Vì sao con người vừa là khách thể vừa là chủ thể của văn hóa

Trong đời sống tâm lý con người, hoạt động và giao tiếp là một trong những vấn đề hết sức trọng tâm không thể không nhắc đến. Đầu tiên, thông qua hoạt động và giao tiếp, tâm lý con người được bộc lộ hay thể hiện một cách rõ nét. Kế đến, cũng chính hoạt động và giao tiếp lại là điều kiện hết sức quan trọng để tâm lý con người được hình thành và phát triển. Trên cơ sở đó, khi đề cập đến vấn đề hoạt động và giao tiếp thì việc xem xét mối quan hệ giữa hoạt động và giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển tâm lý người là một trong những hướng tiếp cận hết sức khoa học và hiệu quả.

1. Hoạt động

1.1. Định nghĩa

Trong cuộc sống, thuật ngữ hoạt động được sử dụng một cách khá phổ biến. Nó còn được dùng tương đương với thuật ngữ làm việc.

Khái niệm hoạt động cũng là vấn đề được nhiều khoa học khác nhau quan tâm. Từ Triết học đến Sinh lý học và Tâm lý học có những cái nhìn khác nhau về khái niệm này.

Theo Triết học thì hoạt động là sự biện chứng của chủ thể và khách thể bao gồm quá trình khách thể hóa chủ thể chuyển những đặc điểm của chủ thể vào sản phẩm của hoạt động và ngược lại. Nói khác đi, hoạt động là quá trình qua đó con người tái sản xuất và cải tạo một cách sáng tạo thế giới, làm cho con người trở thành chủ thể của hoạt động về hiện tượng của thế giới mà con người nắm được trở thành khách thể của hoạt động.

Dưới góc nhìn của mình, Sinh lý học cho rằng hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người khi tác động vào hiện thực khách quan nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người.

Tâm lý học cũng nhìn nhận về hoạt động của con người ở nhiều góc nhìn khác nhau và cũng vì vậy, có khá nhiều khái niệm khác nhau về hoạt động. Nhiều nhà Tâm lý học cho rằng hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong thế giới vì muốn tồn tại thì con người phải hoạt động và thông qua hoạt động thì con người thỏa mãn những nhu cầu của mình cũng như gián tiếp được phát triển. Ngoài ra, cũng chính nhờ vào hoạt động con người cảm thấy mình đang thực sự tồn tại đúng nghĩa cũng như tiếp tục phát triển. Không những là thế, hoạt động còn là tác động liên tục của con người đối với thế giới xung quanh nhằm tạo ra những sản phẩm hết sức đa dạng và phong phú gắn chặt với đời sống con người cũng như thông qua đó con người nhận thấy sự phát triển của chính mình.

Ở một góc độ khác, khi đề cập đến sự tác động qua lại mang tính tích cực của con người thì hoạt động được xem là hệ thống năng động các mối tác động qua lại giữa chủ thể và môi trường, là nơi nảy sinh hình ảnh tâm lý về khách thể qua đó các quan hệ của chủ thể trong thế giới đối tượng được trung gian hóa.

Những phân tích về hoạt động dưới góc nhìn Tâm lý học có thể đưa ra khái niệm sau về hoạt động: Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới, cả về phía con người (khách thể).

Khi nhìn nhận về khái niệm hoạt động trên dưới góc độ Tâm lý học, rõ ràng có hai quá trình diễn ra đồng thời, bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau:

- Quá trình thứ nhất là quá trình khách thể hóa (còn gọi là quá trình xuất tâm). Đó là quá trình con người chuyển hóa những năng lượng của mình thành sản phẩm của hoạt động. Trong quá trình này, tâm lý của chủ thể được bộc lộ, được khách quan hóa vào sản phẩm của hoạt động trong suốt một quá trình cũng như ở kết quả. Trên cơ sở này, có thể nghiên cứu tâm lý con người thông qua hoạt động của họ và cần đáp ứng yêu cầu hay nguyên tắc này.

- Quá trình thứ hai là quá trình chủ thể hóa (còn gọi là quá trình nhập tâm). Đó là quá trình con người chuyển nội dung của khách thể vào bản thân mình tạo nên tâm lý của cá nhân: nhận thức, tình cảm... Đây cũng chính là quá trình phản ánh thế giới tạo ra nội dung tâm lý của con người.

Tóm lại, hoạt động của con người vừa tạo ra sản phẩm về phía thế giới, vừa tạo ra tâm lý của bản thân. Hoạt động là nguồn gốc, là động lực của sự hình thành, phát triển tâm lý và đồng thời là nơi bộc lộ tâm lý.

1.2. Đặc điểm của hoạt động

Có thể nói khi xem xét đặc điểm của hoạt động thì có các đặc điểm cơ bản sau: tính đối tượng, tính chủ thể, tính mục đích và vận hành theo nguyên tắc gián tiếp. Chính các đặc điểm này trả lời câu hỏi: hoạt động ấy nhắm vào đối tượng nào, tạo ra sản phẩm gì, sản phẩm ấy là tinh thần hay vật chất.

