Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

      Là thế hệ họa sĩ được đào tạo trong khuôn khổ của hội họa hàn lâm châu Âu tại trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp truyền đạt, dù muốn hay không, lớp họa sĩ ấy cũng chịu những ảnh hưởng của loi vẽ và nặn theo những nguyên tắc chính xác đến từng chi tiết do người châu Âu quan niệm dựa trên khoa học của họ.

      Suốt bao nhiêu năm trên ghế nhà trường, những sinh viên cứ nhẫn nại chép mẫu người mong sao cho thật chính xác. Và khuynh hướng tả thực đã hình thành trong hết thảy các họa sĩ vẽ sơn dầu. Dù tìm tòi trên những phương diện khác nhau, các họa sĩ vẫn tôn trong lối tả thực khi xây dựng tác phẩm bằng sơn dầu. Hình như tất cả những họa sĩ ngày đó đều cho rằng tả thực là lối vẽ có nhiều ưu điểm nhất, để diễn tả sâu sắc nhân vật và cuộc sống. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã vẽ một cách trung thành với hiện thực. Bức vẽ đầu tiên ấy là Mẹ tôi gửi dự phòng triển lãm họa sĩ Pháp  tại Paris, năm 1935.

       Từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ lao động, ông vẫn kiên trì và bền bỉ trong quan niệm nghệ thuật này: “Vẽ như chính mắt ta nhìn thấy”, nhưng họa sĩ không phải là một người sao chép thụ động cuộc sống như một chiếc máy ảnh. Những sáng tạo của người họa sĩ đều phải dựa trên cơ sở ghi chép hiện thực để trình bày hiện thực một cách nghệ thuật mà vẫn gần gũi với rộng rãi nhân dân, vẫn trong sáng đối với trình độ thưởng thức của công chúng mỹ thuật nước nhà. Để họ lĩnh hội đến mức tối đa ý muốn của hoạ sĩ...

      Trung thành với quan niệm ấy, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã chọn những đề tài thật bình dị và phổ biến như chính những gì mà ta thấy hàng ngày. Đó là những chân dung, những sinh hoạt gia đình ấm cúng, những phong cảnh của nhiều vùng đất nước... Tranh của ông không mang nhiều ngụ ý sâu xa, không để người xem phải nhọc lòng nghĩ ngợi, không bắt họ phải trăn trở suy tư. Trong rất nhiều lối nói của nghệ thuật hội hoa, ông đã chọn một lối nói trực tiếp mà vẫn gửi nhiềuu liên tưởng. Ông muốn người xem tiếp nhận một cách nhanh nhất những gì ông phản ánh và từ cái ghi nhận thoạt đầu ấy, họ tìm sâu thêm điều ông muốn nói. Tranh của ông là những mảnh ghép của cuộc sống được tài năng nghệ thuật làm cho thi vị và tươi mát và chính vì thế mà tác phẩm của ông gần gắn với tất cả mọi lớp người. Với một tâm hồn dịu nhẹ và xúc cảm nhạy bén, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã rút ra từ sự ngổn ngang và bề bộn của hiện thực những nét đẹp đầy chất thơ và đầy tình cảm. Và, chỉ ở những nội dung này, ngọn bút của ông mới thực sự thoải mái và tác phẩm của ông mới có sức truyền cảm mạnh mẽ.

      Bởi vậy, ta dễ nhận thấy, cho dù ông lựa chọn một lối nói trực tiếp, trong một lối vẽ trực họa, nhưng nội dung tác phẩm của ông lại thường không trực tiếp phản ảnh những thời khắc gây gấn, cao trào của hoạt động sinh hoạt. Sau chuyến đi vẽ ở vùng mỏ Quảng Ninh 1965, ông đã tập trung cho việc hoàn thành tác phẩm Sơn mài Thằng cu đất mỏ. Ở tác phẩm này, ta không thấy bóng dáng của hầm lò, của những vỉa than, của những máy xúc kềnh càng, ta cũng không thấy những người thợ lò khỏe mạnh, vai vác choòng, tung áo đẫm mồ hôi, mà chỉ gặp ở đây gia đình của họ. Một gia đình hạnh phúc, ấm êm trong không khí quây quần của người mẹ, người vợ quanh đứa con khỏe mạnh, bụ bẫm và chuồng chim câu, cây dâu da xoan nở hoa lấm tấm... càng vọng thêm cái âm vang của hạnh phúc. Chính cái hạnh phúc gia đình nhỏ bé này cho ta thấy được cuộc sống lao động của người thợ lò. Nếu gọi công trường khai thác than là tiền tuyến, thì gia đình chính là hậu phương. Một hậu phương yên tĩnh, trìu mến, no đủ, lẽ nào lại không bảo đảm cho một tiền tuyến chiến thắng. Để phản ảnh cuộc sống chiến đấu của hậu phương Quảng Bình trong những ngày đánh Mỹ ác liệt, ông cũng lại chỉ khai thác hiện thực ấy dưới một khía cạnh rất tình cảm... Đó là thời khắc mà hai người du kích đón nhau chuần bị đi làm nhiệm vụ ở một bến đò giữa buồi sáng có mưa bay chéo mặt sông! Ai biết trước được cuộc chiến đấu sắp đến rồi sẽ ra sao? Nhưng buổi sáng này thật đẹp, thật yên lành và bình dị. Đó là sự bình tĩnh, tự tin như chính tư thế của toàn dân tộc ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược.

Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

Tác phẩm Tát nước đồng chiêm - Họa sỹ Trần Văn Cẩn

      Những ai đã từng sống dưới địa đạo, dù chỉ một ngày đều có thể thấy được mọi sự gian nan, chật chội và trái ngược với môi trường quen thuộc của con người. Trong âm u và ngột ngạt của lòng đất ấy, họa sĩ Trần Văn Cẩn lại cũng nắm bắt một nét hiện thực đầy ý nghĩa của cuộc sống và nhân nó lên, đưa nó vào tác phẩm... Trong lòng đất ghi lại cảnh mẹ ru con dưới địa đạo bên ngọn đèn dầu tỏa sáng từ chiếc vỏ bom bi. Ấy là cuộc sống và sinh sôi, vẫn âm vang tiến triền ngay cả trong những điều kiện nghiệt ngã nhất. Đó cũng chính là hiện thực của đất nước này. Nhưng ngay những khi phản ánh trực tiếp cuộc sống lao động, ông cũng có cách khai thác và nhìn ngắm của riêng mình. Ghi lại tất cả các động tác “tát nước” vất vả từ bao đời của người nông dân, ông vẫn tôn trọng hoàn toàn thực tế ấy, nhưng ông đã nhìn nó, tạo lại nó, sắp xếp nó khác nào một nhà biên đạo múa. Chính vì thế mà Tát nước đồng chiêm đã toát lên không khí ngày hội của người lao động.

      Làm đẹp con người và trình bày hiện thực trong những khía cạnh đầy chất thơ, để cho con người thêm tin yêu cuộc sống, đó là ý thức thẩm mỹ của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Và, để đạt được mục đích ấy ông đã đem vào tác phẩm của mình phần lớn là phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà trong số hơn 50 nhân vật của khoảng 30 tác phẩm chủ yếu mà ông đã vẽ, phụ nữ đã chiếm tới 43 người. Nhiều tác phẩm chính như Mùa đông sắp đèn, Tát nước đồng chiêm – loại tranh bố cục nhiều nhân vật của ông thì phụ nữ đã chiếm toàn bộ hoặc hầu hết nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói phần lớn tranh của ông đều có hình ảnh của người phụ nữ. Nhiều tác phẩm xuất sắc của họa sỹ Trần Văn Cẩn chỉ lấy mục đích trình bày vẻ đẹp uyển chuyển về đường nét hoặc tâm hồn trong sáng của người thiếu nữ như: Gội đầu, Em Thúy, hay Thiếu nữ áo trắng...

