Thỏa thuận brexit là gì


Cờ Liên minh châu Âu bay gần Tháp Elizabeth ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/12, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc Anh rời EU), kết thúc một giai đoạn đàm phán đầy trắc trở và nhiều chông gai tưởng chừng không thể vượt qua. Sau 47 năm hội nhập với châu Âu, Vương quốc Anh sẽ bắt đầu một chương mới vào ngày 1/1/2021 tới. Nhưng điều gì đang chờ đợi Đảo quốc Sương mù? Một thế giới mới dù nhiều thử thách nhưng cũng đầy hy vọng mà nước Anh đang hướng tới.

Những tác động kinh tế không thể tránh khỏi

Nước Anh đã chính thức rời khỏi EU vào tháng 1/2020 nhưng vẫn tiếp tục tuân thủ những quy tắc của khối cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào 23 giờ GMT ngày 31/12 năm nay. Từ năm 2021, quốc gia này sẽ trở lại tình trạng độc lập của mình. Một thỏa thuận thương mại mới với EU vào ngày 24/12 sẽ giúp con đường phía trước suôn sẻ hơn phần nào, thông qua việc dỡ bỏ các mức thuế quan và hạn ngạch tiềm năng đối với hàng hóa xuất nhập xuyên Eo biển Manche. Nếu không có một thỏa thuận, hoạt động xuất nhập khẩu của nước Anh sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng vì một loạt rào cản đã không tồn tại trong nhiều thập kỷ sẽ trở lại đột ngột. Nhưng ngay cả với một thỏa thuận, tương lai của nước Anh cũng sẽ không thể hoàn toàn “sóng êm bể lặng,” dù các hoạt động thương mại hàng hóa - vốn chiếm tới một nửa trong tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm trị giá 900 tỷ USD giữa EU và Vương quốc Anh - sẽ được hưởng thuế quan bằng 0. Các doanh nghiệp Anh sẽ phải chịu những quy tắc hải quan, tiêu chuẩn quản lý và kiểm tra biên giới mà EU yêu cầu áp dụng với các nước thứ ba, khiến hoạt động thương mại chậm và tốn kém hơn. Điều này sẽ có tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm của Anh khi khoảng 1/4 trong số đó đến từ EU. Các nhà bán lẻ đã cảnh báo nước này có thể thiếu hụt nhiều mặt hàng tươi sống như trái cây, rau và một số loại thịt. Trong khi đó, một số hàng hóa, hầu hết là ôtô, vẫn có khả năng bị áp thuế do tỷ trọng linh kiện từ bên ngoài nước Anh hoặc EU vượt quá ngưỡng quy định của “quy tắc xuất xứ.” Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo rằng dù có một thỏa thuận, sản lượng kinh tế Anh sẽ thấp hơn khoảng 4% trong vòng 15 năm so với kịch bản nước này vẫn ở lại EU. Chính phủ Anh đã kêu gọi doanh nghiệp sẵn sàng cho mọi trường hợp. Nhưng phía các doanh nghiệp cho rằng chính phủ đã không đưa ra kịp thời các hệ thống điện tử và nhân viên hỗ trợ quan trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra hỗn loạn sau ngày 1/1 tới.

Chính sách “Nước Anh toàn cầu”

Những người theo chủ nghĩa Brexit cho rằng EU đã kìm hãm quốc gia này bằngthông qua các quy định khó khăn. Giờ đây, họ có thể bắt tay vào một sứ mệnh mới để hỗ trợ thương mại tự do trên toàn thế giới - như một bài phát biểu hồi tháng Hai của Thủ tướng Boris Johnson từng đề cập.

Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận thỏa thuận thương mại với EU đã hoàn tất. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 

Song kế hoạch này đã ngay lập tức vấp phải khó khăn: một tháng sau bài phát biểu của Thủ tướng Johnson, nước Anh buộc phải phong tỏa toàn quốc bởi đại dịch COVID-19. Trong một thế giới bình thường, ý tưởng của nước Anh là họ sẽ không thu mình sau quá trình Brexit mà hướng ra bên ngoài, thậm chí hướng tới một hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss tới nay đã ký một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Nhật Bản, Canada, Singapore, Thụy Sỹ, cùng một số nước khác. Nước Anh cũng đang để mắt đến một thỏa thuận với Ấn Độ, đồng thời đàm phán những thỏa thuận khác với Mỹ, Australia và New Zealand. Theo London, các thỏa thuận tiếp theo trong lộ trình sẽ bảo đảm được 80% thương mại nước ngoài của nước này vào năm 2022. Điều này đã khiến Bộ Ngoại giao Anh phải nhanh chóng đưa các nội dung về viện trợ và phát triển vào chương trình ngoại giao của mình. Tuy nhiên, bất chấp tham vọng của nước Anh, đã có những áp lực buộc quốc gia này phải thu hẹp các hoạt động trên trường quốc tế, đặc biệt khi tình hình tài chính của họ gặp nhiều khó khăn sau đại dịch. Một dấu hiệu ban đầu là việc Chính phủ Anh hồi tháng 11/2020 đã giảm cam kết viện trợ quốc tế từ mức tương đương 0,7% GDP xuống 0,5% GDP. Một diễn biến khác cũng sẽ ảnh hưởng đến tham vọng toàn cầu của Vương quốc Anh là những mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Bắc Ireland đang có sự phản đối đáng kể đối với lập trường của chính phủ Vương quốc Anh, khi 56% người dân vùng này đã bỏ phiếu muốn ở lại EU trong cuộc trung cầu dân ý năm 2016. Nhưng đáng chú ý nhất chính là tại Scotland, nơi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ ủng hộ xứ này tách khỏi Vương quốc Anh đang gia tăng. Đây có thể là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” nếu các chính trị gia Scotland thành công gây áp lực buộc chính phủ Anh thông qua một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề độc lập, sau cuộc trưng cầu thất bại hồi năm 2014. Một Ủy ban Quốc hội của Vương quốc Anh đã cảnh báo rằng nếu Scotland trở thành một quốc gia độc lập, nguồn thu thuế của nước này sẽ giảm mạnh, buộc chính phủ cắt giảm hơn nữa khoản ngân sách cho các hoạt động quốc tế cũng như quốc phòng. Mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại rộng khắp của Anh chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Cùng với việc cắt giảm chi tiêu cho quân sự, cả quyền lực cứng và mềm của nước Anh trên toàn cầu sẽ suy yếu. Tham vọng “Nước Anh toàn cầu” khi đó rất có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Những vấn đề trên “sân nhà”

Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 năm ngoái, ông Johnson đã cam kết với cử tri là sẽ hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit, rồi tập trung tiền tài chính và chính sách vào những vùng chưa được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhờ mảng hoạt động tài chính của London. Chương trình nghị sự có tên “Nâng tầm” với mục tiêu mang đến những nguồn đầu tư mới cho các vùng miền đã bị “trật bánh” vì đại dịch COVID-19. Nhưng Chính phủ Anh khẳng định các mục tiêu dài hạn vẫn được đặt ra và khoản phí thành viên mà nước này từng phải nộp cho EU sẽ được chi tiêu hiệu quả hơn ở quê nhà. Một số người theo chủ nghĩa Brexit muốn cải cách triệt để mô hình kinh tế của nước Anh, để biến đất nước này thành "Singapore trên sông Thames" – nói cách khác là một đối thủ có những quy định và mức thuế nhẹ nhàng hơn so với châu Âu vốn bị đánh giá là già cỗi, cứng nhắc. Chính phủ nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào sẽ không hy sinh "lằn ranh đỏ" của họ: Dịch vụ Y tế Quốc gia do nhà nước điều hành, cùng các tiêu chuẩn về thực phẩm và nông nghiệp. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng về việc Mỹ sẽ gây áp lực buộc nước Anh hậu Brexit phải có nhượng bộ về thương mại, như những gì mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thực hiện ở nơi khác. Bên cạnh đó, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ có thể hạn chế kế hoạch của Thủ tướng Johnson nhằm ràng buộc Bắc Ireland vào thị trường nội bộ sau ngày 1/1/2021 và không chịu ảnh hưởng của EU.

Ông Biden đã từng lên tiếng về tầm quan trọng của việc thực thi Brexit theo cách thức bảo vệ Thỏa thuận ngày Thứ Sáu Tốt lành và không quay trở lại tình trạng đường biên giới "cứng" trên đảo Ireland - biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và châu Âu./.

Theo vietnamplus.vn

Brexit là gì và Brexit có lợi hay hại

Đây là từ viết tắt từ hai từ để chỉ việc Anh quốc (Britain) rời khỏi EU (Exit), tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU trước đây.

Chính vì thế, ở nước Anh những người bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ thuộc phe Brexit và số còn lại sẽ là phe đồng tình -Remain. Để quyết định “vận mệnh” của chính mình, nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 vừa qua.

Một số thắc mắc được đưa ra trong sự kiện lịch sử này:

Vì sao phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý?

Theo báo chí nước ngoài đưa tin, Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đáp lại những lời kêu gọi ngày càng nhiều từ Đảng Bảo thủ của ông và Đảng Độc lập, họ vốn không đồng ý với việc Anh tham gia EU kể từ năm 1975, thời đó mọi người đã bỏ phiếu để Anh tiếp tục ở lại EU trong một cuộc trưng cầu dân ý. Kể từ đó trở đi EU đã thay đổi rất nhiều, người dân Anh bị kiểm soát nhiều hơn, những người không muốn Anh ở lại EU cho biết như vậy.

Ông Cameron nói: “Đã đến lúc người dân Anh được nói lên tiếng nói của mình. Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề Châu Âu này trong chính trường nước Anh. ” tờ BBC dẫn lời.

(Một cuộc trưng cầu dân ý về cơ bản là một cuộc bỏ phiếu trong đó mọi người (hay hầu hết tất cả mọi người) ở độ tuổi được đi bầu cử có thể tham gia, thường đưa ra câu trả lời “Có” hoặc “Không” cho một vấn đề nào đó. Bên nào nhận được quá bán số phiếu bầu thì được xem là giành chiến thắng).

 

Liên minh châu Âu là gì?

Liên minh châu Âu – thường gọi là EU – là một tổ chức hợp tác kinh tế chính trị gồm có 28 quốc gia châu Âu. Tổ chức này bắt đầu hình thành sau Đệ Nhị Thế Chiến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, với ý tưởng là các quốc gia giao thương với nhau thì có thể dễ dàng tránh được chiến tranh với nhau hơn.