1.2.1. Tính đối tượng

Đối tượng của hoạt động có thể là sự vật, hiện tượng, khái niệm, quan hệ, con người, nhóm người... Đối tượng là cái chung ta tác động vào, nhắm vào, hướng vào để chiếm lĩnh hay thay đổi. Đối tượng là những cái có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người, thúc đẩy con người hoạt động. Đối tượng chính là cái hiện thực tâm lý mà hoạt động hướng tới. Mỗi vật thể chỉ có tính đối tượng ở dạng tiềm tàng và nó được khơi gợi, thức tỉnh và dần định hình rõ ràng trong sự tác động qua lại tích cực giũa con người với vật thể đó. Chính vì thế, đối tượng của hoạt động là hiện thân của động cơ hoạt động.

Đối tượng của hoạt động luôn thôi thúc hoạt động được tiến hành và tính đối tượng chỉ thực sự đặc trưng cho hoạt động của con người. Khi tiến hành hoạt động vì những động cơ, con người có sự tham gia của các yếu tố tâm lý của chủ thể trong sự tác động với thế giới bên ngoài nhằm chiếm lĩnh nó. Từ đây, tạo nên động cơ của hoạt động. Động cơ của hoạt động là yếu tố thúc đẩy con người tác động vào đối tượng hay thế giới đối tượng để thay đổi nó, biến nó thành sản phẩm hoặc tiếp nhận nó tạo nên một năng lực mới, một nét tâm lý mới hay một sản phẩm hữu hình nào đó. Chính vì vậy, đối tượng của hoạt động có thể rất cụ thể nhưng có khi không phải là một cái gì đó có sẵn mà là cái đang xuất hiện ngay trong quá trình hoạt động.

1.2.2. Tính chủ thể

Bất cứ hoạt động nào cũng do chủ thể tiến hành. Chủ thể là con người có ý thức tác động vào khách thể - đối tượng của hoạt động. Đặc điểm nổi bật nhất là tính tự giác và tích cực của chủ thể khi tác động vào đối tượng vì chủ thể sẽ gửi trao trong quá trình hoạt động nhu cầu tâm thế, cảm xúc, mục đích, kinh nghiệm của chính mình...

Chủ thể hoạt động có thể là cá nhân, nhóm hay tập thể. Nói khác đi, có thể là một người hay nhiều người. Tuy nhiên, ngay cả khi chủ thể là nhóm, tập thể thì mọi người cũng thực hiện với cùng một đối tượng, một động cơ chung và cũng thể hiện rõ tính chủ thể là thế.

Chủ thể của hoạt động thể hiện trong quá trình hoạt động và trong sản phẩm của hoạt động. Qua sản phẩm của hoạt động và quá trình tiến hành hoạt động sẽ giúp ta hiểu được chủ thể là ai và năng lực của họ như thế nào. Khi chủ thể của hoạt động khác nhau và cách thức tiến hành khác nhau sẽ tạo ra những sản phẩm với chất lượng khác nhau.

Ở đây cần phân tích thêm mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong hoạt động. Quan hệ giữa chủ thể và đối tượng là quan hệ hai chiều, tích cực. Đối tượng bao giờ cũng là đối tượng của một chủ thể nhất định. Ngược lại, chủ thể luôn thể hiện mình trong đối tượng, trở thành chủ thể của hoạt động có đối tượng. Kết thúc hoạt động, đối tượng được chủ thể hóa còn chủ thể được khách thể hóa trong sản phẩm. Đến lượt nó, sản phẩm lại trở thành khách thể, thành đối tượng của hoạt động khác.

1.2.3. Tính mục đích

Hoạt động bao giờ cũng có tính mục đích vì chính tính mục đích của hoạt động làm cho hoạt động của con người mang chất người hơn bao giờ hết. Mục đích ở đây không được hiểu theo nghĩa tiêu cực như mang ý nghĩa cá nhân hay sự toan tính hoặc là ý thích riêng, mong muốn, ý định chủ quan... mà mục đích được hiểu theo nghĩa rộng của nó. Mục đích là biểu tượng về sản phẩm của hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cần nào đó của chủ thể. Mục đích điều chỉnh, điều khiển hoạt động và là cái con người hướng tới cũng như là động lực thúc đẩy hoạt động. Mục đích của hoạt động trả lời cho câu hỏi: hoạt động để làm gì. Tính mục đích gắn liền với tính đối tượng và tính mục đích vừa mang tính cá nhân, vừa luôn bị chế ước bởi nội dung xã hội và các quan hệ xã hội. Mục đích của hoạt động suy cho cùng vẫn là biến đổi khách thể (thế giới) và biến đổi bản thân chủ thể mà thôi.

1.2.4. Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp

Trong hoạt động, chủ thể tác động vào đối tượng tạo ra sản phẩm bao giờ cũng phải sử dụng những công cụ nhất định như: tiếng nói, chữ viết máy móc, kinh nghiệm... Nói khác đi, trong hoạt động, con người "gián tiếp" tác động đến khách thể qua hình ảnh tâm lý trong đầu, gián tiếp qua việc sử dụng các công cụ lao động và sử dụng phương tiện ngôn ngữ.

Những công cụ đó giữ chức năng trung gian giữa chủ thể và đối tượng tạo ra tính gián tiếp của hoạt động. Đây cũng chính là một cơ sở quan trọng tạo ra sự khác biệt giữa hoạt động của con người và hành vi bản năng của con vật.

