Apple Watch máy trần là gì

Tại một cửa hàng sửa chữa Apple Watch ở quận 3 (TP HCM), anh Lê Nam (quận 1) kể, chiếc Apple Watch Series 3 giá 3,5 triệu đồng của anh mấy hôm nay "dở chứng" sau một tháng sử dụng. "Lúc mới mua, máy sạc khá nóng nhưng tôi tưởng đó là tình trạng chung. Gần đây, nó gặp lỗi mất kết nối giữa chừng, thậm chí tắt nguồn đột ngột", anh Nam nói. Anh khẳng định đã kiểm tra cẩn thận máy trước khi nhận hàng từ một cửa hàng trên mạng xã hội. Kỹ thuật viên sau khi kiểm tra, khẳng định chiếc Apple Watch này là hàng dựng, dùng linh kiện không chính hãng của Apple.

Chị Nguyễn Thảo (quận Bình Thạnh) mua chiếc Watch Series 2 tại một cửa hàng chuyên bán đồ Apple gần nhà với giá 2,1 triệu đồng. Khi sử dụng, thiết bị của chị cũng kết nối chập chờn, máy nóng bất thường, các tính năng dùng lúc được lúc không. Chị mang đi sửa, nhưng chỉ vài hôm, tình trạng trên lại tái phát. Sau ba lần, chị qua một cửa hàng khác để nhờ kiểm tra và nhận được câu trả lời là máy không dùng linh kiện chính hãng.

Apple Watch máy trần là gì

Apple Watch hàng dựng (bên phải) khó phân biệt so với hàng thật (bên trái). Ảnh: Bảo Lâm.

Theo anh Lưu Triệu Tuấn Khanh, chủ một cửa hàng chuyên sửa Apple Watch tại quận 3, thị trường đồng hồ thông minh hiệu Apple đã có hàng "mông má" từ năm ngoái, nhưng số lượng đổ về Việt Nam bắt đầu nhiều từ đầu năm nay. Khoảng hai tháng trở gần đây, mỗi ngày cửa hàng anh tiếp nhận không dưới 10 máy dựng mang đến sửa, thậm chí có hôm tới 20 máy. Các trường hợp bị dựng đa phần là đời cũ từ series 3 trở về trước, tất cả đều dùng linh kiện không chính hãng.

"Máy dựng nhẹ thì chỉ thay một số chi tiết như pin, nút vặn Digital Crown, nút nguồn, micro, loa... Nặng hơn thì đã bị thay hầu hết linh kiện, thậm chí cả mainboard, màn hình, thân máy", anh Khanh nói. "Chi phí để thay lại linh kiện mới chính hãng rất cao, thậm chí tương đương một thiết bị cùng đời bán ra dưới dạng máy cũ".

Theo quan sát, nhìn bên ngoài, thiết bị dựng và hàng thật không khác nhau nhiều. Nhưng khi tháo máy, linh kiện bên trong hàng dựng được sắp xếp khá lộn xộn, phần keo dính chảy ra giữa các bo mạch, chi tiết thô, thiếu liền mạch... Riêng cáp và nhiều chi tiết không có lớp bảo vệ, cũng như không có ký tự "A" đặc trưng in vào bo mạch như hàng thật.

Phân biệt Apple Watch hàng dựng và nguyên bản

Anh Tiến, một kỹ thuật viên sửa chữa các sản phẩm Apple, chia sẻ, tương tự iPhone dựng, Apple Watch dựng được sản xuất kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", tức là lấy linh kiện cũ từ thiết bị này để lắp cho thiết bị khác thành một chiếc máy hoàn chỉnh. "Ngoại trừ chip và bo mạch phải tận dụng từ máy cũ, hiện nay đa phần máy dựng được lắp ráp bởi các chi tiết (màn hình, micro, cục rung...) được sản xuất nhái theo tỷ lệ 1:1 với linh kiện Apple nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều. Chính vì thế giá bán của chúng thấp hơn hàng 'xịn' tới vài triệu đồng", anh Tiến nói.

Apple Watch máy trần là gì

Loạt Apple Watch hỏng được nhân viên ở cửa hàng anh Khang tháo rakiểm tra, các linh kiện bên trong đều kém chất lượng. Ảnh: Bảo Lâm.

Thực tế, những người mua phải hàng dựng đều cho biết họ mua Apple Watch với giá thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Chẳng hạn, Apple Watch Series 3 giá thị trường khoảng 7 triệu đồng, trong khi đó anh Nam mua 3,5 triệu đồng. Hay Apple Watch Series 2 giá thị trường khoảng 4 triệu đồng, trong khi chị Thảo mua 2,1 triệu đồng.

Một người kinh doanh các thiết bị Apple tại TP HCM tiết lộ, đa phần hàng dựng có xuất xứ tại Trung Quốc và về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Chúng được mua về Việt Nam và phân loại theo thứ tự A, B, C... để bán cho khách hàng. Loại A là loại hoàn thiện nhất, có giá cao nhất, sau đó lần lượt đến B, C, D...

Người dùng rất khó phát hiện Watch hàng dựng nếu nhìn qua bề ngoài, kể cả với người đã có kinh nghiệm. "Mọi thứ chỉ phơi bày khi tháo hoàn toàn máy", anh nói.

Bảo Lâm