Ngôn ngữ bản đồ là gì

Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ của bề mặt Trái Đất lên mặt phẳng thông qua một quy tắc toán học nhất định ( hay là phép chiếu bản đồ). Nội dung trình bày trên bản đồ được lựa chọn thông qua sự tổng quát hóa và được thể hiện trên bản đồ bởi hệ thống các kí hiệu quy ước mang tính khoa học. Đó chính là định nghĩa chung về bản đồ.

Bản đồ số là bản đồ trên đó có sự chồng xếp các lớp thông tin khác nhau, là tập hợp của các thông tin được lưu trữ trong máy tính (trong đĩa) dưới dạng số và được thành lập dưới sự trợ giúp của máy tính và các phần mềm chuyên dùng gắn liền với kỹ thuật sản xuất bản đồ.

Bản chất của bản đồ là một loại mô hình thông tin. Trong khoa học thuật ngữ mô hình thông tin được định nghĩa như sau: “Trong công tác nghiên cứu một đối tượng nào đó, dù là nghiên cứu lý luận hay nghiên cứu ứng dụng, nếu người ta không nghiên cứu trực tiếp lên đối tượng mà thay bằng nghiên cứu một hệ thống tự nhiên hay nhân tạo đó được gọi là mô hình” do đó:

  • Bản đồ là một mô hình nhận thức.
  • Bản đồ là một mô hình thông tin.
  • Bản đồ là một dạng ngôn ngữ kỹ thuật đặc biệt (ghi nhận và định vị đối tượng).

Khác với các loại hình nghệ thuật khác mô tả hình ảnh Trái Đất như ảnh hàng không, ảnh vũ trụ, tranh ảnh, các bài văn mô tả… Bản đồ có đặc điểm riêng:

  • Mỗi bản đồ đều được xây dựng trên một cơ sở toán học xác định như tỉ lệ và phép chiếu bản đồ, bố cục bản đồ, các điểm khống chế tọa độ trắc địa…
  • Các đối tượng và hiện tượng (Nội dung bản đồ) được biểu thị theo một phương pháp lựa chọn và khái quát nhất định (Tổng quát hóa bản đồ).
  • Các đối tượng và hiện tượng được biểu thị bằng ngôn ngữ bản đồ – đó là hệ thống các ký hiệu quy ước.

2. Tính chất tổng quan về bản đồ

  • Tính trực quan :Được biểu hiện ở chỗ là bản đồ cho ta khả năng bao quát và tiếp thu nhanh chóng những yếu tố chủ yếu và quan trọng nhất của nội dung bản đồ. Một trong những tính chất ưu việt của bản đồ là khả năng bao quát, biến cái không nhìn thấy thành cái nhìn thấy được. Bản đồ tạo ra mô hình trực quan của lãnh thổ, nó phản ánh các tri thức về các đối tượng hoặc các hiện tượng được biểu thị. Bằng bản đồ, người sử dụng có thể tìm ra được những quy luật của sự phân bố các đối tượng và hiện tượng trên bề mặt trái đất.
  • Tính đo được :Đó là tính chất quan trọng của bản đồ. Tính chất này có liên quan chặt chẽ với cơ sở toán học của nó. Căn cứ vào tỷ lệ và phép chiếu của bản đồ, căn cứ vào các thang bậc của các ký hiệu quy ước, người ta sử dụng bản đồ có khả năng xác định được rất nhiều các trị số khác nhau như: toạ độ, biên độ, độ dài, khoảng cách, diện tích, thể tích, góc, phương hướng và nhiều trị số khác. Chính do có tính chất này mà bản đồ được dùng làm cơ sở để xây dựng các mô hình toán học của các hiện tượng địa lý và để giải quyết nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn sản xuất.
  • Tính thông tin của bản đồ :Đó là khả năng lưu trữ và truyền đạt cho người đọc những tin tức khác nhau về các đối tượng và các hiện tượng.

3. Phân loại bản đồ

Phân loại bản đồ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn đối với công tác sản xuất bản đồ cũng như trong công tác sử dụng và bảo quản bản đồ. Để tiện lợi trong việc nghiên cứu, sử dụng và bảo quản các bản đồ thì cần thiết phải tiến hành phân loại chúng. Theo đặc điểm và dấu hiệu mà người ta có thể chia bản đồ thành các loại như sau:

– Phân loại theo các bề mặt biểu thị: gồm bản đồ địa lý và bản đồ thiên văn.

– Phân loại theo nội dung: gồm bản đồ địa lý chung và bản đồ chuyên đề.

+ Bản đồ địa lý chung: là bản đồ biểu thị các đặc trưng chung của các yếu tố tự nhiên và xã hội của khu vực thành lập bản đồ. Nó không nhấn mạnh một yếu tố nào, nó có nội dung tương đối tỷ mỉ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các đặc trưng chung của khu vực.

+ Bản đồ chuyên đề: Là loại bản đồ trên đó thể hiện rõ ràng nổi bật và hoàn thiện một hoặc một số các yếu tố đã được thể hiện trên bản đồ địa lý chung hoặc chưa được thể hiện trên bản đồ địa lý chung. Bản đồ chuyên đề được chia làm 03 nhóm đối tượng: Bản đồ tự nhiên, bản đồ kinh tế xã hội và bản đồ kỹ thuật chuyên ngành.

Trong mỗi cách phân loại kể trên, tuỳ thuộc vào nhóm các bản đồ cụ thể người ta còn có cách phân loại chi tiết:

– Phân loại theo tỷ lệ: gồm bản đồ tỷ lệ lớn, tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ.

+ Bản đồ địa lý chung tỷ lệ lớn: ≥ 1:100 000 được gọi là bản đồ địa hình.

+ Bản đồ địa lý chung tỷ lệ trung bình: 1:100 000 – 1:1 000 000 gọi là bản đồ địa hình khái quát.

+ Bản đồ địa lý chung tỷ lệ nhỏ: là các bản đồ có tỷ lệ nhỏ hơn 1:1 000 000 gọi là bản đồ khái quát.

– Phân loại theo mục đích sử dụng: Cho đến nay, theo mục đích sử dụng chưa có sự phân loại chặt chẽ. Bởi vì đại đa số các bản đồ được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích rất khác nhau. Song đáng chú ý nhất theo mục đích sử dụng có thể phân ra thành 2 nhóm, đó là: Các bản đồ sử dụng cho nhiều mục đích và các bản đồ chuyên môn.

– Phân loại theo lãnh thổ: Các bản đồ được phân ra thành bản đồ thế giới, bản đồ bán cầu, bản đồ châu lục, bản đồ các nước, bản đồ các vùng, bản đồ thành phố.

– Phân loại theo tính chất phụ: như bản đồ treo tường, bản đồ để bàn,…

Như vậy bài viết tổng quan về bản đồ đưa cho chúng ta một cái nhìn bao quát nhất vể những vẫn đề liên quan đến bản đồ

Để tìm hiểu thêm về các yếu tố thể hiện trên bản đồ địa hình mời các bạn xem bài viết https://tracdiapro.com/noi-dung-ban-do-dia-hinh/