      Sự lựa chọn nhân vật phụ nữ của ông thật dễ hiểu, bởi vì, bản thân người thiếu nữ đã thường được người đời gọi là “phái đẹp”, lại được bàn tay nghệ thuật của ông tước lược và nâng cao để phục vụ cho những chủ đề có tính chất tình cảm. Mấy chục nhân vật nữ trong tác phẩm của ông, đã được ông trình bày qua các lứa tuổi, từ khi họ còn là đứa trẻ đến thời kỳ làm mẹ, trở thành người bà. Để khai thác và phô diễn những vẻ đẹp của người phụ nữ, ông đã đặt nhân vật của mình trong nhiều tư thế, lúc dạo chơi, khi ngồi nghỉ, lúc tựa cửa, khi gội đầu, khi đang tát nước, lúc đang đứng gác, khi ngồi đan len, lúc đi cấy, đi gặt, lúc ngồi đưa võng trồng con, khi âu yếm quây quần trong cảnh gia đình, lúc dạy trẻ học... Ở lứa tuổi nào của người phụ nữ, ông cũng tìm thấy vẻ đẹp để khai thác. "Em xinh em đứng một mình cũng xinh" (dân ca quan họ). Bởi vậy, phần lớn tranh có dụng ý này ông thường chọn nhân vật thiếu nữ và chỉ bố cục một người: Em Thúy, Gội đầu, Thiếu nữ áo trắng, Chân dung cô T, Nữ dân quân vùng biển... Khi người phụ nữ đã qua tuổi thanh xuân trở thành những người mẹ, người bà thì vẻ đẹp của họ không còn nằm ở bản thân hình thể mà được thể hiện trong tình cảm gia đình. Vẻ đẹp ấy được tạo nên ở mối liên hệ tình cảm giữa nhiều nhân vật trong tác phẩm. Ý thức nhằm tạo ra những xúc cảm thẩm mỹ cho người xem khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ ở tác phẩm là một trong những mục đích nghệ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

      Nhưng ông không muốn đưa ra trước người xem những người phụ nữ đài các, sang trọng, lộng lẫy của giới thượng lưu thành thị. Tất cả những nhân vật nữ của ông là những con người bình dị, đôn hậu, với vẻ đẹp gần gũi và trìu mến, vẻ đẹp mà ta thường gặp ở họ trong cuộc sống. Có thể nói, ông khá thuộc, thuộc đến nhuần nhuyễn những mẫu phụ nữ bình dân ở nhiều môi trường. Họ có trang phục khác nhau, hoạt động khác nhau, ở những địa phương khác nhau, ở nhiều lứa tuổi khác nhau và những dân tộc khác nhau, nhưng đều gây được một ấn tượng chung: Nguời phụ nữ Việt Nam đẹp một cách đầy đặn, trong sáng và tình nghĩa. Có thể coi vẻ đẹp ấy là một khía canh của chất dân tộc trong các tác phẩm của ông?

      Nhưng vẻ đẹp ấy có biến đổi và mang tính thời đại. Tác phẩm đầu tay của ông là chân dung một người phụ nữ. Suốt cả thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, nhân vật nữ của ông là những em bé, những thiếu nữ thành thị - Họ bình lặng thanh thản ngồi “trước bình phong”, hoặc dạo chơi “trong vườn”. Họ chỉ như một mẫu hoa trang trí cho cuộc sống mà hình như không tham dự vào cuộc sống. Họ nhẹ nhõm quá, vô tư quá và đôi lúc cũng thấp thoáng vẻ cô đơn trước một hiện thực đầy biến động và đầy ngột ngạt.... Ở triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất (1946), lần đầu tiên, người phụ nữ đã được ông đưa “Xuống đồng” tham dự vào cuộc sống lao động như bao đời nay, họ đã là như thế. Không có gì mới mẻ trong công việc gặt hái, cây trồng đối với người phụ nữ nông thôn, nhưng trong cách nhìn của ông, đó là một chuyển biến. Nguời phụ nữ vẫn rất đẹp ngay cả trong công việc cấy lúa vất vả giữa bùn nước. Họ đẹp một cách tươi trẻ và khỏe khoắn. Vì từ nay đất nước đã độc lập.

      Và hơn 10 năm sau Xuống đồng, người phụ nữ lại hồ hởi trong Tát nước đồng chiêm. Trong công việc vất vả và nặng nhọc này, ông đã đưa vào mỹ thuật một tập thể người đẹp. Đẹp ở dáng hình, đường nét, nhịp điệu, ở tư thế lao động. Có thể nói Tát nước đồng chiêm là một trong những tác phẩm đẹp nhất vẽ về người phụ nữ nông dân Việt Nam trong lịch sử mỹ thuật hiện đại của nước ta. 

Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

Tác phẩm Em Thúy - Họa sỹ Trần Văn Cẩn

      Nếu như ở Em Thúy, Gội đầu, Xuống đồng, Tát nước đồng chiêm, Nữ đân quân vùng biển, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã trình bày vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam dưới nhiều sắc thái, nhiều khía cạnh ở lứa tuổi thiếu nữ và thanh nữ, thì ở Con đọc bầm nghe, Thằng cu đất mỏ, ông lại nhấn mạnh vẻ đẹp của các bà mẹ. Gương mặt của nhân vật bà mẹ trong hai tác phẩm trên thật trìu mến, đôn hậu và gợi tả liên tưởng đến những nét thanh nhã của họ trong thời xuân sắc. Đó là vẻ đẹp được đúc kết từ những bà mẹ của vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ nước ta. Đôi khi, để giúp cho nhân vật thể hiện tình cảm và làm sinh động thêm không khí của tác phẩm, ông đã đưa vào tranh mình những em bé. Những em bé thật ưa nhìn.

      Ngọn bút của ông đối với các nhân vật bé bỏng này - dù chỉ là điểm thêm cho tác phẩm – cũng thật trân trọng. Nếu như những em bé nằm gọn trong lòng mẹ, lòng chị, mở to cặp mắt nhìn ta, trong Ở hang với vẻ buồn bã, thì hai em bé ngồi học bài trong Mùa đông sắp đến lại thật dễ thương. Một bé trai, một bé gái chăm chú tập viết, bụ bẫm, gọn gàng là một nét đẹp trong cuộc sống. Thằng cu mỏ đất hầu như là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Vẻ trân trọng nhân vật bé bỏng ở đây của ngọn bút lại chính là sự thể hiện tình cảm của mẹ và bà đối với đứa bé. Em chính là niềm vui, chính là hạnh phúc, chính là ngọn lửa làm rạng lên vẻ mặt của những nhân vật liên hệ…

       Cách khai thác đề tài nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ trong một lối diễn hình thực, thiên về trang trí đã làm nên phong cách Trần Văn Cẩn. Và đó cũng chính là "chất" của ông. Đôi khi trước hiện thực chiến đấu sôi sục, trước những vấn đề lớn lao của thời đại, trước những chấn động dữ dội của lịch sử đất nước, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã muốn bước khỏi chính mình, cho tác phẩm thấm đầy giông bão của cuộc sống, nhưng những khi ấy, ông đã không đạt đến thành công, Nguyễn Văn Trỗi (1965) và Một trận đánh ở Cheo Reo (1980) đã là một chứng tỏ.

      Và những khi, ông muốn làm cho tác phẩm của mình mang một chút suy tư, bước xa hơn những gì vốn đã quen thuộc ở chính mình, thì lúc đó tác phẩm của ông cũng tỏ ra ít nhiều gượng ép và thiếu nhuần nhuyễn. Đầu nguồn (khắc gỗ màu 1976) đã rơi vào tình trạng đó...

      Phong cách hiện thực của Trần Văn Cẩn đã không nhiều dao động qua suốt mấy chục năm, và xuyên suốt thời gian đó, cùng một lúc, ông mở rộng phong cách của mình về hai phía: Khai thác đề tài và tìm sâu hơn trong lối diễn hình để đạt đến độ thoải mái cho tác phẩm.

      Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, không hiểu những danh họa mà suốt cuộc đời mình chỉ trung thành với một cách vẽ và một đề tài. Biển cả với những trạng thái của nó là đề tài mà họa sĩ Nga Ai-va-đop-xki, suốt đời theo đuổi, hoặc với lỗi vẽ thủy mặc, họa sĩ Trung Quốc Tề Bạch Thạch đã để lại hàng ngàn tác phẩm về tôm, cua, cá...

      Sự đóng góp cho nghệ thuật của một nghệ sĩ không phải chỉ duy nhất ở sự phát hiện những con đường mới, mà còn nằm ngay trong sự làm phong phú thêm con đường mà người khác đã đi qua, với dấu ấn của riêng mình.

      Họa sĩ Trần Văn Cẩn cho rằng sự phong phú trong sáng tạo nghệ thuật trước hết là thông qua những đặc điểm, tính cách của nhân vật để nói được cái phong phú của cuộc sống. Cái quan trong nhất, dù vẽ bằng chất liệu nào cũng là thể hiện tính cách con người. Điều đó đòi hỏi không những phải vững vàng tay nghề mà phải có sự thực trải, sự sâu sắc, sự quan sát nhạy bén và óc khái quát cao. Chính cuộc sống quy định cho họa sĩ cách vẽ. Sự sơ lược hoặc sự phong phú đều nằm trong sự biểu hiện tính cách con người chứ không ở hình thức diễn đạt...

      Những bậc thầy về hội họa thế giới như Pin-Xế-Rốp (họa sĩ Nga), Lê-ô-na-do Vanh-xi (họa sĩ Ý) vốn dĩ rất công phu khi tìm nhân vật và ghi chép tài liệu. Tác phẩm của những danh họa này đã tôn trọng đến mức tối đa tài liệu ghi chép. 

      Sự phát triển của phong cách nghệ thuật Trần Văn Cẩn cũng cùng dòng chảy với sự phát triển của cuộc sống và tiến bộ xã hội. Trước Cách mạng Tháng Tám, nội dung trong các tác phẩm của ông thường chỉ quẩn quanh trong mấy sinh hoạt của người thành thị và đôi ba cảnh làm lụng của nông dân ngoại thành Hà Nội. Nhân vật chỉ là mấy mẫu người thành thị quen thuộc, ít bộc lộ được tính cách. Đời sống đã phủ lên gương mặt họ một lớp sương mù với ít nhiều ảm đạm và hiu quạnh. Những tác phẩm ấy, là sản phẩm của những xúc cảm tùy hứng mà đôi khi không cần có mục đích tư tưởng gì rõ rệt. 

     Cuộc Cách mạng tháng Tám và đường lối văn nghệ của Đảng đã đem lại cho ông một cái nhìn hiện thực phong phú và sinh động. Ông khai thác đề tài trên nhiều bình diện của cuộc sống và chiến đấu. Nhân vật của ông tắm mình trong không khí sôi nổi của Cách mạng và tính cách các nhân vật ngày càng trở nên rõ nét, đậm đà mang phong tải ung dung, hồn hậu, tự tin và kiên quyết của con người Việt Nam trước hiện thực hào hùng, khắc nghiệt. 

      Suốt nhiều năm kháng chiến chống Pháp, hầu như ông chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một người công dân đối với Tổ quốc và một giáo viên mỹ thuật. Cuộc kháng chiến đối với ông là một thực tế hết sức quý giá để nhìn nhận, thâu đạt, khám phá sức mạnh và nhân cách con người. Nếu như những chuyến di chuyển, những lần công tác, những đợt đi thực tế cùng học sinh... trong nhiều vùng Việt Bắc, ông chưa có thể để lại nhiều trực họa, thì những ấn tượng, những hình ảnh, những tấm lòng người trải rộng theo các nẻo đường kháng chiến đã thấm đầy tâm hồn ông, đã xâm nhập vào tình cảm ông và dự phần quyết định nghệ thuật ông.

       Và chính ngay trong hiện thực của kháng chiến phong phú, trong những điều kiện eo hẹp và thiếu thốn, ông đã châm ngòi bút của mình vào dòng đời cuộn chảy, xây dựng tác phẩm Lò đúc lưỡi cày trong kháng chiến. Đó là lần đầu tiên ông mở rộng đề tài phản ánh trực tiếp một hoạt động của người thợ đúc ngay tại hiện trường. Người thực, việc thực, không khi thực và vì vậy lối vẽ cũng nặng về tả thực. 

      Từ không khí rất thực của lò đúc lưỡi cày, ông bước sang đề cập đến một mặt rất thời sự của hiện thực xã hội bấy giờ, đó là chủ trương đón thương binh về làng của Nhà nước, trong tranh lụa Con đọc bầm nghe. Chủ đề trong Tát nước đồng chiêm phản ánh không khí hồ hởi, vui mừng của người nông dân đón nhận phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Thằng cu đất mỏ lại nhìn cuộc sống dưới một khía cạnh khác, hạnh phúc của một gia đình người thợ mỏ dưới chế độ mới. Và Nữ dân quân vùng biển, Mưa mai trên sông Kiền là một vài hình ảnh ghi nhận về cuộc chiến đấu chống Mỹ.

