Số với chiến dịch Biên giới 1950 điểm nơi bắt về cách đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 là

(Bqp.vn) - Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952 là chiến dịch lần đầu tiên Quân đội ta tiến công vào quân địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm trên địa bàn rộng, có sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận sau lưng địch ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1951 - 1952, đánh bại âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do của ta kể từ sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, tiếp tục giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược và chiến dịch trên chiến trường Bắc Bộ, tạo thế trận mới chưa từng có của ta trong vùng địch tạm chiếm ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt giữa Liên khu Việt Bắc với Liên khu 3 và Liên khu 4. Đó là “thắng lợi quân sự, thắng lợi chính trị và thắng lợi kinh tế. Nó đánh bại âm mưu cố gắng giành lại quyền chủ động của Tát-xi-nhi” [1].

Góp phần làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của Chiến dịch Hòa Bình là công tác chỉ đạo tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu - một trong những nhân tố giữ vai trò rất quan trọng, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nhận định, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy mở Chiến dịch Hòa Bình - yếu tố quyết định, góp phần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tiến công địch

Bước vào Thu - Đông năm 1951, địch tăng viện binh từ Pháp sang, tăng cường củng cố lực lượng, nhất là ở chiến trường Bắc Bộ (83/162 tiểu đoàn cơ động hiện có ở Đông Dương). Âm mưu của địch là giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Về phía ta, lúc này Bộ Tổng Tham mưu đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định phương hướng phát triển thế chủ động. Lúc đầu, Cơ quan Tham mưu phán đoán hướng địch có thể tiến công ta là: Miếu Môn, Ba Thá (Hà Đông), Chũ (Bắc Giang), Bình Liêu, Đình Lập (trên Đường số 4); táo bạo hơn, địch có thể đánh chiếm Hòa Bình hay Lạng Sơn nhằm ngăn chặn vận chuyển của ta và mở đầu cho một giai đoạn phản công chiến lược. Và trong khi ta đang chuẩn bị mở “Chiến dịch Liên khu 3” thì địch đánh chiếm Hòa Bình [2]. Như vậy, tuy “khả năng còn ít” nhưng dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu về địch tiến công Hòa Bình đã thành hiện thực.

Kịp thời nắm tình hình địch và đặc điểm chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị: Đình chỉ mở chiến dịch ở Liên khu 3 để mở chiến dịch tại Hòa Bình có lợi hơn vì địch mới ra chưa được củng cố. Hơn nữa, Hòa Bình là chiến trường rừng núi, ta dễ bao vây, chia cắt địch, lại tiếp giáp với khu vực tự do Việt Bắc, cơ động lực lượng và bảo đảm hậu cần thuận lợi; các đại đoàn chủ lực của ta đều đang bố trí sát gần, tranh thủ được thời gian nổ súng sớm. Mặt khác, ta không thể để địch chia cắt hành lang liên lạc và vận chuyển giữa Liên khu Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, vì sẽ gây nhiều khó khăn, phức tạp sau này. Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời dự kiến kế hoạch đối phó để báo cáo Tổng Quân ủy. Ngày 15/11/1951, tại cuộc họp mở rộng, sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình địch đánh chiếm Hòa Bình, tình hình sẵn sàng chiến đấu của bộ đội và ý kiến đề đạt mở Chiến dịch Hòa Bình, Tổng Quân ủy nhất trí đình chỉ việc mở “Chiến dịch Liên khu 3” để mở chiến dịch tại Hòa Bình. Ngay sau đó, Tổng Quân ủy đã đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cho mở chiến dịch tại Hòa Bình, chuyển thế bị động sang thế tiến công quân địch mới chiếm đóng. Hòa Bình là hướng chính, các nơi khác là mặt trận phối hợp” [3].

