Kế hoạch xử lý chất thải y tế tại trạm y tế

Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh. Để chủ động đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát với số lượng người mắc lớn, UBND huyện Hiệp Hoà đã xây dựng ban hành phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh từ điều trị người nhiễm COVID phát sinh từ Trạm Y tế lưu động và điều trị người nhiễm COVID tại nhà. Qua đó, nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh 2 từ trạm y tế lưu động, điều trị F0 tại nhà; đảm bảo an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải. Chủ động kiểm soát, điều tiết trong công tác xử lý chất thải y tế lây nhiễm khi dịch diễn biến phức tạp làm gia tăng khối lượng chất thải y tế lây nhiễm cần xử lý.

Tại các Trạm Y tế lưu động, việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải phát sinh từ khu thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 theo mô hình Trạm Y tế lưu động được thực hiện cụ thể như sau:  Phân loại chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ Trạm Y tế lưu động phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2”. Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định về quản lý chất thải của Chính phủ tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015. Sau đó phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng thu gom chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có đạp chân, có lắp bánh xe, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thu gom riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ khu vực/phòng cách ly về khu lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Khu tập kết rác thải lây nhiễm nên bố trí tại vị trí cuối hướng gió, thuận tiện trong tuyến đường vận chuyển; phải có mái che, nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường. Thùng, dụng cụ đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải được vệ sinh và khử khuẩn ngay sau khi sử dụng bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính. Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV2”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Xử lý chất thải: Hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý chất thải y tế tại Trạm Y tế lưu động đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLTBYT-BTNMT quy định quản lý chất thải y tế theo quy định. 

Tại nhà/phòng có trường hợp mắc COVID-19 (F0), tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân COVID-19 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.  Vận chuyển chất thải từ nhà có người mắc F0, đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với tổ covid cộng đồng được thành lập tại các xã, phường, thị trấn. Phương tiện vận chuyển cơ động (thùng 240 lít, thùng 660 lít, xe gắn máy, xe chuyên dụng,...) đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm (có sẵn) tại các Trạm Y tế xã, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn phải có xe thu gom riêng. Hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý chất thải y tế tại nhà/phòng có trường hợp mắc COVID-19 (F0) đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y Tê và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải y tế theo quy định.

Phòng Y tế huyện là cơ quan thường trực, giúp UBND huyện đôn đốc, hướng dẫn thu gom, chất thải phát sinh từ Trạm Y tế lưu động, điều trị người nhiễm COVID tại nhà. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch bệnh, thu gom, xử lý chất thải y tế. Trung tâm Y tế huyện thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ Trạm Y tế lưu động, Trạm Y tế xã, thị trấn. Tổ chức ký Hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng để xử lý chất thải y tế đảm bảo đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tăng thời lượng phát thanh, tiếp âm, tiếp sóng trên hệ thống loa truyền thanh các cấp trong huyện và đa dạng các hình thức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh từ Trạm Y tế lưu động, điều trị người nhiễm COVID tại nhà để người dân nắm bắt và thực hiện các hướng dẫn trong phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải lây nhiễm phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

Việt Nga