So với vương quốc chăm-pa, tổ chức xã hội của vương quốc phù nam có điểm gì khác biệt?

Cuộc khảo cứu trong suốt một thời gian dài của nhà khảo cổ L.Malleret đã làm sáng tỏ một nền văn hóa cổ đã từng tồn tại ở vùng đất Đồng Bằng sông Cửu Long vào khoảng 2000 năm trước và nền văn hóa này từ lâu đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Đó chính là nền văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa cổ có sức lan tỏa lớn mạnh ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy những di vật của nền văn hóa Óc Eo thuộc nội hàm của một vương quốc cổ đã từng tồn tại ở đây – đó là vương quốc Phù Nam mà trong những thư tịch cổ Trung Hoa đã từng đề cập tới. Các nhà khảo cổ học đã đánh thức những di vật để trả nó về với giá trị lịch sử của nó – và chính những di vật này không xa lạ gì nữa nó ứng với thời kỳ tồn tại, phát triển và suy vong của vương quốc Phù Nam.

Tên gọi Phù Nam xuất phát từ Founan trong thư tịch cổ của Trung Quốc mà theo các nhà nghiên cứu cho rằng nó xuất phát từ ngôn ngữ Khmer cổ Bnam – có nghĩa là Vua Núi.Theo truyền thuyết thì vị vua đầu tiên của Phù Nam tên là Hỗn Điền – một thân vương của Ấn Độ đêm nằm mộng thấy thần ban cho cung tên bảo đi về hướng Nam, chàng dong buồm đi theo lời chỉ dẫn của thần và đã tới được đất Phù Nam lúc bấy giờ do Liễu Diệp – một thủ lĩnh các bộ lạc cầm đầu. Hỗn Điền đã chiến đấu thắng Liễu Diệp và cùng Liễu Diệp nên vợ chồng và ông đã trở thành vua của Phù Nam, khai sáng nên một vương quốc phát triển hết sức hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ, và cùng con cháu cai trị vương quốc này với hơn 13 đời vua Phù Nam.

Vị trí Phù Nam nằm cách 3000 dặm về phía Nam của nước Lâm Ấp (một đất nước cổ đại ở miền Trung Việt Nam), được biết đến như là một vương quốc phát triển hùng mạnh trong lĩnh vực thương nghiệp, Phù Nam đã khống chế nền thương mại hàng hải của khu vực Đông Nam Á, chi phối cả con đường hương liệu. Phù Nam đã bành trướng thế lực của mình đối với các quốc gia khác, mở rộng lãnh thổ, kiểm soát cả vùng đất phía Đông Lâm Ấp, phía Nam sông Mê Nam (Thái Lan) và cả phần phía Bắc bán đảo Malaysia. Cũng chính vì Phù Nam bành trướng thế lực ra bên ngoài trong suốt một thời gian dài, cùng với đó là chính sách chia để trị (cho các con mình cai quản các vùng đất) kéo theo những ảnh hưởng về kinh tế, xã hội…đồng thời do ảnh hưởng của môi trường lúc bấy giờ dẫn đến Phù Nam ngày càng bị suy thoái và cuối cùng đi tới sự diệt vong của đế quốc để nhường chỗ cho một vương triều khác nắm quyền – Chân Lạp.

Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Phù Nam đã phát triển toàn diện trên lĩnh vực kinh tế. Đầu tiên phải kể đến nông nghiệp, với mạng lưới sông ngòi dày đặc tận dụng lượng phù sa bồi đắp thì cư dân Phù Nam đã gieo trồng được loại lúa trời Oryza Prosativa và Oryza nivara proparte. Dấu tích của những giống lúa này còn lại rất nhiều ở những đồ đựng lớn bằng gốm, Cà Ràng, Gạch…Ngoài trồng lúa, cư dân Phù Nam còn trồng một số cây như cam, thạch lựu, mía đường, dừa, hồ tiêu…Đặc biệt là trồng rất nhiều cau. Các tư liệu để lại cho biết cư dân Phù Nam còn dùng một loại cây giống thạch lựu để chế biến ra rượu uống. Sự ổn định của nền nông nghiệp là tiền đề cho sự phát triển của các ngành nghề thủ công nghiệp. Thủ công nghiệp Phù Nam đã đạt đến trình độ cao với sự chuyên môn hóa các ngành nghề thủ công như nghề mộc, nghề đá, nghề tạc tượng, nghề làm gạch ngói và vật liệu trang trí bằng đất nung, nghề xây dựng, nghề đóng thuyền, nghề làm đồ gốm với phương pháp nặn tay, bàn xoay có sự hỗ trợ của nhiều dụng cụ làm gốm, bàn dập hoa văn, bàn xoa, nghề dệt, nghề đúc thủy tinh, nghề luyện kim như luyện kim đồng, luyện kim sắt, thiếc. Đặc biệt đỉnh cao là nghề kim hoàn của Phù Nam, những người thợ Phù Nam có trình độ và kỹ thuật cao trong việc chế tác và chạm trỗ những sản phẩm vàng, bạc như đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, thủy tinh. Sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Phù Nam đồng thời tận dụng vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển thương mại, buôn bán nên Phù Nam nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động thương nghiệp nội địa bằng chứng cụ thể của nền thương nghiệp đó là việc phát hiện nhiều loại đồng tiền bằng vàng, bạc, bằng đồng, nhiều đồng tiền được cắt tư, cắt tám để làm tiền lẻ cùng nhiều lá vàng cắt nhỏ có hình dạng, kích thước và trọng lượng gần giống nhau cùng với những con nêm bằng chì, con dấu bằng kim loại, bằng đá đã nói lên sự sôi động trong phát triển thương nghiệp của Phù Nam. Ngoài việc chú trọng phát triển thương nghiệp nội địa, Phù Nam còn vương ra nền thị trường quốc tế qua trao đổi, buôn bán hàng hóa với một số nước như Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã…qua cảng  thị Nền Chùa, Óc Eo. Dấu vết ở Nền Chùa là những vết tích của một cảng thị lớn đã từng là nơi buôn bán khá nhộn nhịp của các thuyền buôn. Ngoài ra, những đồng tiền và mảnh cắt tiền của Phù Nam còn tìm được tại các vùng đất ven vịnh Thái Lan, ở Myanmar và bán đảo Mã Lai. Điều này cho thấy cả một dòng thương nghiệp nối liền Óc Eo với Ấn Độ Dương bằng đường thủy thông qua vịnh Thái Lan. Mặc khác, các nhà khảo cổ học còn tìm được vùng Đồng bằng sông Cửu Long những đồng tiền La Mã, gương đồng Hán, đèn Ba Tư những quả cân nhỏ bằng kẽm và những con dấu (kiểu bản địa, kiểu Ấn Độ và cả kiểu Hy Lạp, La Mã) cũng là bằng chứng của một nền kinh tế thị trường mang tính quốc tế.

Song song bên cạnh phát triển kinh tế thì vấn đề đời sống xã hội của cư dân Phù Nam cũng đa dạng không kém. 

Là một xã hội nông nghiệp trồng lúa nước nên thức ăn chính của cư dân Phù Nam chính là cơm. Ngoài ra, cư dân cổ Phù Nam còn thuần dưỡng được động vật như trâu, bò, heo, gà, trồng một số rau củ quả như dừa, trám, củ năng…Đồng thời, do định cư trên vùng ngập trũng nước, sông ngòi dày đặc nên cư dân ở đây rất giỏi trong đánh bắt thủy hải sản như cá, cua, rùa…có thể đây cũng là nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn thường ngày của họ. Thú rừng cũng là thực phẩm được dùng khá nhiều trong bữa ăn do những cư dân đi săn được,  bằng chứng là tàn tích của xương động vật để lại có cả voi, tê giác, nai, lợn rừng. Cư dân Phù Nam cổ nấu thức ăn bằng nồi đất đặt trên Cà ràng, một loại lò đất có đáy giữ tro, có thể đun củi hoặc than rất thuận tiện cho vùng sông nước, có thể đặt trong nhà và cả thuyền bè. Người Phù Nam họ uống bằng cốc, ly có chân đế cao, thức uống có nước và cả rượu. Về trang phục, từ những kết quả nghiên cứu trong thư tịch cổ cũng như khảo cổ học cho thấy phụ nữ Phù Nam mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín, đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần, có khi đàn ông không mặc gì, cả nam lẫn nữ đều thích đeo đồ trang sức, bùa. Về nhà ở, để thích ứng với điều kiện sông nước đầm trũng thì cư dân Phù Nam họ định cư trên nhà sàn gỗ và thuyền bè. Qua nghiên cứu khảo cổ thấy được có những căn nhà nhỏ, đường kính đến 40 cm, phần lớn là cột tròn, một số cột được tạo cạnh bát giác, được ghép bằng mộng và chốt. Một số cấu kiện có chạm gờ tròn hay trang trí hoa văn. Dấu vết mái lợp nhà được cư dân sử dụng bằng lá dừa nước như đã phát hiện ở di chỉ Gò Thành, Chợ Gạo, Tiền Giang. Phần lớn gỗ dùng làm nhà thuộc họ dầu gồm kiền kiền, sao, trai, cà chắc, giáng hương…Ở sườn núi Ba Thê, một số tu sĩ sống trong những ngôi đền xây kiên cố gồm nền phòng ốc, sân trong và cống nước. Ngoài ra, ở di chỉ Gò Tháp, trong một hỏa táng bằng gạch đã tìm thấy mảnh lá vàng có chạm hình một ngôi nhà thuộc nhà dựng bằng bốn cột, nóc nhọn, mái xiên gần thẳng.

