Nguyên nhân gì dẫn đến việc chơi hụi trái phép

Mặc dù pháp luật không khuyến khích người dân chơi hụi (họ), nhưng trên thực tế, việc chơi hụi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ mấy bà, mấy chị ngoài chợ cho đến các chị em công chức nhà nước. Hụi ban đầu có ý nghĩa tích cực, nhưng lâu dần càng biến tướng, trở thành nơi không ít người lợi dụng để lừa đảo chiếm dụng vốn. Nhiều người tán gia bại sản, lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có người phải lãnh án tù vì hụi.

Bài 1: Hụi và những rủi ro chực chờ

Trưa 12 giờ, khi tôi đang nghỉ trưa thì có điện thoại gọi đến dồn dập. Chị bạn ở đầu dây bên kia giọng gấp gáp: “Con N. bỏ đi rồi, bể hụi. Nhà nó giờ người ta dí vòng trong vòng ngoài. Chị bị 2 dây hụi, gần cả trăm triệu. Giờ phải làm sao?”. Đó cũng là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất của nhiều người khi bị giật hụi. Họ thật sự không biết phải làm gì ngoại trừ việc kiếm chủ hụi để đòi tiền. Mà 99% khi đã bể hụi, việc đòi lại tiền gần như là không thể.

Nguyên nhân gì dẫn đến việc chơi hụi trái phép

Rất nhiều đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp hụi. Ảnh: K.P

MỘT HÌNH THỨC HUY ĐỘNG VỐN

Hụi trước hết là một kiểu cùng nhau hùn vốn, một dạng huy động vốn trong dân gian đã có từ rất lâu đời. Những người chơi hụi cùng nhau góp vốn theo kỳ và cử ra một người được nhận số vốn đó để làm ăn. Cách thức góp vốn (có lãi hoặc không lãi), kỳ mở hụi, trách nhiệm của chủ hụi, hụi viên đều do các bên cùng chơi thỏa thuận. Thông thường, nếu không có thỏa thuận thì sẽ tính theo cách thức có sẵn: chủ hụi đứng ra chịu trách nhiệm gom hụi, những người chơi (tay em) sẽ đóng tiền, ai cần hốt trước thì chấp nhận bỏ một khoản tiền chênh lệch (lãi suất), ai bỏ cao sẽ được hốt trước.

Về bản chất, chơi hụi không phải là việc xấu, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy luật, nó cũng là một cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với kiểu sinh hoạt làng, xã, thôn quê. Người chơi cần vốn thì có thể hốt để xoay sở, việc góp lại hàng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó. Người có tiền thì coi đây là một hình thức tiết kiệm có lãi. Chủ hụi thì được nhận hoa hồng (một hình thức trả công khi đứng ra gom hụi, chịu trách nhiệm trước các hụi viên). Tuy nhiên trên thực tế, hụi ngày nay có quá nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Điều đáng nói là, vẫn biết có nhiều rủi ro, nhưng có nhiều người, thậm chí là rất nhiều người, lao vào chơi hụi như những con thiêu thân.

CẠM BẪY MANG TÊN HỤI

Hỏi chị bạn, chơi hụi không có gì bảo đảm, đã biết sao vẫn thích tham gia? Chị chậc lưỡi nói: “Thấy chủ hụi gia đình khá giả, kêu hụi cũng lâu lại có uy tín, ai dè. Với lại tính nuôi hụi để dành tiền tiết kiệm, đợi qua năm sau sửa lại cái nhà. Giờ thì…”. Cái bỏ lửng của chị cũng đủ để tôi hình dung, với gần 100 triệu đồng chị ky cóp dành dụm gửi vào 2 dây hụi kia, dự tính sửa nhà đã tan theo mây khói. Mà những trường hợp bị giật hụi như chị không phải là số ít. Cùng dây hụi với chị còn có hai mẹ con nhà nọ, dự tính nuôi hụi để dành tiền cưới vợ cho con. Người mẹ gần như thẫn thờ, bởi số tiền trăm triệu không phải dễ kiếm, giờ tiền đâu để tổ chức đám cưới cho con. Rồi một trường hợp khác, hai vợ chồng trẻ đang thuê nhà ở trọ. Làm bao nhiêu đem đóng hụi để dành tiền mua căn nhà nhỏ. Đã đặt cọc tiền mua nhà, chờ hốt hụi để làm thủ tục sang tên. Trong một đêm, chủ hụi tuyên bố bể hụi. Tiền mất, nguy cơ mất cả tiền cọc vì vi phạm hợp đồng. Thật sự là khóc không thành tiếng.

Không chỉ ở ngoài người dân, tình trạng kêu hụi, chơi hụi đã len lỏi vào tận các cơ quan nhà nước. Ở đâu cũng thấy có nhiều người tham gia chơi hụi, góp vốn. Trừ các tổ hùn vốn của Công đoàn các cơ quan, còn lại việc chơi hụi tự phát như ở ngoài dân gian, dù do công chức, viên chức của cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, trước tình trạng quá nhiều chủ hụi ngoài dân gian giật hụi, nhiều người bắt đầu thích chọn những chủ hụi là cán bộ, công chức, với suy nghĩ, họ làm việc “chân trong chân ngoài”, ắt hẳn không dám giật hụi. Bởi làm vậy sẽ mất việc, điều mà ai cũng sợ.

Thế nhưng, nếu những dây hụi cứ chất chồng, khi những khoản tiền không thể bù lắp được, thì dù làm việc ở đâu, chuyện vỡ hụi cũng không tránh khỏi. Đến lúc đó, với số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng, thì dù làm gì, cũng không có khả năng thanh toán. Hoàn toàn không có chuyện, cơ quan nơi người đó làm đứng ra bảo đảm cho họ. Và cái kết thông thường chỉ có thể là… cho nghỉ việc, nợ thì tự giải quyết theo quy định pháp luật.

KHI PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH

Nhận thấy quá nhiều nguy cơ từ việc chơi hụi tự phát, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144 cho phép người dân được lập họ, hụi, biêu, phường cùng với những quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia được pháp luật bảo vệ. Đây cũng có thể coi là tín hiệu tích cực khi hụi bắt đầu được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, đến nay đã gần 14 năm, những quy định trong Nghị định vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi. Ngày 19/2/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 19 quy định về họ, hụi, biêu, phường. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2019 và thay thế Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.

Điểm mới của Nghị định 19 là bỏ quy định về đầu thảo. Đồng thời quy định thêm người hưởng hoa hồng bao gồm người có lãi và không có lãi. Theo đó, các thành viên được lĩnh hụi phải trả một khoản hoa hồng cho chủ hụi theo mức do những người tham gia dây hụi thỏa thuận.

Theo Nghị định số 144/2006 thì hình thức thỏa thuận dây hụi được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nơi việc chơi hụi phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng… Nhiều trường hợp chủ hụi đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia hụi để chiếm đoạt tài sản. Đa phần hình thức thỏa thuận về dây hụi là bằng miệng. Đến khi tranh chấp, khởi kiện ra tòa án hoặc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự thì việc điều tra, xác minh cũng như giải quyết vụ án vô cùng khó khăn. Vì vậy, Nghị định số 19 chỉ quy định một hình thức thỏa thuận về dây hụi là phải thể hiện bằng văn bản. Đồng thời, bổ sung và quy định rõ hơn nội dung văn bản thỏa thuận về dây hụi như họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ họ thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống); số lượng thành viên, thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; mức hưởng hoa hồng.

Nghị định số 144/2006 không có quy định về việc gia nhập, rút khỏi, chấm dứt hụi. Tuy nhiên, trong thực tế thì thỏa thuận về hụi có nhiều diễn biến phức tạp và rất khác nhau. Có dây hụi các thành viên tham gia từ đầu nhưng cũng có thành viên tham gia sau đó nhưng những người tham gia sau chủ yếu là do chủ hụi đồng ý hoặc có người rút khỏi dây hụi giữa chừng… Thậm chí, có những trường hợp những thành viên tham gia dây hụi không biết là có thêm người tham gia dây hụi hoặc không biết có thành viên đã rút khỏi dây hụi. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp chủ hụi thông báo dây hụi có nhiều người tham gia nhưng thực tế số người tham gia ít hơn với mục đích chiếm đoạt tài sản của thành viên tham gia dây hụi. Có nhiều trường hợp không có giấy tờ gì ghi số tiền đóng hụi, lãnh hụi hoặc ghi không rõ ràng. Khi các bên tranh chấp thì giải quyết rất khó khăn. Vì vậy, Nghị định số 19/2019 đã bổ sung quy định về gia nhập hụi, rút khỏi hụi, chấm dứt hụi nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ hụi và thành viên tham gia dây hụi; đồng thời tạo cơ sở pháp lý khi giải quyết các tranh chấp về hụi.

Nghị định 19 cũng quy định về giấy biên nhận khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.

KIM PHƯỢNG