Những thành tựu của phụ nữ Việt Nam

Những thành tựu của phụ nữ Việt Nam

Bà Irene Ohler cho rằng một DN bền vững là DN mà mọi người muốn làm việc, muốn đầu tư vào và BĐG tại nơi làm việc là một trong những chính sách quan trọng để đạt được những mục tiêu này. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Chia sẻ những đánh giá của mình về vấn đề thực hiện bình đẳng giới (BĐG) tại Việt Nam, bà Irene Ohler, Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam và nhà sáng lập của tổ chức Lightpath Leadership (là công ty tư vấn phát triển năng lực lãnh đạo) cho rằng có nhiều tin vui khi nói về kết quả của hoạt động thúc đẩy BĐG tại Việt Nam.

Phóng viên của Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Irene Ohler xoay quanh vấn đề này.

Xin bà chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của BĐG trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN)!

Bà Irene Ohler: Tại một hội thảo tổ chức tại Hà Nội năm 2020 vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI  Hoàng Quang Phòng đã khẳng định rằng BĐG vẫn là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Ông nói: “Mặc dù phụ nữ đóng góp rất nhiều cho xã hội và nền kinh tế, nhưng họ vẫn chưa được đánh giá cao trên thị trường lao động và chưa được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế như nam giới”.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 69% công ty được khảo sát trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương đồng ý rằng các sáng kiến đa dạng về giới sẽ có tác động tích cực tới quá trình cải thiện kết quả kinh doanh. Trên phạm vi quốc tế, theo khảo sát có tới 74% các công ty lợi nhuận tăng từ 5-20% nếu đa dạng giới trong ban lãnh đạo.

Riêng cá nhân tôi cũng quan niệm rằng, cho dù là một quốc gia hay một tổ chức, cả hai đều không thể thịnh vượng hoàn toàn, phát triển bền vững hoàn toàn nếu vẫn còn những quan niệm, quy chế giữ chân một nửa số người của mình. 

Một báo cáo năm 2016 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội có trụ sở tại Hà Nội đã chỉ ra, trên thế giới, nhất là nhưng nước phát triển, các khía cạnh của nhận thức lâu đời, truyền thống về vị trí của người phụ nữ đã suy yếu theo thời gian thay vào đó là những quan điểm mới, hiện đại đề cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội và gia đình. Trong khi đó, với nhận thức giới cứng nhắc truyền thống đối với các giá trị từ vai trò của nam giới và phụ nữ vẫn được duy trì vững chắc trong suy nghĩ và hành vi của nam giới và phụ nữ ở các nước chưa phát triển nói chung còn tồn tại ở nhiều tầng lớp xã hội, đây được coi là nguyên nhân cơ bản gây ra bất BĐG.

Đặc biệt, tôi cho rằng, nếu bản thân phụ nữ không tự thoát ra khỏi những giá trị, quan niệm cũ đó thì trong nhiều trường hợp chính họ đã sẵn sàng làm tổn hại đến hạnh phúc, sự thăng tiến của mình. Và như vậy, trong sự phát triển chung của nền kinh tế-xã hội, tất nhiên nếu tồn tại tư duy này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của các công ty nói riêng và cả xã hội nói chung.

Quay lại câu hỏi mà nhiều nhà kinh tế, nhiều DN đặt ra là điều gì tạo nên một DN thành công và bền vững? Ngày nay, để đánh giá sự phát triển bền vững của một tập đoàn, một tổ chức kinh tế, bên cạnh nhưng yếu tố thuần túy về kinh tế thì việc DN đó quan tâm đến những yếu tố xã hội như môi trường, chính sách an sinh xã hội và coi trọng yếu tố con người sẽ có ý nghĩa lớn trong quá trình phát triển bền vững. DN đó cần tiếp cận toàn bộ nhóm nhân tài thông qua đầu vào của các nhóm đa dạng (gồm có nam, nữ, đa dạng về văn hóa, độ tuổi…); có chính sách thu hút và giữ chân những tài năng tốt nhất. Đồng thời, DN đó cần tạo ra quyền tiếp cận bình đẳng đối với các cơ hội và kết quả cho phụ nữ, nam giới và những người đa dạng về giới.

Tóm lại, theo tôi, một DN bền vững là DN mà mọi người muốn làm việc, muốn đầu tư vào. Và BĐG tại nơi làm việc là một trong những chính sách quan trọng để đạt được những mục tiêu này. Bởi vì BĐG tại nơi làm việc sẽ thu hút những tài năng tốt nhất, nâng cao danh tiếng, vị thế thương hiệu của công ty và góp phần cải thiện năng suất và lợi nhuận.

