1 đoàn xe ô tô vận chuyển 145 tấn hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 01 tháng 8 năm 2022

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP TỔ TỰ QUẢN KINH DOANH AN TOÀN THỰC PHẨM XUNG QUANH CÁC TRƯỜNG HỌC

Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND thành phố tại Công văn số 302-CV/BCSĐ ngày 08 tháng 5 năm 2021 về triển khai Công văn số 532-CV/TU ngày 04/5/2021 của Thành ủy về vụ học sinh ngộ độc tại Trường Tiểu học Hòa Khương 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch thí điểm thành lập Tổ tự quản kinh doanh an toàn thực phẩm (ATTP) xung quanh các trường học, nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức vận động mỗi cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo chuyển biến căn bản tình trạng buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh trường học.

b) Hình thành nếp sống văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh, hộ kinh doanh thực phẩm an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

c) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền cơ sở thông qua triển khai hoạt động của Tổ tự quản kinh doanh ATTP xung quanh các trường học (sau đây viết tắt là Tổ tự quản).

2. Yêu cầu

a) Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP.

b) UBND quận, huyện và phường, xã triển khai thí điểm thành lập Tổ tự quản kinh doanh ATTP, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của UBND các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong tổ chức triển khai thí điểm.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thời gian

a) Giai đoạn 1: Từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2022, giai đoạn triển khai các công tác chuẩn bị.

b) Giai đoạn 2: Từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023, giai đoạn thí điểm thành lập Tổ tự quản và đi vào hoạt động.

2. Địa điểm: 02 địa điểm xung quanh các trường học ở quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang:

- Trường Tiểu học Ông Ích Đường, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.

- Trường THCS Trần Quốc Tuấn, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

3. Nguyên tắc hoạt động của Tổ tự quản

a) Thí điểm thành lập các Tổ tự quản là các cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng hóa xung quanh trường học theo địa điểm tại khoản 2 mục này, “tự nguyện gia nhập, thành lập; tự chủ về kinh phí hoạt động; tụ kiểm tra, giám sát” và chịu sự quản lý điều hành của UBND phường, xã.

b) Tổ tự quản hoạt động dựa trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật, bình đẳng và dân chủ trong kinh doanh.

c) Thành viên Tổ tự quản có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau.

d) Khi thành lập Tổ tự quản phải tổ chức họp hoặc hội nghị thành lập để thông qua nội quy hoạt động và bầu Tổ trưởng, Tổ phó; nội quy hoạt động phải được biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số; Tổ tự quản có 01 Tổ trưởng và không quá 02 Tổ phó.

đ) Sau khi tổ chức họp hoặc hội nghị, Tổ tự quản phải có văn bản gửi UBND xã, phường để công nhận việc thành lập Tổ tự quản, Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên.

e) Tùy vào tình hình thực tế Tổ tự quản có thể mời thêm một hoặc một số đại diện của chính quyền địa phương làm thành viên (Công an phường, xã, Quy tắc đô thị, Dân quân tự vệ, Trạm y tế, Tổ bảo vệ trường học, Tổ trưởng hoặc Tổ phó tổ dân phố, Trưởng thôn hoặc Phó Trưởng thôn).

g) Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa hoạt động Tổ tự quản để tổ chức hội nhóm mang tính bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm pháp luật.

h) Tổ tự quản có mối quan hệ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, phường và Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động khác.

4. Nhiệm vụ của Tổ tự quản

- Tự tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về ATTP của các thành viên trong tổ có thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

- Tổ chức giám sát các hộ kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh hàng hóa khác trong khu vực, phạm vi xung quanh trường học về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, phương tiện vận chuyển, bảo quản...

- Nắm bắt tình hình ATTP, an sinh xã hội, an toàn giao thông trong khu vực xung quanh trường học để phản ánh với Công an và UBND cấp phường, xã.

5. Quyền lợi của Tổ tự quản

a) Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển ,kinh tế - xã hội tại địa phương.

b) Tạo điều kiện và duy trì hoạt động Tổ tự quản ở cộng đồng dân cư. Được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, (nếu địa phương có kinh phí)

c) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về lĩnh vực ATTP.

III. KINH PHÍ

Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cân đối, lồng ghép trong kinh phí hoạt động các chương trình, dự án, kế hoạch hằng năm đã được giao trong dự toán của các ngành, địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định để thực hiện và thanh quyết toán đảm bảo theo đúng quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Quản lý An toàn thực phẩm

a) Có trách nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

b) Đôn đốc UBND quận, huyện có Kế hoạch triển khai thí điểm thành lập Tổ tự quản.

c) Tổng hợp báo cáo định kỳ, chuẩn bị công tác sơ kết 06 tháng, tổng kết 01 năm và thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện triển khai:

a) Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, nâng cao trách nhiệm bảo đảm ATTP, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho nhân viên chế biến, các cơ sở cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học.

b) Giáo dục học sinh nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm ATTP tại các quán ăn vỉa hè, thức ăn đường phố ở khu vực phụ cận và ngay tại trường học.

c) Phối hợp với UBND xã, phường để triển khai thí điểm mô hình Tổ tự quản kinh doanh ATTP.

d) Các trường cử nhân viên bảo vệ, nhân viên phụ trách về ATTP tham gia Tổ tự quản.

3. Sở Y tế

Chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp Phòng Y tế, UBND phường, xã tập huấn kiến thức về ATTP cho cá nhân, hộ kinh doanh tham gia Tổ tự quản.

4. UBND quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang

a) Chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với UBND phường, xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn quản lý. Tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ kinh doanh tham gia Tổ tự quản.

b) Triển khai thành lập thí điểm Tổ tự quản.

- Giai đoạn 1:

+ Ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm thành lập Tổ tự quản;

+ Thực hiện tuyên truyền về thí điểm thành lập Tổ tự quản;

+ Vận động các cá nhân, hộ đang buôn bán xung quanh trường học tham gia thành lập Tổ tự quản;

+ Tổ chức tập huấn kiến thức và các quy định pháp luật về ATTP; khám sức khỏe.

+ Hướng dẫn tổ chức họp hoặc hội nghị thành lập Tổ tự quản;

+ Khảo sát bố trí địa điểm kinh doanh cố định (nếu có); Hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ (nếu có).

- Giai đoạn 2:

+ Tổ chức họp hoặc hội nghị thành lập Tổ tự quản;

+ Trên cơ sở đề xuất của Tổ tự quản, UBND phường, xã ban hành văn bản công nhận (Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên và nội quy hoạt động);

+ Các thành viên trong Tổ tự quản tự kiểm tra, giám sát ATTP đối với quán ăn, thức ăn đường phố, bán hàng rong trong khu vực được bố trí bán hàng.

c) Tuyên truyền phổ biến các văn bản vi phạm pháp luật, kiến thức ATTP cho các cá nhân, hộ kinh doanh tham gia Tổ tự quản. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tự quản và việc thực hiện các quy định về ATTP.

d) Định kỳ hằng quý đánh giá kết quả triển khai thực hiện và báo cáo về UBND thành phố. Tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện bảo đảm ATTP.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng: chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tuyên truyền, vận động, giám sát các cá nhân, hộ kinh doanh tham gia Tổ tự quản trong thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, hộ kinh doanh để đề xuất chính quyền giải quyết kịp thời.

Trên đây là Kế hoạch thí điểm thành lập Tổ tự quản kinh doanh ATTP xung quanh các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- TTTU;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- UBMTTQVN thành phố;
- VP Thành ủy;
- Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố;
- Các sở, ban, ngành (nêu trên);
- UBND các quận, huyện;
- Công An thành phố;
- Cục Quản lý thị trường thành phố;
- Thành viên BCĐLNATTP;
- Ban Quản lý ATTP;
- Lưu: VT, KG-VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Ngô Thị Kim Yến

PHỤ LỤC

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI QUÁN ĂN, KINH DOANH THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng)

1. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với quán ăn

- Cơ sở bố trí ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.

- Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

- Nước sử dụng để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chín phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; nước đá sử dụng trong pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2011/BYT.

- Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định.

- Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60 cm.

- Đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín phải khám sức khỏe định kỳ 01 năm 01 lần.

- Cơ sở phải có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom vào hệ thống cống rãnh công cộng và không được gây ô nhiễm môi trường.

2. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố

- Nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

- Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

- Nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay, chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2011/BYT.

- Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.

- Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập.

- Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khám sức khỏe định kỳ 01 năm 01 lần và thực hành tốt vệ sinh cá nhân; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.

- Nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

- Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.

3. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với bán hàng rong

- Chỉ được bán rong các loại thực phẩm, hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn, có nguồn gốc.

- Có phương tiện bảo đảm yêu cầu vệ sinh ATTP (xe đẩy, xe đạp, xe ô tô, gánh hàng, làn hàng...): kín, tránh được mưa, nắng, gió, bụi, ruồi, muỗi, côn trùng và giữ được thức ăn sạch, không bị ô nhiễm.

- Dụng cụ chứa đựng thức ăn, bao gói thức ăn và dụng cụ ăn uống như đũa, bát, thìa, cốc... phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc chỉ dùng loại sử dụng một lần; hoặc dùng lại phải rửa qua 3 lần, trước khi rửa phải vét bỏ các chất còn thừa và dầu mỡ vào 1 thùng, rửa lần 1 ở 1 thùng nước sạch với “nước rửa chén bát”, lần thứ 2 rửa lại ở 1 thùng nước sạch và lần thứ 3 tráng lại ở 1 thùng nước sạch, sau đó lau bằng khăn sạch hoặc giấy sạch 1 lần.

- Nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn bán rong phải được chọn lọc, có nguồn gốc an toàn, không mốc và không ô nhiễm.

- Quy trình chế biến thức ăn để bán rong phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng công nghệ chế biến không an toàn và sử dụng các phụ gia, chất bảo quản độc hại.

- Người bán hàng rong phải được khám sức khỏe định kỳ 01 năm 01 lần và thực hành tốt vệ sinh cá nhân.

- Phải giữ đúng thời gian an toàn của thức ăn, không được bán thức ăn cỏ dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu và ô nhiễm.

- Không được dùng tay trực tiếp bốc, nắm thức ăn để bán.

- Phải có dụng cụ đựng chất thải kín, có nắp đậy và phải được đổ đi sau mỗi lần đi bán rong.