Tổng thống nào của nước mĩ đã thực hiện chính sách mới để giải quyết khủng hoảng?

(Bqp.vn) - Ngày 27/1/1973, tại Pa-ri (Cộng hòa Pháp), “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, đã được ký kết, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, dẫn đến thắng lợi hào hùng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kết thúc vào ngày 30/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tổng thống nào của nước mĩ đã thực hiện chính sách mới để giải quyết khủng hoảng?

Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973. (ảnh tư liệu)

“Vừa đánh vừa đàm” - một phương châm chiến lược độc đáo dưới sự lãnh đạo của Đảng

“Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” là thành quả của cuộc đấu tranh ngoại giao kiên định của Việt Nam với Mỹ trong suốt 4 năm 8 tháng 16 ngày, là thắng lợi của sự kết hợp tài tình giữa quân sự và ngoại giao theo phương châm “vừa đánh vừa đàm”. Đây là phương châm chiến lược độc đáo của Đảng, là sự kết tinh, kế thừa truyền thống “ngoại giao tâm công” của ông cha ta và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27/1/1973 tạo cơ sở pháp lý quốc tế buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự, làm cho chế độ và Quân đội Sài Gòn ở miền Nam không còn chỗ dựa, bị suy yếu nghiêm trọng, ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và sụp đổ hoàn toàn chỉ 2 năm sau đó.

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20/12/1960, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam bước sang một giai đoạn mới với nhiều thắng lợi vang dội. Cuối năm 1965, với những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam và trong chiến đấu chống lại chiến dịch không kích của Mỹ ở miền Bắc, Đảng ta đã tính đến kế hoạch đàm phán với Mỹ về lập lại hoà bình ở Việt Nam. Tháng 1/1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở cho thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế hiện nay và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động” [1]. Từ sau Hội nghị này, ta đã thực sự triển khai kế hoạch đàm phán, đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên cả hai miền, đưa ngoại giao thành một mặt trận quan trọng phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị để đấu tranh với Mỹ, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

Theo tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 13, ngày 28/1/1967, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh khi đó, trong trả lời phỏng vấn nhà báo Winfred Burchet (Ô-xtrây-li-a) đã nhấn mạnh: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện” [2]. Cuối năm 1967, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh lại tuyên bố: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề liên quan”. Tuyên bố này thể hiện lập trường nhất quán và thiện chí của Việt Nam muốn giải quyết cuộc chiến tranh thông qua đàm phán hoà bình nếu Mỹ chấp nhận ngừng ném bom đánh phá miền Bắc.

Tuy nhiên, chỉ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 khi tình hình thay đổi hẳn theo hướng có lợi cho cách mạng và chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị thất bại nặng nề, Tổng thống Giôn-xơn mới buộc phải “xuống thang”, tuyên bố đơn phương hạn chế ném bom miền Bắc và cử đại diện tham gia đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/4/1968, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ để xác định điều kiện thương lượng giữa hai bên, mở đầu cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pa-ri. Ta đã kiên quyết đòi và Mỹ đã phải chấp nhận cùng đàm phán chính thức với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (và từ tháng 6/1969 là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam). Tháng 10/1968, trên cơ sở những đánh giá chủ động, kịp thời và chính xác của đoàn đàm phán tại Pa-ri về tình hình và thời cơ để buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, Bộ Chính trị đã quyết định chủ trương kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc từ 31/10/1968 và ngồi vào bàn đàm phán 4 bên. Như vậy, chính thắng lợi quân sự đã mở cánh cửa cho đàm phán ngoại giao và tạo ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

“Biết địch biết ta” - cơ sở và tính thực tiễn cao của phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm”

Đảng ta đề ra và kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm” xuất phát từ nghệ thuật kết hợp giữa mặt trận quân sự, mặt trận chính trị và mặt trận ngoại giao; đồng thời, từ cục diện tình hình và so sánh lực lượng cụ thể trên chiến trường lúc đó. Chúng ta không thể giải quyết thắng lợi cuộc chiến tranh chỉ bằng quân sự vì Mỹ là một đế quốc hùng mạnh, có lực lượng quân đội lớn và vũ khí tối tân, trong khi về so sánh sức mạnh, ta chưa ở thế áp đảo, các lực lượng ủng hộ ta lại bị chia rẽ nghiêm trọng, đặc biệt nổi lên mâu thuẫn Xô - Trung và việc cả hai nước lớn này đều muốn hòa hoãn với Mỹ. Tình hình đó ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình cách mạng và các bước triển khai chiến lược của ta nhằm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã viết: “Tuy nói Mỹ phải ra vì thua, vì yếu nhưng ta biết rằng Mỹ vẫn còn tiềm lực lớn... Ta tuy thắng liên tiếp và đã mạnh lên nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Đến lúc này, sự viện trợ của phe ta không phải đầy đủ và kịp thời như ta mong muốn… Trong hoàn cảnh đó, ta phải tạo ra một thế đi lên vững nhất, một thế thắng chắc nhất. Chính vì lẽ đó mà ta ký Hiệp định Pa-ri… Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch” [3]. “Vừa đánh vừa đàm” chính là phương châm thích hợp nhất để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng ở miền Nam và tạo điều kiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để rồi đi tới thắng lợi cuối cùng “Bắc Nam sum họp” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu năm 1969.

