Gió mùa ảnh hưởng như thế nào tới hướng chảy của các dòng hải lưu ở nước ta

THIÊN NHIÊN CHỊU ẢNH HƯỞNG SÂU SẮC CỦA BIỂN

1. Biển Đông có những đặc điểm gì ?
- Biển Đông là một trong các biển lớn của thế giới (biển rộng với diện tích là 3,447 triệu km2), nguồn nước dồi dào.
- Biển Đông trải dài từ Xích đạo đến chí tuyến Bắc, nằm trong vùng nội chí tuyến nên là một vùng biển có đặc tính nóng ẩm và chịu ảnh hưởng của gió mùa.
- Biển Đông là vùng biển tương đối kín. Hình dạng khép kín của vùng biển tạo nên tính chất khép kín của dòng hải lưu với hướng chảy chịu ảnh hưởng của gió mùa.
- Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản. Thành phần sinh vật Biển Đông cũng tiêu biểu cho vùng nhiệt đới, số lượng loài rất phong phú.
2. Hãy cho biết mối quan hệ giữa hướng chảy của các dòng hải lưu với gió mùa.
Hướng chảy của các dòng hải lưu chịu ảnh hưởng của gió mùa. Cụ thể : vào mùa hạ các dòng hải lưu chảy theo hướng tây nam vì lúc này gió mùa mùa hạ thổi mạnh theo hướng tây nam ; vào mùa đông, do gió mùa mùa đông thổi theo hướng đông bắc nên các dòng hải lưu lúc này cũng chảy theo hướng đông bắc.
3. Biển Đông có ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu nước ta ?
Biển Đông rộng và chứa một lượng nước lớn là nguồn dự trữ ẩm dồi dào làm cho độ ẩm tương đối của không khí thường trên 80%. Các luồng gió hướng đông nam từ biển thổi vào luồn sâu theo các thung lũng sông làm giảm tính chất lục địa ở các vùng cực tây của đất nước. Biển Đông làm biến tính các khối khí đi qua biển vào nước ta. Biển Đông đã mang lại cho nước ta một lượng mưa lớn, làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết lạnh khô trong mùa đông và làm dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hè. Nhờ có Biển Đông, khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương, điều hoà hơn.
4. Biển Đông có ảnh hưởng gì đến địa hình nước ta ?
Biển Đông đã tạo nên địa hình ven biển nước ta rất đa dạng và đặc sắc, đặc trưng địa hình vùng biển nhiệt đới ẩm với tác động của quá trình xâm thực - bồi tụ diễn ra mạnh mẽ trong mối tương tác giữa biển và lục địa. Đó là các dạng địa hình vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các tam giác châu với bãi triều rộng lớn, các bãi cát phẳng, các vũng vịnh nước sâu, các đảo ven bờ và những rạn san hô,…
5. Hãy cho biết ảnh hưởng của Biển Đông tới sự phát triển của hệ sinh thái ven biển.
- Lượng ẩm cao do Biển Đông mang lại đã xúc tiến mạnh mẽ hơn cường độ vòng tuần hoàn sinh vật vốn đã thuận lợi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nước ta. Biển Đông đã mang lại lượng mưa lớn cho nước ta, đó là điều kiện thuận lợi để rừng phát triển xanh tốt quanh năm chứ không như cảnh quan sa mạc, bán sa mạc nhiệt đới, cận nhiệt đới mà ta thấy ở một số nước có cùng vĩ độ thuộc Tây Nam Á và Bắc Phi.
- Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có. Biển Đông mang lại cho nước ta một diện tích rừng nhiệt đới ẩm thường xanh ngập mặn ven biển khá rộng, có tới 450 000 ha, lớn thứ hai trên thế giới, sau rừng ngặp mặn Amadôn ở Nam Mĩ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cho năng suất sinh học cao, đặc biệt là sinh vật nước lợ. Các hệ sinh thái trên đất phèn, đất mặn,... và hệ sinh thái rừng trên đảo cũng rất đa dạng và phong phú.
6. Hãy trình bày các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông.
- Tài nguyên khoáng sản :
+ Khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Hai bể dầu lớn nhất là bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long hiện đang được khai thác. Các bể dầu khí Thổ Chu - Mã Lai và Sông Hồng tuy diện tích nhỏ hơn nhưng cũng có trữ lượng đáng kể. Còn nhiều vùng có thể chứa dầu khí khác hiện đang được thăm dò.
+ Ngoài ra các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan là nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp.
+ Vùng ven biển nước ta còn thuận lợi cho nghề làm muối, nhất là vùng ven biển Nam Trung Bộ, nơi có nhiệt độ cao, nhiều nắng, lại chỉ có vài con sông nhỏ đổ ra biển.
- Biển Đông đã cung cấp cho chúng ta một lượng hải sản lớn, giàu thành phần loài. Trong Biển Đông có tới trên 2 000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác. Ngoài ra, trên các đảo, nhất là tại hai quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa, nước ta còn khai thác được nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác tập trung ven đảo.
7. Biển Đông đã gây ra những khó khăn gì cho nước ta ?
-Mỗi năm trung bình có 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có từ 3 đến 4 cơn bão trực tiếp đổ vào nước ta. Năm bão nhiều có tới 8 - 10 cơn bão, năm bão ít cũng 1 - 2 cơn bão. Bão qua Biển Đông gây mưa to, lượng mưa đột ngột tăng lên, nước dâng nhanh, gió giật mạnh, sóng lớn làm phá huỷ các công trình xây dựng, đắm chìm tàu bè và làm ngập mặn đất đai. Bão lớn, sóng lừng, nước dâng là những thiên tai bất thường, khó phòng tránh vẫn thường xuyên đe doạ hàng năm, gây hậu quả nặng nề cho vùng đồng bằng ven biển nước ta, nhất là vùng ven biển Trung Bộ.
- Sạt lở bờ biển : Hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang đe doạ nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.
- Ở ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hoá đất đai.
8. Vấn đề quan trọng cần giải quyết trong chiến lược khai thác tổng hợp, phát triển kinh tế biển của nước ta là gì ? Phát triển tổng hợp kinh tế biển của nước ta bao gồm những ngành nào ?
- Vấn đề quan trọng cần giải quyết trong chiến lược khai thác tổng hợp, phát triển kinh tế biển của nước ta là sử dụng hợp lí nguồn lợi thiên nhiên biển, phòng chống ô nhiễm môi trường biển, thực thi những biện pháp phòng tránh thiên tai.
- Phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta bao gồm các ngành : khai thác khoáng sản biển, khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, giao thông vận tải biển, du lịch biển.

