Ân nghĩa thủy chung là gì

Bài văn số 1

Bài học đạo lí Uống nước nhớ nguồn đã thành tục ngữ, hoá thân trong lời hát câu ca, đã thấm sâu vào tâm hồn hàng triệu triệu con người Việt Nam xưa nay.

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn có hình tượng đẹp, hàm chứa một tư tưởng, tình cảm đẹp, một lối ứng xử đẹp.

Chỉ có 4 chữ ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa. Uống nước là điều kiện, nhớ nguồn là hệ quả. Nguồn là nơi phát nguyên những nguồn nước. Nước đầu nguồn thì trong mát ngọt lành. Nguồn nước có bao giờ vơi cạn? Nhờ nguồn mà sông suối, ao hồ, biển cả có nước quanh năm, sự sống được nở hoa kết trái. Uống nước là được hưởng thụ; nhờ có nguồn mà ta được uống nước. Chữ nhớ trong câu tục ngữ thể hiện tấm lòng nhớ ơn, biết ơn.

Câu Uống nước nhớ nguồn nêu lên mối quan hệ lịch sử, xã hội. Đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi chúng ta bài học đạo đức: Phải nhớ ơn, biết ơn những người đã đem lại ấm no, hạnh phúc và yên vui cho mình.

Câu tục ngữ đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa bốn nghìn lớp người trong xã hội ta. Nó nêu lên một quan niệm nhân sinh đầy tình người, đúc kết một nét đẹp về đạo lí, nhắc nhở mỗi người sống có tình có nghĩa, trọn vẹn thuỷ chung.

Lòng nhớ ơn, biết ơn là một tình cảm rất đẹp. Câu tục ngữ giáo dục chúng ta lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó nhắc nhở chúng ta biết ơn nhân dân vĩ đại đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và bảo vệ đất nước. Bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách, ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tâm hồn ta… đã thấm sâu công ơn hàng triệu người dân cày, người thợ, thầy giáo, cô giáo… Lá quốc kì đỏ thắm, đất nước độc lập thanh bình… là do xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Giang sơn gấm vóc hôm nay là do nguồn thiêng ông cha, như một nhà thơ đã ca ngợi:

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

 Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ…

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm.)

Lòng biết ơn không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tục cúng lễ giỗ tết với nén hương thơm toả khói trên bàn thờ gia tiên. Con cái chăm học chăm làm, sống tốt đẹp làm vẻ vang cho dòng họ, biết săn sóc ông bà cha mẹ khi già yếu. Ngày 27/7 và ngôi nhà tình nghĩa là sự thế hiện lòng biết ơn của toàn dân đối với thương binh liệt sĩ. Học sinh biết tôn sư trọng đạo… Đó là hành động biết “Uống nước nhớ nguồn”.

Để giáo dục lòng biết ơn, nhân dân ta đã sáng tạo nên những câu tục ngữ, bài ca dao đậm đà, ý đẹp lời hay đã thấm sâu vào máu thịt và hồn người:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?.

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

Ở đời, người nhân hậu làm ơn không bao giờ nghĩ tới chuyện trả ơn. Họ coi việc cứu giúp mọi người là nghĩa vụ của lương tâm. Lòng biết ơn luôn nhắc nhở chúng ta vừa nhớ tới cội nguồn, nhớ tới thế hệ đi trước, đồng thời phải nghĩ tới những lớp người mai sau. Biết nhớ nguồn còn phải biết khơi nguồn là vậy.

Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học lớn dạy ta biết làm người. Nó gợi nhớ trong lòng ta món nợ đời sâu nặng:

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

 Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao

Bài văn số 2

Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai” (Anatole France). Thật vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay. Chỉ bàn đến các tác phẩm văn học hiện đại lớp 9, hẳn chúng ta đều biết đến các tác phẩm thuộc chủ đề này: “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Ánh trăng ” của Nguyễn Duy. Qua các bài thơ, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, Nguyễn Duy đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng laị một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.