      Những đề tài ông chọn được mở rộng theo những chuyến đi và theo thực tế cuộc sống. Nhiều tác phẩm của ông về Hồ Chủ Tịch đã lấy bối cảnh trong khung cảnh Pác Bó và ngôi nhà sàn Bác làm việc ở Hà Nội. Công trường thủy lợi Đắc Uy ở Tây Nguyên, một Mùa gặt ở Quảng Bình cũng là những tác phẩm mà ông đã xây dựng trên cơ sở tôn trọng đến mức tối đa tài liệu ghi chép. Các mảng hiện thực của đời sống, chiến đấu và lao động đều đến trong tác phẩm của ông với nhiều bối cảnh và sắc thái, với nhiều khung cảnh ở Hà Nội, nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh, vùng mỏ Quảng Ninh, Tây Nguyên, vùng núi, vùng biền. Là một họa sĩ tôn trọng hiện thực, ông đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm và trực họa nhân vật nhằm tìm thật sâu tính cách của họ để đưa vào tác phẩm. Ông làm việc từ tốn, nhẫn nại. Nhiều khi chỉ một lão dân quân, ông đã có đến gần chục ký họa kỹ lưỡng. Ông vẽ đến mức gần như thuộc đến cả từng chi tiết trên nhân vật. Với sự quan sát tinh tế, với khả năng ghi hình ấy, theo thời gian, nhân vật trong tác phẩm của ông càng được bộc lộ những tính cách và đặc điểm điển hình. Những tính cách ấy được diễn tả rất tự nhiên, thoải mái, không cần một chút khoa trương.

      Bác thợ lò không thể lẫn được với những công nhân cơ khí khác vùng công nghiệp khác. Nữ dân quân vùng biển chắc chắn không phải là lớp thanh nữ ta thường gặp ở các hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng và ông lão dân quân trong Mưa mài trên sông Kiền chỉ có thể thấy ở vùng đất biển miền Trung. Xây dựng tính cách nhân vật là một cố gắng kiên trì và là một quan niệm trong sáng tác của họa sĩ Trần Văn Cẩn suốt cả cuộc đời ông.

      Ông cũng hoàn toàn ý thức trong việc đưa vào tác phẩm của mình những chi tiết mang đặc điểm phù hợp với tính cách nhân vật. Cây cỏ, hoa lá, hình thể các vật dụng... cũng được ông ghi chép khá cụ thể trước khi đặt chúng vào tác phẩm. Dàn cây leo, khóm phù dung nở hoa là những chi tiết sinh động nhấn thêm cho khung cảnh đan len của các cô gái thành thị. Con cò, những tầu khoai nước, khóm tre mang thêm màu sắc đồng quê êm ả cho Tát nước đồng chiêm. Chiếc đèn dầu bằng vỏ bom bị nhấn mạnh thêm ý nghĩa của chủ đề: cuộc sống vẫn sinh sôi ngay dưới tầm bom đạn trong tác phẩm Trong lòng đất và chiếc áo tơi lá, con thuyền dài, dòng sông hẹp với bờ đất dựng đứng đã tô đậm thêm đặc điểm miền Trung cho lão dân quân trong Mưa mai trên sông Kiền.

      Đối với ông tất cả mọi chi tiết phải phục vụ chủ đề tác phẩm, phải do tác phẩm quy định và phải hỗ trợ cho mục đích của họa sĩ. Bởi vậy, các chi tiết, dù là một nhành cây, mô đất, chú mèo, khóm trúc hoặc chuồng chim... đều phải được họa sĩ tôn trọng và đối xử công bằng.

      Kiên trì trong lối vẽ hiện thực, nhưng ông hoàn toàn không lệ thuộc vào hiện thực. Hiện thực trong tác phẩm của ông là một hiện thực đã được khái quát và điển hình hóa bằng nghệ thuật diễn đạt, mà tập trung nhất là ở nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật.

      Ở nhiều tác phẩm, tuy mang tính tả thực hoặc gợi cho người xem tiếp nhận một không khí thực, nhưng ông đã khéo léo và kín đáo sắp xếp lại thực cảnh, đề đẩy thêm không khí của thực cảnh cao hơn bản thân nó. Trong Tát nước đồng chiêm không những ông đã nâng cao tác động tác và tư thế tát nước làm cho đẹp hơn, uyển chuyển và mềm mại hơn, ông cũng không hoàn toàn tuân theo luật xa gần khoa học mà kết hợp nó với lối nhìn “tẩu mã” trong họa pháp truyền thống phương Đông, nhằm vẫn cho ta nhận rõ cái đẹp của hình điệu từng nhân vật, mà tác phẩm vẫn có chiều sâu và không khí. Không có ánh sáng thì không thể có nghệ thuật hội họa. Nhưng cách dùng ánh sáng trong tranh của Trần Văn Cẩn cũng biến đổi theo nội dung tác phẩm và chất liệu sử dụng. Không ưa dùng ánh sáng rực rỡ, mạnh mẽ ngay cả khi nhân vật của ông tắm trong ánh sáng thiên nhiên.