nguyenvanlapPhong Tặng


Tổng số bài gửi : 421
Join date : 07/12/2010

LikeDislike

Biến đổi khí hậu tác động tới dòng hải lưu như thế nào?

14/11/2016
BVR&MT – Khi bộ phim Ngày kinh hoàng (The Day After Tomorrow) được Hollywood trình làng, các nhà khoa học đã cười nhạo trước khả năng dòng hải lưu dừng lại mà đạo diễn phim đưa ra. Trong bộ phim, thế giới một lần nữa quay trở lại kỷ băng hà. Tưởng như thảm họa này chỉ có trong viễn tưởng, nhưng sự thực bộ phim lại dựa trên một vài dấu hiệu có thật.
Từ tháng 5 đến tháng 9 vừa qua, nhóm nghiên cứu hải dương học tại trường Đại học Duke đã khởi hành 5 chuyến tầu nghiên cứu trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương, đem theo nhiều công cụ theo dõi nhiều dòng hải lưu nằm sâu dưới đáy đại dương. Các dữ liệu thu được sẽ là bộ tư liệu hoàn chỉnh đầu tiên về sự di chuyển của dòng biển Bắc Đại Tây Dương, giúp giải đáp bí ẩn về khả năng dòng hải lưu bị chậm lại trong một thời gian dài.
Một chuỗi công cụ theo dõi tương tự nằm dưới độ sâu 6km từ quần đảo Canary tới Bahamas, giữa vùng biển Đại Tây Dương đã phát hiện một đoạn chững lại đáng lo ngại trong dòng hải lưu khổng lồ này. Kể từ khi được lắp đặt vào năm 2004, những thiết bị này đã phát hiện dấu hiệu dao động và yếu đi khoảng 30% của dòng biển Đại Tây Dương, khiến lượng nhiệt chuyển về Bắc Âu sụt giảm. Nếu lượng nhiệt chuyển về giảm đi quá nhiều, châu Âu có thể sẽ phải chìm trong lạnh giá.
Đại Tây Dương được coi là động cơ cho “dải băng chuyền” của các dòng hải lưu. Khối nước lạnh khổng lồ chìm dưới Bắc Đại Tây Dương giúp khuấy động toàn bộ đại dương, đồng thời điều chỉnh các dòng hải lưu tại các vùng biển phía Nam và Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu đã lo ngại về sự chậm lại của Đại Tây Dương trong nhiều năm qua. Hiện tượng này có thể tác động tới quy mô toàn cầu, khiến toàn bộ Bắc bán cầu trở nên lạnh giá, giảm độ ẩm tại các khu vực gió mùa tại Ấn Độ và châu Á, gia tăng cường độ các cơn bão tại Bắc Đại Tây Dương. Chưa kể, giảm hòa quyện các dòng hải lưu cũng khiến suy giảm số lượng sinh vật phù du và các sinh vật biển khác.
Đã có nhiều thời điểm trong quá khứ khi dòng biển chậm lại khiến nhiệt độ châu Âu giảm đột ngột từ 5 – 10 độ C. Các nhà lập mô hình đã nỗ lực dự đoán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến dòng hải lưu Đại Tây Dương và sự chậm lại của dòng hải lưu càng làm khí hậu trái đất tồi tệ hơn ra sao. Tuy nhiên, qua nhiều năm đào sâu vấn đề, mối quan ngại vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.
Giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận gay gắt về nguyên nhân chậm dòng ở Đại Tây Dương: do biến đổi khí hậu, hay chỉ là một phần chu kỳ thông thường của các dòng hải lưu nhanh và chậm. Một số nghiên cứu trong một vài năm trở lại đây đã chứng minh cả hai khả năng này đều tồn tại. Các dữ liệu mới từ phía bắc có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề này.