Những thành tựu của phụ nữ Việt Nam

Để thúc đẩy vai trò của phụ nữ, các DN cần chú trọng tới phát triển nghề nghiệp và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực và tỉ lệ phụ nữ tại các vị trí quản lý, lãnh đạo trong DN đó. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Bà có thể nhận xét quá trình triển khai BĐG tại Việt Nam trong thời gian qua và tác động tích cực của nó đối với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội? 

Bà Irene Ohler: Về mặt vĩ mô, theo tôi trong thời gian qua, các chương trình chính sách về BĐG của Chính phủ Viêt Nam đã được xây dựng rất toàn diện và kịp thời. Và khi nói về BĐG tại Việt Nam tôi cho rằng có nhiều tin vui và thành tựu.

Đó là phụ nữ ở Việt Nam hiện đã vượt qua nam giới về trình độ học vấn với 54% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học và đang mở rộng kỹ năng của họ trong các lĩnh vực STEM. Họ ngày càng được đào tạo bài bản, tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, có nguyện vọng và tham vọng như các đồng nghiệp nam của họ để được vào quản lý cấp cao.

Theo báo cáo năm 2020 của ILO, phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt cho vai trò ra quyết định trong các DN và các công ty vẫn đang tiếp tục tiếp cận với số lượng phụ nữ ở các vị trí cao nhất để thu được lợi ích.

Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030 cũng kêu gọi giảm khoảng cách giới trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của công dân.

Nhiều DN thành viên AmCham đa quốc gia đã bắt đầu thực hiện các chính sách và thông lệ về BĐG trong các hoạt động tại Việt Nam và các DN này cũng đã có thể đo lường thành công của họ đó là các DN nào ưu tiên BĐG tại nơi làm việc sẽ có hoạt động tốt hơn về mặt tài chính.

Theo bà, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy BĐG ở Việt Nam hơn nữa?

Bà Irene Ohler: Theo tôi thứ nhất, cần bắt đầu đo lường tiến độ thực hiện BĐG và thúc đẩy vai trò phụ nữ trong trong các tổ chức chính phủ cũng như trong các DN để có thể phân tích kịp thời và cụ thể các kết quả, tình hình từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời và phù hợp.

Tại Việt Nam, 79% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi tham gia trong lực lượng lao động và con số này thực sự cao so với các quốc gia khác và chúng tôi rất ấn tượng với sự góp mặt của phụ nữ Việt Nam trong quá trình tham gia vào sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, theo tôi, để thúc đẩy vai trò của phụ nữ thì những con số này chưa phản ánh và đánh giá đầy đủ về thúc đẩy BĐG trong xã hội, DN. Chính vì vậy, các DN cần chú trọng tới phát triển nghề nghiệp và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực và ngành nghề cũng như tỉ lệ phụ nữ tại các vị trí quản lý, lãnh đạo trong DN đó.

Thứ hai, phải xây dựng nhận thức về tác động của định kiến giới cũng như vai trò của BĐG tới sự phát triển của doanh nghiệp cho các chủ DN. Xây dựng các chính sách và thông lệ thúc đẩy BĐG ở mọi cấp độ của DN nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và thúc đẩy BĐG một cách toàn diện.

Thanh Thủy (thực hiện)


     Trong không khí những ngày tháng Ba hướng về kỷ niệm 1982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 112 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là vai trò và vị thế người phụ nữ trong lịch sử.

Con người là hoa của đất và người phụ nữ là hương hoa của cuộc đời. Trong lịch sử phát triển của mình, loài người đã để lại trên từng bậc thang tiến hóa những giá trị văn hóa - văn minh vô giá. Đó là các kỳ quan vĩ đại, những khám phá, phát minh tuyệt vời về tự nhiên và xã hội do con người sáng tạo ra. Nhưng có một kỳ quan vượt lên tất cả mọi kỳ quan, trường tồn từ buổi sơ khai nhân loại cho tới hôm nay và mãi mãi mai sau, đó chính là người phụ nữ - người Mẹ - phái đẹp. Đó là những con người có vai trò duy trì nòi giống theo quy luật tự nhiên, quyết định sự tồn vong nhân sinh. Chính vì chức năng thiên bẩm ấy mà đại văn hào Maxim Gorki đã viết:

Đời thiếu Mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng, thi sỹ hỏi còn đâu

     Quả vậy, trong tự nhiên, người phụ nữ giữ vai trò cân bằng sinh thái: thực hiện thiên chức vĩ đại mà tạo hóa đã ban tặng là làm mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ. Trong gia đình - tế bào của xã hội, người phụ nữ giữ vai trò làm vợ, người nội trợ vĩ đại, người tạo nên tổ ấm tình yêu như ngạn ngữ có câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Bởi thế, ở mỗi gia đình, nếu thiếu hình bóng người phụ nữ sẽ trở nên rất trống vắng, cô đơn. Ngoài xã hội, họ là nguồn động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Trong các loại hình nghệ thuật, nếu không có phụ nữ sẽ không thể có nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa, vũ đạo, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh thăng hoa. Và có thể nói: không có phụ nữ sẽ không có nền văn hóa nhân loại. Bởi lẽ họ vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong sáng tạo nghệ thuật. Lịch sử đã chứng minh, từ xưa đến nay, tất cả những thiên tài thành công trong các lĩnh vực sáng tác nghệ thuật đều lấy cảm hứng và đề tài chủ đạo từ người phụ nữ.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nằm trên bán đảo Đông Dương ở Đông Nam châu Á. Các di chỉ khảo cổ học đã cho thấy trong nền văn hóa Hòa Bình cách ngày nay từ hơn một vạn năm nền nông nghiệp sơ khai đã ra đời và liên tục phát triển. Đất đai màu mỡ phù sa của vùng đồng bằng châu thổ cùng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều là môi trường sinh thái thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Cho đến cuối thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc với nghề trồng lúa nước là ngành kinh tế chủ đạo. Các truyền thuyết dân gian về bà mẹ lúa cùng với tín ngưỡng dân gian thờ Nữ thần còn khá phổ biến cho tới tận ngày nay đã phản ánh công lao của phụ nữ trong việc phát minh ra nghề nông cũng như vai trò quan trọng của họ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm của nền kinh tế nông  nghiệp tiểu nông trong đó các gia đình nhỏ là đơn vị sản suất chủ yếu đòi hỏi sự hợp tác lao động chặt chẽ giữa phụ nữ, nam giới và cho phép phụ nữ tham gia vào mọi khâu trong quá trình sản xuất từ cày, bừa, gieo mạ, cấy, gặt, làm cỏ, bón phân, tát nước... Hình ảnh Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa là hình ảnh tiêu biểu đặc trưng ở các làng quê Việt Nam.

     Một đặc điểm khác trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam là do địa bàn cư trú của người Việt nằm ở lưu vực những con sông lớn có độ dốc cao, lũ lụt thường xuyên xảy ra nên từ hàng nghìn năm trước, để bảo vệ cuộc sống và mùa màng, người Việt không thể không đắp đê, phòng lụt. Hơn nữa, bản thân nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống tưới tiêu. Đắp đê, làm thủy lợi là công việc thường xuyên đòi hỏi công sức của nhiều người, đặc biệt là nam giới.

     Ngoài ra, với vị trí là chiếc cầu nối giữa lục đại Châu Á rộng lớn vùng Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm. Có thể nói, hiếm có một quốc gia nào trên thế giới trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình lại phải tiến hành chống ngoại xâm nhiều lần và trong nhiều thế kỷ như Việt Nam. Vì vậy, không chỉ trong thời chiến mà cả  trong thời bình nam giới cũng bị huy động vào quân đội để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

     Như vậy, nếu như hai nhân tố làm thủy lợi và chống  ngoại xâm là hai nhân tố cơ bản tạo nên sự cố kết cộng đồng và là điều kiện thúc đẩy Nhà nước hình thành sớm ở Việt Nam thì đó cũng chính là nguyên nhân làm cho phụ nữ Việt Nam phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm đối với gia đình và làng xóm. Đó là khi nam giới thường xuyên phải vắng nhà vì bị huy động đi phu làm thủy lợi và đi lính bảo vệ Tổ quốc thì phụ nữ phải đảm đang gánh vác mọi việc từ lao động sản xuất ngoài đồng ruộng cho tới nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già... Ca dao xưa có nhiều câu phản ánh thực tế này:

- Chàng ơi phải lính thì đi

Cửa nhà sau trước đã thì có em

- Anh đi em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ

- Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già...

