Chủ the tiến hành to tụng là gì

06(73)/2012

Chủ the tiến hành to tụng là gì

Mục lục

  • 1.Đặt vấn đề
  • 2.Những vướng mắc khi quyết định thay đổi Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát
  • 3.Kiến nghị
  • 4.Tài liệu tham khảo

Bàn về việc thay đổi người tiến hành tố tụng là Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính

NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN, DƯƠNG HOÁN

06(73)/2012 - 2012, Trang 9-15

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

no


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN, DƯƠNG HOÁN, Bàn về việc thay đổi người tiến hành tố tụng là Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 06(73)/2012, Trang 9-15

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=c88cb39e-5125-470a-9d83-9b3453803cce

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Đăt vấn đề

Người tiến hành tố tụng là những người được nhà nước trao quyền để đảm nhiệm các hoạt động tố tụng, thực hiện hầu hết chức năng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, họ nhân danh nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước với mục đích giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Trong quá trình thực thi công vụ, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với người tiến hành tố tụng là tính độc lập trong hoạt động của họ. Bởi chỉ khi độc lập thì người tiến hành tố tụng mới có thể làm tốt công việc phân xử đúng sai trong vụ án - công việc luôn đòi hỏi tính vô tư, khách quan khi thực hiện.

Để đảm bảo tính độc lập của người tiến hành tố tụng, bên cạnh việc quy định về địa vị pháp lý của những chủ thể này, pháp luật tố tụng nói chung và pháp luật tố tụng hành chính nói riêng đã thiết lập một cơ chế thay đổi người tiến hành tố tụng nhằm loại bỏ những yếu tố có thể làm cho người tiến hành tố tụng không thể vô tư khách quan khi làm nhiệm vụ. Theo đó, khi rơi vào những trường hợp được pháp luật dự liệu, người tiến hành tố tụng phải tự từ chối tiến hành tố tụng; nếu họ không tự nguyện từ chối thì sẽ bị thay đổi theo yêu cầu của những người liên quan theo quy định của pháp luật. Trước khi mở phiên toà, thẩm quyền quyết định thay đổi Thẩmphán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký toà án thuộc về Chánh án Toà án; thẩm quyền quyết định thay đổi Kiểm sát viên thuộc về Viện Trưởng Viện Kiểm sát; tại phiên toà, thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử[1].

Trước khi Chánh án Toà án và Viện Trưởng Viện kiểm sát được quy định là người tiến hành tố tụng[2], việc thay đổi người tiến hành tố tụng không đặt ra đối với hai chức danh này. Pháp luật tố tụng hành chính lúc bấy giờ chỉ quy định các trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký toà án và Kiểm sát viên[3]. Tuy nhiên, kể từ khi Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát được pháp luật quy định là người tiến hành tố tụng (dù không tham gia giải quyết vụ án với tư cách là Thẩm phán, Kiểm sát viên) thì việc thay đổi người tiến hành tố tụng phát sinh một số vấn đề cần trao đổi, làm rõ trong việc áp dụng các quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động tố tụng hành chính và bảo đảm sự khách quan, vô tư trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Vấn đề đặt ra ở đây là: Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát khi không trực tiếp tham gia giải quyết vụ án với tư cách là Thẩm phán, Kiểm sát viên có bị thay đổi hay không? Nếu phải thay đổi thì dựa vào những căn cứ pháp lý nào, ai là người có thẩm quyền quyết định thay đổi, ai thay thế người bị thay đổi, phạm vi thay đổi như thế nào? Bởi vì trong một số trường hợp, tuy Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát không trực tiếp tham gia giải quyết vụ án với tư cách là Thẩm phán, Kiểm sát viên nhưng với tư cách là người lãnh đạo Toà án, Viện kiểm sát họ có thể ban hành các quyết định hành chính hoặc tham gia giải quyết khiếu nại đối với quyết định này trước khi quyết định này bị khởi kiện tại Toà án (quyết định kỷ luật buộc thôi việc) hoặc có thể chính họ là người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nơi họ đang làm việc… Nếu không thay đổi thì có nhiều trường hợp có thể vi phạm nguyên tắc và các quy định pháp luật về việc từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng. Đây có thể xem là căn cứ để kháng nghị phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm để huỷ án[4]. Những vấn đề đặt ra trên đây chưa được được pháp luật tố tụng hành chính điều chỉnh một cách cụ thể, rõ ràng. Do đó, Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát khi tiến hành tố tụng sẽ lúng túng khi gặp phải những trường hợp như vậy, còn đối với người dân sẽ chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động tố tụng của Toà án và Viện kiểm sát. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn luận về những thuận lợi và khó khăn của việc thay đổi cũng như không thay đổi Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát trong họat động tố tụng hành chính, từ đó đề xuất cách thức giải quyết mâu thuẫn pháp lý này.



