Ba khía là đặc sản ở đâu

Nghề muối ba khía của người dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau được hình thành từ rất lâu. Ở vùng đất Ngọc Hiển, phù sa, dinh dưỡng trong đất dồi dào, tạo điều kiện cho cây mắm, cây đước phát triển, chính vì vậy ba khía tươi luôn dồi dào và có quanh năm. Để dự trữ được lâu, người dân đã sáng tạo nên nghề muối ba khía dùng làm thức ăn cho những chuyến đi rừng, đánh bắt trên biển… Rồi dần dần, ba khía muối được nhiều người biết đến và phát triển cho đến hôm nay. Hiện nghề muối ba khía đã trở thành nghề truyền thống và món ba khía muối trở thành đặc sản Cà Mau vang danh khắp nơi.

Rừng ngập mặn nơi sinh sống cùa con ba khía

Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở vùng đất Nam bộ. Đây còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Hiện nay, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân,… Nổi tiếng nhất vẫn là ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), bởi ba khía ở đây sinh sống dưới chang đước, ăn trái mắm, cho gạch vàng ươm, thịt chắc và ngon hơn các nơi khác.

Để có những con ba khía chắc thịt, có gạch son, người ta săn bắt chúng vào khoảng từ tháng 68-10 âm lịch, vì thời gian này trời hay mưa và trái mắm cũng bắt đầu rụng nên chúng có nguồn thức ăn dồi dào.

Vào mùa này, người săn ba khía chèo ghe chở nhiều lu nước pha muối hột đến nơi ba khía “hội”, khi thấy chúng thì chỉ cần gạt xuống ghe, rửa sạch cho vô lu đậy nắp lại. Sáng hôm sau vớt ra để ráo, nước muối lóng phèn cho trong. Lu rửa sạch, xếp ba khía từng lớp dẽ dặt, lớp nào cũng rải muối hột cùng vài tép tỏi. Lớp cuối rải muối hột rồi đổ ngập nước muối lóng phèn, đậy kín đệm. Bí quyết để có được độ mặn vừa phải, người làm ba khía có kinh nghiệm sẽ cho muối vào từ từ, dùng vài hạt cơm nguội để thử, nếu cơm nổi lên mặt thì nước muối đã đủ độ mặn. Chú ý không làm bằng nước mưa, vì ba khía sẽ bị trở mùi. Khoảng mười ngày sau ba khía muối thơm dịu, ăn được. Chính vì vậy mà người ta thường gọi ba khía muối chứ không phải mắm ba khía. Sau 1 tuần ướp muối, ba khía được tách ra chế biến với những nguyên liệu dân dã như tỏi, ớt, chanh, đường hoà trộn nhau tạo nên món ăn độc đáo của vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Trải qua những khó khăn trong cuộc sống và thăng trầm của thời gian, nghề muối ba khía vẫn được người dân gìn giữ qua bao đời nay và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau, song vẫn giữ được phong tục truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của vùng Đất Mũi – Cà Mau.Từ món ăn dân dã, bình dị của bà con lao động xứ biển nay được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Bởi vị đặc trưng của thịt ba khía sinh sống rừng ngập mặn không thể trộn lẫn với những nơi khác. Cùng với đó là sự khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút của người thợ trong từng công đoạn để làm ra ba khía thịt chắc và thơm ngon.

Nhằm ghi nhận sự sáng tạo và mang tính đặc trưng của người dân vùng đất cực Nam, cuối năm 2019 nghề muối ba khía ở Cà Mau đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để những người dân gắn bó với nghề tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề muối ba khía vươn xa ra thị trường và góp phần phát triển kinh tế, hướng đến gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật của rừng đước.

Đây là một niềm vinh dự lớn lao cho huyện Ngọc Hiển nói chung và những hộ dân làm nghề muối ba khía trên địa bàn huyện Ngọc Hiển nói riêng sẽ quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề này để làm sao xứng đáng với nghề truyền thống là di sản phi vật thể cấp Quốc gia.

Nếu có dịp du lịch Cà Mau, bạn sẽ thấy mênh mang một vùng đất trời bao la phóng khoáng. Và bạn đừng bỏ lỡ việc thưởng thức món ba khía muối. Ba khía đậm đà, hương vị độc đáo, chỉ cần chan vào cơm nguội ăn cũng thấy ngon, ra vườn hát ít rau thơm để ăn kèm nữa thì không có cao lương mỹ vị nào so bì được. 

Hiện nay Thám Hiểm MeKong có chương trình Tour Cà Mau tổ chức cho du khách đi soi, bắt con ba khía trong các vuông nuôi tôm, cua, hoặc ở khu vực kênh rạch bãi bồi. Đây được xem là một hoạt động trải nghiệm rất thú vị. Quý khách có cơ hội tìm hiểu về nghề này, cũng như được thưởng thức con ba khía muối độc đáo của vùng đất Cà Mau.

  • Tour Cà Mau 2 ngày 1 đêm Trải nghiệm Giỡ Cua, Soi Ba Khía

Đặc sản Cà MauLàng nghề Cà Maunghề muối ba khía Cà Maunghề muối ba khía ở Cà Mau


Ba khía, một con vật có hình dạng giống như con cua đồng ở miền Tây Nam Bộ. Chúng có đôi càng màu đỏ nâu và trên chiếc mai màu sẫm có ba gạch, vì thế dân gian kêu tên nó là con ba khía. Những người dân miền Tây truyền miệng nhau rằng, ba khía vùng Rạch Gốc nhiều và thịt cũng ngon hơn ba khía các vùng khác là bởi ba khía nơi này ăn toàn trái mắm đen nên cho nhiều gạch son chắc, khi ăn có thể cảm nhận được mùi vị thơm ngon đặc biệt.

Mùa ba khía bắt đầu từ khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm, lúc trời sa mưa cũng là lúc "gọi tình" của những con ba khía. Đây cũng là lúc con ba khía ngon, chắc thịt và đầy gạch son. Nhưng ngày hội ba khía thật sự là lúc mùa nước lên, tháng 10 - tháng 11 Âm lịch. Lúc này, ba khía thường đeo bám vào những chạng đước hay thân mắm. Người ta chỉ cần cầm cây kẹp hoặc đeo bao tay là có thể bắt được chúng một cách dễ dàng.Con ba khía sau khi bắt về, người dân Cà Mau thường rửa sạch bùn và cho vào khạp nước muối đậy kín lại, khoảng 5 -7 ngày là ăn được. Độ ngon của mắm ba khía đều tùy thuộc vào độ mặn của nước muối, nếu muối nhạt quá thì con ba khía sẽ bị bủng, ăn mất ngon, còn nếu mặn quá thì con ba khía sẽ bị rụng càng, chát thịt. Để muối cho con ba khía vẫn giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật của người làm mắm. Khi ăn, người ta vớt ba khía ra, rửa sơ bằng nước ấm, tách mai, bẻ đôi thân ba khía, đập dập sơ hai càng, bỏ vào tô rồi cho tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng vào trộn đều để cho thấm là ăn được.

Từ món mắm ba khía độc đáo này, người ta "vui tay" chế biến ra món gỏi ba khía đu đủ. Món gỏi ba khía của người Cà Mau đặc biệt vì nước trộn được lấy từ mắm ba khía giã nhỏ, vắt lấy nước cốt rồi được khử qua dầu ăn và tỏi. Sau đó mới nêm nếm gia vị vào cho vừa miệng. Nước trộn đạt yêu cầu phải là một hỗn hợp hơi sền sệt lại, không quá mặn. Đi kèm với gỏi ba khía có thể là đu đủ xanh bào sợi hoặc hoa chuối, tôm, thịt, các loại rau thơm, đậu phộng rang, hành phi…Còn ba khía chiên nước mắm thì lại là món đơn giản, nhanh lẹ phục vụ các ông ngồi lai rai. Gặp mùa mưa thì khỏi nói, con ba khía mập ú sau khi chiên nước mắm nhĩ rồi chỉ cần cầm đĩa lướt qua mũi đã nghe cái mùi thơm rạo rực. Xé con ba khía, tách từng miếng chấm muối tiêu chanh ớt, mới thấy tuyệt vời làm sao…

Với các bà, các chị thích chua ngua ngọt ngọt chiều khẩu vị thì đã có món ba khía xào me. Để làm món này, ba khía tươi được rửa sạch, tách mai, gạch son còn đầy ắp vì ba khía mới bắt được còn mập căng. Cho ba khía vào chảo dầu sôi chiên vàng, vớt ra để ráo. Me chín được ngâm với nước sôi cho ra chất chua. Phi thơm hành tỏi, cho bột me vào xào, nêm nếm mắm muối cho xốt me có vị chua, ngọt, mặn. Lúc này mới cho ba khía đã chiên vào, xốt me thấm vào ba khía mướt rượt. Nhai miếng ba khía rang me giòn rụm, vị béo của gạch ba khía hòa cùng vị chua ngọt của xốt me như đưa đẩy vị hải sản của ba khía ngon không thua gì cua biển.

Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.Chỉ từ vài con ba khía người dân bắt được vào đêm sáng trăng, thế mà thực đơn ba khía đãi khách vô cùng phong phú: ba khía rang muối hột, ba khía hấp bia, ba khía xào rau răm, ba khía luộc cơm mẻ…  Con ba khía từ vị trí khiêm nhường bao nhiêu năm nay đã có thể cống hiến cho đời nhiều món ngon, vị lạ để xứng đáng là đặc sản miệt sông nước phương Nam.

Video liên quan

Chủ đề