Hoạt động của “Băng tải đại dương”
Một khối nhiệt lớn di chuyển quanh trái đất nhờ một hệ thống dòng hải lưu duy nhất – dòng hải lưu AMOC (the Atlantic Meridional Overturning Circulation) – chiếm một phần tư luồng nước ấm của trái đất. Hệ thống này được điều khiển bởi nồng độ: nước lạnh hoặc mặn sẽ chìm xuống đáy đại dương. Hiện nay, các dòng nước lạnh chìm xuống tại Bắc Đại Tây Dương và chảy về phía nam, trong khi dòng nước ấm trên bề mặt lại chảy về phía bắc, khiến Bắc Âu trở nên nóng ấm bất thường. Nếu quá ấm, hoặc quá ngọt do băng tan, dòng nước phía Bắc sẽ không thể chìm xuống, làm chậm lại các dòng chảy lên phía bắc và hệ thống sẽ ngừng hoạt động.
Theo các nhà khoa học, trong vài thập kỷ vào kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 100.000 đến 10.000 năm trước, AMOC đã từng chậm lại hơn 50%. Giả thuyết đưa ra là khi đó, các tảng băng quá lớn đã vỡ ra, trôi ra biển và tan chảy. Mặc dù nước đã lạnh, những dòng nước ngọt lớn khiến nước biển loãng ra và các dòng hải lưu chững lại. Thời kỳ băng hà cuối cùng, khoảng 120.000 năm trước đây, giống thế giới băng hiện nay hơn cả, lại phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo một số phép đo đại diện, sự kiện giảm tốc độ dòng hải lưu cũng có thể đã xảy ra vài lần trong kỳ băng hà cuối cùng.
Một điểm nước lạnh xuất hiện tại Bắc Đại tây dương
Đợt đánh giá cuối cùng của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã kết luận AMOC rất có khả năng chậm lại vào cuối thế kỷ này. Ở nơi có khí thải tăng lên không ngừng và khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên khoảng 4 độ C, AMOC có thể chậm lại đến 54%. Tuy nhiên, ở những nơi khác, AMOC vẫn có khả năng chậm lại từ 1% trở lên, kể cả khi thế giới đã hạn chế phát thải.
Nếu dòng hải lưu tại Bắc Đại Tây Dương đột ngột chậm lại, toàn bộ hệ thống chuyển nhiệt sẽ bị phá vỡ, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể bị đảo ngược hoàn toàn trong vòng 20 năm. Nhiệt lượng không được dòng hải lưu vận chuyển lên phía Bắc sẽ làm cho khu vực Nam bán cầu nóng lên. Nếu AMOC dừng lại, thay đổi lượng mưa sẽ khiến những con sông tại châu Âu khô cạn và mực nước biển phía đông Bắc Mỹ sẽ dâng lên gần 1m.
Vấn đề các nhà nghiên cứu phải đối mặt là AMOC hoạt động rất thất thường, xê dịch từ năm này sang năm khác thay vì thay đổi theo quá trình nóng lên toàn cầu, vì vậy rất khó nhận ra xu hướng trong thời gian dài, trong khi những phép đo thực tế trên biển mới chỉ được thực hiện từ năm 2004. Để nhìn ra bức tranh trong dài hạn, các nhà nghiên cứu phải dựa trên các phép đo khác để suy ra dòng hải lưu. Trước mắt, giới khoa học vẫn chờ đợi thêm nhiều dữ liệu để có thể đưa ra được kết luận cuối cùng.
Nguyệt Minh/ Theo Yale Environment 360
//baovemoitruong.org.vn/
Tags: Bắc Đại Tây Dương, biến đổi khí hậu, dải băng chuyền, dòng hải lưu
CHIA SẺ
Facebook
Twitter
  • tweet

Video liên quan

Chủ đề