Nhiệm vụ 2 của công tác phụ nữ theo quan điểm của Ðảng tại Nghị quyết 11

Kết quả và một số giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đấy mạnh CNH, HĐH

Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Nghị quyết đối với công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời trên cơ sở Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 10/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 88/CTHĐ-ĐCT ngày 28/8/2007 của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam thực hiện Nghị quyết 11, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTHĐ-BTV ngày 29/10/2007 về thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch số 70/KH-BTV ngày 01/11/2007 về việc triển khai, nghiên cứu, quán triệt và học tập Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự tham mưu tích cực của các cấp Hội  đối với công tác phụ nữ và hoạt động Hội trong tình hình mới, các cấp Hội đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 11, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và của Hội cấp trên cho 100% cán bộ, 81,5% hội viên và trên 70% phụ nữ. Qua học tập, quán triệt, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc nội dung Nghị quyết, các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Trung ương Hội, từ đó đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, hành động.

Kết quả sau hơn 07 năm triển khai thực hiện, Hội LHPN các cấp đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đắng giới và công tác phụ nữ cho trên 800.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua hàng trăm buổi sinh hoạt, học tập chuyên đề, tiếp cận nghiên cứu tài liệu, tờ rơi, sổ tay… góp phần nâng cao nhận thức xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.  Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với các Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", “Phụ nữ Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới” ... với nhiều hoạt động, hình thức phong phú, sáng tạo như: truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thi, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình… Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng 12 loại mô hình với 1.827 câu lạc bộ, tổ phụ nữ, thu hút 21.000 phụ nữ tham gia.

Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn phát huy nội lực, ý chí vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, góp phần đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Nhiều chị đã trở thành  giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp năng động, sáng tạo, trở thành những nữ doanh nhân, thành đạt, có chị được nhận danh hiệu “Bông hồng vàng” và danh hiệu nữ doanh nhân tiêu biểu của tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập luôn được các cấp Hội tích cực thực hiện bằng việc tăng cường huy động các nguồn vốn hỗ trợ thông qua vốn vay uỷ thác hộ nghèo, các chương trình, dự án quốc gia, nội lực trong các tầng lớp phụ nữ và hỗ trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổng nguồn vốn do Hội phụ nữ các cấp huy động [tính đến tháng 10/2014] đạt trên 1.100 tỷ đồng, cho hơn 50.000 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo vay [tăng trên 870 tỷ đồng so với năm 2007]; xây dựng mới trên 340 Mái ấm tình thương với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; vận động giúp các gia đình hội viên, phụ nữ khó khăn, hoạn nạn với tổng trị giá 20 tỷ đồng; vận động hỗ trợ cho 6.565 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 1 tỷ đồng; mở 150 lớp dạy nghề cho hơn 6.000 lao động nữ; phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương đào tạo nghề ngắn hạn và tư vấn giới thiệu việc làm cho 10.000 phụ nữ, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về dạy nghề cho lao động nông thôn và lao động nghèo của tỉnh. Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội, hàng năm đã có hơn 20.000 hộ phụ nữ nghèo được giúp và hơn 4.000 hộ được thoát nghèo mỗi năm, góp phần đáng kể vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, [chỉ tiêu NQ đề ra là giảm bình quân 3 - 4%/năm].

Phụ nữ cũng tham gia tích cực trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ. Trên 70% phụ nữ tham gia trong ngành giáo dục, góp phần quan trọng trong vào việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; tỷ lệ nữ được tiếp cận và hưởng thụ giáo dục ngày càng cao, số trẻ em gái đến trường tăng, đặc biệt là con em dân tộc thiểu số. Số lượng học sinh nữ khá, giỏi, trúng tuyển đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng phát triển, đến nay toàn tỉnh có khoảng 45% nữ thạc sỹ trong ngành giáo dục, đào tạo; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chiếm 75%. Đội ngũ nữ cán bộ khoa học kỹ thuật ngày càng trưởng thành, có hơn 270 đề tài khoa học các cấp do phụ nữ làm chủ và nhiều đề tài có giá trị được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ y tế được quan tâm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Trong ngành y tế, phụ nữ chiếm gần 70%, chị em luôn phấn đấu nâng cao tay nghề, rèn luyện y đức, tích cực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các tầng lớp phụ nữ đã quan tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của tỉnh từ 28% [năm 2005] xuống còn 16% [năm 2013]. Phụ nữ trong tỉnh cũng phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, tích cực tham gia vào các lễ hội truyền thống như: đua thuyền, Lễ hội cầu ngư, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa…; tham gia tích cực Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,  Phong trào “Quốc phòng toàn dân”, ‘Vì chủ quyền an ninh biên giới, hải đảo”…, góp phần giữ vững an ninh, bảo vệ trật tự, an toàn, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hội LHPN các cấp đã tích cực tham mưu và giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực và có uy tín để cơ cấu vào cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015. Kết quả tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước: Cấp tỉnh: 14,56% [tăng 4,36%]; cấp huyện: 12,9% [tăng 1,53%]; cấp xã: 15,7% [tăng 2,32%].

Các cấp Hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ nên đã thu hút nhiều hội viên vào Hội, nâng tổng số cán bộ, hội viên đến năm 2014 là 223.128 [tăng 1,44% so với năm 2013]; tỷ lệ cán bộ, hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên đạt 80,38%, vượt 5,38% so với chỉ tiêu Chương trình hành động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp Hội thực hiện thường xuyên. Từ 2007 đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp mở các lớp: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, Trung cấp phụ vận, Trung cấp xã hội chuyên ngành phụ nữ … cho hơn 600 cán bộ Hội chủ chốt cấp cơ sở; hàng năm mở từ 05 - 07 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho gần 600 cán bộ hội chủ chốt cấp huyện và cơ sở. Tham mưu cho cấp ủy các cấp tạo điều kiện cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đồng thời đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho các chức danh đã qui hoạch. Đến nay, 100% các cấp Hội đều hoàn thành công tác dự nguồn các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2016 - 2021 đảm bảo đủ tiêu chuẩn và được các cấp uỷ xác nhận; 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, 66,4% cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định, [dự báo đến năm 2016 sẽ đạt chỉ tiêu Nghị quyết ĐHPN tỉnh lần thứ XVIII đề ra]; bên cạnh đó tiếp tục giới thiệu nhiều cán bộ Hội năng lực, nhiệt huyết bổ sung cho cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, nhất là cấp cơ sở. Hàng năm, có trên 3.000 cán bộ Hội cơ sở được công nhận danh hiệu cán bộ Hội cơ sở giỏi.

Các cấp Hội chú trọng quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Từ năm 2010 - 2014, số nữ được kết nạp Đảng tăng lên rõ rệt [năm 2010 có 683/1.739, đạt tỷ lệ 39,27%; năm 2011 có 775/1.936 ĐV, đạt tỷ lệ 40,03%; năm 2012 có 463 chị/1.148 ĐV đạt 40,33%], nâng tổng số đảng viên nữ trong toàn tỉnh đến tháng 5/2014 là 13.117 ĐV; trong khi đó bình quân nhiệm kỳ 2006-2011, số lượng nữ được kết nạp Đảng chỉ đạt tỷ lệ 28,38%].

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay phụ nữ trong tỉnh vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Đó là: cơ hội việc làm rất hạn chế do ít được đào tạo [tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề chỉ chiếm 25% trên tổng số lao động - số liệu năm 2013]. Thu nhập thực tế của nữ chỉ bằng gần 80% so với thu nhập của nam giới. Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học cao [thạc sỹ là nữ trong tỉnh hiện chiếm khoảng 16% so với tổng số; tiến sỹ chiếm hơn 5% so với tổng số]. Cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ; hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, còn thiếu nhạy cảm giới, một số chính sách chưa được quan tâm thực hiện. Ngoài ra còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía Hội là do công tác tham mưu còn hạn chế; một bộ phận nữ còn tự ti, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện…

Để phát huy hơn nữa vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thiết nghĩ trong thời gian đến Hội LHPN các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 11, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức học tập, quán triệt các nội dung của Nghị quyết 11 đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh bằng nhiều hình thức; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu cho các cấp uỷ đảng tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo bước chuyển biến về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 02/ĐA- BTV về việc “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội”, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát triển hội viên; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác xây dựng cán bộ đảm bảo về chất lượng và đủ về số lượng, tiêu chuẩn cán bộ; thực hiện đồng bộ từ khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ dựa trên cơ sở đảm bảo tính liên tục, kế thừa và phát triển, giữ vững đoàn kết nội bộ và ổn định chính trị, mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, có năng lực vào các vị trí lãnh đạo; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội xây dựng quy hoạch cán bộ, kịp thời củng cố, kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hội khi có sự thay đổi và tiếp tục bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở những nơi còn thiếu để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Thứ tư, thực hiện tốt Phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với các cuộc vận động, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện…; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tiêu chí “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” nhằm hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, đặc biệt chú trọng đến chất lượng dạy nghề và tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau học nghề; tiếp tục khảo sát nhu cầu và tổ chức đào tạo nghề, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ theo hướng ưu tiên phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Khâu đột phá “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở” và tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở”.

Thứ sáu, chủ động, kiên trì tham mưu, đề xuất các cấp ủy Đảng trong triển khai Nghị quyết, lựa chọn những nội dung trọng tâm để tham mưu cho cấp ủy tập trung triển khai thực hiện; phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết; huy động sự tham gia của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, chương trình, đề án phù hợp, tạo điều kiện cho sự tiến bộ phụ nữ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công tác phụ nữ.

                                                                                      Mai Phương