Tâm lý được bộc lộ gián tiếp thông qua sản phẩm của hoạt động cũng là yếu tố minh chứng cho tính gián tiếp của hoạt động. Đơn cử như thông qua những sản phẩm có được sau hoạt động của người thợ dệt, thợ rèn, sẽ có thể hiểu được trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như sự đầu tư đích thực của người ấy. Mặt khác, tâm lý con người không hình thành bằng con đường di truyền sinh học mà nó gián tiếp hình thành thông qua hoạt động học tập, rèn luyện, qua kinh nghiệm của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau cũng minh chứng thêm cho tính gián tiếp này. Như vậy, chính những công cụ tâm lý, ngôn ngữ và công cụ lao động giữ chức năng trung gian giữa chủ thể và khách thể, tạo ra tính gián tiếp của hoạt động một cách rõ nét.

1.3. Phân loại hoạt động

Có thể thấy rằng hoạt động là một phạm trù phức tạp cho nên cũng có nhiều cách phân loại khác nhau. Mỗi cách phân loại đều có thể dựa trên tiêu chí khác nhau nhưng hướng đến việc chỉ rõ hoạt động được nhìn nhận một cách cụ thể ra sao. Có thể thấy các cách phân loại hoạt động sau:

1.3.1. Xét theo tiêu chí phát triền cá thể

Xét theo tiêu chí này có thể nhận thấy con người có bốn loại hoạt động cơ bản: vui chơi, học tập, lao động và hoạt động xã hội.

Cách phân chia này tuy đơn giản nhưng có thể bao trùm tất cả những gì diễn ra trong hoạt động của con người. Lẽ đương nhiên, cách phân chia này cũng bộc lộ hạn chế là ranh giới giữa chúng không rõ ràng vì các hoạt động có thể chứa trong nhau, giao thoa nhau. Tuy vậy, cách phân loại này đem lại ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống và nó khá gần gũi với đời sống thực tế của con người.

1.3.2. Xét theo tiêu chí sản phẩm (vật chất hay tinh thần)

Xét theo tiêu chí này, có thể chia hoạt động thành hai loại: hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận. Hoạt động thực tiễn là hoạt động hướng vào các vật thể hay quan hệ tạo ra sản phẩm vật chất là chủ yếu. Hoạt động lý luận được diễn ra với hình ảnh, biểu tượng, khái niệm tạo ra sản phẩm tinh thần.

Cách phân chia này dựa trên đặc điểm của sản phẩm nhưng một số sản phẩm lại hàm chứa cả yếu tố vật chất và tinh thần. Vì vậy, cách phân loại này cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối mà thôi.

1.3.3. Xét theo tiêu chí đối tượng hoạt động

Theo tiêu chí này, người ta chia ra các loại sau: hoạt động biến đổi, hoạt động nhận thức, hoạt động định hướng giá trị và hoạt động giao lưu.

Hoạt động biến đổi là những hoạt động hướng đến thay đổi hiện thực (tự nhiên, xã hội, con người) như hoạt động lao động, hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động giáo dục.

Hoạt động nhận thức là hoạt động tinh thần, phản ánh thế giới khách quan. Tuy vậy, hoạt động này chỉ dừng ở mức tìm hiểu, nhận biết thế giới hiện thực mà không phải là biến đổi hiện thực.

Hoạt động định hướng giá trị là hoạt động tinh thần nhằm xác định ý nghĩa thực tại với bản thân chủ thể tạo ra phương hướng của hoạt động.

Hoạt động giao lưu là hoạt động thiết lập mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống.

1.4. Cấu trúc của hoạt động

Trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm nhiều năm, A.N.Leontiev đã nêu lên cấu trúc vĩ mô của hoạt động bao gồm các thành tố và mối liên hệ giữa các thành tố này. Xin được mô tả sơ đồ cấu trúc vĩ mô của hoạt động như sau:

Sơ đồ cấu trúc vĩ mô của hoạt động

Nhìn vào sơ đồ trên, ta thấy cấu trúc hoạt động là một cấu trúc động. Có thể nhận thấy tính chất động của cấu trúc này thông qua sự tồn tại một cách độc lập của từng thành tố cũng như mối liên hệ rất mật thiết của chúng.

Trước hết, hoạt động bao giờ cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Nhu cầu là cái mà con người được được thỏa mãn. Nhu cầu cũng có thể là cái đòi hỏi, cái khát khao được chiếm lĩnh. Khi nhu cầu của con người bắt gặp đối tượng thỏa mãn thì sẽ trở thành động cơ. Động cơ là yếu tố thôi thúc con người hành động. Động cơ được xem là mục đích chung, mục đích cuối cùng của hoạt động. Bất kỳ hoạt động nào cũng có động cơ tương ứng. Động cơ có thể tồn tại ở dạng tinh thần của chủ thể nhưng cũng có thể vật chất hóa ra bên ngoài. Tuy vậy, dù ở hình thức nào thì động cơ vẫn là yếu tố thúc đẩy việc chiếm lĩnh đối tượng tương ứng với nhu cầu của chủ thể khi gặp gỡ được đối tượng có liên quan đến sự thỏa mãn.

Nếu như động cơ là mục đích cuối cùng, thì mục đích ấy sẽ được cụ thể hóa ra những mục đích bộ phận. Nói cách khác, động cơ sẽ cụ thể hóa thành những mục đích khác nhau và mục đích bộ phận chính là hình thức cụ thể hóa động cơ. Mục đích là bộ phận cấu thành động cơ trong sơ đồ cấu trúc vĩ mô của hoạt động. Quá trình thực hiện các mục đích này là quá trình thực hiện các hành động. Hành động là quá trình bị chi phối bởi biểu tượng về kết quả phải đạt được, là quá trình nhằm vào mục đích để dần tiến đến hiện thực hóa động cơ. Cũng chính vì vậy, hành động lại trở thành thành phần cấu tạo nên hoạt cộng của con người hay hoạt động được tồn tại và thực thi bởi một chuỗi những hành động.