[1] Xem Điều 46 Luật tố tụng hành chính ngày 24/11/2010, có hiệu lực ngày 01/7/2011 (sau đây gọi tắt là Luật TTHC.

[2] Từ Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính năm 2006, Chánh án , Viện trưởng Viện kiểm sát mới được xem là người tiến hành tố tụng.

[3] Xem Điều 16 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, sửa đổi năm 1998.

[4] Xem khoản 1 Điều 120, khoản 4 Điều 205 và Điều 225 Luật TTHC.


2. Những vướng mắc khi quyết định thay đổi Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát.

2.1. Về căn cứ thay đổi:

Với các quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng, các trường hợp Chánh án, Viện trưởng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi là không rõ ràng. Căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng được quy định từ Điều 41 đến Điều 44 Luật TTHC. Điều 41 quy định chung về những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng. Sau đó, các Điều 42, Điều 43, Điều 44 nêu cụ thể căn cứ thay đổi: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân (Điều 42); Kiểm sát viên (Điều 43) và Thư ký Toà án (Điều 44) bằng cách viện dẫn các căn cứ thay đổi chung đã nêu tại Điều 41 và thêm vào các trường hợp đặc thù của từng loại chức danh của người tiến hành tố tụng. Trong đó, không có một điều khoản nào của pháp luật tố tụng hành chính trực tiếp quy định về căn cứ thay đổi Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát.

Tuy nhiên, nếu kết hợp Điều 34 với Điều 41 Luật TTHC thì Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi rơi vào các trường hợp nêu tại Điều 41. Vì theo Điều 34, Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát (cùng với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án) là người tiến hành tố tụng; Điều 41 lại nêu chung các trường hợp “người tiến hành tố tụng” phải từ chối hoặc bị thay đổi. Vấn đề đặt ra là liệu đây có phải là dụng ý của nhà làm luật hay chỉ đơn thuần là một sự suy đoán của người nghiên cứu dựa trên những quy định pháp lý chưa thật chặt chẽ. Hơn nữa, hai tường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi liên quan đến việc kỷ luật buộc thôi việc công chức nêu tại khoản 5 Điều 41 không thể áp dụng đối với Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát (đặc biệt là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao) vì họ là người có thẩm quyền quyết định kỷ luật công chức trong ngành Toà án và Kp" \/iểm sát hoặc họ là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nếu quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu nại.

Ví dụ, Thẩm phán T bị Chánh án TAND tỉnh CM kỷ luật buộc thôi việc, sau khi khiếu nại đến Chánh án TAND tỉnh CM và khiếu nại lần hai đến Chánh án TANDTC, Thẩm phán T khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh. Trong trường hợp này, Chánh án TAND tỉnh CM không thể tiến hành tố tụng vì Chánh án là người bị kiện (theo khoản 1 Điều 41). Nếu ông T kháng cáo thì Chánh án TAND TC phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi do đã giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc (khoản 5 Điều 41). Cách hiểu này, theo chúng tôi, không chắc chắn về cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở thực tế và khó thực hiện trên thực tế.

Ở chiều ngược lại, quan điểm cho rằng Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát không phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc không bị thay đổi do không có căn cứ cũng không thực sự thuyết phục. Bởi vì:

Thứ nhất, Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát là người tiến hành tố tụng vậy tại sao lại không từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi rơi vào các trường hợp không được tiến hành tố tụng nêu tại Điều 41.

Thứ hai, nếu Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát không bị thay đổi thì trong một số trường hợp cụ thể việc tiến hành tố tụng có thể không đảm bảo vô tư, khách quan.

