Nghị định về thoái vốn nhà nước

Thiếu hướng dẫn, thoái vốn nhà nước dậm chân tại chỗ

Nghị định 140/2020/NĐ-CP (Nghị định 140) được kỳ vọng mang đến cơ chế chính sách gỡ vướng cho cổ phần hóa, nhưng việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn đang gây tác dụng ngược.

Nghị định về thoái vốn nhà nước
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn gặp khó vì thiếu hướng dẫn. Trong ảnh: Công ty Vocarimex chưa bán được 44,2 triệu cổ phiếu dù có khách mua

“Đóng băng”

Trung tuần tháng 1/2021, hơn 160 tỷ đồng tiền đặt cọc tham gia phiên đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC của Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex), do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu đã được gửi trả lại 2 nhà đầu tư. Đây là điều khá hy hữu khi một cuộc đấu giá phải tạm dừng mà nguyên nhân không phải do thiếu người tham dự.

Nghị định 140 với quy định mới liên quan đến hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày ký (30/11/2020), nhưng thông tư hướng dẫn nghị định này vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp.

SCIC cho biết, hiện không có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đã được phê duyệt phương án thoái vốn trước thời điểm ban hành Nghị định 140, vì vậy, để chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng, phiên đấu giá ban đầu được lùi lại, sau đó buộc phải hủy.

Theo đại diện SCIC, việc tiếp tục triển khai bán cổ phần của SCIC tại Vocarimex đã không được cơ quan chức năng phê duyệt. Phương án bán vốn tại Vocarimex công bố ngay đầu tháng 12/2020 và dự kiến xong cuối năm trước đã không thể thực hiện theo lộ trình ban đầu.

Điều tương tự cũng xảy ra tại phiên đấu giá hơn 49% vốn của Tổng công ty Sông Hồng, do Bộ Xây dựng nắm giữ. Hay trường hợp số cổ phần CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc thuộc sở hữu của HUD - một tổng công ty của Bộ Xây dựng cũng phải hủy tổ chức dù đã thu hút lượng đăng ký cao gấp đôi.

SCIC ngoài dừng phiên đấu giá cổ phần Vocarimex, còn hủy thêm đợt chào bán cả lô cổ phần của Công ty Traenco và đến nay cũng chưa thêm bất kỳ đợt đấu giá cổ phần nào.

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, khi SCIC còn đang đợi hướng dẫn để quyết định tiếp tục hay dừng phiên đấu giá Vocarimex, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ tập trung ban hành văn bản hướng dẫn để bảo đảm thi hành Nghị định 140 kịp thời, không phát sinh vướng mắc, thúc đẩy cổ phần hóa.

Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến xác định giá trị thương hiệu như giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Thời hạn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho công việc này ngay trong tháng 1/2021.

Chờ cú hích

Được ban hành từ cuối tháng 11/2020, Nghị định 140 cùng lúc sửa đổi bổ sung các điều trong 3 nghị định trước đây liên quan đến hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước gồm: Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

Các quy định liên quan đến hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nhất là việc xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn từng được chỉ ra là những vướng mắc kéo chậm các kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn.

Thực tế, năm 2020 dù là thời hạn cuối cùng trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, kết quả thoái vốn và cổ phần hóa lại ở mức thấp kỷ lục. Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp đã thoái được 979 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 2.031 tỷ đồng trong năm 2020. Con số trên chỉ bằng chưa đến 1,2% so với tổng số tiền thu về từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ năm 2016.

Chưa kể, liên tiếp các vụ án được điều tra, khởi tố và chuẩn bị xét xử cũng đến từ các lỗ hổng trong thoái vốn nhà nước. Với vụ án xảy ra tại Sabeco,  cáo trạng xác định các bị can đã sử dụng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh, sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt vốn nhà nước. Trong thương vụ Nguyễn Kim “suýt” mua chi phối Sadeco - công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, cơ quan điều tra cho rằng, cổ phần mới Sadeco phát hành đã bị định giá thấp, chưa phản ánh đầy đủ giá thị trường của Công ty.

Sau thời gian nén lại, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đang được yêu cầu đẩy nhanh, một mặt tạo nguồn thu ngân sách, mặt khác cung ứng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Các cơ chế chính sách thống nhất và minh bạch là điều cần thiết để cả bên bán và bên mua sẵn sàng tham gia.

Quy định mới của Nghị định 140 yêu cầu Ban chỉ đạo, tổ giúp việc cổ phần hóa tại các doanh nghiệp phối hợp với doanh nghiệp cổ phần hóa và tổ chức tư vấn (nếu có) xem xét, quyết định việc triển khai các thủ tục tiếp xúc, trao đổi thông tin với các nhà đầu tư. Điều này sẽ có lợi cho bên mua khi  thông tin thêm minh bạch.

Với bên bán như SCIC, Tổng giám đốc Nguyễn Chí Thành dự tính, phải đến tháng 4 hay tháng 5/2021, hoạt động thoái vốn mới thực hiện tiếp. Không kể các đợt chào bán bị hoãn lại những ngày cuối năm vừa qua, thực tế, hoạt động thoái vốn nhà nước thường diễn ra khá ít trong quý đầu năm. Bên cạnh việc đợi thông tư hướng dẫn Nghị định 140 được ban hành, công tác định giá sẽ thuận lợi hơn khi doanh nghiệp hoàn tất công bố báo cáo tài chính có ý kiến của kiểm toán (hạn chót vào cuối tháng 3 hàng năm).

Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến xác định giá trị thương hiệu như giá trị văn hóa, lịch sử khi cổ phần hóa.

          Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, kèm theo danh sách và chủ trương, lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có 103 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Hiện nay, một số địa phương đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước chi phối tại các doanh nghiệp công ích như vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, thoát nước đô thị, cấp nước sạch đô thị… Tại thời điểm cổ phần hóa các doanh nghiệp này, việc quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là phù hợp với tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ

Tuy nhiên tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 quy định một số lĩnh vực như vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, thoát nước đô thị, cấp nước sạch đô thị…lại không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối.  

Tại điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg có nêu: Chủ tịch UBND cấp tỉnh xây dựng lộ trình và tổ chức bán vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phù hợp tiêu chí tại Quyết định này.

Việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần được quy định tại Điều 38 và Điều 39 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, khi chuyển nhượng vốn nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc và phương thức theo quy định. UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng vốn sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xin được trao đổi như sau:

1. Trong trường hợp điều chỉnh giảm tỷ lệ phần vốn Nhà nước để đảm bảo ở mức không nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc các lĩnh vực nêu trên thì việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định tại Điều 38 và Điều 39 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên để đảm bảo quy định về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg và bảo toàn vốn ngân sách địa phương đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời, việc huy động tăng vốn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư, nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp, thì có thể tiếp tục giữ nguyên giá trị phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp này đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng nhà nước không tiếp tục tham gia đầu tư.

2. Trong trường hợp tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối  thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.

Võ Thị Hòa (Phòng Tài chính Doanh nghiệp)