Việc thực hiện mục đích phải dựa trên những điều kiện xác định. Phải dựa trên những điều kiện - phương tiện nhất định thì mới có thể đạt được mục đích thành phần. Mỗi phương tiện có thể quy định cách thức hành động khác nhau. Cốt lõi của cách thức chính là thao tác và thao tác phải được thực hiện dựa trên những điều kiện - phương tiện tương ứng. Như thế, thao tác trở thành đơn vị nhỏ nhất của hành động, nó không có mục đích riêng những cùng hướng đến thực hiện mục đích của hành động.

Như vậy khi tiến hành hoạt động, về phía chủ thể bao gồm ba thành tố: hoạt động, hành động và thao tác. Nó mô tả mặt kỹ thuật của hoạt động. Về phía khách thể thì bao gồm: động cơ, mục đích, phương tiện nó tạo nên "nội dung đối tượng" của hoạt động. Chính trong cấu thúc này, tính độc lập tương đối và sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các hành tố được thực hiện mà đặc biệt là giữa hành động và mục đích.

Thứ nhất, một động cơ có thể được cụ thể hóa trong nhiều mục đích. Ngược lại, một mục đích có thể được thể hiện ở nhiều động cơ khác nhau. Chính thế, một hoạt động được thực hiện bởi nhiều hành động khác nhau và một hành động có thể tham gia ở nhiều hoạt động khác nhau.

Thứ hai, một hoạt động sau khi đã thực hiện được động cơ thì có thể trở thành một hành động cho hoạt động khác. Sự chuyển hướng này là hết sức tự nhiên trong đời sống của con người.

Thứ ba, để đạt được mục đích cần phải thực hiện hành động và mục đích có thể phát triển theo hai hướng khác nhau:

+ Hướng trở thành động cơ vì mục đích không chỉ hướng đến chức năng hướng dẫn mà còn cả chức năng kích thích và thúc đẩy.

+ Hướng trở thành phương tiện khi mục đích đã được thực hiện và hành động kết thúc và lúc này hành động trở thành thao tác và có thể tham gia vào nhiều hành động khác.

Tóm lại, hoạt động được hợp thành bởi nhiều hành động và các hành động diễn ra bởi các thao tác. Hoạt động luôn hướng vào động cơ - đó là mục đích cuối cùng. Mục đích cuối cùng hay động cơ được cụ thể hóa thành nhiều mục đích thành phần - mục đích bộ phận. Để đạt được mục đích - con người phải sử dụng các phương tiện - điều kiện. Tùy theo điều kiện, phương tiện con người thực hiện các thao tác để tiến hành hành động nhằm đạt được mục đích. Sự tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể, giữa đơn vị thao tác (kỹ thuật của hoạt động) và nội dung của đối tượng hoạt động tạo ra sản phẩm của hoạt động. Sản phẩm này là sản phẩm kép vì nó tồn tại ở cả về phía khách thể và phía chủ thể.

Việc tìm ra sơ đồ cấu trúc vĩ mô của hoạt động có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Xét trên phương diện lý luận, sơ đồ này giúp các nhà Tâm lý học khẳng định thêm về sự thống nhất giữa cái khách quan và cái chủ quan trong tâm lý, giữa đối tượng và chủ thể đồng thời cũng khẳng định luận điểm: trong hoạt động bao giờ cũng chứa đựng nội dung tâm lý và tâm lý vận hành và phát triển trong hoạt động. Về mặt thực tiễn thì việc vận dụng sơ đồ cấu trúc vĩ mô của hoạt động sẽ giúp việc tổ chức hoạt động cho con người cũng như việc điều chỉnh hoạt động của con người có thể được thực thi một cách hiệu quả.

2. Giao tiếp

2.1. Định nghĩa

Có thể nói trong Tâm lý học có khá nhiều khái niệm về giao tiếp khác nhau tùy theo phân ngành cũng như mục đích nghiên cứu. Tuy vậy cùng với hoạt động thì giao tiếp sẽ thực hiện chức năng rất quan trọng là định hướng con người hành động, thúc đẩy hành động, điều khiển hành động cũng như kiểm tra hành động của con người. Bên cạnh đó con người cũng không thể không thực hiện hoạt động giao tiếp vì giao tiếp như một nhu cầu, một phương tiện để con người tồn tại. Nói khác đi, thông qua giao tiếp tâm lý con người được hình thành và phát triển. Như vậy, việc xem xét khái niệm giao tiếp sẽ được nhìn nhận được góc độ nó như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tâm lý - nhân cách của con người.

- Hiểu theo nghĩa đơn giản thì giao tiếp nghĩa là tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi, giao lưu...

- Hiểu theo nghĩa rộng nhất thì giao tiếp là hoạt động con người trò chuyện, trao đổi với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu giao lưu cũng như cũng thực hiện những hoạt động trong cuộc sống.

- Theo Tâm lý học thì giao tiếp là quá trình hình thành và phát triển sự tiếp xúc giữa người với người từ nhu cầu hoạt động chung nhau trong cuộc sống.

