Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 quân đội các nước Đồng minh nào vào nước ta giải giáp quân đội Nhật

Cách mạng thánh Tám năm 1945 và cuộc đấu tranh chống quân Tưởng, tay sai (8/1945-8/1946)

Cách mạng nước ta đang ở thời kỳ cao trào thì chiến tranh thế giới thứ 2 bước sang giai đoạn kết thúc. Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Trong vòng một tuần lễ, quân đội Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn 1 triệu quân Quan Đông thiện chiến của Nhật, giải phóng Đông Bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, buộc phát xít Nhật phải đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Nhật đã tạo điều kiện cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa ở Châu Á phát triển mạnh. Chính phủ Nhật đầu hàng, bọn chỉ huy và binh lính Nhật ở Đông Dương chia rẽ, mất tinh thần. Chính quyền bù nhìn từ Trung ương đến địa phương bị tê liệt, các đảng phái phản động và bọn Việt gian hốt hoảng. Từ giữa tháng 8/1945, quân đội Tưởng Giới Thạch và quân đội Anh gấp rút chuẩn bị kéo vào nước ta để tước khí giới quân Nhật theo quy định của Hội nghị đồng minh tại Potxđam (7/1945).

Tình thế cách mạng trực tiếp đã đến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm chắc thời cơ, kịp thời lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Yên, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự tỉnh, các đoàn thể cứu quốc và quần chúng trong thị xã đã tham gia cuộc biểu tình liên huyện Kim Anh-Yên Lãng- thị xã Vĩnh Yên. Tháng 7/1945, các thanh niên cứu quốc thị xã đã phá cuộc mít tinh do bọn Đại Việt tổ chức ở rạp hát, biến cuộc mít tinh của chúng thành nơi tuyên truyền cách mạng, vạch mặt bọn Đại Việt hại dân, hại nước. Phong trào ở thị trấn Tam Đảo cũng diễn ra sôi nổi, hầu hết các gia đình đều được tuyên truyền và họ tự nguyện đứng trong hàng ngũ cứu quốc, bởi vậy việc tổ chức tiêu diệt đồn binh Nhật giải phóng trị trấn Tam Đảo gặp nhiều thuận lợi.

Trước ngày tấn công, ta đã có cơ sở vững chắc ở trong nhân dân, anh em binh lính người Việt ở đơn vị Bảo an đã được ta tuyên truyền giác ngộ, trong đó có cả cấp chỉ huy cũng theo Việt Minh. Những anh em tù hăng hái đều được huấn luyện quân sự bằng súng của anh em binh lính. Trong hàng ngũ địch, ta còn tranh thủ được sự đồng tình của một số tù binh người Pháp. Trong khi đó, quân giải phóng Phạm Hồng Thái trước đây là đội du kích đã bắt liên lạc chặt chẽ với Việt Minh ở thị trấn Tam Đảo theo dõi tình hình phong trào cách mạng và mọi diễn biến của đồn binh Nhật. Đơn vị do đồng chí Thạch Sơn chỉ huy, đồng chí Vũ Tuân làm chính trị viên. Đây là đơn vị đã lập được nhiều chiến công trong trận đánh Nhật ở khu nghỉ mát Tam Đảo (7/1945). Trước khí thế cách mạng đang dâng lên đã làm cho bọn giặc trong đồn nao núng. Nhận rõ thời cơ đó, đồng chí Trung Đình là người lãnh đạo trực tiếp đơn vị giải phóng Phạm Hồng Thái lúc đó, sau khi nhận được chủ trương của trên đã cùng đội trưởng Thạch Sơn đến đồn Nhật ở thị trấn để điều tra cụ thể tình hình và thống nhất phương án hạ đồn binh Nhật ở thị trấn Tam Đảo.