Lời nhắn nhủ của nhà thơ giống như một cây chuyện nhỏ với giọng điệu tâm tình .Đây là câu chuyện của chính nhà thơ . Lời thơ mở đầu như đưa người đọc trở về với quá khứ tuổi thơ của tác giả với một giọng kể nhỏ nhẹ . Đó là một tuổi thơ gắn bó thân thiết với thiên nhiên . Tuổi thơ được cảm nhận những điều kì thú của thiên nhiên. Đến khi trở thành người lính , sống ở trong rừng vầng trăng lại thành tri kỉ. Người chiến sĩ có thể nằm ngủ dưới trăng , đứng gác dưới trăng , trăng cùng chia sẻ những gian lao của cuộc đời người lính. Trăng cũng đã cùng vui niềm vui thắng trận của người chiến sĩ .Rõ ràng tình cảm của người chiến sĩ và trăng là tình cảm keo sơn gắn bó ,tưởng như tình cảm đó gắn bó mãi mãi. Nhưng câu chuyện chuyển biến về hiện tại ,điều “ngỡ không bao giờ quên” bây giờ đã quên. Giọng thơ như trầm lắng lại với nét trầm ngâm , suy tư khi kể tới. Cảnh phồn hoa nơi đô thị tập nập , đời sống của con người cũng bắt đầu thay đổi .Ánh sáng của điện đã thay cho ánh sáng của trăng .Bởi thể mà lòng người lúc này cũng thay đổi. Vẫn là vầng trăng xưa , bây giờ vầng trăng ấy lại đi qua ngõ . Thế nhưng người bạn ấy bây giờ đã thành người dưng tức là không hề quen biết.Sự đổi thay này diễn ra trong lòng người lính .Anh đã quên đi người bạn năm xưa , người bạn đã từng chịu chung gian khổ ở rừng, cùng gắn bó với anh tuổi ấu thơ. Giọng thơ thầm thì như lời trò chuyện .Anh đang trò chuyện với chính mình , suy nghĩ về việc mình đã thay đổi tình cảm quên đi vẻ đẹp của thiên nhiên,bình dị. Phải chăng , sự suy ngẫm này như một sự sám hối , tự trách mình .Sống trong hiện tại mà quên đi quá khứ , sống trong hoà bình có đầy đủ vật chất mà quên đi những ngày gian khổ .

Nhưng nhà thơ không dừng lại ở đó mà còn sáng tạo ra một cuộc sống chân thật mà cũng rất quen thuộc xảy ra ở đô thị đó là hệ thống đèn điện tắt cả.Một không gian phòng buyn-đinh tối om .Người chiến sĩ cũng giống như bao người khác vội bật tung cửa sổ , đột ngột thấy vầng trăng .Như vậy trăng xưa lại đến với người vẫn tròn vẫn đẹp và thuỷ chung với mọi người .

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng, là bể

như là sông, là rừng

Người ngắm trăng và suy ngẫm bâng khuâng “Ngửa mặt lên nhìn mặt ”. Hai chữ “mặt ”trong một vần thơ , mặt trăng và mặt người đối diện nhau . Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Trăng chẳng nói chẳng trách nhưng tâm trạng của người lính có gì đó rưng rưng .Phải chăng đó là tâm trạng xúc động nghẹn ngào .Nước mắt như trực ứa ra .Bao kỉ niệm đẹp của một đời người đã ùa về trong tâm trí người chiến sĩ .Từ « rưng rưng » gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ. Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc « như là đồng là bể,như là sông là rừng”.Câu trúc của câu thơ sóng đôi kết hợp với phép tu từ so sánh , từ “là ”được nhắc lại bốn lần cho ta thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa.Ông đã gợi ta được sự gắn bó chan hoà với thiên nhiên của người chiến sĩ trong quá khứ. Bởi lẽ nhớ tới đồng, tới sông , tới bể là nói tới thời ấu thơ , nói tới rừng là nói tới thời chiến tranh. Hai hình ảnh thơ này được lặp lại ở khổ thơ đầu .Như vậy vầng trăng trong đoạn thơ không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của quá khứ tình nghĩa.Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.

Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về « vầng trăng tình nghĩa » một thời :

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Bài thơ dừng ở cảm xúc « rưng rưng » cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh « vầng trăng” còn được nhà thơ nhìn lại « tròn vành vạnh » thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu ? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng : “kể chi người vô tình”.Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho “ người vô tình” thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi “giật mình “ tỉnh ngộ.Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ « giật mình ». Cái « giật mình » chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Đằng sau cái giật mình ấy người đọc cảm nhận được niềm ân hận day dứt của một con người đã nghiêm khắc nhìn thẳng vào mình để nhận ra cái sai của mình Người xưa hay nói « trong cái rủi có cái may ». Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng.Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.

Đọc bài thơ người đọc đều cảm nhận thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ mà cũng là chuyện của mình .Từ câu chuyện ấy gợi ra cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng tới cách sống của chính mình . Nhà thơ tâm sự với bạn đọc những điều sâu kín nơi lòng mình nhưng cũng là để gửi tới người đọc một bức thông điệp về cách sống đẹp trong hoàn cảnh đất nước hoà bình .Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ « Ánh trăng », chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.

Có lẽ khi nhắc về quá khứ, nhất là những thời điểm đẹp đẽ, người ta vẫn thường kể nhiều hơn. Với “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt thực đã dắt dẫn người đọc vào sâu trong mạch kể, mạch hồi tưởng của ông. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng cuả ta. Hồi ức đẹp một đi không trở lại của tuổi thơ được tái hiện không phải bằng một trí nhớ lan man, chắp vá. Trái lại, ở sâu trong tiềm thức của tác giả, hình ảnh “Bếp lửa” và “người bà” lúc nào cũng tỏ sáng lạ kì – trở thành một điểm đi về trong cõi nhớ

Trong kỉ niệm, trong cảm xúc của mỗi nỗi nhớ, lí trí đã nhường chỗ cho tình cảm và cái rõ ràng, minh bạch đã nhoè đi để được thêm những cái mơ màng, chập chờn của hồi ức. Hình ảnh bà và bếp lửa qua tâm trạng ấy đã đồng nhất, hoà quyện với nhau. Tuy một mà hai tuy hai mà một để chỉ còn hiện lên trong tâm tưởng người cháu của một cái gì thật ấp iu, nồng đượm. Hình ảnh bếp lửa là cầu nối để đứa cháu phương xa ngàn dặm gửi tình thương nỗi nhớ về bà, về quê hương. Nhưng qua dòng hồi tưởng nhẹ nhàng tươi mát của cháu, bếp lửa của củi rơm kia cũng không còn là bếp lửa bình thường như cái nhìn trước đó. Nó trở thành một hình ảnh cứ trở đi trở lại trong bài thơ, trong tâm trí người cháu và không lần nào cái bếp lửa bình dị ấy không gắn với hình ảnh người bà tảo tần, đầy thân thương. Và vì lẽ đó mà người ta có cảm giác bếp lửa kia chính là tình cảm của người bà đôn hậu.

Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Tình cảm của bà rõ ràng đã được tượng trưng hoá với “ngọn lửa”. Nếu nói “Bếp lửa” e chưa thật trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn, tình cảm đã nằm ngay ở đó. Ngọn lửa ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết (chứa niềm tin dai dẳng) phải chăng là tình yêu (lòng bà luôn ủ sẵn). Từ “Bếp lửa” đến “ngọn lửa” có lẽ là hành trình từ cái đơn sơ giản dị đến những cái thiêng liêng cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Hình ảnh bếp lửa được thay thế bằng hình ảnh ngọn lửa cụ thể hơn mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho ánh sáng, hơi ấm và sự sống. Cái bếp lửa mà bà nhen sớm sớm, chiều chiều không phải chỉ bằng nhiên liệu người ta vẫn thường dùng nhóm lửa mà đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình yêu thương luôn ủ sẵn trong lòng bà, ngọn lửa của niềm tin dai dẳng, ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin, ý chí, hy vọng và nghị lực. Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu. Phải chăng chính ngọn lửa lòng bà đã nhen lên trong tâm hồn cháu, ý chí, nghị lực và một tình yêu cuộc sống, một niềm tin tươi sáng về ngày mai. Đó là biểu hiện của sức sống muôn đời bất diệt mang niềm yêu thương, ý chí, nghị lực, niềm tin của bà truyền cho cháu. Khái quát hơn, đó là ý chí, là nghị lực, là niềm tin của cả một dân tộc trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn đó, niềm tin về một ngày mai hoà bình, một ngày mai tươi sáng và một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Hình ảnh của bà trong tâm hồn nhà thơ không chỉ là người thắp lửa giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Lửa ấy là lửa niềm tin, lửa sức sống truyền đến các thế hệ mai sau.

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.

Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. Hình ảnh của bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.Bà đã nhóm bếp lửa trong suốt cuộc đời bà, đã trải qua nắng mưa “mấy chục năm rồi”. Bà không chỉ nhóm bếp lửa bằng đôi bàn tay già nua, gầy guộc, mà là bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” của bà đối với con cháu. Điệp từ “nhóm” được nhắc đi nhắc lại 4 lần trong 4 câu thơ đan kết với những chi tiết rất thực… có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh buốt của sương sớm; đến câu tiếp theo thì đã vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình yêu thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới mùa gặt là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa trừu tượng: nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ. Tình cảm của bà bao la giản dị như khoai sắn và cũng đậm đà như khoai sắn.Các từ ngữ “ấp iu nồng đượm”, “yêu thương”, “ngọt bùi”, “chung vui” thể hiện sự tinh luyện của một ngòi bút nghệ thuật, đã diễn tả thật hay tình thương, niềm vui, sự no ấm, hạnh phúc mà bà đã mang lại cho con cháu. Bà đã “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”, nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ, những khát vọng của đàn cháu nhỏ. Bếp lửa bà nhen đã nhóm lên ngọn lửa của tình thương ấm áp. Chính vì thế mà nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu, thiêng liêng:

“ÔI! Kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa”.

Câu thơ cảm thán với cấu trúc đảo thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như một khám phá ra một điều kỳ diệu giữa cuộc đời bình dị. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một niềm tin dai dẳng về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. Như vậy, từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. khái quát trở thành ngọn lửa trong trái tim – một ngọn lửa ẩn chứa niềm tin và sức sống của con người.

Bài thơ chứa đựng một ý nghĩa triết lí thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình đài rộng của cuộc đời. Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, và đó cũng là sự khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu đất nước.

Ánh trăng của Nguyễn Duy, Bếp lửa của Bằng Việt gợi lại bao suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là những hình ảnh quen thuộc thôi mà con người lại có thể nhìn thấy bao điều? Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Bài văn số 3

 Người xưa có câu: “Thi ngôn chí”. Tức nghĩa: Thơ để nói lên cái chí ở đời. “Chí” ở đây không chỉ là chí hướng, nguyện vọng của con người khi đạt tới cái gì đó. Mà “chí” còn là những quan niệm , tư tưởng, nhân sinh quan và thế giới quan mà người nghệ sĩ mang trong lòng. Tác phẩm nghệ thuật bởi vậy không chỉ là tiếng thì thầm, lời nhắn nhủ mà còn là tiếng nói của tư tưởng, tình cảm, quan niệm về cuộc sống và con người mà tác giả muốn truyền đạt tới bạn đọc. Và qua bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy đã để những tình cảm, cảm xúc và tư tưởng của mình kết tinh thành những giọt ngọc của thời đại thấm sâu vào hồn trí người đọc và gợi nhắc, củng cố họ thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung với quá khứ nghĩa tình.

Bài thơ được Nguyễn Duy – một nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước viết trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: năm 1978, tức ba năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng mở đầu bài thơ là những kí ức ngày thơ ấu:

“Hồi nhỏ sông với đồng

Với sông rồi với bể

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên

Hồn nhiên như cây cỏ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa”

Bài thơ mở đầu bằng kí ức tuổi thơ và quá trình trưởng thành của con người bằng một từ “hồi” và ba lần từ “với”, không gian được mở rộng dần từ “đồng” đến “ sông” rồi đến “bể”. Tuổi thơ đi nhiều cũng có vầng trăng, ánh trăng soi rọi làm tăng thêm vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên và như nhân lên nhiều lần niềm hạnh phúc của trẻ thơ. Nhưng, phải đến thời chiến tranh, nơi chiến trường ác liệt, vầng trăng mới trở thành người bạn tri kỉ của con người. Người chiến sĩ đứng gác giữa “Rừng hoang sương muối” đã có “đầu súng trăng treo” (Chính Hữu), ngủ dưới ánh trăng đã có “gối khuya ngon giấc/ bên sông trăng nhòm” ( Hồ Chí Minh). Tình bạn tri kỉ giữa người và trăng là tình bạn hồn nhiên, chân thật như cỏ cây, bền vững như đất trời. Con người gắn bó với vầng trăng và đinh ninh một lời hứa không bao giờ bội bạc. Ấy thế mà, cứ ngỡ như tình bạn ấy không thể phai nhạt, nhưng hoàn cảnh sống thay đổi, thì lòng người cũng dễ đổi thay:

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện cửa gương

 Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

Từ cuộc sống “hồn nhiên như cây cỏ” lúc thiếu thời hay cuộc sống gian khổ, thiếu thốn nơi rừng núi, con người về sống nơi thành thị tiện nghi đầy đủ, lắm” ánh điện, cửa gương ”, vầng trăng đâu còn thân thiết với con người nữa! Vầng trăng tri kỉ, vầng trăng nghĩa tình đã bị con người lãng quên. Trăng được nhân hóa là người bạn nghĩa tình, từ rừng núi về thị thành thăm lại cố nhân. Nhưng bây giờ, ngừơi ấy lại xem trăng là “người dưng”. Phép so sánh “như người dưng qua đường” gợi trong lòng người đọc biết bao sự xót xa. Tôi bỗng nhói lòng nhớ về những câu thơ của Vũ Đình Liên trong bài thơ “Ông đồ”:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay”

Có lẽ, chóng quên là căn bệnh khó chữa của người đời ! Giọng thơ thầm thì, giãi bày tâm sự, nhà thơ như đang tự nói với chính mình. Nhưng lại thấm thía người nghe về một biểu hiện của nhân tình thế thái chóng đổi thay ! Nhưng trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc bất thường ở khổ bốn chính là bước ngoặt, mà từ đó, tác giả bộc lộ cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn.”

Nơi thành phố lắm “ánh điện, cửa gương”, người ta chẳng mấy lúc cần và cũng ít khi chú ý đến ánh trăng. Nhưng cuộc đời của con người đâu cứ mãi êm xuôi, đèn điện rồi cũng có lúc đột ngột tắt, cửa gương rồi cũng phải mở ra để đón lấy khí trời trong những đêm hè ngột ngạt. Lúc ấy, con người “đột ngột” gặp lại “vầng trăng tròn”. Bốn câu thơ với các từ : thình lình, vội, đột ngột đầy biểu cảm, thể hiện sự thay đổi bất ngờ, nhanh chóng của hoàn cảnh và sự ứng phó của con người với những hành động khẩn trương. Ấy nhưng, cái “đột ngột” không phải sự xuất hiện của vầng trăng mà là sự phát hiện của con người. Trăng vẫn thế, tròn đầy từ ngày chiến tranh, tròn đầy từ ngày người về thành thị và tròn đầy ngoài khung cửa sổ, chờ đợi con người. Lúc ấy, con người mới “giật mình” sám hối:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Đến cuối bài thơ, từ “giật mình” mới xuất hiện, nhưng nếu ngẫm kĩ, ta thấy lúc “đột ngột” nhìn thấy “vầng trăng tròn” ngoài cửa sổ, con người đã giật mình rồi. Từ “ngửa” được dùng thật hay, không phải là “ngẩng mặt” hay “ngước mặt”, mà là “ngửa mặt”, là phơi bày toàn bộ gương mặt mình hôm nay để đối diện với “mặt trăng” tri kỉ thuở xưa. Trăng chẳng hề nói năng, chẳng hề trách mắng nhưng cái tâm thế lặng im, ngửa mặt lên có phần thành kính của con người lại bộc lộ một cảm xúc tha thiến đến nao lòng. Cái giây phút ấy, cả quá khứ như chợt sống dậy, cả tuổi thơ rong chơi trên đồng, trên sông, trên bể với trăng, cả thời chiến tranh gian lao, vất vả ở rừng có trăng bầu bạn, tất cả như hiện về trong nỗi nhớ, trong nỗi xúc động xen lẫn xót xa và ân hận. Với biện pháp tu từ so sánh cùng với phép điệp từ và điệp cấu trúc tinh tế, khéo léo đã làm hai câu thơ cuối khổ song hành, làm bật lên cái cảm giác xốn xang, day dứt của con người đang sám hối để tự hoàn thiện, tự vươn lên và hướng tâm hồn mình ra thứ ánh sáng đẹp đẽ của trăng. Cảm xúc chân thành và giọng thơ đầy tâm sự đã giúp cho đoạn thơ vào lòng người một cách nhẹ nhàng và thấm thía:

“Trăng cứ trong vành vạch

kể chi người vô tình

 ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Bài thơ kết thúc bằng một khổ thơ mang hàm nghĩa sâu xa, độc đáo. Vầng trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, đẹp đẽ, hơn thế, còn là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống. Nó cứ “tròn vành vạnh” như quá khứ thủy chung, nguyên vẹn, đẹp đẽ chẳng phai mờ. Vầng trăng ấy không hề trách móc những kẻ vô tình. Là biểu tượng của tấm lòng bao dung, độ lượng, của quá khứ nghĩa tình không so đo tính toán thiệt hơn. Nhưng ánh nhìn “im phăng phắc” của vầng trăng hay chính là ánh nhìn nghiêm khắc của lương tâm, mà để cho người bạn ngày xưa “giật mình” xem lại thái độ sống cũng như tình cảm, thái độ của mình ? Dù không trách móc cũng đủ để nhà thơ và chúng ta giật mình, nhìn lại chính bản thân và đánh giá lại thái độ sống của mình! Và cái tinh tế của Nguyễn Duy là ở chỗ, nếu như ở những khổ thơ trên, chủ thể trữ tình ẩn nấp, giấu mình đi thì lúc này, cái “giật mình” này không còn của riêng ai nữa, mà là của “ta”, “ta” ở đây là nhà thơ và cũng là tôi, là bạn, là tất cả mọi người. Sự xuất hiện ấy không hề gượng gạo, giả dối mà lại vô cùng tự nhiên, đó như là một lời nhắn gửi, một lời khuyên nhỏ nhẹ, không hô hào, không khoa trương mà lại thấm sâu vào trong tình cảm, suy nghĩ của mỗi người !

Bài thơ mang dáng dấp của một câu chuyện nhỏ, được kể theo trình tự thời gian, từ quá khứ đến hiện tại và xuyên suốt khoảng thời gian cũng như bài thơ là hình ảnh vầng trăng mang ý nghĩa biểu tượng, được xem như là niềm thôi thúc của tác giả nhớ về cội nguồn và ý thức trước lẽ sống thủy chung “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta hàng ngàn đời truyền lại. Và từ câu chuyện riêng của nhà thơ Nguyễn Duy, bài thơ cất lên lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, vất vả, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, nghĩa tình. Bài thơ không chỉ có ý nghĩa với riêng thế hệ từng trải qua trong chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên nay sống trong hòa bình dễ lãng quên quá khứ. Bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề là thái độ sống với quá khứ, với những người đã khuất và với cả chính mình. “Ánh trăng” với thể thơ năm chữ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, kết hợp với giọng điệu thơ tâm tình, khi ngân nga, thiết tha khi lại trầm buồn, sâu lắng đã góp phần lớn vào việc làm nổi bật ý nghĩa của cả bài thơ, khiến bài thơ khắc sâu và hồn trí người đọc.

 Trở lại với cuộc sống ngày hôm nay, trong cuộc sống mới, sinh hoạt mới, con người bị cuốn vào guồng quay của công việc, của cuộc sống mưu toan, của nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền mà vô tình quên đi những ân tình, những kỉ niệm của quá khứ. Con người cứ thờ ơ và vô cảm. Biết trách ai đây? Trách cuộc sống phát triển quá nhanh? Hay trách con người quá tiến bộ? Chẳng ai biết, cuộc sống quá mức bận rộn, con người chẳng lấy đâu ra thời gian mà “giật mình”, mà sống thủy chung được nữa! Nhưng xin đừng quên rằng: Những thứ chúng ta có được ngày hôm nay, đều là từ ngày hôm qua cả, nếu chúng ta không biết trân trọng và giữ gìn thì đừng hối hận hay luyến tiếc, nếu sau này ta mất đi những thứ đó! Có những điều vẫn ở đó, ngay cạnh ta, thuộc về ta. Nhưng đến một ngày, khi ta nhận ra sự hiện diện của nó quan trọng, mọi thứ đã thay đổi. Tại sao vầng trăng tròn, quá khứ nghĩa tình vẫn ở đó, sát bên, liền kề chúng ta đây, mà ta lại không trân trọng? Lẽ sống “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân ta truyền lại từ bao đời, lẽ nào lại để mai một dần? Không, mỗi người chúng ta luôn phải có ý thức trước lẽ sống, đạo lí tốt đẹp, cao cả ấy. Ta là ai? Là người già? Là trẻ nhỏ? Là thanh niên? Chung lại, ta chính là con người Việt Nam, sống trên dải đất hình chữ S với truyền thống bốn ngàn năm lịch sử này, lẽ nào ta nhẫn tâm quay lưng lại với quá khứ? Với lịch sử? Vậy để luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp này, chúng ta cần phải làm gì? Đối với người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, ta luôn cần trân trọng, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhận thức được những suy nghĩ, hành động của chính bản thân. Hãy luôn sống và luôn nhớ về cội nguồn của mình, đừng sống như những kẻ vô tình, bạc bẽo, quay lưng với quá khứ nghĩa tình.

Bài văn số 4

Trong thời đại ngày nay, theo miên thảo cũng giống như Bạn "tôi là tôi"..ở trên đây là thủy chung son sắt,là trước sau như một,là không thể dùng tiền bạc vật chất thay thế cho tình nghĩa.."Chồng em áo rách em thương,chồng người áo gấm xông hương mặc người.."..

Trong thời đại ngày nay,Người Phụ Nữ.. cũng như Nam Giới phải bôn ba ngoài xã hội làm việc mưu sinh,để thể hiện khả năng của mình , vì thế môi trường giao tiếp rộng mở hơn..Thế nên,việc giao lưu với Những Người Khác Giới giỏi giang,hấp dẫn…là điều tất yếu xảy ra trong cuộc sống hàng ngày..

Tất nhiên là mỗi Một Người đều có tố chất riêng,cá tính riêng, có quan điểm sống …riêng,nên quan niệm về nghĩa Thủy Chung..đều có giá trị khác nhau..,có người thấy Thủy Chung là cần thiết,có người lại cho rằng điều đó..là Không Thể ?!

Tuy vậy,miên thảo cho rằng Bất Cứ Ai đã được sinh ra ở Trần Gian này,đều mong muốn có một cuộc sống Hạnh Phúc,(trừ những Bậc Tu Hành.mà .lý tưởng của Họ vượt trên Tình Yêu Nam Nữ thông thường..), miên thảo đồng ý với câu trả lời của câu hỏi dưới đây : Hạnh Phúc đích thực chỉ có được ở Những Con Người biết sống Quên Mình !

Vì khi ta lấy mình làm đích đến cho những mục tiêu của Hạnh Phúc,thì ta sẽ không bao giờ thỏa mãn bất cứ điều kiện nào dù ta có nhiều ưu đãi hơn Người Khác !Một kẻ sống ích kỷ..sẽ luôn cảm thấy bất hạnh cho dù Họ..có nhiều điều kiện,nhiều ưu ái hơn ..

Quay lại "vấn đề "Chung Thủy ,vậy giữ Chung Thủy và Hạnh Phúc ..có liên quan với nhau như thế nào ? miên thảo ..chỉ xét trên phương diện những Người Vợ lấy niềm Hạnh Phúc của Gia Đình là mục tiêu phấn đấu cho đời mình (trừ những trường hợp đặc biệt khác mà ta không xét đến…như những Người Đàn Bà mà có tố chất của Nam giới, thích sống độc lập..)

Trong sự giao thoa giữa Những Người Khác Phái trong xã hội, ngoài môi trường Gia Đình, thì tất nhiên Người Phụ Nữ (Người Vợ,Người Yêu)..phải tiếp xúc với những người Khác phái ,trong đó có cả Những Con Người giỏi giang hấp dẫn..v.v.Nếu Người Phụ Nữ ấy..vô tư, thoải mái…thì sẽ có lúc..vô tình rơi vào trường hợp ban đầu thì cảm mến, rồi sau đó..sẽ dần say say..và rất dễ rơi vào trường hợp yêu yêu.rồi dẫn đến yêu không thể "từ chối " được nữa..!!Nếu Người Vợ có trách nhiệm, nghiêm túc trong tình cảm ,dẫu "bị rơi vào"..trường hợp bị lôi kéo, thì trong tiềm thức..sẽ luôn có ý thức .."từ chối"..và đấu tranh liên tục, sẽ cảm thấy "có lỗi", sẽ mặc cảm..vì đã "lừa dối"..Người yêu (Người Chồng )của mình.., lại hơn nữa nếu Họ nhìn thấy Người yêu (người chồng) của mình, đau khổ..Họ cũng sẽ đau lòng, và luôn dằn vặt không yên..Nếu đã có con cái.., vì lòng trách nhiệm,vì tương lại …sẽ phải khiến Họ dằn vặt,đau đớn hơn nữa !Thế nên,suy ra,yêu thêm 1 người ngoài Chồng (ngoài Vợ)..thì cũng chẳng hạnh phúc là bao,mà lại khiến biết bao nhiêu hệ lụy xảy ra chung quanh đó..làm cho trước hết Bản Thân Họ phải gánh lấy và sau đó Biết Bao người Thân yêu ruột thịt phải đau khổ theo !Một Hạnh phúc nào mà dựa trên toàn những điều đau khổ,thì Hanh Phúc ấyluôn oan khiên và đầy bất trắc !

Vì thế, không còn con đường nào khác là Chung Thủy,vì đó là cách duy nhất để chu toàn..với Hạnh Phúc của mình..là có cơ hội được sống trong yên tân và thanh thản!Nếu Cô ấy ,Bà ấy.."quen" nhiều Người.. thì lúc nào cũng đa mang, lúc nào cũng suy nghĩ,đối phó,sẽ rất mệt ! Còn,đối với những Người..thiếu trách nhiệm..thì ta không bàn đến nữa ! Vậy thì đáp án nào là thích hợp cho "bài toán" Chung Thủy..trong môi trường làm việc có mối quan hệ chặt chẽ trong sự giao lưu không những về Công Việc mà còn giao lưu văn hóa giữa hai Phái ?! Tớ nghĩ rằng nhất là Người Đàn bà đã có Gia Đình phải biết "đề phòng" từ xa, là biết tạo ra một khoảng cách an toàn..như ngoài giờ làm việc phải về nhà,tránh "nhậu nhẹt",đi đêm về hôm,tránh..đi công tác (công việc)..xa nhà.. với Những Người Đàn Ông có "nguy cơ"…Nếu có ai đó.."thích" mình,thì cũng thường xuyên giới thiệu với Họ về Gia Đình,Chồng Con của mình..để ngăn cản bớt sự phát triển của tình cảm ..v..v…

Bài văn số 5

Nguồn là nơi xuất phát của những dòng sông, con suối, mach nước. Câu tục ngữ không chỉ nói đến việc uống nước phải nhớ đến nguồn, mà còn có ý nghĩa sâu xa. “Uống nước” hiểu rộng ra là hưởng thụ mọi thành quả, sản phẩm vật chất và tinh thần. “ Nhớ nguồn” là nhớ đến nguồn gốc, cội nguồn của những thành quả đó.Nếu nguồn là đất nước thì chúng ta không nên quên tổ tiên, nòi giống của mình. Nếu nguồn là xã hội thì ta không nên quên ơn người giúp đỡ, dạy dỗ, những người đã cống hiến hi sinh cho độc lập, tự do, cho  sự tiến bộ văn minh của nhân loại. Nếu nguồn là gia đình thì ta không nên quên ơn ông bà, cha mẹ, người thân…   Quả thật, “uống nước nhớ nguồn” là một thái độ sống đúng đắn. Bởi mọi thành quả trong xã hội từ vật chất đến tinh thần là kết quả của công sức lao động vất vả tạo nên. Nhớ ơn là biểu hiện sự cảm kích, ghi nhận công lao đó của người hưởng thụ thành quả, từ đó chúng ta sẽ có ý thức giữ gìn, bảo vệ thành quả, không coi thường người lao động chân tay, không có ý nghĩ  “ có tiền mua tiên cũng được”. Mặc khác, một đất nước, xã hội giữ được truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” sẽ tạo nên nền tảng đạo đức tốt đẹp , bền vững giữa các thế hệ, giúp bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần của người xưa, tôn cao vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách con người. Bài thơ “ Bếp lửa” của Bằng Việt gợi nhiều xúc động cho người đọc về tấm lòng thủy chung, luôn nhớ ơn bà của người cháu đang du học ở phương xa.Do đó, thái độ vong ân bội nghĩa, qua cầu rút ván luôn bị xã hội lên án, phê phán. Người lính trong bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã  chạy theo cuộc sống vật chất tiên nghi, hiện đại mà quên đi một thời sống giản dị, chân thành gắn bó với đồng đội, nhân dân. Cũng may mà người lính đã kịp thời thức tỉnh, quay về với lối sống “ Uống nước nhớ nguồn”. Ngoài việc nhớ ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả xã hội, bản thân mỗi người phải biết cống hiến để người sau còn hưởng thêm thành quả mới, xã hội ngày càng phát triển, tránh hiện tượng “ Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.