Ngoài ra, giao tiếp còn được xem là sự tác động tương hỗ của các chủ thể phát sinh từ nhu cầu hoạt động được thục hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Định nghĩa về giao tiếp, tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng: "Giao tiếp là hoạt động xác lập và vận hành các quan hệ người - người để hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa người ta với nhau.

Theo tác giả Nguyễn Thạc, Hoàng Anh thì "Giao tiếp là hình thức đặc biệt cho mối quan hệ giữa con người với con người mà qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý và được biểu hiện ở các quá trình thông tin, hiểu biết, rung cảm, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau".

Tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa đưa ra khái niệm giao tiếp như là mối liên hệ và quan hệ giữa người và người trong các nhóm và các tập thể xã hội nhờ đó con người mới có thể thực hiện các hoạt động của mình nhằm cải biến hiện thực khách quan xung quanh hoặc chính bản thân.

Còn với tác giả Nguyễn Ngọc Bích, "Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa hai hay nhiều người thông qua phương tiện ngôn ngữ nhằm trao đổi thông tin, tình cảm, hiểu biết, tác động qua lại và điều chỉnh lẫn nhau".

Tác giả Trần Trọng Thủy thì quan niệm "Giao tiếp của con người là một quá trình chủ đích hay không có chủ đích, có ý thức hay không có ý thức mà trong đó các cảm xúc và tư tưởng được diễn đạt trong các thông điệp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ".

Với tác giả Trần Hiệp, "Giao tiếp là một trong những dạng thức cơ bản của hoạt động của con người. Nó làm tăng cường hay giảm bớt khả năng thích ứng hành vi lẫn nhau trong quá trình tác động qua lại".

Tác giả Nguyễn Quang Uẩn khẳng định: "Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, về cảm xúc, tri giác lẫn nhau, ảnh hưởng tác động qua lại với nhau. Hay nói cách khác, giao tiếp xác lập và vận hành cá quan hệ người - người, hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa chủ thể này với chủ thể khác.

Tác giả Vũ Dũng cho rằng: "Giao tiếp là quá trình hình thành và phát triển sự tiếp xúc giữa người với người được phát sinh từ nhu cầu trong hoạt động chung, bao gồm sự trao đổi thông tin, xây dựng chiến lược tương tác thống nhất tri giác và tìm hiểu người khác". Hay "Giao tiếp là sự tác động tương hỗ của các chủ thể phát sinh từ nhu cầu hoạt động chung được thực hiện bằng những công cụ quen thuộc và hướng đến những thay đổi có ý nghĩa trong trạng thái, hành vi và cấu trúc ý - cá nhân của đối tác".

Xuất phát từ những phân tích trên, giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người thông qua đó con người trao đổi thông tin, cảm xúc, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau mà trong đó giao tiếp xác lập và vận hành các mối quan hệ người - người, hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa chủ thể này và chủ thể khác.

2.2. Chức năng của giao tiếp

Phân tích về chức năng của giao tiếp trên bình diện xã hội và cá nhân giao tiếp có một số chức năng cơ bản sau:

a. Chức năng thông tin hai chiều giữa các chủ thể tham gia giao tiếp.

Đây là chức năng có vai trò quan trọng thứ hai sau chức năng thỏa mãn nhu cầu của giao tiếp. Chức năng này biểu hiện ở khía cạnh truyền thông của giao tiếp thể hiện qua hai mặt truyền tin và nhận tin. Qua giao tiếp mà con người trao đổi với nhau những thông tin nhất định, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm,... cho nhau. Mỗi cá nhân trong giao tiếp vừa là nguồn phát thông tin vừa là nguồn thu thông tin.

b. Chức năng tổ chức, điều khiển, phối hợp hành động của một nhóm người trong cùng một hoạt động cùng nhau.

Đây là chức năng dựa trên cơ sở xã hội. Trong một nhóm, một tổ chức có nhiều cá nhân, nhiều bộ phận nên để có thể tổ chức hoạt động hiệu quả, phối hợp nhịp nhàng thì các cá nhân phải có sự tiếp xúc với nhau để trao đổi, bàn bạc, phân công công việc cũng như phổ biến tiến trình cách thức thực hiện công việc thì mới có thể tạo sự thống nhất, hiệu quả trong công việc chung. Nhờ chức năng này, con người có thể phối hợp cùng nhau để giải quyết một nhiệm vụ nhất định đạt tới mục tiêu đề ra trong quá trình giao tiếp.

c. Chức năng điều khiển, điều chỉnh hành vi

Chức năng này thể hiện ở sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp. Đây là một chức năng quan trọng trong giao tiếp vì trong quá trình giao tiếp cá nhân có thể tác động, gây ảnh hưởng đến người khác đồng thời người khác cũng có thể tác động, gây ảnh hưởng đối với cá nhân đó. Qua đó, cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình cũng như điều khiển hành vi của người khác trong giao tiếp. Trong giao tiếp, cá nhân có thể tác động đến động cơ, mục đích, quá trình ra quyết định và hành động của người khác.

d. Chức năng xúc cảm

Chức năng này giúp con người thỏa mãn những nhu cầu xúc cảm, tình cảm. Trong giao tiếp, cá nhân có thể biểu lộ thái độ, tâm trạng của mình đối với người khác cũng như có thể bộc lộ quan điểm, thái độ về một vấn đề nhất định. Ngược lại, qua giao tiếp cá nhân cũng có thể nhận biết những xúc cảm, tình cảm nhất định của các cá nhân khác. Vì vậy giao tiếp cũng là một trong những con đường hình thành tình cảm của con người.