Ví dụ thứ nhất, Ông S là Chánh án TAND huyện CD tỉnh LA, bị UBND huyện CD ban hành quyết định thu hồi đất. Không đồng ý, ông S khởi kiện vụ án hành chính tại TAND huyện CD theo đúng thẩm quyền theo cấp và theo lãnh thổ[5] nhưng đó cũng là TA nơi ông làm Chánh án[6]. Ví dụ thứ hai, anh G là con trai của bà H là Chánh án TAND quận BT bị công an Quận BT xử phạt về hành vi gây rối. Anh G khởi kiện VAHC tại TAND quận BT theo đúng thẩm quyền và cũng chính là nơi mẹ anh G làm Chánh án Toà án[7]. Trong hai trường hợp trên, việc tiến hành tố tụng của Chánh án có thể không khách quan, công lý khó được bảo đảm và phán quyết của Toà án có thể không được dư luận đồng tình, bị xã hội hoài nghi…

Những phân tích trên có thể thấy rằng, nếu quyết định thay đổi Chánh án, Thẩm phán không rõ căn cứ hoặc không bị thay đổi thì lo ngại việc giải quyết vụ án hành chính không khách quan, thậm chí là vi phạm tố tụng.

2.2. Về người có thẩm quyền quyết định việc từ chối hoặc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng là Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát

Theo quy định tại Điều 46 Luật tố tụng hành chính, trước khi mở phiên toà, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án do Chánh án Toà án quyết định; nếu Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Toà án thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định. Trước khi mở phiên toà, việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Tại phiên toà, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định. Quy định này không đề cập đến người nào có thẩm quyền quyết định thay đổi Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát. Vấn đề đặt ra là nếu có việc thay đổi Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì nên trao thẩm quyền quyết định cho ai?

Có ý kiến cho rằng, nên trao thẩm quyền quyết định thay đổi Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cho Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên. Tuy nhiên, quy định này cũng không thực sự phù hợp bởi hai lý do quan trọng.

Thứ nhất, trong trường hợp việc đề xuất thay đổi Chánh án hoặc Viện trưởng được đưa ra tại phiên toà thì trong mọi trường hợp phải hoãn phiên toà vì yêu cầu thay đổi đó không thể giải quyết ngay tại phiên toà do Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên không tham gia phiên toà. Điều này sẽ cản trở tính liên tục và bình thường của hoạt động tố tụng.

Thứ hai, trong trường hợp người từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị yêu cầu thay đổi là Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC thì sẽ không có Chánh án và Viện trưởng “cấp trên” để quyết định.

Lại có ý kiến khác cho rằng, nên giao thẩm quyền quyết định thay đổi Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cho Hội đồng xét xử. Quy định này không phù hợp về mặt lý luận vì Hội đồng xét xử do Chánh án quyết định; sau đó, chính Hội đồng này lại thực hiện quyền xem xét tính hợp lệ của người đã lựa chọn mình là một việc làm không thể đảm bảo tính khách quan và không có cơ sở.

Có thể thấy rằng, Luật TTHC hiện hành không quy định thẩm quyền quyết định thay đổi Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát. Về mặt lý luận, nếu việc thay đổi Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát được đặt ra thì cũng không có một chủ thể nào phù hợp để trao quyền quyết định. Có chăng đó là chính bản thân Chánh án và Viện trưởng “tự mình” xem xét, quyết định về chính tính hợp pháp và hợp lý của địa vị pháp lý tố tụng của mình mà thôi.

2.3. Về việc cử người thay thế Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát bị thay đổi

Giả thiết rằng cần thay thế Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì việc lựa chọn và cử người nào thay thế một khi những người này bị thay đổi là một vấn đề khó khăn và ít thấy được bàn luận trong khoa học pháp lý. Cái khó đầu tiên xuất phát từ vị trí, vai trò của Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát: bên cạnh vị trí tố tụng trong vụ án cụ thể, họ còn là người tiến hành tố tụng trong nhiều vụ án khác mà Toà án và Viện kiểm sát đang đảm nhiệm trong thời gian vụ án được đề cập được giải quyết, đồng thời đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chung và phụ trách về mặt hành chính nhân sự như tuyển chọn và quản lý nhân sự; chủ trì công tác thi đua khen thưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ… Do đó, không thể thay thế hoàn toàn vị trí của Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát trong Toà án hoặc tại Viện kiểm sát trong quá trình vụ án diễn ra mà chỉ có thể thay đổi tư cách Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát trong một vụ án cụ thể được đề cập. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ là người thay thế phù hợp khi mà mỗi Toà án, Viện kiểm sát chỉ có một chức danh Chánh án, Viện trưởng.

