Có nên dùng footnote trong khóa luận

Khi viết luận văn, báo cáo tốt nghiệp hay khóa luận tốt nghiệp, việc sử dụng và trích dẫn tài liệu tham khảo của các tác giả khác cũng rất cần thiết và giúp cho bài viết, bài nghiên cứu có thêm luận cứ có tính thuyết phục, chặt chẽ khi kế thừa được kết quả nghiên cứu của các tác giả khác, đồng thời cũng tránh rơi vào tình trạng đạo văn.

Dưới đây là một số lưu ý và hướng dẫn các liệt kê tài liệu tham khảo liên quan đến ngành Luật.

1. Quy định về trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo:

Mọi nội dung lấy từ tài liệu khác mà không phải là quy định pháp luật đều phải được chú thích nguồn. Các tài liệu có nội dung được sử dụng trong bài nghiên cứu đều phải được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo. Chú thích nguồn phải đúng và đầy đủ các thông tin về tài liệu như trong Danh mục tài liệu tham khảo.

Nội dung tham khảo từ tài liệu khác có thể được trích dẫn như sau:

*Viết lại ý của một tác giả:

Trong trường hợp dùng ý của một người nào đó nhưng diễn đạt lại bằng lời của mình, phải ghi trích dẫn đầy đủ thông tin như hướng dẫn cách viết tài liệu tham khảo, số trang (nếu có) có chứa ý đó của tác giả.

*Chép lại ý của tác giả khác:

Trong trường hợp chép toàn bộ (hay gần như toàn bộ) ý của một tác giả khác thì phải để phần chép đó trong dấu ngoặc kép “…” và ngay sau đó phải ghi trích dẫn đầy đủ thông tin như hướng dẫn cách viết tài liệu tham khảo, số trang (nếu có) có chứa ý đó của tác giả.

2. Cách viết trích dẫn tham khảo đúng chuẩn (sử dụng Footnote để chú dẫn):

a) Đối với sách tham khảo, chuyên khảo (được xuất bản bởi nhà xuất bản)

Họ tên tác giả hoặc các tác giả (năm xuất bản), Tên sách (in nghiêng), Nhà xuất bản, số trang có nội dung được trích dẫn (có thể viết tr. số trang)

Ví dụ:

– Nguyễn Văn A (2018), Điều kiện có hiệu lực của di chúc thep pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức, tr. 15

– Trần Văn B, Nguyễn Minh C (2021), Quyền tự do ngôn luận theo pháp luật

Liên minh châu Âu và Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr. 55

b) Đối với giáo trình

Trường/Cơ sở đào tạo (năm xuất bản), Tên giáo trình (in nghiêng), Nhà xuất bản, số trang có nội dung được trích dẫn.

Ví dụ:

– Trường Đại học Luật Tp. Hà Nội (2018), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 50

c) Đối với luận án, luận văn, khóa luận

Họ tên tác giả (năm bảo vệ), Tên luận án/ luận văn/ khóa luận (in nghiêng), Loại công trình, Cở sở đào tạo, số trang được trích dẫn

Ví dụ:

– Hồ Văn A (2018), Quy định về quyền đối với lối đi qua theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật, Trường Đại học Tp. Hồ Chí Minh, tr. 77

d) Đối với đề tài nghiên cứu khoa học

Họ tên tác giả (tư cách tham gia) (năm nghiệm thu), Tên đề tài nghiên cứu khoa học (in nghiêng), Cấp đề tài, Cơ quan chủ quản, số trang được trích dẫn

Ví dụ:

– Nguyễn Văn D (chủ nhiệm đề tài) (2020), Quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao động đường bộ – Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Tp. Hồ Chí Minh, tr. 40

e) Đối với các loại báo cáo

Họ tên tác giả hoặc Cơ quan chủ trì (năm công bố), Tên báo cáo (in nghiêng), Nơi công bố, số trang được trích dẫn

Ví dụ:

– Cục Thuế (2020), Báo tình hình thu thuế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 50

f) Đối với bài báo khoa học (bài tạp chí)

Họ tên tác giả hoặc các tác giả (năm công bố), “Tên bài báo khoa học” (*để trong dấu ngoặc kép), Tên tạp chí khoa học (in nghiêng), số tạp chí, số trang có nội dung được trích dẫn

Ví dụ:

– Trần Ngọc E (2018), “Quy định về giao dịch tài sản là bất động sản hình thành trong tương lai”, Tạp chí pháp luật, số 7/2018, tr. 15

g) Đối với nội dung được trích dẫn từ trang thông tin điện tử (website)

Tên tác giả (nếu có), “Tên bài viết” (*để trong dấu ngoặc kép), đường dẫn (URL), thời điểm truy cập (chỉ ghi ngày, tháng, năm)

Ví dụ:

Lại Sơn Tùng, “Những điểm cần lưu ý đối với điều tra viên khi tham dự phiên toà xét xử các vụ án tham nhũng”, https://phaply.net.vn/nhung-diem-can-luu-y-doi-voi-dieu-tra-vien-khi-tham-du-phien-toa-xet-xu-cac-vu-an-tham-nhung-a254330.html, truy cập ngày 27/12/2021

h) Trường hợp cùng một tài liệu tham khảo nhưng được trích dẫn nhiều lần trong

khóa luận:

Họ tên tác giả hoặc tên cơ quan phát hành, tlđd (số chú thích đầu tiên), số trang có nội

dung được trích dẫn.

Ví dụ:

– Cục Thuế, tlđd (5), tr. 70

– Nguyễn Văn A, tlđd (10), tr. 17

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp các bạn có thể hoàn thành tốt bài của mình. Nếu còn điều gì thắc mắc, đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với chúng tôi!