e. Chức năng nhận thức và đánh giá lẫn nhau

Trong quá trình giao tiếp, các chủ thể luôn diễn ra quá trình nhận thức tri thức về tự nhiên, xã hội, nhận thức bản thân và nhận thức về người khác nhằm hướng tới những mục đích khác nhau trong giao tiếp. Giao tiếp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con người trong quá trình nhận thức tri thức về tự nhiên, xã hội giúp con người lĩnh hội được khối lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Bên cạnh đó, giao tiếp là phương tiện giúp cá nhân tự nhận thức bản thân. Qua đó, cá nhân tiếp thu những đánh giá của về bản thân mà từ đó có sự đối chiếu và tự nhận thức, tự đánh giá lại, tự điều chinh bản thân. Ngược lại, cá nhân cũng có sự nhận thức người khác qua giao tiếp nhằm tìm hiểu, đánh giá về đối tượng mình giao tiếp từ đó mà có sự định hướng phù hợp trong giao tiếp.

f. Chức năng giáo dục và phát triển nhân cách

Thông qua giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội mà từ đó hình thành, phát triển nhân cách của mình do đó giao tiếp là điều kiện để tâm lý, nhân cách cá nhân phát triển bình thường và thông qua giao tiếp nhiều phẩm chất của con người, đặc biệt là các phẩm chất đạo đức được hình thành và phát triển. Nói cách khác, giao tiếp giúp con người tiếp nhận những kinh nghiệm và những chuẩn mực thông qua đó có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện trên bình diện con người - cá nhân. Chính những chức năng này của giao tiếp cũng ảnh hưởng và tạo nên vai trò hết sức độc đáo của giao tiếp. Giao tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội của con người và là điều kiện của sự tồn tại và phát triển xã hội.

2.3. Phân loại giao tiếp

Dựa trên những tiêu chí khác nhau thì cách phân loại giao tiếp cũng khác nhau:

* Căn cứ vào phương tiện giao tiếp

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ:

Giao tiếp bằng ngôn ngữ là hình thức giao tiếp đặc trưng của con người bằng cách sử dụng những tín hiệu chung là từ, ngữ. Đây là hình thức giao tiếp phổ biến nhất và đạt hiệu quả cao. Ngôn ngữ là các tín hiệu được quy ước chung trong một cộng đồng nhằm chỉ các sự vật hiện tượng gọi chung là nghĩa của từ. Người ta dùng từ để giao tiếp theo một ý nhất định. Tiếng nói và chữ viết trong giao tiếp ngôn ngữ thể hiện cả ý và nghĩa khi giao tiếp.

- Giao tiếp phi ngôn ngữ:

Giao tiếp phi ngôn ngữ là hình thức giao tiếp không lời khi sử dụng các cử chỉ, điệu bộ và những yếu tố phi ngôn ngữ khác. Giao tiếp phi ngôn ngữ thực hiện những hành động, cử chỉ - điệu bộ, những yếu tố thuộc về sắc thái hành vi, những phương tiện khác đòi hỏi người giao tiếp phải hiểu về nhau một cách tương đối.

* Căn cứ vào khoảng cách giao tiếp

- Giao tiếp trực tiếp:

Giao tiếp trực tiếp là hình thức giao tiếp mặt đối mặt khi các chủ thể trực tiếp phát và nhận tín hiệu của nhau.

- Giao tiếp gián tiếp:

Giao tiếp gián tiếp là hình thức giao tiếp qua thư từ, phương tiện kỹ thuật hoặc những yếu tố đặc biệt khác.

* Căn cứ vào quy cách giao tiếp

- Giao tiếp chính thức:

Giao tiếp chính thức là hình thức giao tiếp diễn ra theo quy định, theo chức trách. Các chủ thể trong giao tiếp phải tuân thủ những yêu cầu, quy định nhất định.

- Giao tiếp không chính thức:

Giao tiếp không chính thức là hình thức giao tiếp không bị ràng buộc bởi các nghi thức mà dựa vào tính tự nguyện, tự giác, phụ thuộc vào nhu cầu hứng thú, cảm xúc của các chủ thể.

2.4. Đặc điểm của giao tiếp

Khi phân tích các đặc điểm của giao tiếp, có thể nhận thấy giao tiếp là nhu cầu đặc thù của con người, mang tính ý thức cao và đó là hoạt động tương tác giữa con người với con người. Trên cơ sở đó, có thể đề cập đến các đặc điểm cơ bản sau của giao tiếp:

2.4.1. Giao tiếp luôn mang tính mục đích

Giao tiếp là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của con người.Giao tiếp là đặc trưng của hoạt động con người nên nó gắn liền với tính mục đích. Sự khác nhau giữa hoạt động ở con người và con vật chính là tính mục đích. Khi con người thực hiện những hành động dù đơn giản hay phức tạp, khi con người tiến hành các hoạt động khác nhau, tính mục đích luôn bị chi phối rõ là tôi làm để nhằm mục đích gì đạt được cái gì...

Tính mục đích trong giao tiếp cũng thể hiện rõ thông qua việc tiến hành các cuộc giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ xã hội hay thực hiện các hành vi giao tiếp. Mục đích ở đây được hiểu đó là mô hình kết quả mà con người suy nghĩ dưới dạng một sản phẩm độc đáo và đặc trưng của tư duy. Mục đích ấy chính là kết quả mang ý nghĩa tinh thần hay ý nghĩa trên bình diện tâm lý - tình cảm mà không hẳn là những lợi lộc hay những gì thuộc về vật chất.

