Có nên đánh con khi con hư

Trong việc dạy con, không hiếm khi các bậc phụ huynh phải bực mình vì tính bướng bỉnh của con. Phụ huynh có nên đánh con khi con không nghe lời hay không? Nhiều người cho rằng “không đánh thì hư”, “yêu cho roi cho vọt”. Điều đó liệu là đúng hay sai. Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cặn kẽ cho “Có nên đánh con khi không nghe lời”.

Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi những lúc bố mẹ và con cái xảy ra bất hòa. Lắm lúc, bố mẹ phải bực tức đến nỗi ra tay đánh con của mình. Điều đó sẽ gây nên những hậu quả chúng ta không ngờ tới.

Có nên đánh con không nghe lời, câu trả lời là không.

Có nên đánh con khi con hư

Đánh con không phải là giải pháp tối ưu. Ảnh: Internet

Đánh con khi con không nghe lời sẽ không làm đứa trẻ nhận ra sai lầm của mình

Trong nhiều trường hơp, khi bố mẹ đánh con, các con có thể khóc, xin lỗi, nhận sai,… Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đã nhận ra sai lầm của mình.

Những đứa trẻ vốn đã bướng bỉnh thường có sự “cố chấp” rất cao. Chúng có những cách nghĩ riêng, cảm nhận riêng, mặc dù có thể những cách nghĩ này không đúng. Những cách nghĩ này rất khó để thay đổi nếu bố mẹ không giảng giải, phân tích cho chúng.

Đánh con khi không nghe lời mà không hề chỉ ra sai lầm của con hay dạy chúng cách ứng xử đúng mực chỉ khiến con bạn thêm bất mãn, suy nghĩ càng cố chấp mặc dù bề ngoài đã biểu hiện như một đứa trẻ nghe lời.

Đặc biệt, nếu đã đánh con, mọi giảng giải, phân tích sẽ giảm hiệu quả đi rất nhiều, nếu không muốn nói là vô dụng.

Bạo lực sẽ chỉ khiến bất hòa ngày càng lớn

Khoan nói đến việc đánh con có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Có thể thấy, bố mẹ đánh con là để chúng trở nên nghe lời hơn. Nhưng kết quả của việc đánh con bao gờ cũng phản tác dụng.

Với một số lứa tuổi, chúng có thể tỏ thái độ chống đối ngay lập tức. Và điều đó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa đối với các bậc phụ huynh. Một việc vốn dĩ có thể sử dụng lời nói để hóa giải hiệu quả lại trở thành một mâu thuẫn khó giải quyết giữa bố mẹ và con.

Và ắt hẳn, không có người cha, người mẹ nào muốn con bất mãn với mình. Cũng không ai hy vọng tình cảm giữa hai thế hệ ngày càng rạn nứt và ngày càng xa nhau.

Đánh con khi con không nghe lời không thể đảm bảo sự việc không tái diễn lần nữa

Việc các con không nhận ra sai lầm của mình dẫn tới việc sai lầm cứ tiếp diễn hết lần này đến lần khác. Nhiều phụ huynh thường hay kêu ca tại sao con mình thường xuyên mắc phải một lỗi dù đã phạt thật nặng. Thực sự, roi vọt chỉ có tác dụng ngăn chặn hành vi tức thời của trẻ mà thôi.

Thay đổi nhận thức và tâm lý mới là cách để ngăn chặn triệt để sai lầm của trẻ. Trong nhiều trường hợp, việc chúng ta phạt đứa trẻ cùng một hình thức với cùng lỗi sai, nhất là phạt bằng đánh đập sẽ dẫn tới “nhờn thuốc”. Dần dần, hình phạt của bố mẹ cũng không còn tác dụng, và hành vi của các con đã ăn sâu và khó thay đổi.

Đánh con trong những độ tuổi nhất định ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các con

Đối với những giai đoạn phát triển nhất định, “đánh con” trở thành “từ cấm”. Đây là giai đoạn hoàn toàn không được sử dụng bạo lực để dạy trẻ. Đó là các tuổi dưới 3 tuổi, từ 6 tuổi và tuổi dậy thì.