      Ánh sáng trong tranh ông thường dịu nhẹ, vừa đủ để phơi bày vẻ đẹp của nhân vật và tạo không khí cho nội dung tác phẩm. Ánh sáng ấy rất thực trong chất liệu sơn dầu, vừa thực lại vừa ước lệ trong Sơn mài, khắc gỗ... Ánh sáng ấy nằm ngay trong những mảng màu và cách dùng màu của tác giả. Đó không phải là một thứ ánh sáng đập thẳng vào mắt ta mà ánh sáng gợi trong ta sự liên tưởng về thời gian và không khí...

Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

Tác phẩm Gội đầu - Họa sỹ Trần Văn Cẩn

      Ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo trong Gội đầu cho ta một cảm giác mát lành và không khí như phảng phất mùi hoa. Ánh sáng như mật ong tỏa ra từ bức tường nền gạch gần vỏ trứng toát màu cánh gián, từ nền son và màu áo, lá cây vàng, đã ánh lên sắc nắng bừng nhẹ cuối thu trong Mùa đông sắp đến và một ánh sáng hoàn toàn của thiên nhiên đã được ông dùng đè xây dựng Nữ dân quân vùng biển.

      Cho dù, ở nhiều tác phẩm khắc gỗ, Sơn mài, lụa, lối vẽ của ông ngả về trang trí nhưng bao giờ trong cách dùng màu, ông cũng cố gắng tả thực. Ngoại trừ những mảng màu dùng làm nền để tạo không khí chung, còn các nhân vật, các chi tiết khác, về màu, đều được ông tôn trọng như thường có trong thực tế. Hầu như màu trong tác phẩm của ông không xa lạ với cuộc sống mà như được ghi lại từ cuộc sống. Đối với ông những gì trái với hiện thực cuộc sống đều không được ông chấp nhận trong tác phẩm. Hiện thực phong phú của cuộc sống muôn màu đã thấm nhuần vào máu thịt ông, vào tình cảm và nghệ thuật ông, đến nỗi, vẽ ngược lại nó là một điều không thể. Nhưng những màu rất thực ấy trong cuộc sống đã được ông chuyển hóa, làm đẹp lên rất nhiều trong tác phẩm, bởi những màu ấy như được chứa ánh sáng bên trong và ánh sáng làm cho chúng trở nên sinh động và bởi cuối cùng, màu sắc ấy đã chiếu qua tâm hồn nhạy cảm của ông.

      Nếu hiện thực phong phú của cuộc sống đã cho ông nguồn tài liệu chẳng bao giờ vơi cạn thì chính hiện thực ấy cũng quy định bút pháp của ông. Nhìn chung bút pháp của ông nhẹ nhàng, trau chuốt trong một lối làm việc thận trọng, từ tốn. Nhưng cách vẽ ấy cũng biến hóa tùy ở nội dung tác phẩm. Cách vẽ cũng tham dự vào chính nội dung tác phẩm. Hoạt bát và phóng khoáng trong Nữ dân quân vùng biển, Có phần xù xì gân guốc trong Mưa mai trên sông Kiền. Thoáng chút bay bướm ở Tát nước đồng chiêm. Cần thận, tinh tế ở Mùa đông sắp đến, dịu dàng trong Em Thúy và trau chuốt ở Gội đầu.

Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

Họa sỹ Trần Văn Cẩn khi về già trong xưởng vẽ của ông

      Do không ngừng mở rộng đề tài và xây dựng những tính cách khác nhau của nhân vật mà càng gần tuổi 70, ông vẽ càng hoạt bát, càng linh động. Ông dùng màu cũng tươi trẻ hơn, phong phú hơn, và bạo dạn hơn nhưng cũng có thể vì thế mà tranh ông không còn nhiều kỹ lưỡng!

      Từ sau ngày Cách mãng tháng Tám, trở thành một nghệ sĩ trong ngành văn hóa kháng chiến, ý thức lấy nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng đã quán triệt trong tư tưởng nghệ thuật ông. Ý thức đó vừa là của một người họa sĩ, vừa là của một người lãnh đạo Mỹ thuật nên hầu hết tác phẩm của ông đều là kết quả của những chuyến đi vào thực tế mũi nhọn của cuộc sống, và vì thế những tác phẩm đó còn có ý nghĩa thời sự...

      Tác phẩm Tát nước đồng chiêm ra đời năm 1958, ghi nhận ngay không khí phấn khởi của nông dân trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Con đọc bầm nghe là một khía cạnh hiện thực của việc thực hiện chủ trương đón thương binh về làng lúc ấy. Trong lòng đất, chứa đựng một lượng thông tin rất thời sự về cuộc sống của người dân vùng đất lửa Vĩnh Linh dưới bom đạn địch. Công trường thủy lợi Đắc Uy cũng được hoàn thành rất kịp thời trong phong trào nước cho Tây Nguyên để khai hoang phục hóa tự túc lương thực...

      Lối khai thác đề tài giàu chất thơ, tính cách nhân vật đa dạng sâu sắc, lối vẽ thực thiên về trang trí, bút pháp tinh tế, nhẹ nhàng, màu sắc tự nhiên mà chọn lọc... đã làm nên phong cách Trần Văn Cẩn, một phong cách hiện thực. Trải dài trên nửa thế kỷ lao động, với sự tìm tòi trên nhiều hướng, ông đã tạo một phong cách hiện thực của mình vừa sâu sắc, vừa thoải mái tự nhiên. Có thể nói một cách gần như mâu thuẫn là: Phong cách của họa sĩ Trần Văn Cẩn là không có phong cách. Cuộc sống như thế nào ông trung thành phản ánh nó như vậy và phong cách của ông là do cuộc sống đẻ ra, do hiện thực phong phú của cuộc sống quy định.

Nhiệm vụ của màu sắc trong bức tranh tả thực phải như thế nào?

Các tác phẩm của họa sỹ Trần Văn Cẩn trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

      Nhìn tác phẩm của ông, người ta dễ nghĩ rằng vì nó thật dễ dàng, điều mà bất cứ người họa sĩ nào cũng có thể làm được, cũng có thể đạt đến. Bởi ta không thấy chúng cường điệu, khoa trương, suy tưởng rắc rối mà nó thoải mái, tự nhiên y như bản thân cuộc sống.

      Khởi hành từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước, khi mà hội họa hiện đại Việt Nam còn đang dò dẫm tìm đường và còn hiếm hoi thành tựu, khi mà chân dung Đất Nước còn bị các thế lực chính trị phản động phủ đặc sương mù, khi mà mỗi nghệ sĩ chân chính Việt Nam còn đang băn khoăn trước bao câu hỏi về thân phận của riêng mình và số phận của dân tộc. Thì cùng với thế hệ những họa sĩ giàu tài năng ngày đó như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân,... Trần Văn Cẩn đã ít nhiều tiếp nhận ảnh hưởng của họa phái ấn tượng châu Âu trong nghệ thuật của mình. Đó là một hiện trạng đồng chiếu có thể nhận ra trong địa hạt văn học, thi ca, mà tập trung nhất là ở nhóm “Tự lực văn đoàn”. Nhưng những tác phẩm thành công rất sớm ở thế hệ họa sĩ này, đã góp phần quan trọng giữ cho mỹ thuật Việt Nam, ngay từ khi xuất phát, đã không rơi vào lối vẽ hiện thực cổ điển như nhiều họa sĩ trước đó và cũng không quá phá phách, cách tân đến hỗn loạn bế tắc.

     Vị trí nghệ thuật của những tác phẩm thành công ngày ấy, đã có ảnh hưởng có dấu ấn đậm đà đến chiều hướng phát triền mỹ thuật sau này. Và có thể nói rằng, trong chừng mực nhất định, họa sĩ Trần Văn Cẩn, bằng sự hiện diện khá dài của mình, đã làm cho nó thêm sức tác động.

      Nếu coi lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như một phòng tranh lớn, treo đầy những tác phẩm phản ánh nhiều phương diện khác nhau của hiện thực xã hội, phong cảnh thiên nhiên, tâm hồn dân tộc, gương mặt con người... của những phong cách khác nhau, thì phong cách hiện thực Trần Văn Cẩn là một tiêu biểu.

       Cái gì đã tạo nên ở Trần Văn Cẩn chủ nghĩa lạc quan để ông ngày càng hoàn thiện phong cách hiện thực của mình? Đó là bản tính hồn hậu, yêu đời, yêu cuộc sống của nhân dân lao động đã thấm vào máu thịt và tâm hồn ông, đó là sức làm việc nhẫn nại, bền bỉ và tranh thủ thời gian của ông, và cuối cùng là chính hiện thực phong phú của cuộc sống.

#TriềuDương