     Không chỉ thay chồng nuôi mẹ, nuôi con khi chồng đi phu, đi lính, người phụ nữ Việt Nam còn nuôi chồng đi học, đi thi khi chế độ khoa cử và chính sách khuyến khích Nho giáo của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tạo nên một tầng lớp nho sỹ suốt đời theo nghiệp khoa cử coi thường lao động chân tay. Ca dao xưa có nhiều câu phản ánh điều này:

- Anh thì quần áo rong chơi,

Để em đi cấy bồ hôi ướt đầm

- Tiền gạo thì của mẹ cha

Cái nghiên cái bút thật là của em

- Sang năm lúa tốt nhiều tiền,

Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng...

     Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng thu nhập từ nghề nông lại rất bấp bênh bởi thiên tai thường xuyên xảy ra. Không những thế, đất đai ít, dân số ngày càng tăng, thu nhập ít ỏi từ nghề nông không dủ cho người nông dân trang trải gánh nặng tô thuế và nuôi sống gia đình họ. Vì vậy người nông dân buộc phải làm thêm nhiều nghề phụ và phát triển buôn bán nhỏ để đảm bảo cuộc sống. Những công việc này phần lớn cũng do phụ nữ đảm nhiệm.

     Có thể nói, do những điều kiện tự nhiên, đặc điểm về kinh tế - xã hội, phụ nữ Việt Nam dù muốn hay không cũng đã là những người có vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội cũng như kinh tế gia đình. Những đóng góp quan trọng của họ đối với gia đình và xã hội đã góp phần tạo nên vị thế của họ trong xã hội. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, gần đây khuynh hướng chung của các nhà khoa học đều cho rằng phụ nữ Việt Nam có địa vị cao trong gia đình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vị thế của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử không những được phản ánh qua tư liệu lịch sử mà còn được phản ánh trong các truyền thuyết, ngôn ngữ và các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa dân gian...vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, bất chấp việc Nho giáp được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và được các Nhà  nước phong kiến Việt Nam lấy làm nền tảng cho việc trị nước của mình.

     Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ban hành năm 1946 đã chính thức xác nhận quyền bình đẳng với nam giới của phụ nữ trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa. Đây không chỉ là thắng lợi của Nhân dân Việt Nam nói chung mà còn là thắng lợi của phụ nữ Việt Nam - những người luôn luôn khẳng định năng lực lao động và sáng tạo của mình trong sản xuất và chiến đấu cũng như thể hiện sự khát khao tự do, bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn khẳng định đường lối vận động phụ nữ cà các chính sách phụ nữ của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như phù hợp với truyền thống tôn trọng phụ nữ của dân tộc.

     Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để bảo vệ thành quả Cách mạng vừa giành được, phụ nữ Việt Nam đã cùng toàn thể Nhân dân Việt Nam bước bào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1954-1975) xâm lược kéo dài ba mươi năm đó là chưa kể tới hai cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc (1979). Trong cuộc trường kỳ kháng chiến này, phụ nữ  Việt Nam đã không những vừa đảm đang thay chồng sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Các danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... đã chứng tỏ công lao và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam công nhận mà còn được toàn xã hội tôn vinh.

     Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, ngoài việc thực hiện thiên chức, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, người phụ nữ còn phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hóa, có tri thức, có kỹ năng sống, có sức khỏe tốt để tiếp cận và nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ, kiến thức thực tiễn để phục vụ công việc ngoài xã hội. Trên thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội hơn cả nam giới và họ đã mạnh dạn ứng cử, xung phong làm  những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ đã thật sự thoát khỏi những định kiến, lễ giáo cổ hủ, hà khắc để vươn lên sống tốt hơn và có nhiều đóng góp hơn cho gia đình và xã hội. Phải nói rằng, khi xã hội có bình đẳng giới, nhận thức về vai trò và vị thế của phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn. Họ không còn chỉ quẩn quanh với công việc nội trợ mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực.

     Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới, người phụ nữ đã, đang và sẽ thực hiện hài hòa hai việc: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chị em phụ nữ rất cần được ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Mỗi người phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ./.

     Tài liệu tham khảo:

  1.      Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, Nxb.Thế giới, H.1999
  2.      Trần Quốc Vượng, Truyền thống phụ nữ Việt Nam, Nxb.Phụ nữ, H.1972
  3.      Tục ngữ câu đố ca dao dân ca, Trường Đại học Tổng hợp, H.1997