Khi xác lập giao tiếp, con người có quyền suy nghĩ về mục đích của cuộc giao tiếp. Đó có thể là một cảm xúc được thăng hoa, đó có thể là một mối quan hệ mới được thiết lập về sau, đó có thể là việc gây những ấn tượng tích cực, đó có thể là việc gây hiệu ứng lưu luyến, đó từng có thể là "chút"chất keo bồi đắp cho tình cảm... Con người nhận ra mục đích của chính mình trong giao tiếp hay chưa nhận ra một cách rõ ràng về mục đích của chính mình không quan trọng bằng việc con người tìm được những hiệu ứng đích thực trong giao tiếp. Đó chính là mục đích sâu xa nhất mà giao tiếp xác lập để đem lại những kết quả sâu sắc nhất nhằm phục vụ cho cá nhân, xã hội và của con người nói chung.

2.4.2. Giao tiếp là sự tác động giữa chủ thể với chủ thể

Nếu như với hoạt động thì mối quan hệ được xác lập đó chính là mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng. Nói khác đi thì trong diễn trình của hoạt động, con người sẽ tác động vào đối tượng để thực hiện hoạt động của mình nhằm đạt một sản phẩm kép. Cũng tương tự như thế, giao tiếp cũng là sự tác động mang tính chất có định hướng nhưng đó là sự tác động song phương và đa chiều. Trong giao tiếp sẽ không có ai là khách thể hoàn toàn hay chủ thể hoàn toàn mà cả hai đều là chủ thể tương tác một cách tích cực và chủ động.

Có thể phân tích về sự tương tác của chủ thể trong giao tiếp khi con người chủ động muốn giao tiếp với một đối tượng nào đó, con người luôn xem chính họ là chủ thể vì nhất thiết phải hiểu về họ, tôn trọng họ mới có thể tiến hành cuộc giao tiếp thành công. Ngay cả khi chúng ta sử dụng kiểu nói độc thoại cũng đừng quên rằng tính chủ thể của người nghe cũng thể hiện một cách sâu sắc trong sự tương tác. Ở một góc độ khác, trong quá trình giao tiếp, tính chủ thể của người nghe có thể trở thành những hành vi tán thành hay phản ứng, những hành động ủng hộ hay chống đối. Thậm chí cuộc nói chuyện có thể bị phá vỡ nếu như tính chủ thể của người nghe bị kích thích và "bật dậy" mạnh mẽ khi không có sự thích ứng hay sự chấp nhận trong giao tiếp diễn ra.

Tính chủ thể tương tác này còn được nhìn nhận và phân tích khi mỗi con người đều có thể khác nhau trong giao tiếp. Từ nhận thức đến tình cảm và những yếu tố tâm lý có liên quan làm cho tính chủ thể mang màu sắc đặc trưng và trở nên độc đáo. Trong quá trình giao tiếp, ban đầu việc xác định một chủ thể tưởng chừng như rõ ràng nhưng trong tiến trình giao tiếp sự đổi vai có thể nhanh chóng diễn ra. Chủ thể thứ hai có thể trở nên rất chủ động và thậm chí lấn át chủ thể thứ nhất. Tiến trình giao tiếp diễn ra thì sự thay đổi này cũng có thể liên tục diễn ra và sự tương tác giữa hai chủ thể trở nên hết sức sâu sắc. Nói khác đi, trong giao tiếp không có ai là khách thể mà cả hai đều là chủ thể, đều là những chủ thể tương tác một cách tích cực và chủ động.

2.4.3. Giao tiếp mang tính phổ biến

Giao tiếp có tình phổ biến vì mọi cá nhân, mọi con người đều có nhu cầu giao tiếp. Trong suốt tiến trình phát triển, trong những mối quan hệ khác nhau, con người đều thực hiện nhu cầu giao tiếp của chính mình. Có thể nhận thấy điều này khi những nghiên cứu tâm lý minh chứng rằng con người có nhu cầu giao tiếp ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Khi vừa được sinh ra, con người mong chờ được giao tiếp thông qua những tác động đầy cảm xúc của cha mẹ và người nuôi dưỡng trong giai đoạn từ 0 - 2 tháng tuổi khi hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp với người lớn. Nhu cầu giao tiếp này tiếp tục phát triển và thể hiện tính độc đáo của nó ở những độ tuổi khác nhau.

Xét ở những cá thể khác nhau, tính phổ biến này còn thể hiện ở giới tính, sự phát triển các giác quan, sự phát triển trí tuệ. Những người câm điếc vẫn thể hiện nhu cầu giao tiếp và giao tiếp tích cực với nhau thông qua hành vi - cử chỉ. Những trẻ em có vấn đề về trí tuệ vẫn mong mỏi được giao tiếp và thực hiện nhu cầu giao tiếp theo hướng riêng của mình. Nói khác đi, tính phổ biến của giao tiếp cho thấy giao tiếp không phụ thuộc hay không bị "nghiêm cấm" bởi những yếu tố về giới tính hay đặc điểm nhận thức.