Tổ chức này kể từ đó đã phát triển trở thành một “thị trường riêng” cho phép hàng hoá và người dân qua lại, về cơ bản thì giống như các quốc gia thành viên nằm trong một quốc gia lớn vậy. Quốc gia ấy có đồng tiền riêng, đồng euro, đồng tiền được 19 nước thành viên sử dụng, có nghị viện và hiện đặt ra các luật lệ trong nhiều lĩnh vực – trong đó có môi trường, giao thông, quyền người tiêu dùng và thậm chí cả những thứ như phí điện thoại di động.

Ai muốn Anh rời EU?

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, công chúng Anh bị chia rẽ khá đồng đều. Đảng Độc lập Anh, vốn đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử châu Âu gần đây nhất, và nhận được gần 4 triệu phiếu bầu – 13% trong tổng số phiếu – trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, đã phát động các chiến dịch vận động để nước Anh rời khỏi EU. Khoảng một nửa thành viên Đảng Bảo thủ, bao gồm 5 thành viên nội các, một vài Nghị viên Công đảng và Đảng Hợp nhất Dân chủ cũng ủng hộ việc rời khỏi EU.

Vì sao họ muốn Anh rời EU?

Họ cho rằng Anh đang bị EU kéo tụt lại, mà theo họ thì EU áp đặt quá nhiều luật lệ kinh doanh và một năm thu hàng tỷ bảng Anh tiền phí thành viên nhưng trả lại rất ít.

Họ cũng muốn Anh được quyền kiểm soát đầy đủ biên giới của mình và giảm số người đến sống và/hoặc làm việc tại Anh. Một trong những nguyên tắc chính của EU là “đi lại tự do”, tức là không cần thị thực cũng đi đến và sống được ở một quốc gia EU khác. Họ cũng phản đối ý tưởng “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” và họ coi đó là động thái để thành lập ” Hiệp chúng quốc châu Âu “.

Ai muốn Anh ở lại EU?

Thủ tướng Anh David Cameron muốn Anh ở lại EU. 16 thành viên nội các của ông ta cũng ủng hộ việc ở lại. Đảng Bảo thủ tuyên bố trung lập trong chiến dịch này – nhưng phe ủng hộ còn có Công đảng, Đảng Quốc gia Scotland (SNP) , Plaid Cymru (Đảng xứ Wales), và Dân chủ Tự do. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng muốn Anh tiếp tục ở lại EU, các quốc gia châu Âu như Pháp và Mỹ cũng muốn như vậy.

Vì sao họ muốn Anh ở lại?

Những người ủng hộ Anh ở lại EU nói Anh sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ liên minh này – bán hàng qua các nước EU dễ dàng hơn và, theo họ biện luận, dòng người nhập cư, phần lớn là người trẻ và khao khát làm việc, sẽ tiếp sức cho phát triển kinh tế và giúp thanh toán các dịch vụ công ích. Họ cũng cho rằng vị thế của Anh trên thế giới sẽ bị thiệt hại nếu rời EU và là một phần của câu lạc bộ 28 quốc gia thì an toàn hơn là đứng một mình.

Ai được bỏ phiếu?

Các công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung đủ 18 tuổi trở lên hiện đang thường trú tại Anh. Bên cạnh đó là các công dân Anh sống ở nước ngoài có đăng ký bầu cử tại Anh trong vòng 15 năm qua. Công dân từ các nước EU, trừ Ireland, Malta và Cyprus, không được phép bỏ phiếu.

Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Bầu cử, gần 46,5 triệu cử tri đã đăng ký tham gia trưng cầu.

Sự chia rẽ sâu sắc

Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy, người Anh tiếp tục chia rẽ sâu sắc về việc ở lại hay rời khỏi EU. UKIP vận động để Anh rời khỏi EU và chủ trương này được một số nghị sĩ thuộc các đảng Bảo thủ, Công đảng, Dân chủ Tự do ủng hộ.

Những người muốn Anh tiếp tục là thành viên EU, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameroon, cho rằng tư cách thành viên liên minh sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước, đặc biệt là về an ninh sẽ tốt hơn nếu ở trong một tập thể.

Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 6h đến 21h, giờ GMT. Hoạt động kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó. Có tổng cộng 382 điểm kiểm phiếu và mỗi điểm công bố kết quả của mình. Đợt công bố đầu tiên dự kiến sẽ vào sớm ngày 24/6, sau lúc 1h.

Kết quả chính thức sẽ được Trưởng ban Kiểm phiếu xác nhận và kết quả cuối cùng được công bố tại Tòa thị chính Manchester.

Trong khi nước Anh đang sôi sục đi hay ở lại EU, nhiều tờ báo trên thế giới cũng đưa ra nhận định trước thời khắc công bố kết quả trưng cầu cuối cùng.

Với kết quả từ 103 trên tổng số 382 khu vực kiểm phiếu, 49,4% cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit), số người chọn ở lại (Remain) tạm dẫn đầu với 50,6%.

Trước khi kết quả cuối cùng được đưa ra, các cuộc thăm dò dư luận mới đây đều theo hướng giữ nguyên vai trò thành viên của Anh.

Cuộc khảo sát của trang YouGov cho thấy, Remain dẫn đầu với chênh lệch phiếu bầu 52 và 48%. Trong khi, cuộc thăm dò dư luận của Ipsos-MORI thực hiện vào 22 – 23/6 cũng ưu thế thuộc về Remain với tỷ lệ 54 – 46%. Thậm chí, kết quả này khiến hai nhà vận động phản đối EU có tiếng cũng thừa nhận nhiều khả năng họ sẽ thất bại.

Ông Nigel Farage, người đứng đầu Đảng Độc lập Vương quốc Anh và người có ảnh hưởng hàng đầu trong việc Anh rời khỏi EU, chia sẻ trên Sky News: “Đó là một chiến dịch trưng cầu bất thường, cử tri đi bầu có vẻ là đặc biệt cao và nhiều khả năng sẽ ở lại”.

Theo ông, những tiên đoán dựa trên thông tin từ một số bạn bè trong các thị trường tài chính đã thực hiện một số điểm bỏ phiếu lớn.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland Theresa Villiers, cũng vận động để Anh rời khỏi EU, nói trên Sky News, bản năng mách bảo bên ủng hộ ở lại sẽ thắng.

Ông Jeremy Cook, Kinh tế trưởng công ty trao đổi ngoại hối World First (London), cũng nhận định ưu thế thuộc về Remain.

Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đăng trên Facebook: “Cảm ơn tất cả mọi người đã bình chọn, để giữ nước Anh mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và tốt hơn ở châu Âu – và gửi đến hàng ngàn nhà vận động Remain trên toàn nước Anh”.

Trong khi đó, nhiều chính khách vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ Brexit. John Mann, một trong số ít các nghị sĩ Công đảng bỏ phiếu cho Brexit, nhấn mạnh trên BBC, cử tri Công đảng dứt khoát lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.

Người dân nước Anh lựa chọn rời khỏi EU

Vào chiều ngày 24/6, kết quả trưng cầu chính thức được công bố.

Người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, theo BBC.

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về “ở lại” EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là “một ngày tồi tệ với châu Âu”. Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là “cơn ác mộng” mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. “Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi”, ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản tổ chức họp báo trong bối cảnh đồng Yên tăng do lo sợ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu.

Người dân Anh nếu chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Wall Street Journal trước đó dự đoán nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, Andrew Bridgen, thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cho rằng ông Cameron nên tiếp tục làm thủ tướng để trấn an người dân ở Scotland và bắc Ireland, cũng như thị trường.

“Chúng tôi cần sự ổn định. Ông ấy nên tiếp tục”, Bridgen trả lời khi được hỏi ông Cameron nên tiếp tục cầm quyền trong bao lâu.

Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.

Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.

Sự tác động đến nền kinh tế

Đối với giới chức Anh, kịch bản Brexit sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế quốc gia. Tác động của việc Anh rời EU trước mắt là “một thập niên bất ổn” do Anh sẽ phải cần rất nhiều thời gian để đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nước trong và ngoài EU. Việc bỏ phiếu rời EU sẽ là điểm khởi đầu của một quá trình, chứ không phải điểm kết thúc.

“Brexit” sẽ gây ra sự bất ổn trên các thị trường tài chính, lên tình hình đầu tư và ảnh hưởng tới giá trị đồng bảng Anh. Hoạt động thương mại của Anh sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định, do nước này cần phải đàm phán lại từng thỏa thuận với hơn 50 nước đang có các thỏa thuận thương mại với EU. Bên cạnh đó, các lĩnh vực chế tạo ôtô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nước Anh ước cần 10 năm để tách mình khỏi EU.

Giai đoạn 10 năm này bao gồm thời gian Anh dùng để rời khỏi EU, để thiết lập các thỏa thuận thương mại mới và các thỏa thuận liên quan, cũng như thương thảo các hiệp định thương mại mới với Mỹ và các nước khác trên thế giới.

Báo cáo của Ủy ban Thượng viện Anh về EU nhấn mạnh, việc xác định và giải quyết quyền lợi của khoảng 2 triệu công dân Anh đang sinh sống tại các nước EU, cũng như khoảng chừng đó công dân EU đang sinh sống tại Anh là một công việc hết sức phức tạp bởi liên quan nhiều vấn đề, từ quyền được cư trú, chăm sóc y tế, học hành, duy trì các khoản phúc lợi xã hội… cho tới các dự án nghiên cứu và hợp đồng xuyên biên giới.

Dự đoán về bối cảnh kinh tế Anh hậu “Brexit”, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) – tổ chức đại diện các doanh nghiệp ở Anh cảnh báo, “Brexit” có thể gây tổn thất cho nền kinh tế Anh 100 tỷ bảng và gần 1 triệu việc làm.

Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), “Brexit” sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra những thách thức lớn cho cả Anh và phần còn lại của châu Âu. Các cuộc thương lượng nhằm đạt được các thỏa thuận hậu Brexit sẽ kéo dài, không chỉ tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà còn làm tăng tính dễ tổn thương của thị trường tài chính. IMF cảnh báo, Anh rời khỏi EU sẽ làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, người dân Anh sẽ nghèo đi nếu quốc gia này rời khỏi EU. Cụ thể, trong vòng 4 năm, tức là tính đến năm 2020, mỗi người lao động ở Anh sẽ chịu tổng thiệt hại bằng một tháng lương hiện tại (3.200 USD). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 3,3% trong 4 năm tới và giảm 5,1% vào năm 2030. Những tác động từ bất ổn kinh tế, thuế tăng, việc giảm lao động di cư vì mục đích kinh tế và những biến động đối với đồng bảng là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.

Câu chuyện “Brexit” được đánh giá không chỉ dừng lại ở những hệ lụy đối với nền kinh tế Anh mà còn dẫn tới những tác động xấu tới sự gắn kết của toàn khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, việc Anh rời EU sẽ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước đối với sự hợp tác ở châu lục này. Bởi theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-MORI thực hiện, có gần 50% số người được hỏi tại 8 nước thành viên EU (gồm Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển) đã bày tỏ mong muốn có cơ hội được như các cử tri Anh, nghĩa là được tham gia bỏ phiếu về việc nước mình có nên tiếp tục ở lại EU hay không.

NATO cũng cho rằng, nếu viễn cảnh hội chứng “Brexit” (tan rã) trở thành hiện thực, NATO sẽ phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại. Theo Phó Tổng Thư ký NATO A. Vershbow, việc hợp tác với một EU hùng mạnh và thống nhất giờ đây đóng vai trò ngày càng quan trọng. Bởi vậy, bất kỳ vấn đề nào gây ảnh hưởng tới tính thống nhất của EU đều khiến NATO quan ngại.

Sự tác động đến đời sống nước Anh

Hầu hết các tranh luận trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về tư cách thành viên EU đều liên quan đến vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong khi chưa ai có thể biết chính xác tác động của việc ra khỏi EU – còn gọi là “Brexit” – thì triển vọng này sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống nước Anh.

Thể thao và văn hóa

Cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh  diễn ra giữa lúc trái bóng giải vô địch châu Âu (Euro 2016) đang lăn trên các sân cỏ nước Pháp. Vào thời điểm đó, các đại diện của Anh gồm England, Wales và Bắc Ireland có thể hoặc đã ở vòng 1/16 hoặc đã chia tay giải đấu.

Trong ít ngày đó, thể thao châu Âu và chính trị sẽ có cùng một câu hỏi như nhau: Vào hay Ra? EU ít có vai trò trực tiếp đến chính sách thể thao của các nước thành viên mặc dù liên minh này cung cấp một nguồn ngân sách hạn chế cho thể thao đại chúng. Tuy vậy, các quy định trong những lĩnh vực như đi lại tự do và truyền thông có nghĩa “Brexit” sẽ có tác động lớn lên môn thể thao chúng ta xem.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá West Ham United, Karren Brady, cảnh báo rằng nếu Anh rời EU và đứng ngoài thỏa thuận tự do di chuyển của EU, các cầu thủ từ EU sẽ không thể dễ dàng tới thi đấu cho các câu lạc bộ bóng đá Anh. Có tới hai phần ba số cầu thủ châu Âu hiện chơi bóng tại Anh sẽ không còn “nghiễm nhiên” có thị thực Anh khi các quy định thành viên EU không còn hiệu lực. EU hiện cũng điều hành nhiều chương trình văn hóa khác nhau, bao gồm cả chương trình Thủ đô Văn hóa châu Âu (mà thành phố Liverpool từng chiến thắng năm 2008) và các tài trợ giải thưởng cho điện ảnh, công nghiệp sáng tạo và kiến trúc. Ví dụ, giải thưởng EU về Kiến trúc đương đại có một giải thưởng trị giá tới 60.000 euro. Tất cả điều này sẽ “ra đi” cùng với “Brexit”.

Nghiên cứu khoa học

Chiếm chỉ 0,9% dân số thế giới song Anh đóng góp 3,3% số nhà nghiên cứu khoa học và những người này tạo ra 6,9% sản lượng khoa học toàn cầu. EU hiện đứng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chiếm 22,2% thị phần nghiên cứu khoa học toàn cầu, trên Trung Quốc (19,1%) và Mỹ (16,7%). Anh là một trong những nước nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ ngân sách của EU cho nghiên cứu khoa học. Trong vòng nghiên cứu khoa học hiện tại của EU mang tên “Horizon 2020”, Anh được nhận 15,4% nguồn vốn, chỉ xếp sau Đức. Và các nhà khoa học Anh cũng đang ngày càng tăng cường cộng tác với quốc tế. Kể từ năm 1981, số bài báo của các nhà khoa học Anh được phổ biến quốc tế đã tăng từ 15% lên hơn 50% hiện nay. Các số liệu mới cũng cho thấy gần 1.000 dự án tại 78 trường đại học Anh và các trung tâm nghiên cứu phụ thuộc vào các quỹ từ Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC). Anh hiện có số dự án được ERC tài trợ nhiều hơn bất cứ nước nào khác, chiếm tới 22% – nhiều hơn con số gộp lại của 25 nước thành viên EU khác nhận được.

Nếu rời EU, có thể không cần thiết phải quay lưng với “Horizon 2020”, nhưng chính phủ sẽ phải chấp nhận tư cách thành viên “liên kết” từ năm 2020 trở đi. Trong khi đó, chính sự cộng tác khiến Anh trở thành bên tham gia quan trọng trong sân chơi khoa học toàn cầu lại phụ thuộc vào quy định cho phép các nhà khoa học tự do tới Anh. Khoảng 15% nhân viên hàn lâm tại các thể chế của Anh không phải công dân Anh hay EU và con số này có thể tăng lên 20% tại các trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, “Brexit” sẽ cho phép Anh tránh được một vài quy định phiền toái của EU, ví dụ như các quy định về thử nghiệm lâm sàng vốn bị phàn nàn là làm thui chột khả năng sáng tạo.

Người tiêu dùng

Luật pháp châu Âu chịu trách nhiệm về cách thức mà chúng ta sử dụng hàng hóa tiêu dùng, từ cà chua tới phomát, từ chiếc điện thoại di động cho tới cái tủ lạnh bị lỗi. Văn bản luật này được soạn thảo ra để làm hài hòa cái chúng ta chờ đợi nhận được khi mua vật gì đó, từ thứ đơn giản như quả táo, hay cách chúng ta chờ đợi được giải quyết khi mua phải hàng hóa bị lỗi.

Một ví dụ cụ thể về hiệu lực của luật này là việc áp dụng nó cho chi phí sử dụng điện thoại di động ở nước ngoài. Mùa Hè năm 2015, Ủy ban châu Âu đã thông qua luật viễn thông cho thị trường chung, có nghĩa là du khách ở các nước EU sẽ trả mức phí di động tương tự như ở nhà. Một nghị sĩ Anh mô tả luật mới này là “một chiến thắng lớn cho người tiêu dùng Anh” bởi nó sẽ chấm dứt cái gọi là “sốc hóa đơn thanh toán” – khi người đi du lịch trở về và “té ngửa” với khoản cước phí khổng lồ phải trả cho việc gọi điện, nhắn tin và lưu dữ liệu khi ở nước ngoài. Các mức phí sử dụng điện thoại di động ở nước ngoài sẽ giảm xuống từ tháng Tư năm nay và “biến mất” từ tháng 6/2017.

Nhưng nếu Anh rời EU, chúng ta không cần thiết thực hiện quy định này nữa. Chính phủ nói rằng việc không còn sự bảo vệ của luật này có thể khiến các hóa đơn thanh toán tăng lên nhưng nhiều người khác lại không cho là như vậy. Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ di động nói rằng một khi được thực hiện, các nhà mạng sẽ không quay lưng với thay đổi đó bởi trong một thị trường cạnh tranh, họ sẽ chẳng có động cơ gì để đơn thương độc mã tăng giá.

Đi lại và Du lịch

Chi phí đi lại bằng máy bay liệu có tăng lên không là một trong những câu hỏi mà người phản đối Anh ra khỏi EU đặt ra bởi khi đó, hành khách đi máy bay sẽ khó buộc các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm khi chuyến bay của họ bị hủy hoặc chậm giờ. Một phần ý nghĩa trong luật của EU có tên là “Các quy tắc về chậm, hủy chuyến trong hàng không”, theo đó hành khách đi máy bay có quyền được đòi bồi thường tới 600 euro cho việc các chuyến bay cất cánh từ các nước EU bị chậm hoặc hủy chuyến. Nếu Anh không còn là thành viên EU nữa, hành khách Anh có thể cũng sẽ không được hưởng quyền đòi bồi thường theo quy định này.

Người Anh xa xứ

Khoảng 2 triệu người Anh hiện định cư ở các nước EU khác. Chừng nào Anh vẫn thuộc liên minh này thì quyền lợi hưu trí và y tế của họ vẫn được bảo vệ theo các thỏa thuận tương hỗ. Họ được hưởng lương hưu cũng như bất cứ các khoản gia tăng hàng năm nào của Anh và được chăm sóc y tế miễn phí. Họ cũng có quyền làm việc và sở hữu tài sản tại các nước EU khác và nhận trợ cấp. Mua một căn nhà ở một nước EU sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc mua nhà ở một nước ngoài khối. Nhưng nếu nước Anh rời EU, các thỏa thuận này sẽ tự động ngừng áp dụng.

Như lời Bộ trưởng châu Âu David Lidington nói trên tờ “the Observer” (Nhà quan sát), chính phủ khi đó sẽ phải bước vào các cuộc thương lượng khó khăn với các nước EU để tìm kiếm thỏa thuận cho các kiều dân của mình và đây là một phần của hành động “nhảy vào chỗ không biết”. Vì thế có thể hiểu được mối lo ngại của các tổ chức kiều dân Anh và hầu hết thành viên của họ dường như đều muốn tránh “Brexit”. Với họ, “Brexit” sẽ tạo ra một thời kỳ bất ổn kéo dài. Liệu họ có phải nộp đơn xin cư trú và xin giấy phép lao động từ các nước mà họ đến định cư hay không? Liệu họ có được mang quốc tịch kép hay không? Điều gì xảy ra nếu như họ bị bệnh sau khi Anh đã rời EU? Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) khám chữa bệnh miễn phí cho tất cả những ai có thẻ y tế châu Âu và người hưu trí Anh cư trú tại Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Nếu “Brexit” xảy ra, nhiều người sẽ trở về nước.

