Tại sao phải ước lượng và kiểm soát rủi ro

Mục lục bài viết

  • 1. Cơ sở pháp lý về quản lý rủi ro tín dụng
  • 2. Rủi ro tín dụng là gì? Tác hại của rủi ro tín dụng đối với ngân hàng là gì?
  • 3. Quản lý rủi ro tín dụng như thế nào ?
  • 3.1. Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, hạn mức rủi ro tín dụng
  • 3.2. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ
  • 3.3. Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng
  • 3.4. Thẩm định cấp tín dụng
  • 3.5. Quản lý tín dụng và quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề

Kính chào công ty luật Minh Khuê. Tôi tên là Nhật Minh hiện tại sinh sống và làm việc tại Nha Trang. Tôi đang nghiên cứu pháp luật về các rủi ro trong hoạt động ngân hàng để phục vụ cho công việc của mình. Nhưng do kỹ năng tìm kiếm thông tin pháp lý chưa có nên tôi có vướng mắc mong được luật sư giải đáp. Xin luật sư cho biết Rủi ro tín dụng là gì? Và quy định pháp luật hiện hành về quản lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại?

Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý về quản lý rủi ro tín dụng

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010(Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017)

- Thông tư 41/2016/TT-NHNNtỷ lệ an toàn ngân hàng chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Thông tư 13/2018/TT-NHNNkiểm soát nội bộ ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Thông tư 40/2018/TT-NHNN

2. Rủi ro tín dụng là gì? Tác hại của rủi ro tín dụng đối với ngân hàng là gì?

Khoản 24 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN giải thích:

Rủi ro tín dụng bao gồm:

Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các giao dịch quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.

Có thể thấy hoạt động tín dụng là hoạt động cơ bản của ngân hàng, cũng là hoạt động đem lại nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các hoạt động tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng gây ra tổn thất về tài chính, giảm giá trị thị trường của vốn ngân hàng, trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị thua lỗ, nghiêm trọng hơn có thể đưa ngân hàng đến bờ vực phá sản.

Rủi ro tín dụng khiến cho ngân hàng bị mất cơ hội nhận được thu nhập tiền lãi cho vay, tổn thất trước hết tác động đến lợi nhuận và sau đó là vốn tự có của ngân hàng. Thêm nữa, vốn sử dụng để cho vay chủ yếu là vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng vì vậy trong trường hợp nợ xấu quá nhiều ngân hàng phải sử dụng các nguồn vốn của mình để trả cho người gửi tiền. Đến khi ngân hàng không còn đủ nguồn vốn để trả cho người gửi tiền thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có thể dẫn đến phá sản.

Ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính, có chức năng huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế để cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay lại. Nguồn vốn cho khách hàng vay chủ yếu là từ nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân. Do đó, khi rủi ro tín dụng xảy ra, không chỉ ngân hàng chịu thiệt hại mà những khách hàng gửi tiền tại đây cũng bị ảnh hưởng.

Ngày nay hoạt động của ngân hàng mang tính xã hội hóa cao nên một khi rủi ro tín dụng xảy ra đối với ngân hàng thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế - xã hội của cả quốc gia. Nếu có rủi ro trong hoạt động tín dụng, dù chỉ ở một ngân hàng mà không được ứng cứu kịp thời thì có thể gây phản ứng dây chuyền đe dọa đến tính an toàn toàn và ổn định của cả hệ thống ngân hàng. Từ đó sẽ gây ra những bất ổn về kinh tế - xã hội.

3. Quản lý rủi ro tín dụng như thế nào ?

Chúng ta đều biết hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tiềm ẩn những rủi ro và tác hại của những rủi ro đó đối với hoạt động ngân hàng là vô cùng lớn. Bên cạnh đó sẽ còn tác động tới cả khách hàng và nền kinh tế của cả một quốc gia. Bởi vậy việc quản lý rủi ro tín dụng là điều rất cần thiết. Nội dung quản lý rủi ro tín dụng được quy định cụ thể tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN và được sửa đổi tại Thông tư 40/2018/TT-NHNN.

3.1. Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, hạn mức rủi ro tín dụng

Quản lý rủi ro tín dụng được thực hiện trong suốt quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ nhất về chiến lược:

Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây: (khoản 2 Điều 29 Thông tư 13/2018/TT-NHNN)

- Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu, tỷ lệ cấp tín dụng xấu mục tiêu theo đối tượng khách hàng, ngành, lĩnh vực kinh tế;

- Nguyên tắc xác định chi phí bù đắp rủi ro tín dụng trong phương pháp tính lãi suất, định giá sản phẩm tín dụng (pricing) theo mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng;

- Nguyên tắc áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng (bao gồm cả thẩm quyền phê duyệt các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng).

Thứ hai, về hạn mức rủi ro tín dụng

Hạn mức rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các hạn mức sau đây:

- Hạn mức cấp tín dụng đối với đối tượng khách hàng, ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, rủi ro tín dụng của ngành, lĩnh vực kinh tế;

- Hạn mức cấp tín dụng theo sản phẩm, hình thức bảo đảm trên cơ sở rủi ro tín dụng tương ứng của sản phẩm, hình thức bảo đảm.

3.2. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ

Để quản lý rủi ro tín dụng pháp luật quy định Mỗi ngân hàng thương mại phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải đảm bảo các yêu cầu sau đây: (khoản 2 Điều 30 Thông tư 13/2018/TT-NHNN)

- Mô hình xếp hạng phải lượng hóa các tiêu chí để đánh giá khả năng (xác suất) khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận (bao gồm cả các yếu tố kinh tế - xã hội vĩ mô, môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng);

- Có cơ sở dữ liệu và các phương pháp quản lý dữ liệu để lượng hóa rủi ro tín dụng theo yêu cầu;

- Kết quả của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải được đánh giá độc lập;

- Có đầy đủ thông tin về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để cung cấp theo yêu cầu của kiểm toán nội bộ, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác khi thực hiện kiểm toán nội bộ, thanh tra, giám sát, kiểm toán độc lập.

3.3. Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng

Bất cứ một loại rủi ro nào trong hoạt động ngân hàng đều cần đến hoạt động đo lường, theo dõi để từ đó có kế hoạch kiểm soát rủi ro kịp thời và hiệu quả. Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng được quy định cụ thể tại Điều 31 Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Theo đó:

Một là, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, phương pháp, mô hình đo lường tổn thất để đo lường rủi ro tín dụng.

Hai là, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với từng khoản cấp tín dụng và toàn bộ danh mục cấp tín dụng và có biện pháp xử lý khi chất lượng tín dụng bị suy giảm, tối thiểu đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Theo dõi kết quả phân loại nợ của khoản cấp tín dụng;

- Đánh giá mức độ đầy đủ của dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Kiểm soát trạng thái rủi ro tín dụng thực tế để tuân thủ giới hạn cấp tín dụng, hạn mức rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ba là, Việc theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

- Vai trò và trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận thực hiện theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng;

- Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng;

- Đánh giá, theo dõi rủi ro tín dụng đối với từng khoản cấp tín dụng, danh mục cấp tín dụng;

- Kiểm soát rủi ro tín dụng theo hạn mức rủi ro tín dụng được phân bổ đối với từng khoản cấp tín dụng, danh mục các khoản cấp tín dụng bao gồm: Tần suất tối thiểu thực hiện kiểm soát từ xa và kiểm tra tại chỗ đối với khách hàng để thu thập thông tin phục vụ cho việc theo dõi rủi ro tín dụng;

- Tiêu chí đánh giá và phương pháp xác định mức độ suy giảm chất lượng tín dụng của từng khoản cấp tín dụng và danh mục cấp tín dụng; cơ chế cảnh báo sớm khi có nguy cơ chất lượng tín dụng của khách hàng bị suy giảm.

3.4. Thẩm định cấp tín dụng

Thẩm định cấp tín dụng là yêu cầu cơ bản và quan trọng trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Thẩm định có đúng thì khoản cấp tín dụng mới an toàn. Tại Điều 32 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về thẩm định cấp tín dụng như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thẩm định tín dụng đảm bảo tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

- Xác định cụ thể người có liên quan của khách hàng, tổng dư nợ cấp tín dụng của khách hàng, khách hàng và người có liên quan;

- Căn cứ kết quả xếp hạng tín nhiệm của khách hàng (nếu có), bao gồm cả xếp hạng tín nhiệm tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác;

- Đánh giá tính đầy đủ về hồ sơ, tình trạng pháp lý và khả năng thu hồi của tài sản bảo đảm đối với trường hợp cấp tín dụng có tài sản bảo đảm;

- Thẩm định khả năng thực hiện các nghĩa vụ cam kết của bên bảo lãnh đối với các khoản cấp tín dụng có bảo lãnh của bên thứ ba.

Thứ hai, Trong quá trình thẩm định, trường hợp sử dụng các kênh thông tin khác ngoài ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm tra chất lượng thông tin và tính độc lập của kênh thông tin với bên được cấp tín dụng.

3.5. Quản lý tín dụng và quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề

Thứ nhất, về quản lý tín dụng:

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý tín dụng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của cá nhân, bộ phận trong việc lập, lưu trữ hồ sơ tín dụng bảo đảm các hồ sơ tín dụng đầy đủ theo quy định của pháp luật;

- Giải ngân phù hợp với mục đích sử dụng vốn, loại hình cấp tín dụng;

- Giám sát khoản cấp tín dụng sau khi được giải ngân phải đảm bảo nguyên tắc sau đây:

- Kiểm tra việc sử dụng vốn vay và thực hiện các điều khoản khác trong hợp đồng cấp tín dụng của khách hàng;

- Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng;

- Thực hiện quản lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 36 Thông tư này;

- Theo dõi lịch trả nợ, nhắc nhở khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, báo cáo kịp thời cho các cấp có thẩm quyền khi khách hàng có nguy cơ không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ hồ sơ tín dụng, các thông tin về khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lịch sử trả nợ của khách hàng và các thông tin khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề để có biện pháp xử lý kịp thời.

Quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề đảm bảo yêu cầu sau đây:

- Quy định rõ tiêu chí, phương pháp để xác định khoản cấp tín dụng có vấn đề;

- Tăng cường đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng thu hồi nợ từ các biện pháp bảo đảm;

- Có biện pháp xử lý, cơ cấu lại đối với các khoản cấp tín dụng có vấn đề, kế hoạch thu hồi nợ;

- Tăng cường theo dõi, giám sát, thu hồi nợ;

- Xác định trách nhiệm của cá nhân, bộ phận liên quan đến khoản cấp tín dụng xấu (nếu có) để có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định về việc quản lý tài sản bảo đảm tại Điều 36 Thông tư 13/2018/TT-NHNN.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Video liên quan

Chủ đề