Về phương tiện đi lại, cư dân cổ Phù Nam dùng thuyền bè đi lại trên sông nước, dùng súc vật như voi, trâu, ngựa để duy chuyển trên bộ. Những tư liệu cổ của Trung Hoa còn ghi chép lại khá rõ ràng, ngoài ra khảo cổ học còn ghi nhận vết tích của những con thuyền cổ tìm được ở nhiều nơi như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, con dấu khắc hình thuyền buồm ở di chỉ Nền Chùa (Kiên Giang), hình người ngồi trên xe, hình bánh xe trên lá vàng ở di chỉ Đá Nổi, Giồng Xoài (An Giang), Kè Một (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) đã minh chứng cho việc sử dụng phương tiện đi lại của cư dân lúc bấy giờ.

Trong đời sống tinh thần của mình, cư dân Phù Nam có những hoạt động vui chơi như chọi gà, chọi heo, đổ xí ngầu, chơi cờ ( như ở di chỉ Gò Tháp đã tìm được 6 hột xí ngầu bằng đất nung có chấm lỗ từ 1 nút đến 6 nút, hay những quân cờ hình ngựa cũng được tìm thấy ở Óc Eo, Gò Tháp…) đã chứng minh cho hoạt động vui chơi của cư dân nơi đây. Trẻ em cũng có thể tham gia như lò cò (rất nhiều mảnh gốm ghè tròn được tìm thấy), lúc lắc bẳng gốm, chuông gốm, có cả bi gốm để bắn đạn. Trên những lục lạc, xập xõa bằng đồng được tìm thấy ở nhiều nơi có hình nữ nhạc công chơi đàn, hình nam nhạc công đánh xập xõa trên gốm cũng cho thấy được âm nhạc có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của cư dân Phù Nam. Trong quan niệm về thế giới người chết của cư dân Phù Nam thì họ quan niệm chết là tiếp tục tái sinh ở một thế giới khác, người chết khi về bên kia thế giới cũng sinh hoạt giống như người bình thường nên họ thường chôn theo nhiều di vật như đồ gốm, đồ trang sức, công cụ…Cư dân Phù Nam có 4 cách táng thức đó là thủy táng, tức là quẳng xác xuống dòng nước ở sông đại giang, hỏa táng, tức là đốt xác ra tro, thổ táng, tức là chôn xác xuống một cái huyệt, điểu táng, tức là bỏ xác ở ngoài đồng (cho chim ăn). Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy cách táng thức Phù Nam khá đa dạng như chôn người chết trong chum (trường hợp ở di tích Nam Linh Sơn Tự, ở Phú Quốc), mộ huyệt đất (trường hợp ở Gò Cây Tung, Gò Tư Trâm…). Đặc biệt phổ biến là mộ hỏa táng bằng gạch hình vuông có chôn theo nhiều vàng được tìm thấy ở hầu hết các di tích thuộc văn hóa Óc Eo mang đậm ảnh hưởng của Bà La Môn giáo. Vấn đề tín ngưỡng tôn giáo của Phù Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ mà tiêu biểu đó chính là Bà La môn giáo và Phật giáo thể hiện qua những phế tích đền thờ, mộ thờ, bia ký, tượng Phật, tượng thần Bà La môn giáo như Siva, Visnu, Shiva…, phù điêu, bùa đeo, con dấu, hình khắc trên kim loại, lá vàng được tìm thấy trong hầu hết các di chỉ khảo cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh sự du nhập khá sớm của những tôn giáo này vào Phù Nam và nó có sức ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của người Phù Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng ngay từ rất sớm ở miền Nam Việt Nam đã tồn tại một vương quốc phát triển khá hùng mạnh – đó chính là vương quốc Phù Nam. Vương quốc này tồn tại song song với Lâm Ấp, Chăm Pa (ở miền Trung Việt Nam) và Văn Lang (ở miền Bắc Việt Nam) cùng phát triển tạo dựng bản sắc văn hóa cổ của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và chúng ta luôn luôn tự hào về văn hóa Óc Eo, bởi chính nền văn hóa này đã khẳng định tính bản địa, làm rõ được chính những bộ lạc cổ đã cư ngụ lâu đời tại vùng đất này để rồi sau đó trải qua quá trình chống chọi và chinh phục thiên nhiên để tiến tới thành lập vương quốc Phù Nam. Và cũng chính vì vậy, chúng ta cần ra sức bảo tồn, phát huy và tuyên truyền những giá trị của văn hóa Óc Eo để nền văn hóa này được tất cả mọi người biết đến.

 

So với vương quốc chăm-pa, tổ chức xã hội của vương quốc phù nam có điểm gì khác biệt?

Xí ngầu tìm được ở Gò Tháp (Tháp Mười) đợt khai quật 2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Đào Linh Côn (2010), Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, Tư liệu Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

2.Lương Ninh (2005), Vương quốc Phù Nam lịch sử và văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.

3.Paul. Pelliot (1903), Nước Phù Nam, tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Bản dịch Lê Phước 1964)

4.Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (2008), Văn Hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam – Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo, Nhà xuất bản Thế giới.

5.Đặng Văn Thắng (2013), Báo cáo khai quật di tích Gò Tháp (Tháp Mười – Đồng Tháp), Tư liệu Bộ môn Khảo cổ Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

 La Ngọc Điệp