1993. Bà học trường Luật Khoa Harvard, là một trong chín phụ nữ trong khoá học đó. Bà chuyển qua đại học Columbia trong năm cuối, và tốt nghiệp hạng nhất năm 1959.

Trước khi được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, Ginsburg đồng sáng lập tờ báo Bản Tin Luật pháp về Quyền Phụ nữ (Women’s Rights Law Reporter), tờ báo luật pháp đầu tiên dành riêng cho những vấn đề của phụ nữ. Bà cũng đồng sáng lập Phương Án Cho Nữ Quyền (Women’s Rights Project) tại Liên Minh Tự Do Dân chủ Hoa Kỳ (ACLU) , một chương trình đang vẫn đấu tranh qua các vụ án cãi để chống lại sự kỳ thị giới tính.

Ginsburg làm luật sư tố tụng cho ACLU vào những năm 1970s, nơi bà từng tranh luận và thắng kiện về việc kỳ thị giới tính. Việc này bao gồm sự vận động thành công cho Sharron Frontiero, một phụ nữ làm việc trong Không Quân Hoa Kỳ nhưng chồng không được hưởng những lợi ích mà những người vợ quân nhân thường được hưởng.

Ginsburg cũng biện hộ cho Stephen Wiesenfeld, một người cha đã bị từ chối tiền thừa hưởng An Sinh Xã Hội của vợ khi vợ mất vì sanh con. Luật pháp không công nhận quyền thừa hưởng tiền An Sinh Xã Hội của người góa vợ, mặc dù những người góa chồng hội đủ điều kiện. Bà Ginsburg đệ trình trường hợp của Wiesenfeld lên Tối Cao Pháp Viện, và họ thắng kiện tuyệt đối. Nhờ sự vận động của Ginsburg, sự chênh lệch trong số tiền An Sinh Xã Hội được thừa hưởng từ chồng hay vợ trở thành bất hợp pháp.

Những vụ thắng kiện của Ginsburg vào thập niên 70 rất quan trọng, vì trong thời điểm này, việc kỳ thị phụ nữ và trả lương họ thấp hơn nam giới là hợp pháp––Chính Ginsburg đã không tìm được việc làm sau khi ra trường vì giới tính của bà. Cho đến khi bà rời ACLU năm 1980, Ginsburg đã xóa sạch gần 200 luật bất bình đẳng trong luật pháp Hoa Kỳ.

Ruth bader ginsburg là ai

Trong vai trò Thẩm Phán Tối Cao, Ginsburg đã mang tiếng nói lãnh đạo vào Tối Cao Pháp Viện. Bà dùng lá phiếu để bảo vệ quyền trục thai và hôn nhân đồng tính. Một trường hợp gần đây, Obergefell v. Hodges năm 2015, vụ kiện lịch sử đã chấp thuận quyền kết hôn trên toàn 50 tiểu bang cho những cặp đồng tính.

Một trong những vụ kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà ở Tối Cao Pháp Viện là United State v. Virginia năm 1986. Vụ kiện đã đặt câu hỏi là Học Viện Quân Sự Virginia có hợp pháp không khi chỉ nhận nam giới. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đã chấp thuận cho phụ nữ được nhận vào học viện. Bản phán quyết cũng xóa bỏ những luật lệ, như Ginsburg viết, “từ chối phụ nữ, chỉ vì họ là phụ nữ, đầy đủ quyền công dân––cơ hội bình đẳng được khát vọng, tham gia và đóng góp cho xã hội.”

Trong suốt nhiệm kỳ ở Tối Cao Pháp Viện, Ginsburg được biết đến bởi những bài viết phản đối––văn bản bất đồng chính kiến với sự quyết định của đa số. Một trong những bài phản đối đáng nhớ là vụ kiện Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Company, trong đó Ledbetter kiện bị kỳ thị trong lương bổng vì giới tính. Ledbetter phát hiện lương cô thấp hơn lương của một đồng nghiệp nam làm cùng công việc. Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết chống lại Ledbetter, xử là cô đã đợi quá lâu để nộp đơn kiện. Đáp lại phán quyết trên, Ginsburg thực hiện cách mới; bà viết lại bài phản đối theo ngôn ngữ bình dân dễ hiểu và đọc tại tòa, công bố về tình trạng chênh lệch lương bổng vì giới tính––nam giới được trả lương cao hơn phụ nữ khi làm cùng một công việc. Bà tiếp tục bênh vực cho việc trả lương công bằng, khiến Tổng Thống Barack Obama ký đạo luật Trả Lương Công Bằng Lilly Ledbetter vào năm 2009.

Trong suốt cuộc đời, Ginsburg luôn ủng hộ quyền bình đẳng, tranh luận rằng Tu Chính Án thứ 14 nghiêm cấm việc đối xử phân biệt theo giới tính; trong khi các đồng nghiệp bảo thủ hơn của bà cho rằng Tu Chính Án thứ 14 chỉ áp dụng cho vấn đề chủng tộc. Sự khẳng định của bà là Tu Chính Án thứ 14 được áp dụng ngoài vấn đề chủng tộc giúp phụ nữ, người khuyết tật, di dân, LBGTQ+ vận động cho chính họ quyền được đối xử bình đẳng dưới pháp luật.

Ginsburg là người mở đường cho nữ quyền và quyền cho người bị tách ra ngoài lề xã hội Mỹ. Những thành tựu trong cuộc đời bà là minh chứng cho câu châm ngôn của bà, rằng “thay đổi thật sự, thay đổi lâu dài, diễn ra từng bước một.”