Nhà hóa học, vật lý và phát minh người anh, michael faraday (1791-1867), người đầu tiên tìm ra?

Michael Faraday đã trở thành một tấm gương lớn về sự nỗ lực hết mình  trong con đường nghiên cứu khoa học. Từ thân phận con trai một người thợ rèn  nghèo khó, từ một chú bé học việc trong một hiệu đóng sách, Michael Faraday  đã cố gắng học tập và trở thành một nhà khoa học lớn của nhân loại. Ông là người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng cảm ứng điện từ, đạt nền tảng cho việc  chế tạo ra máy phát điện.

Nhà hóa học, vật lý và phát minh người anh, michael faraday (1791-1867), người đầu tiên tìm ra?

Mỗi ngày, chúng ta đều mở, tắt các công tắc đèn không biết bao nhiêu lần, nhưng không phải ai cũng rõ, ai là người đầu tiên đưa lại cho chúng ta tiện ích to lớn của điện. Đó không phải ai khác, chính là Michael Faraday với sự chứng minh từ trường có thể sinh ra dòng điện. Cuộc đời nhà khoa học này quả thực là  một tấm gương lớn về sự nỗ lực vươn lên.


Michael Faraday sinh vào ngày 22 tháng 9 năm 1791, trong một gia đình thợ rèn tạo Newington, ngoại ô Luân Đôn, nước Anh. Cha ông, James Faraday  là một thợ rèn không mấy khỏe mạnh, mẹ ông là con gái một trang viên ở miền Bắc nước Anh. Michael Faraday là con thứ ba trong gia đình có bốn người con. Năm 1796, cả gia đình Faraday dọn vào sống ở nội thành Luân Đôn, nhưng sự nghèo khó vẫn đeo bám họ bởi người cha thường bị bệnh. Cả nhà ông phải sống lay lắt nhờ vào sự cứu trợ của các cơ quan từ thiện. Chính bởi gia cảnh khó khăn  như vậy mà Michael Faraday đã không thể có một tuổi thơ êm đẹp và sự giáo dục hoàn chỉnh như những đứa trẻ khác. Thời thơ ấu của Michael Faraday để lại  nhiều câu chuyện vô cùng cảm động. Chuyện kể rằng, một hôm thầy giáo và cả lớp rất ngạc nhiên khi thấy Faraday đến lớp muộn với gương mặt buồn bã, tay không mang cặp sách, Thầy giáo vội vàng hỏi: ''Có chuyện gì xảy ra với em vậy, Faraday?'', Faraday nghẹn ngào nói: ''Thưa thầy, con đến xin phép thầy nghỉ học để ở nhà trông em giúp bố mẹ, vì dạo này bố con không có việc làm, mẹ con phải đi giặt thuê để kiếm tiền nuôi gia đình''. Thầy giáo đặt tay lên đôi vai gầy gò của cậu học trò nhỏ và nói: ''Hãy dũng cảm lên Faraday! Phải bỏ học giữa chừng như vậy thật tiếc, nhưng em hãy vững lòng tin vào cuộc sống và luôn ghi  nhớ những tấm gương hiếu học của người xưa. Cái khó nhất là rèn luyện ý chí  cho bền''. Quả thật, cậu học trò thường xuyên phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình  ấy sau này đã trở thành một nhà khoa học danh tiếng.

Năm 1804, khi mới 13 tuổi, Faraday đã đến xin việc ở một nhà sách mang tên: ''Hiệu bán sách và đóng  sách Ribo''. Công việc ở hiệu sách này cũng tạo điều kiện để Faraday thường xuyên được tiếp xúc với tri thức. Ban đầu, công  việc của Faraday là phân phối sách báo. Sau một năm, ông được chuyển sang  học kỹ thuật đóng sách báo. Ngoài việc đóng bìa cho những cuốn sách, Faraday rất thích thú tìm hiểu nội dung tri thức bên trong của chúng. Ông chủ hiệu sách  là một người nhân hậu nên thường động viên Faraday đọc sách. Ông thường nói:  ''Đọc đi nào, Faraday! Mặc dù bảo người thợ đóng sách chỉ cần lo phần bề ngoài  của một quyển sách, nhưng cậu biết thêm nội dung của những quyển sách đó  cũng không có gì là xấu''. Niềm say mê đối với sách vở từng được Faraday ghi lại trong hồi ức của ông: ''Trong khi tôi học việc, lúc nào tôi cũng thích đọc những sách khoa học bên cạnh, trong số đó tôi thích đọc nhất là quyển Mạn đàm  về hóa học và phần luận văn về điện học trong quyển Đại anh Bách khoa toàn  thư''.

Cậu bé học việc Faraday đã bị thế giới khoa học cuốn hút từ khi được tiếp  xúc với rất nhiều sách vở khoa học. Faraday đã rất nhiều lần tự làm những thí  nghiệm theo hướng dẫn của sách. Mỗi buổi tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc,  Faraday lại tự cho mình được quyền thưởng thức thú vui đọc sách và tự tìm hiểu  chân trời tri thức qua những trang sách thú vị đó. Ông đã viết trong hồi ký: ''Tôi đã tiến hành thực nghiệm trong khả năng phí tổn cho phép. Mỗi tuần tôi tốn mấy pence. Ngoài ra, tôi còn chế tạo được một thử máy móc dùng để học về điện.  Ban đầu thì tôi dùng những lọ pha lê nhỏ, nhưng về sau thì tôi thật sự dùng  những ống bằng đồng và những dụng cụ thí nghiệm về điện khác”. Càng tiếp  xúc với tri thức khoa học, lòng say mê khoa học lại càng trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng Faraday.

Chắc hẳn, Faraday không ngờ rằng cuộc đời mình lại có được cơ may làm  khoa học thực sự khi tham gia mấy mươi buổi thuyết trình khoa học do Hội  Triết học tổ chức. Trong suốt thời gian từ tháng 2 năm 1810 đến tháng 9 năm  1811, ông đã thực sự nghiêm túc lắng nghe, ghi chép và chỉnh lý một cách kỹ  lưỡng những bài giảng của các giáo sư. Như một sự sắp đặt, Faraday tình cờ  được người chủ hiệu sách tặng cho một tấm vé đi nghe buổi thuyết trình tại Học  viện Hoàng gia Anh, tình cờ được nghe giáo sư nổi tiếng Humphry Davy diễn  thuyết. Và ông đã biến sự tình cờ ấy thành một cơ hội lớn của đời mình khi bỏ công chỉnh lý một cách kỹ lưỡng những ghi chép trong buổi diễn thuyết ấy và bổ  sung vào đó những kiến giải riêng thú vị của ông, rồi đóng thành một quyển  sách đẹp lấy tên là: “Ghi chép về buổi diễn thuyết của tước sĩ Humphry Davy”.  Tháng 10 năm 1812, Faraday tự gửi cuốn sách này đến giáo sư Davy cùng với  một bức thư tự tiến cử mình. Hành động này đã khiến Davy rất bất ngờ. Ngay lập tức, giáo sư Davy viết thư trả lời cho Faraday: “Tôi đã nhận được tác phẩm  lớn của bạn gửi tới, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy hết sức vui mừng. Nó đã bộc  lộ một nhiệt tình thành khẩn, một trí nhớ tốt và một tinh thần chuyên tâm cao ... Tôi rất vui lòng giúp đỡ bạn. Tôi hy vọng đây là công việc mà sức tôi có thể làm  được”. Một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời của Faraday vào tháng 3 năm  1813, khi ông được nhận vào làm việc tại Học viện Hoàng gia Anh với sự giúp  đỡ của giáo sư Davy. Mặc dù trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình,  Davy đã có rất nhiều phát hiện, nhưng ông cho rằng: “Sự phát hiện vĩ đại nhất   trong đời tôi chính là Faraday”.

Từng bước một, cậu bé Faraday ngày nào đã  tiến gần hơn với vương quốc khoa học bằng chính những nỗ lực không ngừng  của bản thân. Công việc tại Học viện Hoàng gia của Faraday ban đầu chỉ là  những công việc tạp dịch như rửa chai lọ, lau bàn ghế, quét nhà. . . , nhưng  không lâu sau, ông đã nắm được kỹ thuật thực nghiệm và trở thành trợ thủ đắc  lực của Davy. Ông đã chuyển đến sống ở tòa nhà phố Albemarle Street để tiện làm việc. Sự gắn bó với giáo sư Davy đã đem đến cho Faraday cơ hội được tham gia một chuyến du  hành khoa học tới lục địa Châu Âu vào tháng 10 năm 1813. Trong chuyến đi kéo  dài 18 tháng này, Faraday đã được làm quen với rất nhiều nhà khoa học lớn như:  Marie Ampère, Count Alessandro Volta, Gay Lussac. . . và được tham quan  nhiều phòng thí nghiệm lớn. Sau này, Ampère và Faraday đã có một tình bạn  thân thiết, bền lâu. Chuyến đi này thực sự là một trường đại học đối với  Faraday. Ông đã rất chịu khó ghi chép và tích lũy kiến thức trong suốt cuộc hành  trình. Tháng 4 năm 1815, sau khi trở về, Faraday được thăng lên chức Trợ thủ phòng thí nghiệm kiêm quản lý viên tiêu bản khoáng vật, kiêm tổng quản thiết bị và dụng cụ thí nghiệm. Công việc trở nên vất vả hơn song không vì thế mà Faraday sao nhãng việc tự nghiên cứu. Vốn kiến thức mà ông tích lũy được  trong suốt thời gian này là nền tảng để Faraday tiếp tục đi sâu hơn vào con  đường nghiên cứu khoa học.

Lần đầu tiên Faraday viết một luận văn khoa học là vào năm 1816, dưới  sự chỉ đạo của Davy. Ông vẫn luôn xúc động khi nói về bản luận văn đầu tiên  của mình: “Đây là lần đầu tiên tôi thử bàn về vấn đề hóa học, và lòng sợ hãi của  tôi còn to lớn hơn là lòng tự tin. Hơn nữa, cả hai tâm trạng đó lại lớn hơn cả tri  thức của tôi. Lúc bấy giờ, tôi không thể tưởng tượng được là mình có thể viết  một bài luận văn khoa học mà trong đó có nhiều sáng kiến như vậy. Từ sự thành  công của bản luận văn đầu tiên, Faraday tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên  cứu với nhiều bản luận văn khác. Chỉ trong hai năm 1817 và 1818, ông đã có tới  mười bảy bài luận văn phân tích hóa học. Con số này cho thấy tri thức đồ sộ mà  Faraday đã tự tích lũy được trong suốt quá trình tự học của ông. Nó cũng khẳng  định ông là một người có khả năng nghiên cứu độc lập. Từ thân phận một người  giúp việc, Faraday đã tự nâng mình lên thành một nhà khoa học thực thụ bằng chính năng lực của bản thân ông.

Cuộc đời khoa học của Faraday có rất nhiều  đóng góp, đặc biệt là sự đóng góp trong hai lĩnh vực: hóa học và vật lý. Mỗi  chặng đời của Faraday gắn  liền với một lĩnh vực khoa học. Trước năm 1830, do ảnh hưởng của Davy, Faraday chủ yếu theo đuổi việc nghiên cứu hóa học. Trong giai đoạn này, ông  nghiên cứu và có nhiều phát hiện cả về lĩnh vực hóa học hữu cơ và hóa học vô  cơ. Từ năm 1818 đến năm 1823, ông nghiên cứu chế tạo ra một loại thép hợp  kim. Trong quá trình nghiên cứu để phục chế lại loại thép Wootz - một loại thép  của Ấn Độ được mệnh danh là tốt nhất lúc bấy giờ, Faraday đã sáng tạo ra  phương pháp phân tích kim loại. Năm 1825, Faraday lại bắt tay vào việc nghiên  cứu loại khí thể dùng để chiếu sáng cho thành phố Luân Đôn. Loại khí này được  đặt tên là khí Clo. Từ năm 1824 đến năm 1831, theo yêu cầu của Học viện Hoàng gia, Faraday tập trung nghiên cứu vấn đề kỹ thuật sản xuất pha lê quang  học. Ông đã chế tạo ra một thử pha lê nặng, về sau được dùng để nghiên cứu  hiệu ứng xoay chuyển của quang từ. Trong lĩnh vực hóa học hữu cơ, ông đã xác  lập được công thức hóa học của Nạp - ta - len. Cuốn sách lớn nhất của Faraday  trong lĩnh vực hóa học là cuốn Thao tác hóa học gồm hơn sáu trăm trang, xuất  bản năm 1827. Đây cũng là cuốn sách giáo khoa duy nhất mà Faraday đã viết.

Suốt thời trai trẻ, Faraday chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học  mà không màng tới việc lập gia đình. Điều đó cũng còn một lý do khác nửa, đó  là quan niệm về tình yêu rất kỳ lạ của ông. Ông từng viết trong một cuốn nhật ký  những lời lẽ đầy châm biếm như sau: ''Cái gì gọi là tình yêu? Ngoài đương sự ra  nó là thứ mà mọi người đều chán ghét''. Ông cho rằng tình yêu sẽ khiến con người tiêu tan ý chí, sẽ cản trở con người thực hiện mục tiêu cao cả của mình.  Nhưng mùa xuân năm 1820, khi gặp Sarah Barnard, Faraday đã thay đổi suy  nghĩ. Hai người gặp nhau khi đi lễ nhà thờ và ngay lập tức, Faraday yêu say đắm  cô con gái gia đình thợ bạc ấy. Ngày 12 tháng 6 năm 1821, họ tổ chức một lễ  cưới giản dị và sống hạnh phúc bên nhau, dù không có con cái. Sarah là một phụ  nữ nhân hậu, không đam mê tiền bạc, hư vinh. Faraday từng thổ lộ với người vợ  yêu quý của mình rằng: ''Em là người hiểu anh hơn cả anh. Em biết những thiên  kiến trước kia của anh và cũng biết được những suy nghĩ của anh hiện nay, em hiểu được nhược điểm của anh và toàn bộ tư tưởng của anh. Em đã giúp anh  thoát khỏi con đường sai lầm, giúp anh hy vọng, và em còn tiếp tục uốn nắn  nhiều sai lầm khác của anh nữa''. Cuộc sống gia đình hạnh phúc khiến Faraday  có thể chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học mà không phải bận tâm lo lắng  điều gì.

Thời kỳ mà Faraday đạt nhiều thành quả khoa học nhất là từ năm 1830  đến năm 1839. Trong khoảng thời gian này, ông bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ  càng lĩnh vực vật lý mà cơ bản là phần điện học hiện đại. Thực ra, Faraday đã  quan tâm đến vấn đề điện từ học từ những năm 1821. Sau khi nhà vật lý học  Đan Mạch H. C. Orsted phát hiện về hiệu ứng từ của dòng điện, các nhà vật lý  đua nhau tập trung vào hướng nghiên cứu điện từ. Faraday cũng là một trong số  đó. Ngay trong lễ Giáng sinh năm 1821, Faraday đã công khai biểu diễn thí  nghiệm về hiện tượng “điện từ xoay chuyển” và từ đó, ông trở nên nổi tiếng  trong lĩnh vực điện học. Nguyên lý xoay chuyển điện từ của Faraday chính là  nguyên lý của một máy phát điện. Faraday đã suy nghĩ theo hướng ấy, ông cho  rằng: nếu điện có thể sinh ra từ lực thì từ cũng có thể sinh ra điện. Năm 1822,  ông ghi trong sổ tay của mình khẩu hiệu: “Biến từ thành điện”. Từ đó trở đi,  Faraday bắt đầu mò mẫm tìm hiểu vấn đề đó bằng phương pháp thực nghiệm.  Rất nhiều lần Faraday làm thí nghiệm và thất bại nhưng không vì thế mà ông  nản lòng. Ông suy nghĩ một cách rất logic rằng thế giới là hài hòa và thống nhất,  do đó, điện và từ nhất định có thể chuyển hóa lẫn nhau. Trong suốt thời gian tiến hành các thí nghiệm, Faraday không phải không có lúc thiếu tin tưởng, ông đã  viết thư cho một người bạn với những lời lẽ như sau: “Tôi đang bận rộn nghiên  cứu về điện từ học. Tôi nghĩ, tôi có thể vớt lên được một thứ đồ gì đó đáng giá,  nhưng cũng không dám chắc. Tôi vẫn có thể tốn rất nhiều sức lao động, để vớt  lên không phải là một con cá mà là một nắm thủy tảo''. Và kết quả mà ông tìm kiếm được còn hơn cả một ''con cá'' - nói theo cách của ông. Sau gần mười năm  nghiên cứu, ngày 17 tháng 10 năm 1831, Faraday đã thành công trong việc  chứng minh từ lực có thể biến thành điện lực bằng việc sử dụng nam châm vĩnh  cửu tạo ra dòng điện. Hiện tượng cảm ứng điện từ và cỗ máy phát điện đầu tiên  đã được phát hiện ra như vậy.

Ngày 24 tháng 11 năm 1831, Faraday báo cáo  trước Học viện Hoàng gia về vấn đề phát hiện cảm ứng của điện từ. Bài luận văn này đã trở thành một tác phẩm lớn gồm ba quyển nhan đề: Nghiên cứu thực nghiệm điện học. Ngay lúc  đó, người ta chưa thể hình dung được tác dụng to lớn của phát hiện này. Tương  truyền, có người đã hỏi Faraday: Sự phát hiện này được dùng vào đâu? Rất  nhanh trí, Faraday hỏi trở lại: ''Đứa trẻ mới sinh ra được dùng vào đâu?”  Faraday đã được nhận bằng khen của Học viện Hoàng gia Anh vì phát hiện lớn  này.

Thành công đó không đủ làm thỏa mãn Faraday trên con đường nghiên  cứu khoa học của mình. Năm 1834, Faraday nêu ra hai định luật điện giải mang  tên ông, đặt cơ sở lý luận cho các ngành công nghiệp điện - hóa. Các danh từ  khoa học như: âm cực, dương cực, chất điện phân, điện tích âm, điện tích  dương ... vẫn được dùng cho đến ngày nay. Từ năm 1835, Faraday nghiên cứu  tĩnh điện. Năm 1838, ông lại tiếp tục nêu ra hai khái niệm: từ trường điện,  đường sức.

Năm 1839, sức khỏe của Faraday bị giảm sút nghiêm trọng do ông làm  việc quá sức, lại phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại đặc biệt là  thủy ngân. Ông buộc phải đến vùng núi Alps ở Thụy Sĩ để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Thời gian này, ông đã viết rất nhiều nhật ký và sưu tầm nhiều tiêu bản  thực vật. Ngoài ra, ông vẫn để tâm suy nghĩ đến vấn đề hóa lỏng chất khí và đạt  được một số thành công. Năm 1844, khi sức khỏe đã khá lên, Faraday lại tiếp  tục nghiên cứu thực nghiệm và phát hiện ra hiệu ứng ánh sáng xoay khi có từ  trường. Sự phát hiện này đã chứng minh mối liên quan giữa ánh sáng và từ  trường. Tháng 11 năm 1845, Faraday lại có một phát hiện mới về tính chống từ  trường của vật chất qua thực nghiệm. Qua nhiều lần thực nghiệm, Faraday đã  chia vật chất thành hai loại: một loại ở thể thuận từ (như: sắt, kền, cô - ban. . .), còn một loại ở thể kháng từ.

Như vậy, có thể nói, trong lĩnh vực điện học, Faraday đã có rất nhiều  đóng góp lớn như: dùng thực nghiệm để chứng minh điện tích là trường tồn,  phát hiện hiện tượng tự cảm ứng, phát minh điện áp kế để trắc lượng điện áp. Theo thống kê, những phát minh, phát hiện và cải tiến trong điện học của  Faraday lên đến 158 hạng mục. Những cuốn nhật ký của Faraday cũng được  đóng thành sách gồm có 3236 trang. Năm 1932, Học viện Hoàng gia Anh đã cho xuất bản những cuốn nhật ký này thành 7 cuốn lớn.

Cuộc đời Faraday là cuộc  đời của một nhà khoa học đích thực. Ông không hề quan tâm đến tiền bạc cũng  như danh vọng. Ông đã bỏ qua nhiều cơ hội để trở nên nổi tiếng, ví dụ như năm  1857, Học viện Hoàng gia Anh bầu ông làm hội trưởng nhưng ông từ chối. Một  lần khác, ông lại từ chối việc phong tặng danh hiệu Hầu tước của triều đình. Ông  nói: “Tôi vinh dự làm một người bình dân, không muốn trở thành quý tộc”. Lối sống khiêm nhường ấy đã khiến  rất nhiều người nể phục Faraday. Ông thường trả lời bạn bè mỗi khi họ thắc mắc  về những lần từ chối danh vọng rất đáng tiếc của ông rằng: “Từ trước tới nay, tôi  chưa từng làm việc để theo đuổi những vinh dự như vậy''.

Ngoài thời gian dành cho khoa học, Faraday không hề tiếc thời gian dành  cho việc giảng dạy. Với ông, đó không chỉ là một niềm vui mà còn là một trách  nhiệm to lớn. Ông là người thầy có trách nhiệm rất cao. Ông luôn để ý từng chi  tiết một trong buổi giảng dạy của mình, dù đó chỉ là những vấn đề ngoài lề như:  vấn đề thông gió cho lớp học, vấn đề chiếu sáng hay vấn đề âm vang ... Faraday  cũng rất quan tâm đến vấn đề phương pháp giảng dạy. Ông cho rằng khi giảng  bài phải thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. Trong một bức thư gửi  bạn, ông viết: “... để hấp dẫn thính giả, cần phải chú trọng nhiều về phương thức  diễn giải, nói chuyện đừng quá mau, đừng quá vội để tránh lộn xộn không rõ  ràng. Người giảng bài cần phải chậm và có tiết tấu, diễn đạt tư tưởng một cách nhẹ nhàng, làm cho tư tưởng của mình đi vào đầu óc của thính giả một cách rõ  ràng, lưu loát”. Cho tới tận ngày nay, Học viện Hoàng gia Anh vẫn duy trì  những nguyên tắc giảng dạy mà Faraday đã đề ra bằng kinh nghiệm và lòng tận  tâm với công việc của ông.

Năm 1824, Faraday bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh. Năm  1825, ông mở một lớp gọi là “Buổi giảng bài tối thứ sáu” hằng tuần. Cho tới  năm ông nghỉ hưu, năm 1862, Faraday đã thực hiện hơn 100 lần giảng dạy theo  kiểu này. Nội dung diễn giảng rất rộng, gồm có điện, từ, lực tuyến, máy dệt tơ  chạy bằng điện, chế tạo đá quý nhân tạo, vấn đề thông gió dưới hầm lò, đèn  chiếu sáng, công nghệ mạ bạc trên kính, công trình đường hầm. . . Thính giả đến  nghe Faraday diễn thuyết luôn ngồi chật cả khán phòng. Người ta không chỉ bị  thu hút bởi những tri thức mới mẻ mà Faraday mang lại mà còn bị hấp dẫn bởi  cách thức diễn giải thú vị của ông. Faraday thường để cho các thính giả tự do cắt  ngang lời ông để hỏi, thậm chí có thể cùng lên bục giảng để tranh luận. Ngoài các buổi giảng dạy vào tối thứ sáu như trên, Faraday còn tổ chức một hoạt động  thường niên vào các lễ Giáng sinh hằng năm. Ông đã duy trì được ''Buổi nói  chuyện khoa học cho thiếu niên nhân lễ Giáng sinh'' trong suốt 19 năm. Những  buổi giảng dạy mang tính chất phổ thông như vậy của Faraday đã phổ cập tri  thức cho rất nhiều người. Dù không đào tạo một người học trò nào để kế nghiệp,  cũng không xây dựng học phái của riêng mình nhưng thực sự, Faraday đã là người thầy của một số đông nhân dân. Bài diễn giảng nổi tiếng nhất của ông là  “Lịch sử hóa học của cây nến”. Bài giảng này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và còn được lưu hành cho đến ngày nay.

Không chỉ là một người thầy vĩ đại của số đông, Faraday còn là một con  chiên ngoan đạo của giáo phái Sandemanians. Đây là giáo phái mà cả ông và  người vợ của ông đều tin tưởng tuyệt đối. Dù là một nhà khoa học thực nghiệm  nhưng Faraday không hề bác bỏ tôn giáo. Với ông, tôn giáo và khoa học chẳng  hề trái ngược nhau. Nếu khoa học đối với ông là niềm đam mê thì tôn giáo lại là  sự sùng kính thành khẩn. Bất kỳ chủ nhật nào, hai vợ chồng Faraday cũng đều đi  lễ nhà thờ rất đúng giờ. Năm 1860, khi đã già, Faraday được bầu làm trưởng lão  của giáo hội, tham gia chủ trì nghi lễ và giảng đạo.


Cuộc đời của Faraday đã trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng là một cuộc  đời chân chính. Những gì ông để lại cho nhân loại là vĩnh cửu. Đúng như một  nhà bác học người Đức đã nói: ''Chừng nào loài người còn cần sử dụng điện thì  chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday''. Dù là người  của mọi thời đại, Faraday vẫn giữ đức tính khiêm nhường của ông cho đến lúc  qua đời Ngày 25 tháng 8 năm 1867, Faraday đi vào cõi vĩnh hằng một cách nhẹ  nhàng trên chiếc ghế của ông. Ông được an táng tại công mộ High Gate. Trên  bia chỉ khắc họ tên như những người bình thường khác mà không hề có lời lẽ  nào dài dòng. Đó chính là ước nguyện của ông - được làm một người bình  thường cho đến lúc chết. Song dù thế nào đi nữa, Michael Faraday cũng không  hề là một người bình thường của nhân loại.