Nhất trí với nhận định và chủ trương của Tổng Quân ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đồng ý chuyển hướng chiến dịch về Hòa Bình, đồng thời khẳng định: “Đây là cơ hội rất tốt để mình đánh giặc. Phải thấy điều đó để tin tưởng và quyết tâm đánh và thắng” [4]. Tiếp đó, ngày 24/11/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 22 CT/TƯ “Về nhiệm vụ phá tan cuộc tấn công Hòa Bình của địch”, nêu rõ, đây là cơ hội tốt để ta đánh địch trên Mặt trận Hòa Bình, mặt trận sau lưng địch và các mặt trận khác. Đặc biệt, trong thư gửi các cán bộ, chiến sĩ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh. Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch. Bộ đội chủ lực đánh. Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực của địch, để đánh tan kế hoạch Thu - Đông của chúng” [5].

Như vậy, nhờ nắm vững và phân tích một cách khoa học, đúng đắn tình hình, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời tham mưu, đề đạt với Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Ta đã kịp thời chuyển loại hình chiến dịch phản công Hòa Bình khi địch mới tiến công ra, sang loại hình chiến dịch tiến công khi ta bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch, nhờ đó ta chuyển từ thế bị động đối phó sang thế chủ động tiến công. Bộ Tổng Tham mưu đã góp phần “sửa sai” nhận định hướng tiến công của địch trong Đông - Xuân 1951 - 1952, mở ra thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đẩy địch lún sâu vào thế bị động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Hai là, kịp thời chỉ đạo công tác chuẩn bị lực lượng, tham gia chỉ huy, xây dựng kế hoạch tác chiến sát với thực tế chiến trường

Chiến dịch Hòa Bình là chiến dịch đầu tiên không có thời gian chủ động chuẩn bị trước, mọi công tác chuẩn bị phải chạy đua với thời gian, nhằm tranh thủ đánh địch càng sớm càng tốt, khi địch chưa kịp củng cố. Do vậy, cùng với việc đề đạt Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy mở Chiến dịch Hòa Bình, Bộ Tổng Tham mưu bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị về mọi mặt.

Về điều động lực lượng: Giữa tháng 11/1951, trong khi chờ quyết định của trên, thực hiện nhiệm vụ do đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho Đại đoàn 312 chuẩn bị chiến đấu và di chuyển xuống gần Hòa Bình để bảo vệ căn cứ tiếp tế, đường vận chuyển; lệnh cho Trung đoàn 209 bám sát địch, tiêu diệt một bộ phận nhỏ của địch, giúp địa phương phân tán kho tàng; đồng thời chuẩn bị kế hoạch tác chiến để kịp thời phổ biến cho các đơn vị. Tiếp đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Liên khu Việt Bắc và Liên khu 3 lợi dụng địch sơ hở, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đến ngày 17/11, tại hậu phương, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ sơ bộ cho các Đại đoàn 308, 312, 316 và Liên khu Việt Bắc. Về công tác bảo đảm, Bộ Tổng Tham mưu chủ động trao đổi, thống nhất với Tổng cục Cung cấp bố trí các kho lương thực, vũ khí đạn dược, bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu.

Tham gia cơ quan chỉ huy chiến dịch: Là chiến dịch do Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy cả mặt trận chính và các mặt trận phối hợp, một bộ phận nhẹ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu xuống Hòa Bình trước, để kịp thời tham gia phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo tác chiến. Cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đi Chiến dịch Hòa Bình đông hơn các chiến dịch trước, có đầy đủ các bộ phận của Cơ quan Tham mưu tiền phương. Bộ phận cán bộ Bộ Tổng Tham mưu xuống Liên khu 3 từ cuối tháng 10 được lệnh ở lại giúp Bộ Chỉ huy Mặt trận phía Nam Hòa Bình. Lúc này, Sở Chỉ huy Tiền phương bố trí ở Đồng Lương, Cẩm Khê (Phú Thọ). Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng và thành lập Đảng ủy Chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Phó Bí thư. Việc tổ chức và hoàn thiện cơ quan chỉ huy chiến dịch do đồng chí Tổng Tư lệnh chỉ huy, góp phần quan trọng vào thành công trong chỉ đạo tác chiến chiến dịch.

Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tác chiến và dự kiến trên các hướng: Thực hiện chỉ thị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến và dự kiến trên các hướng. Trong đó, xác định hướng chính Hòa Bình, ta sử dụng lực lượng gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 304) cùng Đại đoàn Công pháo 351. Trên mặt trận phối hợp, gồm các Đại đoàn 316, 320 và các trung đoàn đẩy mạnh tiến công địch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam, Ninh Bình… Ở các chiến trường xa, các đơn vị chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động ở đồng bằng Bình - Trị - Thiên; Liên khu 5 và Nam Bộ tùy điều kiện để tích cực phối hợp. Ngoài ra, Bộ Tổng Tham mưu cũng kịp thời chỉ đạo các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch bảo đảm, tác chiến của đơn vị mình theo các tình huống đã dự kiến. Đến ngày 01/12/1951, Tổng Quân ủy họp mở rộng thông qua kế hoạch tác chiến.

Như vậy, chỉ trong khoảng một tháng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu kịp thời chỉ đạo công tác chuẩn bị, tham gia Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến, sử dụng bộ đội chủ lực tiến công địch trên cả mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, nhằm đập tan ý đồ của địch muốn chiếm đóng Hòa Bình, cắt đứt đường tiếp tế của ta, đồng thời chỉ đạo đánh mạnh vùng địch hậu của chúng, giành thế chủ động chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Ba là, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, hiệu quả hoạt động phối hợp tác chiến giữa hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, giữa hai phương thức tác chiến chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích

Cùng với tổ chức, sử dụng và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thứ quân, việc tổ chức mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, tác chiến chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích ở các loại hình chiến dịch là nét nghệ thuật đặc sắc và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Thực tiễn Chiến dịch Hòa Bình cho thấy, mặc dù lúc đầu ta không kịp mở chiến dịch phản công địch, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển thành chiến dịch tiến công, đồng thời chủ trương mở mặt trận mới - mặt trận sau lưng địch, chủ yếu là trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trong một kế hoạch tác chiến chiến lược thống nhất, gồm 2 hướng: Mặt trận Hòa Bình và Mặt trận trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Nhờ đó, Bộ Tổng Tham mưu có điều kiện tổ chức thực hiện đầy đủ nhất ý định của trên là phối hợp tác chiến giữa lực lượng ở mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, phát huy hiệu quả của từng mặt trận, bổ trợ lẫn nhau giữa hai mặt trận, cùng hoàn thành mục đích chiến dịch. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên, ta hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa mặt trận chính diện và sau lưng địch, là một sáng tạo mới trong chỉ đạo chiến dịch có tầm chiến lược, một đòn chiến lược hiểm, góp phần vào cải thiện tình hình vùng sau lưng địch có lợi cho ta, đồng thời phối hợp đắc lực với hướng chính diện, buộc địch không thể kéo dài tình trạng lực lượng bị căng kéo, cuối cùng phải rút khỏi mặt trận Hòa Bình.

Ở hướng chính diện, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng những đơn vị của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 304 linh hoạt trong tiến công tiêu diệt các mục tiêu then chốt, lần lượt chiếm được các cứ điểm quan trọng trên phòng tuyến Sông Đà - Ba Vì, cũng như ven thị xã Hòa Bình và Đường số 6. Trong những trận đánh quan trọng, Bộ Tổng Tham mưu đều cử phái viên theo sát đội hình các đơn vị tiến công, kịp thời có những điều chỉnh tình huống phát sinh. Trong các đợt tiến công, Cơ quan Tham mưu chủ trì tổ chức, hiệp đồng giữa các đơn vị, Tham mưu trưởng các đơn vị và cán bộ của Cơ quan Tham mưu xuống trực tiếp động viên bộ đội, nghiên cứu bổ sung vũ khí, chấn chỉnh lại tổ chức, xây dựng quyết tâm và hướng dẫn phương thức hoạt động. Đồng thời, sau mỗi đợt chiến dịch, Cơ quan Tham mưu đã kịp thời xuống đơn vị gặp khó khăn để chỉ đạo và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm chiến đấu, phối hợp làm việc với Cơ quan Cung cấp chuẩn bị vật chất cần thiết, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày đến khi kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Phối hợp tác chiến với Mặt trận Hòa Bình, ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy Mặt trận đồng bằng, các đơn vị chủ lực của Đại đoàn 316 và Đại đoàn 320 đánh nhiều trận tiêu diệt địch, phá hủy nhiều đồn bốt, hỗ trợ mạnh mẽ phong trào du kích chiến tranh ở các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Phần lớn kết quả bình định Đồng bằng Bắc Bộ theo Kế hoạch Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi của địch đã bị phá vỡ. Coi trọng tác chiến chính quy và tác chiến du kích ở vùng địch hậu, Bộ Tổng Tham mưu cử phái viên theo đội hình Đại đoàn 320 sang hoạt động ở Tả ngạn sông Hồng. Tiếp đó, ngày 14/01/1952, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái [6] xuống Liên khu Việt Bắc và Đại đoàn 316 truyền đạt chỉ thị của Trung ương Đảng về chỉ đạo chiến tranh du kích ở vùng địch hậu, phát triển đi đôi với củng cố, chuẩn bị đánh địch càn quét. Ở các chiến trường xa, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cơ quan Tham mưu các đơn vị làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt đồn bốt, phá kìm kẹp, giải phóng dân.

Thành công của Bộ Tổng Tham mưu trong chỉ đạo hoạt động phối hợp tác chiến giữa hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, giữa hai phương thức tác chiến chiến tranh chính quy và du kích trong Chiến dịch Hòa Bình đã “đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiến hành một cuộc tiến công chiến lược quy mô rộng lớn, đạt yêu cầu cao” [7]. Ta đánh bại âm mưu giành lại thế chủ động của địch, buộc chúng phải quay về phòng ngự chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh.

Bốn là, chỉ đạo vận dụng các phương thức tác chiến, hình thức chiến thuật đúng đắn, sáng tạo, giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trong bối cảnh địch đã tổ chức chiếm đóng thành hai phân khu chính: Hòa Bình và Sông Đà. Chúng đang gấp rút củng cố công sự tương đối kiên cố, lực lượng đông, một nửa là lính Âu - Phi, phần lớn thuộc các binh đoàn cơ động tương đối mạnh, lại có sự chi viện trực tiếp của không quân, pháo binh và xe tăng. Ta tiến hành tác chiến theo nguyên tắc của nghệ thuật chiến dịch tiến công tiêu diệt địch phòng ngự trong hệ thống trận địa kiểu tập đoàn cứ điểm. Với tư tưởng chỉ đạo tác chiến là tích cực tiêu diệt sinh lực địch, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, chỉ đạo vận dụng phương châm tác chiến “đánh điểm diệt viện” và “liên tục chiến đấu” là hoàn toàn đúng đắn. Dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, ta “đánh điểm” nhiều trận hiệu quả cao, như: Tập kích điểm cao 600, điểm cao 400, diệt trận địa pháo địch trong thị xã Hòa Bình; một số trận “diệt viện” hiệu quả trên sông Đà hay trận Gốp Bộp của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, mặc dù ta bị thương vong nhiều… Tuy nhiên, trong nhiều trận đánh, ta chọn đúng “điểm”, nhưng lại chưa thật gắn với “diệt viện”, chưa chuẩn bị kịp lực lượng, trận địa cảnh giới cũng không chặt chẽ, nên nhiều lần bỏ lỡ cơ hội diệt viện binh địch, nhất là ở khu vực Ba Vì hoặc không tiêu diệt được bộ phận cuối cùng khi chúng rút chạy khỏi Hòa Bình.