Giáo dục bậc cao

Pháp luật EU hiện hành cho phép công dân đi lại tự do giữa các nước thành viên, tất cả những công dân EU chuyển đến sinh sống tại một nước thành viên EU khác sẽ được tiếp cận giáo dục như công dân của nước sở tại. Tương tự, các sinh viên EU đến một nước EU khác theo học sẽ phải trả học phí như sinh viên bản địa và có thể xin hỗ trợ học phí ở nước theo học.

Trong năm học 2013-2014, có 125.300 sinh viên EU theo học tại các trường đại học trên toàn nước Anh và cũng trong năm đó, đã có 224 triệu bảng được cho sinh viên EU vay để theo học các khóa toàn thời gian ở England – tương đương 3,7% tổng vốn vay của sinh viên. Cơ chế Erasmus+ là một chương trình của EU mở cửa cho các tổ chức giáo dục, đào tạo, thanh thiếu niên và thể thao. Cơ chế này đem lại cơ hội cho người Anh học tập, làm việc, hoạt động tình nguyện, giảng dạy và đào tạo tại châu Âu và sẽ phân bổ gần 1 tỉ euro cho Anh trong 7 năm tới. Dự kiến 250.000 người Anh sẽ tham gia các hoạt động ở nước ngoài theo chương trình này.

Khoảng 15% lực lượng lao động có học vấn của Anh đến từ các nước EU khác. Hơn 200.000 sinh viên Anh và 20.000 người làm việc tại các trường đại học Anh đã ra nước ngoài thông qua cơ chế trao đổi Erasmus. Trong khi chính phủ có thể tiết kiệm được tiền qua việc không phải cấp vốn cho sinh viên từ các nước EU khác vay hay duy trì quỹ cho sinh viên EU, nước Anh sẽ mất quyền tiếp cận nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu của EU cũng như các cơ chế trao đổi sinh viên.

Cuối cùng, chính các trường đại học và sinh viên sẽ chịu thua thiệt – nhiều trường đại học đã bày tỏ lo ngại về việc các công trình nghiên cứu của họ có thể bị ngừng cấp vốn. Hầu như tất cả các trường đại học tại Anh đều phản đối “Brexit”. Bà Julia Goodfellow, Chủ tịch Các trường đại học Anh và là Hiệu trưởng Đại học Kent, nói: “Sinh viên Anh hưởng lợi từ việc được những người có trí tuệ ưu tú nhất của châu Âu giảng dạy. Tư cách thành viên EU tốt cho các trường đại học của chúng ta cũng như cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm cải thiện cuộc sống con người”.

Chăn nuôi trồng trọt

Từ năm 2014 đến 2020, nông dân ở Anh dự kiến nhận được 27,8 tỷ bảng tiền trợ giá từ chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP). Một phần lớn của khoản tiền này là dành cho những đối tượng tham gia cơ chế “môi trường nông nghiệp”, nghĩa là nông dân sẽ được hỗ trợ nếu thực hiện các biện pháp canh tác có tác dụng bảo vệ hoặc cải thiện môi trường. Tiền của CAP cũng được rót vào các dự án phát triển khu vực nông thôn mà nhờ đó Bộ Tài chính giảm bớt được gánh nặng chi trong lĩnh vực này, không phải chi nhiều tiền riêng.

Một Chính phủ Anh hậu EU sẽ phải theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương với từng nước trong EU. Trong khi đó, việc đánh giá lại quy định và cấp phép cho chất bảo vệ thực vật sẽ phải được tiến hành. Anh cũng có thể phải ban hành hệ thống kiểm soát mới cho cây trồng biến đổi gien. Đóng góp ròng của Anh cho ngân sách CAP trong năm 2014 là 1 tỷ bảng (1,27 tỷ euro). Trong một thế giới hậu “Brexit”, Chính phủ Anh sẽ muốn tiếp tục một số hình thức trợ giá nhưng rời khỏi CAP có thể sẽ làm thu nhập của nông dân giảm sút mà chính phủ không chắc sẽ giữ được mức độ bảo hộ như hiện nay.

Ngành công nghiệp chăn nuôi của Anh vẫn có thể khai thác tính cạnh tranh vốn không bị trói buộc bởi EU và nhờ đó có thể đưa giá thực phẩm ở Anh giảm xuống. Nhưng khối lượng nhập khẩu của Anh từ EU cao hơn 2,5 lần so với từ phần còn lại của thế giới, và các biểu thuế mới sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu. Giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng theo đó sẽ tăng lên.

Thủ đô London và Khu Tài chính (the City)

Thủ đô London có trung tâm tài chính lớn nhất thế giới và là nơi đặt trụ sở của hơn 250 ngân hàng nước ngoài có quyền tiếp cận thị trường chung theo các thỏa thuận quy chế thành viên EU của Anh. Các dịch vụ tài chính chiếm tới 10% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Anh. Khu Tài chính London là nhà xuất khẩu các dịch vụ tài chính bán sỉ lớn nhất thế giới, tuyển dụng hơn 1 triệu người làm việc.

Nếu rời EU, Anh sẽ phải thương lượng lại các điều khoản của bất cứ quyền tiếp cận thị trường chung hậu quy chế thành viên nào, trong khi các trung tâm tài chính đối thủ của nó ở cả trong và ngoài EU như New York, Hong Kong, Tokyo, Frankfurt và Dublin đều sẽ tìm cơ hội trục lợi trong giai đoạn bất ổn này. Tuy vậy, ý kiến về “Brexit” lại trái chiều tại Khu Tài chính. Nhiều công ty nhỏ nói rằng “the City” sẽ phát triển hơn một khi được giải phóng khỏi các quy định của EU, nhưng những nhà tạo công ăn việc làm và lợi nhuận lớn hơn cho rằng những rủi ro khi nằm ngoài EU là khó có thể lường hết được.

Đại diện của hai ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan từng phát biểu trước Ủy ban Quốc hội về tiêu chuẩn ngân hàng rằng: “Cũng như các thể chế tài chính khác ở ‘the City’, khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng và tham gia các hoạt động đầu tư của chúng tôi khắp châu Âu phụ thuộc vào tấm hộ chiếu mà các doanh nghiệp có trụ sở tại London được hưởng để hoạt động xuyên biên giới trong khuôn khổ Liên minh châu Âu. Nếu Anh rời EU, nhiều khả năng tấm hộ chiếu này không còn nữa, do đó buộc các công ty muốn tiếp cận các thị trường châu Âu phải chuyển hoạt động của họ tới các thị trường đó”.

An ninh và Quốc phòng

Trong nhiều thập niên, EU đã cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng đặt ra, rằng “Tôi sẽ gọi ai nếu muốn gọi châu Âu?” Nhưng tiến trình dẫn tới một chính sách phòng vệ chung của EU còn chậm chạp và không chắc chắn. Tuy nhiên vào năm 2009, Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực và tạo ra chính sách phòng vệ và an ninh chung. Hiệp ước này xác định các mục tiêu cần sự đoàn kết và hỗ trợ chung và cho phép tạo ra một “Bộ Ngoại giao” chung là Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) chuyên trách chính sách an ninh và quốc phòng của khối. Dù có vai trò hạn chế với các sứ mệnh hòa bình, EEAS cũng đã giúp bình ổn tại Balkans, Gzuria và Indonesia, trong khi tại Afghanistan, cơ quan này đã làm việc với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tăng cường năng lực cho cảnh sát Afghanistan.

Anh có thể tiếp tục ủng hộ các hoạt động của EEAS như một bên thứ ba, với mong muốn tránh được những sự can dự tốn kém hơn của NATO. Chính phủ Anh hiện rất ủng hộ ý tưởng phòng vệ tập thể của châu Âu và thậm chí còn sốt sắng hơn nữa về chính sách an ninh EU và chính sách chống khủng bố, chia sẻ thông tin tình báo của khối này. Thủ tướng David Cameron đã chỉ ra lợi ích cụ thể của việc chia sẻ thông tin tình báo EU và Trát bắt giữ châu Âu (EAW) như các công cụ đắc lực để theo dõi khủng bố và ngăn chặn các cuộc tấn công trên các đường phố Anh.

Môi trường

Môi trường là lĩnh vực mà luật pháp Anh và EU có liên hệ chặt chẽ với nhau. Các nguyên tắc môi trường trong Đạo luật châu Âu chung nêu rõ mục tiêu hành động của EU là “gìn giữ, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường; đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe con người; và đảm bảo sử dụng thận trọng và có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Luật pháp EU đặt ra giới hạn về một loạt chỉ số ô nhiễm không khí và yêu cầu các nước thành viên có kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu này. Cơ chế buôn bán khí thải EU định ra mức trần lượng khí thải mà các khu vực sử dụng nhiều năng lượng phải giảm, đồng thời phân bổ hoặc đấu giá hạn mức khí thải mà các bên có thể mua bán trên thị trường mở. Cơ chế này sẽ cho phép giảm 21% lượng khí thải vào năm 2020 so với mức của năm 2005 cho tất cả các ngành nghề ở châu Âu.

Chính phủ Anh đã bày tỏ sự “ủng hộ mạnh mẽ” các mục tiêu về môi trường của EU, đặc biệt trong việc bảo vệ động vật hoang dã và vấn đề quy hoạch, bởi thế nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn trong vấn đề môi trường nếu “Brexit” xảy ra.

Trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn mà Anh đặt ra, ví như tiêu chuẩn nước uống, thậm chí còn cao hơn yêu cầu chung của EU. Tuy nhiên, ra khỏi liên minh này sẽ dẫn đến bất ổn nhiều hơn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực môi trường. Một nhà kinh tế thuộc Hiệp hội Dịch vụ Môi trường nói rằng sự chia tay EU “sẽ dẫn đến một khoảng trống khổng lồ cho ngành công nghiệp này bởi không rõ chúng ta sẽ giữ được thành phần nào trên hành trình của châu Âu tiến tới các tầng nấc môi trường bền vững hơn” và “hàng tỉ bảng đầu tư mới trong các lĩnh vực việc làm và tăng trưởng ‘xanh’ có thể ‘bốc hơi’ chỉ trong một sớm một chiều”.

Video liên quan

Chủ đề