Thiết kế mỹ thuật sân khấu là gì

Như chúng ta đã biết, nằm trong nghệ thuật hội họa (mà chúng ta vẫn gọi là hội họa giá vẽ); còn có các thể loại nghệ thuật khác là thiết kế đồ họa, thiết kế, trình bày, minh họa bìa sách báo, trang trí nội thất, ngoại thất, thiết kế mỹ thuật sân khấu, thiết kế điện ảnh, thiết kế thời trang... rồi còn nhiều ngành nghề đa dạng nữa, nằm trong mỹ thuật ứng dụng- gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của con người…

Như chúng ta đã biết, nằm trong nghệ thuật hội họa (mà chúng ta vẫn gọi là hội họa giá vẽ); còn có các thể loại nghệ thuật khác là thiết kế đồ họa, thiết kế, trình bày, minh họa bìa sách báo, trang trí nội thất, ngoại thất, thiết kế mỹ thuật sân khấu, thiết kế điện ảnh, thiết kế thời trang... rồi còn nhiều ngành nghề đa dạng nữa, nằm trong mỹ thuật ứng dụng- gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của con người…

Nếu tính từ những năm đầu thế kỷ XX, khi hội họa phương Tây chính thức bước vào Việt Nam với việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ngày 27/10/1924), thì cũng khoảng thời gian đó, sân khấu kịch nói cũng xuất hiện - là các nhóm kịch tài tử - với sự tham gia của một số họa sỹ, trong vai trò bài trí sân khấu, mà ngày nay có tên gọi chính thức là thiết kế mỹ thuật sân khấu. Như vậy, cùng với hội họa, mỹ thuật sân khấu Việt Nam cũng đã xuất hiện gần tròn một thế kỷ. đã có những đóng góp đáng kể với hàng nghìn vở diễn, hàng trăm giải thưởng, huy chương vàng, bạc, trong nước và quốc tế. Nhưng, nếu sân khấu Việt Nam nói chung và mỹ thuật sân khấu nói riêng không được hiện đại hóa, sẽ không tránh khỏi tụt hậu so với nền sân khấu của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thiết kế mỹ thuật sân khấu - với chức năng của người họa sỹ trang trí sân khấu - là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu - bao gồm kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng...Trong mối quan hệ tổng hợp đó, chức năng của người họa sỹ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn thật sự gắn bó với nhau một cách mật thiết để làm cho vở diễn đạt yêu cầu cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sỹ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình.

Thiết kế mỹ thuật sân khấu (không tính đến những ban kịch tài tử hay các gánh hát tuồng, chèo, cải lương... trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp với tính chất nghiệp dư và với sự tham gia của một vài họa sỹ), thì kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam (1957), đã đi qua một chặng đường 40 năm. 40 năm qua, đã hình thành một đội ngũ các họa sỹ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng, vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, để thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, ca múa, xiếc.... Trong chặng đường lịch sử của nền sân khấu cách mạng và lịch sử hoạt động của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu được của tổng thể nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại. Cuộc triển lãm lần này, chính là để ghi nhận một phần nhỏ, những gì mà đội ngũ các họa sỹ đã dầy công đóng góp suốt trong 40 năm qua đó.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là vài ba năm trở lại đây, trong cơ chế thị trường, cũng như các khâu kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên...trang trí sân khấu cũng có vẻ chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Một đội ngũ quá mỏng(vài ba chục anh em họa sỹ sân khấu trong cả nước ), với điều kiện sân khấu qúa ít ỏi của các nhà hát đã không thể phát huy hết sức sáng tạo của người họa sỹ. Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu. Sân khấu của ta vẫn chỉ là một sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, nhạc, giao hưởng hợp xướng, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói cho đến cả hoa hậu áo dài và thời trang áo tắm... Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, panô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải. Trong lúc các nước, nhất là các nước có nền sân khấu tiên tiến, đã từ lâu, sân khấu - sàn diễn - đã được hiện đại hóa một cách khá hoàn chỉnh. Những sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, cả lên cao hay xuống thấp dưới gầm sàn diễn, cả mở rộng và thu hẹp không gian, những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sỹ biểu diễn, với ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi vài trăm ngọn đèn chiếu sáng và tạo dựng không gian bằng ánh sáng. Để dàn dựng, xử lý một lớp kịch, nếu cần thiết, đạo diễn và họa sỹ có thể đưa cả voi, ngựa,  và nhiều cảnh thật khác của đời sống lên sân khấu... Nghĩa là sự hiện đại hóa một cách triệt để đã tạo điều kiện tối đa cho đạo diễn và họa sỹ tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, mở ra nhiều không gian linh hoạt, biến hóa, bất ngờ, đầy gợi cảm và hết sức chủ động với đầy đủ các chất liệu cũng đa dạng và phong phú. Nào là các loại chất dẻo, thủy tinh, các loại kính màu và gương phản chiếu, các tấm  nhựa công nghiệp và các loại sợi, thảm cho mặt sàn sân khấu phù hợp với phong cách của từng vở diễn, và từng loại hình nghệ thuật sân khấu, từ cổ điển đến đương đại hôm nay.

Nếu sân khấu Việt Nam không được “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa”, thì sân khấu nói chung và mỹ thuật sân khấu nói riêng sẽ ngày càng tụt hậu, khó có thể hòa nhập và bắt kịp những nền sân khấu tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

L.H.Q (số 12, tháng 12/2018)

Chú thích:

Ảnh trong bài:Thiết kế sân khấu vở tuồng: Nữ tướng Đào Tam Xuân, họa sỹ TKSK Nguyễn Hoàng Phong. 

Ảnh trong bài: Đồng Đức Hiếu, Nguyễn Quang Trung

Chủ đề