Có hai “ứng viên” cho vị trí bị thay thế: Thứ nhất, là Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát của một Toà án, Viện kiểm sát khác; Thứ hai, là Phó Chánh án, Phó Viện trưởng của người bị thay đổi. Đối với phương án thứ nhất, liệu rằng một Chánh án, Viện trưởng của một Toà án, Viện kiểm sát khác có đủ am hiểu về nhân sự và có đủ uy tín cá nhân để điều hành giải quyết đúng đắn, khách quan một vụ án tại Toà án hoặc Viện kiểm sát, nơi mà Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi? Có lẽ câu trả lời được nhiều người đồng tình là “rất khó” nếu không muốn nói là không thể. Hơn nữa, phương án này là không thể áp dụng nếu Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao bị thay đổi vì không có người đồng môn cùng cấp để thay thế. Đối với phương án thứ hai (giao cho cấp phó của người bị thay đổi) tiến hành tố tụng thì điều đáng lưu ý là liệu rằng có đảm bảo khách quan, vô tư không khi mà thủ trưởng bị thay đổi bởi cấp phó trực tiếp của mình, người thực thi công vụ theo sự phân công của mình. Điều này có thực sự nhằm để bảo đảm vô tư, khách quan hay chỉ là hình thức, đối phó. Có thể thấy rằng, việc cử người thay thế Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát bị thay đổi do không thể tiến hành tố tụng do nguyên tắc vô tư, khách quan trong giải quyết vụ án hành chính là một vấn đề mới mẻ cả về lý luận, pháp lý và thực tiễn mà việc bàn luận thật sâu đôi khi lại không cần thiết và làm vấn đề càng trở nên phức tạp.



[5] Điều 29 Luật TTHC 2010.

[6] Đương sự, đồng thời là người tiến hành tố tụng với tư cách là Chánh án trong vụ án, thuộc trường hợp không được tiến hành tố tụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật TTHC.

[7] Đây là trường hợp người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi vì Người tiến hành tố tụng đồng thời là người thân thích của đương sự. Xem Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (sau đây gọi tắc là NQ 02) và khoản 1 Điều 41 Luật TTHC.


3. Kiến nghị

Qua việc phân tích các quy định liên quan cũng như những phương án “khả dĩ” được tính toán trong trường hợp nếu việc thay đổi Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát được thực hiện, chúng ta có thể thấy rằng đây là vấn đề không rõ về cơ sở pháp lý và khó đem đến một kết quả tích cực. Thực tiễn tố tụng hành chính hơn mười lăm năm qua cũng không có vụ án nào mà vấn đề thay đổi Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát được thực hiện.

Tuy vậy, nếu không đặt ra vần đề thay đổi Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát thì có hai vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm tính thống nhất trong các quy định pháp luật về tố tụng hành chính và để bảo đảm việc giải quyết vụ án được vô tư, khách quan, thuyết phục: giải quyết sự xung đột pháp lý giữa Điều 34 và Điều 41 Luật TTHC và loại trừ một số trường hợp có thể làm cho Chánh án không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ. Việc đảm bảo khách quan này không đặt ra đối với Viện trưởng Viện kiểm sát vì trong tố tụng hành chính, khác với tố tụng hình sự, Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính mà không trực tiếp giải quyết vụ án nên khả năng làm sai lệnh sự thật khách quan là không đáng kể.

Từ những vấn đề đã phân tích nói trên, chúng tôi đề xuất:

Thứ nhất, giải quyết sự xung đột giữa Điều 34 và Điều 41 Luật tố tụng hành chính. Cụ thể, theo Điều 34, Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát là người tiến hành tố tụng, do đó, khi rơi vào một trong các trường hợp “người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi” theo quy định tại Điều 41 thì phải thay đổi. Đề giải quyết vấn đề này có hai phương án. Một là, đưa Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát ra khỏi phạm vi những người tiến hành tố tụng liệt kê tại Điều 34 Luật TTHC. Hai là, xác định lại phạm vi áp dung các trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi quy định tại Điều 41 Luật TTHC. Phương án thứ nhất là không khả thi vì không đúng với dụng ý của các nhà lập pháp. Bởi lẽ xuất phát từ việc nhận thức vai trò quan trọng của Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết một vụ án cụ thể, từ năm 2006, khi sửa đổi Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quy định Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát là người tiến hành tố tụng và xác lập cho hai vị trí này những quyền hạn, nhiệm vụ tố tụng cụ thể và điều này càng được củng cố thêm khi Quốc hội ban hành Luật TTHC[8]. Phương án thứ hai sẽ là giải pháp khả dĩ hơn. Theo đó, phần tên điều và phần mở đầu của Điều 41 Luật TTHC cần viết lại theo hướng không bao gồm Chánh án và Viện trưởng. Cụ thể, có thể sửa như sau: “Điều 41. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký toà án

Người tiến hành tố tụng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký toà án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:...[9].

Với cách viết lại này, dù theo Điều 34 Luật TTHC, Chánh án vẫn là người tiến hành tố tụng nhưng không đặt ra vấn đề từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi vì những vị trí này không rơi vào các trường hợp phải thay đổi.

Thứ hai, thiết kế phương án nhằm bảo đảm sự vô tư của Chánh án khi làm nhiệm vụ trong một số trường hợp ”nhạy cảm”. Như đã trình bày ở trên, trong một số trường hợp nhất định, Chánh án có những lợi ích cá nhân nhất định hoặc có liên quan đến vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nơi họ làm lãnh đạo và rất khó để tránh việc dư luận hồ nghi về một khả năng tác động của lãnh đạo (Chánh án) đến những chủ thể tiến hành tố tụng khác để làm sai lệch việc giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho chính Chánh án hoặc những người mà họ bênh vực. Dù rằng Chánh án không phải là người trực tiếp giải quyết vụ án; dù rằng Chánh án là những người cần thiết và đáng được tôn trọng, tin tưởng và dù rằng trong một xã hội hiện đại, rộng lớn và phức tạp với các mối quan hệ, sẽ không thể thiết lập một tình trạng tuyệt đối không có sự liên quan của người tiến hành tố tụng với những lợi ích trong vụ án, việc thiết lập một cơ chế loại bỏ nhiều nhất có thể những yếu tố ảnh hưởng đến sự vô tư khách quan của người tiến hành tố tụng là việc không bao giờ bị xem là không cần thiết. Vì các lẽ đó, để bảo đảm sự vô tư, khách quan của Chánh án khi làm nhiệm vụ, chúng tôi nghĩ rằng, trong những trường hợp ”nhạy cảm” (như người thân thích của Chánh án, người có quan hệ tình cảm, quan hệ kinh tế với Chánh án là đương sự trong vụ án[10] hay Chánh án là người ra quyết định kỷ luật công chức hoặc đã giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật công chức bị kiện...), theo chúng tôi, cần thiết kế, bổ sung quy định về việc chuyển vụ án trong trường hợp Chánh án có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ[11].

Cụ thể, tại Điều 32 Luật TTHC cần bổ sung quy định: ”Không phụ thuộc vào quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật này, trước khi mở phiên toà xét xử theo thủ tục sơ thẩm, nếu có căn cứ cho rằng Chánh án có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1, 5 và 8 Điều 41 và nếu có đề xuất của chính Chánh án đó hoặc có yêu cầu của những người có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do luật này quy định, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp sẽ xem xét quyết định chuyển vụ án cho một Toà án cùng cấp khác”. Quy định này không áp dụng trong trường hợp đề xuất tại phiên toà và trong giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vì Chánh án là một chức danh ổn định tại Toà án và ngay từ khi vụ án phát sinh, đương sự và các chủ thể có liên quan đều có thể phát hiện được khả năng xảy ra những trường hợp không vô tư khi làm nhiệm vụ (nếu có) của Chánh án. Bên cạnh đó, các giai đoạn sau sơ thẩm thì khả năng tác động trái pháp luật của Chánh án vào quá trình xét xử để ảnh hưởng đến phán quyết chung của việc giải quyết vụ án là không lớn; trường hợp điều này xảy ra thì công lý sẽ được bảo đảm thông qua thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục đặc biệt.


[8] Xem Điều 34, 35 Luật TTHC.

[9] Khi sửa Điều này thì Điều 8 của NQ 02/2011/NQHĐTP hướng dẫn điều này cũng cần phải sửa theo cho phù hợp.

[10] Khoản 1, khoản 8 Điều 41 Luật TTHC, khoản 2 Điều 8 NQ 02/2011/NQ-HĐTP.

[11] Có 03 trường hợp không vô tư khi làm nhiệm vụ được nêu tại Điều 41 Luật TTHC mà Chánh án có thể mắc phải đó là: Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện; Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Chủ the tiến hành to tụng là gì

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref