Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối quý 3 năm nay ở mức 12,72%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 9% theo quy định.

Hẳn nhiều người vẫn nghĩ rằng hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ cao hơn so với các ngân hàng cổ phần tư nhân, và CAR của ngân hàng lớn sẽ tốt hơn so với ngân hàng nhỏ, tuy nhiên không phải như vậy. Số liệu cho thấy, hiện CAR của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà ở mức 9,48%, thấp hơn nhiều so với CAR của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 12,1%.

Các NHTM Nhà nước do cơ quan quản lý đề cập đến bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, CBBank, GPBank và OceanBank, trong đó CAR đã loại trừ các tổ chức tín dụng bị âm vốn tự có.

Trong hệ thống hiện có 10 ngân hàng được NHNN chọn thí điểm áp dụng quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, trong đó yêu cầu CAR phải trên 8% đó là Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Sacombank, MB, ACB, Techcombank, Maritime Bank và VIB.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tính CAR của Việt Nam hiện tại khác xa so với Basel II (thấp hơn), vì thế nếu áp theo chuẩn mới với 3 trụ cột được thực hiện đầy đủ thì tỷ tỷ lệ CAR sẽ giảm khoảng 15 -20%, nghĩa là với mức 9% của ngân hàng sẽ chỉ còn khoảng 7,5%, thậm chí có những ngân hàng có thể giảm CAR tới 25-30%.

Do vậy, để đảm bảo được CAR, các ngân hàng buộc phải nâng vốn tự có, hoặc là vốn cấp 1 (nòng cốt - gồm vốn điều lệ, lợi nhuận để lại và các quỹ) hoặc vốn cấp 2 (vốn bổ sung - gồm trái phiếu chuyển đổi, giá trị tăng thêm của tài sản cố định, các loại chứng khoán được định giá lại, các công cụ nợ khác có thời hạn dài…), trong đó vốn cấp 1 được coi là có độ tin cậy và an toàn cao hơn, song song với chặt chẽ hơn trong việc quản lý tài sản.

Vậy tình hình CAR của các ngân hàng hiện nay ra sao?

Trong số 3 ngân hàng lớn nhất là BIDV, VietinBank và Vietcombank thì CAR của BIDV đang thấp nhất khi chỉ đạt xấp xỉ 10%. Cửa tăng vốn cho BIDV trong năm nay là rất khó khi kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức– phương án khả dĩ nhất theo dự định – đã bất thành.

VietinBank có CAR đạt mức 11%. Hiện ngân hàng này đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, điều này nếu được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn vốn. VietinBank có thể nâng vốn bằng việc nhận sáp nhập PGBank tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ hoàn tất. Vì thế ít nhất là ngắn hạn ngân hàng sẽ chưa thể nâng CAR lên cao.

Vietcombank có CAR hiện ở mức 10,8% nhưng gần như chắc chắn có thể nâng CAR lên rất cao khi đã tìm được đối tác chiến lược của Singapore để thực hiện bán vốn cùng kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu bằng VNĐ. Thậm chí ngay cả khi chưa được phê duyệt việc bán vốn thì theo đánh giá của giới phân tích, ngân hàng này vẫn có thể phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 dễ dàng hơn so với 2 ngân hàng bạn.

Các ngân hàng cổ phần tư nhân trong khi đó lại có lợi thế hơn ở hệ số CAR. Số liệu từ báo cáo tài chính của đã kiểm toán cho thấy, VIB là ngân hàng có vốn điều lệ và vốn tự có thấp nhất trong số 10 ngân hàng nhưng CAR của VIB kết thúc năm 2015 lên tới 18%. Ngân hàng này dự tính rằng nếu tính theo Basel II thì CAR đến thời điểm hiện tại vẫn đạt khoảng 13%.

Eximbank cũng là trường hợp có CAR khá cao với hơn 17%. Ngân hàng Maritime Bank trong khi đó có hệ số CAR đạt 14,6% tại thời điểm cuối tháng 9 năm và nếu áp theo chuẩn Basel II thì cũng đạt hơn 13%.

Một ngân hàng nữa cũng có CAR khá cao đó là ACB, hiện ở mức trên 14%. Mới đây ngân hàng lại thông qua kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu để nâng vốn cấp 2, vì thế khi áp dụng hoàn toàn theo chuẩn Basel II, đây là ngân hàng cũng không phải bận tâm về hệ số CAR.

Tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank cuối năm ngoái là 14,7% và đến nay cũng duy trì mức cao theo tiêu chuẩn Basel.

Cùng với ACB và Techcombank, ngân hàng Quân đội (MB) cũng không đáng lo về hệ số CAR khi năm ngoái đã nâng vốn điều lệ thành công. Hết năm 2015, CAR của ngân hàng ở mức 12,85%.

Hệ số an toàn vốn của VPBank ở mức 12,2% vào cuối năm 2015 và tỷ lệ này duy trì khá ổn định từ 11,3 – 12,5% trong vòng 5 năm gần đây. Còn trường hợp của Sacombank, trước khi sáp nhập SouthernBank có hệ số CAR khoảng 10%, theo phép tính cộng ngang vốn sau khi sáp nhập thì hiện tỷ lệ CAR cũng được nâng lên đáng kể nhưng ngân hàng chưa có cập nhật mới về con số này.

CAR nói lên điều gì?

Về lý thuyết, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là một thước đo độ an toàn vốn của ngân hàng, được tính theo Tỷ lệ phần trăm của tổng vốn cấp I và vốn cấp II so với tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro của ngân hàng.

Tỷ lệ này thường được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng và tăng tính ổn định cũng như hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu. Bằng Tỷ lệ này người ta có thể xác định được khả năng của ngân hàng thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các loại rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Hay nói cách khác, khi ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ này tức là đã tự tạo ra một tấm đệm chống lại những cú sốc về tài chính, vừa tự bảo vệ mình, vừa bảo vệ những người gửi tiền.

Nhưng trong thực tế, theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ lệ an toàn vốn ở Việt Nam vẫn chưa phản ánh trung thực tình hình của các ngân hàng do tình trạng giấu giếm nợ xấu và chưa tuân thủ chặt chẽ về trích lập dự phòng. Thậm chí có trường hợp kinh doanh kém hơn những năm trước nhưng CAR lại tăng “nhờ” tài sản giảm. Vì thế, nếu nhìn vào con số CAR lúc này mà "phán" ngân hàng nào có CAR thấp là rủi ro và CAR cao là an toàn tuyệt đối là chưa chính xác.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín lưu ý rằng, chừng nào các ngân hàng còn giấu giếm con số nợ xấu và không tuân thủ các quy định về trích lập dự phòng, chừng đó tỷ lệ CAR còn bị thổi phồng và không phản ánh chính xác mức độ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: cafef.vn

Hiện tỷ lệ an toàn vốn tại nhiều ngân hàng thương mại đã đạt phổ biến từ 8% - 11% và quy định mới đến 1/10/2010 mới có hiệu lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản, trong đó quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng thương mại lên 9%. Ngày 20/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư này thay thế Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN và một số văn bản liên quan của Ngân hàng Nhà nước. Một điểm đáng chú ý trong thông tư trên là quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Cụ thể, Điều 4 của Thông tư quy định: Tổ chức tín dụng, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro của tổ chức tín dụng (tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ). Cũng theo Điều 4 của Thông tư, tổ chức tín dụng phải thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo quy định nói trên, phải đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% trên cơ sở hợp nhất vốn, tài sản của tổ chức tín dụng và công ty trực thuộc (tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất). Như vậy, tỷ lệ an toàn vốn nói trên đã được nâng lên 9% thay cho mức 8% như quy định trước đó. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với thực tế hiện nay, khi nhiều ngân hàng thương mại hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, và nhằm tiến thêm một bước trong việc tuân thủ 25 nguyên tắc thanh tra cơ bản của Ủy ban Basel. Để thực hiện quy định mới, Ngân hàng Nhà nước xác định một thời hạn nhất định để các tổ chức tín dụng đáp ứng. Cụ thể, thời điểm thông tư trên có hiệu lực là từ ngày 1/10/2010. Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam có tỷ lệ an toàn vốn nói trên phổ biến từ 8% - 11%.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại

01/04/2016

GV. NGUYỄN KIÊN BÍCH TUYỀN

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, NCS Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Hoạt động sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn là đề tài mang đậm tính thời sự ở nước ta. Do đó, việc nghiên cứu khung pháp luật liên quan không chỉ là mối quan tâm mà còn là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, cũng như của các học giả và của các NHTM. Thời gian gần đây, dư luận càng quan tâm hơn đến chủ đề này khi nhiều vụ án xảy ra tại ngân hàng ACB, VietBank… và khi tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn khá cao. Bài viết giới thiệu khung pháp lý về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và hoạt động sử dụng vốn của các NHTM trong bối cảnh hiện nay.

Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại

Ảnh minh họa: (Nguồn internet)

1. Quy định của pháp luật Việt Nam về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR: Capital Adequacy Ratio)

Theo Điều 9 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN[1] của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36) thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phản ánh mức đủ vốn của TCTD trên cơ sở giá trị vốn tự có và mức độ rủi ro trong hoạt động của TCTD. Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2010/TT-NHNN[2] quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (Thông tư 13), đã quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất tối thiểu là 9%. Hiện nay, Điều 9 Thông tư 36 quy định “Từng TCTD phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ 9%” và “TCTD có công ty con, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ theo quy định tại điểm b khoản này phải đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất 9%”. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/06/2010 (Luật các TCTD 2010) quy định ngưỡng của tỷ lệ này chỉ là 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ. Thiết nghĩ, quy định này của Luật các TCTD 2010 cần được sửa đổi vì một số lý do sau:

Lý do đầu tiên là số lượng các thông tư trong lĩnh vực ngân hàng ngày một nhiều. Trong khi chủ trương hiện nay là giảm thiểu số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) dưới luật, tiến tới việc Luật sau khi được ban hành sẽ không cần tới các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, “hạn chế thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”[3]. Điều này nhằm tránh cho hệ thống VBQPPL không bị cồng kềnh và chồng chéo như hiện nay.

Lý do thứ hai là Luật các TCTD sẽ có giá trị pháp lý cao hơn các Thông tư. Trong khi đó, Ủy ban Basel[4] không bắt buộc các NHTM trên thế giới phải tuân theo khuyến nghị của Ủy ban này về hệ số CAR mà việc áp dụng sẽ có sự khác biệt nhất định ở mỗi quốc gia. Việc Ủy ban Basel quy định tỷ lệ 8% không có nghĩa là các quốc gia khi triển khai phải nhất định tuân theo tỷ lệ này, mà tùy theo tình hình riêng của từng quốc gia để quy định cho phù hợp. Do đó, việc vận dụng những nguyên tắc của Basel cần được “luật hóa” trong Luật các TCTD để mang tính ràng buộc hơn cho các TCTD Việt Nam.

Lý do thứ ba, tuy Ủy ban Basel và Điều 130 Luật các TCTD 2010 đều đưa ra mức tối thiểu của tỷ lệ an toàn vốn là từ 8%, nhưng tình hình thực tế của các NHTM tại Việt Nam cho thấy, con số này đã vượt trên ngưỡng tỷ lệ đó. Ví dụ: năm 2012, hệ số an toàn vốn CAR của VCB là 14,10; BIDV là trên 9,0; Vietinbank là 11,0; ACB là 13,0; Eximbank là 16,38; Sacombank là trên 9,0; Techcombank là 12,60; Ngân hàng Quân đội là 11,15; SHB là 10,72; Seabank là 13,29; Bảo Việt là 42,00. Bình quân là 13,60 cho một NHTM cổ phần[5]. Do đó, quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong Luật các TCTD 2010 cần được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới và thực tiễn tại các NHTM, mức tỷ lệ 8% là thấp so với hiện nay, vì “nội dung văn bản pháp luật phải luôn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội là một nguyên tắc không thể bỏ qua”[6]. Bên cạnh đó, việc sửa chuẩn an toàn vốn tối thiểu này thực ra cũng là một cách để nâng chuẩn cho các NHTM.