Tác hại của việc đánh trẻ - với trẻ dưới 3 tuổi, dạy trẻ bằng roi vọt chẳng có ý nghĩa gì cả. Chúng còn quá nhỏ để hiểu tại sao mình bị “ăn đòn”. Việc đánh con vào lứa tuổi đầu đời khiến cho bé luôn trọng tình trạng sợ sệt, bất an, gây nên những bóng ma tâm lý cho những đứa trẻ vốn rất non nớt, nhạy cảm.

6 tuổi là tuổi bé bắt đầu thay đổi môi trường sống từ việc đang học mẫu giáo, có cô dạy trẻ chăm sóc, có bạn bè, đồ chơi,… trở thành học sinh tiểu học, trường mới, bạn mới và phải tự làm mọi thứ. Điều này sẽ rất lâu mới có thể làm quen được đối với những đứa trẻ lần đầu tiên trải qua chuyện này, cụ thể là trẻ 6 tuổi. Vì vậy, việc đánh con trong độ tuổi này càng khiến con cảm thấy lạc lõng, hụt hẫng và cô đơn.

Trái lại, tuổi dậy thì lại là giai đoạn nổi loạn của đứa trẻ. Chúng xảy ra những thay đổi bất ngờ và đột ngột kể cả về tâm lý lẫn sinh lý. Những xáo trộn trong độ tuổi này dễ khiến các con có suy nghĩ tiêu cực, có thể rơi vào trầm cảm. Trong độ tuổi này, bố mẹ cần là người đồng hành, định hướng cho con vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc đánh con lúc này khiến chúng có xu hướng khuếch đại mọi thứ, cho rằng chúng bị thế giới ruồng bỏ và chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực.

Ngoài ra, việc đánh con nếu không kìm chế được cảm xúc sẽ dần đến những hậu quả không ai mong muốn.

Có nên đánh con khi không nghe lời? Nếu câu trả lời là không, cha mẹ không nên đánh con cái, chúng ta cần làm gì?

Điều đầu tiên mà bố mẹ có thể làm là hỏi xem các con đang gặp phải vấn đề gì. Hãy để cho chúng tự nói ra suy nghĩ của mình. Những chia sẻ của con sẽ là chìa khóa để bố mẹ giải quyết vấn đề.

Hãy lắng nghe xem con muốn gì, muốn bố mẹ làm thế nào. Sau khi hiểu được vấn đề của con, hãy cho chúng thời gian để nói về cách nghĩ, điều chúng muốn làm. Sau khi chúng nói xong, hãy chỉ ra những điều chúng nghĩ là đúng hay sai. Tuyệt đối, không nên phủ định hoàn toàn quyết định của con. Hãy nói rằng, bố mẹ rất vui khi con có suy nghĩ của riêng mình, nhưng trong trường hợp này, điều đó là không phù hợp.

Sau khi đã phân tích cho con điều đúng, điều sai, hãy cho chúng suy nghĩ trong một khoảng thời gian và hỏi lại cách nghĩ của chúng. Nếu chúng vẫn không hiểu ra, cần có biện pháp khác. Nếu các con đã nhận ra sai lầm, bố mẹ bắt đầu thảo luận về trách nhiệm mà con phải nhận khi đã làm sai. Hãy để trẻ tự nói lên hình phạt mà chúng phải chịu. Đó là cách để chúng khắc sâu ý niệm về sai lầm của mình.

Cuối cùng, cần có những thỏa thuận về việc không tái phạm lỗi trong tương lai. Bố mẹ và con cùng thương lượng để đảm bảo con không còn phạm lỗi, và đề ra những hình phạt theo xu hướng ngày càng gia tăng.

Nhưng sau khi phạt con, hãy bỏ qua tất cả - đó là cách phạt trẻ khi mắc lỗi hiệu quả. Không nên nhắc lại sai lầm của chúng nếu chúng không lặp lại lỗi đó lần nữa. Việc nhắc đi nhắc lại đó khiến cho bé hình thành suy nghĩ làm gì cũng không thể chuộc lại sai lầm.

Có nên đánh con khi không nghe lời? Ắt hẳn các bậc phụ huynh đều đã tìm được câu trả lời cho riêng mình. Mong rằng, mỗi bố mẹ sẽ là những người định hướng con trẻ phát hiện ra lỗi lầm của chúng và sửa chữa nó chứ không phải người dùng roi vọt để trừng trị. Điều quan trọng nhất cần phải nhớ khi dạy con là hãy dạy con trên nguyên tắc tôn trọng và đồng cảm.

CTV Myteacher