Cách phòng chống H5N1

Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và PTNT từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Đặc biệt, ngày 05/10/2022 đã có 01 trường hợp người nhiễm vi rút CGC, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay bệnh Cúm gia cầm (A/H5N1) xảy ra tại 01 hộ thuộc huyện Bát Xát; kết quả giám sát chủ động tại chợ phát hiện 03 mẫu gia cầm dương tính với Cúm A/H5N6, 12 mẫu dương tính với Cúm A/H5N1 (trong đó có mẫu dương tính CGC có nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ). Nhận định nguy cơ dịch bệnh CGC lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do: (i) Tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin; (ii) Vi rút CGC (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%); (iii) Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023; (iv) Thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Cách phòng chống H5N1

Lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại chợ

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh CGC A/H5 thiệt hại cho ngành chăn nuôi, lây nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây tử vong cho người.

Để giúp người chăn nuôi và người tiêu dùng nâng cao những hiểu biết về bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y xin giới thiệu bệnh cúm gia cầm và cách phòng chống như sau:

1. Đặc điểm chung của bệnh.

Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm típ A. Trên vỏ bọc có hai loại kháng nguyên H (Hemagglutinin) và N (Neuraminidase). Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16 và kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9. Tùy theo chủng vi rút gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người.

Sức đề kháng của vi rút: Vi rút thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70°C trong 05 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút có thể sống được vài tháng. Chất sát trùng thông thường như: xút 2%, phoóc-môn 3%, crezin 5%, chloramin B 3%, iodin 1%, halamid 20%, cồn 70° - 90°, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc,...

Loài mắc: Động vật mắc bệnh cúm gia cầm là các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.

Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, có nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật mắc bệnh. Trong thiên nhiên, các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã mang trùng vi rút cúm là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, thủy cầm mang trùng vi rút cúm được xem là nguồn lây nhiễm bệnh chính cho gia cầm nuôi nhốt.

Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút cúm được nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hóa, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi và nước bọt. Thời kỳ lây truyền thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.

- Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút cúm.

- Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.

2. Gia cầm bị bệnh có biểu hiện

Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

3. Phòng, chống dịch bệnh

Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín tự túc con giống. Có thể mua con giống khoẻ mạnh, sạch bệnh ở các trại giống lớn đã được cơ quan thú y cấp phép.

Quá trình chăn nuôi, cần thực hiện cùng nhập con giống, cùng xuất bán trong một thời điểm. Trong khi nuôi, không mua hoặc nhập thêm gia cầm vào trại. Định kỳ, tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc và để trống chuồng trại từ 2 đến 3 tuần giữa 2 lứa nuôi. Làm như vậy sẽ làm cho môi trường trong chuồng nuôi không bị ô nhiễm, có thời gian để tiêu độc khử trùng và tiêu diệt mầm bệnh.

Khi nuôi chỉ nuôi một loại gia cầm, không nuôi chung gia cầm với các loại gia súc khác. Hạn chế người vào khu vực chăn nuôi. Trước cổng ra vào chăn nuôi, cần có hố sát trùng. Trong hố này để vôi bột hoặc pha hóa chất để khử trùng. Ngoài ra, cần có chỗ chứa và xử lý phân đúng kỹ thuật.

Thực hiện Tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ theo lứa tuổi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Hiện nay vắc xin cúm gia cầm được tỉnh hỗ trợ, các hộ chăn nuôi gia cầm tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi theo đúng quy định của cơ quan thú y.

Khi phát hiện gia cầm có những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột, nghi mắc bệnh cần báo ngay trưởng thôn, Tổ, thú y viên xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất.

 Đối với các hộ chăn nuôi không mua bán gia cầm bệnh, không ăn thịt gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc, không giấu dịch và không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Tại mỗi chợ, việc bán thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm chỉ được buôn bán, tiêu thụ tại những nơi quy định, cách biệt với hàng khác, bán gia cầm khỏe, không bị bệnh, rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch. Trong khu vực buôn bán, gia cầm phải được nhốt và phải có nơi thu gom xử lý chất thải. Vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm sau mỗi ngày giao dịch mua bán.

Đối với người tiêu dùng chỉ nên mua gia cầm khỏe mạnh và không nên mua gia cầm đã giết mổ không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.