Cùng với đó, căn cứ diễn biến tình hình và những bước phát triển của chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời ban hành chỉ thị về vận dụng chiến thuật, nâng cao hiệu suất trong chiến đấu. Theo đó, ta thực hiện đúng nguyên tắc tập trung ưu thế về binh lực, thực hiện bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch. Tập trung binh lực ở một điểm để tiến công, đồng thời bố trí lực lượng hai đến ba mặt để bao vây, tiêu diệt địch. Phát huy lối đánh gần để hạn chế ưu thế hỏa lực pháo binh, máy bay địch và khoét sâu chỗ yếu về mặt tinh thần của chúng. Ở hướng chính diện, cơ quan tham mưu chiến dịch trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vận dụng tốt các hình thức chiến thuật phù hợp với từng địa bàn, như đánh công kiên và vận động; tránh chỗ địch mạnh (thị xã Hòa Bình), đánh trúng chỗ địch yếu (vận động trên Đường số 6 và trên sông Đà); triệt đường tiếp tế, tăng viện của địch (trên bộ và trên sông); phát triển nhiều cách đánh như sử dụng một lực lượng tinh nhuệ tập kích tiêu diệt các điểm cao, trận địa pháo; sử dụng lực lượng lớn để đánh phục kích trên bộ, trên sông với sự hỗ trợ của pháo binh. Do vậy, ta đã lần lượt tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng của địch, như: Tu Vũ, điểm cao 600, điểm cao 400, diệt trận địa pháo trong thị xã Hòa Bình..., loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, làm tê liệt đường tiếp tế trên sông, trên bộ, cô lập hoàn toàn thị xã Hòa Bình, buộc địch phải rút quân.

Trong khi đó, ở mặt trận sau lưng địch, cơ quan tham mưu chỉ đạo các đơn vị phát triển “đánh điểm diệt viện”, kết hợp với đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, tiến công và nổi dậy của quần chúng. Trong đó, nổi bật là trận ta đưa Trung đoàn 48 luồn sâu vào lòng địch, tập kích Phát Diệm (Ninh Bình), kết hợp trận đánh “diệt viện” của Trung đoàn 52 khi chúng đưa lực lượng tăng viện cho Phát Diệm…, mở ra nhiều triển vọng về vận dụng chiến thuật cho các chiến dịch sau này.

Có thể khẳng định, quá trình chuẩn bị, tham gia giúp Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Bộ Chỉ huy Chiến dịch điều hành Chiến dịch Hòa Bình và chỉ đạo, chỉ huy các mặt trận phối hợp chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược, chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch. Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham mưu cũng còn một số khuyết điểm, như: Phán đoán sai tình huống ban đầu, khi cho rằng địch ít có khả năng đánh ra Hòa Bình và về cuối chiến dịch thì lại chưa dự kiến đúng thời gian địch rút khỏi Hòa Bình nên đối phó bị động và lúng túng; trong chỉ thị vận dụng chiến thuật có những điểm còn chung chung và công tác đôn đốc, kiểm tra một số trận đánh chưa tốt [8].

Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bất ổn, nhất là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng hơn; đối tác, đối tượng chuyển hóa mau lẹ; các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa” Quân đội, hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chống phá Quân đội ta. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao, đòi hỏi phải dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, đề xuất các đối sách hợp lý để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược trong mọi tình huống. Từ thực tiễn công tác tham mưu, chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Hòa Bình có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu vận dụng trong công tác tham mưu chiến lược:

Một là, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiến nghị với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Bộ Tổng Tham mưu cần nắm vững và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, cụ thể là: “Thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác” [9]; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị của Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tăng cường công tác nghiên cứu, nắm tình hình, phân tích, đánh giá và dự báo chiến lược chính xác đối tác và đối tượng, kịp thời đề xuất các chủ trương, đối sách đúng đắn, xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống. Chủ động tham mưu, soạn thảo kế hoạch, nội dung về chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc, dự kiến tình huống có thể xảy ra và các biện pháp đối phó, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, ngăn chặn xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Trong đó, cần xác định đúng hướng, đúng mục tiêu chiến lược cả trước mắt và lâu dài để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia cả trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiến nghị với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý hiệu quả các tình huống an ninh phi truyền thống, như: “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, khủng bố, an ninh mạng, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Chú trọng chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược, nhất là cán bộ chủ trì và đội ngũ chuyên gia của Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng làm căn cứ xác định, bổ sung, phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam; tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiến nghị với Đảng, Nhà nước định ra các thể chế và hoạch định chính sách đối với lực lượng vũ trang và những vấn đề liên quan đến quốc phòng.

Hai là, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, lực lượng dự bị hùng hậu. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ [10]. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu chủ động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trước mắt, chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tổ chức QĐND Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2020 - 2025)”, điều chỉnh tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh; cơ cấu đồng bộ, hợp lý; tập trung xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, làm cơ sở đến năm 2030 xây dựng QĐND Việt Nam hiện đại. Đồng thời, cần làm tốt công tác tham mưu, tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Tiếp tục chỉ đạo toàn quân đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, môi trường tác chiến và các tình huống phức tạp; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, với diễn tập nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; giữa các đơn vị chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ; gắn diễn tập với luyện tập các phương án, kế hoạch tác chiến trên các hướng chiến trường, địa bàn chiến lược, góp phần nâng cao sức mạnh của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh cả về tiềm lực và thế trận, chú trọng thế trận quân sự và thế trận lòng dân. Theo hướng đó, Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ, “Về xây dựng khu vực phòng thủ” và Kết luận số 57-KL/TW ngày 16/9/2019 của Bộ Chính trị, “Về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”; đặc biệt là định hướng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” [11], cũng như thấu suốt quan điểm: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” [12]. Tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp tăng cường tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân; chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội và an ninh; chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, khả năng phòng thủ quốc gia, ưu tiên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm cả trên đất liền, trên không, biển, đảo và không gian mạng, phù hợp tình hình mới. Tập trung nghiên cứu điều chỉnh lực lượng, hoàn chỉnh thế bố trí chiến lược, sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược (nếu xảy ra) ở các loại hình và quy mô khác nhau. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nhận thức rõ vai trò của quốc phòng, an ninh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đối ngoại quốc phòng với các lực lượng liên quan, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, đối sách phù hợp và những vấn đề về quan hệ quốc phòng, góp phần xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội, đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.

Nhìn lại 70 năm, chúng ta cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn ý nghĩa, giá trị to lớn của Chiến dịch Hòa Bình, trong đó có vai trò chỉ đạo trực tiếp, rất quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu. Những bài học quý về công tác tham mưu, chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu trong Chiến dịch Hòa Bình vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

[1] - Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập IV, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1963, tr. 210.

[2] - Sau khi hoàn thành đánh chiếm Hòa Bình, thực dân Pháp tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu chính: Phân khu sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và Phân khu Hòa Bình - Đường số 6 (khu Nam). Riêng trong thị xã Hòa Bình, địch hình thành một tập đoàn cứ điểm, gồm 28 vị trí (công sự) lớn nhỏ xây dựng bằng gỗ, đất, gạch đá (về sau được gia cố bằng bê tông cốt sắt), có hàng rào dây thép gai bao bọc. Phân khu Nam Hòa Bình trở thành hệ thống cụm cứ điểm mạnh - một hình thức tổ chức chiếm đóng quy mô tương đối lớn, lần đầu tiêu xuất hiện ở chiến trường Đông Dương. Ngoài ra, còn có Phân khu Chợ Bến là tiền đồn phía Đông bảo vệ Hòa Bình. Tổng số binh lực địch trên địa bàn Hòa Bình có 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội công binh và 1 trung đội xe tăng.

[3] - QĐND Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H, 2015, tr. 381.

[4] - Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập IV, Tlđd, tr. 55.

[5] -  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.242.

[6] - Lúc này đã trở lại hậu phương giúp trên chỉ đạo các chiến trường phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích. Nhiệm vụ Tham mưu trưởng Chiến dịch do đồng chí Hà Văn Lâu - Cục trưởng Cục Tác chiến đảm trách.

[7] -  Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), H, 1991, tr. 46.

[8] -  QĐND Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Sđd, tr. 410.

[9] -  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr. 160.

[10] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, tr. 157 - 158.

[11] -  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, tr. 157.

[12] -  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, tr. 110.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Video liên quan

Chủ đề