Tính phổ biến của giao tiếp còn thể hiện ở việc giao tiếp có mặt trong hầu hết hoạt động sống của con người. Nhu cầu giao tiếp có liên quan đến những nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu giao tiếp được quy định đồng thời bởi nhiều nhu cầu khác nhau. Trong giao tiếp, con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp mà còn hình thành, phát triển và thỏa mãn những nhu cầu khác. Nói khác đi, những ai có nhu cầu giao tiếp và những nhu cầu khác có mối liên quan đến nhu cầu giao tiếp, đều mong muốn được giao tiếp để thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Tính phổ biến của giao tiếp được minh chứng sâu sắc thông qua mối quan hệ đặc biệt đó.

3. Mối quan hệ giữa hoạt động và giao tiếp

Hoạt động và giao tiếp là hai khái niệm phản ánh hai loại quan hệ của con người với thế giới xung quanh. Trong hoạt động đối tượng, con người là chủ thể tác động vào thế giới đồ vật là khách thể, là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới đồ vật. Giao tiếp là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, đó là quan hệgiữa chủ thể với chủ thể.

Ở một góc độ nhất định, giao tiếp là một dạng đặc biệt của hoạt động vì giao tiếp cũng có những đặc điểm như hoạt động, cũng có cấu trúc vĩ mô như hoạt động bao gồm: động cơ, mục đích, điều kiện - phương tiện, đối tượng, sản phẩm... Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua hoạt động giao tiếp của cá nhân hoặc nhóm người khi phân tích diễn tiến của nó trong cuộc sống.

Ở một góc độ khác, hoạt động và giao tiếp là hai phạm trù đồng đẳng. Hoạt động và giao tiếp có nhiều điểm khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc sống con người. Có thể phân tích sâu hơn về mối quan hệ đó như sau:

+ Giao tiếp diễn ra như một điều kiện của hoạt động. Trong từng hoạt động cụ thể, khi tương tác cùng nhau, khi phối hợp cùng nhau, con người luôn cần có sự giao tiếp cùng nhau, giao tiếp để hiểu biết, giao tiếp để triển khai hoạt động, giao tiếp để động viên, giao tiếp cùng nhau hướng đến mục tiêu của hoạt động. Trong trường hợp này, giao tiếp là một mặt của hoạt động, trở thành một thành phần của hoạt động.

+ Ngược lại, hoạt động có thể là điều kiện để thực hiện quan hệ giao tiếp giữa con người với con người. Cụ thể như chỉ khi hoạt động cùng nhau, làm việc cùng nhau, con người mới có thể giao tiếp một cách tích cực và hiệu quả mà trong những trường hợp khác thì giao tiếp gần như rất khó có thể diễn ra.

Như vậy, giao tiếp là điều kiện để con người hoạt động cùng nhau. Ngược lại, hoạt động là điều kiện để con người thực hiện quan hệ giao tiếp. Nói như thế nghĩa là hoạt động và giao tiếp là hai mặt không thể thiếu của đời sống con người.

4. Vai trò của hoạt động và giao tiếp

Cơ sở của Tâm lý học Marxist xác định rằng tâm lý không phải là cái có sẵn trong con người cũng không phải là sản phẩm được sản sinh ra một cách giảnđơn - thuần túy từ một cơ quan nào đó của con người theo kiểu khép kín. Những nghiên cứu tâm lý cho thấy vật chất là cái thứ nhất, tâm lý là cái thứ hai, tồn tại quyết định tâm lý. Những luận điểm về tâm lý người cho thấy tâm lý người có nguồn gốc từ thế giới khách quan bên ngoài. Nội dung tâm lý là nội dung của hiện thực khách quan được phản ánh vào trong não và được cải biến trong ấy.

Mặt khác, trong thế giới khách quan đang hiện hữu, hệ thống kinh nghiệm lịch sử, xã hội quyết định tâm lý người. Bằng hoạt động và giao tiếp, con người biến những kinh nghiệm xã hội lịch sử thành cái riêng của mình mà đó chính là tâm lý. Nếu như con người không hoạt động và giao tiếp thì không thể có những kinh nghiệm, không thể có những kiến thức và kỹ năng tương ứng và chắc chắn không thể có tâm lý hay không thể có sự phát triển về mặt tâm lý. Nói khác đi, nội dung hoạt động và giao tiếp có thể dần dần chuyển thành nội dung trong đời sống tâm lý con người. Đó có thể là những chuẩn mực, những nguyên tắc, những yếu tố thuộc về luân lý, đạo đức và nhiều vấn đề khác sẽ trở thành nội dung đời sống hay nội dung tâm lý của con người.

Hơn thế nữa, trong hoạt động và giao tiếp cùng với thế giới xung quanh con người sẽ có sự tương tác tích cực để tạo ra những dấu ấn mới trong sự phát triển tâm lý. Từ sự tương tác với môi trường và người khác trong hoạt động và giao tiếp, con người sẽ nâng mình lên một tầm cao mới, một mức độ phát triển mới tương ứng từ đó tạo ra mang dấu ấn của sự phát triển tâm lý. Ngay trong quá trình hoạt động và giao tiếp, con người sẽ chủ động lĩnh hội, chủ động tích lũy và chủ động đổi thay một cách thích ứng, đó cũng chính là những lực đẩy thôi thúc hay thúc đẩy tâm lý người phát triển.

Nói khác đi, hoạt động và giao tiếp vừa là động lực của sự hình thành và phát triển tâm lý đồng thời tâm lý người cũng chính là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp.