Tam Tứ phủ là gì

Đạo Mẫu nói chung và Tứ phủ nói riêng từ lâu đã là một hệ thống tín ngưỡng ăn sâu vào hàng ngàn thế hệ người dân Việt. Với lớp thờ Nữ thần mang tính phổ quát rộng rãi, phù hợp với xã hội nông nghiệp và vai trò của người phụ nữ trong xã hội, Đạo Mẫu và Tứ phủ đã dần trở thành một nét văn hóa tôn giáo rất riêng và xứng đáng được bảo tồn của nước ta. 

I. Khái quát 

Tranh Tứ phủ công đồng (Tranh Hàng Trống)

Tứ phủ là một khái niệm quan hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam, và cũng là nhánh tín ngưỡng phổ biến nhất của Đạo Mẫu. 

Trong quá trình phát triển của Đạo Mẫu nói chung và Tứ phủ nói riêng thì đôi khi cũng có những vị Thần thuộc các văn hóa khác cũng được kết nạp vào hệ thống điện thần của Tứ phủ. Ví dụ như nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm được nhập vào hệ thống Tứ phủ và thờ làm Mẫu Thiên. Trong khi đó, nhiều tài liệu cho rằng ở miền Bắc, Mẫu Thiên lại là Liễu Hạnh Công chúa. Bà cũng được coi là Mẫu Địa phủ, vị Mẫu thứ tư. Tứ phủ là khái niệm liên quan mật thiết với Tam phủ – hệ thống ba vị mẫu đệ nhất, đệ nhị, và đệ tam.

Mẫu Thiên Y A Na. (Ảnh: daomaunamviet.com)

Có tài liệu cho rằng hệ thống Tứ phủ được xây dựng từ Tam phủ cộng thêm mẫu Liễu. Tuy nhiên, do các tín ngưỡng Việt Nam hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền khẩu mà không có tài liệu rõ ràng và ít được nghiên cứu. Do đó từng vùng, từng miền đều có những đa dạng khác nhau, và được giải thích theo nhiều hướng khác nhau. 

Tuy nhiên dù ở đâu thì Tứ phủ cũng mang những yếu tố cơ bản như sau: 

– “Phủ” trong Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: 

–  Thiên phủ: miền trời, ứng với màu đỏ 

–  Địa phủ: miền đất, tương ứng với màu vàng

–  Thoải phủ: (thủy phủ) miền sông biển, tượng trưng bởi màu trắng 

– Nhạc phủ: miền rừng núi, ứng với màu xanh (giống với màu xanh lá cây) 

Vị Thánh đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu:

–  Mẫu Thượng Thiên cai quàn Thiên phủ 

–  Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ 

– Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ

– Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ. 

Hầu cận cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị Thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu… cũng phân theo 4 phủ cùng những màu tương ứng như các vị Thánh Mẫu kể trên. 

Theo sắp xếp thứ tự của các cụ ngày xưa là: thiên, địa, thoải, nhạc (do nhạc xuất hiện sau) 

Ngày nay thì trong các khoa cúng và bản chầu văn sắp xếp theo thứ tự cao nhất là tầng trời, tiếp đến cao nguyên rừng núi, sau đó là vùng sông nước, cuối cùng là vùng địa phủ, như sau: 

1. Đệ nhất thượng thiên 

2. Đệ nhị thường ngàn 

3. Đệ tam thoải phủ 

4. Đệ tứ khâm sai (Đệ tứ địa phủ) 

II. Các vị Thánh Mẫu 

1. Mẫu Thượng Thiên

Mẫu Thượng Thiên (Tranh Hàng Trống)

Mẫu Thượng Tiên là người cai quản Thiên phủ, sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp liên quan tới thời tiết và vụ mùa. Chính vì thế, cầu mưa là nhu cầu đầu tiên của cầu Mẫu Thượng Thiên. Bởi vì trong xã hội Việt cổ trồng cây lúa nước miền nhiệt đới thì mưa là mối quan tâm bậc nhất của của nông dân. 

Mẫu Thượng Thiên đôi khi chỉ được gọi bằng cái tên chung chung như Mẫu Đệ Nhất. Mẫu hay được khắc hoạ với tông màu đỏ, màu của Thiên Phủ. Tượng Mẫu Đệ Nhất thông thường được đặt chính giữa, hai bên là tượng Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.

Về mối quan hệ giữa Mẫu Thiên Tiên và Mẫu Liễu Hạnh, ta có thể hiểu như sau: 

Có thuyết cho rằng, vì cai quản Thiên phủ vốn tách biệt với đời sống dương gian, Mẫu Thượng Thiên đã ủy quyền đại diện trên nhân thế cho Mẫu Địa (tức Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thần Chủ).

Vì thế nên ở một số đền điện, Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở ngôi Mẫu Thượng Thiên, mặc áo đỏ. Ở những đền điện như vậy thì ban thờ chỉ có Tam Tòa Thánh Mẫu thay vì đầy đủ Tứ Phủ Thánh Mẫu. Mẫu Thượng Thiên hay được thờ ngoài trời.

2. Mẫu Địa 

Mẫu Địa là vị Thánh Mẫu cai quản miền đất đai và đời sống của con người và muôn vật. Quan niệm phổ biến cho rằng Mẫu Liễu Hạnh chính là Mẫu Địa, đồng thời là Thánh Mẫu Thần Chủ của Đạo Mẫu Tứ Phủ.

Mẫu Liễu Hạnh và hai nàng hầu Quỳnh Hoa, Quế Hoa. (Ảnh: dao-mau.fandom.com)

Trong thần điện, nếu có ba vị Thánh Mẫu (Tam phủ) thì vị trí chính giữa sẽ là Mẫu Địa (đồng thời đại diện cho Mẫu Thiên Tiên), mặc đồ màu đỏ. Nếu có bốn vị Thánh Mẫu (Tứ phủ) thì Mẫu Địa sẽ ngồi kế bên tay trái Mẫu Thiên Tiên, mặc đồ màu vàng.

Lưu ý: Tránh nhầm lẫn giữa Mẫu Địa (tức Mẫu Liễu Hạnh) với Địa Mẫu (tức Diêu Trì Kim Mẫu, thường được thờ trong miền Nam).

3. Mẫu Thoải 

Mẫu Thoải – Tranh Hàng Trống. (Ảnh: nghệ nhân Lê Đình Nghiên và Nhà Hát Việt) 

Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tùy theo từng nơi có nhiều khác biệt, tuy nhiên, cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đâu dựng nước. Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục trắng, ngồi bên tay trái Mẫu Thiên Tiên.

4. Mẫu Thượng Ngàn 

Mẫu Thượng Ngàn – Tranh Hàng Trống

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục xanh lá, thường ngồi bên tay phải của Mẫu Thiên Tiên.

  • Mở rộng thêm về mẫu Liễu Hạnh trong Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ: 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị Thánh quan trọng của cuộc sống tâm linh của người dân Việt Nam. Bà còn có các danh xưng khác như: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.

Theo truyền thuyết dân gian , Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”, “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương” và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát. Đây cũng là lí do vì sao đạo Phật và đạo Mẫu có một mối quan hệ vô vùng mật thiết và tại các nơi thờ Mẫu đều có thờ Phật. 

Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ, Thánh Mâu Liêu Hạnh bao giờ cũng đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, mặc mũ áo đỏ, ngồi chính giữa, hai bên là Mẫu Thoải (bên trái) và Mẫu Thượng Ngàn (bên phải). Cũng có khi Bà đồng nhất với Địa Tiên Thánh Mẫu (Mẹ Đất). Dù ở đâu có điện thần thờ Mẫu, dù vị thần ở đó được thờ là ai, nam thần hay nũ thần, thì đều có linh tượng Bà. Chính vì vậy bà có thể được coi là vị Thần chủ của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Nơi thờ chính của Bà là Phủ Dây (Vụ Bản, Nam Định), cũng là nơi quê hương của cha mẹ, chồng con của Bà. Phủ Sòng Sơn (Thanh hóa), nơi Bà hiến Thánh, Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi Bà từng gặp gỡ, đàm đạo thơ văn cùng nhà thơ Phùng Khắc Khoan và các thư sinh họ Ngô, họ Lý. Ngoài những nơi chính đó ra, bà còn được thờ vọng ở khắp mọi nơi, trong Nam, ngoài Bắc, miền xuôi cũng như vùng núi. 

III. Hệ thống điện thần

Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần của Đạo Mẫu như sau:

– Phật Bà Quan Âm 

– Ngọc Hoàng 

– Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu)

– Ngũ Vị Quan lớn (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ) 

Ngũ Vị Quan lớn. (Ảnh: dothogiadinh.vn)

– Tứ Vị Chầu bà (hay Tứ Vị Thánh Bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ Vị Thánh Mẫu

– Ngũ Vị Hoàng Tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ) 

– Thập Nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12) 

– Thập Vị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 10) 

– Ngũ Hổ 

Ngũ hổ – Tranh Hàng Trống. (Ảnh: hatvan.vn)

– Ông Lốt (rắn) 

Lý giải: 

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dung hòa nhiều yếu tố của Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy nên có một số Thần, Phật được đưa vào thờ cúng trong thần điện Tứ Phủ, chẳng hạn như Phật Thích Ca, Quán Thế Âm, Ngọc Hoàng Thượng Đế,.. Những vị Thần, Phật này thường được thờ ở ngôi cao hơn Thánh Mẫu. Tuy nhiên, về cơ bản tín đồ thường chỉ tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh hàng Thánh Mẫu trở xuống. Còn về các vị Quan lớn và các Ông Hoàng, họ đều có hóa thân là các nhân vật lững lẫy, mở mang bờ cõi, bảo vệ xã tắc an bình. Thêm nữa, sự xuất hiện của các vị thần nam thể hiện sự hài hòa âm dương, sự đa dạng, phi cực đoan trong quan điểm của người Việt. Cũng như thể hiện sự phát triển của một tín ngưỡng từ chỗ liên quan đến các yếu tố tự nhiên đến các sự kiện và nhân vật lịch sử.

IV. Đạo Mẫu trong thời buổi hiện nay 

Lễ hội Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy, Nam Định, thập niên 1920. (Ảnh: manhhai trên Flickr) 

Chơi trò chơi dân gian “kéo chữ” trong khuôn khổ lễ hội Phủ Dầy. Trong hình, người dân đang kéo chữ “thiên” trong cụm từ “Mẫu nghi thiên hạ”, chỉ Mẫu Liễu Hạnh. (Ảnh: Báo Tia Sáng) 

Theo những bước tiến của xã hội hiện đại, nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và mang lại sự giàu có cho con người, tuy nhiên, nó cũng mang trong mình những yếu tố mới mà con người không thể kiểm soát được và khiến nhiều người dân tìm tới sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên. Điều đó lý giải sự bùng phát của các tín ngưỡng, nghi lễ, khiến nhiều hình thức tín ngưỡng vốn xưa là cùa nông thôn, nông dân, nông nghiệp, nay trở thành tín ngưỡng của thương nghiệp, thương nhân. Người đi lễ tăng vọt, mà phần lớn lại là thương nhân và cư dân đô thị. Họ không chỉ cầu mong một cuộc sống sung túc cho bản thân mà còn coi tâm linh như một chỗ dựa tinh thần, để tìm về miền thanh thản. 

Hình ảnh Tứ phủ cũng dần được đưa vào các sản phẩm thông tin đại chúng. Trên đây là hình ảnh từ tác phẩm âm nhạc “Tứ phủ” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. 

Vì vậy, tuy là trong đời sống hiện nay, thì Đạo Mẫu và lên đồng vẫn chứng tỏ được sức sống của mình. Trước nhất, ở nông thôn và đặc biệt là ở các đô thị, kể cả các đô thị lớn, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng vẫn tồn tại và có phần nào phát triển và mở rộng. Các điện thờ Tứ phủ trong các chùa cũng góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp có lễ lớn của tín ngưỡng này. Các đền, nơi thờ cúng chính của tín ngưỡng này, ngày nay đã được tu sửa lại, thu hút đông đảo các tín đồ đến hành hương và dâng cúng. Các ngày hội của Tứ phủ, đặc biệt là Tháng ba hội Mẹ ở Phủ Dầy và tháng tám hội Cha ở Kiếp Bạc và nhiều nơi khác đã thu hút hàng chục vạn người tham dự. Các đền thờ khác, ví dụ đền Bà Chúa kho ở Bẳc Ninh, trong tháng giêng đã thu hút hàng vạn người đến hành lễ và cầu xin. Vào các tiết lễ của đạo Tứ phủ, nhất là vào dịp tháng giêng và tháng tám, ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn có tới hàng ngàn người hầu bóng.

Bản thân tín ngưỡng Tứ phù với hình thức Hát văn và Lên đồng cũng có những biến đổi theo chiều hướng phần nào bớt dần những yêu tố mang tính ma thuật, mê tín để đi vào những khía cạnh văn hóa, như hành hương du lịch, thưởng thức các khía cạnh nghệ thuật trong Hát văn và hầu bóng, sử dụng các phương tiện kỹ thuật để mở rộng hình thức sinh hoạt, như phim ảnh Video, băng hát chầu văn. Các vật phẩm dâng cúng cũng sang trọng, hiện đại hơn, như thuốc lá thơm, rượu ngoại, các loại đèn nến dùng điện trong thờ cúng. Trong một số đền, người ta đã đưa ảnh Bác Hồ vào diện những người khai quốc cùng với Vua Hùng để thờ cúng, thậm chí người ta soạn các bài văn chầu về Người. Hát văn, do sự lôi cuốn của nó, do khả năng thể hiện sinh động những nội dung mới, nên trong mấy thập kỷ qua, những nghệ sĩ hát văn đã thử nghiệm thành công việc tách hình thức hát văn ra khỏi sinh hoạt hâu bóng, đưa các nội dung sản xuất, chiến đấu, các nội dung xã hội khác vào các bài hát văn và có thể trình diễn trên sân khấu và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Một số tiết mục hát văn đã được giải thưởng trong các cuộc thi và hội diễn.

Một Thanh Đồng đang dâng văn điệu Cô Bé Đông Cuông. (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

Nguyễn Anh Thư

Tài liệu tham khảo:

1. Đạo Mẫu Việt Nam – Ngô Đức Thịnh 

2. Đạo Mẫu Bách Khoa Toàn thư mở (sáng lập bởi YensidZeno và Lang Hoàn) 

3. Phóng sự “Tìm hiểu sâu hơn về Đạo Mẫu” – Hoàng Vũ

4. Phóng sự “Tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ” – Chương trình “Di sản văn hóa” đài VTC

5. Dự án Four Palaces – Tứ phủ 

Video liên quan

Chủ đề