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc nâng hệ số CAR của các NHTM lên bao nhiêu là vừa? Theo chúng tôi, mức tối thiểu nên là 10% vì NHTM có mức vốn tốt là NHTM có CAR lớn hơn 10%. Việc quy định mức này thiết nghĩ không vượt quá khả năng của các NHTM do từ năm 2012, nhiều NHTM đã vượt qua ngưỡng này, các NHTM còn lại như BIDV và Sacombank cũng đã đạt trên 9%. Thực ra, việc NHTM muốn cho vay 100 đồng mà phải có vốn tự có là 10 đồng (với điều kiện là hệ số rủi ro là 100%) thì cũng chưa phải là yêu cầu quá cao đối với các ngân hàng. Cho nên, khi trên thực tế các NHTM đã vượt qua ngưỡng 8% từ rất lâu mà Luật các TCTD 2010 và một số VBQPPL vẫn duy trì yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% trở lên là chưa phù hợp. Đặc biệt, khi tham khảo hệ số CAR của các ngân hàng trên thế giới, chúng ta thấy việc quy định tỷ lệ này ở Luật các TCTD 2010 là thấp. Ví dụ CAR của Thái Lan là 15,5%, Philippines là 16,7%, Pakistan là 13,6%, Malaysia là 16,4%, Indonesia là 17,6%, Ấn Độ là 13,6% và Trung Quốc là 11,8%. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình của hệ số trên ở Việt Nam là 11,85% (bao gồm TCTD Việt Nam là 11,13% và TCTD nước ngoài là 28,58%).[7]

Về kỹ thuật lập pháp, việc chỉnh sửa hệ số CAR nên được thực hiện theo cách mà Luật số 37/2013/QH13 được ban hành ngày 29/6/2013 đã tiến hành. Luật này được ban hành chỉ để sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Doanh nghiệp 2005 là Điều 170.

2. Tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn

Trước đây, Điều 15 Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của NHTM là 40%. Sau đó, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 15/2009/TT-NHNN đã giảm tỷ lệ này xuống là 30%. Lý do là do tăng trưởng tín dụng cao, nhất là tín dụng vào bất động sản, gây rủi ro cho đồng vốn ngân hàng. Với mong muốn tín dụng tăng trưởng cao hơn mức cuối năm 2014, NHNN lại cho phép tăng tỷ lệ này lên 60% thông qua Thông tư số 36/2014/TT-NHNN. Chúng tôi nhận thấy việc tăng tỷ lệ này lên đã thể hiện quan điểm là chúng ta đang để cho các NHTM tiếp tục thực hiện chức năng của thị trường vốn. Về vấn đề này, “ở một số nước trên thế giới, do sự điều tiết của Nhà nước và sự phát triển cân đối giữa thị trường vốn ngắn hạn so với thị trường vốn dài hạn nên tỷ lệ này tự nó điều chỉnh vì sự an toàn trong hoạt động của chính ngân hàng. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển thì sự điều chỉnh và cân đối giữa hai thị trường vốn ngắn hạn và thị trường vốn trung và dài hạn còn chưa cân đối. Vì vậy, ngân hàng trung ương ở các nước này phải ban hành quy định về tỷ lệ này để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng luôn được duy trì”[8]. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho đồng vốn ngân hàng, tỷ lệ này ở Việt Nam đáng lý nên giảm đi thì lại tăng lên. Do đó, tỷ lệ này cần phải được xem xét lại và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế. Một chuyên gia Nhật Bản đã khuyến nghị và chia sẻ “Những gì Việt Nam nên thực hiện là cần thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường vốn, thị trường tài chính theo hướng lành mạnh, để giảm thiểu rủi ro do nền kinh tế và doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư, thay vì phải tìm đến nguốn vốn gián tiếp tại các ngân hàng”[9]. Từ đặc thù của tình hình Việt Nam hiện nay, quan điểm trên cần được quan tâm và cân nhắc nghiêm túc. Vì khi đã nâng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn lên 60%, NHNN lại lo lắng về độ an toàn của đồng vốn ngân hàng nên đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN[10]. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT: Build-Operation-Transfer) hay xây dựng - chuyển giao (BT: Build-Transfer) trong lĩnh vực giao thông; thận trọng khi xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng và quyết định cho vay trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và an toàn, hiệu quả; đầu tư vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Như chúng ta đã biết, các dự án BOT, BT là những dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng nên có thời hạn xây dựng rất dài, sau đó là quá trình thu hồi vốn cũng dài không kém, tức thuộc nhóm vay trung và dài hạn. Từ trước đến nay, các dự án BOT, BT có thời gian rất dài, thông thường khoảng trên 15 năm. Trong khi tình hình huy động vốn của các NHTM phần lớn là vốn ngắn hạn. Để hoạt động sử dụng vốn của NHTM được an toàn hơn, chúng ta nên cân nhắc lại việc có nên duy trì một tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn như từ trước đến nay. Khi tỷ lệ này không còn được duy trì, cũng đồng nghĩa là thị trường vốn được trả về đúng chỗ của nó, thì chúng ta sẽ không cần những cảnh báo như Chỉ thị số 05/CT-NHNN nữa.