“Vừa đánh vừa đàm” là một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp nhưng phản ánh sự thắng lợi của chính nghĩa và trí tuệ Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, kịp thời nắm bắt và khai thác những cơ hội khách quan và chủ quan, biết phát huy tác động và ý nghĩa của những thắng lợi trên chiến trường để giành thắng lợi trên bàn đàm phán và góp phần tạo điều kiện, thời cơ cho những thắng lợi tiếp theo. Ngày 18/1/1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pa-ri (Pháp). Bốn đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bàn thảo chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Ngày 25/1/1969, Hội nghị bốn bên chính thức khai mạc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố chính trị với lập trường năm điểm, và đến tháng 5/1969 đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam. Ngày 14/5/1969, Mỹ đã đối phó bằng cách đưa ra kế hoạch tám điểm đòi gắn việc rút quân Mỹ với việc rút quân miền Bắc và duy trì chính quyền Sài Gòn, đồng thời tăng viện cho chính quyền Sài Gòn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, thực chất là dùng người Việt đánh người Việt và buộc Việt Nam phải thương lượng dưới sức ép của bom đạn Mỹ.

Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính phủ hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, được thành lập và ngay sau đó đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Hoạt động ngoại giao Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với sự tồn tại đồng thời của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Miền Nam Việt Nam - cả hai đều hoạt động dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và cùng nhằm một mục tiêu chiến lược là buộc Mỹ chấm dứt mọi hoạt động xâm lược, rút hết quân khỏi Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày 25/8/1969, trả lời thư của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự” [4]. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng kiên quyết đòi Mỹ rút ngay toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần và tiến tới tổng tuyển cử. Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chiến lược là kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành tổng tiến công liên tục, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và thế giới nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.

Trước sự lớn mạnh không gì ngăn nổi của phong trào cách mạng ở miền Nam, sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch ném bom đánh phá miền Bắc và công luận rộng rãi trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, lên án cuộc chiến tranh xâm lược và đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Đại thắng mùa Xuân 1975 - thành quả của phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm”

Thực hiện chủ trương của Đảng, lời chúc Tết năm 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và Di chúc thiêng liêng của Người, quân dân hai miền đã giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam cũng như tại hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Thắng lợi vang dội trên chiến trường cùng với thiện chí cao của ta trên bàn đàm phán đã tạo ra được làn sóng phản chiến trên khắp nước Mỹ và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Từ tháng 7/1970, Tổng thống Ních-xơn đã phải ra lệnh rút dần quân khỏi miền Nam Việt Nam. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn và sự thành công bước đầu rất quan trọng trong việc thực hiện nghệ thuật kết hợp “đánh - đàm” của Đảng ta.

Thắng lợi quân sự quan trọng cuối năm 1971 đã buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, từ bỏ yêu sách đòi ta rút quân khỏi miền Nam, và ta đã thực hiện được phương châm trong đàm phán tại Hội nghị Pa-ri là: “quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”. Tuy nhiên, ý đồ thực dân mới của Mỹ không thay đổi. Tổng thống mỹ Ních-xơn chủ trương ngồi vào bàn đàm phán chỉ để đạt mục tiêu duy trì và củng cố chính quyền Thiệu ở miền Nam làm công cụ thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”, né tránh sức ép của công luận và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Mỹ sử dụng chiêu bài “đàm phán không điều kiện” và các thủ đoạn như “ngừng bắn”, “ngừng bắn tại chỗ”, “ngừng bắn toàn Đông Dương”, “hai bên cùng xuống thang chiến tranh”, “hai bên cùng rút quân”… nhằm thực hiện đàm phán trên thế mạnh, vừa đàm phán vừa đe doạ ta.

Chiến thắng Xuân - Hè 1972 của quân và dân ta đã giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng, tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Với phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, ta thực sự coi đàm phán tại Pa-ri là một mặt trận, vừa nhằm tuyên truyền cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta vừa làm cho thế giới ghi nhận những thắng lợi của các cuộc đấu tranh quân sự và chính trị của nhân dân Việt Nam. Nhằm mục đích đó, tháng 7/1972, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết sách: Chuyển từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình. Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa cho phía Mỹ dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trước tình hình thế và lực trên chiến trường miền Nam ngày càng bất lợi cho phía Mỹ, Mỹ buộc phải đồng ý thảo luận cụ thể từng câu chữ và điều khoản của Hiệp định. Ngày 20/10/1972, Tổng thống Ních-xơn gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định “Văn bản của Hiệp định bây giờ có thể xem như đã hoàn thành” và thỏa thuận sẽ ký vào ngày 31/101972.

Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Tổng thống, ngày 22 và 23/10/1972, Ních-xơn đã đề nghị hai bên gặp riêng để “bàn thêm” và đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương của Hiệp định theo đòi hỏi của Chính quyền Sài Gòn. Đây là hành động của nhà cầm quyền Mỹ cố tình trì hoãn việc ký Hiệp định. Cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng, bế tắc trong suốt tháng 11 tới đầu tháng 12/1972. Để gây sức ép và tạo cục diện “đàm phán trên thế mạnh”, ngày 18/12/1972, Ních-xơn bắt đầu cho máy bay B-52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận; đồng thời gửi công hàm cho Việt Nam đề nghị họp lại. Thủ đoạn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”[5].

Trong 12 ngày đêm chiến đấu chống “Siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ, nhân dân ta đã làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng bất khả chiến bại của “không lực Hoa Kỳ”. Ních-xơn phải thốt lên rằng: nỗi lo sợ của chính quyền Mỹ trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới mà chính là ở mức độ tổn thất quá nặng nề về máy bay B-52.

Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tổn thất nặng nề trong chiến dịch ném bom bắn phá miền Bắc và bị dư luận quốc tế lên án mạnh, ngày 29/12/1972, Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, các bên ký chính thức “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Như vậy, mưu toan cuối cùng của Mỹ hòng dùng sức mạnh quân sự đè bẹp ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta đã hoàn toàn thất bại và Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kết quả này thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa mặt trận quân sự với mặt trận ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm” ở một giai đoạn có tính chất quyết định của cách mạng miền Nam.

Với việc ký kết Hiệp định Pa-ri, ta đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, tạo tiền đề để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng Đại thắng mùa Xuân 1975. Như vậy, đại thắng mùa Xuân 1975 chính là thành quả của phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm” dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói khi trả lời một nhà bình luận Đài Truyền hình Mỹ nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam: “Hiệp định Pa-ri mở đường cho thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, kết thúc hơn một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước chúng tôi, đem lại độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc chúng tôi” [6].

Tổng thống nào của nước mĩ đã thực hiện chính sách mới để giải quyết khủng hoảng?

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. (ảnh tư liệu)

Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là một cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, là cuộc đấu lý và đấu trí vô cùng phức tạp, quyết liệt. Thắng lợi của ta tại Hội nghị Pa-ri là sự thể hiện thành công nhất nghệ thuật kết hợp giữa “đánh” và “đàm”, giữa “nghệ thuật quân sự” và “nghệ thuật ngoại giao” dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Trong gần 5 năm (13/5/1968 - 27/1/1973) triển khai thế trận “vừa đánh vừa đàm”, ngoại giao đã trở thành một mặt trận chiến lược, bổ sung và phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chính trị - quân sự - ngoại giao để giành thắng lợi trước một đối thủ có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Pa-ri đã buộc Mỹ phải “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” - điều mà Mỹ đã lảng tránh thực hiện trong quá trình thi hành “Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” năm 1954, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng với việc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và can thiệp ở miền Nam, rút quân khỏi miền Nam, mở ra cục diện mới để quân và dân ta tiến lên kết thúc chiến tranh bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm”, ta đã thực sự kết hợp nhuần nhuyễn tới mức nghệ thuật giữa chính trị, quân sự và ngoại giao để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là thành quả của phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mang đậm tính thời sự, có giá trị tham khảo sâu sắc và bổ ích cho cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta trong tình hình mới.

[1] - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (23-27/1/1967).

[2] - Báo Nhân dân, ngày 28/1/1967.

[3] - Lê Duẩn: “Gửi anh Bảy Cường” (tức đồng chí Phạm Hùng), Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 372-373.

[4] - Báo Nhân dân, số 5684, ngày 7/11/1969.

[5] - Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203.

[6] - Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 5-10.

Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao