Nguyên nhân mỏi mắt và nhức mắt

Nhức mỏi mắt là một hiện tượng phổ biến, báo hiệu mắt đang phải làm việc quá tải. Nhức mỏi mắt có thể không nguy hiểm [1] nhưng gây khó chịu, chúng thường biến mất khi chúng ta để mắt được nghỉ ngơi. Trong một số trường hợp nhức mỏi mắt có thể là biểu hiện của bệnh lý về mắt nguy hiểm, cần được bác sĩ chuẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu và triệu chứng [2] nhức mỏi mắt bao gồm:

  • Nhức, mỏi mắt, nóng mắt
  • Nặng mắt, cảm giác sụp mắt, không muốn mở mắt tiếp tục làm việc
  • Ngứa, khô hoặc kèm chảy nước mắt sống
  • Nhìn mờ, nhoè, song thị (nhìn hai hình)
  • Đau đầu, cổ, vai, gáy
  • Nhạy cảm với ánh sáng chói
  • Khó tập trung
  • Lòng trắng có vạch màu đỏ
  • Nhức mỏi một bên mắt trái hoặc mắt phải

Nguyên nhân vì sao mắt nhức mỏi

Các nguyên nhân phổ biến [3] gây nhức mỏi mắt bao gồm:

  • Tập trung nhìn vào một điểm trong thời gian dài, thường gặp ở bác sĩ phẫu thuật, hoạ sĩ, điêu khắc.
  • Thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử (tv, máy tính, điện thoại…) trong thời gian dài
  • Tập trung quan sát khi lái xe đường dài
  • Mắc tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) hoặc đang có vấn đề về thị lực mà không được điều chỉnh
  • Làm việc trong môi trường ánh sáng quá chói, hoặc quá mờ
  • Thời tiết hanh khô, ngồi phòng điều hoà
  • Gió thổi trực tiếp vào mắt khi đi đường, ngồi trước quạt hoặc điều hoà
  • Gặp vấn đề về tâm lý, mệt mỏi, stress

Ngoài ra, nhức mỏi mắt cũng có thể là biểu hiện của một loại bệnh nào đó:

Hội chứng thị giác màn hình: là tình trang nhức mỏi mắt do sử dụng thiết bị kỹ thuật số [4], biểu hiện gồm mỏi mắt, nhức mỏi mắt và đau đầu, khó ngủ hoặc mất ngủ, mệt mỏi, mắt nhạy cảm với ánh sáng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mỏi mắt.

Các nguyên nhân gây mỏi mắt khi nhìn vào màn hình bao gồm:

  • Tác hại của ánh sáng xanh
  • Thói quen ít chớp mắt khi nhìn vào màn hình kỹ thuật số (chớp mắt giúp dưỡng ẩm cho mắt)
  • Nhìn vào màn hình kỹ thuật số ở khoảng cách quá gần
  • Độ sáng màn hình không phù hợp: quá chói hoặc quá mờ
  • Chất lượng màn hình thấp, có độ tương phản không đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, các yếu tố làm cho hội chứng thị giác màn hình trở nên trầm trọng hơn bao gồm:

  • Mất cân bằng cơ mắt
  • Có vấn đề về thị lực mà không được điều chỉnh
  • Ngồi sai tư thế
  • Thời tiết hanh khô, phòng điều hoà, độ ẩm không khí thấp

Bệnh đục thuỷ tinh thể : nếu nhức mỏi mắt kèm các triệu chứng [5] nhìn mờ, loá, thị lực bị suy giảm rõ rệt, màu sắc bị mờ đi, nhìn vào sánh sáng thấy chói, tròng trắng mắt bị đục thì rất có thể đây là biểu hiện của bệnh đục thuỷ tinh thể (còn gọi là cườm khô).

Đục thuỷ tinh thể ban đầu ít triệu chứng, thường bị nhầm với mỏi mắt thông thường, bệnh chỉ được phát hiện khi đi khám chuyên khoa. Vì vậy nếu mỏi mắt kéo dài hãy đến gặp bác sĩ sớm (!).

Khô mắt: nếu nhức mỏi mắt đi kèm với khô mắt, cộm rát, chảy nước mắt sống thì rất có thể bạn đã mắc bệnh khô mắt. Đây cũng là loại bệnh phổ biến nguyên nhân do sự thiếu hụt nước mắt, suy giảm chất lượng nước mắt. Hoặc cũng có thể do bệnh lý rối loạn tự miễn, phụ nữ mang thai và sau sinh, sau khi mổ lasik…

Thoái hoá điểm vàng: trường hợp mỏi mắt đi kèm các triệu chứng như mắt mờ, nhìn hình méo mó, nhìn màu sắc bị nhạt, nhìn một thành hai thì rất có thể bạn đang mắc bệnh thoái hoá điểm vàng (bạn có thể tham khảo bài tự kiểm tra thị lực tại nhà này). Nguyên nhân chính của bệnh là do lão hoá, hoặc tác động của ánh sáng xanh nhân tạo từ các thiết bị điện tử [6], tác động gây tổn thương tế bào võng mạc.

Biến chứng

Nhức mỏi mắt do làm việc quá tải thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc lâu dài, nhưng về lâu dài hoặc do nguyên nhân bệnh lý khiến nó có thể trở nên trầm trọng, gây khó chịu, giảm khả năng tập trung, làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.

Cách Phòng ngừa và Điều trị nhức mỏi mắt

Các nguyên tắc chữa trị [7] bao gồm:

  • Nhìn chung, chữa nhức mỏi mắt bao gồm việc thay đổi thói quen hàng ngày và thay đổi môi trường sống và làm việc.
  • Trong trường hợp người mỏi mắt do có bệnh lý tiềm ẩn về mắt, cần gặp bác sĩ để có phương án điều trị dứt điểm.
  • Cần nghỉ ngơi thường xuyên để giảm áp lực cho mắt
  • Sử dụng kính bảo vệ mắt, bao gồm kính chống bụi và tia UV khi đi ra đường và kính chống ánh sáng xanh khi làm việc với các thiết bị điện tử.

Rèn luyện thói quen tốt để phòng nhức mỏi mắt:

  • Chớp mắt thường xuyên giúp duy trì độ ẩm cho mắt
  • Vệ sinh mắt sạch sẽ, rửa mắt bằng nước muối sinh lý
  • Quy tắc 20-20-20: sau mỗi 20 phút làm việc, hãy nhìn xa 2m trong 20 giây.
  • Ngồi xa màn hình tối thiểu là một sải tay
  • Nhìn vào nội dung trên màn hình ở dưới tầm mắt (không ngước lên để đọc)
  • Phóng to kích thước văn bản để dễ đọc
  • Điều chỉnh độ sáng màn hình, sử dụng chế độ dark mode hoặc lọc ánh sáng xanh
  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích. Không hút thuốc hoặc tránh khói thuốc gây kích ứng mắt.
  • Dùng nước mắt nhân tạo. Lưu ý chọn sản phẩm không chất bảo quản nếu dùng thường xuyên trên 4 lần/ ngày.
  • Bổ sung vitamin A, C, E, B-complex, kẽm, acid béo omega 3 từ thực phẩm tự nhiên hoặc thuốc bổ mắt.
  • Hạn chế dùng điện thoại, tăng cường hoạt động thể chất.

Cải thiện môi trường sống tốt cho mắt:

  • Điều chỉnh ánh sáng trong phòng, đèn bàn làm việc vừa phải
  • Lau chùi nhà cửa sạch sẽ, tránh vi khuẩn, bụi
  • Tránh gió từ quạt và điều hoà thổi thẳng vào mắt
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí khi sử dụng máy sưởi, máy lạnh, thời tiết lạnh hanh khô, hoặc thời tiết quá nóng.

Phương pháp giảm mỏi mắt tại nhà

Khi mắt bị nhức mỏi, bạn có thể thực hành các phương pháp [8] sau đây:

  • Massage bấm huyệt: Rửa sạch tay, day nhẹ mắt từ giữa sống mũi đến dưới gò má liên tục trong 5-10 phút. Phương pháp này giúp lưu thông máu và kích thích tuyến lệ tiết nước mắt, giảm khô mắt. Đồng thời sẽ kích thích các huyệt tĩnh minh, huyệt toản trúc (nằm phía đầu lông mày, giữa sống mũi), huyệt thừa khấp (nằm giữa bọng mắt) và huyệt quyền liêu (dưới xương gò má).
  • Tập thể dục cho mắt: duỗi thẳng tay về phía trước, mắt nhìn vào ngón tay cái, từ từ đưa ngón tay cái lại gần cách mũi 10cm sau đó lại đưa ra xa, lặp lại từ 10-15 lần mỗi ngày để mắt tinh, hết mỏi.
  • Chườm mát: dùng khăn mát lau mặt, đắp lên mắt giúp mắt thư giãn và giảm mỏi. Hoặc có thể dùng túi trà hoa cúc bỏ tủ lạnh, khi mát đem ra đắp lên mắt. giúp thư giãn và làm dịu mắt.
  • Trái dưa leo: dưa leo cắt lát nhỏ dùng đắp lên mắt vừa có tác dụng làm đẹp, vừa làm dịu và mát mắt.

Nhức mỏi mắt uống thuốc gì?

Khi có các dấu hiệu nhức mỏi mắt tốt nhất chúng ta nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc tự chữa trị vì rất có thể sẽ làm bệnh tình của bạn trở nên nặng hơn.

Tham khảo:

[1],[2],[3],[7] Eyestrain – Symptoms and causes – Mayo Clinic

[4] Computer vision syndrome | AOA

[5] Cataracts | National Eye Institute

[6] Ultra-violet and Blue Light Aggravate Macular Degeneration

[8] Where Are the Acupressure Points for the Eyes?