3. Pháp luật về hoạt động cấp tín dụng có bảo đảm (giao dịch bảo đảm)

Từ trước đến nay, việc người dân vay tiền tại các NHTM phải dùng tài sản để đảm bảo cho các khoản vay là rất phổ biến.Vấn đề ở chỗ, khi nào thì phải dùng từ cầm cố, thế chấp và bảo lãnh? Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) đã phân định sự khác nhau giữa các thuật ngữ trên. Tuy nhiên, có những vụ kiện mà ngân hàng bị thiệt thòi do giao dịch là thế chấp nhưng tòa án lại nhận định là bảo lãnh và tuyên là hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Điển hình là vụ kiện giữa Chị T. và chi nhánh NHTM cổ phần A ở huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh), vụ kiện giữa NHTM cổ phần K với cơ sở sản xuất gỗ B. Cả hai vụ kiện đều xảy ra vào năm 2007[11]. Hoặc việc người thứ 3 là bà A dùng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay của Công ty B. Do Công ty B không trả được nợ nên ngân hàng khởi kiện ra tòa yêu cầu kê biên phát mại toàn bộ tài sản đã “thế chấp” của bà A. Đối với tình huống này, hiện các tòa án địa phương có hai cách giải quyết: Có tòa án cho rằng “hợp đồng thế chấp” này vô hiệu về hình thức do không thực hiện đúng quy định tại các Điều 715 đến Điều 721 BLDS 2005. Ngược lại, có tòa án cho rằng, tuy hợp đồng ký kết giữa bà A với ngân hàng ghi là “hợp đồng thế chấp” nhưng thực chất đây là “hợp đồng bảo lãnh” (vì BLDS không có quy định về hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất mà chỉ có quy định về hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất)[12].Theo phản ảnh của các NHTM (như NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam, NHTM cổ phần Quân đội) thì một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba đã bị Tòa án tuyên vô hiệu do có sự nhầm lẫn về hình thức hợp đồng. “Theo đó, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba thực chất là quan hệ bảo lãnh”[13].Tất cả những tranh cãi nêu trên đều dẫn đến bất lợi cho ngân hàng: hoặc việc kiện tụng bị kéo dài, hoặc hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Xuất phát từ thực trạng này, Tòa kinh tế đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật[14].

Chúng ta có thể tham khảo cách giải quyết của chế định về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) hiện đại. Cách tiếp cận truyền thống của các BLDS 1995 và 2005 là phân biệt giữa các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu BLDS 1995 phân biệt giữa thế chấp và cầm cố dựa vào việc tài sản là động sản hay bất động sản thì cách tiếp cận của BLDS 2005 là dựa vào việc có chuyển giao tài sản cho bên nhận đảm bảo nắm giữ hay không. Điều 361 BLDS 2005 quy định “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Cách tiếp cận hiện đại của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL: United Nations CommissionOnInternationalTradeLaw) hướng đến mục tiêu không phân biệt giữa các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, mà sẽ gọi chung là GDBĐ[15]. Thiết nghĩ, việc tiếp cận này mang lại những lợi ích kinh tế sau: Đầu tiên là loại trừ được rủi ro tín dụng cho ngân hàng khi giao dịch bảo đảm bị tuyên bố vô hiệu (do dùng không đúng từ, không đúng tên gọi hay không đúng hình thức như đã nêu trên). Kế đến, giảm thiểu chi phí thời gian, công sức và tiền bạc khi tham gia vào các vụ kiện tương tự, giảm tranh cãi không có hồi kết, giảm thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Một điểm rất quan trọng là người dân, những người mà phần lớn không hiểu biết nhiều về luật ngân hàng, không hiểu được sự khác biệt giữa các biện pháp bảo đảm, sẽ dễ dàng nắm bắt vấn đề có liên quan đến giao dịch bảo đảm của họ. Đó mới là yêu cầu quan trọng khi người dân tiếp cận và hiểu được luật. Cuối cùng, các quy định của pháp luật sẽ trở nên tinh gọn hơn, không cần nhiều văn bản để giải thích, để hướng dẫn những vấn đề có liên quan đến từng biện pháp bảo đảm. Do đó, chi phí ban hành các quy định của pháp luật sẽ được giảm đáng kể. Hiện nay, GDBĐ đang được quy định ở nhiều VBQPPL khác nhau như BLDS 2005, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm v.v..

4. Quy định của pháp luật về mở rộng mạng lưới hoạt động trong nước của các ngân hàng thương mại

Việc các NHTM mở rộng phạm vi hoạt động để tiếp cận khách hàng theo chiến lược ngân hàng bán lẻ là một nhu cầu có thật và hết sức chính đáng. Quy định của Việt Nam về vấn đề này chủ yếu được đề cập ở hai văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN và Thông tư số 21/2013/TT-NHNN của NHNN.

Theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN[16] thì mạng lưới hoạt động của NHTM bao gồm: sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, máy giao dịch tự động và điểm giao dịch. Hiện nay, theo Điều 3 của Thông tư số 21/2013/TT-NHNN, mạng lưới hoạt động của NHTM còn bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, nhưng không bao gồm Sở giao dịch.

Điều kiện để mở Sở giao dịch, chi nhánh trong nước của các NHTM được đề cập ở Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN[17] tập trung ở các nội dung như: đảm bảo các tỷ lệ an toàn; hoạt động kinh doanh có lãi; bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán hiệu quả; không bị xử phạt hành chính từ 30 triệu đồng trở lên; tổng số vốn để các chi nhánh hoạt động không được lớn hơn vốn điều lệ của NHTM. Riêng đối với việc mở văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp ở trong nước thì không có yêu cầu về việc đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và không đưa vấn đề bị xử phạt hành chính ra để xem xét. So với Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN thì Thông tư số 21/2013/TT-NHNN còn quy định thêm nhiều điều kiện như phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ, v.v..

Trước đây, Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN yêu cầu vốn đi kèm đối với các chi nhánh đã mở và đề nghị mở tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 100 tỷ đồng, ngoài địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội là 50 tỷ đồng. Hiện nay, theo Thông tư số 21/2013/TT-NHNN thì yêu cầu tương ứng là 300 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Kế tiếp, Thông tư số 21/2013/TT-NHNN giới hạn cho mỗi NHTM là “tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành Tp. Hà Nội hoặc nội thành Tp. Hồ Chí Minh” và “3. NHTM có thời gian hoạt động dưới 12 tháng (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá ba (03) chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 4. NHTM có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá năm (05) chi nhánh trong một (01) năm tài chính”[18].

Điểm giống nhau của Thông tư số 21/2013/TT-NHNN và Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN là ở chỗ không đưa ra điều kiện dựa trên cơ sở số dân của địa bàn đặt chi nhánh, phòng giao dịch mà chỉ lưu ý đến yếu tố vốn và các yếu tố khác. Việc này gây nguy hiểm cho đồng vốn của NHTM vì trên cùng con đường, chỉ trong phạm vi 01 km, có khi có đến 16 ngân hàng[19]. Khi đó, ngân hàng sẽ rất khó kinh doanh, gánh nặng bộ máy kèm theo tình hình kinh doanh khó khăn, cạnh tranh quyết liệt khiến đồng vốn của ngân hàng dùng để đầu tư mở rộng và duy trì mạng lưới hoạt động sẽ làm giảm dần vốn của ngân hàng. Trong khi đó, các nước đã lưu ý đến vấn đề này từ lâu và có quy định khác với luật của Việt Nam. Ví dụ, định mức số lượng dân cư trên một văn phòng chi nhánh ở một số nước như Đức là phải có trên 10.000 người, Nhật có hơn 8.000 người, Mỹ có mức trung bình vào khoảng 4.000. Số dân được phục vụ bởi một chi nhánh càng lớn thì càng có nhiều tiền gửi và bán được nhiều dịch vụ khác, tăng doanh thu cho ngân hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động[20]. Các điều kiện mà pháp luật Việt Nam đưa ra để các NHTM mở rộng mạng lưới hoạt động chỉ lưu ý đến điều kiện riêng của từng NHTM mà không đề cập đến yếu tố dân cư nơi mà các chi nhánh, phòng giao dịch tọa lạc như các nước. Quy định như thế là chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, khiến “cung” không tương xứng với “cầu” do đó khó mà đạt được hiệu quả về mặt kinh tế.

Để đảm bảo được hiệu quả hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM, chúng ta nên cân nhắc, đưa thêm điều kiện số lượng dân cư tại nơi NHTM mở rộng quy mô hoạt động vào quy định và giới hạn sự hiện diện của bao nhiêu NHTM tham gia mở chi nhánh, phòng giao dịch trong một mật độ dân cư nhất định. Tránh tình trạng có nơi có quá nhiều ngân hàng mở chi nhánh, phòng giao dịch nhưng có nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng nào. Nếu trước đây quan điểm phổ biến là càng mở rộng quy mô hoạt động của ngân hàng thì càng tốt, thì hiện nay, hoạt động của internet banking, mobile banking cũng khá hiệu quả, chưa kể đối với một số loại giao dịch, nhân viên ngân hàng có đến tận nhà của khách hàng để phục vụ nên việc thu hẹp quy mô hoạt động của NHTM cũng không phải là điều gây cản trở chính cho hoạt động của NHTM. Điều mà chúng ta cần là hiệu quả và an toàn của đồng vốn NHTM hơn là quy mô hoạt động./.


[1] Được ban hành 20/11/2014, hiệu lực 1/2/2015.

[2] Được ban hành 20/5/2010, hiệu lực 1/10/2010, thay thế Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (Sau đây gọi tắt là Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN).

[3] Điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, được ban hành 29/11/2013.

[4] Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision - BCBS) được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các Ngân hàng Trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sỹ. Vào năm 1988, Ủy ban đã quyết định giới thiệu hệ thống đo lường vốn mà sau này đã được đề cập như là Hiệp ước vốn Basel (the Basel Capital Accord).

[5] Xem: Lý Hoàng Ánh và Phan Diên Vĩ, Kinh nghiệm sáp nhập, hợp nhất và mua bán ngân hàng thương mại trong hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 238, 239.

[6] Xem: Nguyễn Văn Cương & Trương Hồng Quang, Trường phái kinh tế học pháp luật và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5, tháng 3/2012, tr. 7.

[7]Xem Nguyễn Đức Trung, Định hướng và giải pháp cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011-2015, http://www.sbv.gov.vn/portal/contentattachfile/idcplg;jsessionid=FvDSVJLY21wH61qBFpNvZbYp7TJ9h2Cgm0G1yMDvDWMhSCpqhQJw!2002559474!-1734964494?dID=39157 & dDocName=CNTHWEBAP01162515247&Rendition=nguyen%20duc%20trung.pdf&filename=666_nguyen%20duc%20trung.pdf,tr. 9.

[8] Xem: Nguyễn Xuân Hiệp (2008), Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam, Luận văn ThS kinh tế, tr. 31.

[9] Xem: Hữu Hòe, Học người Nhật cách vượt qua khủng hoảng tài chính, Đầu tư chứng khoán, 13/5/2015, tr.12

[10] Về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/7/2015.

[11] Theo phapluattp.vn, Xử án tín dụng: rối chuyện thế chấp bảo lãnh, http://vietrustlaw.com.vn/home/index. php?option=com_content&view=article&id=683:x-an-tin-dng-ri-chuyn-th-chp-bo-lanh, truy cập 27/7/2015.

[12]Xem: Hoàng Yến (2013), Rối chuyện bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, đăng ngày 20/3/2013, http://phapluattp.vn/phap-luat-chu-nhat/roi-chuyen-bao-lanh-bang-quyen-su-dung-dat-1030.html, truy cập 27/72015.

[13] Hồ Quang Huy (2013), Hoàn thiện các quy định về bảo lãnh trong BLDS Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 3 (252), 2013, tr. 2.

[14] Xem: Hoàng Yến (2013), tlđd, 12.

[15] “They are either replaced by a unitary notion of a security right” (page 69 of UNCITRAL Secured Transactions Legislative Guide).

[16] Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN ngày 29/4/2008 của Thống đốc NHNN.

[17] Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN ngày 29/4/2008 của Thống đốc NHNN.

[18] Điều 7 Thông tư số 21/2013/TT-NHNN.

[19] Xem: Ánh Hồng (2013), 1km có 16 ngân hàng, báo Tuổi trẻ, 24/10/2013, tr.7.

[20] Xem: Hồ Diệu, Quản trị ngân hàng, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2002, tr. 331.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 7(311) - tháng 4/2016)