Trận đánh đã được chuẩn bị chu đáo từ trước, nhân dân thị trấn được thông báo đã bí mật chặt cây dựng chướng ngại vật từ km thứ 13 trở lên thị trấn, cắt đường dây điện thoại để chặn viện binh của Nhật. Nhưng bất ngờ, chiều ngày 15/7/1945 một tên lính Bảo an cơ sở của ta cho biết Nhật sẽ tước súng của Bảo an binh trước dự kiến trận đánh. Ngay lập tức, các đồng chí được phân công bám sát cơ sở đã hành động trước bọn Nhật. Một mặt, cho người về cấp báo đơn vị Thạch Sơn, một mặt tổ chức lực lượng chiến đấu gồm anh em Bảo an binh và anh em tù. Đêm 15 rạng sáng ngày 16/7, ta chủ động tiến công trước, tiếng súng vang dội của quân ta từ trên đỉnh núi đã thôi thúc chiến sỹ giải phóng quân Phạm Hồng Thái bất chấp trời mưa, đường trơn, dốc cùng phối hợp với anh em.

Trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ác liệt. Đêm ngày 16, ta chuyển cách đánh, bộ đội đã lấy mìn đánh thẳng vào đồn Nhật làm hiệu lệnh cho quân ta ồ ạt xung phong. Tiếng mìn, tiếng lựu đạn ném qua các ô cửa sổ, tiếng súng và tiến hò reo của quân ta đã đè bẹp sự chống cự của quân Nhật. Đa số bọn Nhật bị tiêu diệt, còn lại một số ít tên chạy trốn.

Ngày 17 được nhân dân chỉ đường, ta quét sạch bọn giặc Nhật, chỉ có 2 tên chạy thoát (lúc ta đánh có 11 tên đóng ở đồn). Kết quả ta đã tiêu diệt được 9 tên, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 1 trung liên và 1 số trang bị khác như máy chữ, máy điện thoại, đã giải phóng được 100 tù nhân của ta và của Pháp, số tù nhân của Pháp được ta giúp đỡ chu đáo và đưa về chiến khu.

Sau trận đánh, ta vừa rút xong thì địch ở thị xã Vĩnh Yên kéo lên Tam Đảo. Đến nơi thấy cảnh đồn tan hoang, xác đồng bọn bị tiêu diệt, chúng đã tiến hành khủng bố một số bà con chưa kịp lánh nạn, sau đó chúng rút quân, thị trấn Tam Đảo được giải phóng. Trong phong trào cách mạng sôi sục tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trận đánh ở Tam Đảo là một trận thắng lớn, có ý nghĩa nhiều mặt đối với việc thực hiện nghị quyết hội nghị quân sự Bắc Kỳ của Đảng ta.

Việc một đơn vị nhỏ quân giải phóng được sự ủng hộ và tham gia chiến đấu của các tầng lớp quần chúng, ngoan cường và mưu trí đánh tập kích tiêu diệt hoàn toàn một đội quân Nhật trong một thị trấn đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào vũ trang giết giặc cứu nước của nhân dân ta.

Được cách mạng giác ngộ lòng yêu nước, binh lính Việt Nam ở đồn Tam Đảo không chỉ tạo điều kiện cho anh em tù nhân tham gia cách mạng mà còn cùng nhau hợp thành một lực lượng không chịu để bọn Nhật tước vũ khí. Hơn nữa còn lấy súng đạn của địch theo quân giải phóng tiêu diệt địch. Việc này đã góp phần thức tỉnh những người đang còn cầm súng cho giặc lập công quay về với nhân dân.

Đối với người Pháp và đồng minh, trận Tam Đảo cho họ thấy rõ Việt Minh có lực lượng vũ trang và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, quyết tâm đánh phát xít Nhật, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Sau trận Tam Đảo, báo Quân giải phóng số 1 do cơ quan của Việt Nam giải phóng quân xuất bản, tác giả Trí Dũng viết: “Tam Đảo! Hai chữ Tam Đảo sẽ lưu truyền đời đời trong lịch sử cách mạng giải phóng của ta”.

Được tin Nhật đầu hàng ngày 12/8/1945, Ủy ban kháng chiến khu giải phóng hạ lệnh cho quân giải phóng phối hợp với du kích và tự vệ khởi nghĩa ở các tỉnh trong khu. Đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Chủ trương khởi nghĩa của Đảng được Quốc dân Đại hội nhất trí tán thành. Quốc dân Đại hội đã cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và quy định quốc kỳ là nền đỏ sao vàng 5 cánh ở giữa, quốc ca là bài Tiến quân ca.

Sau hội nghị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi đồng bào toàn quốc nổi dậy Tổng khởi nghĩa. Trong “Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương”, Trung ương kêu gọi các đảng viên toàn Đảng “Các đồng chí phải sáng suốt trong việc lãnh đạo và cương quyết hy sinh trong cuộc chiến đấu để giành quyền độc lập cho Tổ quốc, để xứng đáng là một đội quân tiên phong của dân tộc”.

Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào toàn quốc, Người viết: “Hỡi đồng bào yêu quí!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vòng nửa tháng, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi. Những sự kiện đặc biệt quan trọng trên đây cùng với tin tức khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh trong khu giải phóng, đã dồn dập dội về Vĩnh Yên, cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa. Thị xã Vĩnh Yên lúc này là tỉnh lỵ Vĩnh Yên; vì vậy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã có vị trí là khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh.

Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, ngày 22/8/1945 Tỉnh ủy Vĩnh Yên họp thông qua kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh. Qua phân tích tình hình, hội nghị quyết định huy động lực lượng toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25/8.

Ở thị xã Vĩnh Yên, Nhật đóng quân ở Đình Ấm. Bọn Quốc dân đảng đã tổ chức lực lượng bảo an ở Thổ Tang 40 tên được Nhật trang bị vũ khí nên cuộc khởi nghĩa ở thị xã gặp nhiều khó khăn. Từ ngày 17/8, cấp trên đã giao cho các tổ Việt Minh ở Tam Dương, Vĩnh Yên về thị xã chuẩn bị một số vũ khí để khởi nghĩa.

Trước tình hình khởi nghĩa nổ ra khắp mọi nơi, bọn Đại Việt do Đỗ Đình Đạo cầm đầu mặc dù được Nhật giúp đỡ nhưng vẫn hoang mang, dao động. Cùng lúc đó, Quốc dân đảng ở Hà Nội đã có âm mưu với quân Tưởng cử tên Đinh Viết Sinh (tức Lê Khang) là đặc phái viên của chúng cùng một số tên tay sai lên trấn an Đỗ Đình Đạo. Cuộc đấu tranh ở thị xã gặp nhiều khó khăn, phát xít Nhật đóng ở Bảo Sơn thường xuyên cung cấp vũ khí cho bọn phản động. Quốc dân đảng do Lê Khang cầm đầu cùng với bọn Đại Việt, Bảo an binh cấu kết với nhau tổ chức cướp chính quyền trước Việt Minh.

Ngày 19/8, chúng ép tỉnh trưởng bù nhìn Nguyễn Trọng Tấn phải trao chính quyền. Đồng thời, chúng ra sức xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang để chống lại cách mạng. Chúng lùng bắt cán bộ Việt Minh, bắt lính tống tiền và tăng quân ở Tam Lộng về. Cho đến trước khởi nghĩa, cán bộ, đảng viên và cơ sở Việt Minh phần lớn đều đã bị bắt hoặc rút khỏi thị xã, trong khi quần chúng không có người lãnh đạo, một bộ phận dân chủ đảng giao động đã lôi kéo một số quần chúng cách mạng chạy khỏi thị xã.

Ngày 22/8, Quốc dân đảng, Đại Việt tổ chức mít tinh ở dốc Láp tuyên bố chính quyền Vĩnh Yên đã thuộc về chúng. Cũng trong thời gian này, do vỡ đê gây ngập lụt, việc giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn nên dự kiến khởi nghĩa vào ngày 25/8 ở Vĩnh Yên phải hoãn lại.

Ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy họp ở ấp Vân Hội (Tam Dương) quyết định huy động lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của tỉnh biểu tình, khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 31/8/1945. Trước thời gian khởi nghĩa, số cơ sở còn lại của ta trong thị xã đã bắt liên lạc với bên ngoài và nhận lệnh khởi nghĩa. Do đó, việc chuẩn bị cho khởi nghĩa rất gấp rút như: Vận động quần chúng sắm sửa vũ khí, may cờ… tổ chức sẵn sàng lực lượng bên trong. Đúng ngày 31/8/1945, hàng vạn quần chúng trong đó có hàng nghìn tự vệ và du kích trong tỉnh giương cao cờ đỏ sao vàng từ nhiều hướng tiến về thị xã. Nhân dân trong thị xã đã cắm cờ vào các bè chuối thả xuống Đầm Vạc, mặt nước Đầm Vạc rực màu đỏ của cờ cách mạng. Do ngập lụt nên chỉ có một con đường độc đạo duy nhất vào thị xã ở phía dốc Láp men theo đường sắt.

Trước khi kéo vào thị xã, một phái đoàn Việt Minh gồm 5 người là: Lý Quảng Thịnh, Trần Minh Thưởng, Đặng Việt Thanh, Tô Tạc và đồng chí Kim Ngọc do Lý Quảng Thịnh làm trưởng đoàn được cử vào thị xã trước gặp bọn chỉ huy Quốc dân đảng yêu cầu chúng để đoàn biểu tình vào thị xã lập chính quyền cách mạng. Bọn phản động với âm mưu quyết chiếm giữ bằng được thị xã để chờ quân Tưởng vào, nên chúng đã bố trí mai phục chĩa súng vào hướng quần chúng tập trung. Mặt khác, chúng cầu cứu quân Nhật đóng ở Bảo Sơn, không cho quần chúng biểu tình vào thị xã với lý do chính quyền Vĩnh Yên đã thuộc về tay chúng và bắt giam phái đoàn Việt Minh. Thấy bọn Quốc dân đảng trở mặt, Lý Quang Thịnh và Trần Minh Thưởng tìm cách trốn thoát, 3 đồng chí còn lại bị chúng bắt giam. Hành động của bọn Quốc dân đảng làm cho quần chúng biểu tình vô cùng căm phẫn, anh em tự vệ cùng đoàn biểu tình tiến vào thị xã. Lập tức, bọn phản động nổ súng vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã không thành công.

Tuy thị xã bị bọn phản động chiếm đóng, nhưng các huyện trong tỉnh đã khởi nghĩa thành công. Đầu tháng 9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập do đồng chí Đặng Việt Châu làm Chủ tịch. Ở thị xã, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời một số xã cũng lần lượt được thành lập như ở thị trấn Tam Đảo, Định Trung, Khai Quang…

Trong thời gian này, bộ đội giải phóng quân phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh tiêu diệt bọn phản động ở Tam Lộng và bao vây chúng ở thị xã. Cuộc đấu tranh đang diễn ra thì quân Tưởng kéo đến, quần chúng nhân dân đã tạm dừng cuộc tấn công bọn phản động để thực hiện sách lược hòa hoãn với Tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 8/1946 khi quân Tưởng rút, bọn Quốc dân đảng ở thành phố hoang mang, dao động ta mới có điều kiện giải phóng thị xã.

Cuộc biểu tình khởi nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Yên mặc dù có quyết tâm rất cao nhưng không thành công. Điều này chứng tỏ tính chất gay go của cuộc khởi nghĩa mà trước đó Đảng ta đã dự kiến: Không phải Nhật bại mà nước ta tự nhiên độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Cuộc khởi nghĩa đã để lại cho Đảng bộ bài học về chọn thời cơ. Đến ngày 31/8, khi quân Tưởng kéo vào các tỉnh biên giới phía Bắc, khi bọn phản động do tên Đỗ Đình Đạo cầm đầu từ chỗ hoang mang khi Nhật đầu hàng đã củng cố được lực lượng, cướp chính quyền trước ta.

Sự kiện ngày 31/8 cũng cho thấy ta còn chủ quan, chưa đánh giá đúng bản chất phản động của kẻ thù. Đến ngày khởi nghĩa mới cử đoàn đại biểu Việt Minh vào thuyết phục là quá muộn. Hơn nữa, khởi nghĩa không chỉ dựa vào lực lượng bên ngoài mà còn phải dựa vào lực lượng tự nổi dậy rất quan trọng ở bên trong mới giành được thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nạn đói chưa chấm dứt, nạn lụt chưa được khắc phục, các ngành sản xuất đình trệ, tài chính trống rỗng, hơn 90% nhân dân mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp để lại, nhiều tập tục hủ bại, mê tín dị đoan tồn tại khá nhiều trong tỉnh.

Giữa lúc đó được quân Anh giúp sức, quân đội viễn chinh Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ. Đầu tháng 9/1945, 20 vạn quân Tưởng vào miền Bắc với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp vũ khí Nhật bại trận, nhưng thực tế là thực hiện âm mưu thâm độc của Mỹ là tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh và lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho chúng.

Bám theo quân Tưởng là cả một lũ đảng phái phản động Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách). Đám tay sai này ra sức khiêu khích, chia rẽ lực lượng cách mạng và xúi giục tổ chức những cuộc bạo loạn. Trước tình hình đó, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách, sau này Người khái quát thành 3 nhiệm vụ lớn: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị vạch rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng, nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là: Củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân” ([1]).

Ở Vĩnh Yên, quân Tưởng kéo vào thị xã với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Do đó khi vào thị xã bọn Tưởng đã cử tên Lê Khang là tên việt gian Quốc dân đảng ở Trung Quốc theo chân Tưởng về bắt liên lạc trước với bọn Quốc dân đảng Đại Việt ở trong thị xã chuẩn bị đón quân Tưởng vào để cùng nhau chống phá cách mạng. Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, tỉnh Vĩnh Yên cũng đứng trước những khó khăn hết sức trầm trọng về kinh tế-xã hội: Nạn đói là hiểm họa trực tiếp đe dọa nhân dân thành phố, quân Tưởng và tay sai ra sức cướp bóc, vơ vét làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gia tăng sản xuất “Không bỏ đất hoang”, “Nhường cơm sẻ áo”, nhân dân trong toàn tỉnh đã hăng hái hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất. Đất hoang, ruộng lầy được nhân dân phục hồi trồng ngô, khoai, sắn và lương thực ngắn ngày để kịp thời giải quyết nạn đói. Trong các gia đình đều có “Hũ gạo cứu đói”, thực hiện tiết kiệm, không nấu rượu và tổ chức cứu giúp những người đói hơn mình. Ruộng công điền, công thổ, đình chùa được chia cho những người nghèo đói để sản xuất. Nhờ những biện pháp tích cực đó nên nạn đói từng bước được đẩy lùi, đời sống nhân dân được ổn định. Cùng với phong trào chống đói, phong trào chống nạn mù chữ cũng được phát động trong nhân dân. Chính quyền các xã và thị trấn tổ chức các lớp học chung ở xã. Ở các xóm cũng tổ chức lớp học. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ Tịch, thị xã đã vận động nhân dân đẩy mạng phong trào “Qũy độc lập”, “Qũy Nam Bộ kháng chiến”, “Tuần lễ vàng”. Nhân dân thành phố đã ủng hộ Chính phủ 130 chỉ vàng, 3.420 kg gạo, 220 bộ quần áo… Nhân dân những vùng chưa được giải phóng trong thị xã cũng tích cực tham gia góp tiền của, tập trung lại gửi ra vùng giải phóng ở huyện Tam Dương.

Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động và củng cố chính quyền Trung ương. Nhân dân thị xã Vĩnh Yên (trừ khu vực nội thị) còn ở phường Khai Quang và xã Định Trung, thị trấn Tam Đảo đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên giành thắng lợi vào ngày 23/12/1945.

Sau cuộc tổng tuyển cử Quốc hội, nhân dân đã tiến hành bầu cử HĐND và Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ở thành phố, các đơn vị Định Trung, Khai Quang và thị trấn Tam Đảo đã bầu cử HĐND và Ủy ban hành chính vào tháng 4/1946.

Cùng với việc xây dựng và củng cố chính quyền, thị xã đã củng cố và phát triển lực lượng vũ trang một cách nhanh chóng. Thành đội tự vệ có 1 tiểu đoàn gồm du kích các xã và 1 trung đội tự vệ thoát ly. Ở các xã, thị trấn đều có 1 tiểu đoàn hoặc trung đội tự vệ. Đặc biệt ở xã Định Trung có 1 trung đội du kích tập trung bán chuyên gồm 30 người vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và nhân dân, vừa tự túc tham gia sản xuất, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội bao vây và trừng trị bọn phản động lấn chiếm, bảo vệ nhân dân góp phần giải phóng thành phố.

Ở thị trấn Tam Đảo, du kích làm nhiệm vụ vừa bảo vệ chính quyền và nhân dân, vừa bảo vệ con đường giao thông quan trọng của ta từ Vĩnh Yên sang Thái Nguyên. Trong phong trào hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, trong phong trào ủng hộ “Nam Bộ kháng chiến” diễn ra sôi nổi ở thị xã. Thanh niên hăng hái ghi tên tình nguyện tòng quân như xã Định Trung có 3 thanh niên, nội thành có 2 thanh niên tình nguyện nhập ngũ. Các đoàn thể đều lập “Qũy Nam Bộ” tại xã.

Tuy nhiên, ở nội thành Vĩnh Yên lúc này bọn Đại Việt quốc dân đảng nổi dậy lập chính quyền phản động. Do đó, thị xã Vĩnh Yên chưa có chính quyền cách mạng. Bọn Đại Việt quốc dân đảng tiến hành liên tiếp các cuộc lùng bắt và giam cầm những người theo Việt Minh. Tăng cường bắt lính, tuyên truyền xuyên tạc cách mạng; dung túng bọn phản động, bọn tư sản, địa chủ, việt gian chỉ điểm nổi dậy chống phá cách mạng làm cho tình hình thị xã sau khởi nghĩa rất nghiêm trọng. Trong khi đó, nhân dân thị xã ảnh hưởng của nạn đói, ngập lụt, kinh tế đình đốn, tệ nạn xã hội tăng nhanh. Đây cũng chính là thời kỳ khó khăn nhất của nhân dân Vĩnh Yên. Quân Tưởng đóng ở thị xã sách nhiễu đủ điều, tiếp tay cho bọn phản động quyết liệt chống phá cách mạng. Bộ phận dân chủ Đảng lúc này bộc lộ rõ tính chất 2 mặt. Họ ra sức tổ chức củng cố đảng, lôi kéo quần chúng mưu tính thành lập chính phủ riêng. Trong lúc này, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Như vậy, chúng ta đứng trước tình thế: Nạn đói, thù trong giặc ngoài. Trong khi đó, chính quyền lại chưa được thành lập. Đó chính là hoàn cảnh đặc biệt của Vĩnh Yên so với các huyện khác trong tỉnh sau khởi nghĩa.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ta đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Tưởng và bố trí nơi đóng quân cho chúng để không mắc mưu địch. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên đã tiến hành giáo dục đảng viên và nhân dân giữ nghiêm kỷ luật, bình tĩnh, tỉnh táo tránh xung đột không cần thiết. Công việc giao thiệp giữa ta và quân Tưởng hàng ngày được thông qua 1 ban liên kiểm (gồm đại diện của ta, quân Tưởng và Quốc dân đảng).

Những việc làm trên đã thể hiện rõ thiện trí của ta nhưng quân Tưởng vẫn luôn kiếm cớ để gây hấn. Chúng ra sức giúp bọn tay sai xây dựng chính quyền phản động và lực lượng Quốc dân đảng. Ở những nơi chúng chiếm đóng, chúng tạo điều kiện cho bọn phản động tấn công lực lượng cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Yên, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã kiên trì chống lại chúng bằng nhiều hình thức thích hợp. Trên mặt trận ngoại giao, ta kiên trì và khôn khéo đấu tranh tố cáo sự cấu kết giữa quân Tưởng và bọn tay sai, vạch rõ những hoạt động phá hoại của chúng. Đòi chúng phải tôn trọng chủ quyền, trật tự an ninh của ta và tìm cách thoái thác những đòi hỏi vô lý của chúng. Để làm áp lực cho cuộc đấu tranh chính trị, ta đã tổ chức bao vây chúng về mọi mặt như: Cắt điện thoại, thực hiện vườn không nhà trống…

Đầu năm 1946, theo hiệp ước “Hoa-Pháp”, quân Tưởng đã thỏa thuận cho Pháp vào thay quân Tưởng ở miền Bắc. Trước âm mưu của bọn đế quốc, ta đã tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước, tạo thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 6/3/1946 Chính phủ ta ký với Pháp Hiệp định sơ bộ. Theo hiệp định, quân Tưởng phải rút về nước. Nhưng quân Tưởng đã cố tình trì hoãn thời gian rút quân, nhằm gây thêm khó khăn cho ta, nên đến tháng 6/1946 chúng mới rút khỏi thị xã Vĩnh Yên.

Sau khi quân Tưởng rút khỏi thị xã, ta bắt tay ngay vào việc quét sạch những lực lượng phản động do chúng nuôi dưỡng như bọn Quốc dân đảng phản động. Đối với lực lượng này, trong thời gian có quân Tưởng, chủ trương của ta là đấu tranh kiên quyết nhưng phải hết sức linh hoạt, khôn khéo. Tuy vậy, ta vẫn chủ động và kiên quyết đấu tranh chống lại chúng bằng nhiều biện pháp tích cực; kiểm soát chặt chẽ các đường giao thông, bắt những tên lợi dụng danh nghĩa quân Tưởng đi cướp chợ, cướp tàu. Riêng ở thành phố bắt được 41 tên và cho lực lượng vũ trang chặn đánh các cuộc hành quân càn quét của chúng. Hoảng sợ trước những đòn tấn công của ta, bọn phản động ở ấp Tam Lộng vội vã rút quân về thành phố. Đến cuối tháng 6 khi quân Tưởng rút khỏi Vĩnh Yên, bộ đội vệ quốc đoàn xiết chặt vòng vây bọn phản động trong thị xã, rồi dùng áp lực buộc chúng phải thống nhất hành chính, thống nhất quân đội, thực chất là buộc chúng phải đầu hàng.

Khi thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội, bọn đầu sỏ Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên họp kín, bàn mưu tính kế theo Pháp chống lại cuộc kháng chiến của ta. Đến tháng 8/1946, quân Tưởng và bọn phản động tay sai đã bị quét sạch khỏi thị xã.

Sau ngày giải phóng, theo chủ trương của Tỉnh ủy, thị xã thành lập Thị ủy (BCH gồm 5 đồng chí) do đồng chí Nguyễn Kim Bảng làm Bí thư. Năm 1946, Thị ủy gồm 3 chi bộ Đảng: Phường Đồng Tâm, Hợp Thịnh 1 chi bộ; xã Định Trung, phường Khai Quang 1 chi bộ; nội thành có 1 chi bộ gồm 15 đồng chí. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, các chi bộ Đảng dưới sự lãnh đạo của Thị ủy đã cử nhiều đảng viên đi học tập ở các lớp bồi dưỡng về Đảng, chính quyền, quân sự do tỉnh mở. Công tác tuyên truyền phát triển Đảng được chú trọng với các thành phần công nhân, dân nghèo, nông dân đã trải qua rèn luyện đấu tranh cách mạng. Do đó, số lượng đảng viên của Thị ủy được tăng lên.

Như vậy, công tác Đảng từ năm 1945-1946 đã xây dựng được một hệ thống tổ chức Đảng từ thành phố đến cơ sở với số lượng đông đảo, chất lượng đảm bảo cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của thành phố trước yêu cầu nhiệm vụ mới.

Sau 1 năm, từ tháng 8/1945 nhân dân thị xã Vĩnh Yên đã tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ, khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Hồ Chủ Tịch và được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBHC tỉnh, được sự giúp đỡ của nhân dân các huyện xung quanh và với ý chí quyết tâm cao, với niềm tin vững chắc vào Đảng, Hồ Chủ Tịch, nhân dân thị xã đã đoàn kết chặt chẽ, thống nhất hành động vững bước vượt qua thử thách giành thắng lợi vẻ vang. Chẳng những ta đã chiến thắng được giặc đói, giặc dốt mà còn đuổi được giặc Tưởng, quét sạch bọn tay sai phản động, đập tan âm mưu của kẻ thù, thành lập chính quyền nhân dân đầu tiên của thị xã. Đó chính là điều kiện cơ bản giúp cho chính quyền cách mạng và nhân dân thị xã chuẩn bị bước vào thời kỳ mới, thời kỳ củng cố và xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố


([1]) Văn kiện Đảng 1945-1954, tập I, tr 27-28.