Tại sao nguyễn văn bình bị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng CSVN (1) vì những vi phạm nghiêm trọng khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên bất kể hình thức xử lý thế nào, thậm chí có tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Bình thì câu hỏi thế nào là thích đáng cũng sẽ không có câu trả lời!..

***

Ông Bình trở thành trụ cột của NHNN (Phó Thống đốc) từ năm 2008. Tới 2011 thì trở thành Thống đốc NHNN và sau khi thôi làm Thống đốc NHNN (2016), ông Bình là thành viên Bộ Chính trị, kiêm Trưởng Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng.

Theo UBKT của BCH TƯ đảng CSVN thì cần kỷ luật ông Bình vì trong thời gian là Thống đốc NHNN (2011 – 2016) ông đã: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng - ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.

“Cáo trạng” của UBKT BCH TƯ đảng CSVN khiến người ta buồn cười vì lẽ nào… đảng có mặt như mù, tới bây giờ mới thấy sai phạm của ông Bình gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của NHNNN và cá nhân ông Bình?

***

Khoảng một năm sau khi ông Bình trở thành Thống đốc NHNN, tháng 8 năm 2012, Global Finance đã “bầu” ông là 1/20 Thống đốc NHNN kém cỏi nhất trên thế giới (2). Còn NHNN thì được xếp vào nhóm mười ngân hàng trung ương tệ nhất thế giới (3).

Sau khi trở thành Thống đốc NHNN, ông Bình trở thành người chỉ đạo thực hiện đợt “tái cơ cấu ngân hàng” lần thứ ba (đợt một 2000 – 2003 vì tác động của khủng hoảng tài chính châu Á, đợt hai 2005 – 2008 vì gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO).

Trong đợt “tái cơ cấu ngân hàng” lần thứ ba (2012 – 2015), NHNN xóa sổ một số ngân hàng thương mại (NHTM), cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất NHTM nông thôn với công ty tài chính cổ phần hay chuyển thành NHTM đô thị, sáp nhập các NHTM vào với nhau. So với hai đợt “tái cơ cấu ngân hàng” trước đó, đợt thứ ba không có gì mới. Chín ngân hàng được xếp vào loại cần “tái cơ cấu” lần này đều đã từng được “tái cơ cấu” trong hai đợt trước chỉ khác ở chỗ quy mô tài sản lớn hơn và phức tạp hơn.

Năm 2012, NHNN dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình loan báo, tỉ lệ nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 8,82% chứ không phải chỉ khoảng 4,47% như… NHNN thời tiền nhiệm của ông Bình từng công bố. Ông Bình được xem là người có… công giảm nợ xấu xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống tín dụng tại Việt Nam đã cho vay. Tuy nhiên, một năm sau khi ông Bình thôi làm Thống đốc, tháng 6 năm 2017, NHNN thú thật, tỉ lệ nợ xấu là… 17,21%.

Giữa năm 2017, lúc đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ Việt Nam mới tiết lộ, tỉ lệ nợ xấu như vừa kể (17,21%) tương đương… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân (4)! Không chỉ có chừng đó. “Tái cơ cấu ngân hàng” dưới sự điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn tạo ra hàng loạt đại án liên quan tới hệ thống ngân hàng!

Đáng chú ý là đại án ngân hàng nào cũng gây thiệt hại ở mức hàng ngàn tỉ: Đại án Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank thiệt hại 2.500 tỉ. Đại án ACB – Nguyễn Đức Kiên thiệt hại khoảng 3.000 tỉ. Đại án Vietin Bank - Huỳnh Thị Huyền Như thiệt hại 4.911 tỉ. Đại án Ocean Bank - Hà Văn Thắm thiệt hại hơn 5.300 tỉ. Đại án Ngân hàng Phương Nam – Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) – Trầm Bê thiệt hại khoảng 15.000 tỉ. Đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) - Phạm Công Danh thiệt hại 18.000 tỉ,…

Dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN còn có… sáng kiến mua lại ba NHTM (VNCB, Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) với giá… 0 đồng. Tuy NHNN giải thích, quyết định mua lại ba ngân hàng với giá… 0 đồng nhằm tiếp tục “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, bảo vệ an ninh kinh tế - tài chính quốc gia nhưng hai năm sau (10/2017), KTNN cảnh báo: Cả ba vẫn thế, tiếp tục thua lỗ lớn, chủ sở hữu tiếp tục phải rót thêm vốn, nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ lỗ thêm nhiều ngàn tỉ đồng (5).

***

Chưa ai tính xem nợ xấu của hệ thống ngân hàng làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ? Nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân? Tại sao hàng trăm triệu người phải chia nhau gánh chịu hậu quả?

Bởi tạo ra nợ xấu, các “đại gia” đã phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành “đại gia” tung hoành ngang dọc một thời thì sao? Chẳng lẽ chỉ có ông Bình chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ các cá nhân nhất trí đưa ông vào BCH TƯ đảng, qui hoạch ông làm Thống đốc, khi trách nhiệm của ông đã rõ như ban ngày, còn tiếp tục “thổi” ông vào Bộ Chính trị vẫn vô can?

Cứ vài tháng, UBKT của BCH TƯ đảng lại công bố kết quả một đợt… kiểm tra. Hết viên chức này tới viên chức khác hoặc bị UBKT của BCH TƯ đảng trực tiếp xử lý kỷ luật hoặc bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét - kỷ luật. Kết quả các đợt kiểm tra ấy chỉ mới cho thấy một điều, tổ chức đảng ở cấp nào, ngành nào cũng gây họa nghiêm trọng, cũng đã từng làm dư luận xôn xao nhưng không ai thèm xem, chẳng nơi nào thèm xét cho tới khi… đột nhiên đảng cảm thấy… hứng thú không rõ lý do!

Kết quả các đợt kiểm tra ấy còn chỉ ra thêm một điều nữa là “tự chỉnh đốn” giống như “bới bèo”. Có thể cứ “bới” thì sẽ ra vô số “bọ” nên đảng chọn cả lúc để “bới” và “điểm” để “bới”.

“Tự chỉnh đốn” là chuyện của đảng, đảng muốn tự “chỉnh”, tự “đốn” thế nào cũng được nhưng đảng nên trả lời cho rõ ràng, sòng phẳng, tại sao khăng khăng giành – giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mà đảng không đả động gì tới trách nhiệm khi thất thoát công thổ, công sản, công quỹ tính bằng trăm tỉ này, đến ngàn tỉ khác, khi không ngừng vay mượn, không ngừng chi tiêu cho hết dự án này đến công trình khác nhưng cuối cùng chỉ có nợ nần liên tục gia tăng?

Khẳng định “tự chỉnh đốn”, thề chống tham nhũng nhưng không chặn ngay, xử liền, thậm chí đã có đầy đủ dấu hiệu cho thấy các “đồng chí” ấy đang nhũng lạm mà vẫn lựa chọn – sắp đặt làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì ai tin?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/de-nghi-xem-xet-ky-luat-uy-vien-bo-chinh-tri-nguyen-van-binh-20201103173026077.htm

(2) https://www.gfmag.com/awards-rankings/best-banks-and-financial-rankings/worlds-top-central-bankers2012

(3) https://www.businessinsider.com/the-10-worst-central-bankers-in-the-world-2012-8

(4) http://vietnambiz.vn/600000-ty-dong-no-xau-90-la-tien-cua-dan-10-la-cua-ngan-hang-23297.html

(5) http://plo.vn/thoi-su/sau-khi-duoc-mua-lai-0-dong-ca-3-ngan-hang-van-lo-nang-735619.html

Tại sao nguyễn văn bình bị kỷ luật

Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo.

Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành văn bản số 13678-CV/VPTW gửi một số  cơ quan báo chí về việc công bố tin Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, ngày 6/11/2020, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những vi phạm, khuyết điểm sau:

Một là, chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Hai là, vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.

Ba là, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.

Bốn là, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm  việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng. Không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền.

Năm là, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.

Như vậy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm cá nhân của đồng chí trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cá nhân đồng chí.

Trong quá trình kiểm điểm, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của đồng chí đối với Đảng, Nhà nước; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo./.